Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

NHỮNG CUỘC TRÒ CHUYỆN TÒ MÒ CỦA BRIAN GRAZER – MỘT MÔ HÌNH MẪU



Trong quá trình viết Hãy tò mò như một đứa trẻ, tôi đã làm một việc chưa từng làm trước đây: Tổng hợp một danh sách dễ hiểu nhất về những người mà tôi từng thực hiện các cuộc trò chuyện tò mò trong vòng hơn 30 năm qua. (Thực sự, một số nhân viên ở Imagine đã làm phần lớn công việc tạo ra danh sách này – tôi rất biết ơn họ vì điều đó).

Xem qua toàn bộ danh sách những người tôi có cơ hội nói chuyện cùng, như thể tôi đang lần giở từng trang trong cuốn album ảnh. Giống như mỗi bức ảnh, một cái tên lại gợi lên trong tôi nhiều ký ức: Nơi tôi đã ở khi tôi gặp người đó, chủ đề chúng tôi từng nói chuyện, trang phục họ mặc, thậm chí là cử chỉ, thái độ và nét mặt.

Đọc danh sách hết lần này đến lần khác trong quá trình viết cuốn sách, có hai điều đọng lại trong tôi. Đầu tiên đó là cảm giác biết ơn rằng quá nhiều người đã đồng ý ngồi và nói chuyện với tôi, mở mang cho tôi về thế giới khi không có gì hữu hình thu được về. Trong suốt những năm sau, tôi ước mình có thể gọi cho từng người trong danh sách này và nói cảm ơn một lần nữa, vì những gì họ đã mang lại cho cuộc đời tôi. Mỗi người là một cuộc hành trình khám phá – dù chúng tôi chỉ ngồi trên ghế sofa trong văn phòng của tôi đi chăng nữa – một hành trình đẹp vượt ra khỏi những giới hạn và thói quen trong cuộc sống của chính tôi. Trải nghiệm, nhân cách cũng như những thành tựu thu được từ họ thật đáng kinh ngạc.

Và thứ hai, mặc dù Hãy tò mò như một đứa trẻ được xuất bản với những câu chuyện đến từ các cuộc đối thoại, nhưng có quá nhiều cuộc nói chuyện mà chúng tôi không đưa vào dù chúng cũng rất thú vị. Những cuộc nói chuyện sau là một mô hình mẫu – ở Hollywood, chúng tôi gọi là tài liệu bổ sung – từ một số cuộc nói chuyện tò mò mà tôi vẫn còn giữ.
Bữa trưa với Fidel

Khách sạn Nacional ở Havana nằm trên đại lộ dọc bờ biển, Malecón, và có khoảng hơn 20 phòng được đặt tên theo những người nổi tiếng từng nghỉ ở đây – ví dụ như Fred Astaire (phòng 228), Stan Musial (phòng 245), Jean Paul Sartre (phòng 539) và Walt Disney (phòng 445).

Khi đến thăm Havana vào tháng 2 năm 2001, tôi được xếp vào phòng Lucky Luciano Suite (211), hai phòng được đặt theo tên của Mafioso nổi tiếng, và thực sự quá lớn để dành cho một người ở.
Tôi đến cùng một nhóm bạn – chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến đi mà mỗi năm một người sẽ chịu phí luân phiên và bắt đầu từ đất nước Cuba. Chuyến đi tới Cuba do Tom Freston, lúc ấy là CEO của MTV, chịu trách nhiệm cầm trịch và nhóm gồm Brad Grey, nhà sản xuất; Jim Wiatt, giám đốc hãng tài năng William Morris; Bill Roedy, cựu giám đốc của MTV International, Graydon Carter, biên tập viên tờ Vanity Fair, và Leslie Moonves, CEO của CBS, bao gồm cả bộ phận Tin tức của CBS.

Đương nhiên, thời kỳ này còn lâu mới đến giai đoạn bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba, vì thế một chuyến thăm đến Cuba lúc này là một thách thức – bạn không bao giờ biết nơi bạn sẽ đến và bạn sẽ gặp ai.

Trước khi chúng tôi đến Cuba, tôi đã rất nỗ lực âm thầm sắp xếp một cuộc trò chuyện tò mò với Fidel Castro, nhưng không có tia hy vọng nào.

Chúng tôi bay đến một trụ sở quân sự của Cuba – và hóa ra một vài người trong chúng tôi cũng đã bí mật sắp xếp các cuộc gặp mặt với Fidel. Chúng tôi nói rõ với những người chăm sóc rằng chúng tôi sẽ rất vui nếu được gặp Fidel.
Trong suốt chuyến viếng thăm, chúng tôi biết được rằng người dân Cuba tránh nhắc đến Fidel bằng tên. Họ dùng một cử chỉ ở những nơi nhắc đến tên ngài ấy – lấy ngón trỏ và ngón cái để ngang cằm mình như là đang vuốt râu.
Chúng tôi nhận được vài cảnh báo giả. Khi chúng tôi rời một câu lạc bộ ở Havana vào lúc 2 giờ 30 phút sáng, một trợ lý đã đến và nói rằng Fidel sẽ gặp chúng tôi vào lúc 4 giờ sáng. Dù lúc ấy rất mệt, tất cả chúng tôi đều nhìn nhau và nói: “Được rồi, đi nào!”

Gần như ngay khi chúng tôi nói đồng ý, họ cho hay rằng cuộc gặp mặt sẽ không diễn ra.

Vào hôm trước khi rời đi, chúng tôi được thông báo rằng Fidel sẽ tổ chức đón chúng tôi đến ăn trưa vào ngày hôm sau. Chúng tôi đã lên lịch rời đi lúc đó, vì thế chúng tôi phải đổi lại lịch bay.

