Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Chương VII: THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA TRÍ TÒ MÒ



“Rồi một ngày, con người sẽ thôi không còn hứng thú với những gì chưa biết, không còn bị trêu ngươi bởi những điều huyền bí. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng khi con người đánh mất trí tò mò của mình, anh ta sẽ đánh mất gần hết những thứ khác vốn biến anh ta thành người.”

– ARTHUR C. CLARKE70

Một chiều nọ, chúng tôi để mở cửa sổ xe ô tô và lái đi. Đó là năm 1959 – khi tôi 8 tuổi. Chúng tôi dừng ở một trạm đèn đỏ và đột nhiên có tiếng ong vo ve ở xung quanh, trong và ngoài cửa sổ. Điều đó khiến tôi lo lắng. Tôi không muốn bị ong đốt.

Tôi không thể đợi đến khi đèn chuyển sang màu xanh, để xe tiếp tục lăn bánh. Nhưng đột nhiên tôi đặt ra câu hỏi: Ai di chuyển nhanh hơn – chiếc xe hay con ong? Có lẽ con ong có thể đuổi kịp chúng tôi, thậm chí sau khi mẹ tôi lái xe ra khỏi giao lộ.

Chúng tôi đã tránh được con ong vào chiều hôm ấy nhưng câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Ai di chuyển nhanh hơn, một con ong hay một chiếc ô tô? Tôi cố gắng giải đáp thắc mắc nhưng vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Một đứa bé 8 tuổi năm 1959, tôi không thể làm gì với thắc mắc đó ngoài việc đem nó đi hỏi một người lớn. Vì thế, tôi làm điều vẫn thường làm với các câu hỏi của bản thân: Tôi hỏi bà. Bà giống như Google riêng của tôi – không được thông suốt mọi sự như Internet nhưng dễ đồng cảm và mang tính khích lệ hơn nhiều.

Bà thích các câu hỏi của tôi dù có lúc bà không biết câu trả lời.71

Tôi tò mò từ tấm bé. Tôi nghĩ mình còn tò mò trước cả khi biết nhận thức. Đó là đặc điểm cá nhân đầu tiên của tôi. 50 năm sau đó, tôi nghĩ mình tò mò như là một số người nghĩ họ hài hước, thông minh hoặc thích giao du.

Đối với tôi, tò mò định hình không chỉ nhân cách, không chỉ theo cách tôi nghĩ về mình, mà nó còn là chìa khóa cho sự sống còn và thành công của tôi. Tôi đã khắc phục được các vấn đề về khả năng đọc của mình nhờ nó. Tôi đã hoàn thành được sự nghiệp học hành chông gai của mình nhờ nó. Tôi đã bén duyên với lĩnh vực điện ảnh nhờ nó; và nhờ nó mà tôi tìm ra lĩnh vực điện ảnh. Và trí tò mò là phẩm chất đã giúp tôi khẳng định được vị trí của mình tại Hollywood.

Tôi đặt ra các câu hỏi.

Các câu hỏi làm bật ra các ý tưởng thú vị. Các câu hỏi tạo dựng nên các mối quan hệ cộng tác. Các câu hỏi tạo ra mọi loại kết nối – kết nối giữa những chủ đề không tương thích, giữa những người không liên quan, các ý tưởng thú vị, các mối quan hệ cộng tác và mạng lưới kết nối cùng nhau xây đắp niềm tin.

Trí tò mò không chỉ là phẩm chất của tôi – nó nằm ở giữa cách tôi tiếp cận cuộc sống. Tôi nghĩ nó là nhân tố khác biệt. Tôi nghĩ nó là một trong những lý do mà mọi người thích làm việc với tôi, một lĩnh vực với rất nhiều nhà sản xuất để chọn lựa.

Trí tò mò trao cho tôi giấc mơ. Khách quan mà nói, nó giúp tôi tạo ra cuộc sống mà tôi đã tưởng tượng ra khi 23 tuổi. Thực tế, nó đã giúp tôi tạo ra một cuộc sống nhiều phiêu lưu, thú vị và thành công hơn tôi có thể kỳ vọng ở tuổi 23.

Đối với tôi, viết cuốn sách này có nghĩa là nghĩ về trí tò mò theo những cách chưa từng có trước đó, nó đã làm lộ ra mọi loại đặc điểm về trí tò mò mà tôi chưa từng gặp trước đó. Thực tế, tôi đã cố gắng biến trí tò mò trở thành một đặc điểm trong cuốn sách này, bởi nó có sẵn ở bất cứ ai. Các câu chuyện của tôi có mục đích khuyến khích và giúp bạn giải trí – chúng là trải nghiệm của tôi với trí tò mò. Nhưng mọi người quen sử dụng trí tò mò để đuổi theo những thứ quan trọng nhất với họ.

