Hai khối tình

Chương XIII



Buổi sớm mai thứ năm, tòa sơ nhóm xử việc hộ. Ông trạng sư Xương có một vụ sẽ xử bữa ấy, nên ông ôm cặp da lật đật đi lên tòa. Đi ngang qua khám lớn ông thấy bà Phán với cô Kim đương đứng tại góc đường thì ông giở nón chào rồi hỏi bà phán:

– Thím với cô giáo ra đón em Cúc phải không?

– Phải, ra đón rước nó về. Hồi hôm ông sai người cho tôi hay sáng nầy tòa thả nó mà sao tới bây giờ chưa thấy nó ra.

– Chiều hôm qua quan thẩm án bắt em Cúc đối diện với bọn đó trước mặt cháu. Sớp phơ khai không biết em Cúc. Người ngồi khai biết em Cúc là trưa bữa ấy ông Dương có sai đem thơ lại cho em, song đến 3 giờ chiều nó đi chợ thì chưa có em Cúc lại đó, Hoàng khai không dè em Cúc lại nhà ông Dương. Còn tên Đáo là đứa sát nhơn, thì nó khai tới 4 giờ chiều nó ngồi dựa cột đèn khí trước nhà ông Dương mà rình, nó thấy em Cúc ngồi xe kéo lại tới, rồi ông Dương mở cửa rào mà rước em vô nhà. Em Cúc ở trong nhà gần nửa giờ rồi em ra. Sẵn cửa mở nó liền vô, rồi đi tuốt lên lầu. Nó thấy ông Dương đương đứng sửa cái bàn cho ngay ngắn, nó a lại ông Dương, toan nhét khăn vào họng cho ông khỏi la. Ông vùng vẫy vật lộn với nó, lại la lên. Nó sợ nếu để ông la thì nó sẽ bị bắt, nên nó phải rút dao mà đâm. Ông té nằm ngay đó rồi nó mới cạy tủ mà lấy bạc. Tên Đáo khai rành rẽ quá làm cho em Cúc hết khai dối nữa được, cùng thế phải chịu thiệt rằng vì tại ông Dương toan làm nhục thân danh em, nên em giận em khai như vậy đặng làm lem luốc vong hồn của ông chơi. Quan thẩm án quở em, rồi biểu thầy thông ngôn làm giấy tờ đặng thả em. Chắc bên khám làm giấy tờ chưa kịp, nên em mới ra trễ. Bề nào buổi sớm mơi nầy cũng ra. Xin thím chờ một chút.

– Tôi phải chờ chớ.

Cô Kim hỏi ông Xương:

– Lên giữa tòa, em Cúc gặp thầy Hoàng, coi bộ em Cúc thể nào?

– Bộ ghét lắm, không thèm ngó.

– Còn thầy Hoàng?

– Hổ thẹn, nên cứ cúi mặt, không dám ngó.

– Em Cúc đã hay thầy Hoàng lập mưu giết Dương mà giựt bạc đó hay không?

– Hay chớ. Bọn đó chịu thiệt hết, có trước mặt em Cúc… Hoàng cũng chịu.

– Có vậy thì em Cúc mới tỉnh ngộ mà dứt tình được.

Ông Xương châu mày, đứng suy nghĩ một chút rồi nói: “Tới giờ rồi, tôi phải vô tòa đặng cãi vụ của tôi. Thối, thím với cô giáo ở đây và chờ em Cúc”. Ông giở nón cúi đầu từ giã rồi bươn bã đi vô tòa.

Đến 9 giờ cô Cúc ở trong cửa khám thủng thẳng đi ra đường.

Cô Kim vừa ngó thấy thì chạy lại kêu và nói: “Em Cúc, có bác đây nè, em!”.

Cô Cúc ngược mặt lên ngó thấy cô Kim với bà Phán, thì châu mày khựng lại, cô Kim liền nắm tay dắt đi lại chỗ bà phán đứng và nói: “Tôi với bác Phán chờ em từ hồi sớm mai cho tới bây giờ. Nghe nói tòa làm giấy tha em từ hồi chiều hôm qua, mà sao em ra trễ vậy?”

Cô Cúc không trả lời. Đi gần tới chỗ bà Phán đứng, cô ngó mẹ, mẹ con đều khóc hết, không nói được một tiếng. Cô Kim liền kêu lại ba chiếc xe kéo, rồi ba người leo lên xe mà về.