Sáng hôm sau, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường. Ngay khi được cho biết địa điểm, chúng tôi lên xe và hướng đến đó nhanh nhất có thể. Sau đó, đột nhiên, những chiếc xe tấp vào lề đường, quành ngược lại và đến một địa điểm khác.

Đó là sự bí ẩn? Nó được tạo ra để mang đến cho Fidel một sự an toàn thực sự? Ai mà biết được.

Ngay khi đến địa điểm mới, chúng tôi được giới thiệu với Fidel, người đang mặc bộ quân phục cổ điển thường thấy của ông. Chúng tôi được mời rượu rum và đứng vòng quanh để trò chuyện.
Tôi đứng cùng với Les Moonves và nói chuyện với Fidel. Les là người quyền lực nhất trong nhóm chúng tôi và sau đó là William Paley (nhà sáng lập CBS), anh ấy rõ ràng là nhà truyền thông thành công nhất mọi thời đại. Fidel rõ ràng biết Les là ai, và đối xử với anh ấy như là “trưởng nhóm” của chúng tôi, thể hiện qua việc Fidel hướng rất nhiều sự chú ý đến Moonves. Fidel nói chuyện với nhiệt huyết thực sự tới mức cần đến hai phiên dịch thay phiên nhau.

Fidel cũng cầm một ly rượu nhưng trong một giờ đi vòng quanh nói chuyện, tôi chưa từng thấy ông nhấp môi một lần. Tôi cũng chưa từng thấy ông ấy tỏ vẻ mệt mỏi. Sau hơn một giờ, tôi thì thầm với Les: “Anh có nghĩ chúng ta sẽ vào trong để ăn trưa không?”
Les nói lớn, một phần để đánh tiếng với Fidel: “Có lẽ chúng ta phải vào trong để ăn trưa rồi!”

Như thể ông hoàn toàn quên đi bữa trưa đó, Fidel đồng ý ngay lập tức và hối thúc chúng tôi vào ăn trưa. Bữa ăn gồm hai phần: nhiều món ăn Cuba được phục vụ; và Fidel nói về những kỳ quan của Cuba. Ông không nói chuyện với chúng tôi – ông diễn thuyết trước chúng tôi.

Ông biết chi tiết mọi thứ. Thời tiết ở từng vùng của Cuba. Một chiếc bóng đèn trong mỗi gia đình người Cuba cần bao nhiêu kilowatt điện. Ông có thể nắm rõ mọi thứ về đất nước, con người và nền kinh tế Cuba.

Đôi lúc, Fidel quay sang Les và nói. “Khi anh quay trở về nước và gặp Tổng thổng Bush, tôi mong anh có thể cho ông ấy biết những suy nghĩ của tôi” – và ông tiếp tục chia sẻ những bình luận dài mà ông muốn Moonves chuyển lời đến ngài Tổng thống của nước Mỹ. Như thể Les sẽ ngay lập tức và tự nhiên sẽ thông báo điều đó với Tổng thống Bush vậy.

Trong vài giờ, Fidel không hỏi một câu nào về chúng tôi hoặc khuyến khích chúng tôi tham gia vào cuộc nói chuyện. Ông nói còn chúng tôi ăn và lắng nghe.

Cuối cùng, ông ngừng lời. Ông nhìn chúng tôi, và sau đó thông qua phiên dịch viên: “Anh làm mái tóc dựng đứng như thế bằng cách nào vậy?” Mọi người cười ồ.

Tôi nghĩ Fidel quá tập trung vào chủ nghĩa biểu trưng và sự mô tả bằng hình tượng đến mức ông có thể tò mò về kiểu tuyên bố mà tôi muốn truyền tải qua mái tóc của mình như thế. Cảm thấy có chút ngượng ngập, tôi quyết định cố hành động thông minh. Tôi nói với Castro: “Tôi làm phim” và liệt kê ra một loạt các phim mà chúng tôi đã làm – chỉ những vở kịch chứ không phải phim hài – và tôi kết luận bằng cách nói: “Và tôi đã làm một bộ phim về việc các chính quyền cực quyền bóc lột người dân của họ như thế nào, có tựa là Closet Land.”

Rõ ràng, tôi không nghĩ gì cả. Tôi nghĩ là ông ấy sẽ ấn tượng. Thay vào đó, có thể ông ấy nghĩ:

“Có lẽ chúng ta sẽ giam giữ kẻ có mái tóc buồn cười này trong một năm.”

Graydon Carter nhìn tôi với biểu hiện như thể muốn nói rằng: “Anh điên à?”

Sau đó, Graydon nhìn Fidel, tươi cười và nói: “Anh ấy cũng làm bộ phim The Klumps!”

Đó là một hành động đánh lạc hướng hoàn hảo nhưng cũng đáng sợ. Nó cho tôi khoảnh khắc để nhận ra những gì mình vừa nói.

Fidel cho qua mọi chuyện mà không tỏ vẻ khó chịu. Cuối cùng bữa trưa kéo dài đến 5 tiếng rưỡi. Máy bay đã đợi sẵn để đưa chúng tôi về Mỹ. Một lần nữa, tôi gật đầu ra ám hiệu với Les rằng đã đến lúc chúng tôi phải đi. Và một lần nữa Les đã khéo léo kéo chúng tôi ra, bằng cách nói với Fidel rằng đã đến lúc chúng tôi thực sự phải rời đi.

