Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Chương I: CHẲNG CÓ THUỐC NÀO CHỮA ĐƯỢC SỰ TÒ MÒ



“Trí tò mò là liều thuốc chữa sự buồn tẻ.

Chẳng có thuốc nào chữa được sự tò mò.”

− DOROTHY PARKER 2

Một chiều hè thứ Năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California (USC), tôi ngồi trong căn
hộ ở Santa Monica hướng ra ô cửa sổ đang mở và suy nghĩ về việc làm sao kiếm được việc làm cho đến khi bắt đầu học trường luật ở USC vào mùa thu.

Đột nhiên, tôi nghe lỏm thấy có hai gã đang nói chuyện phía ngoài cửa sổ. Một gã lên tiếng: “Ôi Chúa ơi, tôi có được công việc dễ chịu nhất ở Warner Bros. Tôi được trả lương cho tám tiếng làm việc mỗi ngày nhưng thường chỉ tốn có một giờ làm việc.”

Gã này ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của tôi. Tôi hé cửa sổ thêm chút nữa để không bỏ lỡ phần còn lại của câu chuyện và nhẹ nhàng kéo rèm.

Gã nọ tiếp tục nói rằng hắn là thư ký pháp lý. “Tôi vừa bỏ việc hôm nay. Sếp tôi tên là Peter Knecht.”

Tôi sửng sốt. Nghe có vẻ hoàn hảo đối với tôi.

Tôi đi thẳng ra phía chiếc điện thoại, nhấn số 4113, và hỏi xin số tổng đài ở Warner Bros. Giờ tôi vẫn nhớ số, 954-60004.

Tôi bấm số và đề nghị được gặp Peter Knecht. Một thư ký ở văn phòng ông ấy nghe máy, và tôi nói với cô ta: “Tôi sẽ nhập học trường luật USC vào mùa thu và tôi muốn gặp ông Knecht để xin ứng tuyển vào vị trí thư ký pháp lý còn đang bỏ ngỏ.”
Knecht nghe máy. “Cậu có thể đến đây vào ba giờ chiều mai không?”, ông ấy hỏi.

Tôi đến gặp ông ấy vào 3 giờ chiều thứ Sáu. Ông ấy tuyển dụng tôi vào lúc 3 giờ 15 phút. Và tôi bắt đầu công việc ở Warner Bros. Ngay sáng thứ Hai sau đó.

Tôi đã không hề nhận ra tại thời điểm đó, nhưng có hai điều không thể tin được đã xảy ra vào ngày hè năm 1974 đó.

Đầu tiên, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Khi tôi được tuyển dụng vào vị trí thư ký pháp lý vào sáng thứ Hai đó, họ đã sắp xếp cho tôi một văn phòng bé như một chiếc tủ quần áo và không hề có cửa sổ. Khi ấy, tôi đã tìm được công việc của đời mình. Từ căn phòng bé xíu đó, tôi đã bước chân vào ngành làm phim. Tôi đã không bao giờ làm ở nơi nào khác nữa.

Tôi cũng nhận ra rằng trí tò mò đã cứu rỗi cuộc đời tôi vào buổi chiều thứ Năm đó. Tôi đã tò mò đủ lâu như tôi có thể nhớ. Hồi nhỏ, tôi thường đặt ra cho mẹ và bà tôi hàng loạt các câu hỏi, họ có thể trả lời một vài câu trong số đó, vài câu thì không.

Đến khi trưởng thành, trí tò mò đã trở thành một phần trong cách tôi tiếp cận thế giới mỗi ngày. Trí tò mò của tôi không thay đổi nhiều kể từ khi tôi nghe lỏm được cuộc nói chuyện của hai gã ngoài cửa sổ căn hộ. Nó thực sự không thay đổi nhiều kể từ khi tôi là một cậu bé 12 tuổi hiếu động.

Trí tò mò thường giúp tôi mở mang tầm mắt nhưng đôi lúc cũng gây hại. Nhiều trong những điều tuyệt vời đã xảy ra trong cuộc sống của tôi là kết quả của trí tò mò. Và trí tò mò cũng thường khiến tôi gặp rắc rối.
Nhưng ngay cả khi trí tò mò khiến tôi gặp rắc rối thì đó cũng là những rắc rối thú vị.

Trí tò mò không bao giờ làm tôi thất vọng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc khi đặt ra câu hỏi tiếp theo đó. Trái lại, trí tò mò đã mở ra nhiều cơ hội trước mắt tôi. Tôi đã gặp những con người thú vị, làm ra những bộ phim hay, kết thân được với những người bạn tuyệt vời và có được những cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ, thậm chí là “rơi vào lưới tình” – bởi tôi không hề cảm thấy xấu hổ khi đặt câu hỏi.

Công việc đầu tiên ở hãng Warner Bros. vào năm 1974 chẳng khác nào cái văn phòng bé tí mà hãng đã phân cho tôi – tù túng và gây nản lòng. Công việc rất đơn giản: Tôi được yêu cầu giao các hợp đồng cuối và các tài liệu pháp lý cho những người đang làm với Warner Bros. Có thế thôi. Tôi nhận được các phong bì đầy tài liệu và địa chỉ cần chuyển tới, rồi cứ thế lên đường.

Mang tiếng là thư ký pháp lý nhưng thực sự tôi chỉ là nhân viên giao nhận được tôn lên mà thôi. Lúc đó tôi có một chiếc BMW cũ đời 2002 – một trong những chiếc BMW mui kín hai cửa hình hộp trông cứ như thể đang đổ về phía trước. Chiếc xe có màu rượu vang đỏ nhạt và tôi dành cả ngày lái xe quanh Hollywood và Beverly Hills, giao bưu phẩm và các giấy tờ quan trọng.

Tôi nhanh chóng phát hiện ra một điều thực sự thú vị về công việc của mình: Những người mà tôi giao giấy tờ. Họ là các chính trị gia, những người có thế lực và các ngôi sao của Hollywood thập niên 1970 – các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và các ngôi sao. Chỉ có một vấn đề duy nhất: Những người như thế luôn có các trợ lý hoặc thư ký, bảo vệ hoặc quản gia.

Nếu làm công việc này, tôi không muốn bỏ lỡ phần tích cực duy nhất. Tôi không muốn gặp các quản gia, tôi muốn gặp những nhân vật quan trọng kia. Tôi rất tò mò về họ.

Vì thế tôi đã tìm ra một bước đi đầu tiên khá đơn giản. Khi đến giao bưu phẩm, tôi sẽ nói với những người trung gian – các thư ký và bảo vệ – rằng tôi phải giao trực tiếp các tài liệu cho “chính chủ”.
Tôi tới ICM – một công ty lớn – để giao hợp đồng cho một đại diện lớn của thập niên 1970, Sue Mengers5, người đại diện cho Barbra Streisand và Ryan O’Neal, Candice Bergen và Cher, Burt Reynolds và Ali MacGraw. Làm sao tôi có thể gặp được Mengers? Tôi đã nói với lễ tân của ICM rằng: “Cách duy nhất để cô Mengers có thể nhận được bưu phẩm đó là tôi phải giao trực tiếp cho cô ấy.” Nhân viên lễ tân nọ đã cho tôi vào mà không đặt ra bất cứ câu hỏi nào.

Nếu người nhận không có ở đó, tôi sẽ ra về và quay trở lại sau. Cái gã “dâng” công việc cho tôi đã đúng. Tôi có cả ngày nhưng không có nhiều việc cần lo.

Đây là cách tôi đã gặp Lew Wasserman, vị giám đốc khó tính của Hãng MCA và vợ ông ta, Jules Stein.

Đó là cách tôi đã gặp William Peter Blatty, tác giả cuốn The Exorcist, và cả Billy Friedkin, người đã giành được giải Oscar nhờ chuyển thể tác phẩm đó thành phim.

Tôi đã giao các hợp đồng cho Warren Beatty ở khách sạn Beverly Wilshire.

Tôi chỉ mới 23 tuổi nhưng tôi đã rất tò mò. Và tôi nhanh chóng biết được rằng tôi không những có thể gặp được những người này, mà còn có thể ngồi và nói chuyện với họ.

Tôi sẽ giao các tài liệu với sự nhã nhặn và lịch thiệp, và vì đó là thập niên 1970 nên họ luôn nói rằng: “Mời vào, uống gì nhé, cà phê đi!”

Tôi sẽ tận dụng những khoảnh khắc như thế để hiểu qua về họ, đôi khi là để có được chút lời khuyên về công việc. Tôi không bao giờ đưa ra đề nghị xin việc. Thực sự là tôi chẳng đưa ra đề nghị xin gì hết.

Rất nhanh chóng, tôi nhận ra rằng công việc làm phim và chương trình truyền hình thú vị hơn nhiều so với trường luật. Vì vậy tôi quyết định từ bỏ – tôi không bao giờ đến trường luật; tôi có thể sẽ trở thành một luật sư tồi – và tôi tiếp tục làm ở vị trí thư ký pháp lý đó trong một năm, đến tận mùa hè năm sau.

Bạn biết tò mò là thế nào: trong suốt khoảng thời gian đó, không ai bắt được tháu cáy 6 của tôi.

Không ai nói rằng: “Này nhóc, hãy để hợp đồng trên bàn và ra ngoài đi. Cậu không cần phải gặp Warren Beatty đâu.”

Tôi gặp được tất cả những người mà tôi giao tài liệu.

Cũng giống như việc trí tò mò đã mang lại cho tôi công việc đó, nó cũng biến công việc đó thành một điều thực sự tuyệt vời.

Những người được tôi giao tài liệu đã thay đổi cuộc đời tôi. Họ cho tôi thấy toàn bộ phong cách kể chuyện mà tôi chưa được làm quen, và tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể tôi sinh ra đã là một người biết kể chuyện. Họ đã dọn đường để tôi tạo ra những bộ phim như Splash vàApollo 13, American Gangster, Friday Night Lights và A Beautiful Mind.

