Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ
Chương VI: KHIẾU THẨM MỸ VÀ SỨC MẠNH CỦA VIỆC BÀI TRỪ SỰ TÒ MÒ
“Nếu chúng ta không thể đặt ra những câu hỏi hoài nghi, để dò hỏi những người nói rằng điều gì đó là sự thật và hoài nghi về những kẻ nắm quyền, thì chúng ta sẽ bị xỏ mũi bởi kẻ bịp bợm tiếp theo – về chính trị hoặc tôn giáo – kẻ đến rất nhẹ nhàng và thong thả.”
– CARL SAGAN67
Những bộ phim chúng tôi làm ở Imagine đa dạng về bối cảnh, câu chuyện và giai điệu.
Chúng tôi làm một bộ phim về hành trình đạt được Giấc mơ Mỹ – và nhân vật chính là một người Mỹ gốc Phi, gần như không thể đọc và viết nhưng luôn cố gắng leo lên các cấp cao hơn trong hoạt động buôn bán heroin ở New York trong những năm 1970. Bộ phim, American Gangster, cũng nói về các giá trị của chủ nghĩa tư bản Mỹ.
Chúng tôi làm một bộ phim về ảnh hưởng và niềm đam mê bóng đá trường học ở miền nông thôn Texas. Đó là một bộ phim lột tả hành trình lớn lên của các bé trai, cách chúng khám phá ra mình thực sự là ai; là tinh thần đồng đội, cộng đồng và nhân tính. Nó cũng nói về sự thất vọng, bởi trong không khí của Friday Night Lights, đội Permian High Panthers đã thua trong trận đấu lớn của đời họ.
Chúng tôi làm một bộ phim có tựa 8 Mile, kể về một nghệ sĩ hip-hop da trắng.
Chúng tôi làm một bộ phim về bộ phim Deep Throat, và một bộ phim khiêu dâm về tình dục bằng đường miệng đã định hình một khoảnh khắc quan trọng trong văn hóa của chúng ta như thế nào.
Chúng tôi làm một bộ phim về một nhà toán học đoạt giải Nobel – nhưng A Beautiful Mindthực sự đề cập đến bệnh tâm thần phân liệt, và cố gắng khẳng định bản thân bằng mọi giá trong một thế giới là như thế nào.
Tất cả các bộ phim có chung hai điều.
Đầu tiên, chúng đều đề cập đến việc phát triển nhân cách, về khả năng khám phá ra những điểm yếu, thế mạnh và vượt qua những vết thương lòng để trở thành một người trọn vẹn. Đối với tôi, Giấc mơ Mỹ là vượt qua những trở ngại – những gốc gác, một nền giáo dục hạn chế, cách mà những người khác nhìn nhận bạn, suy nghĩ của bạn về chính mình. Vượt qua những trở ngại của bản thân là một dạng nghệ thuật. Vì thế nếu những bộ phim mà tôi làm có một đề tài duy nhất, thì đó là làm sao có thể loại bỏ những trở ngại để vươn tới thành công.
Thứ hai, không ai ở Hollywood thực sự muốn làm bất cứ bộ phim nào trong số đó.
Tôi nói về việc sử dụng trí tò mò để có thể vượt qua câu trả lời “Không” vốn quá phổ biến ở Hollywood và các công sở nói chung. Phản ứng đầu tiên đối với phần lớn các ý tưởng nằm ngoài sự phổ biến chính là sự không thoải mái, và phản ứng đầu tiên với sự không thoải mái là nói “Không”.
Tại sao chúng ta lại ca ngợi một tên buôn ma túy? 68
Đội bóng đá không phải nên thắng một trận đấu lớn sao?
Ai muốn xem cả một bộ phim về một nghệ sĩ hip-hop da trắng đang phải chật vật sống chứ?
Đối với tôi, trí tò mò giúp tìm kiếm các ý tưởng mới lạ, khác biệt và thú vị. Trí tò mò mang đến hàng loạt trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đại chúng, thứ trao cho tôi bản năng về thời điểm có điều gì đó mới mẻ xuất hiện. Và trí tò mò trao cho tôi sự dũng cảm để tự tin với những ý tưởng thú vị, thậm chí chúng không phải là những ý tưởng phổ biến.
Thi thoảng, bạn không chỉ muốn thu hút đám đông đến với thứ gì mang xu hướng chủ đạo, mà bạn còn muốn tạo ra đám đông cho thứ gì đó không phổ biến.
Tôi thích các dự án bằng cả tâm hồn – những câu chuyện và nhân vật bằng cả trái tim. Tôi thích tin vào thứ gì đó. Tôi thích ý tưởng về người đả phá những tín ngưỡng lâu đời phổ biến – làm những việc khác thường nhưng không quá khác người.
Đó là khi tôi gặp thứ gì đó rất quan trọng, và đi ngược với xu thế. Tôi chạm đến các giới hạn của trí tò mò.