Đó là cách tuyệt vời mà trí tò mò khác biệt so với trí thông minh, sự sáng tạo hoặc thậm chí là khả năng lãnh đạo. Một vài người thực sự rất thông minh. Một số người thực sự sáng tạo, một số người sở hữu khả năng lãnh đạo vượt trội. Nhưng không phải ai cũng thế.
Nhưng bạn có thể tò mò bao nhiêu tùy ý, dù bạn bắt đầu khi nào. Và trí tò mò có thể giúp bạn thông minh hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn và cũng giúp bạn trở thành người tốt hơn.

* * *

Một trong những điểm tôi thích ở trí tò mò đó là nó là một bản năng với nhiều tính đối ngẫu. Trí tò mò mang trong mình đặc điểm âm dương. Rất đáng chú ý đến những tính đối ngẫu này, bởi chúng giúp chúng ta thấy trí tò mò rõ hơn.
Ví dụ, bạn có thể giải phóng trí tò mò, hoặc nó có thể giải phóng bạn. Bạn có thể quyết định mình cần tò mò về thứ gì đó. Nhưng một khi bạn tiếp tục, trí tò mò sẽ kéo bạn đi nhanh hơn.

Bạn càng kìm hãm sự tò mò của mình – bạn càng kích thích mọi người bằng những gì sắp xảy ra mà không nói cho họ biết – bạn càng làm tăng sự tò mò ở họ. Ai đã giết J.R? Ai thắng trong giải xổ số Mega Millions?
Tương tự như thế, bạn có thể rất tò mò về thứ gì đó khá nhỏ nhặt, và khoảnh khắc bạn biết câu trả lời, trí tò mò được thỏa mãn. Một khi bạn đã biết ai thắng giải xổ số, bản năng tò mò về điều đó bị xóa tan hoàn toàn.
Bạn có thể tò mò về thứ gì đó cụ thể – như một con ong hay một chiếc ô tô di chuyển nhanh hơn – tò mò về thứ gì đó mà bạn có thể có được câu trả lời cuối cùng. Điều đó có hoặc không thể khơi ra các câu hỏi mới cho bạn (những con ong làm sao bay được với tốc độ 20 m/phút?) Nhưng bạn cũng có thể tò mò về những thứ mà bạn không bao giờ có thể biết câu trả lời – bác sĩ, nhà tâm lý, vật lý, thiên văn học đều nghiên cứu về những lĩnh vực mà chúng ta cần học hỏi ngày càng nhiều hơn nữa, thế nhưng không bao giờ có được câu trả lời cuối cùng. Loại trí tò mò này có thể đưa bạn đi hết cuộc đời.

Trí tò mò cần một sự dũng cảm nhất định – dũng cảm để thừa nhận những gì bạn không biết, dũng cảm để đặt câu hỏi về ai đó. Nhưng trí tò mò cũng có thể mang lại cho bạn sự dũng cảm. Nó cần sự tự tin – chút ít thôi – nhưng nó hoàn trả cho bạn bằng cách tạo dựng nên sự tự tin ở bạn.

Không gì giải phóng trí tò mò ở một khán giả giống như khả năng kể chuyện hay. Đổi lại, không gì khuyến khích việc kể chuyện như thành quả mà trí tò mò mang lại.

Trí tò mò có thể dễ dàng trở thành thói quen – bạn càng sử dụng nó, nó sẽ đến với bạn càng tự nhiên. Nhưng bạn cũng có thể sử dụng trí tò mò một cách chủ động – bạn luôn có thể kiểm soát tốc độ tự nhiên trong việc đặt câu hỏi của bạn và nói với chính mình rằng, đây là thứ ta cần tìm hiểu thêm. Đây là thứ, hoặc người, tôi cần biết thêm.

Trí tò mò giống như đó là một quá trình “phá hủy”. Điều đó có vẻ rõ ràng – bằng cách đặt câu hỏi về mọi thứ, bạn đang xé nhỏ nó ra, bạn đang cố gắng hiểu xem chúng hoạt động như thế nào, dù đó là động cơ trong chiếc Toyota Prius của bạn hay là con người của sếp bạn. Nhưng thực tế, trí tò mò không hề mang tính phá hủy. Nó mang tính tổng hợp. Khi trí tò mò thu hút được bạn, nó khớp các mảnh của thế giới lại với nhau. Bạn có thể phải tìm hiểu về các phần nhưng khi hoàn thành việc đó, bạn có được một bức tranh mà bạn chưa bao giờ hiểu được trước đó.

