Hãy Chăm Sóc Mẹ
CHƯƠNG 9: TÔI ĐÃ VỀ ĐÂY!
Trước cánh cửa lớn màu xanh đóng chặt, cô gái đang ngó nghiêng nhìn vào trong ngôi nhà.
“Ai đấy?” Khi nghe ông hắng giọng từ phía sau, cô gái quay lại. Cô có vầng trán mịn màng và mái tóc buộc gọn phía sau, ánh mắt cô sáng lên vẻ mừng rỡ.
“Cháu chào bác!”
Ông nhìn cô chăm chăm, và cô mỉm cười thật tươi. “Bác cho cháu hỏi đây có phải là nhà của cô Park So-nyo không ạ?”
Bảng tên trên cánh cổng của ngôi nhà đã bỏ trống từ lâu chỉ khắc mỗi tên ông. Park So-nyo. Lâu lắm rồi từ khi lấy vợ, hôm nay ông mới nghe có người gọi vợ mình bằng cô chứ không phải là bà.
“Có việc gì không cô.”
“Cô Park không có nhà ạ?”
Ông không nói gì.”
“Có thật là cô ấy bị mất tích không ạ?
Ông nhìn cô gái chằm chằm. “Cô là ai?”
“À, cháu là Hong Tea-hee ở Ngôi nhà Hy vọng của khu Namsan.”
Hong Tea-hee? Ngôi nhà Hy vọng?
“Đó là trại trẻ mồ côi ạ. Cháu rất sốt ruột vì đã lâu lắm rồi không thấy cô nhà mình đến, rồi cháu tình cờ đọc được cái này.” Cô gái chỉ cho ông mẩu quảng cáo trên báo mà con trai ông đã đăng. “Băn khoăn không biết chuyện gì đã xảy ra nên cháu đã đến đây vài lần nhưng cửa cổng cứ đóng suốt. Cháu cứ tưởng hôm nay mình cũng lại phải về không… Cháu chỉ muốn hỏi thăm xem tình hình thế nào. Cháu còn phải đọc sách cho cô ấy nghe nữa mà…”
Ông lật hòn đá đặt trước cổng lên để lấy chìa khóa giấu dưới đó ra mở cửa. Mở cánh cổng ngôi nhà đã bỏ trống từ lâu, ông nhìn khắp nơi lòng đầy hy vọng. Nhưng chỉ có sự im lặng bên trong.
Ông mời cô gái vừa tự giới thiệu là Hong Tea-hee vào nhà. Phải đọc sách cho bà ấy nghe sao? Cho vợ mình ư? Ông chưa bao giờ nghe vợ đề cập đến Ngôi nhà Hy vọng hay Hong Tea-hee cả. Vừa bước vào sân, Hong Tea-hee đã cất tiếng gọi, “Cô ơi.” Có vẻ như cô ấy không thể tin được chuyện vợ ông đã mất tích. Không có câu trả lời, gương mặt của cô Hong Tea-hee trở nên thận trọng hơn. “Cô ấy đã bỏ nhà đi hả bác?
“Không, bà ấy bị lạc.”
“Sao cơ ạ?”
“Bà ấy bị lạc ở Seoul.”
“Thật thế sao?” Đôi mắt Tea-hee mở to kinh ngạc. Cô kể rằng mười năm nay vợ ông thường đến Ngôi nhà Hy vọng để tắm rửa, giặt giũ cho lũ trẻ và chăm sóc mảnh vườn trước sân.
Vợ mình ư?
Tea-hee bảo rằng vợ ông là người rất đáng kính, mỗi tháng bà quyên góp 450.000 uôn cho Ngôi nhà Hy vọng, đều đặn như thế đã mấy năm rồi.
450.000 uôn mỗi tháng ư?
