Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Chương II: VỊ CẢNH SÁT TRƯỞNG, NHÀ LÀM PHIM QUYỀN LỰC VÀ CHA ĐẺ CỦA BOM HYDRO: TƯ DUY NHƯ NHỮNG NGƯỜI KHÁC



“Trí tò mò… là sự bất tuân ở dạng thuần túy nhất.” − VLADIMIR NABOKOV 23

Những viên cảnh sát yêu cầu tôi kéo thấp quần xuống. Đó là khi tôi băn khoăn không biết mình rơi vào hoàn cảnh nào.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 1992, khi tôi đang đứng trong Trung tâm Parker, tòa nhà trung tâm thuộc khu buôn bán chuyên biệt tại Los Angeles mà khi đó là trụ sở chính của Sở Cảnh sát Los Angeles. Tôi đã cố gắng trong nhiều tháng đến được nơi này – gặp Daryl Gates, vị cảnh sát trưởng huyền thoại của Sở Cảnh sát Los Angles, một người đàn ông nổi tiếng vì đã tạo ra đơn vị SWAT 24 hiện đại và hướng dẫn cho các sở cảnh sát ở các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ cách hoạt động giống như các đơn vị bán quân sự.

Ở Los Angeles vào những năm 1980 và đầu những năm 1990, không ai sử dụng quyền lực như cảnh sát trưởng Gates. Tôi bị hấp dẫn bởi thứ quyền lực đó và bởi người có thể “hô phong hoán vũ” ấy. Loại ảnh hưởng này hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi không nhìn nhận thế giới như một hệ thống thứ bậc – như một chuỗi các mệnh lệnh. Tôi không muốn kiểm soát hàng trăm người, tôi không coi cuộc sống, công việc như là một cơ hội để tạo dựng quyền lực và thực thi nó. Tôi không thực sự thích đưa ra mệnh lệnh, hoặc xem liệu mọi người có tôn trọng, sợ hay tuân lệnh tôi không. Nhưng thế giới đầy rẫy những người tìm kiếm quyền lực – thực tế, công sở điển hình đầy rẫy những người như thế và chúng ta có thể cần đến họ.

Tôi bị hấp dẫn bởi thứ quyền lực ấy bao nhiêu thì cũng thận trọng với nó bấy nhiêu. Tôi thực sự muốn thấu hiểu kiểu người như cảnh sát trưởng Gates với tư cách một người kể chuyện cũng như là một người dân. Cảnh sát trưởng Gates đã thực hiện một cuộc nói chuyện tò mò tuyệt vời – một ví dụ hoàn hảo về một loại tư duy chuyên quyền, ngay trong thành phố của tôi.

Tôi đã cố gắng trong nhiều tháng để có được lịch trình của Gates – nỗ lực theo cách của tôi thông qua một thư ký, một trợ lý, một cảnh sát và một cảnh sát khác. Cuối cùng vào đầu năm 1992, văn phòng của ông ấy cho tôi một cuộc hẹn ăn trưa với cảnh sát trưởng Gates – cách đó 4 tháng.

Và rồi vào ngày 29 tháng 4 năm 1992, trước hôm diễn ra bữa trưa, bốn nhân viên cảnh sát Los Angeles, những người xuất hiện trong đoạn phim đánh Rodney King được xử trắng án, thì các cuộc tụ tập phá rối đã diễn ra khắp Los Angeles.

Sáng thứ Năm, ngày 30 tháng 4, tôi thức dậy và biết được rằng sự náo loạn đã diễn ra suốt đêm với những tòa nhà bị đốt cháy và những khu phố bị cướp phá. Đột nhiên, đó là thời điểm hỗn loạn nhất ở Los Angeles trong suốt 30 năm qua, kể từ các cuộc nổi loạn Watts trong năm 1965. Sở Cảnh sát Los Angeles rơi vào tâm cuộc náo loạn ấy – nó là nguyên nhân và cũng là nơi phải chịu trách nhiệm cho việc ngăn chặn những hoạt động phá rối này. Sở trưởng Gates chắc chắn đã đưa ra cách tiếp cận quân phiệt dẫn đến vụ việc đánh Rodney King ban đầu.

Tôi nghĩ sáng hôm đó Gates chắc chắn có đầy những việc cần giải quyết nên bữa trưa của chúng tôi rất có thể sẽ bị hoãn lại. Nhưng không – bữa trưa vẫn diễn ra.

Khi tôi đến Trung tâm Parker, nó đóng cửa. Có những thanh chắn bê tông ở phía ngoài và một hàng dài cảnh sát cũng như một loạt các điểm kiểm tra để vào được tòa nhà. Họ hỏi: “Anh đến gặp ai?” và tôi trả lời: “Sở trưởng Gates.”
Tôi trình thẻ căn cước của mình. Trong hành lang có một hàng cảnh sát khác. Có hai người chặn tôi lại. Họ đề nghị tôi kéo thấp quần xuống. Bị kiểm tra quần lót bởi hai cảnh sát của Sở Cảnh sát Los Angeles chỉ làm giảm đi sự cảnh giác của tôi về họ, nhưng tôi muốn gặp Daryl Gates; tôi đã cố gắng để được gặp ông ấy trong hơn một năm. Khi kéo quần lên, tôi được hộ tống vào thang máy bởi hai cảnh sát khác và chúng tôi lên tận tầng sáu.

Trung tâm Parker trở nên náo loạn. Dù cho đây là tòa nhà mà chúng tôi có thể dựa dẫm vào trong lúc khủng hoảng, thế nhưng tôi có cảm giác như mọi người có chút lóng ngóng.

Tôi đến văn phòng của sở trưởng Gates – một phòng phụ ở phía ngoài, rồi vào phòng ông ấy. Mọi người xung quanh tôi đều mặc đồng phục, gồm cả sở trưởng. Ông ấy ngồi ở một bàn họp lớn và đơn giản trong phòng mình, xung quanh là những chiếc ghế gỗ mô phỏng kiểu ghế học đường, có tay vịn. Ông ấy ngồi một bên còn tôi chọn bên đối diện.

Sở trưởng Gates có vẻ hoàn toàn thảnh thơi. Ở dưới kia, cả thành phố đang đỏ lửa và lộn xộn. Cuối giờ chiều hôm ấy, thị trưởng thành phố công bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ lực lượng Cảnh sát Quốc gia; đêm sau đó, George H. W. Bush phát biểu trên truyền hình trước cả nước với cương vị tổng thống về các cuộc náo loạn ở Los Angeles.25

Nhưng Daryl Gates vẫn bình tĩnh.

Ông chào tôi. “Cậu muốn ăn gì cho bữa trưa?” ông hỏi. Tôi quá hồi hộp nên không biết phải nói gì. “Ngài có gì?” tôi hỏi lại.

“Tôi có bánh kẹp cá ngừ,” Gates trả lời.

“Ngài có gì, tôi ăn nấy.” Vài phút sau đó, một trợ lý mang vào hai chiếc bánh kẹp cá ngừ kèm khoai tây chiên.

Chúng tôi vừa trò chuyện vừa ăn bánh kẹp và khoai tây chiên. Hoặc ít nhất là trong lúc sở trưởng Gates ăn. Tôi chỉ nhấm nháp vài miếng bánh kẹp.

Khi chúng tôi ngồi đó, trợ lý của Gates đột nhiên lao vào, hoảng hốt nói: “Sếp, sếp! Sếp lại bị đưa lên truyền hình nữa rồi, lúc này hội đồng thành phố công bố sẽ sa thải sếp!”

Gates quay sang tôi. Ông không nao núng. Khuôn mặt ông không đổi sắc. Ông hoàn toàn bình tĩnh.

