Hai Nữ Tướng Cướp

VI – GIỮA VÒM LÁ



Khi ba con la bắt đầu leo lên sườn dốc, tiếng nhạc của chúng kêu leng keng, đều đều theo nhịp bước, Raoul lắc lư, chao đảo, hòa nhịp với bánh xe lăn. Anh tự nhủ:
“À? cô gái xinh đẹp mắt màu lục ơi, từ nay, cô là tù binh của ta. Kẻ tòng phạm với tên giết người, với tên lừa đảo, với tên tống tiền bậc thầy. Chính cô cũng là kẻ sát nhân, cô gái bình thường, nữ nghệ sĩ ca kịch, học sinh nội trú của tu viện…. ạ. Dù cô là ai cũng không tuột khỏi tay ta. Lòng tin là một trại giam không thể thoát khỏi, và dù sao cô cũng đừng giận ta đã hôn lên môi cô. Từ đáy lòng, cô đã tin vào con người kiên trì cứu giúp cô mà không hề mệt mỏi, và con người ấy bao giờ cũng ở đấy, gần bên cô mỗi khi cô ở bên bờ vực thẳm. Người ta gắn bó với con chó trung thành của mình dù một lần nó đã cắn vào mình.
“Cô gái mắt màu lục ơi, cô đã ẩn náu trong một tu viện để thoát khỏi tất cả những người truy hại cô. Theo ta, cô không phải là một tên tội phạm hay một cô gái phiêu lưu nguy hiểm, cũng chẳng phải là một diễn viên ca kịch và ta sẽ không gọi cô là Léonide Balli. Ta sẽ gọi cô là Aurélie. Đấy là một cái tên mà ta thích vì nó rất cổ, đứng đắn và nó là em bé của những người nghèo.
“Cô gái mắt xanh màu lục ơi, bây giờ ta biết ngoài những tòng phạm cũ của cô, cô có một bí mật mà chúng muốn moi của cô, nhưng cô cương quyết giữ bằng bất cứ giá nào. Điều bí mật ấy sớm muộn gì cũng sẽ thuộc về ta, bởi vì những điều bí mật – đấy là lĩnh vực của ta và ta sẽ tìm ra nó cũng như ta sẽ làm tiêu tan những nơi tối tăm mà cô ẩn nấp – Aurélie bí ẩn và cực kỳ hấp dẫn”.
Lời bộc lộ ngắn này làm cho Raoul thích thú. Anh thiu thiu ngủ để không còn nghĩ ngợi nhiều về điều bí ẩn rối ren mà cô gái mắt màu lục tạo nên cho anh.
Thị trấn Luz nhỏ bé và thị trấn Saint – Sauveur hợp thành một vùng nước khoáng nóng, về mùa này rất ít người đến tắm. Raoul chọn một khách sạn hầu như không có người trọ. Anh đến đấy như một nhà ham thích thực vật học và khoáng vật học. Ngay cuối buổi chiều ấy, anh đã nghiên cứu vùng này.
Một con đường hẹp không thuận lợi cho lắm, phải leo dốc mất hai mươi phút mới đến ngôi nhà các xơ của tu viện Sainte – Mari dùng làm ký túc xá. Chính giữa một vùng gồ ghề, mấp mô, những ngôi nhà và vườn tược kéo dài đến mũi nhọn của giải đất nhô ra. Trên những khoảnh đất hình bậc thang nổi lên những bức tường vững chắc chắn giữ. Dọc theo đấy là con suối nước nóng Sainte – Marie trước đấy sôi sục chạy ngầm dưới phần đất này. Ở phía bên kia mái dốc là một cánh rừng thông phủ kín. Hai con đường cắt nhau hình chữ thập chạy qua cánh rừng là nơi những tiều phu đi kiếm củi. Có những hang động và những mỏm đá hình thù kỳ dị, nơi người ta đến chơi vào ngày chủ nhật.
Chính phía ấy là nơi Raoul chuyên đến rình, ở đấy vắng vẻ. Tiếng rìu của những tiều phu vang lên ở xa. Từ chỗ nấp, Raoul nhìn ra những bãi cỏ đều đặn của khu vực và những hàng cây đoạn tỉa xén cẩn thận, là nơi dạo chơi của học sinh nội trú. Trong vài hôm anh đã quen những giờ ra chơi và những tập quán của tu viện. Sau bữa cơm trưa, lối đi nhìn xuống vực sâu dành cho nữ sinh lớn.
Do mệt mỏi phải ở hẳn trong tu viện nên mãi đến ngày thứ tư, cô gái mắt màu lục mới hiện ra trên lối đi ấy. Từ đấy, hầu như các nữ sinh lớn tuổi chỉ có mục đích là tranh giành nhau cô gái mắt màu lục với một sự ganh tị hiển nhiên đến mức cãi cọ nhau.
Ngay lập tức Raoul thấy cô cũng biến thành một cô bé vừa ốm dậy, hớn hở dưới ánh nắng chan hòa và bầu không khí trong lành của vùng núi. Cô tha thướt giữa các cô gái trẻ, ăn mặc như họ, nhanh nhẹn, hoạt bát, dễ thương với họ, dần dần lôi kéo họ vào các trò chơi, vui đùa, nhảy nhót đến nỗi những tiếng cười reo của họ vang vọng đến chân trời. Raoul ngạc nhiên tự nhủ:
” Cô ấy cười! Không phải giọng cười giả tạo và hầu như đau thương của sân khấu, mà một giọng cười vô tư và quên lãng, phản ánh đúng bản chất thật của cô. Cô cười… kỳ diệu biết bao!”
