Hai khối tình
Chương II
Mặt nhựt tám giờ rưỡi sớm mai chói sáng lòa trên bầu trời mù mù tô những vừng mây chỗ đen như khói, chỗ trắng như bông.
Cô Cúc mặc bộ y phục bằng lụa trắng may thật khéo, tay ôm xấp tiểu thuyết gói trong một tờ nhựt trình cũ, đi lẩn thẩn theo đại lộ Bonard với cô Kim cũng mặc đồ trắng. Hai cô mặt mày hớn hở, bộ tướng gọn gàng, thấy những hàng hóa phô trương trong mấy tiệm dựa bên đường mà không lưu tâm, gặp trai liếc mắt mỉm cười đưa tình mà không bợ ngợ.
Tới báo quán[1] “Việt Nam Tân Phụ Nữ”, hai cô ghé vô. Cô Kim hỏi thăm thầy ngồi gần ngoài cửa coi cô Thanh Châu, là chủ nhiệm tờ báo nầy đã đến phòng làm việc hay chưa. Thầy ấy gật đầu đáp: “Dạ đã lại rồi. Xin mời hai cô đi thẳng lên lầu”.
Cô Kim đi trước, cô Cúc theo sau, hai cô hăng hái bước lên lầu.
Cô Thanh Châu vừa thấy cô Kim thì đứng dậy mừng rỡ tiếp chào. Cô Kim tiến dẫn cô Cúc: “Cô Cúc là chị em bạn thân thiết của tôi, mới thi đậu kỳ nầy; vì mến tài văn của chị nên cậy tôi tiến dẫn để biết nhau”.
Cô Thanh Châu bắt tay cô Cúc, bộ vui vẻ nói: “Tôi lấy làm vinh hạnh mà được biết cô. Ước sao bọn chị em tân học chúng ta mỗi ngày một đông thêm, đông cho mau, đặng cạnh tranh với đàn ông mà đòi nhơn quyền của phụ nữ cho được đầy đủ cũng như hạng nam nhi vậy”.
Cô Cúc nhờ có học thức nên trí đã tấn hóa theo đời mới, song trong nhà vẫn có một bà già xưa, ngày đêm thường nói những lời ôn hòa, những câu đạo đức, bởi vậy cô nghe mấy tiếng “cạnh tranh với đàn ông”, “đòi nhơn quyền của phụ nữ”, thì cô giựt mình, lo ngại, nên cô bợ ngợ đáp:
– Em còn nhỏ mà lại quê mùa, sợ e không đủ trí lực mà làm việc lớn lao theo như cô nói đó.
– Cô chẳng nên khiêm nhượng; cái tánh khiêm nhượng là tánh xấu xa, nó làm cho con người bạc nhược, không dám tấn thủ, không dám tranh đấu với ai hết. Đời nầy phải tập cho được cái tánh tự cường, đừng sợ, đừng nhường người ta, được như vậy thì mới có thể tấn hóa.
– Em rất cảm ơn cô về mấy lời cô khuyên dạy.
– Cô mới ra khỏi nhà trường, tâm hồn còn mê mẫn những luân lý theo sách vở. Để thủng thẳng rồi cô sẽ thấy những luân lý của xã hội không giống với luân lý của giáo sư dạy đâu. Chị giáo Kim đã nếm mùi đời, chắc chị không cho những lời tôi nói đó là quá đáng.
Mấy cô đều cười.
Cô Thanh Châu dắt hai người khách lại cái bàn viết gần cửa sổ phía trước mà giới thiệu với cô Minh Nguyệt, là chánh chủ bút trong tòa soạn. Bắt tay chào nhau rồi bốn cô ngồi chung quanh cái bàn ấy đầy những sổ sách và nhựt báo.
Cô Kim hỏi cô Thanh Châu:
– Chị làm báo coi bộ mệt lắm hả?