Bước vô nhà, cô Cúc liền ngồi xề trên cái ghế xít đu lấy vạt áo đậy mặt mà khóc và nói: “Mấy tháng nay con làm cho má buồn rầu, con nghĩ lại con ăn năn hết sức… Con xin má tha lỗi cho con…”

Bà phán động lòng nên bà cũng khóc, chớ không nói được.

Cô Kim thấy vậy cô mới rước lời mà đáp: “Thôi lỡ lầm mà em biết lỗi, thì có thể dung chế được phân nửa rồi. Có như thế em mới nếm được chút ít mùi đời, em mới thấy được nhơn tình thiệt giả, đặng em khỏi lầm lạc nữa. Có lẽ tại tuổi của em năm nay phải mang một cái họa nên mới khiến có việc rắc rối nhưu vậy. Bây giờ họa đã qua rồi. Vậy ngày nay là ngày vui, em cũng vậy, mà bác phán cũng vậy, chẳng nên buồn nữa”.

Bây giờ bà phán mới nói: “Có như vậy mới biết bọn già tuy lù mù, song người ta thấy xa hơn đám nhỏ nhiều lắm. Nếu mỗi việc nó nghe theo lời tôi, thì có sanh chuyện gì đâu. Tại nó bắt chước người ta mà tập tánh mới, làm người mới nên phải bị hại như vậy đó”.

Cô Kim sợ cô Cúc nghe lời quở trách ấy rồi đau đớn thêm mữa, nên cô khuyên bà phán: “Em Cúc đã biết ăn năn rồi, vậy cháu xin bác hỉ xả sự lỡ lầm của em, đừng chấp em nữa tội nghiệp. Ở trong khám đã mấy tháng nay, ăn ngủ thất thường nên em ốm nhiều. Hồi sớm mai bác có dặn con Ba mua đồ cho sẵn đặng em về em ăn. Vậy xin bác biểu con Ba dọn đồ đi, để cháu dắt em đi rửa mặt thay đồ cho mát mẻ rồi em ăn”.

Bà phán đi xuống nhà bếp mà coi cho con Ba chiên thịt bò, chặt thịt quay, dọn bánh mì, sắp bánh hỏi.

Cô Kim thì lo thôi thúc cô Cúc tắm rửa rồi thay đổi áo quần cho mát mẻ sạch sẽ.

Mấy tháng nay cô Cúc thất tình thất vọng cứ quyết hủy sự tự do, hủy các hạnh phúc, và nếu có thể được, thì cô hủy luôn cái đời của cô, đặng thoát ly những nỗi não nề chán ngán. Cô muốn như vậy mà pháp luật ngăn cản, không cho cô làm như vậy, nên thả cô ra. Bây giờ cô phải tổ chưc cái đời của cô như thế nào?… Khiếp nhược, lại bỏ mẹ già một mình quạnh hiu buồn thảm tội nghiệp, phải gượng gạo mà sống với một tấm lòng chán ngán cho tới già chăng?……. Sống dường ấy thì thân như một khúc cây mục, có vui sướng gì mà phải sống!

Từ khi hay tòa thả thì cô Cúc có cái tâm hồn như vậy đó, bởi vậy ra khỏi cửa khám cô không mừng, mà về nhà cô cũng không vui. Ngồi ăn bánh với mẹ và cô Kim, cô cứ lơ lửng không muốn ăn. Bà Phán thấy cô buồn, bà không muốn quở trách cô nữa, bởi vậy mà bà kiếm câu đạo đức mà nói: “Con ở đời hễ làm lành thì gặp lành, còn làm dữ thì gặp dữ. Ông trời công bình lắm. Thằng cha già Dương đó, tại cái lòng nó không tốt nên nó phải gặp cái họa như vậy. Còn mình ăn ở hiền lương tử tế, thì dầu có gặp họa cũng có qưới nhơn che chở phò hộ”.

Cô Cúc lặng thinh, tuy không cãi lẽ với mẹ, song coi bộ cô không tin cái lý thuyết của mẹ nói đó là chánh đáng.

Cô Kim cười và hỏi cô Cúc:

– Em có biết quới nhơn che chở phò hộ cho em là ai không?

– Má em trọng thẩm quyền lắm, chắc má em có vái thánh thần nào đó, nên mới nói như vậy đó chớ gì?

– Không phải. Quới nhơn che chở phò hộ cho em là ông trạng sư Xương, chớ không phải thánh thần nào hết.

Cô Cúc châu mày ngó cô Kim rồi ngó bà Phán mà hỏi:

– Má mướn anh trạng sư Xương bào chữa cho con làm chi vậy không biết.