Trí tò mò là một công cụ gắn kết bạn với những người khác. Nhưng nó cũng là con đường dẫn đến tự do – tự do về tư duy. Trí tò mò giúp tạo ra sự cộng tác, nhưng nó cũng giúp mang lại cho bạn quyền tự quyết.

Trí tò mò vô cùng tươi mới. Bạn không thể sử dụng hết nó. Thực tế, hôm nay bạn càng tò mò – về thứ gì đó cụ thể hoặc chung chung – thì bạn càng tò mò trong tương lai. Với một ngoại lệ: Trí tò mò không kích thích bạn tò mò hơn nữa về chính nó. Chúng ta tò mò về mọi thứ, ngoại trừ khái niệm tò mò.

Và cuối cùng, chúng ta sống trong đúng khoảnh khắc nên được gọi là “thời kỳ hoàng kim của trí tò mò”. Với tư cách là các cá nhân, chúng ta phải tiếp cận nhiều thông tin hơn, với tốc độ nhanh hơn bất cứ ai đã từng làm trước đây. Một số nơi đang tận dụng điều này một cách triệt để – các công ty ở thung lũng Silicon là những ví dụ sống động và điển hình. Năng lượng và sự sáng tạo của các doanh nhân đến từ việc đặt câu hỏi – các câu hỏi như: “Chuyện gì xảy ra tiếp theo?” và “Tại sao chúng ta không thể làm nó theo cách này?”

Thế nhưng, ngày nay, trí tò mò vẫn bị đánh giá thấp một cách bất ngờ. Trong những môi trường có cấu trúc nơi mà chúng ta có thể dạy mọi người cách tích lũy nguồn năng lượng của trí tò mò – ở trường học, đại học, công sở – trí tò mò thường không được khuyến khích. Tốt nhất, nó chỉ được thừa nhận ngoài miệng. Ở nhiều môi trường khác, trí tò mò thậm chí còn không phải là một chủ đề bàn luận.

Nhưng cũng như mỗi chúng ta có thể bắt đầu sử dụng trí tò mò của chính mình ngay khi quyết định làm thế, chúng ta có thể giúp tạo ra thời kỳ hoàng kim của trí tò mò trong nền văn hóa rộng hơn. Chúng ta có thể làm vậy theo một số cách đơn giản, bằng cách trả lời mọi câu hỏi mà con cái chúng ta đặt ra và bằng cách giúp chúng tìm ra câu trả lời khi chúng ta không biết. Chúng ta có thể làm thế, trong quyền hạn của mình, ở công sở theo những cách nhỏ nhưng giá trị. Bằng cách đặt các câu hỏi cho chính mình, bằng cách ứng xử với các câu hỏi từ đồng nghiệp với sự tôn trọng và nghiêm túc, bằng cách chào đón các câu hỏi từ khách hàng và đối tác; bằng cách coi các câu hỏi như những cơ hội, chứ không phải sự làm phiền. Vấn đề không phải là đặt ra hàng loạt các câu hỏi như hỏi cung. Vấn đề nằm ở việc thay đổi văn hóa dần dần – của gia đình hoặc ở nơi làm việc của mình – để biến việc tò mò trở thành hành động an toàn. Đó là cách chúng ta giải phóng một loạt trí tò mò và mọi lợi ích đi liền với nó.

* * *

Robert Hooke là một nhà khoa học lỗi lạc người Anh – sống ở thế kỷ XVII, người đã giúp mở ra kỷ nguyên tìm hiểu khoa học – đưa xã hội tránh xa những lý giải mang tính tôn giáo về cách thế giới vận hành hướng đến một hiểu biết mang tính khoa học.
Hooke là địch thủ tạm thời và mạnh mẽ của Isaac Newton; một số người so sánh những sở thích và kỹ năng của Hooke với Leonardo da Vinci. Hooke đã đóng góp những khám phá, phát hiện và những hiểu biết lâu dài cho vật lý, kiến trúc, thiên văn học, sinh học và cổ sinh vật học. Ông sống từ năm 1635 đến năm 1703, và dù mất đã 300 năm, nhưng những đóng góp của ông vẫn hiện hữu trong kỹ thuật về đồng hồ hiện đại, kính hiển vi và ô tô. Hooke chính là người đã chăm chú quan sát một lát vỏ cây bần mỏng như dao cạo bằng một chiếc kính hiển vi, là người đầu tiên sử dụng từ “tế bào” để mô tả đơn vị cơ bản của sinh học mà ông nhìn thấy qua kính ngắm.72