Ông nói với tôi và trợ lý của mình rằng: “Đừng hòng. Tôi sẽ ở đây đến lúc nào tôi muốn. Họ sẽ không bao giờ đuổi được tôi.”

Ông nói với giọng điệu chắc nịch, như là câu hỏi dành cho tôi: “Bánh kẹp có ngon không?”

Cái tôi, vẻ ngạo mạn của ông, hoàn toàn điềm tĩnh. Ông đã luôn ở trong các tình huống căng thẳng suốt cuộc đời mình. Ông không diễn – đối với ông, thời gian được tính bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng làm việc dưới áp lực căng thẳng và làm chủ nó.
Ông đã tổng hợp tất cả uy quyền này, khả năng và sẵn sàng sử dụng nó. Ông hoàn toàn thích nghi với nó. Ông đã trở nên cứng rắn, điềm tĩnh đề phòng trường hợp có gì đó ngoài ý muốn có thể thay đổi cuộc đời mình.

Thực tế, hội đồng thành phố đã công bố việc thay thế ông chỉ hai tuần trước khi các cuộc bạo động Rodney King nổ ra. Gates đã lờ mờ biết về thời điểm mà ông có thể phải rời đi – và càng cương quyết hơn sau các cuộc bạo động. Bất chấp sự quả quyết của ông với tôi về việc sẽ không rút lui, sáu tuần sau bữa trưa của chúng tôi, ông chính thức công bố sẽ từ chức và rời vị trí sở trưởng chỉ sau hai tuần.26

Cuộc gặp mặt giữa tôi và Daryl Gates thật kỳ lạ, đáng nhớ và đáng lo ngại. Hay nói cách khác, nó hoàn hảo.

Một vài người có thể tò mò tại sao Gates lại trở thành cảnh sát và ông ấy đã tiến thân bằng cách nào để trở thành người lãnh đạo một lực lượng gồm 8.000 cảnh sát khác.27 Một số người có thể tò mò một ngày làm việc của Gates sẽ như thế nào – ông chú ý đến cái gì, điều gì đang diễn ra trong thành phố? Số khác lại có thể băn khoăn rằng việc phải luôn đối mặt với các vụ tội phạm Los Angeles có ảnh hưởng gì đến quan điểm của ông ấy về một thành phố xinh đẹp như vậy và đến quan điểm của người dân thành phố ấy.

Nhiệm vụ của tôi lại khác. Tôi muốn hiểu về nhân cách của một người khoác lên mình trang phục cảnh sát trưởng với sự tự tin tuyệt đối, người chỉ huy cả một đơn vị bán quân sự thu nhỏ.

Một cuộc gặp gỡ như thế mang lại cho tôi điều gì?

Đầu tiên, nó đưa tôi ra khỏi thế giới mà tôi đang sống. Trong vòng vài giờ, tôi sống trong thế giới của Daryl Gates – một thế giới không thể khác hơn so với thế giới của tôi. Từ sáng sớm cho đến tối mịt mỗi ngày, có vẻ như sở trưởng Gates phải đối mặt với những điều mà có thể tôi chưa bao giờ gặp phải.

Những điểm lớn cũng khác – các mục tiêu, ưu tiên và giá trị của ông.

Những điểm nhỏ cũng khác – cách ăn mặc, đi đứng và nói chuyện với những người xung quanh.

Daryl Gates và tôi sống trong cùng một thành phố, chúng tôi đều ở những vị trí có tầm ảnh hưởng, chúng tôi đều thành công trong thế giới của riêng mình và gần như không lấn lên nhau. Thật vậy, chúng tôi đã nhìn một thành phố từ những quan điểm hoàn toàn khác biệt mỗi ngày.

Daryl Gates đã khiến tôi nhận ra rằng ông đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi.

* * *

Chúng ta đều mắc kẹt trong lối suy nghĩ của chính mình, mắc kẹt trong cách tương tác với mọi người. Chúng ta quá quen với việc nhìn nhận thế giới theo cách của riêng mình đến mức nghĩ rằng thế giới là cách chúng ta nhìn nó.
Đối với người kiếm sống bằng việc tìm kiếm và kể những câu chuyện qua phim và các chương trình truyền hình, thì tính chất địa phương hẹp hòi có vẻ rất nguy hiểm. Nó cũng rất buồn tẻ.

Một trong những cách quan trọng nhất mà tôi sử dụng trí tò mò mỗi ngày là nhìn thế giới thông qua lăng kính của người khác, nhìn thế giới theo cách mà tôi có thể bỏ lỡ. Thật tuyệt vời khi luôn được nhắc nhở hết lần này đến lần khác rằng thế giới đối với những người khác trông khác biệt như thế nào. Nếu muốn kể những câu chuyện hấp dẫn và khác biệt, chúng ta cần nắm bắt được những quan điểm này.

Hãy xem xét trong giây lát một vài trong số 17 bộ phim mà Ron Howard và tôi đã cùng thực hiện, tôi sản xuất còn Ron đạo diễn.

Đó là Night Shift với Michael Keaton, người đã đưa một gái gọi chạy ra khỏi nhà xác của thành phố New York, và Parenthood kể về nỗ lực của Steve Martin để vừa làm tốt công việc vừa là một người cha mẫu mực.
Đó là Backdraft, kể về những phẩm chất và phán đoán chính xác mà các nhân viên cứu hỏa dũng cảm cần trong công việc, và A Beautiful Mind, câu chuyện về John Nash, người vừa là một nhà toán học đoạt giải Nobel vừa là một người mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Đó là How the Grinch stole Chrismas! với Jim Carrey, người đã mang nhân vật Grinch của Tiến sĩ Seuss vào cuộc sống và Frost/Nixon, bộ phim đằng sau các cuộc phỏng vấn trên truyền hình của David Frost với cựu Tổng thống Richard Nixon.
Sáu bộ phim này đã nắm bắt được viễn cảnh về một người phục vụ nhà xác hư hỏng, một người cha hài hước nhưng luôn tự phê bình, một đội lính cứu hỏa dũng cảm, một nhà toán học mắc bệnh nhưng thông minh, một kẻ ghét những người đả kích và một nhà báo truyền hình từng trải phỏng vấn một cựu tổng thống không được lòng dân.

Đó là hàng loạt các nhân vật khác nhau hoàn toàn, một loạt các quan điểm tự do, những câu chuyện cả bi, hài lẫn phóng sự, các bối cảnh từ Đại học Princeton trong suốt Chiến tranh lạnh đến bên trong một tòa nhà chọc trời bị cháy trong thập niên 1980, từ căn phòng lạnh lẽo ở nhà xác thành phố New York đến ngoại ô nước Mỹ. Chúng có vẻ chẳng có điểm gì chung – và còn nữa, chúng không chỉ đến từ cùng một công ty, Imagine, mà tất cả chúng đều được thai nghén bởi Ron và tôi.

Đó là kiểu công việc mà tôi muốn làm và luôn muốn làm, ở Hollywood. Tôi không muốn sản xuất cùng một loại phim hết lần này đến lần khác, lặp đi lặp lại những kiểu nhân vật na ná nhau – thậm chí một cách vô thức.28

Vậy điều này liên quan thế nào đến cuộc trò chuyện của tôi với sở trưởng sở cảnh sát Los Angeles, Daryl Gates?

Trí tò mò. Tôi không biết những người khác trong lĩnh vực điện ảnh làm gì để giữ mình luôn tươi mới nhưng bí mật của tôi là trí tò mò – và đặc biệt là các cuộc nói chuyện tò mò.