Có điều gì đó rất quan trọng cũng đã xảy ra trong suốt một năm tôi làm thư ký pháp lý. Đó là năm tôi bắt đầu đánh giá tích cực sức mạnh thực sự của trí tò mò.

Nếu bạn lớn lên vào những thập niên 1950 và 1960 thì trí tò mò không được coi là một phẩm chất. Trong những phòng học ngoan ngoãn và trật tự của thời kỳ Eisenhower7, trí tò mò còn hơn cả một hành động khiêu khích. Tất nhiên tôi biết mình tò mò, nhưng điều đó có vẻ giống việc đeo kính. Đó là đặc điểm gây chú ý nhưng lại không giúp tôi được chọn vào các đội thể thao, và cũng không giúp tôi cưa gái.

Năm đầu tiên ở Warner Bros., tôi nhận ra rằng trí tò mò còn hơn cả nhân phẩm của bản thân tôi. Đó là một thứ vũ khí bí mật, hữu hiệu trong việc được chọn vào đội thể thao – hóa ra cũng hữu hiệu trong việc trở thành đội trưởng của đội – và cũng là thứ vũ khí hoàn hảo trong việc cưa gái.

* * *

Trí tò mò có vẻ quá đơn giản. Thậm chí vô hại.

Giống chó săn Labrador vô cùng tò mò. Cá heo cũng là loài rất tò mò. Một em bé hai tuổi lục lọi khắp các ngăn tủ bếp cũng rất tò mò – và vô cùng thích thú với giá trị giải trí ồn ào của trí tò mò ấy. Mỗi người gõ một thắc mắc vào công cụ tìm kiếm của Google và nhấp chuột vào nút “Enter” đều tò mò về điều gì đó – và việc này xảy ra 4 triệu lần mỗi phút, mỗi phút trong ngày.8

Nhưng trí tò mò còn có một sức mạnh tiềm ẩn mà hầu như chúng ta đều coi nhẹ.

Trí tò mò là chất dẫn khơi nguồn cho sự tán tỉnh – trong một quán bar, ở một bữa tiệc, trong giảng đường môn Kinh tế 101. Và trí tò mò nuôi dưỡng sự lãng mạn ấy, cùng tất cả các mối quan hệ tốt đẹp nhất của con người – hôn nhân, tình bạn, sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Trí tò mò đủ để đặt ra một câu hỏi – “Hôm nay anh thế nào?” hoặc “Anh/em có khỏe không?” – để nghe câu trả lời và để đặt ra câu hỏi tiếp theo.

Trí tò mò có thể vừa mang tính cấp bách vừa không mấy quan trọng. Ai đã bắn J.R?Breaking Bad sẽ kết thúc ra sao? Những con số độc đắc trên tấm vé trong giải xổ số Powerball lớn nhất trong lịch sử là những con số nào? Những câu hỏi này chứa đựng sự cưỡng bách đầy nôn nóng – đến tận khi chúng ta nhận được câu trả lời. Một khi trí tò mò được thỏa mãn, câu hỏi tức khắc được giải đáp. Dallas là một ví dụ hoàn hảo: Ai đã bắn J.R? Nếu sống trong thập niên 1980, bạn biết câu hỏi nhưng có thể không nhớ câu trả lời.9

Tất nhiên, có rất nhiều tình huống khi mà sự cấp bách hóa ra lại chính đáng, và khi mà việc thỏa mãn trí tò mò ban đầu chỉ gợi thêm sự tò mò. Nỗ lực giải mã bộ gen người đã biến thành một cuộc đua kịch tính giữa hai nhóm các nhà khoa học. Và một khi bộ gen đã được giải mã, các kết quả mở ra hàng ngàn con đường tươi mới cho trí tò mò Y học và Khoa học.

Chất lượng của nhiều trải nghiệm thường xoay quanh trí tò mò. Nếu bạn định mua một chiếc ti vi mới, thì loại ti vi mà bạn sắp mang về nhà và mức độ bạn thích nó phụ thuộc rất nhiều vào sự tò mò của nhân viên bán hàng: tò mò đủ về những chiếc ti vi để hiểu rõ chúng; tò mò đủ về những nhu cầu và thói quen xem truyền hình của bạn để tìm ra loại ti vi mà bạn cần.
Thực sự, đó chính là ví dụ hoàn hảo về trí tò mò được ngụy trang.

Trong một cuộc gặp gỡ như thế, chúng ta sẽ phân loại nhân viên bán hàng “giỏi” hoặc “tệ”. Một nhân viên tệ có thể tìm đủ mọi cách để cố bán thứ mà khách hàng không muốn hoặc không hiểu rõ, hay đơn giản chỉ là giới thiệu những chiếc ti vi giảm giá, lặp lại nguyên xi danh sách những chi tiết đã được ghi trên tờ giới thiệu đặt dưới mỗi chiếc ti vi. Nhưng thành phần chính trong mỗi tình huống đều là trí tò mò – về khách hàng và về các sản phẩm.

Trí tò mò ẩn như thế có mặt ở khắp nơi mà bạn thấy – sự hiện diện hoặc sự thiếu vắng nó cho thấy phần kỳ diệu ở một loạt những nơi đáng kinh ngạc. Chìa khóa để khai mở những bí ẩn về gen của con người: Trí tò mò. Chìa khóa để minh chứng cho dịch vụ khách hàng tuyệt vời: Trí tò mò.

Nếu bạn đang tham dự một bữa tối xã giao chán ngắt thì trí tò mò có thể cứu rỗi bạn.

Nếu bạn đang phiền muộn về sự nghiệp của mình, trí tò mò có thể giải cứu bạn.

Nếu bạn đang cảm thấy thiếu sáng tạo hay không có động lực, trí tò mò có thể là phương thuốc hữu hiệu.

Nó có thể giúp bạn tận dụng sự tức giận hoặc căng thẳng một cách tích cực.

Nó có thể trao cho bạn động lực.

Trí tò mò có thể làm tăng hương vị cho cuộc sống của bạn và đưa bạn tiến xa hơn vượt ra khỏi niềm vui thích – nó có thể làm tăng toàn bộ ý thức của bạn về sự an toàn, sự tự tin và sự tốt đẹp.

Nhưng tất nhiên, nó không làm bất cứ điều nào trong số những điều trên một cách đơn độc.

Để đạt được hiệu quả, trí tò mò phải được trang bị đi kèm với ít nhất với hai đặc tính quan trọng khác. Đầu tiên là khả năng chú ý đến câu trả lời cho câu hỏi của bạn – bạn phải thực sự thẩm thấu được bất cứ thứ gì mà bạn đang tò mò muốn biết.
Đặc điểm thứ hai là sự sẵn sàng hành động. Không còn nghi ngờ gì nữa, trí tò mò là niềm cảm hứng cho suy nghĩ rằng chúng ta có thể bay lên cung trăng nhưng nó không thể đưa hàng trăm ngàn người, đầu tư hàng tỉ đô – la và quyết tâm vượt qua thất bại cũng như những thảm họa dọc hành trình để biến điều đó thành hiện thực. Trí tò mò có thể truyền cảm hứng cho một tầm nhìn độc đáo – về hành trình lên cung trăng hay quá trình thực hiện một bộ phim, v.v… Nó có thể làm đầy thêm cảm hứng đó khi tinh thần sa sút – Hãy nhìn kìa, đó là nơi chúng ta sắp đến! Nhưng vào thời điểm nào đó, trên hành trình đến mặt trăng hoặc hoàn thiện bộ phim, công việc có thể trở nên vất vả, trở ngại sẽ nối tiếp nhau và áp lực chồng chất, và đó là khi bạn cần sự quyết tâm.

Tôi mong thực hiện được ba điều sau trong cuốn sách này: Tôi muốn bạn thấy được giá trị và sức mạnh của trí tò mò; tôi muốn cho bạn thấy mọi cách mà tôi đã sử dụng nó, với mong muốn việc đó sẽ truyền cảm hứng cho bạn thử nghiệm nó trong cuộc sống hằng ngày; và tôi muốn bắt đầu một cuộc trò chuyện ở một thế giới rộng lớn hơn về lý do tại sao ngày nay một phẩm chất quan trọng như thế lại bị coi nhẹ, ít được chỉ dạy và ươm mầm.

Bản thân trí tò mò có vẻ không mấy phức tạp. Các nhà tâm lý học định nghĩa trí tò mò là “mong muốn được biết”. Chính xác là vậy. Tất nhiên, “mong muốn được biết” có nghĩa là tìm kiếm thông tin. Trí tò mò khởi đầu như là một sự thôi thúc, hối thúc nhưng nó xuất hiện trong thế giới dưới dạng một thứ gì đó tích cực và triệt để hơn – một câu hỏi.

Đối với chúng ta, trí tò mò có vẻ tự nhiên như cái đói hay cơn khát. Một đứa trẻ đặt ra hàng loạt các câu hỏi có vẻ vô thưởng vô phạt như: Tại sao bầu trời lại xanh? Bầu trời xanh cao đến đâu? Bầu trời xanh đi đâu mất vào buổi tối? Thay vì các câu trả lời (hầu hết người lớn đều không thể giải thích vì sao bầu trời màu xanh, kể cả tôi), đứa trẻ có thể nhận được một câu trả lời qua loa đại khái như: “Tại sao ư, con không phải là một cô bé tò mò sao…?”10

Đối với vài người, các câu hỏi như thế có vẻ khó, thậm chí còn khó hơn nếu bạn không rõ câu trả lời. Thay vì trả lời đứa trẻ, người lớn đơn giản chỉ sử dụng quyền năng của chính mình để gạt chúng sang một bên. Trí tò mò có thể khiến chúng ta, những người lớn, cảm thấy thiếu kiên nhẫn hoặc khó chịu – đó là trải nghiệm của các bậc cha mẹ – những người không biết tại sao bầu trời lại xanh, là trải nghiệm của giáo viên – người còn đang cố hoàn thành phần bài giảng của ngày hôm đó để không bị cháy giáo án.