Hằng tháng các con ông ở Seoul chung nhau gửi về cho vợ ông 600.000 uôn. Dường như chúng nghĩ rằng với số tiền đó ở nông thôn thì hai người có thể sống thoải mái. Mà thật, đó không phải khoản tiền nhỏ. Hồi đầu vợ ông chia sẻ khoản tiền đó với ông, nhưng đến một ngày bà bảo bà sẽ sử dụng toàn bộ số tiền đó. Ông băn khoăn không biết sao tự nhiên bà lại thành ra như thế, nhưng vợ ông bảo đừng có hỏi bà dùng số tiền đó vào việc gì. Bà nói bà có quyền sử dụng khoản tiền đó vì bà đã một mình nuôi cả mấy đứa con. Có vẻ như bà đã nghĩ về điều này từ rất lâu rồi. Nếu không, bà đã chẳng bảo, “Tôi thấy mình có quyền sử dụng toàn bộ số tiền đó.” Đó không phải là cách ăn nói của vợ ông. Nó nghe giống như lời thoại trên phim truyền hình. Ông đoán chắc trong mấy ngày liền vợ ông đã một mình tập nói câu đó với không trung.
Có lần, vợ ông yêu cầu ông sang tên ba mảnh ruộng cho bà ấy. Ông hỏi bà ấy sao lại phải làm vậy, thì bà nói vì cuộc sống của bà có cảm giác như chẳng có ý nghĩa gì. Sau khi tất cả con cái đều thoát ly, bà cảm thấy mình thật vô tích sự. Chuyện này xảy ra ngay sau ngày lễ phụ mẫu mồng tám tháng Năm, chẳng có đứa con nào gọi điện về. Hôm đó, vợ ông tự đến cửa hàng văn phòng phẩm trong thị trấn mua hai bông hoa cẩm chướng, mỗi bông đính một dải ruy băng có ghi dòng chữ, Cảm ơn cha mẹ vì đã sinh thành và nuôi dưỡng con.
Thấy ông đang đứng trên con đường mới làm, bà giục ông về nhà. “Lỡ ai nhìn thấy chúng ta thì sao?” Dù đã về đến nhà, bà vẫn nài nỉ ông vào trong phòng đóng cửa lại, rồi cài một bông cẩm chướng lên ngạc áo khoác của ông.
“Mọi người sẽ nói gì khi thấy chúng ta không có hoa cài áo, khi mà ai cũng biết chúng ta có mấy đứa con? Thế nên tôi mua mấy bông hoa này.” Vợ ông cũng cài một bông hoa cẩm chướng lên trước ngực áo khoác của mình. Bông hoa cứ rơi ra khiến bà phải cài lại hai lần mới được. Ông gỡ bỏ bông hoa ngay sau khi ra khỏi nhà, còn bà vẫn đeo bông hoa ấy cho đến hết ngày. Đến ngày hôm sau, bà ốm nằm bẹp trên giường. Bà rên rỉ trằn trọc suốt mấy đêm, rồi bà ngồi phắt dậy và yêu cầu ông sang tên ba mảnh ruộng cho bà. Khi ông giải thích rằng tất cả đất đai của ông cũng đều là đất đai của bà và nếu chỉ có ba mảnh đất sang tên Parl So-nyo thì bà sẽ rất thiệt bởi vì như vậy rõ ràng tất cả phần đất còn lại đều là của ông, bà tỏ ra rất thất vọng và bảo chắc là thế thật.