Rồi các cô gái trở về lớp học. Còn Aurélie ở lại một mình. Cô không vì thế mà tỏ ra buồn rầu hơn. Niềm vui của cô không hề biến mất; cô thích làm những việc nhỏ nhặt như lượm quả thông bỏ vào một chiếc giỏ bằng miên liễu, hay hái hoa đặt lên những bậc lên xuống của một nhà thờ riêng gần đấy.
Cử chỉ của cô thật duyên dáng. Cô thường thầm thì chuyện trò với một con chó con đi theo cô hoặc với một con mèo cà mình vào mắt cá của cô. Có lần cô tết một tràng hoa hồng rồi vừa cười vừa ngắm mình trong một chiếc gương con. Cô lén đánh môi son và xoa bột gạo lên má, rồi cô lại lau sạch ngay. Điều ấy chắc bị cấm.
Ngày thứ tám, cô vượt qua một lan can và leo lên một khoảnh đất phẳng trên cùng, bị che khuất bởi một hàng rào cây con ở cuối.
Ngày thứ chín, cô trở lại đấy, tay cầm một cuốn sách. Thế là ngày thứ mười, trước giờ ra chơi, Raoul quyết định:
Trước tiên anh phải trườn vào giữa những cây non dày đặc viền quanh rừng rồi vượt qua một bãi nước rộng. Suối Sainte – Marie đổ ra đấy như một bể chứa lớn, sau đấy chui xuống đất. Một chiếc thuyền gỗ đã mọt, móc vào một cái cọc, anh có thể dùng để bơi đến một cái vũng nhỏ ngay dưới khoảnh đất phẳng và cao như thành lũy của pháo đài, mặc dù trên vũng có những xoáy nước khá dữ đội.
Những bức tường được ghép bằng những phiến đá phẳng chồng lên nhau một cách đơn giản và cỏ dại đã mọc ở các kẽ đá. Mưa đã xói cát thành rãnh tạo thành lối mòn để bọn trẻ tinh nghịch quanh vùng leo trèo khi gặp dịp. Raoul chẳng khó khăn gì mà không leo được. Khoảnh đất cao nhất hình thành một gian phòng mùa hè, xung quanh bao bọc những cây diệp san hô, lớp hàng rào mắt cáo đã hỏng và những ghế đá ở giữa được trang trí một chiếc bình lớn bằng sành khá đẹp.
Raoul nghe tiếng rì rầm của giờ ra chơi. Rồi một hồi im lặng và, sau vài phút có tiếng bước chân nhẹ nhàng đi về phía anh. Một giọng nhỏ nhẹ, tươi tắn cất lên bài hát dân ca diệu Tây Ban Nha. Anh cảm thấy trái tim se lại. Cô ấy sẽ nói gì khi trông thấy anh.
Có tiếng gãy rắc của cành cây con. Cành lá rẽ ra như một chiếc màn che có ai đấy vén lên ở khung cửa của một gian phòng. Aurélie bước vào.
Cô dừng lại ngay ở trước khoảnh đất. Giọng hát ngừng bặt. Cô hoảng sợ. Cuốn sách và chiếc mũ rơm đựng đầy hoa quả trên tay bỗng nhiên rơi xuống. Bóng dáng mảnh dẻ của cô trong bộ quần áo len đứng im, không động đậy. Sau đấy, chắc cô gái đã nhận ra Raoul. Thế là mặt cô đỏ bừng. Cô lùi lại và thầm thì.
– Ông đi đi… Ông đi đi….
Không một giây nào anh có ý định nghe theo lời cô gái, dường như anh không nghe được điều gì cô đã nói ra. Anh ngắm nhìn cô với một niềm vui khó tả như anh chưa bao giờ cảm thấy đứng trước một người đàn bà.
Cô gái nhắc lại bằng giọng khẩn thiết hơn:
– Ông đi đi.
– Không – anh nói.
– Vậy thì chính tôi, tôi sẽ đi.
– Nếu cô đi, tôi đi theo cô – anh khẳng định, chúng ta cùng trở về tu viện.
Cô gái quay lại như chính cô định chạy trốn. Anh chạy đến nắm lấy cánh tay cô.
– Không chạm vào tôi! cô phẫn nộ nói và vùng ra – Tôi cấm ông đứng gần tôi.
Anh ngạc nhiên, nói:
– Tại sao?
Cô đáp lại rất khẽ:
– Tôi kinh tởm ông
Câu trả lời hết sức lạ lùng đến nỗi anh không thể không mỉm cười:
– Cô ghét tôi đến thế cơ à?
– Phải
– Hơn cả Marescal à?
– Đúng.
– Hơn cả Guillaume và người đàn ông ở biệt thự Faradoni chứ?
– Đúng, đúng, đúng!
– Chúng đã làm cho cô đau khổ nhiều trong khi ấy nếu không có tôi che chở cho cô thì…
Cô im lặng, rồi nhặt chiếc mũ lên, che sát phần dưới mặt để sao cho anh không trông thấy cặp môi của mình. Bởi vì toàn bộ hạnh kiểm của cô được thể hiện ở đấy. Raoul không hề nghi ngờ điều ấy. Nếu cô ghét anh không phải vì anh là người đã thấy tất cả những tội ác phạm phải và tất cả những điều sỉ nhục mà là vì anh đã ôm cô trong tay của anh và đã hôn cô. Sư thẹn thùng kỳ lạ ở một người đàn bà như cô là hết sức thành thật, khi cô đã rọi một ánh sáng như thế lên chính cái sâu kín nhất của tâm hồn cô và các bản năng của cô, đến nỗi Raoul phải thầm thì:
– Tôi xin cô hãy quên đi.