Cô bé không những không có câu trả lời mà còn có ấn tượng sâu đậm rằng việc đặt câu hỏi – những câu hỏi vô thưởng vô phạt hoặc kích thích sự tò mò – thường được coi là việc làm vô lý.

Điều đó không có gì ngạc nhiên.

Ngày nay, không ai từng nói điều gì tồi tệ một cách trực tiếp về trí tò mò. Nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy trí tò mò không thực sự được tôn vinh và nuôi dưỡng, cũng không được bảo vệ và khuyến khích. Trí tò mò không những được cho là bất tiện. Trí tò mò còn có thể gây nguy hiểm. Trí tò mò không chỉ vô lý mà còn thể hiện sự chống đối. Nó mang tính cách mạng.

Đứa trẻ tự nhiên hỏi tại sao bầu trời màu xanh khi lớn lên sẽ đặt ra những câu hỏi hóc búa hơn: Tại sao tôi là nô lệ còn người là hoàng đế? Tại sao mặt trời lại quay quanh Trái đất? Tại sao người da màu là nô lệ còn người da trắng là giai cấp thống trị họ?
Trí tò mò nguy hại như thế nào?

Tất cả những gì bạn phải làm là tra Kinh Thánh để biết. Câu chuyện đầu tiên trong Kinh Thánh sau câu chuyện về tạo hóa, liên quan đến con người, là về trí tò mò. Câu chuyện về Adam, Eve, con rắn và cái cây không kết thúc có hậu vì sự tò mò.

Chúa đã nói với Adam rằng: “Ngươi được ăn thoải mái trái từ bất cứ cây nào trong khu vườn; nhưng không được ăn trái ở cây kiến thức về cái tốt và cái xấu, vì khi ăn trái ở cây đó, chắc chắn ngươi sẽ chết.”11
Con rắn là thủ phạm đã gợi ra việc thách thức giới hạn của Chúa. Nó hỏi Eve: “Có một cái cây mà Chúa đã ban bố các giới hạn chứ?” “Đúng thế,” Eve trả lời, “cái cây ở chính giữa vườn kia – chúng ta không thể ăn trái từ cây đó, chúng ta thậm chí không thể chạm vào nó, nếu không chúng ta sẽ chết.”

Eve biết rõ các quy định, nàng thêm thắt đôi chút nữa: Thậm chí, đừng có chạm vào cái cây.

Con rắn đáp lại bằng câu nói chắc chắn được coi là ra vẻ hiên ngang nhất trong lịch sử – không hề sợ cây kiến thức về cái tốt và cái xấu, thậm chí cả Chúa. Nó nói với Eve rằng: “Ngươi chắc chắn sẽ không chết. Vì Chúa biết rằng khi ngươi ăn trái từ cây đó, mắt ngươi sẽ được mở ra, và ngươi sẽ giống như Chúa, biết rõ cái tốt và cái xấu.” 12

Con rắn đã đánh trúng vào trí tò mò của Eve. “Ngươi thậm chí không biết ngươi không biết điều gì,” con rắn nói. Chỉ cần cắn một miếng trái cấm thôi, ngươi sẽ nhìn thế giới theo một cách hoàn toàn khác.

Eve đến gần cái cây và phát hiện ra rằng: “Trái cây có thể làm thức ăn và nhìn rất bắt mắt, đồng thời nàng cũng muốn được khai sáng.”13

Nàng bứt một quả, đưa lên miệng, cắn một miếng, sau đó đưa cho Adam cắn một miếng. “Và mắt họ đều được mở ra.”14

Kiến thức chưa bao giờ quá dễ dàng có được và suy cho cùng quá khó để có thể đạt được. Việc Chúa rất tức giận còn nhẹ. Hình phạt cho việc biết cái tốt cái xấu vô cùng bất hạnh đối với Adam và Eve, và mãi mãi đối với tất cả chúng ta: Nỗi đau sinh nở dành cho Eve và sự cực nhọc trong việc tạo ra nguồn thức ăn cho chính họ dành cho Adam. Và tất nhiên, họ bị trục xuất khỏi khu vườn.

Câu chuyện ngụ ngôn trên không thể trực diện hơn: Trí tò mò gây ra đau đớn. Thực vậy, bài học từ câu chuyện được hướng trực tiếp vào độc giả: Dù nỗi bất hạnh hiện tại của bạn là gì đi chăng nữa, thì nó cũng được gây ra bởi Adam, Eve, con rắn và trí tò mò nổi loạn của họ.

Như vậy là bạn đã biết. Câu chuyện đầu tiên trong thuở sơ khai của nền văn minh Phương Tây này là về trí tò mò và thông điệp của nó: Đừng đặt ra các câu hỏi. Đừng tự tìm kiếm kiến thức – hãy để đó cho những người chịu trách nhiệm. Kiến thức chỉ dẫn đến sự bất hạnh mà thôi.
Barbara Benedict là giáo sư tại Đại học Trinity ở Hartford, Connecticut và là một học giả của thế kỷ XVIII, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về thái độ đối với trí tò mò trong suốt giai đoạn đó, như là một cuộc điều tra khoa học nhằm vượt qua tôn giáo để thấu hiểu về thế giới.
Bà nói rằng câu chuyện về Adam và Eve là một lời cảnh báo. “‘Ngươi là một bần nông bởi Chúa nói ngươi phải là một bần nông. Ta là hoàng đế bởi Chúa nói ta nên là một hoàng đế. Đừng thắc mắc gì về điều đó.’ Những câu chuyện giống như chuyện về Adam và Eve,” Benedict nói, “phản ánh nhu cầu về văn hóa và văn minh nhằm duy trì tình trạng hiện tại. ‘Mọi thứ vẫn nguyên xi như nó vẫn thế bởi như thế mới đúng.’ Quan điểm đó rất phổ biến giữa những nhà lập pháp và những người kiểm soát thông tin.” Và điều đó đúng từ khu vườn Địa Đàng đến chính quyền Obama.

Trí tò mò vẫn chưa nhận được sự tôn kính nào. Chúng ta sống trong một kỷ nguyên mà tại đó, nếu bạn sẵn lòng tìm hiểu, mọi kiến thức đều dễ dàng có thể được tiếp cận qua điện thoại thông minh, nhưng thiên hướng chống lại trí tò mò vẫn thấm đẫm nền văn hóa của chúng ta.
Lớp học nên là nơi ươm mầm các câu hỏi, nơi nuôi dưỡng chúng, để trẻ vừa học cách đặt câu hỏi và vừa truy tìm những câu trả lời. Một số lớp học đúng là như thế. Nhưng trong thực tế, ở trường học, trí tò mò thường được đối xử như ở vườn Địa Đàng. Đặc biệt với sự gia tăng liên tục các bài kiểm tra tiêu chuẩn, các câu hỏi có thể làm cháy giáo án mỗi ngày; thi thoảng, bản thân các giáo viên thậm chí còn không biết câu trả lời. Đúng là chúng ta không hề mong muốn nhưng trí tò mò thực sự trong một lớp 7 điển hình không được khuyến khích – bởi điều đó gây bất tiện, phiền nhiễu cho không khí trật tự của lớp.

Tình huống có phần khá khẩm hơn ở các văn phòng và nơi làm việc, nơi chỉ dành cho những người trưởng thành. Chắc chắn những nhà sáng tạo phần mềm, các nhà nghiên cứu dược phẩm và các giáo sư đại học được khuyến khích tò mò bởi nó giữ một vai trò to lớn trong công việc của họ. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu một y tá hay nhân viên ngân hàng tò mò và bắt đầu đặt câu hỏi về việc mọi thứ xảy ra như thế nào? Ngoài những nơi thực sự đặc biệt như là Google, IBM và Corning, trí tò mò không được chào đón, nếu không muốn nói là bị coi nhẹ. Biết cách cư xử dù bạn mới 14 tuổi hay đã 45 – đều không bao gồm cả trí tò mò.

Ngay cả từ “tò mò” vốn dĩ cũng chẳng đáng tò mò một cách kỳ lạ. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều vờ rằng một người tò mò là một điều thú vị. Nhưng khi mô tả một chủ thể bằng tính từ “tò mò”, chúng ta đều có ý rằng đó là thứ kỳ lạ, là thứ gì đó có phần kỳ quái, không bình thường. Và khi ai đó đáp lại một câu hỏi bằng cái nghiêng đầu và nói: “Đó là một câu hỏi đầy tò mò,” họ đương nhiên ám chỉ rằng đó không phải là câu hỏi đáng được đặt ra.

Quan trọng hơn, trí tò mò không chỉ là một công cụ tuyệt vời giúp cải thiện cuộc sống và hạnh phúc của chính bạn, mà còn tăng khả năng giành được một công việc tốt hay kiếm được một người bạn đời tuyệt vời. Đó là chìa khóa để mang lại những thứ mà chúng ta trân trọng nhất trong thế giới hiện đại: sự tự do, quyền tự quyết, sự tự chủ và tự cải tiến. Trí tò mò là đường dẫn đến sự tự do.

Khả năng đặt ra bất cứ câu hỏi nào bao gồm hai điều: Quyền tự do theo đuổi câu trả lời và khả năng thách thức uy quyền để đặt ra câu hỏi: “Bạn chịu trách nhiệm như thế nào?”

Trí tò mò bản thân nó là một dạng sức mạnh và cũng là một dạng can đảm.

* * *

Ngày bé, tôi béo và lùn. Tình hình vẫn không được cải thiện khi tôi đến tuổi niên thiếu. Khi tốt nghiệp đại học, tôi có khá nhiều mỡ thừa quanh bụng. Tôi bị chòng ghẹo ở biển. Trông tôi thật ẻo lả dù mặc hay không mặc áo.
Tôi quyết định phải thay đổi bản thân. Năm 22 tuổi, tôi thay đổi chế độ ăn và tập luyện thể dục đều đặn – phải nói là rèn luyện mới đúng. Tôi nhảy dây mỗi ngày. 200 lần một phút, 30 phút mỗi ngày và 7 ngày trong tuần. 6.000 lần nhảy dây mỗi ngày trong suốt 12 năm. Dần dần cơ thể tôi thay đổi, những ngấn mỡ thừa bắt đầu biến mất.