Đôi lúc bạn cần bài trừ sự tò mò.
Khi có một ý tưởng tôi thích mà trái với lẽ thường, tôi phải nói: “Tôi sẽ thực hiện nó.”
Đừng nói với tôi tại sao đó là một ý tưởng tồi – tôi sẽ thực hiện nó. Đó là bài trừ sự tò mò.
Bài trừ sự tò mò không chỉ là quyết tâm nắm giữ một ý tưởng thú vị và xúc tiến nó khi phải đối mặt với sự hoài nghi và chối từ. Bài trừ sự tò mò là thứ gì đó cụ thể và quan trọng hơn nhiều.
Đó là khoảnh khắc khi mà bạn khép trí tò mò lại, khi bạn cưỡng lại việc tìm hiểu thêm nữa, khi bạn có thể phải nói với mọi người rằng: “Không, như thế là được rồi, đừng đưa ra mọi lý do mà anh nói Không với tôi nữa.”
Đó là những gì tôi muốn nói. Khi đang kêu gọi đầu tư và tìm kiếm sự hỗ trợ cho bộ phim, bạn đã phải có trong đầu tình huống riêng cho bộ phim. Bạn đã cân nhắc nhiều lần lý do tại sao câu chuyện này thú vị, tại sao kịch bản này hay, tại sao mọi người muốn làm bộ phim khớp với câu chuyện và kịch bản.
Mọi người ở Hollywood biết cách “đặt vấn đề”. Đó là những gì chúng tôi làm cùng nhau trong suốt cả ngày. Và bất cứ nhà sản xuất, đạo diễn hoặc diễn viên thành công nào cũng đều giỏi “đặt vấn đề”.
Khi ai đó nói “Không” với tôi, bạn nghĩ tôi sẽ ngay lập tức tò mò tại sao họ nói “Không”. Có thể họ còn phân vân về thứ gì đó nhỏ nhặt thôi, thứ gì đó mà tôi có thể sửa chữa dễ dàng. Có thể bốn người trong một hàng sẽ đưa ra bình luận tương tự, sẽ đưa ra cho tôi lý do giống nhau về việc họ nói: “Không” – và sao tôi lại không muốn biết điều đó chứ? Có thể sau khi tôi nghe được lý do tại sao một ý tưởng không có được sự ủng hộ, giống như một nhà chính trị thông minh đọc các cuộc thăm dò dư luận, tôi sẽ thay đổi ý kiến.
Nhưng điều đó không hiệu quả. Cuối cùng bạn chỉ tái tạo một câu chuyện thiếu hấp dẫn, khác thường thành một câu chuyện khác phù hợp với quan điểm chung mà thôi.
Vì thế khi ai đó nói “Không” với tôi, luôn là như vậy, chỉ dừng lại ở đó. Tôi không muốn họ mở ra cuộc tranh luận dài dòng, thuyết phục về lý do tại sao họ nghĩ ý tưởng của tôi không hay, không phù hợp với họ, hoặc có thể hay hơn nếu tôi chỉnh sửa lại nói bằng cách nào đó.
Tôi từ chối mọi lời nhận xét bởi tôi lo lắng về việc bị thuyết phục từ bỏ thứ gì đó mà tôi thực sự tin tưởng. Tôi lo lắng về việc bị thuyết phục, tin thứ gì đó mà tôi không tin – chỉ bởi ai đó thông minh và có tài thuyết phục đang ngồi trước mặt tôi, đặt vấn đề của họ.
Nếu tôi đưa ra một quan điểm về thứ gì đó cơ bản giống như một bộ phim mà chúng tôi nên làm, nếu tôi dành nhiều thời gian, nhiều tiền, nhiều trí tò mò cho nó, thì tôi không muốn bất cứ thông tin nào về nó nữa. Tôi không muốn bạn cố gắng “viết lại kịch bản” một quyết định đậm chất nghệ thuật mà tôi vừa đưa ra.
Cảm ơn, dù sao tôi không muốn thấy bài phê bình của bạn.
Bởi đây là một thứ khác mà tôi biết chắc chắn.
Bạn không biết đó là một ý tưởng hay.
Ít nhất, định nghĩa ý tưởng hay trong tâm trí bạn cũng chẳng hơn gì tôi. Không ai ở Hollywood thực sự biết một ý tưởng hay là gì trước khi bộ phim được công chiếu. Chúng ta chỉ biết đó là một ý tưởng hay sau khi nó được thực hiện.
Nhân đây, ý tưởng hay không đơn thuần là về thành công. Ở Imagine, chúng tôi đã làm vài bộ phim thành công nhưng không nhất thiết phải là những bộ phim lớn. Quan trọng hơn thế, chúng tôi đã làm vài bộ phim lớn nhưng lại không mấy thành công ở phòng vé – Rush, Get On Up, Frost/Nixon, The Doors.