– Mệt… nhưng mà vui, vui vì mình lãnh cái thiên chức tối cao, là soi đường dẫn bước cho dư luận, binh vực và bào chữa cho công lý.
– Trong tòa soạn chị có đủ người dùng hay không?
– Đủ. Chị hỏi chi vậy? Thế khi dạy con nít chị đã chán rồi, nên chị muốn ra làm “thầy đời” hay sao?
– Không. Tôi hỏi thăm như vậy là vì có cô Cúc đây, cô ái mộ văn nghệ, học xong rồi, cô muốn chèn mình vào làng văn. Tưởng như chị thiếu người giúp trong tòa soạn thì tôi tiến dẫn cô vô mà giúp với chị.
– Tôi lấy làm tiếc lúc nầy tôi có đủ người phụ sự nên không thể dùng cô được. Thuở nay cô có tập viết báo rồi hay sao?
Cô Cúc rước mà đáp:
– Em chưa tập viết báo, nhưng mà em đã có viết tiểu thuyết.
– A! Cô đã cho xuất bản được mấy bộ rồi?
– Em mới soạn xong có một bộ, mà vì em mắc học nên chưa lo xuất bản được.
– Đời nầy tiểu thuyết gia phát hiện đông như nấm mộc. Nhưng mà phe đàn ông thì nhiều, chớ phe phụ nữ ta thì ít ai chịu viết. Cô có chí viết tiểu thuyết thì là qúy lắm. Bộ tiểu thuyết cô soạn rồi đó cô để tựa thế nào, viết về loại nào, tâm lý hay là xã hội, hay là diễm tình, hay là phiêu lưu?
– Em đề tựa “Mảnh gương trinh”, thuộc về phụ nữ xã hội tiểu thuyết. Em có đem theo đây, xin cô xem coi như có được thì em nhường bổn quyền đặng cho cô đăng báo.
– Hiện bây giờ trong tòa soạn tôi, có sẵn tới bốn năm bộ tiểu thuyết của chị em gởi tặng mà tôi chưa đăng báo được.
Cô Cúc mở gói trao xấp tiểu thuyết cho cô Thanh Châu. Cô Kim tiếp nói: “Tôi đã có xem thử rồi. Bộ tiểu thuyết nầy thiệt là hay; câu văn giản dị, mà truyện lại ly kỳ nữa, nên đọc rồi cảm xúc quá”.
Cô Thanh Châu giở ra rồi chúm chím cười mà nói: “Mảnh gương trinh!” Cô đặt tựa nghe xưa quá. Đời nầy viết tiểu thuyết phải đề cái tựa cho hùng hào, cho mới mẻ, độc giả họ mới chịu… Tại sao cô dùng ba chữ “Mảnh gương trinh” mà đề tựa? Trinh về vật chất hay trinh về tinh thần?”
Chưa quen tranh biện, mà lại bị bác bẻ thình lình, cô Cúc có hơi khiếp sợ, nên ú ớ đáp:
– Trong truyện miêu tả tâm hồn của một cô gái nghèo mà có sắc. Tuy cô sanh trưởng trong một xã hội trọng bạc tiền, chớ không biết trọng danh dự, bọn nam nhi coi phường phụ nữ như vật để họ chơi cho vui, nhưng mà cô giữ vẹn cái trinh tiết của cô, không bợn nhơ lem luốc. Tại như vậy đó nên em phải đề tựa “Mảnh gương trinh”.
– Nếu như vậy thì gương trinh của cô đây về vật chất. Lý thuyết ấy cũ kỹ lắm không hạp thời nữa.
– Tại sao vậy? Xin cô cắt nghĩa giùm cho em hiểu.
– Bực thanh niên đời nay quan niệm về chữ trinh khác hơn người đời xưa. Theo đời xưa thì nam nữ thọ thọ bất thân; con gái mà để cho con trai đụng mình thì là mất trinh rồi. Theo đời nay người ta kể cái trinh về tinh thần mà thôi, bởi vậy con trai con gái mới ôm nhau khiêu vũ mà người ta cho là lịch sự, chớ không phải người ta chê mất trinh mất tiết.