Nhưng vợ ông rất cương quyết khi nói bà muốn giữ tất cả số tiền các con gửi về. Ông hoàn toàn không có ý phản đối thái độ của vợ khi bà nói vậy. Vì ông nghĩ nếu ông phản ứng thì hai người sẽ cãi nhau to. Ông đã đồng ý với một điều kiện. Vợ ông có thể giữ toàn bộ số tiền đó, bù lại bà không được giám sát ông. Vợ ông bảo như thế cũng được. Ông không thấy vợ bỏ tiền ra mua sắm quần áo để mặc hay làm việc gì đặc biệt, nhưng có lần bí mật kiểm tra sổ tài khoản ông thấy số tiền 450.000 uôn được rút ra từ tài khoản ngân hàng vào cùng một ngày hằng tháng, rút một cục. Nếu tiền về chậm, bà gọi điện cho đứa con gái chịu trách nhiệm thu tiền của anh chị em rồi gửi về nhà, nhắc nhở nó gửi tiền. Vợ ông tự hồi nào tới giờ có vậy đâu. Tuy không hỏi vợ dùng số tiền đó vào việc gì, ông đã hứa sẽ không hỏi, nhưng ông nghĩ bà đang lấy 450.000 uôn mỗi tháng cất vào tài khoản tiết kiệm, để tạo ra mục đích mới cho cuộc sống. Có lần ông đã cố tìm sổ tài khoản tiết kiệm của bà, tin rằng đó là mục đích của khoản tiền kia, nhưng không tìm thấy gì. Nếu những gì cô Hong Tea-hee nói là thật, vợ ông đã ủng hộ cho Ngôi nhà Hy vọng của khu Namsan 450.000 uôn mỗi tháng suốt thời gian qua. Ông vô cùng ngạc nhiên trước người vợ của mình.
Cô Hong Tea-hee nói với ông rằng bọn trẻ còn trông ngóng cô Park hơn cả bản thân cô. Cô kể với ông về cậu bé tên là Kyun, vợ ông đã thực sự trở thành mẹ của thằng bé, thế nên Kyun buồn lắm khi vợ ông đột nhiên không đến trại trẻ mồ côi nữa. Thằng bé bị bỏ rơi trước trại trẻ mồ côi khi chưa đầy sáu tháng, ngay đến cái tên cũng không có, chính vợ ông đã đặt tên cho thằng bé là Kyun.
“Cô bảo bà ấy đặt tên cho nó là Kyun ư?”
“Vâng, Kyun ạ.”
Hong Tea-hee kể sang năm Kyun sẽ vào cấp hai. Vợ ông đã hứa rằng đến ngày đó sẽ mua cặp sách và đồng phục cho nó. Kyun. Một nỗi ớn lạnh tràn ngập lòng ông. Ông yên lặng nghe câu chuyện của cô Hong Tea-hee. Ông không tin nổi vợ ông đã thường xuyên lui tới trại trẻ mồ côi của khu Namsan hơn chục năm nay mà ông không hề hay biết. Ông băn khoăn chẳng biết người vợ mất tích của mình có phải chính là người phụ nữ mà cô Hong Tea-hee đang nói đến hay không. Bà ấy đã tới Ngôi nhà Hy vọng từ khi nào? Sao bà ấy không hề nói gì với ông? Ông nhìn chằm chằm vào tấm ảnh người vợ trên mẩu tin quảng cáo rồi lặng lẽ đi vào trong phòng. Ông lấy cuốn album để tận trong góc ngăn kéo, rút ra một tấm ảnh của vợ mình. Đó là tấm ảnh vợ ông chụp cùng cô con gái khi đứng trên con đê ngoài biển, hai mẹ con giữ chặt tà áo bay phần phật trong gió. Ông đưa tấm ảnh cho cô Hong Tea-hee xem. “Có đúng là người cô đang nói đến đây không?”
“Trời ơi! Đúng là cô Park rồi!” Cô Hong Tea-hee reo lên mừng rỡ như thể gặp được chính vợ ông vậy. Dường như vợ ông trong tấm ảnh, cau mày lại vì nắng, đang nhìn ông.
“Cô nói đã hứa sẽ đọc sách cho bà ấy, chuyện đó là thế nào?”
“Cô Park đã tự nguyện gánh vác mọi việc khó khăn ở Ngôi nhà Hy vọng. Cô đặc biệt thích tắm gội cho bọn trẻ. Cô ấy chịu khó lắm, cứ lần nào cô ấy tới thăm là cả trại mồ côi sáng sủa hẳn lên. Khi cháu hỏi cháu có thể làm gì để cảm ơn cô thì cô ấy nói mọi người không cần phải làm gì cả. Thế nhưng một hôm, cô ấy cầm một quyển sách đến bảo cháu rằng mỗi lần cô tới cháu hãy dành một tiếng đồng hồ đọc cho cô nghe. Cô ấy bảo đó là quyển sách cô ấy rất thích, nhưng do mắt ngày càng kém nên cô ấy không đọc được.”
