Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Chương III: TRÍ TÒ MÒ BÊN TRONG CÂU CHUYỆN



“Lý trí cũng đành bất lực trước sức hút của một câu chuyện.” − JONATHAN GOTTSCHALL36

Khi Veronica de Negri kể câu chuyện đời mình, thật khó có thể kết nối các chi tiết bạn nghe được với người phụ nữ trầm tính và ung dung đang đứng cạnh bạn.

De Negri là thủ thư của một công ty giấy, sống với chồng và hai cậu con trai ở Valparaíso, Chile, một thành phố cảng xinh đẹp với 500 năm tuổi và được mệnh danh là “Hòn ngọc Thái Bình Dương”.
Trong thời gian rảnh rỗi, de Negri làm việc với công đoàn và hội phụ nữ ở Valparaíso. Vào đầu những năm 1970, cô cũng làm việc cho chính quyền của tổng thống Salvador Allende, người đã được bầu chọn một cách dân chủ.

Allende bị bãi nhiệm vào năm 1973 bởi một người được ông bổ nhiệm đứng đầu quân đội Chile, tướng Augusto Pinochet. Việc làm này táo bạo đến mức vào thời điểm đó, máy bay của Không quân Chile đã ném bom vào nơi ở của tổng thống nước này ở Santiago nhằm đánh đuổi Allende. Pinochet nắm chính quyền vào ngày 11 tháng 9 năm 1973, ngay lập tức vây bắt và “thủ tiêu” bất cứ người Chile nào ông ta cho là phản động, hoặc thậm chí manh nha phản động.

Có lẽ, do công việc liên quan đến công đoàn của mình hoặc làm việc cho Allende, các nhân viên đến từ Cục tình báo Hải quân Chile cuối cùng đã tìm đến de Negri vào năm 1975, giải từ căn hộ của cô đến căn cứ tình báo Hải quân ở Valparaíso.
Năm đó cô 29 tuổi, hai cậu con trai mới chỉ lên 8 và lên 2. Chồng cô cũng bị bắt đến đó cùng ngày.

Khi đó, các lực lượng của Pinochet đang bắt bớ, bỏ tù và tra tấn quá nhiều người Chile – khoảng 40.000 người tất cả – đến mức kẻ độc tài phải dựng nên một mạng lưới các trại tập trung trên khắp Chile để phục vụ cho việc đó.
Đầu tiên, de Negri bị giam giữ ở căn cứ Hải quân tại Valparaíso. Sau 7 tháng, cô được chuyển đến một trại tập trung ở Santiago. Ở cả hai nơi, cô đều bị tra tấn theo quy trình, không ngừng nghỉ và gần như có khoa học – hằng ngày trong nhiều tháng liên tục.
Tôi gặp Veronica de Negri tại một địa điểm mà không ai ngờ tới: bãi biển ở Malibu, California. Vào cuối những năm 1980, tôi sống ở bờ biển Malibu, và những người hàng xóm của tôi là nhạc sĩ Sting và vợ anh ấy, Trudie Styler. Vào một buổi chiều Chủ Nhật, họ mời một nhóm bạn đến căn nhà bên bờ biển để dùng bữa tối.

“Tôi muốn anh gặp một người,” Sting nói với tôi. “Veronica de Negri. Cô ấy từng bị Pinochet tra tấn và bỏ tù ở Chile.” Sting đang cộng tác với tổ chức Ammesty International37, và biết Veronica thông qua tổ chức này.

Vào lúc đó, Veronica đã chuyển đến Washington D.C. Sau khi được thả khỏi trại tập trung ở Santiago, bị bắt lại vài lần để nhắc nhở rằng cô đang bị quản thúc, cô bị trục xuất khỏi Chile và được hội ngộ các con mình ở Washington, lúc này một đứa đã học Phổ thông còn một đứa đang học Trung học. Ngày hôm đó, khi chúng tôi gặp nhau ở nhà Sting, Pinochet, kẻ tống giam Veronica, hiện vẫn đang nắm chính quyền ở Chile.

Chúng tôi bắt đầu nói chuyện, sau đó đi dạo trên bãi biển.

Phần lớn thời gian bị giam cầm, Veronica bị bịt mắt. Những kẻ tống giam cô thật quỷ quyệt. Phần lớn những màn tra tấn dành cho Veronica được thực hiện theo từng hồi và thất thường. Vì thế, ngay cả khi không bị tra tấn, cô cũng phải sống trong tình trạng sợ hãi bởi cô biết rằng vào bất cứ thời điểm nào, cửa xà lim cũng có thể bật mở, và cô có thể sẽ phải hứng chịu một trận tra tấn khác. Bất kể đó là lúc nào. Dù trận đòn roi gần nhất mới diễn ra cách đó một giờ hay 3 ngày trước đó. Lần tra tấn tiếp theo luôn có thể chỉ cách đó một giây.

Người của Pinochet luôn tìm cách để đảm bảo rằng Veronica bị tra tấn về mặt tâm lý thậm chí nếu lúc đó chúng không có người để tra tấn cô về mặt thể xác.

Chúng sử dụng kỹ thuật tương tự để khiến những đòn roi của mình trở nên kinh khủng cùng cực. Một thứ mà Veronica phải chịu đựng được cô gọi là “tàu ngầm”. Một chiếc thùng chứa đầy nước bẩn kinh khủng, trộn nước tiểu, phân và các loại rác khác nhau. Veronica bị trói và chiếc dây trói cô được ròng qua một chiếc ròng rọc ở đáy thùng. Cô bị trói ở phía trên miệng thùng, sau đó bị kéo chìm xuống đáy thùng, buộc phải nín thở, và ướt nhẹp thứ nước bẩn thỉu đó khi được đưa lên miệng thùng.

Cô nói rằng sự bất ngờ đó tồi tệ hơn bất cứ sự tra tấn nào cô từng phải chịu đựng: Tôi có thể thở trong bao lâu? Tôi sẽ phải nín thở trong bao lâu và tôi có thể nín thở được đến mức đó không?
Sự tàn bạo như thế của con người dường như chỉ được biết qua các bản tin hay báo chí. Nhưng đi dọc bãi biển cùng với Veronica và nghe những gì mà chính đồng loại đã làm với cô là một trải nghiệm khác xa những trải nghiệm tôi đã từng có trước đó.

Làm sao một con người lại có thể làm điều đó với đồng loại của mình?

Nạn nhân ấy lấy sức mạnh từ đâu để tiếp tục sống sót?

Phải cần đến một sự dũng cảm vô cùng lớn để có thể kể lại câu chuyện ấy cho một người lạ – để sống lại những gì đã từng trải qua và cũng để cảm nhận được phản ứng của người nghe về câu chuyện ấy.

Tôi bị Veronica mê hoặc hoàn toàn bởi sự hiên ngang, đồng thời cũng bởi sự bình tĩnh và thái độ đường hoàng của cô. Cô từ chối im lặng. Cô mở ra trước mắt tôi một thế giới mà tôi không bao giờ có thể biết được, và toàn bộ các phẩm chất và hành vi mà tôi không bao giờ nghĩ đến.
Veronica de Negri đã mang đến cho tôi thứ gì đó mang tính phê phán ngoài những chi tiết đau đớn trong câu chuyện của mình. Cô đã mang đến cho tôi một khái niệm hoàn toàn mới về sự kiên trì của con người.