Cô Cúc bối rối, không biết lấy lý nào mà cãi được, nên ngồi buồn xo.
Cô Kim nói:
– Tiểu thuyết này hay lắm mà. Tôi chắc hễ chị ấn hành vào báo thì độc giả sẽ hoan nghinh. Chị đăng báo thử đi. Như công chúng chịu, thì cô Cúc sẽ viết nữa mà bán cho chị.
– Tôi đã nói tôi có sẵn tiểu thuyết nhiều lắm rồi, của chị em họ cho, chớ tôi khỏi mua. Tôi lấy làm tiếc quá. Có lẽ mấy nhà báo khác họ cần dùng hơn tôi. Vậy xin chị dắt cô lại hỏi nhà báo khác thử coi.
Cô Thanh Châu trao xấp tiểu thuyết lại cho cô Cúc.
Cô Cúc không muốn này nỉ, nên lật đật gói lại rồi đứng dậy từ giã mà về với cô Kim.
Khi ra đường rồi, cô Kim mới hỏi cô Cúc:
– Bây giờ em muốn đến nhà báo nào nữa?
Cô Cúc lắc đầu đáp: “Thôi, em tưởng dầu có đến nhà báo khác thì cũng vậy, chớ không ích gì. Em muốn đến nhà in mà hỏi thử xem như họ chịu mua mà xuất bản thì mình bán phức cho xong”.
Hai chị em đi lại nhà in của người Việt ở đường Kinh Lấp. Ông chủ tiếp rước ân cần, tưởng hai cô đến mướn in sách. Chừng ông ghe muốn bán tiểu thuyết cho ông xuất bản thì ông châu mày mà đáp: “Phụ nữ Việt Nam bây giờ viết tiểu thuyết được, thật đáng khen đáng trọng lắm. Tôi hết sức muốn giúp hai cô, một là vì tình phụ nữ Việt Nam , hai là vì nền văn hóa của nước nhà. Ngặt vì tôi mắc đấu giá lãnh in đồ của người ta nhiều quá, máy không bao giờ rảnh mà in tiểu thuyết. Vậy hai cô chịu phiền hỏi thử nhà in khác có lẽ họ mua mà xuất bản được”.
Hai chị em trở ra, mặt buồn hiu. Dắt nhau lại chợ mới, tới nhà hàng Phan Thành, cô Kim khát nước nên rủ cô Cúc ghé vô uống nước cam giải khát. Hai cô ngồi một cái bàn dựa hàng kiểng, ngó quanh quất, thì trong nhà hàng trống trơn, chẳng có khách nào khác. Cô Kim dạy bồi lấy hai ly nước cam tươi.
Lúc ấy có một chiếc xe hơi ngừng ngay cửa nhà hàng, rồi một người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, tướng mạo phong lưu sang trọng, mặc đồ âu phục may rất khéo, thủng thẳng đi vô và lại ngồi cái bàn gần một bên chỗ hai cô ngồi. Người ấy kêu bồi đem một ly la-ve[2].
Cô Cúc uống một hớp nước cam rồi nói với cô Kim:
– Má em nói: “Đường đời gay go lắm”. Thuở nay em chắc má em kiếm cớ mà dọa em, nên em không tin. Bây giờ em mới dợm bước chân vào đường đời, sao em giựt mình, em nghe lời nói ấy tựa hồ có thiệt chớ không phải dọa hâm đâu chị.
– Tại sao em nói như vậy?
– Chị để em cắt nghĩa cho chị nghe: Mấy tháng nay em viết bộ “Mảnh gương trinh” rồi, em chắc ý mấy nhà báo, hoặc mấy nhà in, họ sẽ giành nhau mua mà xuất bản; mà hễ đăng lên báo hoặc in thành sách thì công chúng sẽ hoan nghinh nhiệt liệt.