Sự phong phú trong công việc (và cuộc đời) của tôi đến từ trí tò mò. Đó là công cụ tôi sử dụng để tìm kiếm các loại nhân vật và các câu chuyện khác nhau hơn là tự mình nghĩ ra chúng. Một vài người có thể nằm mơ thấy một nhân vật như Daryl Gates. Tôi phải gặp trực tiếp một người như thế. Để xem thế giới được nhìn qua lăng kính của ông trông như thế nào, tôi phải ngồi cùng phòng với ông. Tôi phải trực tiếp đặt ra cho ông những câu hỏi và không chỉ lắng nghe các câu trả lời từ ông ấy mà còn xem các biểu hiện trên gương mặt ông ấy thay đổi ra sao khi đưa ra các câu trả lời ấy.

Những cuộc trò chuyện tò mò có một quy tắc then chốt, một quy tắc hoàn toàn đi ngược với lẽ thường: Tôi không bao giờ có một cuộc trò chuyện tò mò để tìm ý tưởng cho một bộ phim. Tôi thực hiện các cuộc trò chuyện bởi tôi hứng thú với một chủ đề hoặc một người nào đó. Các cuộc trò chuyện cho tôi cơ hội bồi đắp thêm các quan điểm và trải nghiệm.

Trong thực tế, thường những gì không phải là một cuộc trò chuyện xảy ra sẽ khơi nguồn cho một bộ phim hoặc một ý tưởng – mà ngược lại mới đúng. Ai đó sẽ đưa ra một ý tưởng về một bộ phim hoặc chương trình truyền hình – ai đó ở Imagine sẽ có một ý nghĩ hay, một nhà biên kịch hoặc một đạo diễn sẽ mang tới cho chúng tôi một câu chuyện, tôi sẽ đưa ra ý tưởng – và một cuộc nói chuyện tò mò mà tôi thực hiện nhiều năm trước sẽ đưa mọi khả năng về ý tưởng đó trở thành hiện thực.

Sự phong phú và đa dạng của 40 năm làm phim và chương trình truyền hình phụ thuộc vào các cuộc trò chuyện tò mò, nhưng những cuộc gặp này không tạo ra các bộ phim và các chương trình truyền hình ngay lập tức. Trí tò mò khuyến khích tôi theo đuổi đam mê của mình. Nó cũng giúp tôi luôn cập nhật được những gì đang diễn ra trong khoa học, âm nhạc và văn hóa thường thức. Không chỉ những gì đang diễn ra mới quan trọng; mà còn là thái độ, tâm trạng xoay quanh những gì đang diễn ra ấy.

Năm 2002, khi tôi sản xuất bộ phim 8 Mile, về nhạc hip-hop ở Detroit, tôi lúc ấy đã 51 tuổi. Tôi có ý tưởng về bộ phim khi nhìn Eminem biểu diễn vào một tối nọ trên Video Music Awards. Tôi đã để mắt đến các nhạc sĩ hip- hop trong suốt hai thập kỷ – tôi muốn làm một bộ phim về thế giới hip- hop kể từ những năm 1980 khi tôi gặp Chuck D từ Public Enemy, Slick Rick, ban nhạc Beastie Boys, và Russel Simmons, người đã sáng lập ra Def Jam. Ý tưởng làm 8 Mile xuất hiện khi nhà sản xuất âm nhạc Jimmy Iovine đưa Eminem đến văn phòng và ba chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau về việc một bộ phim hip-hop sẽ như thế nào. Trong suốt 40 phút đầu tiên, Eminem gần như im lặng. Cuối cùng, tôi nói với cậu ấy rằng: “Thôi nào! Hãy nói gì đi chứ! Sôi nổi lên!” Và cậu ấy đưa mắt liếc nhìn tôi sau đó kể về cuộc đời mình, một câu chuyện đau lòng về những năm tháng lớn lên ở Detroit. Câu chuyện ấy trở thành mạch nguồn của bộ phim.

Điều xa nhất mà bạn có thể có được từ viễn cảnh chống lại các nguyên tắc chính trị, xã hội, tức giận, đầy sinh lực, ồn ào của thể loại nhạc rap là một thế giới sử dụng phép phân tích, phân chia vị trí hoàn hảo và bảo thủ của tình báo ngầm. Khi 8 Mile được bấm máy, chúng tôi cũng thực hiện loạt chương trình 24, với Kiefer Sutherland đóng vai đặc vụ chống khủng bố Jack Bauer, người có nhiệm vụ chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ. Mùa đầu tiên của 24 đã được sản xuất khi các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 diễn ra tại Mỹ. (Buổi công chiếu tập đầu tiên bị trì hoãn một tháng để tránh thời điểm nhạy cảm sau cuộc tấn công). Tôi thích ý tưởng về 24, và tôi kết nối cảm giác về sự khẩn trương và tức thời mà chúng tôi cố gắng tạo ra trong chương trình bằng cách mở nó mỗi tuần trong thực tế, với mỗi giờ của chương trình là một giờ trong đời sống thực của Jack Bauer.

Tôi đã sẵn sàng cho một chương trình như 24 – tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi thế giới tình báo và các hoạt động ngầm trong hàng chục năm. Tôi đã có những cuộc trò chuyện tò mò với hai giám đốc của CIA (William Colby và Bill Casey), với các đặc vụ đến từ Cục tình báo Mossad của Israel, các Cục tình báo MI5 và MI6 của Anh và với một người tên là Michael Scheuer, một cựu nhân viên CIA, người đã giúp sáng lập và điều hành Alec Station vào năm 1996, đơn vị CIA bí mật chịu trách nhiệm theo dõi Osama bin Laden trước các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.29

Tôi rất ngạc nhiên trước lượng thông tin mà mọi người trong lĩnh vực tình báo – những người đứng đầu như Colby và Casey, cũng như những đặc vụ hiện trường như Scheuer – có thể thu thập và ghi nhớ trong đầu. Họ biết rất nhiều về việc thế giới thực sự vận hành ra sao còn thế giới của họ lại bí mật. Họ biết rõ các sự kiện và các mối quan hệ được giấu kín trước những người còn lại trong chúng ta, họ ra quyết định dựa trên những bí mật này, những quyết định mang tính sống còn.

Vì thế tôi đã dành nhiều năm tìm hiểu về thế giới tình báo và cố gắng hiểu các động lực của những người liên quan, tâm lý của họ khi chương trình truyền hình 24 được thực hiện. Tôi biết rất nhiều về thế giới ấy và tôi biết nó có thể là nền tảng tạo nên một câu chuyện hấp dẫn.
Đó là lợi ích lâu dài của các cuộc nói chuyện: những điều mà tôi tò mò đã tạo ra một mạng lưới thông tin, các mối quan hệ và các kết nối cho tôi (không giống như các mạng lưới thông tin mà các nhân viên tình báo lập ra). Sau đó, khi câu chuyện phù hợp xuất hiện, nó gợi nhắc tôi ngay lập tức. Trí tò mò có nghĩa là tôi cởi mở với Jack Bauer trong 24, và với tạo hình nhân vật Jack Bauer, nhân vật của Eminem trong 8 Mile, rapper trẻ tuổi Jimmy “B- Rabbitt” Smith.

Và sau cuộc nói chuyện của tôi với Daryl Gates vào ngày 30 tháng 4 năm 1992, khi thành phố của chúng tôi bắt đầu trở nên náo loạn và rực lửa – tôi nhận ra ngay nhân cách đó một lần nữa khi có cơ hội sản xuất J. Edgar, bộ phim được đạo diễn bởi Clint Eastwood, kể về sự nghiệp của giám đốc FBI J. Edgar Hoover. Leonardo DiCaprio đóng vai Hoover. Nếu không dành thời gian cố gắng tìm hiểu về Gates 20 năm trước, tôi không chắc mình nắm bắt được toàn bộ thực tế về chứng hoang tưởng kiểm soát của Hoover, mà Eastwood và DiCaprio đã truyền tải rất tốt thành tâm trạng, diễn xuất, thậm chí ánh sáng của J. Edgar.