Tôi không ép mình phải có một cơ thể săn chắc. Và trông tôi cũng không giống một ngôi sao điện ảnh. Nhưng tôi cũng không giống những gì mà các bạn tưởng tượng về một đạo diễn phim. Phong cách của tôi có phần khá suồng sã. Tôi đi giày sneaker đi làm. Tóc tôi được vuốt keo dựng đứng và tôi cười khà khà.

Và giờ tôi vẫn tập thể dục bốn đến năm lần mỗi tuần, đó thường là việc trước tiên tôi làm vào mỗi buổi sáng, tôi thường dậy trước 6 giờ để đảm bảo mình có đủ thời gian (Giờ tôi không nhảy dây nữa bởi tôi thực sự không còn ngấn mỡ.) Tôi đã 63 tuổi và trong suốt 40 năm qua, tôi không bao giờ trở về thể trạng yếu xìu như trước nữa.

Tôi đã chọn một giải pháp và biến nó thành thói quen, thành một phần trong lối sống hằng ngày của mình.

Tôi cũng làm điều tương tự với trí tò mò.

Dần dần, bắt đầu với công việc thư ký pháp lý đầu tiên ở Warner Bros., tôi đã biến trí tò mò thành một phần công việc thường ngày của mình một cách có ý thức.

Tôi đã giải thích bước đầu tiên, việc tôi cương quyết xin gặp bất cứ ai sở hữu các hợp đồng pháp lý mà tôi phải giao đến. Nhờ đó, tôi đã rút ra hai điều từ thành công của mình. Đầu tiên, những người – thậm chí cả những người nổi tiếng và quyền lực – đều vui vẻ nói chuyện, đặc biệt là về bản thân và công việc của họ; thứ hai, nó giúp tôi thậm chí có được cái cớ dù nhỏ để nói chuyện với họ.

Đó là những gì mà câu nói: “Tôi phải giao những giấy tờ này trực tiếp cho người nhận,” một cái cớ – hiệu quả đối với tôi, đối với các thư ký và cả những người mà tôi ghé thăm. “Ồ, anh ấy cần gặp tôi trực tiếp, chắc chắn rồi.”

Một vài tháng sau khi tôi bắt đầu công việc ở Warner Bros., một phó tổng giám đốc cấp cao của hãng này bị sa thải. Tôi nhớ đã thấy họ bỏ tấm bảng tên anh ta ra khỏi cửa văn phòng.

Văn phòng của anh ta rất rộng, có cửa sổ, có hai thư ký và quan trọng nhất là nó nằm giáp với khu phòng điều hành – mà tôi gọi là các văn phòng “hoàng gia” – nơi mà chủ tịch, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của Warner Bros. làm việc.
Tôi đã hỏi sếp tôi, Peter Knecht, rằng liệu tôi có thể sử dụng phòng của phó tổng giám đốc khi chưa có người mới được không.

“Chắc chắn rồi,” Knecht trả lời. “Để tôi sắp xếp.”

Văn phòng mới đã thay đổi tất cả. Cũng giống như việc bạn khoác lên người đúng loại quần áo vào đúng dịp – khi đóng bộ comple, bạn sẽ cảm thấy tự tin và đĩnh đạc hơn hẳn – tới làm việc ở cái văn phòng thực sự đã làm thay đổi tầm nhìn của mình. Đột nhiên tôi cảm thấy như thể mình có một bất động sản tư, một vật sở hữu riêng.

Đó là thời kỳ đỉnh cao trong ngành làm phim ở Hollywood, cuối thập niên 1960 và 1970, cùng “khu văn phòng hoàng gia” được sử dụng bởi ba trong số những nhân vật sáng tạo và quan trọng nhất trong thời kỳ này – Frank Wells, tổng giám đốc của Warner Bros., người tiếp tục lãnh đạo Disney sau đó; Ted Ashley, người thậm chí không phải là một cái tên gia đình nhưng vẫn là chủ tịch của Warner Bros., người thực sự đã mang năng lượng và thành công quay trở lại hãng; và John Calley, phó tổng của Warner Bros., một nhà sản xuất huyền thoại, một năng lực sáng tạo, một trí thông minh của Hollywood và rõ ràng là một cá tính lập dị.

Tôi chỉ là một thư ký pháp lý nhưng tôi có một văn phòng riêng, các thư ký riêng và thậm chí còn có cả một trong những hệ thống liên lạc nội bộ loa hộp kiểu cũ trên bàn làm việc. Ngay ngoài văn phòng làm việc của tôi là ba trong số những người đàn ông quyền lực nhất Hollywood. Tôi đã tạo ra một tình huống mà có thể nói là đúng lúc, đúng chỗ.

Tôi đã bị cản trở bởi ngành giải trí và có vẻ như nhiều người trong ngành này cũng bị đánh gục bởi nó. Thật khó để có thể hiểu các bộ phim và chương trình truyền hình được làm ra như thế nào. Đó không phải là một quá trình đơn giản. Mọi người có vẻ đang dò dẫm trong làn sương mù mà không có dụng cụ dẫn đường nào.

Nhưng tôi bị hấp dẫn và quyến rũ bởi nó. Tôi giống như một nhà nhân loại học bước vào một thế giới mới, với một ngôn ngữ mới, những định chế và ưu tiên mới. Đó là một môi trường hoàn toàn mới mẻ và kích thích trí tò mò của tôi. Tôi quyết tâm học hỏi, thấu hiểu và làm chủ nó.

John Calley chính là người đã dẫn dắt và chỉ cho tôi biết ngành giải trí là gì và tương lai của nó có thể ra sao. Calley là một nhân vật lớn và là một nguồn sáng tạo trong ngành điện ảnh thập niên 1960, 1970. Dưới thời ông, Warner Bros. đã phát triển vượt trội, sản xuất ra các bộ phim như: The Exorcist, A clockwork Orange, Delverance, Dog day Afternoon, All the President’s men, the tower Inferno, Dirty Harry và Blazing Saddles.15

Khi tôi làm việc dưới thời ông, Calley tầm 44-45 tuổi, đang ở đỉnh cao quyền lực và đã là một huyền thoại – thông minh, lập dị và quyền lực. Trong thời kỳ này, Warner Bros. đang sản xuất mỗi tháng một bộ phim16 và Calley luôn nghĩ ra hàng trăm ý tưởng. Có rất ít người yêu quý ông, nhỉnh hơn số đó ngưỡng mộ ông nhưng cũng có rất nhiều người sợ ông.

Tôi nghĩ thứ mà ông thấy hấp dẫn ở tôi là sự ngây thơ và ham muốn khám phá. Tôi không tìm cách vụ lợi. Tôi còn quá non nớt và tôi thậm chí còn không biết vụ lợi cái gì.

Calley thường nói: “Grazer, vào văn phòng tôi ngồi đi.” Ông sẽ bảo tôi ngồi ở ghế sofa và tôi sẽ nhìn ông làm việc.

Toàn bộ quá trình là một sự khám phá. Cha tôi là một luật sư, một luật sư hành nghề độc nhất và ông đã nỗ lực hết mình để thành công. Tôi được định hướng vào trường luật – cuộc đời xoay quanh những tập tài liệu, những chồng tóm tắt hồ sơ các vụ kiện, những cuốn sổ sự vụ dày cộp, làm việc xa nhà trên một chiếc bàn vuông trơn tại tòa.

Calley làm việc trong một văn phòng lớn đẹp đẽ và rộng rãi. Nó được bài trí giống một phòng khách. Ông không dùng bàn làm việc. Ông sử dụng hai chiếc ghế sofa và ngồi đó làm việc cả ngày.

Ông không làm những việc liên quan đến viết lách hay đánh máy, không mang hàng đống việc về nhà mỗi ngày. Ông nói chuyện. Ông ngồi trong căn phòng khách rộng rãi của mình, trên ghế sofa và nói chuyện cả ngày.17 Thực tế, những bản hợp đồng mà tôi giao đến đều là hợp đồng cuối cùng, chính thức hóa toàn bộ buổi nói chuyện. Ngồi đó, trên ghế sofa của Calley, tôi nhận ra một điều rõ ràng rằng phần công chuyện của việc làm phim, tất cả chỉ là các cuộc nói chuyện.

Chứng kiến Calley làm việc, tôi nhận ra rằng: những suy nghĩ sáng tạo không phải cứ thế dễ dàng tuôn ra. Bạn có thể theo đuổi những sở thích, đam mê, hay bất cứ ý tưởng điên rồ nào đến từ một góc kỳ lạ nào đó trong trải nghiệm hoặc trong đầu bạn. Đây là một thế giới nơi mà những ý tưởng tuyệt vời thực sự có giá trị – và không ai quan tâm liệu ý tưởng đó có liên quan đến ý tưởng ngày hôm qua hay 10 phút trước của cuộc nói chuyện không. Nếu đó là một ý tưởng thú vị, không ai quan tâm nó đến từ đâu.

Đó chính là suy nghĩ thoáng qua. Não bộ của tôi hoạt động như thế – rất nhiều ý tưởng, chỉ là không được sắp xếp giống như một bảng tuần hoàn.

Trong nhiều năm, tôi đã phải rất nỗ lực ở trường. Tôi không giỏi ngồi yên, ngay ngắn trên một chiếc bàn nhỏ, yên vị đến cuối giờ và hoàn thành mọi phiếu bài tập. Cách học rập khuôn như thế – dù bạn biết câu trả lời hay không – không phù hợp với tôi và cũng không hề hấp dẫn tôi. Tôi luôn cảm thấy như thể các ý tưởng đến từ mọi ngóc ngách trong đầu và tôi cảm thấy như thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ.