Trình độ chuyên môn này rất đáng ngạc nhiên ngày nay, trong một kỷ nguyên khi mà quá nhiều người, thậm chí cả các nhà khoa học, cũng quá chuyên môn hóa. Những loại khám phá và nhận thức của người như Hooke quá ly kỳ. Nhưng những gì thực sự có sức hút đó là những nhà khoa học như Hooke không chỉ đổi mới cách chúng ta nghĩ về thế giới – từ những chuyển động của các hành tinh đến sinh học về cơ thể của chính chúng ta. Họ phải là những nhà cách mạng. Họ đấu tranh chống lại sự khinh miệt, sự nhạo báng và 2.000 năm cơ cấu quyền lực đặt ra những giới hạn hà khắc không chỉ về việc mỗi thành viên trong xã hội có thể hoạt động ra sao mà còn về việc có thể đặt các câu hỏi về cái gì.

Như là học giả về trí tò mò Barbara Benedict giải thích khi chúng tôi nói chuyện với cô ấy: “Một trong những điều khiến các nhà khoa học thế kỷ XVII và XVIII thực sự phi thường đó là họ đặt ra những câu hỏi chưa từng được hỏi trước đó.”
Hooke, cô chỉ ra: “Soi cả nước tiểu của mình qua kính hiển vi. Chuyện này đúng là quá đáng. Chẳng có ai từng nghĩ đến việc soi nước tiểu như là một chủ đề để kiểm chứng khoa học cả.”

Benedict là một nhà nghiên cứu văn học – bà là giáo sư Charles A. Dana về Văn học Anh tại trường Đại học Trinity ở Connecticut – và bà bị hấp dẫn bởi trí tò mò do liên tục bắt gặp từ này và ý tưởng đó khi nghiên cứu về văn học thế kỷ XVIII. “Tôi bắt gặp từ ‘tò mò’ quá thường xuyên trong mỗi dòng chữ, tôi có chút khó chịu,” Benedict nói. “Khi bạn gọi ai đó là ‘độc giả tò mò’, bạn có ý gì? Đó là lời khen hay chê?”

Benedict quá bị thu hút bởi các thái độ về trí tò mò mà cô ấy liên tiếp bắt gặp khi viết một lịch sử văn hóa về trí tò mò trong thế kỷ XVII và XVIII, có tựa đề đơn giản, Curiousity.

Thực tế, Benedict nói, trước thời kỳ Phục Hưng, quyền lực chính thức, loại quyền lực mà các nhà vua và hoàng hậu sở hữu, cùng với tổ chức xã hội và những hạn chế về những điều bạn có thể đặt câu hỏi, tất cả đều là một thứ. Chúng đan xen lẫn nhau.

Những người quyền lực nắm thông tin cũng như kiểm soát quân đội. Những người nắm quyền kiểm soát câu chuyện.

Trong môi trường đó, trí tò mò là một tội lỗi. Nó là hành động vượt quá phận sự. Nó “phạm luật”, như Benedict mô tả trong cuốn sách của mình.73 Trí tò mò, gồm cả trí tò mò khoa học, là một thử thách với cơ cấu quyền lực của xã hội – bắt đầu với bản thân quốc vương. Đó là một thử thách với hai thiên niên kỷ của “lẽ phải” – “Ta là Vua bởi Chúa nói ta nên là một vị vua. Ngươi là người hầu bởi Chúa bảo ngươi nên là người hầu” – đã đạt đến cực điểm trong cuộc Cách mạng Mỹ.

Trí tò mò – đặt câu hỏi – không chỉ là một cách để thấu hiểu thế giới. Đó là một cách làm thay đổi thế giới. Những người chịu trách nhiệm luôn biết điều đó, từ thời Kinh Cựu ước và các huyền thoại của Hy Lạp và La Mã.
Ở một số nơi ngày nay, trí tò mò được coi là nguy hiểm như năm 1649. Chính phủ Trung Hoa kiểm soát toàn bộ hệ thống Internet của quốc gia có 1,4 tỉ người này, với gần như một nửa trong số đó hoạt động trực tuyến.74

Và ở khắp mọi nơi, trí tò mò vẫn có chút thách thức và không được chào đón.