– Chị đọc kỹ, thiệt bộ tiểu thuyết của em hay lắm chớ, hay hơn những bộ tiểu thuyết của họ nhiều.
– Thấy hôn! Em chẳng nói giấu chị làm chi, viết được bộ “Mảnh gương trinh” rồi, em chắc em có cái óc văn sĩ, bởi vậy mấy tháng nay em thầm tính, hễ học xong rồi thì em không thèm làm việc gì hết, em quyết trao giồi văn nghệ để sống với cái đời cao thượng chơi, giàu nghèo không cần, miễn là văn chương tao nhã, ái tình dồi dào thì đủ vui.
– Lãng mạn.
– Không phải lãng mạn… Thanh tao chớ… Em lập chí như vậy mà bữa nay mới giao thiệp với một bà chủ nhà báo và một ông chủ in, thì cái chí ấy coi dường như muốn rung rinh. Chị nghĩ đó mà coi, em trao bộ tiểu thuyết cho cô Thanh châu, cô coi mấy chữ tựa chớ cô chưa đọc, cô không biết câu văn với ý tưởng thế nào, mà cô kiếm đủ cách đặng bác bẻ chê bai. Cô lập thể làm thầy em, cô lại muốn em làm tôi mọi cho cô mà cô khỏi phải trả tiền công, nên cô kiếm chuyện nói cô có sẵn tiểu thuyết nhiều, những tiểu thuyết ấy đều của chị em viết mà dưng cho cô, đã dư dùng mà còn khỏi tốn tiền mua. Phách lối ma xảo quá! Còn ông chủ nhà in, tuy ngoài miệng ông tôn trọng chị em mình, song em biết trong bụng ổng khinh khi mình lắm, nên kiếm chuyện đuổi mình đi cho mau, mà đuổi cách lịch sự. Mới bước chân vào đường đời mà đã đạp chông gai rồi! Lời má em nói thiệt là đứng đắn.
– Em chẳng nên thối chí. Em quyết chuyên nghề văn thì tốt lắm chớ. Vậy em phải có nghị lực mà đuổi theo mục đích của em. Việc khó mà mình bền chí làm được thì mới giỏi.
Cô Cúc ngó sững chậu cau vàng trước mặt mà suy nghĩ một hồi lâu rồi mới đáp:
– Khó lắm!… Chớ chi nhà em dư giả thì em mới có thể đeo đuổi mà đạt cái mục đích của em được. Chị rõ biết nhà em tuy không đến nỗi khổ, song phải tiện tặn lắm mới đủ ăn. Má em lãnh tiền cấp dưỡng sương phụ, tính mỗi tháng có năm chục đồng. Hai mẹ con phải sống ở đất Sài Gòn với số tiền ấy thì làm sao mà thong thả được. Mấy năm nay em trông học cho thành công đặng làm kiếm tiền mà giúp đỡ má em. Nay học rồi em phải làm sao, chớ ở không viết tiểu thuyết đặng chị em mình đọc chơi, không bán cho ai được thì không tiện.
– Thôi thì em kiếm việc làm cho có số lương mà giúp cho bà phán, rồi ban đêm rảnh rang em viết tiểu thuyết.
– Làm việc gì?
– Việc gì cũng được, thủng thẳng rồi sẽ kiếm. Thôi em làm đơn xin nhà nước cấp bằng em làm nữ giáo viên cho xong.
– Em coi đời nầy muốn làm việc gì thì cũng phải có thân thế mới được. Chị tưởng hễ gởi đơn xin thì được hay sao? Vậy chớ chị không nhớ hồi nãy chị gởi gắm em cho cô Thanh Châu vào tòa soạn, mà cô cũng không nhận đó sao?
– Thiệt đời khổ lắm, nhứt là khổ cho thân phận phụ nữ.