Thực tế, chính một trong những cuộc trò chuyện thời kỳ đầu đã dạy tôi những giới hạn không thể quên mà tôi cần có để đưa các ý tưởng ra thảo luận và biến chúng thành các bộ phim – một cuộc trò chuyện từ thời còn ở Warner Bros., khi mỗi ngày tôi cố gắng gặp ít nhất một người mới trong ngành giải trí.

Tôi đã ở Warner Bros. khoảng một năm với vị trí thư ký pháp lý khi tìm cách để có được một cuộc trò chuyện với Lew Wasserman. Xét về các cuộc gặp mặt, đó là một thành quả rất ấn tượng – là một cơ hội lớn, có thể còn lớn hơn đối với tôi ở tuổi 23 như cơ hội được gặp Jonas Salk và Edward Teller nhiều thập kỷ sau đó. Wasserman là giám đốc của MCA và là nhân tố quyết định trong việc tạo ra lĩnh vực điện ảnh hiện đại, gồm cả ý tưởng về những gì mà chúng ta hiện biết đến như là phim sự kiện, phim bom tấn. Khi tôi đến nói chuyện với ông vào năm 1975, ông đã làm việc ở MCA từ năm 1936. Trong khi điều hành MCA, Wasserman đã từng cộng tác với các ngôi sao điện ảnh lớn như Bette Davis, Jimmy Stewart, Judy Garland, Henry Fonda, Fred Astaire, Ginger Rogers, Gregory Peck, Gene Kelly, Alfred Hitchcock và Jack Benny.30 Hãng Universal Pictures của MCA đã sản xuất Jaws và tiếp tục sản xuất E. T. the Extraterrestrial, Back to the future và Jurassic Park.

Vào ngày tôi đến gặp ông, Lew Wasserman rõ ràng là người đàn ông quyền lực nhất trong lĩnh vực điện ảnh. Còn tôi rõ ràng là người ít ảnh hưởng nhất. Tôi đã mất nhiều tháng kiên nhẫn liên hệ để có thể chen vào lịch trình của Wasserman, thậm chí chỉ trong 10 phút. Tôi đã nói chuyện thường xuyên với trợ lý của ông ấy, Melody. Có lúc tôi nói với cô ấy: “Sẽ ra sao nếu tôi chỉ ghé qua để gặp cô?” Và tôi đã làm vậy – chỉ để tạo dựng lòng tin.

Cuối cùng khi gặp được Wasserman, tôi không hồi hộp hay sợ sệt gì cả. Tôi rất hào hứng. Đối với tôi, đó là cơ hội để biết về sự tài giỏi của một người, mà trong thực tế, người đó đã tạo ra ngành điện ảnh từ xuất phát điểm rất thấp, thấp hơn cả tôi – như là một người chỉ dẫn chỗ trong rạp chiếu phim. Thực tế, ông là người đã sáng tạo ra ngành điện ảnh. Chắc chắn, tôi có thể học được điều gì đó từ ông ấy.

Hôm đó, Wasserman không kiên nhẫn lắng nghe tôi chia sẻ về việc quyết tâm trở thành nhà sản xuất phim. Ông ngắt lời tôi.

“Này cậu,” Wasserman nói, “bằng cách nào đó cậu đã tìm ra cách để vào văn phòng này. Trông cậu đầy quyết tâm. Tôi có thể thấy điều đó. Nếu có hàng tá cách để trở thành một nhà sản xuất – có tiền, biết người có tiền, có quan hệ, có bạn bè trong ngành, đại diện cho các ngôi sao hoặc nhà biên kịch – nếu có hàng tá cách để trở thành một nhà sản xuất, cậu chẳng cần cách nào trong số đó.

“Cậu không thể mua bất cứ thứ gì – cậu không thể mua một bản tóm tắt kịch bản. Cậu không thể mua một cuốn sách. Cậu không biết bất cứ ai. Cậu chắc chắn không đại diện cho ai. Cậu không có người chống lưng. Cậu chẳng có gì hết.
Nhưng cách duy nhất để cậu có thể ghi danh trong ngành này đó là phải có chất liệu. Cậu phải sở hữu nó.”

Sau đó Wasserman với lấy một cuốn sổ tay và một cây bút chì từ bàn làm việc của mình. Ông ép chiếc bút chì vào cuốn sổ và đưa chúng cho tôi.

“Đây là một cuốn sổ tay màu vàng,” ông nói. “Đây là chiếc bút chì số 2. Đặt chiếc bút chì vào cuốn sổ. Viết cái gì đó đi. Cậu phải đưa ra ý tưởng. Bởi cậu chẳng có gì cả.”

Tôi choáng váng nhưng cũng vô cùng ngạc nhiên. Wasserman là người đầu tiên đã cắt nghĩa cơn lốc xoáy của ngành điện ảnh giúp tôi và nói: “Này Brian Grazer, đây là thứ cậu có thể làm để trở thành một nhà sản xuất phim, để vươn lên khỏi vị trí thư ký pháp lý.”

Viết.

Nếu không thì chỉ nói suông mà thôi.

Tôi ngồi với Wasserman không quá 10 phút nhưng có cảm tưởng như một giờ. Thời gian ở cùng ông ấy đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về ngành điện ảnh – nó đã phá vỡ quan điểm trước đó của tôi.
Wasserman nói rằng các ý tưởng là tiền bạc ở Hollywood, nên tôi phải tự mình đưa ra vài ý tưởng. Và ông nói rằng bởi tôi không có ảnh hưởng hay tiền bạc gì, nên tôi phải dựa vào chính trí tò mò và trí tưởng tượng của mình như là nguồn lực mang lại các ý tưởng đó. Trí tưởng tượng của tôi đáng giá hơn nhiều so với tiền bạc – bởi tôi không có tiền.

Tôi không cầm lấy cuốn sổ tay màu vàng và cây bút chì của Wasserman. Tôi chắc chắn rằng mình đã quá hồi hộp và đặt chúng trở lại phòng của ông. Nhưng tôi đã làm những gì mà ông gợi ý: Tôi liên tục sử dụng trí tò mò của mình để tạo ra các ý tưởng.

* * *

Là một siêu mẫu như Kate Moss có nghĩa là gì và cần gì khác để trở thành một người như thế so với việc trở thành một luật sư giỏi như Gloria Allred?

Nếu muốn sản xuất những bộ phim có vẻ thực, chúng tôi phải thông tường nhiều ngõ ngách của thế giới – những nơi hoạt động khác nhiều so với Hollywood. Như cố gắng thể hiện, tôi đã cố tình sử dụng trí tò mò của mình để thay đổi quan điểm của bản thân. Tôi tìm kiếm những người từ các ngành và cộng đồng khác – vật lý, y tế, người mẫu, kinh doanh, văn học, luật – sau đó cố gắng học hỏi điều gì đó về kỹ năng và phẩm chất cần thiết để có thể làm tốt trong những lĩnh vực này.