Một trong những khái niệm thực sự khiến tôi hào hứng là “quyền làm chủ”. Tôi muốn biết để thực sự làm chủ thứ gì đó, tôi cần gì – không chỉ để trở thành một cảnh sát mà phải là một cảnh sát trưởng; không chỉ trở thành một nhân viên tình báo mà phải là giám đốc CIA; không chỉ là một luật sư biện hộ mà phải là F. Lee Bailey. Đó là một sợi chỉ kín đáo kéo qua trí tò mò của tôi, đó cũng là một đề tài neo giữ mọi kiểu nhân vật trong các bộ phim của tôi. Tôi hy vọng các câu chuyện chạm đến chuỗi trải nghiệm của con người nhưng nỗ lực chủ đạo thường về các thành tựu hoặc nỗ lực để đạt được thành tựu. Thành công trông như thế nào, hoặc thành công được cảm nhận ra sao, đối với một người cha hoặc Tổng thống Hoa Kỳ, một nhạc sĩ rap hoặc một nhà toán học.

Veronica de Negri thực sự đã làm đảo lộn câu hỏi về “quyền làm chủ” đối với tôi. Trong số tất cả những người mà tôi từng gặp, cô đã phải đối mặt với thử thách cá nhân to lớn và đáng sợ nhất. Nhưng cũng là cơ bản nhất. Cô không cố gắng giải quyết vấn đề. Cô cố gắng sống sót. Cô cố gắng sống sót khi đối mặt với những con người nham hiểm, quỷ quyệt, những người muốn hủy hoại mình.

Đối với Veronica, không hề có một sự trợ giúp nào. Không có sự giải cứu nào. Cô phải đối mặt với kẻ thù đáng sợ nhất – những đồng loại được trang bị vũ khí tối tân. Cô phải đánh cược tất cả: tinh thần và thể lực của bản thân. Và người duy nhất cô có thể dựa vào là chính mình. Cô phải tìm kiếm ở chính mình các kỹ năng cần thiết để có thể chịu đựng được những trận đòn roi tra tấn. Không gì có sẵn – thậm chí cả việc nhìn thấy những gì cô đang phải đối mặt, những lúc không bị bịt mắt.

Tôi gặp và nói chuyện với Veronica vài lần sau cuộc gặp đầu tiên ở nhà Sting. Qua thời gian, tôi hiểu được rằng cô đã tìm được một năng lực tiềm ẩn của bản thân mà hầu hết chúng ta không bao giờ tìm kiếm để dựa vào mỗi khi đơn độc.

Cách duy nhất để kiên trì đến cùng là sử dụng năng lực nội tại để bình tĩnh tách biệt bản thân khỏi những gì mà bạn đang phải hứng chịu.

Veronica đã tìm ra thứ năng lực ấy để có thể chịu đựng được việc bị tra tấn, cô phải đưa bản thân ra khỏi thực tế đang diễn ra với mình. Bạn để tinh thần mình dịu lại, cơ thể mình dịu lại. Mọi người thường nói về việc họ đang ở trong “mạch chảy” khi viết, khi lướt ván, leo núi hoặc chạy, khi đắm mình vào việc họ đang làm.

Veronica nói với tôi rằng để sống sót trước những đòn roi, hết giờ này đến giờ khác, trong vòng 8 tháng, cô đã phải mặc mình rơi vào trạng thái “mạch chảy”, một trạng thái mạch chảy của mối thực tiễn có nội dung riêng xen kẽ nhau. Đó là cách giúp cô sống sót. Cô không thể kiểm soát được những gì họ làm với cơ thể mình, nhưng có thể kiểm soát được phản ứng tâm lý của bản thân trước chúng.

Đó là một cơ chế và là cách cô tự cứu mình. Trong thực tế, đó là cơ chế kể chuyện. Bạn phải tìm ra một câu chuyện khác để kể cho chính mình, để đưa bản thân thoát khỏi những nhục hình.

Câu chuyện của Veronica quá hấp dẫn đến nỗi tôi đã cố gắng đưa nó vào bộ phim Closet Land. Bộ phim chỉ có hai nhân vật – một người phụ nữ và một kẻ tra tấn cô. Bộ phim luôn có ít người xem bởi nó quá căng thẳng và quá sức chịu đựng. Nhưng tôi muốn làm một bộ phim đưa người xem vào tâm trí của người bị tra tấn. Nhục hình xuất hiện ở khắp nơi trên hành tinh và tôi muốn mọi người có thể nhìn thấy nó.

Tôi học được ở Veronica khả năng tự làm chủ, chính điều này đã kết nối tâm lý của các nhân vật trong nhiều bộ phim và chương trình truyền hình khác của tôi. Lần đầu tiên đọc được thông tin về vụ nổ và cuộc khủng hoảng trên tàu con thoi Apollo 13 của Jim Lovell, tôi thực sự không thể nắm bắt được các chi tiết về tàu vũ trụ, quỹ đạo bay, các vấn đề về nhiên liệu, CO₂ và việc rớt ra khỏi bầu khí quyển Trái đất. Tôi kết nối ngay lập tức với cảm giác mà Lovell truyền tải về việc bị mắc kẹt, về việc ở trong một vị trí tự nhiên, cũng là vị trí giữa sự sống và cái chết, nơi mà ông và các cộng sự của mình mất đi sự kiểm soát. Họ đã thiết lập tư duy giống như Veronica đã từng có – họ phải tạo ra một phương án thay thế – để sức mạnh tâm trí đưa họ quay trở lại Trái đất. Tôi nghĩ bộ phim đó cũng nợ Veronica de Negri rất nhiều.

Một người nào đó từng phải trải qua những gì mà Veronica từng trải hoàn toàn có thể thoái chí, hoài nghi và thiếu đi niềm tin cơ bản nhất.

Nhưng cô không hề như thế. Cô là người đầy mạnh mẽ. Cô là một người hiểu biết và rõ ràng là một người có nội lực. Cô không hân hoan hay sôi nổi mà lại có một năng lượng rất lớn, năng lượng sáng chói.
Và cô dùng nguồn năng lực lạ thường này để dựa vào sức mạnh tinh thần của chính mình nhằm sống sót. Điều đó thức tỉnh tôi về khía cạnh cảm xúc của con người. Những gì đã cứu Veronica là nhân cách của cô, nhân phẩm của cô, câu chuyện mà cô có thể kể cho chính mình.

* * *

Trí tò mò kết nối bạn với thực tế.