Người ngồi gần hai cô mà uống la-ve đó, nãy giờ lặng thinh lóng tai nghe hai cô nói chuyện, song cứ liếc mắt ngó hai cô hoài, nhứt là ngó cô Cúc. Chừng nghe hai cô than thở, thấy sắc hai cô buồn, mới xây ghế day qua và cười và nói: “Xin lỗi hai cô, hai cô nói chuyện riêng, mà tôi lóng nghe thì tôi vô lễ quá. Tuy vậy mà tôi chắc hai cô không nỡ bắt lỗi tôi, bởi vì tôi ngồi gần hai cô, dầu tôi không muốn nghe hai cô nói chuyện cũng không được. Huống chi người có sắc đẹp như hai cô, lại câu chuyện thú vị nhiều quá, làm sao mà không muốn nghe cho được”.
Hai cô ngó nhau, miệng chủm chỉm cười. Cô Kim nghĩ người ta nói vậy, nếu mình không trả lời thì người ta cho mình là gái quê dốt nhút nhát, bởi vậy cô mới đáp rằng:
– Thưa ông, ông có lỗi chi đâu. Mà câu chuyện của chị em tôi là chuyện thường chớ không phải chuyện kín, nên dầu ông có nghe cũng chẳng quan hệ gì.
– Cám ơn cô. Theo câu chuyện của hai cô nãy giờ, tôi nghe hình như hai cô muốn kiếm công việc làm, song không có ai tiến dẫn đỡ đần nên hai cô bối rối phải hôn?
– Thưa, em tôi đây tính kiếm công việc làm chứ không phải tôi.
– À, ạ, vậy hả?
Người ấy nhìn cô Cúc rồi nói:
– Cô đây tôi không lạ. Tôi có gặp cô một hai lần rồi, song không nhớ gặp tại đâu.
– Tôi sợ ông nhớ lầm.
– Không, không lầm đâu. Tôi nhớ cô là con ông phán phải hôn?
Cô Cúc chưng hửng, ngó ngay người đó mà đáp:
– Thưa phải. Sao ông biết?
– Có lẽ hồi trước cô đi với ông phán rồi tôi gặp. Tại lâu quá nên cô không nhớ.
– Ba tôi mất đã hơn 5 năm rồi.
– Phải. Hồi trước tôi cũng có làm việc nhà nước. Tôi có điền đất ở Rạch Giá nhiều. Cách 10 năm nay nhờ trời ngó lại, ruộng tôi trúng mùa luôn luôn nên tôi thôi làm việc ở nhà lo thâu góp huê lợi. Tôi không có dịp được gặp bà phán, song tôi quen biết với ông phán lâu lắm. Năm ông phán mất, tôi mắc ở dưới ruộng nên tôi không hay. Sau về Sài Gòn nghe anh em nói lại tôi thương tiếc hết sức. Ông phán hồi trước là người hiền lành chơn chất. Không biết ông phán có mấy người con?
– Có một mình tôi.
– Té ra không có con trai?
– Tội nghiệp dữ hôn! Bà phán năm nay mạnh khỏe?
– Thưa, mạnh.
– Bây giờ bà phán ở đâu?
– Thưa, ở ngang nhà thờ Chợ Đũi.
– Tôi đây là Trần Thái Dương. Cô về nói lại có lẽ bà phán biết. Điền đất tôi ở dưới Rạch Giá, song ở dưới ruộng buồn quá tôi chịu không được nên tôi mua nhà về ở trên nầy. Tôi mua một cái nhà lầu ở trên đường Garcerie. Cô muốn kiếm công việc gì mà làm đặng giúp đỡ bà phán phải hôn?
– Thưa, phải.