Nhưng nếu việc thay đổi quan điểm của một ai đó như tôi – một nhà làm phim, một người kể chuyện – hữu ích, thì hãy xem nó ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào đối với những người đang làm các loại công việc khác.
Bạn chắc chắn muốn bác sĩ của mình có thể đặt mình vào vị trí của bạn – bạn muốn cô ấy hiểu các triệu chứng của bạn để có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp nhằm giúp bạn khỏe hơn. Bạn cũng muốn bác sĩ tò mò về những cách tiếp cận mới đối với căn bệnh để chăm sóc và điều trị. Bạn muốn ai đó, người sẵn sàng lắng nghe các đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu với những quan điểm có thể phá vỡ những cách chăm sóc bệnh nhân vốn quen thuộc và thoải mái. Ngành y tế đầy ắp những sự gãy vỡ đã làm thay đổi các cách mà những bác sĩ hành nghề, bắt đầu bằng việc rửa tay, vệ sinh và tiếp đến là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật bằng máy móc, cứu giúp hoặc cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng triệu người. Y tế là một trong những lĩnh vực phát triển ổn định, đôi lúc vượt bậc nhờ trí tò mò nhưng bạn cần một bác sĩ sẵn lòng bước ra khỏi vùng thoải mái của mình để có thể thu được lợi ích từ chính những cải tiến đó.

Có thể tưởng tượng ra quan điểm của những người khác cũng là một công cụ chiến lược quan trọng để quản lý thực tiễn trong hàng loạt các ngành nghề. Chúng ta muốn các nhân viên cảnh sát có thể tượng tượng ra xem bọn tội phạm sẽ làm gì tiếp theo, chúng ta muốn các sĩ quan chỉ huy có thể đưa ra trước năm động thái của đối phương, chúng ta muốn các huấn luyện viên bóng rổ có thể nắm được các đường đi nước bước của đối thủ và đánh bại họ. Bạn không thể đàm phán một hợp đồng thương mại quốc tế nếu không biết các quốc gia khác thực sự cần gì.

Trong thực tế, những bác sĩ, cảnh sát, các vị tướng, các huấn luyện viên và các nhà ngoại giao giỏi nhất đều có chung kỹ năng có thể quan sát thế giới từ vị trí của các đối thủ. Bạn không thể chỉ đưa ra chiến lược của chính mình sau đó thực thi chúng và chờ xem điều gì xảy ra để đưa ra hành động ứng phó. Bạn phải đoán trước điều gì sắp xảy ra – bằng cách phá bỏ quan điểm của chính mình trước tiên.

Kỹ năng tương tự, trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt, là những gì tạo nên các sản phẩm khiến chúng ta yêu thích. Tài năng đặc biệt của Steve Job nằm ở khả năng thiết kế một hệ điều hành máy tính, một máy chơi nhạc và một chiếc điện thoại biết được chúng ta sẽ muốn tính toán, nghe nhạc và kết nối như thế nào – đồng thời cung cấp những gì chúng ta muốn trước khi biết đến nó. Điều tương tự cũng đúng với chiếc máy rửa bát dễ sử dụng hay chiếc điều khiển ti vi.

Khi ngồi vào chỗ tài xế của chiếc xe mà bạn chưa từng lái trước đó, bạn luôn có thể biết liệu người thiết kế ra chiếc bảng điều khiển ít nhất có chút tò mò về cách các khách hàng sử dụng xe hay không. Chỗ để cốc thiếu yếu không được tạo ra bởi các kỹ sư của các hãng xe lớn ở châu Âu như BMW, Mercedes, Audi. Chỗ để cốc đầu tiên trên ô tô được thiết kế khi Dodge cho ra đời chiếc Caravan của nó vào năm 1983.31

Với iPhone, chỗ để cốc, chiếc máy rửa bát dễ sử dụng, kỹ sư đã làm một điều gì đó đơn giản nhưng thường bị coi nhẹ: Họ đã đặt ra các câu hỏi. Ai sẽ sử dụng sản phẩm này? Điều gì xảy ra khi họ sử dụng chúng? Người đó khác tôi như thế nào?

Những doanh nhân thành công đặt vị trí của mình vào vị trí của khách hàng. Giống như các huấn luyện viên hoặc các vị tướng, họ cũng tưởng tượng xem đối thủ của mình sắp làm gì, để sẵn sàng cho cuộc chiến.
Một phần của trí tò mò mang tính đột phá ấy dựa vào bản năng. Steve Jobs nổi tiếng là người có thái độ khinh thị các nhóm tập trung và thử nghiệm khách hàng, thay vào đó ông ưa thích sự tinh gọn sản phẩm dựa trên các phán đoán của chính mình.
Một phần của trí tò mò mang tính đột phá ấy dựa vào thói quen. Trong suốt những năm điều hành đế chế Wal-Mart – công ty lớn nhất thế giới – nhà sáng lập Sam Walton đã triệu tập 500 quản lý trong một cuộc họp vào mỗi sáng thứ Bảy. “Cuộc họp sáng thứ Bảy” ấy được tổ chức vì hai mục đích: để tổng kết một cách chi tiết doanh thu trong tuần, trực tiếp thông qua các cửa hàng và để đặt ra câu hỏi: Đối thủ cạnh tranh đang làm gì mà chúng ta nên chú ý đến – hoặc học theo? Trong mỗi cuộc họp sáng thứ Bảy, Walton đều đề nghị các nhân viên của mình đứng lên và chia sẻ về các chuyến viếng thăm của họ, đến các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh – K-mart. Zayre, Walgreens, Rite Aid và Sears trong suốt tuần làm việc.

Walton đề ra những quy tắc nghiêm khắc trong phần này của cuộc họp: những người tham gia chỉ được phép nói về những gì mà các đối thủ đang làm đúng. Họ chỉ được phép thảo luận những gì mà họ thấy là một hành động thông minh và đã được thực thi hoàn hảo. Về cơ bản, Walton rất tò mò về việc tại sao khách hàng lại muốn mua hàng ở bất cứ nơi nào khác ngoài Wal-Mart. Ông không quan tâm đến những gì mà các đối thủ đang làm sai – điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến ông. Nhưng ông không muốn họ kiếm được lợi nhuận của một tuần nhiều hơn nhờ làm việc gì đó mang tính đổi mới – và ông biết mình không đủ thông minh để một mình nghĩ ra mọi cách khả thi nhằm điều hành một cửa hàng. Tại sao lại phải đoán mò cách suy nghĩ của đối thủ trong khi bạn đơn giản chỉ cần ghé qua cửa hàng của họ?

Một phần của trí tò mò mang tính đột phá dựa vào việc phân tích hệ thống vốn được nâng cấp thành các chương trình nghiên cứu và phát triển tổ chức công phu. H. J. Heinz cần gần 3 năm để tạo ra chai tương cà chua lộn ngược – nhưng dự án đã bắt đầu khi các nhà nghiên cứu Heinz theo chân khách hàng về nhà và phát hiện ra rằng họ đang để những chai tương cà chua bằng thủy tinh, cao, mảnh ở thế lộn ngược trong cánh tủ lạnh với mong muốn lấy được những phần tương chấm cuối cùng. Chai tương cà chua lộn ngược mà Heinz sáng tạo ra là kết quả dựa vào một van silicon sáng tạo bịt kín chai và mở ngay lập tức sau khi chai bị bóp xoắn, sau đó đóng lại ngay lập tức khi việc bóp xoắn dừng lại. Người đã tạo ra chiếc van đó là một kỹ sư người Michigan tên là Paul Brown, người đã nói với các phóng viên rằng: “Tôi tưởng tượng mình là silicon và nếu được đổ vào khuôn đúc, tôi sẽ làm gì.” H. J. Heinz đã quá quyết tâm hiểu rõ khách hàng, vì thế họ đã theo chân khách hàng từ cửa hàng tiện lợi về nhà. Kỹ sư Paul Brown cũng quá quyết tâm giải quyết một vấn đề đến mức tưởng tượng mình là silicon lỏng.32