Trước tiên, đam mê của tôi đối với thứ gì đó mà tôi nghĩ là một ý tưởng hay, một ý tưởng thú vị cũng chỉ hợp lý tương đương quyết định của một người rằng ý tưởng đó không hay. Nhưng sự chắc chắn rằng ý tưởng nào đó rất đáng giá là mong manh. Bạn cần năng lượng, sự quyết đoán và sự lạc quan để tiếp tục dấn bước. Tôi không muốn sự tiêu cực của người khác len lỏi vào đầu tôi, đánh giá thấp sự tự tin của tôi. Tôi không cần nghe hàng loạt những lời phê bình – cho dù nó chân thành hay không. Khi bạn đang cố gắng thực hiện một bộ phim, khi bạn cố đặt vấn đề của mình, bạn dành nhiều tháng hoặc nhiều năm tập trung vào thứ gì đó, và bạn cần hình thành cho mình một kiểu khả năng không để bản thân bị tổn thương nếu bạn vừa muốn thực hiện nó vừa muốn bảo vệ nó.
Khi tôi trao đổi với những người mà tôi muốn họ gia nhập cùng chúng tôi, mọi việc diễn ra như sau.
Tôi sẽ gửi cho họ kịch bản, gửi mọi thông tin – tôi là nhà sản xuất, Ron Howard là đạo diễn, đây là ngân sách, đây là danh sách phân vai.
Sau một thời gian, tôi nhận được điện thoại. Họ sẽ nói: “Chúng tôi sẽ chấp thuận.”
Tôi nói: “Các anh chấp thuận? Thành thực chứ? Các anh chắc chắn chấp thuận chứ? Được rồi, cảm ơn các anh rất nhiều. Tôi thực sự đánh giá cao việc các anh đọc nó.”
Đó là thứ mà theo tôi là thực sự phù hợp với người mà tôi đang nói chuyện – nếu tôi nghĩ họ là những người mắc lỗi – tôi có thể nói: “Anh không thể từ chối! Anh phải đồng ý!”
Nhưng mọi việc chỉ có thế. Không tò mò. Bức rèm đã được kéo lên. Bài trừ sự tò mò.
Bởi tôi không cần ai đó nảy ra sự nghi ngờ, khi họ chỉ dành một giờ xem qua dự án, còn tôi mất 3 năm suy nghĩ về nó. Nếu họ nói “Không”, tôi cần vận mọi sự quyết tâm và tự tin của mình để cầm ý tưởng ấy và đưa nó cho người tiếp theo với mức độ đam mê và cảm thông tương tự. Bạn không thể thực hiện thứ gì đó nếu cố gắng tiếp nhận và trung hòa những lời phê bình của tất cả mọi người.
Có những lúc tôi lại nhanh nhẹn quá với việc bài trừ sự tò mò của chính mình. Ron Howard và tôi đã giới thiệu rộng rãi Imagine Entertainment vào năm 1986.69 Chúng tôi nghĩ đó là một cách đổi mới trong việc điều hành một công ty sáng tạo. Nhưng các công ty đại chúng phức tạp trong điều hành hơn các công ty tư nhân – và việc đó hóa ra lại đúng trong kiểu kinh doanh được ăn cả, ngã về không như lĩnh vực sản xuất phim và chương trình truyền hình. Chúng tôi thiếu vốn. Chúng tôi không thoải mái với mọi loại quy tắc liên quan đến các công ty đại chúng – chúng tôi phải công khai cái gì, có thể và không thể nói về cái gì. Sau bảy năm, vào năm 1993, Ron và tôi mua lại công ty từ các cổ đông. Trước khi đại chúng hóa, chúng tôi chắc chắn đã gần như không đủ tò mò về những gì mà một công ty “đại chúng” cần ở chúng tôi.
Đối với phim ảnh, có một trường hợp đáng nhớ thực sự, mà tôi đáng ra không nên trì hoãn sự tò mò của mình – bộ phim hấp dẫn Cry-Baby từ năm 1990. Trí tò mò đã đưa tôi đến với bộ phim đó. Kịch bản của đạo diễn John Waters. Tôi đã đọc nó. Tôi bị nó hấp dẫn.
Tôi đã xem Hairspray, mà Waters đã viết và đạo diễn, tôi thích nó. Tôi nghĩ Cry-Baby cũng sẽ là một thất bại hoặc một thành công bất ngờ như Grease. Tôi đồng ý. Chúng tôi đã đưa ra một dàn diễn viên ấn tượng để cộng tác với John Waters – Johnny Depp là diễn viên chính, cùng với Willem Dafoe, Patty Hearst, Troy Donahue, Joey Heatherton, Iggy Pop, Traci Lords.