Tôi sống trong hai thế giới chồng lấp lên nhau vốn khác xa so với thực tế: thế giới điện ảnh Hollywood và thế giới kể chuyện. Ở Hollywood, chúng tôi có cảm giác mình đang ở trung tâm của thế giới. Công việc sáng tạo của chúng tôi chạm đến mọi người ở Mỹ cũng như phần lớn còn lại của thế giới. Chúng tôi giao thiệp với các diễn viên, đạo diễn nổi tiếng và quyền lực ở Hollywood – quyền lực trong cách họ có thể yêu cầu những ngân phiếu lớn; họ có thể triệu tập hàng đội nhân viên, kỹ thuật viên; họ có thể chọn công việc của mình; họ có thể tạo ra các lĩnh vực hoàn toàn mới từ con số 0 và họ có thể cụ thể hóa mọi loại nhân tố kỳ quặc về những thứ như thực phẩm họ sẽ ăn. Các dự án của chúng tôi liên quan đến rất nhiều tiền – cả tiền để có thể thực thi dự án ngay từ đầu và tiền chúng tạo ra khi thành công ở rạp chiếu hay trên truyền hình. Số tiền lên đến hàng trăm tỉ đô -la và chúng tôi chắc chắn hiện đang sống trong kỷ nguyên nhượng quyền phim tỉ đô, và kỷ nguyên của sự nghiệp diễn xuất tỉ đô.38

Vì thế Hollywood giữ một tầm quan trọng đối với những gì chúng tôi làm, còn chúng tôi lại có tầm quan trọng rất lớn đối với những người thực hiện nó. Rất khó phân biệt được sự khác biệt giữa những câu chuyện chúng tôi kể, với sự sinh động và kết cấu đa dạng ở mức tối đa mà chúng tôi có thể tạo ra, và thế giới thực. Tiền là thật – rủi ro là thật và chúng thường rất lớn – nhưng phần còn lại, tất nhiên, thế giới điện ảnh là ảo.

Một vở hài kịch về nhà xác thành phố New York – Night Shift – không liên quan đến bất cứ xác chết nào.

Một bộ phim về việc sản xuất chương trình tin tức thể thao – Sport Night – không liên quan đến sự kiện thể thao, nhân vật thể thao hay tin tức gì.

Một bộ phim về thực tế tàn khốc của nạn buôn bán thuốc lậu – American Gangster – không liên quan đến các loại thuốc phiện hoặc sự tàn khốc nào.

Ngay cả trong một câu chuyện tình yêu vĩ đại, không ai phải lòng ai.

Dù quan trọng nhưng bản thân của việc kể chuyện không phải là thực tế. Điều đó có vẻ rõ ràng nhưng không phải là tất cả. Khi bạn đi làm về và kể với vợ/chồng của mình “câu chuyện” về ngày hôm đó, bạn định hình lại 9 giờ làm việc để nhấn mạnh câu chuyện, để biến vai trò của chính bạn làm trung tâm và bỏ qua những phần tẻ nhạt (mà thậm chí có thể chiếm 8 trong 9 giờ). Và bạn đang kể câu chuyện thực về ngày làm việc thực của mình.

Trong phim hoặc trên truyền hình, chúng tôi luôn cố gắng kể các câu chuyện có thật – cho dù đó là Frost/Nixon, kể về những con người và sự kiện thực, hay How the Grinch stole Christmas!, kể về khả năng tưởng tượng của một đứa trẻ. Các câu chuyện cần phải “thật” xét về mặt cảm xúc, thật về ngôn ngữ chủ đề nhưng không nhất thiết phải căn cứ trên sự thật. Đối với bất cứ bộ phim nào có mục đích xử lý một chuỗi các sự kiện thật, hiện có một trang web cụ thể hóa mọi thứ mà chúng ta “làm sai” – bạn có thể đọc về những thông tin sai lệch so với thực tế trong Gravity và Captain Phillips. Chúng tôi đã trình làng Apollo 13 vào mùa hè năm 1995 – trước khi Google xuất hiện trên Internet – nhưng bạn có thể đọc về các cách mà một bộ phim sai khác so với câu chuyện thực về việc cứu nguy ở hàng chục các trang web.39Bạn thậm chí có thể đọc về sự sai khác giữa bộ phim Noah của năm 2014 với Russell Crowe thủ vai chính và Noah trong Kinh Thánh, đó là sự sai khác giữa phim và câu chuyện thực về một nhân vật trong Kinh Thánh.40

Sự thật là, chúng tôi muốn kể những câu chuyện hay, những câu chuyện hấp dẫn và vì thế chúng tôi thay đổi các câu chuyện thường xuyên – trong thực tế, khi đang sản xuất các bộ phim hoặc làm các chương trình truyền hình, chúng tôi thay đổi các câu chuyện mỗi ngày – để tạo sự gần gũi hơn hoặc để đẩy mọi thứ diễn ra nhanh hơn. Chúng tôi điều chỉnh để khiến chúng thực hơn, thậm chí khi chúng tôi thực sự đang xuyên tạc chúng khác xa “các thực tế”. Chúng ta đều là những người kể chuyện và ngay từ năm lớp 3, chúng ta đã bắt đầu biết được sự khác biệt giữa một câu chuyện có thật và một câu chuyện đúng.

Không khó để có thể hòa vào sự khẩn trương và uy tín ở Hollywood. Đó là một thế giới kín (dù chúng tôi ở California, rất xa so với rất nhiều điểm quyết định lớn ở Washington, D.C. và thành phố New York). Không khó để hòa vào một thế giới kể chuyện tình tiết.
Trí tò mò đã kéo tôi trở lại thực tế. Đặt ra các câu hỏi về những con người thực, với những cuộc sống ngoài thế giới điện ảnh, là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tất cả những thứ tồn tại ngoài Hollywood.

Bạn có thể sản xuất bao nhiêu bộ phim bạn muốn về chiến tranh, về các cuộc nổi dậy hoặc nhà tù. Chúng chỉ là những bộ phim. Nhưng những gì mà Veronica phải gánh chịu không phải là một bộ phim, nó là đời thực – là nỗi đau và sự sống sót của cô ấy.

* * *

Khi bạn xem một bộ phim hoàn toàn choán hết tâm trí, chuyện gì xảy ra với bạn? Tôi đang nói đến một trong những bộ phim mà bạn xem quên thời gian, và bạn quên tất thảy mọi thứ chỉ để tập trung vào số phận của các nhân vật và thế giới của họ trên màn hình. Một trong những bộ phim mà sau đó khi bước ra khỏi rạp, chớp mắt, trở lại vào thế giới thực, bạn mới sực tỉnh và nghĩ: “Ôi, hôm nay là một chiều Chủ Nhật mùa xuân!”

Khi bạn say sưa xem những tập cuối cùng của bộ phim Arrested Development hoặc House of Cards, điều gì khiến bạn chạm vào nút “Bật” thêm một lần nữa, hay 6 lần liên tiếp?

Khi bạn đọc một cuốn sách, điều gì đã giữ bạn lại trên ghế, lật các trang sách, quên mất rằng mình phải bỏ sách xuống và đi ngủ?

Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (National Public Radio) biết chính xác các chương trình kể chuyện trên đài của mình hấp dẫn đến độ nào. NPR đã phát hiện ra rằng mọi người thường đỗ xe, tắt động cơ sau đó ngồi trong xe trên đường đi, chờ nghe nốt một câu chuyện nào đó chưa kết thúc. NPR gọi đó là những “khoảnh khắc trên đường đi”.41 Tại sao bất kỳ ai cũng đặt 3 phút cuối cùng của một câu chuyện trên NPR lên trên cả việc vào ăn tối với gia đình của họ.