Procter & Gamble, công ty sản xuất hàng tiêu dùng, cái tên đứng sau các thương hiệu như: Tide, Bounty, Pampers, CoverGirl, Charmin và Crest, đã dành hơn 1 triệu đô-la mỗi ngày chỉ để nghiên cứu khách hàng. P&G đã quá quyết tâm tìm hiểu cách chúng ta giặt quần áo, cọ bếp, gội đầu và đánh răng đến mức các nhà nghiên cứu của công ty đã thực hiện 20.000 nghiên cứu mỗi năm, 5 triệu khách hàng, với mục tiêu đơn thuần chỉ là hiểu được hành vi và thói quen của chúng ta. Đó là lý do tại sao xà phòng giặt Tide hiện có dạng ngăn định lượng nhỏ – không đổ ồng ộc, không đo lường, không bừa bãi. Đó là lý do tại sao bạn có thể mua một chiếc bút Tide có thể loại bỏ vết bẩn ra khỏi quần áo của bạn ngay khi bạn đang mặc chúng.33

Cách tiếp cận của tôi với trí tò mò là sự pha trộn các cách tiếp cận mà chúng ta thấy ở Steve Jobs, Sam Walton và P&G. Thực tế, tôi là người tò mò bản năng – tôi lúc nào cũng tò mò. Nếu ai đó đi vào văn phòng tôi để nói về nhạc cho một bộ phim hoặc duyệt lại kịch bản cho một chương trình truyền hình và người đó đang đi một đôi giày thực sự rất đẹp, thì chúng tôi sẽ bắt đầu nói về những đôi giày.

Tôi biết rằng không phải tất cả ai cũng đều cảm thấy mình tò mò một cách bản năng hoặc đủ tò mò để hỏi về đôi giày của người khác. Nhưng bí mật là điều đó không hề quan trọng. Bạn có thể sử dụng trí tò mò thậm chí ngay cả khi bạn không nghĩ mình tò mò một cách bản năng.

Ngay khi nhận ra sức mạnh của trí tò mò có thể khiến cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn, tôi đã có ý thức tập trung vào việc biến trí tò mò trở thành một phần trong cuộc sống. Tôi biến nó thành một nguyên tắc và sau đó thành một thói quen.
Nhưng dưới đây là sự khác biệt quan trọng giữa tôi và các bậc thầy phân tích ở P&G. Tôi thực sự sử dụng từ “tò mò” để nói về những gì tôi làm, để mô tả và hiểu nó. Dù vậy, phần còn lại của thế giới hầu như không bao giờ nói về kiểu tra vấn này mà sử dụng từ “tò mò”.

Ngay cả khi chúng ta cố tình tò mò theo hướng có tổ chức và có mục đích, chúng ta không gọi đó là “tò mò”. Vị huấn luyện viên và các trợ lý của anh ta dành 5 ngày xem phim để chuẩn bị cho một trận đấu không được coi là tò mò về các đối thủ của họ, dù họ có đắm mình và suy nghĩ tính cách và chiến lược của đội đó. Các đội thể thao chỉ đơn giản gọi đó là “xem phim”. Các chiến dịch chính trị gọi dạng tò mò của họ là “nghiên cứu đối thủ”. Các công ty dành một lượng lớn tiền bạc và nỗ lực để hiểu hành vi của khách hàng và để thỏa mãn nhu cầu không “tò mò” về khách hàng của họ. Họ sử dụng cụm từ như “nghiên cứu khách hàng” hoặc nói rằng họ vừa phát triển “một quy trình đổi mới”. (Nếu họ thuê các nhà tư vấn đắt đỏ để giúp họ tò mò, họ sẽ nói đã phát triển được một “lộ trình đổi mới chiến lược”.

Trong năm 2011, tạp chí Harvard Business Review đã xuất bản một nghiên cứu tình huống dày 9 trang về những nỗ lực sáng tạo và đổi mới của P&G. Câu chuyện được đồng sáng tác bởi giám đốc công nghệ của P&G và có độ dài bằng từ đầu chương này của cuốn sách, tới đoạn này – khoảng 5.000 từ. Các tác giả cho biết rằng họ muốn mô tả những nỗ lực của P&G nhằm “hệ thống hóa khả năng cầu may” vốn thường xuyên tạo ra hoạt động kinh doanh mới. Ở Hollywood, chúng tôi gọi đó là “bữa trưa”. Nhưng “việc hệ thống hóa khả năng cầu may” – tìm kiếm các cách để đưa ra các ý tưởng mới – thực sự là những gì mà bất cứ tổ chức thông minh nào đều muốn thực hiện. Sam Walton đang “hệ thống hóa khả năng cầu may” trong các cuộc họp sáng thứ Bảy. Tôi đã “hệ thống hóa khả năng cầu may” bằng các cuộc trò chuyện tò mò của tôi.

Trong câu chuyện của Harvard Business Review về P&G, từ “đổi mới” xuất hiện 65 lần. Từ “tò mò” không hề xuất hiện lần nào.34

Thật điên rồ. Chúng ta đơn giản không hề tin trí tò mò. Chúng ta thậm chí không tôn vinh trí tò mò khi chúng ta sử dụng nó, mô tả và tán dương nó.

Cách mà chúng ta nói chuyện về nó rất quan trọng và mang tính khám phá. Bạn không thể hiểu, đánh giá và bồi dưỡng thứ gì đó nếu như bạn không thừa nhận nó tồn tại. Làm sao chúng ta có thể dạy bọn trẻ tò mò nếu chúng ta không sử dụng từ tò mò? Làm sao chúng ta có thể khuyến khích trí tò mò ở công sở nếu chúng ta không yêu cầu mọi người phải tò mò?

Đó không phải là một lý lẽ ngữ nghĩa tầm thường.

Chúng ta sống trong một xã hội ngày càng bị ám ảnh bởi “đổi mới” và “sáng tạo”.

20 năm trước, năm 1995, “đổi mới” được đề cập khoảng 80 lần mỗi ngày trên truyền thông Mỹ; “sáng tạo” được đề cập khoảng 90 lần mỗi ngày.

Chỉ 5 năm sau đó, số lần đề cập đến “đổi mới” đã tăng lên 260 lần mỗi ngày, còn “sáng tạo” là 170 lần mỗi ngày.

Đến năm 2010, số lần “đổi mới” được nhắc đến là 660 lần mỗi ngày còn sáng tạo đứng sau với 550 lần mỗi ngày.

Trí tò mò chỉ chiếm ¼ những lần đề cập đó trên truyền thông mỗi ngày – vào năm 2010 là khoảng 160 lần mỗi ngày. Trí tò mò nhận được số đề cập chỉ bằng số lần mà “sáng tạo” và “đổi mới” được nhắc đến 10 năm trước đây.35

Các trường đại học lớn của Mỹ duy trì dữ liệu trực tuyến về “các chuyên gia” giảng dạy để truyền thông và giới kinh doanh có thể tư vấn họ. MIT liệt kê danh sách 9 giảng viên tự nhận là các chuyên gia về sáng tạo và 27 chuyên gia về đổi mới. Các chuyên gia MIT về trí tò mò thì sao? Không có ai. Stanford liệt kê 4 chuyên gia về sáng tạo và 21 chuyên gia về đổi mới. Stanford có chỉ ra các chuyên gia để nói chuyện về trí tò mò không? Không có ai.