Tôi thích làm việc với John Waters. Tôi thích làm việc với Johnny Depp. Nhưng đây mới là những gì tôi không làm: Tôi không ngoái lại và xem các bộ phim khác của John Waters. Một vài người khuyên tôi nên làm thế – trước khi trả tiền cho một bộ phim của John Waters, họ nói, hãy đi xem một vài bộ phim của John Waters. Phim của anh ấy chính xác không phải xu hướng chủ đạo. Họ nói, ít nhất hãy xem Pink Flamingos, vốn gây khó chịu cho khán giả, trước khi “bật đèn xanh” cho Cry-Baby.
Tôi đã không làm việc nào trong những việc trên. Tôi không muốn có bất cứ sự do dự nào. Tôi cho rằng mình đã tò mò đủ rồi – tò mò đủ để xem những gì xảy ra với bộ phim này của John Waters.
Cry-Baby thất bại ở phòng vé.
Bài học đã quá rõ. Tôi nên xem những bộ phim trước đó của John Waters. Tôi đã nên xem qua Pink Flamingos. Tôi không sống trọn với kịch bản đó. Tôi quá phấn khích và không muốn ai hồ nghi những phán đoán của mình.
Vậy làm sao bạn biết khi nào không nên tò mò?
Có vẻ khó tìm ra câu trả lời hơn thực tế.
Trong phần lớn thời gian, trí tò mò chứa nhiều năng lượng. Nó thúc đẩy bạn. Nó đưa bạn đến những nơi mà bạn chưa từng đến, nó giới thiệu bạn với những người bạn chưa từng gặp, nó cho bạn biết những điều mới mẻ về những người bạn đã biết.
Thi thoảng sự tò mò đưa bạn đến những nơi không hề thoải mái hoặc những nơi đau khổ nhưng lại rất quan trọng. Không dễ đọc được những thông tin về nạn bạo hành trẻ em, về chiến tranh, nghe được những trải nghiệm đau thương của những người mà bạn yêu quý. Nhưng trong mọi loại tình huống ấy, bạn có quyền được biết, được lắng nghe và thấu hiểu.
Thi thoảng bạn phải nghe mọi người đưa ra lời phê bình về chính bạn – một vị sếp thông minh có thể có lời khuyên tuyệt vời về cách làm việc hiệu quả, về cách viết lách tốt hơn, hoặc làm sao để thuyết phục người khác. Một đồng nghiệp có thể cho bạn biết cách hủy hoại bản thân, kém hiệu quả trong công việc hoặc phá hỏng mối quan hệ bạn cần nuôi dưỡng.
Trong những ví dụ này, có điều gì đó mang tinh thần xây dựng đến từ trí tò mò, từ việc lắng nghe, thậm chí là từ bản thân cuộc nói chuyện không mấy thoải mái.
Bạn biết dừng việc tò mò lại khi các kết quả thu được trái với những gì bạn cần – khi chúng kéo tụt động lực của bạn, rút cạn sự cảm thông của bạn, gặm mòn sự tự tin ở bạn. Khi bạn nhận được lời phê bình nhưng không nhiều theo hướng những ý tưởng hữu ích, đó là lúc phải bài trừ sự tò mò.
* * *
Tôi thừa nhận rằng tôi không hề biết cụ thể các ý tưởng thú vị đến từ đâu. Nhưng tôi biết đại loại rằng: chúng là kết quả của quá trình hòa trộn rất nhiều trải nghiệm, thông tin và tầm nhìn, sau đó chú ý đến thứ gì đó bất thường, hấp dẫn hoặc mới mẻ. Nhưng không quá cần phải biết các ý tưởng hay đến từ đâu. Mà thay vào đó, cần nhận ra thứ mà bạn nghĩ là một ý tưởng thú vị khi bạn bắt gặp nó.
Đương nhiên, việc đó cũng làm dấy lên một vấn đề bởi tôi vừa nói rằng không ai ở Hollywood thực sự biết một ý tưởng hay là thế nào cho đến khi chúng ta thấy nó được thực thi ở hiện tại.
Nhưng tôi biết những gì tôi nghĩ là một ý tưởng hay, một ý tưởng thú vị khi tôi bắt gặp nó.
Một loạt chương trình truyền hình xung quanh việc bắt giữ một tên khủng bố, ở đó một anh chàng tốt bụng đang chạy đua với thời gian thực tế. Đó là một ý tưởng thú vị.
Một bộ phim về người đàn ông – vốn cực kỳ thông minh và kỳ lạ – đã tạo dựng FBI suốt 40 năm, và cũng thiết lập một cuộc chiến chống lại tội ác cũng như xây dựng nên chính nước Mỹ.
Jim Carrey với tư cách một luật sư không thể nói dối trong suốt 24 giờ. Đó là một ý tưởng thú vị.
Tom Hanks trong vai một giáo sư Harvard, cần tìm ra Chén Thánh để gột rửa con người như là một kẻ giết người và chuẩn bị hé lộ những bí mật thầm kín nhất về Nhà thờ Công giáo. Đó là một ý tưởng thú vị.