Hãy cân nhắc những gì xảy ra khi bạn đặt cho ai đó một câu hỏi.

Họ có thể trả lời: “Đó là một câu hỏi hay.”

Hoặc họ có thể trả lời: “Đó là một câu hỏi tọc mạch.”

Thông thường, người nói: “Đó là một câu hỏi hay” đã có sẵn câu trả lời – đó là một câu hỏi hay, một phần, bởi người đó biết câu trả lời. Họ cũng có thể nghĩ rằng bạn đặt ra một câu hỏi hay – một câu hỏi khiến họ có một suy nghĩ tươi mới.
Mặt khác, người nói: “Đó là một câu hỏi tọc mạch” cảm thấy khó khăn. Họ có thể không biết câu trả lời hoặc cảm thấy bản thân câu hỏi bằng cách nào đó là một thách thức đối với quyền hạn của họ.

Vậy tại sao Internet không nỗ lực hơn nữa để mở ra một thời kỳ hoàng kim hơn về trí tò mò?

Tôi nghĩ các câu hỏi mà chúng ta đặt ra bằng cách gõ chúng vào công cụ tìm kiếm trên Internet là một loại trí tò mò. Bạn có thể tìm kiếm câu hỏi: “Con ong hay chiếc ô tô di chuyển nhanh hơn?” và có được một vài cuộc thảo luận hiệu quả.
Nhưng Internet cũng chứa đựng rủi ro, như Benedict chỉ ra, về việc biến thành một phiên bản dễ hiểu hơn của người ra vẻ không bao giờ có thể sai lầm. Đó là một phiên bản lớn hơn của “chiếc máy với mọi câu trả lời”.

Đúng vậy, thi thoảng đơn giản là bạn cần biết GDP của Ukraine, hoặc 1 panh bằng bao nhiêu ounce. Chúng ta luôn có những cuốn sách tham khảo lớn cho những thứ như thế –World Almanac được sử dụng như một nguồn tham khảo rõ ràng.

Đó là những sự thật.

Nhưng đây mới là câu hỏi thực sự quan trọng: Liệu việc có sẵn mọi kiến thức trong lòng bàn tay sẽ khiến chúng ta thêm hay bớt đi tò mò?

Khi bạn đọc được thông tin về tốc độ bay của con ong, liệu điều đó có khuyến khích bạn tìm hiểu thêm về khí động lực của loài ong – hoặc ngược lại, liệu bạn có hài lòng đủ để quay trở lại Instagram?
Karl Marx là người đã gọi tôn giáo là “thuốc gây nghiện của đám đông”.75 Ông có ý ám chỉ rằng tôn giáo được tạo ra để cung cấp đủ các câu trả lời đến mức con người thôi không còn đặt ra các câu hỏi nữa.
Mỗi cá nhân chúng ta cần đề phòng rằng Internet không làm mất cảm giác thay vì khuyến khích chúng ta.

Có hai điều mà bạn không thể tìm được trên Internet – cũng giống như hai điều mà Robert Hooke không thể tìm thấy trong Kinh Thánh hoặc trong chiếu chỉ của vua Charles I:

Bạn không thể tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi chưa từng được hỏi.

Và bạn không thể Google ra một ý tưởng mới.

Internet chỉ có thể cho chúng ta biết những gì chúng ta đã biết.

* * *

Trong khuôn khổ một cuộc họp kinh doanh, những người trong lĩnh vực điện ảnh thường nói:

“Thế là được rồi!”

Họ sẽ nói: “Kịch bản này được rồi.” “Diễn viên đó được rồi.” “Đạo diễn đó được rồi.”

Khi ai đó nói với tôi: “Thế là được rồi”, nó không bao giờ có nghĩa là vậy. Nó chính xác mang nghĩa ngược lại. Nó có nghĩa là người hoặc kịch bản đó không được.

Tôi chắc chắn điều tương tự cũng xảy ra trong mọi lĩnh vực.

Đó là một cách diễn đạt kỳ lạ, nó có nghĩa ngược lại so với nghĩa của những từ được nói ra. Đó là một cách nói khác của “Chúng ta sẽ dừng ở đây. Sự tầm thường sẽ làm tốt thôi.”

Tôi không hứng thú với “Được rồi”.