– Má có mướn đâu. Con bị bắt má sợ hết sức, má không biết làm sao, má chạy ra cho ổng hay, rồi ổng lãnh lo lắng giùm cho má. Chớ má có tiền đâu mà mướn.

– Con đã phụ tình ảnh, mà má làm như vậy, thì ảnh dính dấp vào cái đời của con, bởi vậy con ái ngại quá.

– Ổng thương con nên ổng xin cưới con. Con không ưng thì thôi. Con bị tòa bắt giam. Ổng làm trạng sư thì ổng bào chữa cho con, có dính dấp chỗ nào đâu mà con ái ngại. Con đừng có nói như vậy, ổng hay rồi ổng buồn. Mấy tháng nay ổng lo cho con lung lắm. Nay mai con nghỉ khỏe rồi, con phải ra nhà mà cám ơn ổng.

– Ý! Má biểu cái đó con không thể làm được.

– Sao vậy?

– Con không muốn đến nhà ảnh.

– Sao con đến nhà thằng cha Dương được còn nhà ông trạng sư Xương con lại không được?

– Hai việc khác xa nhau lắm, không thể so sánh mà phân bì được. Má có cậy anh trạng sư Xương việc gì thì má đi cám ơn ảnh chớ con không có cậy ảnh giúp con, làm sao mà con cám ơn ảnh cho được.

– Con không hiểu nên con mới nói như vậy; để má cắt nghĩa cho con nghe: Mấy tháng nay vì con mà ông trạng sư Xương cực khổ hết sức, đã cực trí lo lắng, đã cực thân chạy đầu nầy đầu kia, mà ông còn lại tốn tiền tốn bạc với con nhiều lắm. Ổng xin tòa dạy sở Mật thám tìm bắt đứa giết thằng cha Dương, ổng hứa hễ bắt được, thì ổng đóng một ngàn đồng bạc vào kho tương tế của chức việc sở ấy. Nay bắt được rồi tự nhiên ổng phải đóng số tiền ấy, chớ má làm sao có tiền mà đóng cho nổi. Đã vậy mà ổng còn xuất tiền in bộ tiểu thuyết của con tới hai lần, rồi xuất tiền mướn các tờ báo cổ động cho quyển tiểu thuyết ấy luôn luôn gần hai tháng nay. Tuy sách nhờ thiên hạ mua nhiều, nên cô giáo lãnh coi bán có lẽ cô lấy vốn lại được, nhưng mà tiền mướn các báo lớp cổ động khen ngợi sách ấy, lớp chà xát các thói mọi rợ của thằng cha Dương, má coi tổn phí về việc ấy cũng đến bạc ngàn, chớ không phải ít. Vì con mà ổng tốn công tốn của quá như vậy, sao con lại bạc ơn ổng.

Cô Cúc nghe mẹ nói khúc sau thì cô lấy làm lạ, nên cô ngó cô Kim mà hỏi:

– In tiểu thuyết gì đâu? Anh Xương cho xuất bản bộ “Mảnh gương trinh” của em hay sao?

– Phải. Ông trạng sư xin với bác phán rồi lấy bộ tiểu thuyết đem về mướn in. Lần đầu xuất bản năm ngàn quyển, bán trong một tuần lễ thì tiêu hết, nên phải mướn in thêm năm ngàn nữa. In lần sau bán cũng gần hết, nay còn không tới năm trăm quyển.

Cô Cúc nghe nói như vậy thì sắc mặt buồn bực chán ngán của cô đổi liền ra sắc vui vẻ hăng hái mà hỏi cô Kim:

– Bộ tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” được công chúng hoan nghinh đến thế hay sao?

– Họ hoan nghinh lắm.

– Em không dè.

– Ông trạng sư Xương làm quảng cáo khôn khéo quá, tự nhiên công chúng phải hoan nghinh, có lạ gì.

– Anh Xương làm thế nào?

– Mới đưa tiểu thuyết cho nhà in, thì ổng cậy các báo rao trước. Tác giả của bộ “Mảnh gương trinh” nay vì bảo thủ cái trinh mà phải giết người rồi đang ở tù; cách làm quảng cáo như vậy tự nhiên phải khiêu gợi trí háo kỳ của thiên hạ, bởi vậy, sách xuất bản thì thiên hạ giành nhau mà mua có lạ gì đâu. Mà ổng còn tiếp cậy các báo dồi dào khen ngợi tiểu thuyết, xưng tụng thái độ cao thượng cứng cỏi của tác giả, khinh bỉ tánh tình đê tiện thô lỗ của ông Dương, làm cho dư luận xôn xao hết sức, đi đến đâu cũng đều nghe người ta bàn luận việc khốn nạn của ông Dương. Những số báo chữ Pháp và chữ Việt ngữ có đăng bài nói về bộ “Mảnh gương trinh” hoặc nói về việc của em, chị có để giành đủ hết. Để chị lấy cho em xem.