Tất cả những ý tưởng đó đều thành công – tôi nghĩ chúng là những ý tưởng hay, chúng tôi quy tụ một đội ngũ đằng sau mỗi ý tưởng và đội đó đã làm ra những bộ phim và chương trình truyền hình hấp dẫn.
Chúng tôi cũng có những ý tưởng thú vị nhưng lại không mang lại hiệu quả. Thế còn Russell Crowe trong vai một võ sĩ thất bại trong thập niên 1920, người đã trở lại một cách ngoạn mục và trở thành nhà vô địch thế giới thì sao? Đó là bộ phim Cinderella Man, không phải là một thành công lớn đối với những người đến rạp. Nhưng đó lại là một bộ phim hay.
Thế còn một bộ phim với bốn người xem của David Frost với vị tổng thống không được ưa thích Richard Nixon thì sao? Đó cũng không phải là một thành công ở phòng vé. NhưngFrost/Nixon là một bộ phim hay – nó nhận được 5 đề cử giải Oscar và 5 đề cử giải Quả cầu vàng.
Bạn có thể hoặc không thích những chương trình truyền hình hay những bộ phim đó. Quan trọng, tôi nghĩ chúng là những ý tưởng đáng giá khi tôi nghĩ ra chúng, tôi nhận thấy chúng thú vị. Tôi nỗ lực để phát triển chúng. Tôi không chỉ nghĩ và tin mà còn hành động như thể chúng là những ý tưởng thú vị.
Vậy làm sao tôi biết chúng đáng giá?
Đó là một câu hỏi về khiếu thẩm mỹ.
Theo quan điểm của tôi – đó là những ý tưởng thú vị. Nhưng quan điểm của tôi về thứ gì đó như một bộ phim hoặc chương trình truyền hình không giống như quan điểm về một người mua một tấm vé hoặc một túi bỏng ngô để xem Liar Liar hoặc Cinderella Man.
“Quan điểm” của tôi về loại kể chuyện này dựa trên hàng chục năm kinh nghiệm – lắng nghe mọi người nói về những ý tưởng phim, đọc những bài giới thiệu của họ, đọc kịch bản, xem những gì xảy ra giữa ý tưởng, kịch bản và các thước phim. Quan điểm của tôi dựa trên sự thấu hiểu, hết lần này đến lần khác, công việc cần để tạo ra các bộ phim và chương trình truyền hình chất lượng – đồng thời cố gắng thấu hiểu tại sao chất lượng có lúc lại quan trọng với số đông và có lúc không.
Quan điểm của tôi dựa trên thứ gì đó mà những người ngoài ngành điện ảnh không bao giờ thấy – tất cả những thứ mà tôi nói “Không”. Bởi tôi nói “Không” cũng nhiều như ai. Những câu chuyện mà chúng tôi được giới thiệu và không làm cũng quan trọng như là một thước đo về khiếu thẩm mỹ tựa như những câu chuyện được chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cố gắng làm những bộ phim mà chúng tôi thích, như tôi đã cố gắng làm rõ trong cuộc nói chuyện về bộ phim bị hoãn lại ở phần trên. Chúng tôi cố gắng làm những bộ phim với khiếu thẩm mỹ tốt về chúng.
Tôi nghĩ tôi có khiếu thẩm mỹ về phim. Nhưng đó rõ ràng là khiếu thẩm mỹ của riêng tôi về chúng. Steven Spielberg cũng có khiếu thẩm mỹ về các bộ phim, James Cameron cũng thế – nhưng những bộ phim của họ chẳng khác gì so với những bộ phim của chúng tôi.
Nếu bạn có khiếu thẩm mỹ, thì ba điều sau đúng. Đầu tiên, bạn có khả năng phán đoán chất lượng của thứ gì đó, dù đó là âm nhạc hay nghệ thuật, kiến trúc hay ẩm thực, sách hay phim. Thứ hai, linh cảm của bạn về việc liệu có thứ gì đó là đáng giá hoàn toàn mang tính cá nhân – bạn đưa quan điểm vào các phán đoán của mình. Và thứ ba, các phán đoán của bạn có chút gì đó phổ biến – khiếu thẩm mỹ của bạn có thể được hiểu hoặc đánh giá bởi những người không có kinh nghiệm như bạn, những người có khiếu thẩm mỹ không được tốt như bạn. Khiếu thẩm mỹ có thể học được, nó mang tính cá nhân, và nó cũng có độ hấp dẫn vô cùng lớn.
Thực thế, đó là định nghĩa về khiếu thẩm mỹ: một quan điểm dựa trên kinh nghiệm, có thể học được và với nó những người khác có thể đồng thuận hoặc phản đối.