Tôi nghĩ một phần sự quyết tâm của tôi đến từ nhiều thập kỷ nói chuyện tò mò với những người mà bản thân họ không chịu dừng lại ở “được rồi”. Trải nghiệm của họ, thành tựu của họ là một lời nhắc rằng bạn không thể chỉ sống bằng trí tò mò. Để có một cuộc sống thoải mái (và tận dụng tốt trí tò mò), bạn cũng phải cần có kỷ luật và sự quyết tâm. Bạn phải áp dụng khả năng tưởng tượng của chính mình vào những gì bạn học được. Quan trọng nhất là, bạn phải đối xử với những người quanh mình bằng sự tôn trọng và lịch thiệp, và trí tò mò có thể giúp bạn làm điều đó.

Đối với tôi, loại trí tò mò giá trị nhất đó là loại không có câu hỏi cụ thể nào mà tôi đang cố gắng có được câu trả lời. Loại tò mò giá trị nhất thực sự là loại câu hỏi cởi mở – cho dù được đặt ra với một người đoạt được giải Nobel hay chỉ là người ngồi cạnh bạn trong một đám cưới.

Và qua thời gian, tôi nhận ra rằng bạn lưu trữ được trí tò mò – đồng nghĩa rằng bạn lưu trữ kết quả của trí tò mò của bạn, những hiểu biết và năng lượng mà nó mang lại cho bạn.

Có một vài cách để nghĩ về loại trí tò mò bỏ ngỏ mà tôi quyết tâm theo đuổi kể từ những năm 20 tuổi. Những cuộc nói chuyện giống như một quỹ tương hỗ – một khoản đầu tư dài kỳ vào hàng tá những người, những nhân cách, chủ đề hoặc chuyên môn khác nhau. Một vài trong số chúng thú vị ngay lúc diễn ra nhưng sau đó thì không. Một vài trong số chúng thậm chí không hề thú vị ngay khi diễn ra. Và một vài trong số chúng mang lại kết quả lớn về lâu dài – bởi cuộc nói chuyện sẽ khơi nên sự hứng thú lớn và khám phá sâu hơn ở tôi; hoặc bởi cuộc nói chuyện sẽ được xếp lại, và cả thập kỷ sau đó, một ý tưởng, cơ hội hoặc một kịch bản sẽ ra đời và tôi sẽ hiểu nó hoàn toàn nhờ một cuộc trò chuyện mà tôi đã thực hiện nhiều năm trước.

Nhưng cũng giống như thị trường chứng khoán, bạn không biết trước cuộc trò chuyện nào sẽ hiệu quả và cuộc trò chuyện nào không. Vì thế bạn cứ tiếp tục thực hiện chúng – bạn đầu tư một chút nỗ lực tại rất nhiều thời điểm, không gian và con người với sự tự tin rằng đó là việc đúng đắn.

Tôi cũng luôn quan sát các cuộc nói chuyện dưới góc nhìn nghệ sĩ. Các nghệ sĩ luôn tìm kiếm các ý tưởng, quan điểm, tạo phẩm có thể mang lại hiệu quả. Một nghệ sĩ đi dọc bãi biển có thể tìm ra một mảnh gỗ trôi dạt, bị bào mòn một cách đầy thú vị. Mảnh gỗ không khớp với bất cứ dự án nào mà nghệ sĩ đang làm lúc đó; nhưng nó có nét hấp dẫn riêng. Người nghệ sĩ thông minh mang mảnh gỗ về nhà, bày nó trên giá, và một tháng hoặc cả chục năm sau, người nghệ sĩ nhìn lại, chú ý đến mẩu gỗ – và chế tác nó thành một tác phẩm nghệ thuật.

Tôi không biết các ý tưởng hay ho đến từ đâu nhưng tôi biết:

Nếu tôi càng hiểu về thế giới – tôi càng biết nó hoạt động ra sao, tôi càng biết nhiều người, tôi càng có nhiều quan điểm – thì tôi càng có nhiều ý tưởng. Khả năng cao là tôi sẽ hiểu một ý tưởng hay khi nghe về nó. Khả năng thấp là tôi sẽ đồng ý rằng có gì đó “tạm ổn”.
Khi bạn biết nhiều hơn, bạn có thể làm nhiều hơn.

Trí tò mò là một trạng thái tinh thần. Cụ thể hơn, nó là trạng thái của việc có một tâm trí cởi mở. Trí tò mò là một loại đặc tính dễ lĩnh hội.

Và nhất là, không có mẹo nào cho trí tò mò.

Bạn chỉ phải đặt một câu hỏi hay mỗi ngày và lắng nghe câu trả lời.

Tò mò là một lối sống thú vị. Thực sự, đó là bí mật để có một cuộc sống lớn hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.