Tôi học tốt ở trường đại học, nhưng chỉ bởi lúc đó tôi phát hiện ra một vài mánh khóe để thành công trong môi trường đó. Nhưng những giờ học tập trung và những bài tập nhóm không khiến tôi cảm thấy hứng thú. Tôi không học được nhiều. Tôi học luật vì được định hướng như thế và vì tôi không biết mình có thể làm gì khác. Ít nhất tôi cũng biết một luật sư thì phải thế nào – mặc dù, nói trắng ra, có vẻ như tôi phải gắn đời mình với nhiều bài tập về nhà hơn nữa, giả sử tôi vượt qua kỳ thi sát hạch.

Mặt khác, Calley là một trong những người am hiểu nhất trên thế giới. Ông biết và kết giao với những ngôi sao điện ảnh. Ông còn rất có học thức – lúc nào tôi cũng thấy ông đọc. Ông ngồi trên ghế sofa, với những ý tưởng và quyết định tuôn trào cả ngày mà không có bất cứ quy tắc hay sự cứng nhắc nào.

Ngồi xem ông làm việc thật khiến người khác phải say mê. Tôi nghĩ, tôi muốn sống trong thế giới của người đàn ông này. Ai cần một cuộc đời gắn với những tập hồ sơ chứ? Tôi muốn làm việc trên một chiếc ghế sofa, thuận theo trí tò mò của mình và sản xuất phim.18
Khi ngồi trong văn phòng làm việc của ông, tôi có thể hiểu rõ rằng ngành điện ảnh được xây dựng dựa trên các ý tưởng – một dòng chảy ổn định các ý tưởng sáng tạo, mới mẻ mỗi ngày. Và đột nhiên tôi biết được rằng trí tò mò là cách giúp khơi gợi và mở ra các ý tưởng.
Tôi biết mình là người tò mò – như cách mà bạn biết mình là người hài hước hoặc hay xấu hổ. Trí tò mò là một phẩm chất trong con người tôi. Nhưng đến tận năm đó, tôi đã không hề kết nối trí tò mò với thành công trên đời. Ví dụ, ở trường, tôi không bao giờ kết nối trí tò mò với việc đạt được điểm cao.

Nhưng ở Warner Bros., tôi khám phá ra giá trị của trí tò mò – và tôi đã bắt đầu những gì mà tôi coi là hành trình tò mò của mình – bám theo nó một cách có hệ thống.

Calley và tôi chưa bao giờ nói chuyện về trí tò mò. Nhưng việc được phân cho một văn phòng rộng rãi và trực tiếp quan sát Calley làm việc đã mang đến cho tôi một ý tưởng khác, một phiên bản cải tiến hơn của các buổi gặp mặt giữa tôi với những người mà tôi giao hợp đồng. Tôi nhận ra rằng mình phải gặp không chỉ những người mà Warner Bros. tình cờ làm việc cùng vào ngày hôm đó. Tôi còn có thể gặp gỡ bất cứ ai trong ngành mà tôi muốn. Tôi có thể gặp những người gợi lên trí tò mò của tôi dễ dàng, bằng cách gọi đến văn phòng của họ và xin một cuộc hẹn.

Tôi thảo ra một phần giới thiệu ngắn cho các thư ký và trợ lý, những người trả lời điện thoại: “Xin chào, tôi là Brian Grazer. Tôi làm việc tại Phòng Thương vụ của Warner Bros. Việc này không liên quan đến việc của hãng và tôi cũng không gọi để xin việc nhưng tôi có thể gặp Ngài… trong 5 phút để trao đổi về…” Và tôi luôn đưa ra một lý do đặc biệt về việc tôi muốn nói chuyện với mọi người.

Thông điệp của tôi rất rõ ràng: Tôi làm việc ở một nơi có thật, tôi chỉ xin có 5 phút trong lịch trình, tôi không muốn xin việc. Và tôi lịch sự.

Cũng giống như việc khăng khăng giao trực tiếp các tài liệu pháp lý cho người nhận, phần giới thiệu trên đã thực sự hiệu quả.

Tôi đã nói chuyện với nhà sản xuất David Picker, người khi đó làm việc tại Columbia Pictures.

Sau đó, tôi nghĩ tôi có thể gặp nhà sản xuất Frank Yablans và tôi đã làm thế.

Khi đã gặp được Yablans, tôi nghĩ, tôi có thể gặp Lew Wasserman, giám đốc của MCA, và tôi cũng đã làm thế.

Tôi đã tự mình nỗ lực tiến dần lên các nấc thang. Nói chuyện với một người trong ngành điện ảnh mang lại hàng nửa tá người nữa mà tôi có thể nói chuyện. Mỗi lần thành công lại tiếp thêm cho tôi sự tự tin để thử tiếp cận người tiếp theo. Hóa ra, tôi thực sự có thể nói chuyện với hầu hết mọi người trong ngành.

Đó là điểm khởi đầu cho thứ gì đó mang theo sự đổi thay – và còn tiếp tục thay đổi – cuộc sống, sự nghiệp và nguồn cảm hứng của tôi để viết nên cuốn sách này.

Tôi bắt đầu thực hiện các cuộc trò chuyện tò mò. Đầu tiên, chúng chỉ diễn ra trong ngành. Trong một thời gian dài, tôi đã đề ra quy tắc riêng cho bản thân: Tôi phải gặp một người mới trong ngành giải trí mỗi ngày.19 Nhưng rất nhanh chóng tôi nhận ra rằng tôi có thể thực sự tiếp cận và nói chuyện với bất cứ ai, trong bất cứ lĩnh vực nào mà tôi tò mò. Đó không chỉ là giới nghệ sĩ, những người sẵn lòng nói về chính họ và công việc của họ – mà là tất cả mọi người.

Trong 35 năm, tôi đã theo dấu những người mà tôi tò mò và hỏi liệu rằng tôi có thể ngồi với họ trong một giờ được không. Tôi có khoảng chục cuộc nói chuyện tò mò trong một năm, nhưng thi thoảng tôi thực hiện chúng thường xuyên, khoảng một lần trong tuần. Mục tiêu của tôi là ít nhất hai tuần một lần. Ngay khi tôi bắt đầu thực hiện các cuộc trò chuyện tò mò như là một thói quen, quy tắc duy nhất của tôi là những người đó không thuộc thế giới điện ảnh và truyền hình. Mục đích không phải là dành nhiều thời gian hơn với những người mà tôi làm việc cùng mỗi ngày. Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng ngành công nghiệp giải trí có tính cô lập đến khó tin – chúng tôi có xu hướng chỉ nói chuyện với những người trong ngành. Không khó để nghĩ rằng điện ảnh và truyền hình là một phiên bản thu nhỏ của thế giới. Suy nghĩ ấy không chỉ sai lầm mà còn là một quan điểm dẫn đến những thước phim tầm thường và thật tẻ nhạt.

Tôi cũng rất nghiêm túc về các cuộc trò chuyện tò mò đến mức dành cả một năm hoặc hơn để cố gắng sắp xếp một cuộc gặp với vài người nhất định. Tôi dành nhiều giờ gọi điện, viết thư, phỉnh phờ và kết thân với các trợ lý. Khi thành công và bận rộn hơn, tôi giao cho một trong các nhân viên của mình sắp xếp các cuộc gọi – tờ New Yorker đã góp chút công sức vào công việc này, vốn được biết đến như là một “tùy viên văn hóa”. Đôi khi, tôi để một người chuyên sắp xếp các cuộc trò chuyện.20
Điểm trọng tâm là phải đi theo trí tò mò và tôi đã khoanh vùng rộng nhất có thể. Tôi ngồi cùng với hai giám đốc của CIA. Với cả Carl Sagan và Isaac Asimov. Tôi gặp gỡ người đã tạo ra loại vũ khí mạnh nhất trong lịch sử và người giàu nhất thế giới. Tôi gặp gỡ những người mà tôi sợ, những người mà tôi không muốn gặp.

Tôi không bao giờ gặp ai có ý tưởng về một bộ phim trong đầu (mặc dù trong những năm gần đây, rõ là một số người gặp tôi bởi họ nghĩ rằng có thể tôi sẽ làm một bộ phim về họ hoặc công việc của họ). Mục đích của tôi là học hỏi điều gì đó.
Kết quả luôn mang lại sự kinh ngạc và những mối quan hệ mà tôi có được nhờ các cuộc nói chuyện tò mò đã “đổ như thác” xuống cuộc đời tôi – và những bộ phim tôi làm – theo những cách bất ngờ nhất. Cuộc nói chuyện của tôi với nhà du hành vũ trụ Jim Lovell chắc chắn đã dẫn tôi đến việc kể câu chuyện về Apollo 13. Nhưng làm sao chúng tôi có thể truyền tải tâm lý của việc bị khóa chặt trong một chiếc tàu con thoi hỏng chỉ trong một bộ phim? Đó là Veronica de Negri, một nhà hoạt động người Chile, người đã bị tra khảo trong nhiều tháng bởi chính chính quyền của cô, người đã dạy cho tôi biết rằng việc buộc phải dựa hoàn toàn vào chính mình để sống sót là như thế nào. Veronica de Negri đã giúp chúng tôi đưa Apollo 13 đi đúng hướng chắc chắn như Jim Lovell đã làm.

Qua thời gian, tôi phát hiện ra rằng tôi tò mò theo một cách cụ thể. Cảm giác mạnh mẽ nhất về trí tò mò được tôi gọi là trí tò mò cảm xúc: Tôi muốn hiểu thứ gì đã khiến mọi người khó chịu; tôi muốn xem liệu tôi có thể kết nối quan điểm và nhân cách của một người với công việc, thử thách và thành quả họ đạt được hay không?