Rồi anh lùi lại mấy bước để tỏ cho cô biết cô đã tự do đi được. Dù không muốn nhưng anh vẫn nói bằng một giọng lễ độ:
– Đêm hôm ấy là một đêm sai trái, không nên nhớ làm gì, cô cũng vậy mà tôi cũng vậy. Cô hãy quên hành động của tôi khi ấy đi. Vả lại tôi đến đây không phải để gợi lại điều ấy đối với cô mà là để tiếp tục công việc của tôi đối với cô. Tình cờ đã đặt tôi trên con đường của cô và tình cờ ngay từ đầu đòi hỏi tôi làm thế nào để có thể có ích cho cô. Tôi yêu cầu cô đừng từ chối sự giúp đỡ của tôi. Sự đe dọa của những mối hiểm nguy còn lâu mới hết và nguy cơ đang tăng lên. Kẻ thù của cô rất cay cú. Cô sẽ như thế nào nếu không có tôi ở đây?
– Ông hãy đi đi – Cô gái vẫn khăng khăng.
Cô đứng trên thềm của khoảnh đất cao như đứng trước một khung cửa sổ. Cô tránh ánh mắt của Raoul và che đôi môi của cô, nhưng cô vẫn đứng đấy, không đi. Như anh vẫn từng nghĩ cô cũng cho mình là tù nhân của anh đã luôn luôn cứu cô không hề mệt mỏi. Cái nhìn của cô biểu thị sự sợ sệt. Nhưng kỷ niệm về nụ hôn đã nhường bước cho kỷ niệm vô cùng kinh khủng của những thử thách đã chịu.
– Ông đi đi. Tôi đã yên ổn ở đây rồi. Ông đã xen vào tất cả những việc ấy… những việc ghê tởm ấy.
Anh nói:
– May đấy. Và, dù sao, tôi cũng cần phải can dự vào những việc sắp xảy ra. Cô tin là chúng không truy lùng cô đấy phỏng? Cô tin là Marescal chịu buông cô ra đấy ư? Hiện nay, hắn đang theo dõi cô. Hắn sẽ tìm được cô ngay trong tu viện Sainte – Marie này. Nếu cô đã từng sống vài năm yên ổn ở đây của thời kỳ thơ ấu như tôi phỏng đoán thì chắc hắn phải biết và hắn sẽ đến.
Anh nói dịu dàng và tin đã làm xúc động cô gái, nhưng đấy cũng chỉ là mới bước đầu thôi, nên anh còn nghe cô ấp úng:
– Ông đi đi….
– Vâng, nhưng ngày mai, tôi lại đến cũng giờ này và ngày nào tôi cũng chờ cô. Chúng ta cần phải nói chuyện với nhau. Ôi! không có gì làm cho cô đau khổ bằng khi cô nhớ lại cơn ác mộng của cái đêm kinh khủng ấy. Thế rồi im lặng. Tôi không cần biết, rồi sự thực sẽ từ từ được sáng tỏ. Nhưng có những điểm khác, những vấn đề tôi sẽ đặt ra cho cô, mong cô trả lời cho tôi biết. Đấy là điều tôi muốn nói với cô hôm nay, thế thôi. Bấy giờ cô có thể đi được. Cô cứ suy nghĩ, có phải không? Nhưng cô đừng sợ hãi nữa. Cô hãy quen với ý nghĩ là tôi vẫn ở đây và cô đừng bao giờ thất vọng vì tôi sẽ luôn luôn có mặt, ngay khi có gì nguy hiểm.
Cô gái bỏ đi không hề nói gì, không hề có một cái gật đầu ra hiệu. Raoul quan sát cô đi xuống hết các khoảnh đất phẳng bậc thang đến lối đi giữa những cây đoạn. Khi không còn nhìn thấy cô nữa, anh nhặt một vài bông hoa mà cô để lại rồi anh nhận thấy cử chỉ của mình là vô duyên, anh nói đùa:
– Mẹ kiếp! Thế mà trở thành nghiêm trọng. Có phải là… Nào, nào, anh bạn Lupin thân mến, anh phản đối đi.
Anh trở lại con đường có vết nứt, lại lội qua ao và dạo trong rừng, vừa đi vừa ném những bông hoa ra xa, từng bông, từng bông một cho đến khi không còn bông hoa nào trong tay nữa. Nhưng hình ảnh của cô gái mất màu lục vẫn chập chờn, không rời khỏi mắt
Ngày hôm sau, anh lại leo lên tầng đất phẳng. Aurélie không đến và hai ngày tiếp theo cũng không. Nhưng ngày thứ tư cô rẽ lá cây đi đến mà anh không nghe tiếng bước chân của cô.
– Ô, cô đấy à… Anh cảm động kêu lên… Hóa ra cô…
Qua dáng điệu của cô gái, anh thấy rằng anh không nên bước tới, cũng không nên nói một lời nào có thể làm cho cô hoảng sợ. Cô vẫn giữ thái độ như ngày đầu tiên của một địch thủ uất ức, phẫn nộ, bị khống chế và oán giận kẻ thù về điều tốt mà hắn đã làm cho cô.