Fidel tặng chúng tôi mỗi người một hộp xì gà làm quà chia tay. Tôi mặc một chiếc guayabera Cuba76 rất đẹp đã được mua khi chúng tôi rời đi, Fidel chụp ảnh chiếc áo trong khi tôi đang mặc nó, ngay giữa lưng.
Vị anh hùng, lời dự đoán và đối thủ bóng rổ nguy hiểm

Vào một ngày tháng 6 năm 2005, trạm dừng chân thứ hai trong buổi chiều là một văn phòng lộng lẫy trên đồi Capitol, Hoa Kỳ. Nó được trang bị đầy hào phóng với những kệ tủ bằng gỗ đắt tiền và những đồ vật thanh lịch, chắc chắn. Không gian không chỉ mang lại cảm giác bề thế mà còn có phần bí ẩn hơn nhiều: cảm giác về quyền lực. Đó là văn phòng của nghị sĩ John McCain, và tôi có một cuộc trò chuyện tò mò với một trong những người ảnh hưởng và thú vị nhất trong Thượng viện Mỹ.

Cuộc gặp diễn ra vào chiều muộn, thứ Tư ngày 8 tháng 6. Tôi dành một giờ ở một trong những văn phòng thượng nghị sĩ ít vương giả nhất trước khi đến văn phòng của McCain, trò chuyện với một trong những thành viên ít ảnh hưởng nhất của Thượng viện Mỹ lúc bấy giờ: Barack Obama.

Và sau cuộc trò chuyện với thượng nghị sĩ McCain, tôi vội vàng đi qua vài tòa nhà đến Đại lộ Pennsylvania để đến Nhà Trắng cho kịp dùng bữa tối và xem phim với người quyền lực nhất thế giới – Tổng thống George W. Bush.
Obama. McCain. Bush. Lần lượt từng người một, trong 4 giờ liên tiếp. Lịch trình đó thú vị như là một gã trai từ ngoài Washington có thể có trong một buổi chiều duy nhất ở Beltway.

Việc này diễn ra vì Tổng thống Bush mời chúng tôi đến chiếu bộ phim Cinderella Man ở Nhà Trắng khi nó vừa được đưa ra rạp. Cinderella Man, Ron Howard là đạo diễn, được lấy cảm hứng từ câu chuyện đời thực của Jame J. Braddock, võ sĩ thời Suy thoái, người được Russell Crowe thủ vai, với ngôi sao Renee Zellweger vào vai người vợ và Paul Giamatti là nhà quản lý.

Tôi nghĩ thật tuyệt nếu có vài ngày ở Washington, để tôi được gặp những người mà tôi tò mò muốn biết.

Đối với tôi, McCain là một lựa chọn rõ ràng. Sức hấp dẫn của ông ấy là một điểm: John McCain là một anh hùng Mỹ thực thụ. Ông là một phi công trong chiến tranh Việt Nam, ông bị bắn hạ, bị bắt và bị tra tấn; ông sống sót và tiếp tục trở thành một nhân vật chính trị quan trọng. Thậm chí trong những trại tù ở miền Nam Việt Nam, nơi ông bị giam giữ, những bạn tù người Mỹ của McCain cũng tôn ông là thủ lĩnh. Tại Thượng viện và trên khắp nước Mỹ vào năm 2005, McCain có tiếng là thông minh, tự do và quyết đoán.

Tâm lý và nhân cách của những người anh hùng luôn hấp dẫn tôi – hầu hết các bộ phim mà chúng tôi sản xuất đều mang ý nghĩa ám chỉ một anh hùng theo cách này hay cách khác.

Nhưng cuộc gặp của tôi với McCain hạ xuống cực điểm một cách kỳ lạ. Chúng tôi không nói về những vấn đề căn bản mà nói về những thứ chung chung – chúng tôi nói về bóng rổ, thứ mà tôi vốn biết rất ít. Chúng tôi nói về những người già cả.
Sự hiện diện của McCain cũng ấn tượng như văn phòng của ông ấy. Ông ấy rõ ràng là ở thế làm chủ. Ông lịch sự với tôi, nhưng tôi có cảm giác rằng ông không chắc tôi đang làm gì ở đó. Tôi chỉ là một người khá nổi tiếng chen vào một giờ trong lịch trình của ông. Một điều rất rõ là: John McCain không phải lo lắng về thời gian bởi mọi người quanh ông đang chú ý đến thời gian.

Khi cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra, trưởng bộ phận thư ký của ông bước vào và nhắc:

“Một phút nữa, thưa ngài!”

Và tôi không hề đùa, đúng 60 giây sau đó, cô nàng kia bước vào và hô: “Hết thời gian, thưa ngài!”

Thượng nghị sĩ McCain đứng dậy. Đương nhiên áo khoác của ông đã sẵn sàng. Ông vừa đứng vừa cài nút, ông bắt tay tôi và rời đi. Một lát sau đó, một trong những trợ lý của ông chỉ tay vào ti vi trong văn phòng của McCain – và ông ở đó, đang sải bước ở Thượng viện.

* * *

Trái với cuộc nói chuyện trước đó của tôi, cuộc gặp với Barack Obama không thể trọn vẹn hơn. Thượng nghị sĩ McCain đã ở Thượng viện 18 năm và tháng 11 vừa rồi, ông đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư của mình, đại diện cho bang Arizona, với tỉ lệ 77% phiếu bầu. Ông đứng đầu nhóm ảnh hưởng và đang trên đà đi lên.

Barack Obama đã ở Thượng viện được năm tháng. Chỉ một năm trước đó, Obama vẫn là thượng nghị sĩ của bang Illinois.

Nhưng đó là ở Hội nghị Đảng Dân chủ Toàn quốc vào mùa hè năm trước – tại hội nghị đã đề cử thượng nghị sĩ John Kerry là nghị sĩ Đảng Dân chủ, đối đầu với George W. Bush – nơi mà Barack Obama lần đầu thu hút được sự chú ý của nước Mỹ và cả tôi. Đó là nơi Obama đã đưa ra bài phát biểu khuấy động với những câu nói lạc quan như: “Không có một nước Mỹ tự do hay bảo thủ. Chỉ có hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà thôi.”

Hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy, ông là thượng nghị sĩ Mỹ da màu duy nhất. Ông cũng nằm ở cuối danh sách – giống như trong thập niên 90. Văn phòng của ông đứng số 99 – gần chót. Để đến được văn phòng của Obama, chúng tôi phải đi bộ một đoạn dài, bắt xe điện Capitol sau đó đi thêm một đoạn đường dài nữa.

Khi đến văn phòng của ông, tôi bị kẹt lại trước tiên bởi một số người ra vào. Nó nằm ở tầng hầm, đèn không được sáng lắm. Khung cảnh giống như lai tạp giữa một cuộc mua bán đồ cũ vào thứ Bảy và DMV. Văn phòng Obama mở toang cửa, mọi người cứ ra vào, tận dụng cơ hội được gặp ngài thượng nghị sĩ.

Tôi có cơ hội nhìn thấy rất nhiều người thú vị ở Thượng viện vào chiều hôm ấy, trong đó cũng có rất nhiều người quan trọng ở Washington. Tại sao tôi lại xin một cuộc hẹn gặp Obama, người thậm chí không phải là một thượng nghị sĩ nổi bật, một mình một chiến tuyến trên sàn đấu quốc gia?

Khi thấy Obama diễn thuyết trên truyền hình, giống như bất cứ ai xem ông, tôi thấy hấp dẫn và thú vị. Đối với tôi, các kỹ năng giao tiếp của ông nằm ở một hạng mục khác. Nó giống như các kỹ năng đấm bốc của Muhammad Ali. Ông diễn thuyết như thể ông đang biểu diễn phép thuật, phép thuật bằng ngôn từ.

Tôi đang làm việc trong ngành truyền thông. Công việc của tôi là biến ngôn từ thành hình ảnh và để những hình ảnh này kích thích cảm xúc ở khán giả, thứ cảm xúc mạnh mẽ hơn cả những từ ngữ ban đầu.
Obama, khi tôi nhìn ông nói, giống như một người nhìn thấy những cú đấm của Ali, đang làm điều gì đó vượt ra khỏi những gì mà bất cứ diễn giả nào khác tôi từng thấy. Ông khơi gợi cảm xúc bằng lời – giống như một hình ảnh có thể làm được.

Văn phòng của Obama rất nhỏ, nhưng ông lại rất nhiệt tình, tươi tỉnh. Dường như ở ông không có sự xao lãng nào mà bạn thường thấy ở những người bận rộn và quan trọng, những người ngồi với bạn nhưng thường kiểm tra đồng hồ hoặc e -mail liên tục, tâm trí họ đặt ở bốn nơi cùng lúc. Ông cao và gầy, chúng tôi ngồi trên ghế được kê sát tường ở góc phòng – ông chào tôi, sau đó gieo mình xuống ghế nhanh gọn và dứt khoát như một vận động viên thể dục. Ông có vẻ hoàn toàn thoải mái và dễ chịu với chính mình.

Chúng tôi nói chuyện về gia đình, về công việc – chủ yếu là về vấn đề cá nhân thay vì vấn đề chính sách. Khi chúng tôi nói chuyện, những người trẻ nhiệt huyết – các nhân viên của ông – thường đi tới đi lui ở văn phòng nhưng ông không hề bị xao lãng.

Obama cho thấy sự tự tin thực sự. Ông đang ngồi ở văn phòng số 99, nhưng ông hoàn toàn tự tin. Obama chỉ mới rời khỏi chính quyền bang Illinois một năm và gia nhập Thượng viện được năm tháng, chưa đầy bốn năm sau đó, ông trở thành tổng thống của Hoa Kỳ.
Khi rời văn phòng Thượng viện số 99, tôi tình cờ gặp Jon Favreau, tác giả tài năng, người làm việc cho Obama ở cương vị nhà biên soạn diễn thuyết. Họ đã gặp nhau ở Hội nghị Đảng Dân chủ Toàn quốc, nơi mà Obama đưa ra bài phát biểu quan trọng.
“Nếu anh có ý định bước ra khỏi chính trường,” tôi nói với Favreau nửa đùa nửa thật, “và muốn làm việc ở Hollywood, hãy gọi cho tôi. Anh rất ấn tượng.”

“Cảm ơn anh nhiều,” Favreau nói và mỉm cười. “Nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ cần tôi.”

* * *

Tôi không nói thượng nghị sĩ McCain và thượng nghị sĩ Obama rằng tôi sẽ gặp người kia. Nhưng tôi nói với cả hai rằng tôi sẽ đến Nhà Trắng vào tối hôm đó để chiếu Cinderella Mancho Tổng thống George W. Bush xem.

Tôi đã gặp Tổng thống Bill Clinton vài lần, và rất ấn tượng với Tổng thống Bush, tò mò muốn thấy phong cách của ông ấy. Ngôn ngữ cơ thể của Tổng thống Bush tối hôm ấy thật khác biệt. Khi ông nói chuyện với bạn, không phải mặt đối mặt, hoặc ít nhất là không phải thế khi ông nói chuyện với tôi.

Tổng thống Bush tiến lại phía tôi và chúng tôi được giới thiệu với nhau; ông là người ấm áp, khiêm tốn. Sau đó khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau, ông nhích ra phía tôi và khoác vai tôi – đó là cách nói chuyện mà ông thích, như hai người bạn, vai kề vai. Tôi thích điều đó.
Ông đã làm một việc khác nữa thu hút sự chú ý của tôi. Khi đồ ăn trước buổi chiếu được phục vụ, Tổng tống Bush lấy một khay cho mình, lấy thức ăn vào khay, sau đó ngồi xuống bàn một mình. Ông có vẻ không cần người của mình ở bên. Đương nhiên, bàn đó đầy người. Tôi nghĩ điều đó khá ấn tượng. Tổng thống Bush đã ở lại đến khi bộ phim kết thúc.