Việc bồi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới đương nhiên rất cần thiết. Đó là những gì thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta tiến lên phía trước, đó là những gì cải tiến đáng kể cách chúng ta sống – trong mọi lĩnh vực từ điện thoại đến bán lẻ, từ y tế đến giải trí, từ du lịch đến giáo dục.
Dù cần thiết là thế nhưng sáng tạo và đổi mới cũng khó đong đếm và gần như không thể chỉ dạy. (Bạn đã từng gặp ai thiếu khả năng sáng tạo và đổi mới, tham gia một khóa học và trở nên đổi mới và sáng tạo chưa?) Trong thực tế, chúng ta thường không đồng tình với những gì tạo nên một ý tưởng “đổi mới” và “sáng tạo”. Không gì phổ biến như sự đổi mới được tôi đưa ra mà theo tôi là thông minh còn bạn nghĩ là ngớ ngẩn.

Tôi nghĩ rằng việc tập trung cao độ vào sự sáng tạo và đổi mới có thể phản tác dụng. Một nhân viên điển hình đi làm ở một văn phòng nhỏ không nghĩ mình “sáng tạo” hay “đổi mới”. Những người không làm việc trong bộ phận phát triển và nghiên cứu của tổ chức có thể mặc định rằng “đổi mới” không phải là việc của họ – bởi ngay kia, trong tòa nhà khác là “Bộ phận Đổi mới”. Trong thực tế, cho dù chúng ta nghĩ mình có sáng tạo hay không, thì ở hầu hết các công sở, rõ ràng sáng tạo không phải là một phần trong công việc của chúng ta – đó là lý do các nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng tua lại những lời từ kịch bản có sẵn khi có cuộc gọi đến số 800, thay vì thực sự nói chuyện với chúng ta.

Dù vậy, không giống như sự sáng tạo và đổi mới, trí tò mò bản thân nó dễ tiếp cận, dân chủ, dễ thấy và cũng dễ thực hiện.

Từ kinh nghiệm của chính tôi trong việc giới thiệu hàng trăm ý tưởng phim trước các giám đốc hãng, tôi biết các ý tưởng thông minh của mọi người thường bị nói “không” nhiều đến mức nào – không phải lần nào cũng thế nhưng cũng khoảng 90%. Để tiếp nhận được tất cả những lời từ chối ấy, cần phải có một cái bụng thật lớn và tôi không nghĩ hầu hết mọi người đều cảm thấy mình được trả công xứng đáng khi đưa ra các ý tưởng bị từ chối. (Trong lĩnh vực phim ảnh, không may, chúng tôi chẳng nhận được gì nếu các ý tưởng của chúng tôi không bị từ chối, bởi cách duy nhất để nhận được câu trả lời “Đồng ý” là nếm trải thật nhiều những câu trả lời “Không”.

Đây là bí mật mà chúng ta có vẻ không hiểu, kết nối tuyệt vời mà chúng ta đang không tạo ra:

Trí tò mò là công cụ tạo nên sự sáng tạo. Trí tò mò là kỹ thuật để có được sự đổi mới.

Các câu hỏi tạo ra một tư duy đổi mới và sáng tạo. Sự tò mò giả định rằng có điều gì đó mới mẻ ngoài kia. Trí tò mò giả định rằng có thể có thứ gì đó ngoài kia nằm ngoài trải nghiệm của chúng ta. Trí tò mò cho phép khả năng rằng cách mà chúng ta đang làm việc gì đó bây giờ không phải là cách duy nhất hoặc thậm chí không phải là cách tốt nhất.

Như tôi đã nói trong chương một rằng trí tò mò là viên đá lửa làm bật ra các ý tưởng tuyệt vời cho những câu chuyện. Nhưng sự thật còn lớn hơn nhiều: trí tò mò không chỉ làm bật ra các câu chuyện, nó còn khơi gợi niềm cảm hứng trong bất cứ công việc nào mà bạn làm.

Lúc nào bạn cũng có thể tò mò. Và trí tò mò có thể dẫn lối đến tận khi bạn tìm ra được một ý tưởng tuyệt vời.

Sam Walton không đi bộ dọc các hành lang trong cửa hàng của mình để cố gắng nghĩ ra được thứ gì đó mới mẻ. Việc đó chẳng khác nào nhìn vào trong những chiếc xe đẩy rỗng ở Wal-Mart để tìm nguồn cảm hứng. Ông cần một tầm nhìn khác về thế giới – cũng giống như tôi đã tìm thấy ở sở trưởng Gates hay Lew Wasserman. Sam Waton muốn đổi mới ở cách sắp đặt thông thường nhất của một cửa hàng. Ông bắt đầu bằng cách tò mò về tất cả những đối thủ khác trong ngành bán lẻ. Hết lần này đến lần khác ông tiếp tục đặt câu hỏi: Các đối thủ của chúng ta đang làm gì?

Tôi không ngồi trong văn phòng của mình, phóng tầm mắt ra khỏi cửa sổ phòng ở Beverly Hills, chờ đợi các ý tưởng phim trôi nổi trước mắt mình. Tôi nói chuyện với những người khác. Tôi tìm kiếm quan điểm, trải nghiệm và các câu chuyện của họ và nhờ vậy, tôi đã tăng trải nghiệm của bản thân lên hàng ngàn lần.

Thực tế, những gì tôi làm là tiếp tục đặt câu hỏi cho đến khi có thứ gì đó thú vị xảy ra.

Đó là những gì mà tất cả chúng ta có thể làm. Chúng ta có thể dạy mọi người cách đặt các câu hỏi hay, chúng ta có thể dạy mọi người lắng nghe các câu trả lời và chúng ta có thể dạy mọi người sử dụng các câu trả lời đó để đặt ra các câu hỏi tiếp theo. Thực tế, bước đầu tiên là phải coi trọng các câu hỏi, coi chúng là các câu hỏi đáng trả lời – bắt đầu với chính các con của bạn. Nếu bạn coi trọng những câu hỏi, người đặt câu hỏi sẽ luôn lắng nghe câu trả lời với sự tôn trọng (thậm chí nếu họ không thực sự coi trọng các câu trả lời).

Tò mò và đặt ra các câu hỏi tạo ra sự gắn kết. Sử dụng trí tò mò để phá vỡ quan điểm của chính bạn luôn là việc làm đáng giá, kể cả khi nó không hiệu quả theo cách bạn kỳ vọng.

Đó là phần vui vẻ của trí tò mò – bạn được cho là sẽ rất ngạc nhiên. Nếu chỉ nhận được những câu trả lời mà mình dự đoán, bạn sẽ không tò mò. Khi nhận được câu trả lời khiến bạn ngạc nhiên, thì lúc đó bạn biết mình vừa phá vỡ được quan điểm của bản thân. Nhưng bị bất ngờ cũng có thể khiến bạn không mấy thoải mái và tôi biết điều đó rất rõ.

Như tôi đã nói, một trong những người mà tôi quyết tâm gặp và có một cuộc trò chuyện tò mò khi tôi chỉ mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực điện ảnh đó là Edward Teller. Teller là một nhân vật đáng ngưỡng mộ từ khi tôi còn trẻ, mặc dù không nhất thiết là theo hướng tích cực. Ông là một nhà vật lý lý thuyết tài năng, từng làm việc trong dự án Manhattan, phát triển bom nguyên tử đầu tiên. Một trong những lo lắng ban đầu liên quan đến quả bom đó là phản ứng hạt nhân mà một quả bom nguyên tử mang lại có thể không bao giờ dứt – chỉ cần một quả bom cũng đủ phá hủy cả Trái đất. Chính những tính toán của Teller đã chứng minh một quả bom nguyên tử, với sức phá hủy cực lớn, có thể đem lại ảnh hưởng hạn chế.