Cô Kim đi lại bàn viết soạn lấy một ôm nhựt báo với vài quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” đem lại để một bên cô Cúc.

Cô Cúc vội vã lấy một quyển tiểu thuyết cầm xem ngoài bìa, rồi lật xem vô trong nữa. Cô cười và nói: “In khéo thiệt, mà bìa xem cũng đẹp”.

Cô không ăn nữa, đứng dậy đi rửa tay rửa miệng rồi ôm hết nhựt trình và sách lại cái bàn giữa ngồi giở ra mà xem.

Cô Kim hiểu chút đỉnh tâm lý, nên cô đợi bà phán ăn rồi cô kiếm cớ dụ bà đi với cô ra ngoài vườn trầu mà coi trầu, coi chuối, để cô Cúc ở trong nhà một mình thong thả mà thưởng thức những bài nhựt trình khen ngợi nghề văn và xưng tụng tánh nết của cô.

Chừng cô Cúc đọc hết các bài trong báo rồi, cô day lại không thấy cô Kim, cô mới kêu om sòm. Cô Kim với bà phán trở vô nhà. Cô Cúc ngó cô Kim mà cười và hỏi:

– Thiệt anh trạng sư Xương bày làm như vầy hay sao?

– Một tay ổng làm việc đó.

– Thế nầy thì em phải ra nhà mà cám ơn ảnh.

– Sao hồi nãy em không chịu tới nhà ổng?

– Hồi nãy em không dè có việc như vậy. Anh Xương lập thế kéo em ra khỏi chốn lao tù em không mang ơn, đã không mang ơn mà lại phiền nữa. Còn ảnh dụng tâm làm cho em có tên trong làng văn, cái ơn ấy nặng lắm, cái ơn ấy nặng lắm, em không thể quên được. Sau một cuộc quảng cáo dồi dào đến thế nầy, thì tên tuổi của em đã được công chúng biết hết. Từ rày sắp lên hễ tiểu thuyết của em xuất bản có lo chi người ta không mua nữa. Em sẽ viết nữa. Để em nghỉ ít bữa cho khỏe trí rồi em viết. Em đã nghĩ ra nhiều chuyện thâm thúy lắm, mà em cũng đã có bố cuộc sẵn rồi. Truyện còn hay hơn truyện trong quyển “Mảnh gương trinh” nữa, để em viết rồi chị sẽ biết.

– Em nói như vậy, chị không dám tin. Lúc em viết bộ “Mảnh gương trinh” lòng em còn hăng hái. Nay em đã có một tâm bịnh nó làm cho em chán ngán, thế thì làm sao mà em viết cho hay hơn bộ trước được.

– Tâm bịnh!… Em mạnh rồi, không còn đau đớn nữa… Những chuyện đã qua em xem cũng như một giấc mộng, bởi vì em tỉnh lại thì em đã quên hết rồi.

– Nếu em quên chuyện cũ thì chị mừng lắm.

– Em quên hết. Nếu khi nào em nhớ lại thì bất quá cũng như em nhớ bài học khôn vậy thôi, chớ không có ý nghĩa gì. Anh Xương sắp đặt đưa em vào làng văn một cách rỡ ràng như vậy, có lẽ nào em lại lui bước trở ra. Từ rày em sẽ chuyên nghề văn, em sẽ lấy nghề ấy mà làm mục đích cho đời sống của em. Em vui lắm, em mừng lắm, em hết ngao ngán nữa rồi chị ạ.

– Nếu được vậy thì chị cũng vui, chị cũng mừng lắm.

– Viết tiểu thuyết để tả các trí lý của mình cho thỏa lòng ức uất, để công kích chà xát những thói hèn hạ giả dối của xã hội; đuổi theo cái mục đích như vậy cũng đủ cho mình thơ thới hớn hở mà ở đời, cần gì phải tìm hạnh phúc nào nữa.

Cô Cúc nói tới đó rồi giở quyển “Mảnh gương trinh” ra mà chăm chỉ đọc, sắc mặt vui vẻ như hồi trước.

Cô Kim ngó bà phán mà cười.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.