Phần duy nhất đáng thất vọng của buổi tối là món quà nhỏ mà tôi dành cho Tổng thống Bush.

Tôi mang đến cho ông một chiếc mũ lưỡi trai từ chương trình truyền hình Friday Night Light.

Đương nhiên, Tổng thống Bush lớn lên ở Odessa, Texas và tôi nghĩ ông sẽ thích nó.

Vì thế tôi đứng vào hàng để đi qua đội an ninh ở cổng Nhà Trắng, và tôi quá háo hức về chiếc mũ đến nỗi tôi giơ nó cho họ xem. “Tổng thống đến từ Odessa, Texas, vì thế tôi mang tặng ngài ấy chiếc mũ này từ chương trình Friday Night Lights như là một món quà,” tôi nói, “tôi sẽ tặng nó cho ông ấy.”
Tôi nghĩ việc đó sẽ khiến mọi người cười.

Nhưng tôi đã nhầm. Họ nhìn tôi. Họ nhìn chiếc mũ. Họ lấy chiếc mũ từ tôi. Họ đặt nó qua một vài chiếc máy khác nhau. Thêm một vài người kiểm tra nó, cả trong và ngoài.

Lát sau, một người nào đó đã gật đầu và nói với tôi: “Anh không thể đưa chiếc mũ này cho Tổng thống. Chúng tôi sẽ đưa nó cho Tổng thống giúp anh.”

Giá mà tôi đã không nói gì và cứ đội chiếc mũ đó đến Nhà Trắng.

Tôi không bao giờ thấy lại chiếc mũ đó nữa. Tôi đã nói với tổng thống về nó – và tôi hy vọng vào lúc nào đó, có người sẽ đưa nó cho ông ấy.
Người đeo găng

Vào đầu những năm 1990, tôi thường cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn với Michael Jackson. Chúng tôi gọi đến văn phòng của anh ấy vài lần mỗi năm và đề nghị một cuộc gặp mặt, mời anh ấy ghé qua văn phòng tôi. Nhưng anh ấy không mấy hứng thú.

Sau đó, đột nhiên, anh ấy đồng ý. Không rõ tại sao, mặc dù đây là thời điểm chúng tôi đang làm những bộ phim như Parenthood, Kindergarten và My Girl, chủ yếu về đề tài gia đình và tôi hay tin rằng Jackson cũng thích tự mình làm những bộ phim như thế.
Đến ngày hẹn, người của anh ấy đến văn phòng trước. Mọi người rất hào hứng – như bạn có thể tưởng tượng ra – sau đó Jackson xuất hiện.

Vào thời điểm đó Jackson được biết đến vì những cử chỉ có phần bất thường, e dè của mình. Nhưng không có cử chỉ nào như thế lúc đó. Anh ấy có vẻ giống một người hoàn toàn bình thường – mặc dù anh đeo găng tay trắng.

Tôi là một người hâm mộ Michael Jackson, đương nhiên – bạn không thể thưởng thức âm nhạc ở Mỹ vào những năm 1970 và 1980 nếu không phải là một người hâm mộ Michael Jackson. Nhưng tôi không phải là một người hâm mộ cuồng nhiệt – vì thế tôi không quá hồi hộp. Tôi tôn trọng Jackson, tôi nghĩ anh ấy là một người có tài năng đặc biệt ấn tượng.
Anh ấy cao khoảng 1m75 – gầy, nhưng có thể nói là khỏe mạnh. Anh ấy bước vào văn phòng của tôi và ngồi xuống.

“Rất vui khi được gặp anh,” tôi nói. “Thật tuyệt vời!”

Anh hành xử bình thường, vì thế tôi quyết định cư xử với anh ấy bình thường. Tôi nghĩ: Tôi sẽ đề nghị anh ấy cởi bỏ găng tay của mình. Bất cứ ai bình thường từ ngoài vào cũng cần phải cởi bỏ găng tay của mình, phải không?
Rất có thể lúc ấy, cuộc nói chuyện sẽ dừng lại ngay tắp lự.

Nhưng tôi không do dự. Tôi nói: “Anh có phiền nếu cởi găng tay ra không?”

Và anh ấy làm thật. Đơn giản như thế. Tôi nghĩ, anh ấy cởi găng tay – và chúng tôi vẫn sẽ ổn.

Michael Jackson rõ ràng không phải là một người nói chuyện phiếm. Và thành thực mà nói, tôi không biết chính xác phải nói gì với anh ấy. Tôi chắc chắn không muốn khiến anh ấy cảm thấy tẻ nhạt.
Tôi hỏi: “Anh sáng tác nhạc như thế nào?”

Và anh ấy ngay lập tức nói về cách sáng tác của mình – cách anh ấy soạn nó, biểu diễn nó, tất cả theo một cách hoàn toàn khoa học.

Thực tế, toàn bộ con người anh ấy đã được bộc lộ. Khi lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu nói chuyện, anh ấy có chất giọng hơi trẻ con, cao vút như mọi người vẫn biết. Nhưng ngay sau khi bắt đầu nói về việc soạn nhạc, thậm chí giọng của anh ấy cũng thay đổi, anh ấy trở thành một người khác – nó giống như là một lớp dạy nhạc cao cấp, giống như một giáo sư từ Julliard đang nói. Giai điệu, nhạc điệu, những gì mà người nghệ sĩ phối nhạc làm. Nó thổi tung tâm trí của tôi.

Chúng tôi nói chuyện đôi chút về phim ảnh – Jackson đã làm những video hấp dẫn, bao gồm video cho Thriller, được đạo diễn John Landis thực hiện.