Ông im lặng.
“Là quyển sách này đây.”
Ông nhìn quyển sách mà cô Hong Tea-hee lấy từ trong cặp ra. Cuốn sách của con gái ông.
“Tác giả của cuốn sách này sinh ra ở vùng này. Cháu nghe nói cô ấy từng học cấp một và cấp hai ở đây. Cháu nghĩ vì thế mà cô nhà mình rất thích nữ tác giả ấy. Cuốn sách gần đây nhất cháu đọc cho cô Park cũng là của tác giả này.”
Ông cầm lấy cuốn sách do chính cô con gái mình viết. Quyển sách có nhan đề Hoàn thiên tình yêu. Thế là vợ ông đã rất muốn đọc tiểu thuyết của cô con gái. Vợ ông chưa bao giờ nói với ông về chuyện đó. Ông thậm chí không lúc nào nghĩ tới việc đọc sách của con gái cho vợ mình nghe. Liệu có ai khác trong gia đình biết chuyện vợ ông không biết đọc không? Khi ông phát hiện ra vợ ông không biết đọc, bà trông rất tổn thương, như thể ông vừa xúc phạm bà vậy. Vợ ông luôn cho rằng mọi việc ông từng gây ra đều là do ông coi thường bà vì bà không biết chữ – bỏ nhà đi hồi trẻ, to tiếng mắng nhiếc bà nhiều lần, trả lời bà một cách thô lỗ, “Bà muốn biết làm gì chứ?” Đó không phải lý do ông làm những việc đó, nhưng ông càng phủ nhận thì vợ ông lại càng quả quyết đó là sự thực. Giờ đây ông tự hỏi không biết thực ra mình có coi thường bà không, một cách vô thức, như bà vẫn khăng khăng khẳng định. Ông hoàn toàn không ngờ rằng một người lạ đang đọc sách của con gái ông cho vợ ông nghe. Vợ ông hẳn đã phải cố gắng bao nhiêu mới giấu được cô gái này chuyện mình không biết đọc. Khao khát đọc cuốn tiểu thuyết của con gái mình, nhưng vợ ông không thể nói với cô gái này rằng nữ tác giả chính là con gái mình, mà lại nói do mắt mình kém nên mới đề nghị cô ấy đọc to lên cho bà nghe. Mắt ông cay xè. Vợ ông đã phải kiềm chế bao nhiêu để không khoe về con gái mình với cô gái này?”
“Chà, bà ấy tồi thật đấy!”
“Sao ạ?” Cô Hong Tea-hee tròn mắt ngạc nhiên nhìn ông.
Nếu đã muốn đọc đến thế thì đáng lẽ bà ấy phải bảo tôi đọc cho mà nghe chứ? Ông xoa xoa hai bàn tay lên khuôn mặt đã chai sạn. Nếu vợ ông nhờ ông đọc cuốn sách đó thì ông có đọc cho bà nghe không? Trước khi vợ ông bị lạc, dường như ông cứ sống thế mà chẳng nhớ gì tới vợ mình. Còn những lúc ông nghĩ đến bà thì chỉ là khi ông yêu cầu bà làm việc gì đó hoặc đổ lỗi hoặc phớt lờ bà mà thôi. Thói quen quả là thứ đáng sợ. Ông thường ăn nói rất nhã nhặn với người khác, nhưng khi nói với vợ mình thì lời lẽ của ông lại trở nên nặng nề. Đôi khi ông còn chửi rủa vợ. Ông hành động cứ như thể có quy định rằng ông không được ăn nói lịch sự với vợ mình. Ông đã làm như thế đấy.
“Tôi về đây rồi,” ông cứ lẩm bẩm với ngôi nhà vắng, sau khi cô Hong Tea-hee đã ra về.