Tôi đã gặp gỡ Jonas Salk, nhà khoa học, bác sĩ, người đã tìm ra phương thuốc chữa bệnh bại liệt, người từng là anh hùng thời niên thiếu của tôi. Tôi mất hơn một năm để tiếp cận ông. Tôi không hứng thú với phương pháp khoa học mà Salk đã sử dụng để tìm ra cách phát triển vắc-xin bại liệt. Tôi muốn biết để có thể giúp hàng triệu người tránh được căn bệnh hiểm nghèo đã phủ mây đen xuống tuổi thơ của tất cả chúng tôi khi tôi còn niên thiếu thì ông ấy phải là người như thế nào. Và ông đã làm việc trong một kỷ nguyên khác. Ông là người nổi tiếng, đáng ngưỡng mộ, thành công – nhưng không nhận được chút thành quả tài chính nào. Ông đã tìm ra phương thuốc trị được căn bệnh hiểm nghèo nhất lúc ấy, vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thế giới, nhưng lại chẳng nhận được đồng nào. Bạn có nghĩ điều ấy có thể xảy ra ngày nay không? Tôi muốn hiểu tư duy đã tạo ra loại vắc-xin như thế trên thế giới.

Tôi đã gặp gỡ Edward Teller, người đã tạo ra bom hydro. Ông đã lớn tuổi khi chúng tôi gặp nhau, và lúc đó ông đang làm việc trong chương trình chống tên lửa “Star Wars” cho Tổng thống Regan. Tôi phải tìm đủ cách trong suốt một năm để có được một giờ trò chuyện với ông. Tôi muốn hiểu về trí tuệ và nhân cách của ông.

Tôi đã gặp Carlos Slim, doanh nhân người Mexico, người đàn ông giàu nhất thế giới21. Hằng ngày, người giàu nhất thế giới sống như thế nào? Tôi muốn biết cần những gì để trở thành một doanh nhân như thế, để có động lực và quyết tâm kiếm được nhiều hơn bất cứ ai.

Sự thật là khi tôi gặp một ai đó như Salk, Teller hay Slim, những gì tôi mong chờ nhận được là sự hiểu biết sâu sắc, một sự khai sáng. Tôi muốn biết họ là người như thế nào. Đương nhiên, bạn hiếm khi làm được điều đó chỉ trong một giờ với những người lạ.

Salk rất lịch sự và thân thiện. Teller thì gắt gỏng. Và Carlos Slim thì không giống như những gì tôi kỳ vọng, không lanh lợi, sốt sắng hay lạnh lùng chút nào cả. Ông là người dễ gần. Vào bữa trưa, ông gọi rất nhiều món, uống rượu và có vẻ chẳng muốn đi đâu – bữa trưa của chúng tôi đã kéo dài 3 tiếng.

Tôi đã thực hiện hàng trăm cuộc trò chuyện tò mò. Đó là điều tôi mong chờ và thích thú tận hưởng nhất. Đối với tôi, việc được học hỏi từ người đối diện còn hấp dẫn hơn cả tình dục, thậm chí hơn cả thành công.
Tôi có cuộc nói chuyện tò mò đầu tiên với người ở ngoài ngành giải trí năm tôi 23 tuổi. Tôi bị sa thải khỏi vị trí thư ký pháp lý ở Warner Bros. (sau 15 tháng, họ nghĩ tôi đã quá mải chơi và giao được quá ít tài liệu), và làm việc cho nhà sản xuất Edgar Scherick (The taking of Pelham one two three, the stepford wives), đồng thời cố gắng trở thành một nhà sản xuất.

Tôi đến gặp F. Lee Bailey. Bailey là luật sư bào chữa hình sự nổi tiếng nhất nước Mỹ vào thời điểm đó, từng là luật sư của Sam Sheppard và Patty Hearst.

Tôi có ý tưởng về một chuỗi chương trình truyền hình, được gọi là F. Lee Bailey’s Casebook of American Crimes – một kiểu phiên bản tòa án của Walt Disney Presents, sử dụng một chuyên gia để thuật lại những câu chuyện về các vụ án lớn này.
Tôi thực sự muốn nói chuyện với Bailey. Ông đã giành được rất nhiều vụ án quan trọng. Làm sao ông có thể giành được chúng? Ông có một chiếc la bàn đạo đức không? Ông kết nối thế nào trong phòng xử án – Với sự thật? Với các quan điểm pháp lý? Với tinh thần của vụ việc?

Tôi muốn hiểu sự khác biệt giữa hệ thống niềm tin của một luật sư và những gì họ giỏi giang. Mục tiêu của Bailey trong cuộc sống là gì, và nó khớp với tài năng của ông như thế nào?

Khi tôi tìm cách gặp ông, ông đang chuẩn bị cho một vụ án ở Las Cruces, New Mexico. Vì một lý do nào đó, ông đồng ý gặp tôi nên tôi đã bay đến đó.

Việc đó đúng là điên rồ. Ông đang ở một thị trấn nhỏ, trong một nhà nghỉ theo kiểu phương Tây, có chút ọp ẹp với một chiếc bể bơi hình bầu dục. Tôi không biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi gõ cửa phòng và ông để tôi vào – ông đang ở một mình, không có trợ lý – tôi được vào trong khi ông đang tập tranh biện.

Trời khá oi nóng. Tôi ngồi trên ghế sofa trong phòng ông. Ông có vẻ đang tạo ra một vụ xử án ngay trước mắt tôi. Một lát sau đó, ông nhờ tôi đến một cửa hàng bán rượu ở bên kia đường để mua một chai Johnny Walker đen.
Ông làm một li. Ông đi đi lại lại trong phòng, thêm tự tin, nhấn mạnh những lời biện hộ của mình một cách sắc sảo. Ông có hàng tấn thông tin. Tôi thực sự không hiểu hết chúng nhưng ông đang thử nghiệm chúng lên tôi.

Ngay tại phòng của nhà nghỉ ấy, tôi có thể thấy người đàn ông có đầy sức ảnh hưởng. Cực kỳ hấp dẫn.

Tôi trở về nhà và nghĩ ông ấy sẽ làm rất tốt việc làm chủ chương trình truyền hình này. Thời này, trước truyền hình thực tế, Nancy Grace và Greta Van Susteren, chúng tôi nghĩ nó như là một loạt các chương trình nhỏ. Chúng tôi đã thỏa thuận với Bailey, chúng tôi thuê một biên kịch nhưng cuối cùng lại không bao giờ thực hiện được nó.

Khi ngồi trên ghế sofa trong căn phòng nhà nghỉ ẩm thấp ở thị trấn nhỏ của New Mexico ấy, lắng nghe Bailey dựng vụ xử án của mình, tôi nhận ra rằng có một khoảng cách khá lớn giữa những lý do đẹp đẽ đã dẫn ông đến với trường luật – vốn vẫn còn đó, in đậm trong ông – và mọi thứ đang diễn ra lúc này.

Đó là một cách tiếp cận hoàn toàn mới để quan sát được các luật sư và công việc của họ.

Đương nhiên, tôi không bao giờ làm một bộ phim về F. Lee Bailey, dù chắc chắn ông đủ giàu để đầu tư làm một bộ phim như thế. Tôi thậm chí còn không làm bộ phim nào về các luật sư cho đến 20 năm sau đó, khi tôi sản xuất bộ phim Liar Liar với Jim Carrey, nói về những gì xảy ra với một luật sư, người bị buộc không được nói gì ngoài sự thật trong suốt 24 giờ.

Đối với tôi, các cuộc nói chuyện tò mò là những ví dụ hiển nhiên và rõ ràng nhất về trí tò mò của bản thân. Chúng là một kiểu kỷ luật, giống như bài tập thể dục, bởi bạn không nói chuyện được với những người thú vị và bận rộn trừ khi bạn kiên trì thuyết phục họ gặp bạn.
Nhưng các cuộc nói chuyện tò mò khác xa so với các buổi tập luyện này: Tôi ghét tập thể dục, tôi chỉ thích kết quả mà thôi. Tôi thích các cuộc nói chuyện tò mò khi chúng đang diễn ra. Kết quả – một tháng hoặc cả chục năm sau – là thứ tôi coi trọng nhưng chúng là một phần thưởng thêm.

Đương nhiên trong thực tế tất cả những gì tôi làm là nói chuyện – tôi nói để kiếm sống. Thực sự, tôi cố gắng lắng nghe để kiếm sống. Với tư cách là một nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình có nghĩa là tôi sống kiểu cuộc đời mà John Calley cho tôi thấy 40 năm trước. Tôi có các cuộc gặp mặt, các cuộc điện thoại cũng như các cuộc nói chuyện cả ngày. Đối với tôi, mỗi cuộc trò chuyện trong số đó đều là một cuộc nói chuyện tò mò. Tôi không chỉ sử dụng trí tò mò để gặp được những người nổi tiếng hoặc tìm ra được các bản lời thoại hay. Tôi sử dụng trí tò mò để chắc chắn bộ phim được thực hiện – với doanh thu cho phép, trong thời gian cho phép và với khả năng kể chuyện mạnh mẽ nhất. Tôi phát hiện ra rằng ngay cả khi bạn là người cầm cân nảy mực, thì việc đặt câu hỏi bao giờ cũng hiệu quả hơn là ra lệnh.

* * *

Công việc sản xuất chính thức, thực sự đầu tiên của tôi ở hãng Paramount. Tôi được phân một văn phòng ở khu backlot (khu đất đồi núi phía sau phim trường Hollywood), thuộc nơi được gọi là Tòa nhà Điều hành (Director’s Building). Tôi 28 tuổi và đã sản xuất vài bộ phim truyền hình thành công (gồm các tập đầu tiên của một chuỗi nhỏ chương trình 20 giờ về 10 điều răn của Chúa) và Paramount giao cho tôi việc tìm kiếm và sản xuất phim.

Văn phòng của tôi nằm ở một góc trên tầng ba với tầm nhìn hướng ra những đoạn đường cắt chéo tòa nhà dành cho người đi bộ. Tôi sẽ mở cửa (vâng, vào những năm 1970, 1980 thì các cửa sổ văn phòng vẫn được mở) và nhìn những người quyền lực, nổi tiếng và hấp dẫn đi lại qua đó.