Mặc dù tôi chưa bao giờ gặp lại anh ấy, nhưng không có gì kỳ lạ hoặc thiếu thoải mái về thời gian chúng tôi đã dành cho nhau. Tôi rời đi với một ấn tượng vô cùng khác biệt về Michael Jackson. Nó khiến tôi có cảm giác anh ấy không phải là một gã quá kỳ lạ, hoặc có một loạt những hành động kỳ lạ – anh ấy chỉ là một người phải đấu tranh với sự nổi tiếng. Hành vi của anh ấy có phần nào đó ảnh hưởng bởi môi trường. Tôi quá ấn tượng bởi thực tế rằng tôi có thể nói chuyện với anh ấy như một người lớn và anh ấy đáp lại tôi y như vậy.

Tôi có thể đề nghị anh ấy cởi bỏ găng tay và anh ấy cũng làm vậy.

Cơ hội bị bỏ lỡ
Xét ở vài khía cạnh thú vị, Andy Warhol có nhiều điểm chung với Michael Jackson. Họ đều có vẻ ngoài khác biệt, một vẻ ngoài mà mỗi người đều cố tình tạo dựng cho mình. Họ đều làm những công việc ấn tượng, có sức ảnh hưởng mà chỉ cần nhắc đến tên cũng đủ gợi lên cả một phong cách, một thời đại. Và họ đều được coi là bí ẩn, ấn tượng và gần như không thể đâm thủng.

Tôi tới gặp Andy Warhol vào đầu những năm 1980 khi đến thăm thành phố New York trong giai đoạn mà tôi có cơ hội được gặp rất nhiều họa sĩ như David Hockney, Ed Ruscha, Salvador Dalí và Roy Lichtenstein. Tính đến thời điểm đó, Andy Warhol đã trở thành một tổ chức – anh ấy đã sử dụng những hộp súp Campbell in lụa vào năm 1962. Chúng tôi gặp nhau ở hãng của anh ấy, The Factory. Anh ấy mặc chiếc áo cổ rùa cổ điển của mình.

Ở Warhol có hai điều mà tôi cảm thấy thú vị. Đầu tiên đó là anh ấy không phải là một nghệ sĩ kỹ thuật thông minh – có thể nói anh ấy không có các kỹ năng của Roy Lichtenstein và không cố gắng để có được nó. Đối với anh ấy, thông điệp của nghệ thuật, lời tuyên bố, là điều quan trọng nhất.

Và điều thứ hai quá ấn tượng khi tôi gặp anh ấy trực tiếp đó là việc anh ấy hoàn toàn từ chối trí thức hóa tác phẩm của mình. Anh ấy gần như không muốn nói về nó. Anh ấy chỉ đánh giá thấp nó. Mỗi câu hỏi đều mang đến câu trả lời đơn giản nhất.

“Tại sao anh lại vẽ chân dung Marilyn Monroe?” tôi hỏi.

“Tôi thích cô ấy,” Warhol trả lời.

Chúng tôi đi quanh The Factory, nơi có những tấm in lụa ở khắp nơi, cả hoàn thành lẫn dang dở.

“Tại sao anh lại vẽ trên vải lụa?” tôi hỏi.

“Để chúng tôi có thể làm nhiều bức,” anh trả lời. Cứ như thế – không bao giờ có một lời giải thích cụ thể.

Warhol nổi tiếng là vô tư. Suốt chuyến thăm của tôi ở xưởng vẽ, anh ấy dành toàn bộ thời gian cho tôi. Anh ấy có chút năng động theo cách của thập niên 60. “Này anh, lại đằng kia đi,” anh ấy sẽ nói.

Và anh ấy có chút khó gần. Nhưng lại dễ chơi.

Tôi trở lại thành phố New York vài tuần sau đó và ghé thăm xưởng của anh lần hai.

Anh nói với tôi: “Tôi sẽ đến Los Angeles và làm một tập phim The Love Boat.” Tôi nhủ thầm, anh ấy đang nói về cái quái gì thế không biết? Andy Warhol trong The Love Boat – với Captain Stubling và Julie McCoy? Tôi không thể mường tượng ra nổi. Tôi nghĩ là anh ấy đùa.

“Tôi sẽ đóng một vai trong một tập của The Love Boat,” Warhol nói. Tôi không nhận ra anh ấy còn có kiểu xuất hiện văn hóa đại chúng như thế này trước đó. Anh ấy thích làm mọi người ngạc nhiên. Và anh ấy đã làm vậy: Anh ấy đóng một vai trong một tập của The Love Boatđược phát sóng vào ngày 12 tháng 12 năm 1985 cùng với Milton Berle và Andy Griffith.

Trong cuộc gặp mặt thứ hai đó, Warhol nói với tôi: “Tôi không biết đối tác của anh là Ron Howard. Anh ấy là Richie Cunningham!”

Warhol có một ý tưởng.

“Tôi thích chụp ảnh Ron Howard, và làm hai bức vẽ – một trước và một sau. Tôi muốn chụp ảnh Ron Howard bây giờ với bộ râu ghi đông của anh ấy, sau đó tôi muốn anh ấy cạo râu và tôi sẽ chụp một bức ảnh khác.
“Hai bức ảnh như thế. Một với bộ râu. Một không. Trước và sau.”

Ngay lập tức tôi nghĩ đến bức chân dung hai mặt của Warhol về Elvis.

Nhưng tôi không đề cập đến điều đó. Tôi nói Warhol rằng tôi sẽ nói với Ron về điều đó.

Tôi trở lại Los Angeles và nói với Ron: “Andy Warhol muốn làm việc này với anh. Anh ấy muốn thực hiện các bức ảnh chân dung Ron Howard, trước và sau. Anh ấy muốn anh cạo râu.” Tôi tỏ ra khá hào hứng.