– Hai cô nói chuyện hồi nãy đó, tôi nghe phải lắm. Đời nầy muốn làm việc gì cũng phải có thân thế mới được. Cô muốn làm việc gì? Tôi quen với mấy ông lớn hết thảy. Mấy ổng ăn cơm hoặc đi chơi với tôi luôn luôn. Cô muốn làm việc gì xin cô nói cho tôi biết rồi tôi cậy mấy ổng giúp cho.
Cô Cúc bán tính bán nghi nên dụ dự, không biết có nên nói thiệt hay không.
Ông Trần Thái Dương thấy vậy bèn nói tiếp:
– Tôi thương ông phán lắm. Cô cũng như em cháu của tôi; tôi sẵn lòng giúp cô, xin cô đừng ngại chi hết.
– Cám ơn ông…
– Cô muốn dạy học hay muốn làm báo? Cô muốn làm việc gì, cô cứ nói thiệt. Tôi hứa chắc sẽ làm cho cô mãn nguyện.
– Việc nào cũng được…
– Cô dám lãnh làm chánh chủ bút một tờ nhựt báo hay không? Xưa rày tôi có ý muốn lập một tờ nhựt báo chơi. Ngặt vì tánh tôi không được siêng, lại tôi ghét cái thói mắng lộn, nên tôi sợ coi không kham. Nếu cô bằng lòng lãnh trách nhiệm chủ bút và quản lý thì tôi sẽ lập cho cô coi.
– Tôi mới ra khỏi nhà trường, tôi sợ không đủ tài đủ trí mà làm việc lớn lao như vậy.
– Làm lần lần rồi quen, có khó gì. Tôi thấy có người học ít xỉnh mà họ làm coi cũng gần rộ quá.
– Ông có lòng chiếu cố, ông muốn tác thành cho em út như vậy, thiệt em cảm ơn ông hết sức. Xin ông cho phép em suy nghĩ ít bữa rồi em sẽ trả lời cho ông.
– Ừ, được. Như cô không muốn làm nhựt trình, cô muốn làm việc khác, thì tôi cũng sẵn lòng giúp cho. Nhà cô ở đường gì, số mấy, xin cô cho tôi biết đặng hễ tôi kiếm được việc làm thì tôi cho cô hay.
– Thưa, em ở đường Duranton, số 527.
Ông Trần Thái Dương lấy ra cuốn sổ nhỏ mà biên, hỏi tên cô Cúc rồi biên luôn nữa. Ông lại đưa cho cô một tấm danh thiếp mà nói: “Cô cất tấm danh thiếp của tôi đây. Cô suy nghĩ rồi hoặc cô lại nhà tôi mà trả lời, hoặc cô viết thơ cho tôi biết cũng được”.
Ông kêu bồi biểu tính tiền la-ve và nước cam của hai cô luôn rồi ông trả tiền, hai cô cản lại không được.
Ông lại hỏi: “Bây giờ hai cô về hay là còn đi đâu nữa? Như còn đi đâu thì tôi mời lên xe đặng tôi đưa đi”.
Cô Kim đáp: “Cám ơn ông. Chị em tôi đâu dám làm nhọc lòng ông đến thế, chị em tôi lại chợ mua đồ một chút rồi mới về”.
Ông Dương cười rồi cúi đầu từ giã hai cô.
Ra khỏi nhà hàng, cô Kim nói với cô Cúc:
– Em may quá. Chắc là có công việc làm rồi.
– Sợ ổng nói dóc chớ.
– Ồ! Sao em nghĩ người ta như vậy? Em có cậy ổng đâu. Tại ổng quen với ông phán nên muốn giúp cho em chớ. Em chịu làm chánh chủ bút nhựt báo hay không?
– Để em suy nghĩ ít bữa.
– Làm đặng đối đầu với cô Thanh châu cho cổ hết phách. Em có tờ báo, em đăng bộ tiểu thuyết của em, cho công chúng xem chơi.
Cô Cúc đắc chí, miệng chủm chỉm cười, làm cho mặt mày thêm vẻ đẹp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.