Trí tò mò.

Trí tò mò tiếp tục khiến bạn lần giở những trang sách, nó xúi giục bạn xem thêm một tập phim nữa, nó khiến bạn quên thời gian trong ngày và thời tiết khi ngồi trên ghế trong rạp chiếu phim. Trí tò mò tạo ra “những khoảnh khắc trên đường đi”.42

Trí tò mò là một mảnh quan trọng trong cách kể chuyện vĩ đại – sức mạnh của một câu chuyện để nắm được sự chú ý của bạn, để tạo ra sức hút khó cưỡng của câu hỏi giản đơn: Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Những câu chuyện hay chứa đựng mọi loại nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ. Chúng có những nhân vật quyến rũ xuất hiện trong các tình thế bi kịch tiến thoái lưỡng nan, ý nghĩa hoặc khám phá. Chúng có đội ngũ diễn viên tài năng, biên kịch giỏi và những giọng nói sinh động. Chúng có cốt truyện đáng ngạc nhiên với nhịp độ nhanh và các bối cảnh đưa bạn tới vị trí của câu chuyện. Chúng tạo ra một thế giới để bạn lạc vào mà không tốn chút công sức nào – và quên mất mình là ai.

Nhưng tất cả chỉ phục vụ một mục đích: Khiến bạn quan tâm. Bạn có thể nói rằng bạn quan tâm đến các nhân vật hoặc câu chuyện nhưng tất cả những gì bạn quan tâm là chuyện xảy ra tiếp theo. Chuyện gì xảy ra cuối cùng? Khía cạnh phức tạp của câu chuyện sẽ được gợi mở như thế nào? Tình huống phức tạp trong mối quan hệ của con người sẽ được giải quyết ra sao?

Một câu chuyện có thể hoặc không khiến nội dung của nó đáng nhớ. Nó có thể hoặc không hấp dẫn hay mang tính giải trí, buồn hay vui, thậm chí khiến người đọc giận giữ.

Nhưng không có đặc điểm nào trong những đặc điểm trên quan trọng nếu bạn không biết hết cả câu chuyện – nếu bạn không thực sự xem bộ phim hoặc đọc cuốn sách. Nếu bạn không chú tâm, thì nội dung của câu chuyện là gì cũng không quan trọng. Để hiệu quả, một câu chuyện phải giữ được bạn ở trên ghế – cho dù bạn đang cầm một chiếc Kindle, hay ngồi trong ô tô với bàn tay đặt lên nút bấm radio.

Khuyến khích trí tò mò là việc đầu tiên làm nên một câu chuyện hay.

Cứ bao lâu một lần bạn lại bắt đầu đọc một truyện trên báo hoặc tạp chí với một dòng tít lớn, về chủ đề mà bạn quan tâm, chỉ để bỏ cuộc sau vài đoạn với suy nghĩ rằng truyện đó không hề liên quan đến dòng tít.
Trí tò mò là động cơ tạo lực cho những câu chuyện hay. Nhưng tôi nghĩ thậm chí còn có một kết nối mạnh mẽ hơn giữa chúng.

Kể chuyện và trí tò mò thực sự không thể thiếu nhau. Chúng luôn củng cố và làm mới nhau. Nhưng chúng thậm chí còn có thể làm hơn thế. Trí tò mò có thể giúp tạo ra việc kể chuyện. Và không còn nghi ngờ gì nữa, việc kể chuyện kích thích trí tò mò.

Nếu đứng riêng, trí tò mò mang lại niềm vui và làm phong phú thêm cho cá nhân. Nhưng giá trị và niềm vui mà trí tò mò mang lại được nhân lên nhiều lần nếu bạn chia sẻ những gì mình biết. Nếu đến sở thú và nhìn thấy những chiếc lồng gấu trúc, hoặc đến Florence và dành ba ngày ở đây để ngắm nghệ thuật thời Phục Hưng, thì khi về nhà, bạn sẽ chẳng có gì để kể cho gia đình và bạn bè của mình ngoài “câu chuyện” về chuyến đi. Chúng ta đọc to những mẩu tin hấp dẫn nhất từ tờ báo bên bàn ăn sáng. Một nửa những gì đăng trên Twitter là điều mà mọi người nói: “Nhìn những gì tôi vừa đọc này – anh/chị có thể tin được điều đó không?” Dòng thời gian Twitter của ai đó là một chuyến đi xuyên suốt những gì mà người đó nghĩ là đủ hấp dẫn để chia sẻ – một chuyến đi xuyên suốt thông qua trí tò mò bằng một cú click Glashow.

Nếu bạn ngược thời gian quay trở lại thời kỳ của các bộ tộc sơ khai nhất, thì kể chuyện là điều không thể thiếu đối với sự sinh tồn. Người khám phá ra dòng nước gần đó phải thông báo về việc này. Người mẹ phải chộp lấy đứa con đang lơ đễnh của mình trước con báo đang rình rập, người đầu tiên tìm thấy những củ khoai tây dại và cách ăn chúng phải chỉ cho những người khác biết điều đó.

Trí tò mò thật tuyệt vời nhưng nếu những gì chúng ta học được biến mất, nếu nó không vượt ra khỏi trải nghiệm của chúng ta, thì nó thực sự không giúp được gì.

Bản thân trí tò mò rất cần thiết cho sự sinh tồn.

Nhưng sức mạnh phát triển của loài người đến từ việc có thể chia sẻ những gì học được, và có thể tích lũy nó.

Và đó là định nghĩa về các câu chuyện: chia sẻ kiến thức.

Trí tò mò truyền động lực để chúng ta khám phá và tìm hiểu. Kể chuyện cho phép chúng ta chia sẻ thông tin và sự hứng khởi về những gì chúng ta tìm ra. Và đến lượt kể chuyện kích thích trí tò mò ở những người mà chúng ta nói chuyện.

Nếu biết về dòng nước gần đó, bạn có thể ngay lập tức tò mò về việc cố gắng tự tìm ra nó. Nếu nghe được thông tin về loại thức ăn mới, khoai tây, bạn có thể tò mò xem liệu mình có thể nấu nó hoặc nó có vị ra sao.

Ngay cả những câu chuyện hiện đại làm thỏa mãn về mặt cảm xúc cũng thường khiến bạn tò mò. Có bao nhiêu người xem Apollo 13 của Ron Howard – với cái kết rất viên mãn – sau đó muốn biết thêm về nhiệm vụ ấy, hay chương trình Apollo và hành trình ra ngoài trái đất nói chung.

Đương nhiên, có một nghề kết nối trí tò mò và việc kể chuyện, đó là báo chí. Tất cả chúng ta đều là nhà báo và tiểu thuyết gia về cuộc đời và các mối quan hệ của chính mình. Twitter, Instagram và blog là những cách thức hiện đại thay lời muốn nói, “Đây là những gì xảy ra trong đời tôi.” Bữa cơm gia đình quây quần bên bàn ăn trước kia có khác gì một mục điểm báo mỗi tối của gia đình bạn không?