Ron thì không, anh ấy cứng rắn hơn bất cứ thứ gì. “Anh biết đấy, Brian, tôi không thực sự muốn cạo râu đâu,” anh ấy nói. “Đó là một phần hình ảnh của tôi. Tôi đang cố gắng thoát khỏi hình ảnh ‘cậu bé người Mỹ’.”

Được rồi, tôi có thể hiểu điều đó. Kiểu như thế. Đương nhiên, không phải ai cũng được Andy Warhol đề nghị vẽ chân dung họ. Nhưng tôi cũng biết tầm quan trọng của hình ảnh trưởng thành Ron Howard đối với anh ấy – thực tế là, tầm quan trọng của nó đối với tất cả chúng tôi.
Vì thế đó là cái kết của Ron Howard, trước và sau. Hoặc tôi nghĩ thế.

Nhiều năm sau đó, bộ phim của chúng tôi Cry-Baby được công chiếu. Như thói quen của chúng tôi, Ron Howard và tôi tới rạp chiếu phim Westwood Avco ở Los Angeles vào buổi tối mở màn để đánh giá lượng người đến xem đợt đầu. Avco là rạp chiếu, nơi có những hàng người xếp quanh tòa nhà chờ xem Splash. Vào tối thứ Sáu đó, có bảy người xem được Cry-Baby trong một rạp chứa 500 người.

Ron và tôi về nhà, lôi hai chai vang đỏ ra và xem Drugstore Cowboy để xoa dịu nỗi thất vọng.

Ron phải bắt chuyến bay từ LAX trở lại phía Đông, vì thế khoảng 10 giờ, anh ấy phải ra sân bay.

Trước khi bay về, anh ấy gọi cho tôi. Anh ấy có chút phân vân. Anh ấy nói: “Brian, tôi muốn anh biết, tôi vừa vào phòng vệ sinh nam ở sân bay và cạo râu rồi.”

Và chẳng kịp nghĩ gì, tôi nói: “Ôi Chúa ơi, anh hẳn đã làm điều đó vì Andy Warhol! Sau đó chúng ta có thể có hai bức chân dung Ron Howard với trị giá 50 triệu đô-la cho mỗi bức.”

Đương nhiên, ngày này, râu của Ron – thực tế toàn bộ râu ghi đông của anh ấy – đã mọc lại. Ron là một biểu tượng mà không cần một bức tranh lụa của Warhol khắc họa.
Trí tò mò – một nghệ thuật

Bạn có thể biết các tác phẩm của Jeff Koons. Nó hài hước, ngoại cỡ. Anh ấy đã làm các bức điêu khắc lớn bằng thép không gỉ trong hình dạng con chó bằng bóng bay mà các anh hề hay làm. Anh ấy cũng tạo ra một con khỉ đồ chơi có thể bơm phồng bằng thép không gỉ và nó trở nên nổi tiếng đến mức được tái sử dụng như là một chiếc thuyền trong cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn của Macy.

Đối với tôi, tác phẩm của Koons vừa phong phú vừa khôi hài. Nó cũng có vẻ đơn giản nữa.

Nhưng ẩn sau đó là sự thấu hiểu ngọn ngành về lịch sử, về lý thuyết nghệ thuật.

Tôi gặp Jeff Koons lần đầu tiên vào đầu những năm 1990 cách đây 20 năm. Như với Warhol, tôi tới xưởng của Koons ở New York. Khi vào xưởng của anh ấy, biết về con thỏ và con chó bóng, bạn sẽ nghĩ mình cũng làm được. Khi rời khỏi đó sau vài giờ ở cùng với Koons, bạn nghĩ chẳng ai có thể bắt chước được những gì anh ấy đang làm.

Mặc dù anh ấy làm việc ở phố Wall như là một nhà buôn hàng hóa khi còn trẻ, nhưng Koons luôn muốn trở thành một nghệ sĩ. Nhưng anh ấy không phải là kiểu nghệ sĩ làm rầm rầm trong xưởng trong chiếc quần jeans xanh. Anh ấy thích mặc như một giám đốc thời những năm 1940-1950 – như George Cukor hoặc Cecil B. DeMille. Trong trang phục quần âu áo sơ mi lịch lãm và phong cách.

Anh ấy là một nhà nghiên cứu khá tương phản với Blake Mycoskie. Về giọng nói, anh ấy nói nhỏ. Nhưng các tác phẩm và hành động của anh thì lớn. Ví dụ vào năm 1991, anh kết hôn lần đầu – với La Cicciolina, một diễn viên người Ý nổi tiếng. Sau đó họ vẽ cùng nhau – gồm cả các bức ảnh trong đó họ đều khỏa thân, hoặc bán khỏa thân.

Koons là một người khiêm tốn, nhưng anh sẵn sàng làm những việc rủi ro cao, thậm chí gây sốc xét ở khía cạnh nghệ thuật. Và không giống như Warhol, Koons vui vẻ nói chuyện với bạn về những nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật cũng như các nguyên tắc trí tuệ và quan điểm lịch sử được truyền tải thành dạng trực quan.

Xưởng của anh, nơi mà anh đã tạo ra hầu hết các bức ảnh nghệ thuật ấn tượng của mình, như một phòng thí nghiệm khoa học tỉ mỉ và đắt đỏ. Nó gần như vô trùng. Anh ấy giống như một thiên tài tính toán, nhà khoa học, biết tư duy và sáng tạo.
Gần đây, tôi lại đến xưởng của anh ấy – nó được đặt ở một nơi khác, và nó giống như xưởng đầu tiên, một phòng thí nghiệm khoa học, đã được sửa sang và nâng cấp.