Những gì tôi nghĩ là một ý tưởng hay đến từ việc áp dụng 40 năm kinh nghiệm của tôi – khiếu thẩm mỹ của tôi – đến những ý tưởng xuất hiện trong đầu. Đương nhiên, có phần phức tạp hơn thế – tôi có thể nghĩ thứ gì đó là một ý tưởng hay mà không nhất thiết phải được “thành hình” hoặc tôi có thể chọn một dự án bình thường, không chỉ vui vẻ mà còn không thực sự đạt đến mức thẩm mỹ cao nhất nhưng lại mang tính giải trí.
Vì thế để tìm được những ý tưởng hay, để có những ý tưởng thú vị, phần lớn chúng ta cần đến trí tò mò.
Để nhận ra những ý tưởng này với sự tự tin thực sự, bạn cần khiếu thẩm mỹ.
Và để có được khiếu thẩm mỹ ấy – về phong cách cá nhân và phán đoán mang tính trải nghiệm – bạn cũng cần trí tò mò.
Đó là xuất phát điểm cho khiếu thẩm mỹ của tôi, chiếm một phần rất lớn – trí tò mò – và kinh nghiệm.
Nếu bạn chỉ từng nghe một bài hát, giả dụ như “Gimme Shelter” của Rolling Stones, bạn không thể có khiếu thẩm mỹ cao về âm nhạc. Nếu trải nghiệm của bạn với nghệ thuật chỉ là gặp Andy Warhol hoặc Andrew Wyeth – thì bạn không thể có khiếu thẩm mỹ gia tăng về mỹ thuật.
Bạn có thể nói, này tôi thực sự thích bài hát đó. Hoặc này tôi thực sự không quan tâm đến những bức tranh của Andrew Wyeth. Nhưng đó không phải là khiếu thẩm mỹ, đó là quan điểm.
Hình thành khiếu thẩm mỹ có nghĩa là để bản thân tiếp xúc với một lượng lớn thứ gì đó – một lượng lớn âm nhạc, nghệ thuật – và không chỉ để bản thân tiếp xúc mà bạn còn phải đặt câu hỏi. Tại sao Andy Warhol lại được coi là một họa sĩ lớn? Anh ta đã nghĩ gì khi tạo ra các bức tranh? Mọi người nghĩ gì về các bức tranh của anh ta – những người khiếu thẩm mỹ tốt? Những bức vẽ khác được tạo ra cùng thời với các bức vẽ của Warhol? Những tác phẩm đẹp nhất của anh ta? Ai nghĩ anh ta là họa sĩ vĩ đại? Những họa sĩ khác mà Warhol ảnh hưởng đến là ai?
Warhol đã ảnh hưởng đến những phần nào khác trong văn hóa nói chung?
Rõ ràng, nó giúp bạn dành tình cảm cho những gì bạn đang chú ý đến, bởi việc hình thành khiếu thẩm mỹ cần sự cam kết. Không thể hình thành khiếu thẩm mỹ về nhạc hip-hop nếu bạn thực sự không thích nghe thể loại nhạc đó, nhạc opera cũng vậy.
Mục đích của trí tò mò không phải là thuyết phục bạn có chung quan điểm như ai đó về Andy Warhol. Mà là trao cho bạn một khung nhất định để hiểu về tác phẩm của anh ấy. Bạn vẫn có phản ứng của riêng mình – bạn có thể nói, tôi hiểu tầm quan trọng của Andy Warhol, nhưng tôi thực sự không thích tác phẩm của anh ta. Nó không phải gu của tôi.
Và mục đích của trí tò mò không phải là biến thứ gì đó hay ho – như âm nhạc – thành một việc vặt. Chúng ta đều biết những người hoàn toàn đắm chìm vào âm nhạc đương thời. Họ đều biết mỗi ban nhạc, mọi phong cách mới, họ biết ai tạo ra ai, họ biết ai ảnh hưởng đến ai. Những người hâm mộ âm nhạc cuồng nhiệt như thế tạo ra những danh sách nhạc lớn. Họ làm thế phần lớn là bởi họ yêu âm nhạc. Trí tò mò của họ chảy tự nhiên đến mức trở thành đam mê.
Khiếu thẩm mỹ là quan điểm, được đóng khung bởi nội dung của những gì bạn đang đánh giá. Và khiếu thẩm mỹ mang lại cho bạn sự tự tin trong những đánh giá của mình. Khiếu thẩm mỹ trao cho bạn sự tự tin để hiểu hơn những gì mà bạn chỉ đơn giản là thích – bạn hiểu những gì tốt những gì không tốt. Khiếu thẩm mỹ trao cho bạn đánh giá để tiếp cận thứ gì đó mới mẻ. Để có thể hỏi và trả lời câu hỏi: “Đó có phải là một ý tưởng hay không?”