Tôi tò mò về người ở trong khu nhà và những người mà họ làm việc cùng. Đó là lúc mà tôi đang buộc mình phải gặp trực tiếp một người mới trong ngành giải trí mỗi ngày. Tôi thích đứng từ cửa sổ văn phòng mình và gọi với xuống những người đi phía dưới – Howard Koch, đồng biên kịch Casablanca; Michael Eisner, người sẽ trở thành CEO của Disney sau đó; và Barry Diller, người sẽ trở thành CEO của Paramount và là sếp của Michael Eisner.

Một hôm, Brandon Tartikoff đang đi bộ ngang qua. Anh ta là Tổng Giám đốc của đài NBC, đang trong quá trình xem xét lại hệ thống các chương trình như Hill Street Blues và Cheerscũng như Miami Vice. Ở tuổi 32, anh ta đã là một trong những người quyền lực nhất trong giới truyền hình.

“Này, Brandon!” Tôi gọi với xuống. “Lên đây đi!”

Anh ta ngước lên nhìn tôi và mỉm cười. “Ôi,” anh ta nói, “hẳn là từ đó, cậu phải cầm trịch cả thế giới nhỉ!”

Một vài phút sau đó, điện thoại của tôi đổ chuông. Đó là sếp của tôi, Gary Nardino, Giám đốc truyền hình của đài Paramount. “Brian, cậu đang làm cái quái gì thế, ngó ra cửa sổ và hét gọi Tổng Giám đốc của đài NBC sao?”
“Tôi chỉ đang làm quen mà,” tôi đáp. “Chúng tôi vui vẻ đấy chứ.”

“Tôi không nghĩ chúng ta đang vui đến mức ấy,” Nardino nói. “Bỏ ngay thói ấy đi!”

Được rồi, không phải ai cũng bị hấp dẫn như nhau bởi phong cách của tôi trong những ngày này. Tôi có chút sợ Nardino, nhưng không đến mức từ bỏ việc cao giọng gọi xuống từ cửa sổ phòng mình.
Một hôm, tôi thấy Ron Howard đi ngang qua. Ron đã nổi tiếng và thành công từ khi góp mặt trong The Andy Griffith Show và Happy Days nhưng anh ấy đang cố gắng thực hiện một bước nhảy vọt sang công việc đạo diễn. Khi anh ấy đi ngang qua, tôi nghĩ, mai tôi sẽ gặp Ron Howard.

Tôi không gọi với tên anh ấy từ cửa sổ phòng mình. Tôi đợi cho đến khi anh ấy trở lại văn phòng để tôi gọi điện. “Ron, tôi là Brian Grazer,” tôi nói. “Tôi đã thấy anh nhiều lần ở khu nhà. Tôi cũng là một nhà sản xuất ở đây. Tôi nghĩ chúng ta có chung các mục tiêu. Hãy gặp gỡ và trao đổi về việc đó đi.”

Ron là kiểu người nhút nhát và anh ấy có vẻ ngạc nhiên trước cuộc gọi của tôi. Tôi không nghĩ anh ấy thực sự muốn gặp tôi. Tôi nói: “Sẽ rất vui và thoải mái đấy, cứ triển thế đi.”

Một vài ngày sau đó, anh ấy ghé qua gặp tôi để nói chuyện. Anh ấy đang cố gắng trở thành một đạo diễn phim xu hướng chủ đạo. Chúng tôi là hai gã đang cố gắng làm một việc gì đó chưa từng làm trước đây.

Khi bước vào phòng tôi, anh ấy toát lên một phong thái sôi nổi và nhiệt tình. Sau khi nói chuyện với anh ấy, tôi có thể khẳng định rằng những lựa chọn của tôi trong cuộc đời không sâu sắc bằng anh ấy. Anh ấy mang lại cảm giác về ý thức đạo đức mạnh mẽ. Tôi biết rằng chỉ gặp một lần duy nhất thì những đánh giá như thế của tôi về anh ấy có vẻ ngớ ngẩn nhưng đó là ấn tượng ban đầu. Và tôi đã đúng. Đó là Ron của ngày hôm nay – và anh ấy của 35 năm về trước cũng vậy.

Khi anh ấy bước vào, tôi bèn hỏi: “Anh muốn trở thành người như thế nào?”

Ron không chỉ muốn làm đạo diễn mà còn muốn đạo diễn một bộ phim được xếp hạng R22. Anh ấy muốn thay đổi cách mọi người nhìn nhận mình. Tôi không biết liệu anh ấy có thể đạo diễn hay không. Nhưng ngay lập tức tôi quyết định đánh cược và cố gắng thuyết phục anh ấy làm việc với tôi. Tôi bắt đầu giới thiệu với anh ấy các ý tưởng làm phim của mình –Splash và Night Shift. Anh ấy hoàn toàn không muốn làm một bộ phim về một người đàn ông đem lòng yêu một nàng tiên cá. Nhưng anh ấy thích sự bất kính của Night Shift, một bộ phim hài kịch được xếp hạng R về hai gã đã đưa một gái gọi ra khỏi nhà xác của Thành phố New York. Không phải bộ phim bạn từng dự đoán từ ngôi sao của Happy Days.

Thực tế, chúng tôi đã làm hai bộ phim cùng nhau – Night Shift và sau đó bất chấp sự không thích ban đầu của Ron, Splash, đã thành công vang dội. Sau khi cộng tác tốt đẹp với nhau trong hai bộ phim này, chúng tôi thành lập công ty, Imagine Entertainment, và chúng tôi là những đối tác kinh doanh cũng như đối tác nghệ thuật trong suốt 30 năm qua. Không những Ron có thể làm đạo diễn mà anh ấy còn có thể trở thành một nhà làm phim giỏi. Những bộ phim mà chúng tôi đã làm cùng nhau gồm có Parenthood, Backdraft, The Da Vinci Code, Frost/Nixon, Apollo 13 và bộ phim giành được giải Oscar, A Beautiful Mind.

Mối quan hệ của tôi với Ron giữ vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, bên cạnh gia đình. Anh ấy là cộng sự thân thiết nhất trong công việc và là một người bạn tri kỷ. Tôi quyết định gặp Ron sau khi nhìn thấy anh ấy từ cửa sổ phòng làm việc của mình, và đó là trí tò mò cảm xúc – băn khoăn của tôi về việc điều gì đã biến Ron Howard trở thành Ron Howard – đã kết nối tôi với anh ấy. Một lần nữa, vào một trong những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, việc thuận theo trí tò mò đã mang lại hiệu quả.

Ron và tôi khác nhau ở nhiều mặt – đặc biệt là tính khí của chúng tôi. Nhưng chúng tôi có chung cảm nhận về các tiêu chuẩn, bao gồm cả cách kể một câu chuyện và quan trọng nhất là chúng tôi có quan điểm thống nhất về việc điều gì đã làm nên một câu chuyện hay. Trong thực tế, nếu có bất cứ người nào mà tôi biết cũng tò mò y như tôi, thì đó chính là Ron Howard. Khi chúng tôi ngồi cùng nhau trong các cuộc gặp gỡ, anh ấy đặt ra nhiều câu hỏi giống như tôi đã làm và các câu hỏi của anh ấy rất khác, thiên về những thông tin hoàn toàn khác.

Tôi đã thực hiện các cuộc trò chuyện tò mò với sự cương quyết và có mục đích trong suốt 35 năm. Bạn sẽ thấy rất nhiều ví dụ về chúng xuyên suốt cuốn sách này. Những cuộc trò chuyện ấy là các sự kiện hoặc các dịp mà bản thân trí tò mò là động lực thúc đẩy.

Nhưng trong cuộc sống và công việc hằng ngày của tôi, trí tò mò không phải là một “dịp”. Ngược lại mới đúng. Trí tò mò là thứ tôi sử dụng liên tục. Tôi luôn đặt ra các câu hỏi. Đối với tôi, nó là bản năng. Rõ ràng, nó cũng là một kỹ thuật.

Tôi là một ông chủ – Ron Howard và tôi cùng điều hành công ty Imagine – nhưng tôi không phải kiểu người ra lệnh. Phong cách quản lý của tôi là đặt câu hỏi. Nếu ai đó đang làm việc gì mà tôi không hiểu hoặc không thích, nếu nhân viên của tôi đang làm việc gì đó không được như kỳ vọng, tôi sẽ bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi. Tôi luôn tò mò như thế.

Tôi cũng thường gặp gỡ những người mới – thi thoảng ở các sự kiện nhưng thường thì những người mới sẽ ngồi trên ghế sofa trong văn phòng của tôi suốt cả ngày. Tôi không phải là một người quảng giao cho lắm nhưng tôi phải luôn tỏ ra là người thân thiện. Vì thế, tôi tiếp chuyện tất cả những người mới này bằng cách nào – có khi là hàng tá người trong ngày – thường là háo hức ngồi ngay trước mặt tôi, hy vọng tôi trò chuyện? Đương nhiên, tôi sẽ đặt câu hỏi rồi. Tôi để họ dẫn dắt cuộc trò chuyện. Hứng thú với một ai đó không khó đến vậy nếu bạn biết dù chút ít về họ – và như tôi phát hiện ra, mọi người thích nói chuyện về công việc, những gì họ biết và chuyến đi của họ.

Ngành giải trí đòi hỏi một sự tự tin lớn. Bạn phải tin vào các ý tưởng của chính mình về các bộ phim và chương trình truyền hình, và bạn nhanh chóng phát hiện ra rằng câu trả lời an toàn nhất để bất cứ hãng, nhà đầu tư hay nhà điều hành nào đưa ra đó là “Không”. Tôi thường kinh ngạc khi chúng tôi được cho phép thực hiện bất cứ bộ phim nào. Nhưng bạn không thể thành công ở Hollywood nếu bạn nản lòng trước câu trả lời “Không”, bởi bất chấp chất lượng thực sự trong các ý tưởng của bạn, hoặc ngay cả thành tích trong quá khứ của bạn ra sao, bạn sẽ luôn bị từ chối. Bạn phải có sự tự tin để tiến lên phía trước. Điều đó đúng ở mọi ngõ ngách của cuộc sống – bạn phải có sự tự tin nếu bạn làm việc trong một công ty công nghệ ở thung lũng Silicon hay điều trị cho các bệnh nhân ở một bệnh viện trong thành phố. Sự tự tin của tôi đến từ trí tò mò. Vâng, việc đặt câu hỏi mang lại sự tự tin cho các ý tưởng của chính bạn.