Teller tiếp tục tạo ra bom hydro – một loại bom mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử. Ông trở thành giám đốc bộ phận nghiên cứu vũ khí hạt nhân hàng đầu của nước Mỹ, Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore ở California. Không chỉ thông minh, ông còn là một người có chủ trương phòng thủ mạnh mẽ và sôi nổi về tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong phòng thủ.
Khi tôi là nhà sản xuất phim, Teller trạc 70 tuổi, nhưng ông đã tìm thấy một vai trò hoàn toàn mới, chủ trương tán thành và giúp thiết kế hệ thống phòng vệ tên lửa Star Wars gây nhiều tranh cãi cho Tổng thống Ronald Reagan, chính thức được gọi là Dự án Bảo vệ Chiến lược. Teller là một người khó tính và hay gắt gỏng – người ta đồn đại rằng ông là nguồn cảm hứng cho nhân vật chính “Dr. Strangelove” trong bộ phim cùng tên năm 1964 của Stanley Kubrick.

Tôi muốn gặp ông ấy đơn giản bởi tôi muốn tìm hiểu về nhân cách của một người đam mê sáng tạo ra thứ vũ khí hủy diệt ghê gớm nhất trong lịch sử loài người.

Không ngạc nhiên khi gần như không thể đặt được một cuộc hẹn với Teller. Văn phòng của ông không trả lời bất cứ cuộc gọi nào. Tôi viết thư. Tôi tiếp tục viết thư tiếp. Tôi đề nghị bay đến gặp ông. Cuối cùng, vào một ngày năm 1987, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Tiến sĩ Teller – người lúc đó đã 79 tuổi và đang làm việc trong dự án Star Wars – sẽ ghé qua Los Angeles. Ông sẽ dừng chân nghỉ lại đây vài giờ, ở một khách sạn gần LAX. Tôi có thể gặp ông trong một giờ nếu đến khách sạn.
Hai chiến sĩ trong bộ trang phục quân đội đang đợi tôi ở hành lang khách sạn. Họ lên cùng với tôi. Teller ở trong một phòng lớn gồm hai phòng đơn, ở đây cũng có các chiến sĩ quân đội và trợ lý khác. Tôi không gặp ông một mình.

Ngay từ đầu, ông ấy trông có vẻ rất đáng sợ.

Ông có dáng người thấp. Và trông có vẻ thờ ơ. Ông không có vẻ hứng thú với sự có mặt của tôi ở đó. Bạn biết, nếu ai đó có hứng thú với bạn hoặc chỉ đơn giản là họ muốn tỏ thái độ lịch sự, họ sẽ tỏa ra một chút năng lượng nào đó. Daryl Gates chắc chắn có chút năng lượng như thế.

Teller thì không.

Đương nhiên, sự thờ ơ ấy khiến ông khó nói chuyện với ai đó.

Có vẻ ông biết tôi đã tốn rất nhiều công sức để đặt được một cuộc hẹn với ông trong suốt một năm ròng. Nó khiến ông ấy khó chịu. Ông ấy bắt đầu với thái độ gắt gỏng và cuộc nói chuyện giữa chúng tôi gần như giậm chân tại chỗ.
Rõ ràng ông là người rất thông minh và chuyên nghiệp nhưng lại có thái độ kiêu căng. Tôi gặng hỏi về công việc sản xuất vũ khí nhưng không thu được nhiều thông tin. Ông nói: “Tôi nâng cấp công nghệ đến mức tối đa. Đó là nhiệm vụ của tôi.”

Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, ông vạch ra một rào cản giống như ranh giới mà ông đang nói về việc tạo ra lục địa Bắc Mỹ. Có một bức tường vô hình giữa chúng tôi.

Ông gửi đi một thông điệp rất rõ ràng: Tôi không hề quan trọng đối với ông. Tôi đang làm phí thời gian của ông.

Thành thực mà nói, những gì bạn kỳ vọng đạt được khi gặp một người như Teller – người có ảnh hưởng rất lớn đến các sự kiện làm nên thế giới – những gì bạn kỳ vọng có được, thực sự, giống như một kiểu bí mật.

Bí mật đối với an ninh toàn cầu hoặc an ninh của nước Mỹ.

Bí mật đối với việc họ là ai.

Bạn hy vọng về một kiểu nhận thức – một cử chỉ và một thái độ.

Kỳ vọng đó đương nhiên có phần lớn lao. Nhưng thật khó để có được những bí mật từ ai đó mà bạn chỉ dành 45 phút ở cùng.

Nhưng tôi có cảm giác như tôi không nhận được gì ngoài sự coi khinh từ Teller. Tôi hỏi ông ấy về truyền hình. Ông nói: “Tôi không làm mảng đó.”

Tôi hỏi ông ấy về điện ảnh. Ông nói: “Tôi không xem phim. Bộ phim cuối cùng tôi xem cách đây 50 năm rồi. Đó là phim Dumbo.”

Nhà vật lý hạt nhân vĩ đại đã từng xem một trong những bộ phim hoạt hình quý giá của tôi, cách đây nửa thập kỷ, Dumbo. Một bộ phim hoạt hình về một con voi biết bay.

Ông đã thực sự nói rằng ông không nghĩ những gì tôi làm đem lại bất kỳ giá trị nào. Ông chắc chắn không quan tâm đến việc kể chuyện. Không chỉ vì ông không quan tâm đến nó – mà còn coi thường nó. Vì lẽ đó, tôi có cảm giác bị xúc phạm. Tại sao ông lại đồng ý gặp tôi, chỉ để tỏ thái độ thô lỗ như vậy? Nhưng ý nghĩ bị coi thường chỉ thoáng qua trong tâm trí tôi. Tôi gần như bị hấp dẫn bởi sự coi thường của ông.

Cuối cùng, chắc chắn ông được cho là người có sức ảnh hưởng lớn – ông thực sự đã chạm đến tôi theo một cách mà tôi không bao giờ có thể quên.

Teller rõ ràng là một người yêu nước cháy bỏng – gần như cuồng si. Ông quan tâm đến nước Mỹ, đến tự do và theo cách của mình, ông quan tâm đến nhân loại.

Nhưng những gì thực sự hấp dẫn, khi tôi có thời gian để nghĩ về nó, đó là bản thân ông ấy có vẻ thiếu nhân tính, dường như bài trừ mối quan hệ giữa con người với con người thông thường.

Khi gặp Teller, tôi đã là một nhà làm phim có tiếng. Nhưng chắc chắn tôi đã rời khỏi cuộc gặp mặt trong tư thế khúm núm. Tôi có cảm giác như thể mình bị đá vào bụng.

Điều đó không có nghĩa rằng tôi hối hận khi tìm mọi cách để gặp được Edward Teller trong suốt một năm. Theo hướng mà tôi không hề kỳ vọng, nhân cách của ông ấy có phần tương xứng với những thành tựu mà ông ấy đạt được. Nhưng đó là vấn đề về trí tò mò – bạn không phải lúc nào cũng nhận được những gì mà bạn nghĩ là mình sẽ nhận được.

Và cũng quan trọng như thế, bạn không nhất thiết phải biết trí tò mò của mình sẽ được đón nhận như thế nào. Không phải ai cũng đánh giá cao việc trở thành mục đích của trí tò mò, và đó cũng là một cách nhìn nhận thế giới qua lăng kính của ai đó.

Dù vậy, sự thực là, tôi đã nhận được chính xác những gì mà tôi muốn: Tôi có được cái nhìn đầy màu sắc về Edward Teller. Tôi nhận được chính xác thông điệp mà tiến sĩ Teller gửi đến tôi về những khu vực lân cận của chúng ta trên thế giới.

Trí tò mò rất rủi ro. Nhưng nó mang lại hiệu quả. Đó là cách giúp bạn biết nó giá trị thế nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.