Tuy nhiên cô đã bớt phần gay gắt khi cô hơi quay đầu lại nói rằng:
– Đáng lẽ tôi không đến. Với các xơ ở Sainte – Marie với những ân nhân của tôi, thế là không được. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi phải cảm ơn ông…. và giúp ông… Thế rồi, tôi sợ… Vâng, tôi sợ tất cả những điều ông đã nói với tôi. Ông hỏi tôi đi… tôi sẽ trả lời.
– Về tất cả chứ?
– Không – cô gái lo sợ nói – Không hỏi về đêm ở Beaucourt… Nhưng về những chuyện khác… Trong vài lời thôi, có phải không nào? Ông muốn biết những gì?
Raoul suy nghĩ. Những câu hỏi rất khó đặt ra, vì tất cả đều phục vụ cho việc làm sáng tỏ một điểm mà cô gái sẽ từ chối, không chịu nói ra.
Anh bắt đầu hỏi:
– Trước tiên xin hỏi tên cô là gì?
– Aurélie… Aurélie d’ Asteux
– Tại sao lại có tên Léonide Balli? Bí danh à?
– Có Léonide Balli đấy. Cô ấy bị đau nên đã ở lại Nice. Tôi đã đi với đoàn ca hát của cô ấy từ Nice đến Marseille. Trong số các diễn viên của đoàn, tôi có quen một người đã diễn vở Véibnique mùa đông vừa rồi trong một cuộc họp của các nghệ sĩ không chuyên. Khi ấy, tất cả đề nghị tôi thay vào chân của Léonide Balli trong đêm diễn. Họ rất buồn và rất bối rối nên tôi phải giúp họ thủ vai. Chúng tôi đã báo cho ông giám đốc ở Toulouse; đến phút cuối cùng, ông quyết định là không cho loan báo, cứ để cho người ta tin rằng tôi là Léonide Balli.
Raoul kết luận:
– Cô không phải là diễn viên… Tôi thích như thế hơn… Tôi muốn cô chỉ đơn giản là một nữ sinh nội trú xinh đẹp của Sainte – Marie thôi.
Cô gái chau mày.
– Ông nói tiếp đi.
Anh nói ngay:
– Người đàn ông giơ chiếc can lên trên đầu Marescal khi hắn ở hiệu bánh ngọt của đại lộ Haussmann ra là bố của cô à?
– Bố tượng của tôi.
– Tên ông ấy là gì?
– Brégeac.
– Brégeac à?
– Vâng, Giám đốc pháp vụ thuộc Bộ Nội vụ.
– Vậy, ông là người chỉ huy trực tiếp của Marescal phải không?
– Vâng. Luôn có những mối ác cảm giữa hai người với nhau. Marescal rất được bộ trưởng nâng đỡ, đang cố gắng tìm cách để được thay thế bố dượng của tôi, còn bố dượng tôi lại tìm cách loại bỏ ông ta.
– Thế Marescal yêu cô à?
– Ông ấy có cầu hôn tôi. Tôi đã cự tuyệt, Bố dượng tôi đã cấm cửa ông ấy. Ông ấy căm ghét chúng tôi và đã thề sẽ báo thù.
– Thế còn một người nữa – Raoul nói – chúng ta nói sang người khác. Người đàn ông ở biệt thự Faradoni tên là gì nhỉ?…
– Jodot.
– Nghề nghiệp?
– Aurélie này, không bao giờ con được tiết lộ với ai những việc con ở đây hai ngày; nhất thiết không được nói cho ai những gì con đã làm, đã trông thấy. Đây là một điều bí mật từ nay trở đi thuộc về con cũng như thuộc về chúng ta. Đến khi con hai mươi tuổi nó sẽ đem đến cho con rất nhiều của cải, con sẽ hết sức giàu có.
Rất nhiều của cải – ông ngoại d’Asteux của tôi xác nhận. Vì thế cháu phải thề trước chúng ta rằng không bao giờ cháu nói những điều này với ai cả, dù có xảy ra như thế nào chăng nữa.
– Không nói với bất cứ ai – mẹ tôi nhấn mạnh – trừ phi với một người đàn ông mà con yêu và con sẽ chắc chắn người ấy cũng như con.
Tôi đã thề tất cả những gì mà mẹ và ông tôi đòi hỏi ở tôi. Tôi rất xúc động và tôi đã khóc.
Vài tháng sau, mẹ tôi tái giá với Brégeac. Hôn nhân không được hạnh phúc và không được lâu dài. Trong vòng năm sau, người mẹ khốn khổ của tôi đã qua đời vì bệnh viêm màng phổi, sau khi bà lén trao cho tôi một mẩu giấy ghi tất cả những chỉ dẫn về vùng tôi đã đến và về những điều tôi sẽ phải làm lúc tôi hai mươi tuổi. Gần như ngay sau đấy, ông ngoại d’ Asteux của tôi cũng qua đời. Tôi còn lại một mình với bố dượng Brégeac. Bố dượng tôi đã bỏ rơi tôi bằng cách ngay sau đấy gửi tôi vào ngôi nhà này, tu viện Sainte – Marie. Đến đây, tôi rất buồn và thất vọng, nhưng tôi đã được cổ vũ bởi điều quan trọng là tự mình đang được giữ một điều bí mật. Đấy là một ngày chủ nhật.
Tôi đã tìm một nơi cách biệt và tôi đã đến đây trên khoảnh đấy này để thực hiện một dự án mà đầu óc trẻ con của tôi đã tưởng tượng. Tôi nhớ nhập tâm những chỉ dẫn của mẹ tôi để lại. Ngay khi ấy không cần phải giữ một tài liệu mà tất cả thiên hạ, theo tôi cũng biết được nếu tôi còn giữ lại. Tôi đã đốt đi trong chiếc bình này.