Đối với tôi, hàng tá các cuộc nói chuyện tò mò mà tôi đã thực hiện là nền tảng để hình thành khiếu thẩm mỹ về âm nhạc, hội họa, kiến trúc và văn hóa đại chúng nói chung. Chúng trao cho tôi một bộ lọc nhiều thông tin để đánh giá những gì sẽ xuất hiện trong đầu – cho dù đó là các ý tưởng phim, một cuộc nói chuyện về những phát triển về vật lý hạt hoặc âm nhạc điện tử. Tôi không nghĩ nó mang lại cho tôi một bộ lọc “tốt hơn” – khiếu thẩm mỹ là chính tôi. Nhưng nó hoàn toàn mang đến cho tôi một bộ lọc nhiều thông tin hơn. Tôi luôn nói chuyện với những người có kinh nghiệm sâu rộng – và có khiếu thẩm mỹ được đào tạo bài bản – về những thứ tôi quan tâm. Trí tò mò ấy đã mang lại cho tôi sự tự tin trong những phán đoán của chính mình.
Có một mánh khóe nhỏ về cách sử dụng trí tò mò để phát triển khiếu thẩm mỹ tốt. Không phải ai cũng có được khiếu thẩm mỹ về mỹ thuật, âm nhạc hoặc ẩm thực nhờ chính trí tò mò và năng lượng của họ. Nếu sinh ra trong một gia đình có bố mẹ thích opera, họ “trang hoàng” nhà cửa bằng nhạc cổ điển, tranh hiện đại, thơ ca hoặc các công thức nấu ăn ngon, bạn có thể lớn lên với một khiếu thẩm mỹ tốt về những thứ đó. Đặc biệt, khi là một đứa trẻ, bạn hoàn toàn có thể phát triển khiếu thẩm mỹ dựa trên sự đắm chìm vào một thứ gì đó. Đó có thể là cách tốt nhất để phát triển khiếu thẩm mỹ, nhưng thực tế đó không phải là cơ hội mà ai trong chúng ta cũng có. Và chắc chắn đó không phải là cơ hội mà chúng ta được phép chọn.
* * *
Trí tò mò trang bị cho chúng ta các kỹ năng để tham gia vào cuộc hành trình khám phá với sự cởi mở và tâm trí sẵn sàng tiếp thu cái mới. Đó là chất lượng của các cuộc nói chuyện tò mò của tôi.
Trí tò mò cũng trang bị cho chúng ta các kỹ năng để tập trung vào câu trả lời cho một câu hỏi. Đó là phẩm chất của một cảnh sát nỗ lực giải quyết một vụ giết người. Đó là phẩm chất của một bác sĩ với quyết tâm tìm ra căn bệnh đã gây ra các triệu chứng và các kết quả mâu thuẫn một cách kỳ lạ ở bệnh nhân.
Và trí tò mò mang lại cho chúng ta các kỹ năng để hiểu mọi người, quản lý và làm việc tốt hơn với họ trong các môi trường chuyên nghiệp. Đó là chất lượng của việc đặt ra các câu hỏi của tôi ở văn phòng. Tôi không chỉ có một cuộc nói chuyện có kết thúc mở với Anna Culp hoặc các giám đốc điều hành khác về tình trạng của các bộ phim đang trong quá trình thực hiện, mà tôi còn không theo đuổi những câu trả lời cụ thể bằng sự sốt sắng của một cảnh sát điều tra. Những cuộc nói chuyện này là một loại trí tò mò trách nhiệm – cởi mở lắng nghe những gì đang diễn ra, nhưng đặt câu hỏi với một mục tiêu cụ thể trong đầu.
Tôi nghĩ việc phát triển khiếu thẩm mỹ về thứ gì đó – hoặc nói rộng hơn là khả năng phán đoán – rơi vào loại tò mò thứ ba. Nó vẫn là tò mò nhưng với mục đích hoặc mục tiêu trong đầu. Tôi đang không hỏi về tiến độ của các bộ phim bởi tôi quan tâm đến mọi việc đang diễn ra. Tôi làm phần việc của mình để thúc đẩy mọi thứ với mục tiêu là thực hiện được những bộ phim đó, thực hiện thành công, tiết kiệm ngân sách, đúng thời gian. Tôi làm thế trong khi chiều theo phán đoán và đánh giá của đồng nghiệp nhưng cả hai chúng tôi đều biết rằng dù tôi đang đặt câu hỏi nhưng tôi sử dụng chúng để giữ cô ấy và bản thân bộ phim trong tầm trách nhiệm.
Khiếu thẩm mỹ cũng tương tự như vậy. Bạn dùng kinh nghiệm, phán đoán và các ưu tiên của mình và áp dụng chúng với sự cởi mở nhưng cũng có chút hoài nghi với bất cứ thứ gì xuất hiện trước bạn – các ý tưởng, những bài hát, các bữa ăn hoặc một cảnh diễn. Bạn đang sử dụng khiếu thẩm mỹ và trí tò mò đầy hoài nghi để hỏi: Việc tôi đang được yêu cầu cân nhắc tốt đến mức nào? Nó thú vị ra sao? Nó phù hợp với những gì mà tôi đã biết?