Trí tò mò còn làm được điều gì đó khác nữa cho tôi: Nó giúp tôi cắt bớt được mối lo âu thường nhật về công việc và cuộc sống.

Ví dụ, tôi lo lắng về việc trở nên tự mãn – tôi lo rằng ở ngoài kia, ở Hollywood, tôi sẽ như bị khóa trong một bong bóng, tách biệt với những gì đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới, khỏi những gì đang thay đổi và phát triển. Tôi sử dụng trí tò mò để đâm nổ bong bóng ấy, để giữ không cho sự tự mãn có cơ hội lại gần.

Tôi cũng lo lắng về những điều bình thường hơn nhiều – tôi lo lắng về việc đưa ra những bài phát biểu, về sự an toàn của các con tôi, thậm chí còn lo lắng về cảnh sát – các nhân viên cảnh sát khiến tôi lo lắng. Tôi sử dụng trí tò mò khi lo lắng về điều gì đó. Nếu bạn hiểu kiểu bài nói chuyện mà ai đó muốn bạn đưa ra, nếu bạn hiểu các cảnh sát nghĩ như thế nào, bạn sẽ thấy nỗi sợ của bạn tiêu tan hoặc bạn có thể giải quyết được nó.

Tôi sử dụng trí tò mò như là một công cụ quản lý.

Tôi sử dụng nó để giúp tôi trở nên thân thiện.

Tôi sử dụng nó để tăng thêm sự tự tin cho chính mình.

Tôi sử dụng nó để tránh rơi vào đường mòn và để kiểm soát các nỗi sợ hãi.

Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ phân tích và kể các câu chuyện về các loại tò mò khác nhau bởi tôi nghĩ chúng có thể hữu ích với hầu hết chúng ta.

Và đó là cách quan trọng nhất mà tôi sử dụng trí tò mò: Tôi dùng nó để kể chuyện. Đó thực sự là chuyên môn của tôi. Công việc của một nhà sản xuất là tìm kiếm các câu chuyện hay để kể, và tôi cần mọi người viết ra những câu chuyện đó, để biên kịch và đạo diễn dựa trên đó. Tôi tìm kiếm nguồn tiền để biến những câu chuyện đó thành các thước phim và tìm kiếm các ý tưởng về cách bán những câu chuyện đã hoàn thành ấy cho công chúng. Nhưng đối với tôi, chìa khóa cho tất cả những yếu tố này đó là bản thân câu chuyện.

Dưới đây là một trong những bí mật cuộc sống ở Hollywood – một bí mật mà bạn đã học được trong giờ tiếng Anh hồi lớp 9 nhưng nhiều người lại quên. Chỉ có một vài kiểu câu chuyện trên thế giới: lãng mạn, trinh thám, bi kịch, hài kịch. Chúng ta đã kể những câu chuyện trong hơn 4.000 năm qua. Mọi câu chuyện đều được kể.

Và giờ tôi ngồi đây, dành tâm sức vừa tìm kiếm những câu chuyện mới hoặc tận dụng những câu chuyện cũ và kể chúng theo những cách hoàn toàn mới với những nhân vật mới mẻ.

Kể chuyện hay cần sự sáng tạo và độc đáo, nó cần đến một tia lửa cảm hứng thực sự. Tia lửa này đến từ đâu? Tôi nghĩ trí tò mò là viên đá mà từ đó tia lửa cảm hứng xuất hiện.

Thực tế, kể chuyện và trí tò mò là những đồng minh tự nhiên. Trí tò mò là thứ đã đưa con người vươn ra thế giới mỗi ngày, để đặt câu hỏi về những gì diễn ra quanh họ, về con người và tại sao họ lại cư xử theo cách của riêng mình. Kể chuyện là hành động tích lũy những khám phá học hỏi được từ trí tò mò. Câu chuyện là bản báo cáo từ tuyến đầu của trí tò mò.

Kể chuyện trao cho chúng ta khả năng thuật lại cho mọi người nghe những gì chúng ta học được – hoặc những câu chuyện về chuyến phiêu lưu của chúng ta hoặc của những người mà chúng ta gặp. Đúng vậy, không gì tô điểm cho trí tò mò bằng việc kể chuyện giỏi. Trí tò mò kích thích mong muốn tiếp tục đọc cuốn sách mà bạn không thể đặt xuống, đó là mong muốn muốn biết bao nhiêu phần trong bộ phim mà bạn xem là đúng.

Trí tò mò và kể chuyện đan xen nhau. Chúng mang lại cho nhau năng lượng.

Thứ khiến một câu chuyện trở nên tươi mới là quan điểm của người kể nó.

Tôi đã sản xuất một bộ phim có tên Splash, kể về những gì xảy ra khi một người đàn ông đem lòng yêu một nàng tiên cá.

Tôi đã sản xuất một bộ phim có tên là Apollo 13, kể câu chuyện có thật về những gì xảy ra khi ba nhà du hành vũ trụ người Mỹ bị mắc kẹt trong chiếc tàu con thoi hỏng của họ.

Tôi đã sản xuất một bộ phim có tên là 8 Mile, kể về việc nỗ lực trở thành một nhạc sĩ Rap da trắng trong thế giới Rap da màu ở Detroit.

Tôi đã sản xuất một bộ phim có tên là American Gangster, kể về một kẻ buôn bán heroin ở New York giai đoạn chiến tranh Việt Nam.

American Gangster không nói về một kẻ cướp mà kể về năng lực, tài năng và sự cương quyết.

8 Mile không nói về nhạc Rap, thậm chí cũng không phải về chủng tộc – mà về nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, sự tôn trọng và việc là một kẻ ngoài cuộc.

Apollo 13 không nói về hàng không học – mà kể về tài xoay xở, về việc gạt sang một bên những hoang mang để tìm cách sống sót.

Và Splash, đương nhiên, không kể về những nàng tiên cá – có hàng ngàn người ở Hollywood nói với tôi rằng chúng tôi không thể sản xuất một bộ phim về những nàng tiên cá.Splash nói về tình yêu, về việc tìm kiếm tình yêu đích thực cho mình, trái với tình yêu được người khác sắp đặt.

Tôi không muốn sản xuất những bộ phim về những nàng tiên cá quyến rũ hoặc những nhà du hành vũ trụ dũng cảm, về những tay buôn thuốc trâng tráo hay các nhạc sĩ sống chật vật. Ít nhất tôi không muốn sản xuất ra những bộ phim dễ đoán chỉ về những điều này.
Tôi không muốn kể những câu chuyện mà “sự háo hức” đến từ những vụ nổ hoặc những hiệu ứng đặc biệt hay những cảnh nóng.

Tôi muốn kể những câu chuyện hay nhất có thể, những câu chuyện đáng nhớ, dễ đi vào lòng người và khiến khán giả suy nghĩ, mà đôi lúc khiến mọi người thấy cuộc sống của chính họ khác biệt. Và để tìm ra những câu chuyện này, để có được nguồn cảm hứng, để tìm ra tia lửa sáng tạo, những gì tôi phải làm là đặt câu hỏi.

Loại câu chuyện đó là gì? Bi kịch? Viễn tưởng hay phiêu lưu?

Giọng điệu tương ứng với loại câu chuyện này là gì?

Tại sao các nhân vật trong câu chuyện lại gặp khó khăn?

Điều gì kết nối các nhân vật trong câu chuyện với nhau?

Điều gì khiến câu chuyện làm thỏa mãn về mặt cảm xúc?

Ai đang kể câu chuyện và quan điểm của người đó là gì? Khó khăn của họ là gì? Ước mơ của họ là gì?

Và quan trọng nhất, câu chuyện có nội dung thế nào? Cốt truyện là những gì xảy ra trong câu chuyện nhưng cốt truyện đó không phải là những gì mà câu chuyện kể đến.

Tôi không nghĩ tôi có thể làm tốt công việc của mình nếu tôi không tò mò. Tôi nghĩ mình sẽ sản xuất ra những bộ phim không hay.

Tôi tiếp tục đặt câu hỏi đến khi có điều gì đó thú vị xảy ra. Tài năng của tôi là biết đủ để đặt ra các câu hỏi và biết đủ để nhận thấy khi nào có gì đó thú vị xảy ra.

Điều mà tôi thấy quá hấp dẫn ở trí tò mò đó là dù bạn là ai, công việc của bạn là gì hay bạn có đam mê nào cũng không quan trọng. Trí tò mò hiệu quả đồng đều đối với tất cả chúng ta – nếu chúng ta sử dụng nó đúng cách.

Bạn không cần phải là Thomas Edison. Bạn không cần phải là Steve Jobs. Bạn không cần phải là Steven Spielberg. Nhưng bạn có thể “sáng tạo”, “đổi mới”, “hấp dẫn” và “độc đáo” – bởi bạn có thể tò mò.

Trí tò mò không chỉ giúp bạn giải quyết vấn đề – cho dù vấn đề đó là gì đi nữa. Thêm nữa, trí tò mò miễn phí. Bạn không cần một khóa đào tạo. Bạn không cần thiết bị đặc biệt hoặc quần áo đắt tiền, bạn không cần điện thoại thông minh hoặc kết nối Internet tốc độ cao, bạn không cần cả bộ bách khoa toàn thư (thứ mà tôi luôn thoáng buồn vì không có).

Bạn sinh ra đã tò mò và cho dù trí tò mò của bạn cần bao nhiêu nỗ lực khai phá đi nữa, nó cũng vẫn tồn tại ở đó, sẵn sàng được đánh thức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.