Raoul gật đầu:
– Thế cô đã quên những chỉ dẫn chứ gì?…
– Đúng – cô nói – Tôi đã nhận ra điều ấy. Ngày này đến ngày khác, giữa những sự trìu mến mà tôi tìm được ở đây, trong công việc và trong những thú vui; những chỉ dẫn dần dần đã bị xóa nhòa trong trí nhớ của tôi. Tôi đã quên tên của vùng ấy, vị trí của nó, con đường sắt dẫn đến đấy, những hành động mà tôi cần phải thực hiện… tất cả.
– Hoàn toàn tất cả?
– Tất cả, trừ vài phong cảnh và vài ấn tượng đã từng đập vào mắt và tai của tôi, một cô bé, được khắc sâu hơn những cái khác… những hình ảnh mà không bao giờ tôi không gặp kể từ hồi ấy những tiếng rì rầm, những tiếng chuông mà tôi còn nghe được giống như chính những tiếng ấy vẫn cất lên mãi mãi, không ngừng.
– Và đấy là những ấn tượng, những hình ảnh mà những kẻ thù của cô muốn biết, hy vọng với câu chuyện của cô kể để lần ra sự thực, có phải không?
– Vâng.
– Nhưng làm sao mà chúng biết được?….
– Bởi vì mẹ tôi đã thiếu thận trọng là không hủy một số thư từ mà ông d’ Asteux của tôi đã ám chỉ điều bí mật giao cho tôi. Về sau Brégeac đã thu được các bức thư ấy, suốt mười năm, ông không bao giờ nói với tôi về những bức thư ấy khi tôi ở Sainte – Marie. Mười năm. Đẹp biết bao, là mười năm tốt nhất của cuộc đời tôi. Nhưng ngày tôi trở về Paris cách đây hai năm, ông ấy mới hỏi tôi. Tôi đã nói với ông ấy những điều như tôi nói với ông, coi như những điều tôi có quyền được nói, nhưng tôi không muốn tiết lộ một kỷ niệm nào lờ mờ có thể giúp cho ông ấy lần ra con đường tìm kiếm. Từ đấy mới xảy ra chuyện tôi thường xuyên bị quấy rầy, trách móc, rồi đi đến những cuộc cãi cọ, những cơn thịnh nộ kinh khủng…. cho đến lúc tôi quyết định phải trốn.
– Một mình à?
Cô đỏ mặt, nói:
– Không, nhưng không phải trong những hoàn cảnh mà ông có thể tưởng tượng được đâu. Guillaume Ancivel hết sức thận trọng tán tỉnh tôi như một người muốn được giúp ích mà không hề mong chờ được đền đáp. Anh đã đạt được như thế nếu không phải là cảm tình của tôi thì ít ra cũng là lòng tin của tôi. Thế là tôi đã rất sai lầm, đã kể cho anh những dự định trốn chạy của tôi.
– Hắn đồng ý với cô, không nghi ngờ chứ?
– Hắn hoàn toàn đồng ý với tôi, giúp tôi trong việc chuẩn bị và giúp tôi bán đi vài thứ nữ trang và những chứng phiếu mà tôi được thừa kế của mẹ tôi. Trước ngày tôi ra đi, và vì tôi không biết ẩn náu ở đâu, Guillaume nói với tôi: “Tôi từ Nice đến và phải trở về đây vào ngày mai. Cô có muốn tôi đưa cô đến đấy không? Trong thời kỳ này cô không tìm được nơi ẩn náu nào yên tĩnh hơn trên bờ Riviera đâu. Làm sao tôi lại có thể từ chối được sự đề xuất của hắn? Chắc chắn là tôi không yêu hắn, nhưng hắn tỏ ra thành thật và rất tận tình. Tôi nhận lời.
– Thật quá khinh xuất – Raoul nhận xét.
– Vâng – cô nói – và càng hơn thế nữa vì giữa chúng tôi chẳng lẽ quan hệ bạn bè thân tình mà tôi lại từ chối, một sự hướng dẫn như vậy. Nhưng ông muốn như thế nào? Tôi cô độc trong cuộc sống, bất hạnh và đang bị truy hại. Tôi có một chỗ dựa… Theo tôi nghĩ chỉ trong vài giờ. Chúng tôi sẽ ra đi.
Aurélie hơi do dự, ngừng một lát. Rồi để kết thúc nhanh câu chuyện, cô lại nói:
– Chuyến đi thật kinh khủng… với những lý do như ông đã biết. Khi Guillaume đẩy tôi lên xe mà hắn cướp của ông thầy thuốc thì tôi đã kiệt sức. Hắn đem tôi đi đến đâu là theo ý hắn; hắn kéo tôi đến tận một nhà ga khác, ở đấy vì chúng tôi có vé tàu đến Nice tôi lấy hành lý của tôi. Tôi bị sốt, mê sảng. Tôi hành động không ý thức được về những việc tôi làm. Ngày hôm sau, hắn lợi dụng tình trạng của tôi như thế đem tôi đi theo vào một biệt thự vắng chủ. Hắn lấy lại những vật có giá trị mà người ta đã nẫng của hắn. Tôi đã đến đấy cũng như tôi sẽ đến bất kể đâu. Tôi chẳng suy nghĩ gì cả. Tôi phục tùng một cách thụ động. Chính trong ngôi biệt thự ấy, tôi bị tấn công và bị Jodot bắt cóc.