Phần nhiều trong sức mạnh của những câu chuyện đến từ sức nặng tình cảm. Đó là nơi của sự hài hước và niềm vui, sự hứng khởi và không thể nào quên trú ngụ. Chúng ta học cách hành xử, một phần, từ những câu chuyện về cách ứng xử của những người khác – cho dù những câu chuyện này được kể bên bàn ăn trưa bởi những cô bé lớp 6 – hoặc bởi các kỹ sư phần mềm có sản phẩm không được lòng một khách hàng mới hoặc được kể bởi Jane Austen trong cuốn tiểu thuyết của bà, Sense and Sensibility. Các câu chuyện là cách giúp chúng ta tìm hiểu về thế giới, cũng là cách giúp chúng ta hiểu những người khác, cụ thể là họ nghĩ gì, và suy nghĩ của họ có gì khác so với chúng ta.

Từ giây phút chúng ta được sinh ra, từ khi chúng ta thức giấc mỗi sáng, chúng ta đã chìm đắm trong những câu chuyện. Thậm chí khi chúng ta ngủ, não chúng ta cũng đang kể ta nghe những câu chuyện.

Một trong những câu hỏi không lời đáp về cuộc sống trên Trái đất đó là: Tại sao con người có thể tạo ra những tiến bộ về xã hội và trí tuệ, so với những động vật khác?

Có thể đó là ngón tay cái linh hoạt có thể đối diện với bốn ngón còn lại.

Có thể là kích cỡ và cấu trúc của não bộ.

Có thể là ngôn ngữ.

Có thể là khả năng của chúng ta trong việc tạo ra và sử dụng lửa.

Nhưng có thể thứ khiến con người trở thành sinh vật độc nhất đó là khả năng kể chuyện của chúng ta – và phản xạ của chúng ta nhằm kết nối ngay lập tức trí tò mò và khả năng kể chuyện theo một hình xoắn ốc của M. C. Escher43. Các câu chuyện và trí tò mò của chúng ta phản chiếu lẫn nhau. Chúng là thứ giúp chúng ta thành công và cũng là thứ khiến chúng ta người hơn.

* * *

Khi tôi lớn lên, khả năng đọc của tôi thực sự tệ hại.

Tôi đã không thể đọc trong suốt những năm đầu tiểu học. Những con chữ trên trang giấy chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Tôi không thể phát âm chúng, tôi không thể kết nối những biểu tượng được in trên giấy với thứ ngôn ngữ mà tôi biết và sử dụng mỗi ngày.

Vào những năm 1950, khi còn bé, chỉ có hai lý do mà bạn không thể đọc khi đã học lớp 3. Hoặc là ngớ ngẩn hoặc là bướng bỉnh. Nhưng tôi chỉ căng thẳng, áp lực và luôn lo lắng về trường học.

Mọi người không bắt đầu nói về chứng khó đọc đến tận 10 năm sau khi tôi học lớp 3 và họ không thực sự bắt đầu giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt mắc chứng bệnh đó đến tận 10 năm sau đó. Ngày nay, có thể tôi vẫn được cho là mắc chứng khó đọc.
Hồi tiểu học, tôi toàn nhận được điểm F, hoặc thường xuyên nhận được điểm D. Vị cứu tinh của tôi là bà ngoại Sonia, một phụ nữ Do Thái cao khoảng 1,4 m. Bà luôn thủ thỉ với tôi rằng tôi là một đứa trẻ đặc biệt.
Mẹ tôi thì rất giận dữ – bởi con trai bà không qua nổi lớp 3. Bà tức tốc tìm cho tôi một gia sư dạy đọc, người dần dần hướng dẫn tôi lần theo các con chữ và từ ngữ trên trang giấy. Còn bà ngoại tôi thì hoàn toàn bình tĩnh. Đó là một điểm khác biệt thực sự.

Bà chỉ liên tục nói với tôi rằng: “Cháu là một cậu bé tò mò. Trí tò mò của cháu rất tuyệt. Hãy nghĩ lớn!” Bà tôi có thể nhìn xa trông rộng, vượt ra khỏi phiếu thành tích học tập; có vẻ như bà có thể nhìn thấu suy nghĩ của tôi. Bà biết tôi cũng ham học như những đứa trẻ khác. Tôi chỉ gặp khó khăn trong việc làm thỏa mãn sự ham học ấy mà thôi.

Bà đã thực sự giúp tôi trở thành người biết ước mơ. Bà nói với tôi rằng: “Đừng để hệ thống định hình cháu. Cháu là duy nhất – cháu là người tò mò!”

Thật là một điều đáng nói với một cậu bé tiểu học – “Đừng để hệ thống định hình cháu!” Nhưng ơn giời bà đã làm vậy. Bà đã dạy tôi rất nhiều điều. Một trong những điều quan trọng mà bà đã truyền cho tôi đó là tất cả những gì bạn thực sự cần là một quán quân.

Khi bạn không thể đọc, rồi sau đó khi bạn nỗ lực thực sự để đọc, thì có vài điều xảy ra. Đầu tiên ở trường, bạn trốn tránh. Nếu không thể đọc, bạn không thể trả lời các câu hỏi của giáo viên ở lớp. Vì thế tôi luôn né tránh, không giơ tay và cố giấu mình. Tôi cố gắng để tránh bị chú ý đến.
Khi gặp khó khăn với việc đọc, bạn bị cô lập trước những tình huống mà mọi người học bằng cách đọc. Và bạn bị cô lập trước những câu chuyện. Đối với đa số mọi người, đọc đơn giản là một công cụ không cần phải tư duy – đôi lúc khó khăn, khi gặp tài liệu khó, nhưng thường thì đó là một nguồn vui, nguồn giải trí. Đó luôn là một nguồn bất tận những câu chuyện hay.

Nhưng bản thân việc đọc đã quá khó đối với tôi, tôi không thường ôm một cuốn sách thu lu một góc để thưởng thức nó, để được lạc vào một thế giới khác như cách mà nhiều đứa trẻ vẫn làm – và tất nhiên là cả người lớn nữa. Và tôi không thể quyết định cách thức mà một đứa trẻ lớp 6 như tôi có thể hứng thú với thứ gì đó – hệ mặt trời, cá heo, Abe Lincoln – và xem cả chồng sách về chủ đề đó ở thư viện.

Tôi phải tìm nhiều cách để có thể học được những gì tôi muốn một cách kiên nhẫn và quyết tâm.

Khả năng đọc của tôi dần được cải thiện trong suốt những năm phổ thông. Nếu những gì tôi mắc phải là chứng khó đọc, thì có vẻ như tôi dần khỏi bệnh khi lớn lên. Khi trưởng thành, tôi đã đọc được đọc kịch bản và báo, sách và tạp chí, mail và các tin vắn. Mỗi trang đều là một nỗ lực. Công việc không bao giờ mệt mỏi. Tôi nghĩ, việc đọc đối với tôi, đối với những người mắc chứng khó đọc, hơi giống môn toán đối với nhiều người: bạn phải thật nỗ lực để có thể hiểu được vấn đề đến nỗi quên mất điểm chính của chính vấn đề đó. Ngay cả bây giờ, khi đã 60 tuổi, những nỗ lực thể chất dành cho việc đọc cũng rút cạn niềm vui thích mà tôi có thể có từ những gì đang đọc.