Khiếu thẩm mỹ của bạn có thể khám phá ra những thứ hấp dẫn. Nó có thể cứu bạn khỏi sự tầm thường. Nhưng nó cũng đầy hoài nghi. Sử dụng sự phán đoán của bạn luôn liên quan đến việc bạn phải nhíu mày, có nghĩa là bắt đầu với một dấu chấm hỏi: Thứ này tốt thế nào – thú vị ra sao, độc đáo thế nào, chất lượng tốt ra sao – dựa trên những gì mà tôi biết?
Có thêm một đặc điểm nữa về trí tò mò mà chúng ta vẫn chưa xét đến, và đó là đặc điểm mà nhà thiên văn học kiêm tác giả Carl Sagan ám chỉ trong câu trích đầu chương này: Giá trị của trí tò mò trong quản lý đời sống cộng đồng, sự dân chủ của chúng ta.
Sự dân chủ cần trách nhiệm. Thực tế, trách nhiệm là trọng điểm của dân chủ – để thấu hiểu những gì cần thực hiện trong cộng đồng, để thảo luận nó, cân nhắc các quan điểm, để đưa ra quyết định và rồi đánh giá xem liệu những quyết định đó đúng hay sai và buộc những người đưa ra quyết định phải có trách nhiệm với chúng.
Đó là lý do tại sao chúng ta có tự do báo chí – để đặt câu hỏi. Đó là lý do chúng ta có các cuộc bầu cử – để hỏi liệu chúng ta vẫn muốn giữ lại những người cầm trịch ở các văn phòng công cộng không. Đó là lý do tại sao các báo cáo của Quốc hội và Nghị viện cũng như tòa án đều để mở với tất cả mọi người, các cuộc họp của mọi hội đồng thành phố, ủy ban hạt và hội đồng nhà trường tại Mỹ đều như vậy. Thực tế, đó là lý do tại sao nước Mỹ có tam quyền phân lập – để tạo ra một hệ thống trách nhiệm giữa Quốc hội, tổng thống và tòa án.
Trong một xã hội phức tạp như nước Mỹ, chúng ta thường “thuê ngoài” trách nhiệm đó. Chúng ta để báo chí đặt câu hỏi (và sau đó phê phán báo chí vì không đặt câu hỏi đúng). Chúng ta để Quốc hội đặt ra các câu hỏi (sau đó phê phán Quốc hội vì đã quá rụt rè hoặc quá tiêu cực). Chúng ta để các nhà hoạt động đặt câu hỏi (sau đó phê phán họ vì đã quá thiên lệch).
Cuối cùng, trách nhiệm phải đến từ công dân. Chúng ta cần tò mò về việc chính quyền của chúng ta hoạt động như thế nào – dù đó là trường phổ thông khu vực hay hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, trạm không gian quốc tế của NASA hay các vấn đề tài chính của hệ thống An ninh Xã hội. Chính quyền được cho là đang làm gì? Họ có làm điều đó không? Nếu không, tại sao không? Cụ thể, ai là người chịu trách nhiệm – và chúng ta có cách nào buộc họ phải làm những gì chúng ta muốn hoặc nếu không thì chúng ta sẽ sa thải họ chứ?
Cái cách mà chính quyền Mỹ được thiết kế đã nắm lấy trí tò mò của chúng ta. Nó không chứa đựng sự hoài nghi trong đó – vốn đến từ chúng ta – nhưng nó lại cho sự hoài nghi cơ hội được chứa đựng trong đó.
Trí tò mò cũng mạnh mẽ trong môi trường công cộng như nó vốn có, ví dụ, như ở công sở. Hành động xuất hiện và đặt câu hỏi ở một buổi lắng nghe ý kiến của chính quyền khu vực là một lời nhắc mạnh mẽ rằng chính quyền có trách nhiệm với chúng ta. Các câu hỏi kết nối cả chính quyền lẫn ý thức về giá trị của chúng ta – dù chúng ta đang đứng ở bục giảng tại cuộc họp ban giám hiệu nhà trường, giơ tay ở một diễn đàn ứng viên hoặc xem Hạ viện trên C- SPAN.
Kết nối giữa trí tò mò cá nhân mà chúng ta đang thảo luận và trí tò mò mang tính công chúng hơn rất đơn giản: Đó là thói quen đặt câu hỏi, thói quen thường xuyên nhắc nhở bản thân về giá trị của việc đặt câu hỏi và thói quen về quyền đặt câu hỏi của chúng ta.
Thực tế, không chỉ sự dân chủ tạo điều kiện cho trí tò mò. Nếu không có trí tò mò, thì không có dân chủ.
Và điều ngược lại cũng đúng. Sự dân chủ là khung xã hội, mang đến sự tự do, từ đó củng cố trí tò mò của chúng ta trong mọi lĩnh vực khác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.