– Và lần thứ hai cô lại được tôi cứu và để đáp lại cô lại trốn đi ngay. Thôi, bỏ qua, chúng ta nói tiếp. Jodot, cũng vậy, đòi cô phải tiết lộ chứ, phải không?
– Vâng.
– Rồi sau đấy?
– Sau đấy tôi trở về khách sạn, nơi ấy Guillaume khẩn nài tôi theo hắn đến Monte – Carlo.
– Nhưng lúc ấy cô đã biết về nhân vật ấy rồi cơ mà! Raoul bỏ lại.
– Nhờ đâu? Người ta đã thấy được rõ ràng khi người ta chú ý. Nhưng…. đã hai hôm nay tôi sống trong tình trạng như điên dại khi cuộc tấn công của Jodot vẫn còn làm cho tôi phẫn nộ. Thế là tôi đi theo Guillaume mà chẳng hề hỏi hắn mục đích của chuyến đi ấy. Tôi bối rối, hổ thẹn về sự hèn nhát của tôi và lấy làm khó chịu về sự có mặt của con người ấy đã trở nên mỗi lúc một xa lạ đối với tôi… Tôi đã đóng vai trò gì ở Monte – Carlo? Điều ấy đối với tôi không được rõ ràng lắm. Guillaume đã đưa cho tôi những lá thư mà tôi phải đưa lại cho hắn trong hành lang của khách sạn để hắn giao lại cho một quý ông. Những lá thư gì? Quý ông nào? Tại sao Marescal lại ở đấy? Làm thế nào mà ông lại kéo tôi ra được khỏi tay hắn? Tất cả những cái ấy thật khó hiểu. Tuy vậy, bản năng của tôi đã được đánh thức. Tôi cảm thấy thù địch đối với Guillaume càng tăng lên. Tôi ghét hắn. Rồi tôi từ Monte – Carlo ra đi, kiên quyết phá bỏ điều ước liên kết chúng tôi với nhau và đến ẩn náu ở đây. Hắn theo đuổi tôi đến tận Toulouse và đến đầu buổi chiều khi tôi báo cho hắn biết quyết định của tôi rời bỏ hắn thì hắn tin chắc rằng chẳng có cách nào làm cho tôi thay đổi ý kiến. Hắn lạnh lùng, cứng rắn và với một cơn giận dữ làm cho mặt hắn cau lại. Hắn trả lời tôi:
– Được. Chúng ta chia tay. Thực ra điều ấy đối với tôi chẳng có gì hệ trọng. Nhưng tôi nêu ra một điều kiện.
– Một điều kiện?
– Đúng. Một hôm, tôi nghe được bố dượng Brégeac của cô nói đến một bí mật cô được thừa kế. Cô hãy nói cho tôi bí mật ấy thì cô sẽ được tự do. Vậy là tôi đã hiểu tất cả. Mọi cam đoan của hắn, sự tận tụy của hắn đối với tôi chỉ là dối trá. Mục đích duy nhất của hắn là có đươc bí mật của tôi trong một ngày nào đấy hoặc bằng sự trìu mến để tranh thủ tôi hoặc bằng sự đe dọa tôi. Điều bí mật ấy, bố dượng tôi cũng đã từng thuyết phục tôi nhưng tôi đã từ chối và Jodot cũng đã cố gắng để giành giật những cũng thất bại.
Aurélie im lặng. Raoul quan sát cô. Cô đã nói toàn bộ sự thật; anh có được ấn tượng sâu sắc về những điều ấy. Với vẻ nghiêm trang, anh nói:
– Cô có muốn biết chính xác nhân vật không.?
Cô lắc đầu:
– Có cần thiết không?
– Nên biết thì hơn. Cô hãy nghe tôi. Ở Nice, những chứng thư hắn lấy trong biệt thự Faradoni không thuộc về hắn. Hắn đến đấy chỉ cướp lấy thôi, ở Monte – Carlo hắn đòi một trăm nghìn phơrăng mới trả lại những bức thư có nguy hại. Vậy hắn là tên lừa đảo và trộm cướp, có thể là tệ hại hơn. Tên đàn ông ấy thế đấy.
Aurélie không hề phản đối. Cô đã có thể đoán thật sự thực, và lời nói tàn nhẫn về những sự việc không còn có thể làm cho cô ngạc nhiên nữa.
– Ông đã cứu tôi khỏi hắn, tôi cám ơn ông.
– Than ôi? – Anh nói – Đáng lẽ cô phải tin ở tôi chứ không phải là trốn chạy khỏi tôi. Đã phí phạm bao nhiêu là thời gian!
Cô gái sắp sửa đi, nhưng lại nói:
– Tại sao tôi lại phải tin ông? Ông là ai? Tôi không quen biết ông. Marescal, người buộc tội ông, tố cáo ông cũng chẳng biết được tên ông. Vì lẽ gì? ông đã cứu tôi ra khỏi mọi hiểm nguy?…Với ý đồ gì?
Anh cười gằn:
– Cũng với ý đồ moi bí mật của cô, chứ gì nữa… Có phải cô định nói như vậy không?
– Tôi không định nói thế – Cô thì thầm, mệt mỏi – Tôi chẳng biết gì cả. Tôi chẳng hiểu gì hết. Đã hai ba tuần nay, tôi đã húc phải những bức tường thành của bóng tối ở mọi phía. Ông đừng đòi hỏi tôi về lòng tin của tôi nữa mà tôi không thể cho được. Tôi ngờ vực mọi việc và mọi người.