Điều thú vị mà tôi nghĩ đó là, bất chấp những khó khăn của tôi đối với việc đọc, vẫn còn hai điều thiết yếu sót lại: niềm yêu thích mà tôi tìm thấy ở việc đọc và đam mê của tôi dành cho những câu chuyện. Tôi từng là một đứa trẻ không muốn gì ngoài việc né tránh những câu hỏi ở lớp học, và hiện tôi lại hứng thú với cơ hội trở thành một học sinh ham học, đặt ra những câu hỏi về những người mà bản thân họ đang tìm kiếm câu trả lời.

Tôi từng là đứa trẻ không có sở thích đắm chìm vào tất cả những tác phẩm kinh điển phù hợp với lứa tuổi – James and the Giant Peach, Charlotte’s Web, Dune, A Wrinkle in Time, the Catcher in the Rye – nhưng hiện tôi đang dành đời mình giúp tạo ra chính xác những kiểu câu chuyện đầy hấp dẫn này trên màn ảnh.

Tôi thích những câu chuyện hay, tôi thích chúng nhất theo cách mà chúng được khám phá ra trước tiên – kể to lên. Đó là lý do tại sao những câu chuyện tò mò lại quá quan trọng và cũng đầy thú vị đối với tôi như thế. Tôi đã mô tả một vài trong số những cuộc nói chuyện ấn tượng nhưng phần lớn các cuộc nói chuyện đã diễn ra trong văn phòng của tôi. Một vài trong số chúng giống như đọc một câu chuyện từ trang bìa của tờ Wall Street Journal, khắc họa hoàn hảo thứ gì đó theo cách mà tôi không thể nào quên.

Tôi luôn hứng thú với cách ứng xử và phép xã giao: phải ứng xử thế nào cho đúng, đối xử với mọi người sao cho phải? Tại sao việc ai là người mở cửa và đặt dao dĩa ở đâu trên bàn lại quan trọng?

Tôi mời Letitia Baldrige, chuyên gia hàng đầu về các loại nghi thức xã giao, người đầu tiên được biết đến ở cương vị thư ký xã hội cho Jacqueline Kennedy, giúp Nhà Trắng thời Kennedy trở thành một trung tâm văn hóa và nghệ thuật, đến nói chuyện. Baldrige đã rời Tiffany & Co. để đến làm việc tại Nhà Trắng và tiếp tục viết bài cho một chuyên mục báo cũng như nhiều cuốn sách về nghi thức xã giao hiện đại. Baldrige cao lớn – cao hơn nhiều so với tôi – và mái tóc đã điểm bạc khi tôi gặp bà. Baldrige bước vào văn phòng của tôi với dáng vẻ đầy nhã nhặn.

Letitia Baldrige đã giúp tôi hiểu được sự khác biệt giữa phép xã giao và cách ứng xử – thứ mà tôi chưa bao giờ biết được trước đây.

Ứng xử thực sự là nền tảng cho cách chúng ta đối xử với những người khác – cách ứng xử mang lại lòng trắc ẩn, sự cảm thông và “quy tắc vàng”. Cách ứng xử, đơn giản, là khiến mọi người cảm thấy được chào đón, thoải mái và được tôn trọng.

Phép xã giao là một bộ các kỹ thuật mà bạn sử dụng để có được cách ứng xử đẹp. Phép xã giao do học hỏi mà có. Cách bạn mời ai đó đến một sự kiện tạo nên sự khác biệt. Cách bạn chào đón mọi người, cách bạn giới thiệu họ với những người đã có mặt, cách bạn kéo ghế cho một ai đó.

Ứng xử là cách bạn muốn cư xử, và cách bạn muốn mọi người cảm thấy. Phép xã giao là kết tinh của mong muốn đối xử với mọi người bằng sự ấm áp và trọng đãi.

Tôi thích sự khác biệt đó. Đối với tôi, nó làm sáng tỏ cả cách ứng xử và phép xã giao, khiến chúng dễ hiểu và thực tế hơn. Tôi sử dụng một chút những gì mà Letitia Baldrige dạy tôi mỗi ngày. Bạn mở cửa xe ô tô cho vợ mình không phải bởi cô ấy không thể tự mở nó, mà bởi bạn yêu cô ấy. Bạn xếp sắp dao dĩa trên bàn theo một cách nhất định bởi việc đó mang lại cho những vị khách của bạn sự thoải mái hơn trong bữa ăn.

Và như Letitia nói với tôi, cảm giác mà bạn đang cố gắng truyền tải – sự hiếu khách và sự ấm áp – quan trọng hơn nhiều so với việc tuân theo bất cứ một quy tắc nào. Bạn có thể tuân theo các quy tắc nhưng nếu làm nó với một thái độ hời hợt, bạn sẽ bộc lộ sự thô lỗ dù bạn đang sử dụng phép xã giao “hoàn hảo”.

Không phải mọi cuộc nói chuyện đều hữu dụng trong thực tiễn. Một trong những cuộc nói chuyện ưa thích của tôi là với một người mà ngay từ cái nhìn đầu tiên, có vẻ đối lập với chuyên gia nghi thức xã giao Letitia Baldrige: Sheldon Glashow, nhà vật lý Harvard, người đã giành được giải Nobel Vật lý vào năm 1979 khi ông 46 tuổi, cho nghiên cứu thực hiện năm 28 tuổi.

Chúng tôi đón Glashow từ Cambridge đến Los Angeles. Ông đến văn phòng tôi vào buổi sáng, có vẻ vui mừng trước sự mới lạ của việc gặp người có ảnh hưởng trong lĩnh vực điện ảnh, giống như tôi được gặp ai đó tầm cỡ trong thế giới khoa học vậy.
Khi ông tới thăm tôi, vào năm 2004, ông đã 72 tuổi, một trong những người đàn ông hiểu biết trong lĩnh vực vật lý hạt hiện đại. Công việc tiên phong của Glashow trong lĩnh vực vật lý liên quan đến việc phát hiện ra những gì mà các nhà vật lý cho là 4 lực cơ bản của tự nhiên có thể thực sự chỉ là 3 lực – ông giúp “hợp nhất” lực yếu và lực điện từ. (Hai lực còn lại là trọng lực và lực hấp dẫn).

Tôi thích việc cố gắng tập trung suy nghĩ của mình vào vật lý hạt. Tôi thích thế như cách mà một số người thích tìm hiểu về sự phức tạp của địa chất học, thương mại tiền tệ hay bài poker. Đó là một thế giới khó hiểu, với thứ ngôn ngữ khác biệt và hàng loạt các nhân vật – vật lý hạt về cơ bản có vẻ giống như một vũ trụ khác biệt. Thế nhưng đó là vũ trụ mà chúng ta đang sống. Tất cả chúng ta đều được tạo nên từ các hạt quack44, hạt cơ bản và lực điện từ yếu.