Tất cả những gì ông muốn trong đời là rời khỏi ngôi nhà này – từ khi ông còn trẻ, sau khi đã lập gia đình, và thậm chí sau khi đã có con. Cứ nghĩ đến việc mình sinh ra ở ngôi làng nghèo nàn hiu quạnh ở miền Nam đất nước này, rồi cứ sống như vậy cho đến chết ở trong cùng một ngôi nhà là ông cảm thấy vô cùng chán nản. Mỗi khi như vậy, ông lại bỏ nhà đi phiêu bạt khắp các tỉnh thành, chẳng để lại một lời nhắn nhủ. Mỗi khi sắp đến lễ tết, ông trở về nhà giống như một kẻ lang thang tuân theo mệnh lệnh cài đặt sẵn trong gien. Sau đó, ông lại bỏ nhà ra đi và chỉ bò về nhà khi đã mệt mỏi rã rời. Một hôm, sau khi cơ thể đã bình phục, ông tập đi xe máy. Ông bỏ nhà ra đi lần nữa, đèo theo sau một người phụ nữ không phải vợ ông. Nhiều lần ông đã nghĩ mình sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. Ông muốn quên hẳn ngôi nhà này, đi đến miền đất lạ và sống cuộc sống mới. Nhưng cuộc sống mới của ông chẳng thể kéo dài được quá ba mùa.
Khi những điều mới lạ dần trở nên quen thuộc, những thứ vợ ông không tiếc công nuôi trồng và chăm sóc lại lởn vởn trước mắt ông. Lũ chó con, đàn gà, những củ khoai tây đào mãi không hết… rồi các con ông.
Trước khi ông mất dấu vợ ở ga tàu điện ngầm Seoul, vợ ông đơn thuần chỉ là mẹ của Hyong-chol. Mẹ của Hyong-chol như cái cây lúc nào cũng đứng nguyên một chỗ, cho đến khi ông thay mình đối mặt với thực tế là có thể không bao giờ gặp lại người vợ nữa. Một cái cây sẽ không bao giờ lay chuyển nếu không bị chặt hay nhổ đi. Sau khi mẹ của Hyong-chol bị mất tích, ông mới nhận ra rằng người mất tích chính là vợ mình. Hình ảnh người vợ mà ông đã gần như lãng quên suốt năm mươi năm qua đang hiện lên rõ ràng trong tâm trí ông. Chỉ sau khi vợ ông biến mất, bà mới trở nên hữu hình với ông, như thể cứ đưa tay ra là ông có thể chạm được vào bà.
Chỉ đến tận bây giờ, ông mới thực sự nhận ra tình cảnh của vợ mình vài ba năm gần đây. Vợ ông đã chìm sâu vào trạng thái vô cảm. Bà thường rơi vào tình trạng không nhớ được bất cứ điều gì. Đôi khi bà ngồi phịch trên con đường làng quen thuộc, không tìm thấy lối về nhà. Cũng có lúc vợ ông cứ nhìn chăm chăm vào cái nồi hay cái chum bà đã dùng suốt năm mươi năm qua, ánh mắt đầy băn khoăn, “Cái này để làm gì thế nhỉ?” Bà không còn quan tâm đến chuyện dọn dẹp nhà cửa nữa, tóc rụng vương vãi khắp nơi cũng chẳng quét đi. Có những lần vợ ông không theo kịp lời thoại của một bộ phim truyền hình ngày nào bà cũng xem. Bà còn quên cả bài hát bà vẫn hay hát mấy chục năm qua, bài hát bắt đầu bằng câu, “Nếu ai hỏi tình yêu là gì…” Cũng có lúc, vợ ông dường như không nhớ nổi ông là ai. Có khi thậm chí quên cả chính mình.
Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Vợ ông có thể nhớ một số chi tiết hết sức nhỏ nhặt, như thể bà giành lại được thứ gì đó từ khối nước đã bốc hơi. Một hôm bà kể lại chuyện có lần ông bọc ít tiền vào một tờ báo và cài vào khe cửa nhà kho trước khi ông bỏ nhà ra đi. Vợ ông nói rằng mặc dù khi đó bà không nói gì, nhưng bà rất biết ơn vì ông đã để lại số tiền đó. Bà bảo nếu không phát hiện ra số tiền gói trong tờ báo đó thì không biết bà sẽ phải xoay xở thế nào. Một lần khác, vợ ông nhắc ông phải chụp lại một tấm ảnh mới cho cả nhà. Vì trong bức ảnh gia đình chụp chung lần trước không có đứa con mà cô con gái thứ của ông bà sinh bên Mỹ.
Phải đến tận bây giờ ông mới đau đớn nhận ra rằng, ông đã thờ ơ trườc tình trạng lẫn lộn của vợ mình.
Khi những cơn đau đầu khiến vợ ông như ngất lịm đi, phải quấn miếng vải quanh đầu cho đỡ đau, ông vẫn nghĩ rằng bà đang ngủ. Ông ước gì bà đừng có bạ đâu nằm đấy ngủ. Khi vợ ông đang loạng choạng, loay hoay mãi không mở được cửa, ông thậm chí còn to tiếng bảo bà phải mở mắt ra mà nhìn xem mình đi đâu chứ. Chưa bao giờ nghĩ tới việc phải chăm sóc vợ, ông không thể hiểu được rằng ý thức về thời gian của vợ ông đang ngày càng trở nên hỗn độn. Khi vợ ông quấy cám đổ vào cái máng trong chuồng lợn trống trơn rồi ngồi xuống bên cạnh gọi tên con lợn mà ông đã nuôi từ hồi xưa và lẩm bẩm, “Lần này mày phải đẻ ba con đấy nhé, đừng có đẻ một con đấy… được thế thì mày ngoan lắm,” ông chỉ nghĩ vợ mình đang đùa vui vớ vẩn. Cách đây rất lâu rồi, con lợn đó đã đẻ một lứa ba con. Vợ ông đã bán lũ lợn con đi để mua cho Hyong-chol một chiếc xe đạp.
“Bà ở trong đó à? Tôi về rồi đây!” Ông gọi to về phía ngôi nhà trống rồi lắng tai nghe.
Ông mong chờ tiếng đáp trả đầy hoan hỉ của người vợ, “Ông về rồi đấy à!” nhưng ngôi nhà trống vẫn hoàn toàn im lặng. Bất cứ khi nào trở về nhà, chỉ cần ông gọi, “Tôi về rồi đây” là ngay lập tức vợ ông sẽ thò đầu ra từ đâu đó trong ngôi nhà này.
Vợ ông không ngừng chì chiết ông. “Sao ông không bỏ rượu đi? Chẳng có tôi ông vẫn sống được, vậy mà không có rượu là ông không sống nổi hay sao? Mấy đứa con lần nào gọi điện về cho tôi cũng rất lo lắng chuyện ông nghiện ngập rượu chè, thế mà sao ông vẫn không bỏ được cái thói ấy đi chứ!” Vợ ông vừa đay nghiến ông vừa giúi vào tay ông cốc nước lá vừng đun với mấy quả nho khô Nhật Bản. “Nếu ông mà còn say rượu rồi vác cái thân tàn về một lần nữa là tôi sẽ bỏ ông đi đấy… Bác sĩ ở bệnh viện chả nói rồi còn gì, rượu là thứ tối kỵ với ông. Nếu ông không còn muốn thấy cuộc đời đẹp đẽ này nữa thì ông cứ việc uống tiếp đi!”
Vợ ông luôn thất vọng não nề như thế mỗi khi ông đi ăn trưa với mấy người bạn rồi chén chú chén anh đến say khật khưỡng mới về nhà, cứ như thể trời sắp sụp đến nơi. Ông không hề biết rằng một ngày kia ông lại thấy nhớ những lời đay nghiến của vợ mình, vốn trước đây vừa chui vào tai trái thì đã lọt qua tai phải.
Nhưng giờ đây ông không thể nghe gì nữa, mặc dù khi xuống tàu trước nhà ga để làm một chén, chỉ để khi về nhà được nghe thấy tiếng chì chiết đó của vợ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.