Anh thương hại cô và để cho cô đi.
Khi anh đi ra, (anh đã tìm thấy một lối đi khác) một cửa ngầm ở phía dưới khoảnh đất phẳng gần trên cùng và anh đã mở ra được. Anh nghĩ:
“Cô ấy không nói một lời nào về cái đêm kinh khủng ấy. Song Miss Bakefield đã chết. Hai người đàn ông cũng đã bị giết. Và ta đã nhìn thấy cô cải trang, đeo mặt nạ. “
Nhưng, đối với anh cũng vậy, hoàn toàn bí hiểm và khó hiểu. Xung quanh anh cũng như xung quanh cô vẫn những bức tường đen sẫm ấy sừng sững, ở đấy, chỗ này chỗ kia có vài đốm sáng xanh nhạt lọt qua. Thật vậy không phải trong chốc lát – mà nó đã như vậy kể từ khi bắt đầu của cuộc phiêu lưu – khi ở trước mặt cô, anh không còn nghĩ đến lời thề báo thù và căm ghét mà anh đã nói trước thi thể của Miss Bakefield. Không gì có thể làm cho xấu đi hình ảnh duyên dáng của cô gái có đôi mắt màu lục.
Suốt hai ngày, anh không gặp lại cô. Rồi ba ngày tiếp theo, cô đến mà không giải thích sự trở lại của mình, nhưng vì cô đã tìm được một sự che chở mà cô không thể bỏ qua.
Lần đầu, cô ở lại mười phút, rồi mười lăm, rồi hai, ba mươi phút. Hai người nói chuyện rất ít. Dù muốn hay không, cô vẫn đặt niềm tin ở anh. Dịu dàng hơn, gần gũi hơn, cô đi lên tận chỗ có vết nứt, ngắm nhìn mặt nước ao gợn sóng. Nhiều lần, anh cố đặt ra các câu hỏi. Cô lẩn tránh ngay, run rẩy, sợ sệt tất cả những gì có thể là lời bóng gió về những giờ phút thảm hại ở Beauconrt. Thế nhưng cô đã nói chuyện nhiều hơn. Nhưng những chuyện của thời dĩ vãng xa xôi của cô, trong cuộc sống ngày xưa đã dẫn đến Sainte – Marie và sự yên bình mà cô tìm lại được trong bầu không khí trìu mến và thanh thản ấy.
Có lần, bàn tay của cô đặt lên mặt trái của cái đế bình, anh cúi xuống mà không sờ vào đấy khi xem xét những đường nét.
– Đúng như điều tôi đã đoán ngay từ ngày đầu tiên… Một số phận hai mặt, một mặt tối tăm và bi thảm, mặt kia may mắn và hoàn toàn dung dị. Hai mặt ấy đan xen nhau, chằng chịt nhau, hòa vào nhau, và chưa thể nói được mặt nào là quyết định. Mặt nào là thật, mặt nào là mặt tương ứng với bản chất thực của cô?
– Số phận may mắn – Cô nói – Trong con người của tôi có cái gì đấy dâng lên nhanh chóng trên bề mặt và như hiện nay cho tôi niềm vui và sự quên lãng, mặc dù những hiểm họa đến mức nào đi chăng nữa.
Anh tiếp tục dò xét rồi vừa cười vừa nói.
– Cô phải dè chừng nước đấy. Nước có thể gây tai họa cho cô. Đắm thuyền, ngập lụt… Bao nhiêu là hiểm họa! Nhưng chúng lại đi xa ra… Phải, trong cuộc sống của cô tất cả sẽ ổn thỏa, đâu vào đấy hết. Nàng tiên tốt bụng đã thắng nữ thần độc ác…
Anh nói dối để làm yên lòng cô với sự mong muốn vững chắc rằng, trên cái miệng xinh xắn của cô mà anh vừa dám ngắm nhìn đôi khi nở ra một nụ cười tươi tắn. Vả chăng chính anh, anh muốn quên đi và anh đã tự dối mình.
Anh sống hai tuần như vậy trong một niềm vui sâu lắng mà anh cố che giấu. Anh cảm thấy bàng hoàng trong những giờ phút mà tình yêu đã làm cho anh say sưa cuồng nhiệt và làm cho anh dửng dưng đối với tất cả những gì không phải là niềm vui được ngắm nhìn và được nghe nói. Anh cố không gợi lên những hình ảnh đe dọa của Marescal, của Guillaume hay của Jodot. Nếu không có tên nào trong ba kẻ thù ấy xuất hiện, thì chắc chúng đã mất hẳn dấu vết nạn nhân của chúng. Làm sao khi ấy không bâng khuâng được trong trạng thái tê mê khoan khoái mà anh cảm thấy khi ở gần bên cô gái trẻ?
Sự thức tỉnh đột ngột. Một buổi chiều khi đang nghiêng mình dưới vòm lá vươn cành trên thung lũng, họ thoáng thấy ở phía dưới họ mặt nước ao hầu như im lìm phẳng lặng, chỉ duềnh lên bờ những làn sóng lăn tăn, gấp gáp, trườn lên tận lỗ thoát rất hẹp, nơi khe nước ùa vào, bỗng họ nghe một giọng nói khá xa trong vườn cất lên:
“Aurélie!… Aurélie!… Con đang ở đâu, Aurélie?”
– Lạy chúa tôi! Cô gái trẻ giật mình lo lắng – Tại sao người ta gọi tôi thế nhỉ?