Khi bước vào văn phòng tôi, Glashow không thể cởi mở và hào hứng hơn. Tôi là một người ngoại đạo nhưng ông vui vẻ khi chia sẻ với tôi khoa học về vật lý hạt. Ông có cách xử sự của một giáo sư kiên nhẫn và được yêu mến. Nếu bạn không hiểu gì đó, ông sẽ cố gắng giải thích nó theo một cách khác.

Ông là một giáo viên kiêm nhà khoa học. Buổi sáng mà Glashow giành được giải Nobel, ông phải hoãn tiết học lúc 10 giờ sáng của mình – tiết dạy về vật lý hạt – cho các sinh viên Harvard.

Glashow tò mò về lĩnh vực điện ảnh. Ông rõ ràng là người rất thích phim. Ông đã giúp Matt Damon và Ben Affleck tính toán chuẩn xác cho bộ phim Good Will Hunting.

Glashow trái ngược với Edward Teller. Ông vui vẻ chấp thuận cơ hội nói chuyện – ông đã bỏ ra hai ngày để dành thời gian đến thăm tôi – và ông hứng thú với gần như mọi thứ. Chúng tôi thường sắp xếp các cuộc nói chuyện chiếm khoảng một, hai giờ của lịch trình trong ngày. Shelly Glashow và tôi nói chuyện trong bốn giờ, và thời gian trôi qua nhanh chóng. Cảm giác của tôi khi tiễn tiến sĩ Glashow ra khỏi văn phòng đó là, tôi muốn nói chuyện với người đàn ông này thêm nữa.

Một câu chuyện trên báo hoặc tạp chí, nếu được chấp bút bởi một phóng viên tài năng, có thể nắm bắt được phần nhiều những gì mà tôi có được từ Letitia Baldrige và Sheldon Glashow. Nhưng tôi gặp khó khăn với việc đọc, nên tôi nghĩ mình hẳn đã mất đi sự vui vẻ.

Tôi biết rằng mỗi cuộc nói chuyện tò mò của tôi là một đặc ân tuyệt vời – phần lớn mọi người không có cơ hội gọi cho người khác và mời họ đến nói chuyện. Nhưng tôi đã nhận được thứ gì đó đặc biệt từ kiểu tò mò vốn không đặc biệt đối với tôi hoặc đối với sự sắp đặt cụ thể này: gặp gỡ mọi người trực tiếp hoàn toàn khác so với việc nhìn thấy họ trên ti vi hoặc đọc các thông tin về họ. Điều đó không chỉ đúng đối với tôi. Màu sắc của nhân cách và năng lượng của một người chỉ thực sự sống động khi bạn được bắt tay và nhìn vào mắt họ. Khi bạn nghe họ kể một câu chuyện. Việc đó có sức ảnh hưởng thực sự về cảm xúc đối với tôi và ảnh hưởng đó còn mãi. Đó là học mà không cần chỉ dạy, học thông qua kể chuyện.

Kiểu tò mò trực tiếp này khiến bạn ngạc nhiên. Cả Baldrige và Glashow đều ngạc nhiên – khác nhiều so với tưởng tượng của tôi trước đó.

Baldrige tập trung vào các cách ứng xử, thay vì phép xã giao. Bà có đủ mọi kinh nghiệm về lễ nghi giao tiếp ở mức cao nhất – từ Tiffany đến các bữa tiệc ở Nhà Trắng – bà thực sự chỉ muốn mọi người đối xử với nhau thật tử tế. Bà là người cầm cân nảy mực nổi tiếng về các quy tắc, nhưng đối với bà, cách ứng xử không liên quan đến các quy tắc, chúng liên quan đến sự tôn trọng và hiếu khách.

Glashow làm việc trong một lĩnh vực khoa học phức tạp, nó cần đến nhiều năm học ở trường sau khi tốt nghiệp trung học như trước đây, chỉ để đi đến điểm mà bạn có thể bắt đầu tạo ra sự tiến bộ một cách rõ rệt. Thế nhưng ông là một người dễ gần và biết nhìn xa trông rộng. Thật dễ chịu khi gặp một nhà vật lý lý thuyết tài năng, không phải mẫu nhà khoa học chỉ biết nghiên cứu. Ông tham gia vào một thế giới rộng hơn.

Quan điểm của tôi đó là bạn không thực sự cần ngồi xuống, bằng cách sắp xếp một cuộc hẹn, với thư ký xã hội của Nhà Trắng hay nhà vật lý đoạt giải Nobel để có được trải nghiệm kiểu đó. Khi có người mới gia nhập công ty bạn, khi bạn đang đứng ở khu vực ngoài đường biên trong trận bóng đá của cậu con trai bên cạnh các bậc phụ huynh khác, khi bạn ngồi trên máy bay cạnh một người lạ, hoặc tham dự một hội thảo ngành công nghiệp lớn, tất cả những người xung quanh đều có chuyện để kể. Những lúc như thế này rất đáng để cho chính bạn cơ hội được ngạc nhiên.

Tôi gặp Condoleezza “Condi” Rice trong một bữa tiệc ở Hollywood. Tôi luôn tò mò về bà ấy. Bà là một nhạc sĩ piano cổ điển, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Stanford và sau đó là hiệu trưởng của trường đại học này. Và đương nhiên, bà là cố vấn an ninh quốc gia trong 4 năm cho Tổng thống George W. Bush và là ngoại trưởng trong 4 năm. Bà ấy có sự hiện diện đặc biệt – với mức độ trách nhiệm của mình, Condi luôn xuất hiện một cách bình tĩnh, thậm chí là điềm tĩnh. Bà ấy cũng toát lên sự hiểu biết. Đối với tôi, Condi dường như có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.
Bữa tối của chúng tôi diễn ra vào năm 2009, không lâu sau khi bà ấy rời vị trí ngoại trưởng. Bà ấy ngồi đối diện tôi.

Condi vẫn có chút dè dặt, nhưng bà là người rất dễ nói chuyện. Một điều mà bạn không bao giờ thấy khi xem trên truyền hình, mà bắt buộc phải tiếp xúc gần, đó là sự lấp lánh trong mắt bà. Khi bữa tối kết thúc, tôi nói với bà ấy: “Tôi có thể gọi cho bà được không? Bà có thể ăn trưa với tôi không?”

Bà ấy mỉm cười và nói: “Chắc chắn rồi!”

Không lâu sau đó, khi chúng tôi ăn trưa ở E Baldi, Cañon Drive, một nhà hàng nổi tiếng ở Hollywood. Bà ấy đến cùng vệ sĩ riêng và chúng tôi ngồi trong căn phòng kín duy nhất ở nhà hàng nhỏ này.

Condi khá thoải mái và cởi mở nhưng tôi nghĩ mình tò mò về bà ấy hơn là bà ấy tò mò về tôi.