Cô chạy lên đỉnh các khoảnh đất bằng, thấy một nữ tu sĩ trong lối đi của những cây đoạn.
– Con ở đây!… Con ở đây! Có chuyện gì thế thưa xơ?
– Con có điện, Aurélie ạ.
– Một bức điện! Xơ ơi, khỏi vất vả xơ ạ, con về đây.
Một lát sau khi cô trở lại “gian phòng mùa hè”, cô ngao ngán cầm bức điện trong tay.
– Đấy là điện của bố dượng tôi.
– Brégeac à?
– Vâng.
– Ông ấy gọi cô về à?
– Ông ấy, lát nữa sẽ đến đây!
– Tại sao?
– Đón tôi về.
– Không thể được!
– Đây ông xem… Raoul đọc hai dòng ghi từ Bordeaux:
“Bốn giờ; bố đến. Chúng ta đi ngay. Brégeac ” Raoul suy nghĩ, rồi hỏi:
– Cô đã viết thư cho ông ấy biết là cô ở đây à?
– Không; nhưng ngày trước, nghỉ hè ông ấy có đến đây.
– Thế ý định của cô ra sao?
– Tôi có thể làm gì được?
– Từ chối không đi theo ông ấy.
– Mẹ bề trên không đồng ý giữ tôi lại.
Raoul khuyên:
– Vậy thì đi khỏi đây ngay bây giờ.
– Sao?
Anh chỉ cho cô góc của khoảnh đất bằng, rừng cây…
Cô phản đối:
– Đi ư! Trốn khỏi tu viện này như một kẻ phạm tội ư? Không, Không; như thế thật quá buồn phiền cho tất cả những người đàn bà tội nghiệp. Họ yêu quý tôi như con gái, như đứa con gái tốt nhất của họ? Không, điều ấy không bao giờ?
Cô cảm thấy mệt mỏi chán ngán. Cô ngồi trên một chiếc ghế dài bằng đá đối diện với lan can. Raoul thận trọng đến gần, nói nghiêm trang:
– Tôi sẽ không nói với cô một tình cảm nào của tôi đối với cô, và những lý do làm cho tôi hành động. Nhưng dù sao, cô cần phải nhận thấy rằng, tôi rất tận tâm đối với cô như một người đàn ông đối với người đàn bà… điều ấy là tất cả đối với anh ta… Và cần phải thấy rằng tận tâm này làm cho cô có một lòng tin tuyệt đối về tôi và cô hãy sẵn sàng nghe theo tôi mà không đắn đo gì cả. Đấy là điều kiện để cô thoát nạn. Cô có hiểu như vậy không?
– Có, hoàn toàn phục tùng – cô đáp.
– Vậy thì đây là những lời chỉ dẫn của tôi…Phải, những mệnh lệnh của tôi. Cô cứ tiếp đón bố dượng của cô, đừng phản kháng, đừng cãi cọ. Ngay cả tranh luận cũng không nên. Không nói một lời nào. Đấy là cách tốt nhất để không phạm phải sai lầm. Cứ đi theo ông ấy. Trở về Paris đi. Ngay khi tới nơi, tối hôm ấy cô ra khỏi nhà với một cái cớ nào đấy. Một người đàn bà đã có tuổi, tóc bạc sẽ chờ cô trong chiếc ô tô cách cổng nhà cô khoảng hai mươi bước. Tôi sẽ dẫn cả hai người về tỉnh, trong một nơi ẩn náu mà không ai tìm lại được cô. Rồi tôi sẽ đi ngay. Tôi lấy danh dự hứa với cô là tôi sẽ đến bên cô khi cô cho phép. Chúng ta đồng ý chứ?
– Vâng – cô gật đầu nói.
– Như vậy tối mai. Và cô hãy nhớ lấy những điều tôi đã nói. Dù có gì xảy ra, cô hiểu chứ, dù thế nào đi nữa thì không có gì chống lại ý muốn của tôi là che chở cô, không có gì phá vỡ sự thành công của việc tôi làm. Nếu mọi chuyện có vẻ chống lại cô thì cô cũng chớ nản lòng. Đừng lo lắng gì cả? Cô hãy hết lòng tin tưởng vào lúc nguy nan nhất. Không một mối nguy nào đe dọa được cô. Vào giờ phút cần thiết tôi sẽ có mặt. Bao giờ tôi cũng có mặt. – Xin chào cô.
Anh cúi xuống, nhẹ nhàng hôn lên dải áo choàng của cô gái. Rồi anh đẩy rộng cửa sắt ra, nhảy vào lùm cây, đi theo một con đường mòn mới vạch, dẫn đến một cửa ngầm cũ. Aurélie ngồi lại tại chỗ trên tấm ghế đá, không động đậy.
Nửa phút trôi qua.
Lúc này cô nhận thấy có tiếng sột soạt cành lá gần kẽ nứt, cô ngửng đầu lên. Những cây con động đậy. Có người. Đúng, không còn nghi ngờ gì nữa có người nào nấp ở đấy.
Cô muốn gọi lên kêu cứu, nhưng không thể. Giọng cô nghẽn lại..
Lá cây lung lay nhiều hơn. Ai sẽ hiện ra đây? Từ trong thâm tâm, cô mong đấy là Guillaume hay Jodot. Với chúng, cô ít sợ hơn so với Marescal.
Một cái đầu nhô lên. Marescal ra khỏi chỗ nấp. Dưới kia, về bên phải, một tiếng động ở tấm cửa ngầm nặng nề, vừa đóng lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.