Tôi kể cho bà ấy nghe về một bộ phim mà chúng tôi chuẩn bị thực hiện. Nó tên là Cartel, kể về một người đàn ông tìm cách trả thù các liên hiệp xí nghiệp thuốc Mexico vì đã sát hại vợ hắn một cách dã man. Bộ phim lấy bối cảnh ở Mexico, nơi mà nạn bạo lực liên hiệp xí nghiệp diễn ra tràn lan, và chúng tôi sẽ bấm máy ghi hình ở Mexico, chỉ hai tháng sau đó. Ban đầu chúng tôi để Sean Penn làm diễn viên chính; khi anh ấy từ chối, chúng tôi mời Josh Brolin thay thế. Tôi lo lắng về việc làm một bộ phim phê phán gay gắt các liên hiệp xí nghiệp, ở một đất nước mà họ chặt đầu cả quan tòa.

Condi lắng nghe. Tôi nói với bà ấy rằng đội an ninh của hãng đã đánh giá các khu vực mà chúng tôi muốn ghi hình ở Mexico và nói rằng mọi chuyện ổn. Bà ấy nhìn tôi đầy hoài nghi rồi nói: “Tôi không nghĩ việc đó an toàn đâu.”

Cartel đang đứng giữa ngã ba đường. Chúng tôi đã chi tiền. Hãng nghĩ mọi chuyện an toàn. Nhưng những gì mà tôi đọc trên báo chí mỗi ngày lại khác. Vấn đề về an ninh khiến tôi bận lòng. Tôi nghĩ, liệu cá nhân tôi có thể đi đến phim trường của một bộ phim về liên hiệp xí nghiệp ở Mexico không? Thành thực mà nói, tôi nghĩ mình không thể. Và nếu tôi không đi, liệu tôi có an tâm khi để ai đó đi không? Tôi thực sự cần một quan điểm có cơ sở khác.

Sau bữa trưa của chúng tôi, Condi vẫn theo dõi tình hình. Bà kiểm tra qua và nói: “Không, việc anh định làm không an toàn đâu.”

Đó là lời gợi ý cuối cùng đối với tôi và cả hãng. Chúng tôi khép lại ý tưởng về bộ phim. Chúng tôi không bao giờ đưa nó đến Mexico, và nó không bao giờ được thực hiện. Khi nhìn lại, tôi lo rằng ai đó có thể bị giết. Tôi đã học cách chú ý đến những bản năng này, đến những hồ nghi làm phiền lòng, và tôi học cách chắc chắn rằng chúng tôi tò mò đủ để tìm kiếm lời tư vấn từ chuyên gia thực sự khi có rủi ro lớn. Tôi nghĩ việc làm một bộ phim về các liên hiệp xí nghiệp thuốc, ở một quốc gia mà chúng đang hoạt động, có thể là một thảm họa.

Tôi sẽ không làm tốt công việc của mình nếu thiếu đi trí tò mò. Giờ nó len lỏi vào trong mỗi bước tiến của tôi. Nhưng hãy nghĩ về số người cũng nên nói điều đó, trong những lĩnh vực mà chúng ta không coi nó như là một phẩm chất cần thiết – hoặc ít nhất như là kỹ năng hàng đầu – theo cách mà chúng ta kỳ vọng ở một bác sĩ hoặc một cảnh sát.

Một nhà hoạch định tài chính giỏi cần biết rõ các thị trường và cách sắp xếp tiền bạc để nghỉ hưu, và anh ta cũng nên tò mò.

Một nhân viên bất động sản giỏi cần biết rõ thị trường, những căn nhà trống, những căn nhà sắp trống và cũng nên tò mò về các khách hàng của mình.

Một nhà quy hoạch thành phố, một giám đốc quảng cáo, một quản gia, một huấn luyện viên thể dục, một kỹ sư cơ khí hay một nhà tạo mẫu tóc đều cần tò mò.

Và trong mọi trường hợp, trí tò mò chủ yếu là về một câu chuyện. Câu chuyện cuộc đời bạn là gì và bạn mong muốn tiền bạc, một ngôi nhà mới hay một kiểu tóc mới sẽ giúp bạn hình thành nên câu chuyện ấy bằng cách nào và giúp bạn kể nó ra sao?
Kiểu trí tò mò ấy có vẻ quá đơn giản đến mức chúng ta thậm chí không cần phải nói về nó. Tôi nghĩ nó đã từng như thế. Nhưng trong một thế giới nơi mà nhiều trong số các tương tác cơ bản của chúng ta được sắp xếp và ghi ra – chúng ta đang nói với “dịch vụ khách hàng” trên tổng đài 800, chúng ta đang cố gắng để được lắng nghe qua loa ở làn cho xe qua, chúng ta đăng ký phòng ở một khách sạn nơi mà sự hiếu khách được “đào tạo” – trí tò mò đã bị bóp nghẹt.

Nó được coi là một lá bài bất ngờ.

Nhưng điều đó sai hoàn toàn. Nếu nghĩ về một nhà tạo mẫu tóc giỏi, bạn sẽ thấy bản thân công việc đó cần kỹ năng để hiểu về tóc, về kiểu đầu của khách hàng, chất tóc; nó mang tính sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân. Nhưng nó cũng chứa đựng một nhân tố con người quan trọng. Ở vị trí của khách hàng, bạn muốn một nhà tạo mẫu có hứng thú với bạn, người hỏi rằng mái tóc có ý nghĩa như thế nào với bạn, đồng thời là người chú ý đến việc bạn muốn trông ra sao và cảm thấy thế nào khi rời khỏi ghế. Bạn cũng muốn một nhà tạo mẫu tóc nói chuyện với mình, hỏi các kiểu câu hỏi khiến cả hai người đều thoải mái, vui vẻ trong khi bạn đang được gội đầu, cắt và sấy tóc. (Hoặc một nhà tạo mẫu tóc đủ nhạy cảm để nhận ra rằng bạn không hề muốn nói chuyện.)

Điều tuyệt vời đó là loại tò mò thường lệ này hiệu quả đối với cả nhà tạo mẫu tóc và khách hàng. Khách hàng có được mái tóc mà mình muốn, có được diện mạo trông đẹp nhất, giúp cô kể được câu chuyện của mình và cũng có được trải nghiệm thoải mái và vui vẻ. Nhà tạo mẫu tóc tránh được việc rơi vào lối mòn. Cô biết được điều gì đó về khách hàng và thế giới xung quanh – mỗi khách hàng ngồi trên ghế làm tóc là một cơ hội để có được một cuộc trò chuyện tò mò nho nhỏ. Cô mang lại cho khách hàng kiểu đầu đẹp nhất mà mình có thể tạo ra, khiến họ vui vẻ và muốn quay trở lại cửa hàng, đồng thời thêm yêu công việc của mình hơn.

Đi vào cửa hàng cắt tóc không giống như việc ngồi xuống để vạch ra một bản thiết kế lại không gian văn phòng của công ty bạn hoặc phần phụ cho căn nhà của bạn với một kiến trúc sư. Nhưng trí tò mò và việc kể chuyện chỉ mang lại rất ít niềm vui và sự khác biệt – thường là kiến thức và tầm nhìn – đối với những gì có thể trở thành thói quen.

Nếu phép xã giao là chất dẫn giúp chúng ta luôn hòa thuận với nhau, thì trí tò mò là một ít xốt ớt Tabasco bổ sung thêm chút cay nồng, đánh thức chúng ta, tạo ra kết nối, và mang lại ý nghĩa cho bất cứ cuộc gặp gỡ nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.