Sau đó, khi chúng tôi bắt đầu nói về bức ảnh bìa cho Hãy tò mò như một đứa trẻ, tôi đột nhiên nghĩ đến Jeff Koons. Anh ấy sẽ tiếp cận trí tò mò bằng cách nào? Anh ấy sẽ có gợi ý gì cho một bìa sách?
Tôi không hỏi anh ấy trực tiếp – tôi chuyển lời qua một người bạn chung rằng tôi thích anh ấy vẽ bìa sách cho tôi. Anh ấy gửi lời lại rằng chắc chắn anh ấy sẽ làm thế.

Một tháng sau đó, vào mùa hè năm 2014, chúng tôi gặp nhau ở Lễ hội Ý tưởng Aspen và tôi nói với anh ấy rằng: “Tôi rất vui khi biết anh đang vẽ bìa cho cuốn sách.”

Anh ấy nói: “Hãy kể tôi nghe về cuốn sách.”

Tôi mô tả những năm tháng thực hiện các cuộc trò chuyện tò mò, những người từng gặp, cảm giác rằng tôi sẽ chẳng có bất cứ thứ gì như bây giờ nếu thiếu đi sự tò mò. Tôi nói với anh ấy rằng điểm chính của cuốn sách đó là khuyến khích những người khác nhìn thấy sức mạnh giản đơn của trí tò mò, từ đó khiến cuộc sống của họ tốt hơn.

Khuôn mặt của Koons sáng lên. “Tôi hiểu,” anh ấy nói. “Tôi thích nó đấy.”

Và bản vẽ mà anh ấy làm cho bìa sách đã toát lên được những gì chúng tôi đang nói về – một khuôn mặt truyền tải chính xác niềm vui, sự cởi mở, và hứng khởi mà sự tò mò mang lại với những nét vẽ đơn giản.
Nhà văn hạ nhà sản xuất bằng một miếng võ khóa đầu
Có lẽ nhà văn quyền anh vĩ đại nhất tại Mỹ thời hiện đại là Norman Mailer. Ông là nhà văn lớn về nhiều thứ – Mailer giành được giải thưởng Sách Quốc gia và 2 giải Pulitzer – và cũng là một lực lượng hùng mạnh trong không gian văn hóa Mỹ bắt đầu từ những năm 1950 khi ông đồng sáng lập The Village Voice.

Khi chúng tôi bắt đầu làm Cinderella Man, bộ phim quyền anh mà sau đó chúng tôi sẽ trình chiếu trước Tổng thống Bush ở Nhà Trắng, tôi cho rằng sẽ rất thú vị và giá trị khi nói với Mailer về võ sĩ Jim Braddock và vai trò của quyền anh tại Mỹ thời kỳ Suy thoái.

Tôi gặp Mailer ở thành phố New York vào năm 2004. Tôi để ông ấy chọn địa điểm gặp mặt – ông chọn khách sạn Royalton, một trong những khách sạn Midtown cổ nổi tiếng vốn từng rất lộng lẫy nhưng đó đã là chuyện của quá khứ (Royalton đã được cải tổ từ đó).
Đó là kiểu hành lang có những chiếc ghế bọc nhung lổn nhổn cũ mèm. Khá không thoải mái.

Chúng tôi ngồi chéo nhau. Mailer ngồi rất gần tôi.

Khi chúng tôi gặp nhau, ông đã 81 tuổi, nhưng không có vẻ gì già nua cả. Chúng tôi ngồi trên ghế và nói chuyện với nhau về các mối quan hệ của cả hai.

Dù đã 81 tuổi nhưng Mailer vẫn là một người khó tính. Ông thấp, lùn và vẫn rất khỏe mạnh.

Ông có một khuôn mặt lớn, khó đăm đăm. Và có một giọng nói rất thú vị. Ông phát âm từng từ.

Mỗi từ có sắc thái riêng. Bạn sẽ bị mê hoặc bởi giọng nói ấy.

Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, nhưng Mailer gọi một ly rượu. Tôi nhớ đã nghĩ còn hơi sớm để bắt đầu dùng rượu – nhưng có thể không phải ở trong thế giới mà Norman Mailer đã sống và viết. Ông là một cầu nối dẫn đến thời kỳ của Hemingway. Ông có thứ gì đó mà bạn kỳ vọng ở một người như Mailer – thứ gì đó cổ kính giống như một chiếc thùng cạnh xe mô tô. Một ly whiskey.

Mailer thích ý tưởng cho bộ phim về Jim Braddock. Ông gắt gỏng – gắt gỏng về gần như mọi thứ vào chiều hôm đó. Nhưng ông thích ý tưởng về bộ phim.

Ông là kiểu người hài hước. Chúng tôi chụp ảnh – ông sẵn sàng chụp ảnh với tôi nhưng không thể hiện sự ấm áp và thân thiện. “Được thôi, chụp đi. Anh có một giây để làm việc đó,” ông nói.

Khi nói về quyền anh, ông sử dụng nắm đấm của mình để mô phỏng những cú đấm. Ông nói về những trận đánh nhau cá nhân – ông có thể nhớ hậu quả của những cú đấm ở những vòng cụ thể trong những trận đánh cụ thể – và ông cho tôi thấy những cú đấm, ông giương tay thể hiện những cú đấm thực sự. Ông nói về thuật xem tướng các võ sĩ, cách họ biết được cơ thể và vẻ mặt của nhau, tìm kiếm những nơi mà các cú đấm có thể gây sát thương mạnh nhất.

Ông mô tả một đợt đánh trả trong một trận đấu cụ thể và nói: “Rồi sau đó hắn ném anh ta ra khỏi sàn đấu.”

Tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi: “Bằng cách nào? Làm sao hắn có thể ném anh ta ra khỏi sàn đấu?”

Ông chỉ tiến lại, nói rằng: “Chuyện là thế,” rồi đột nhiên Norman Mailer hạ tôi bằng một miếng võ khóa đầu. Ngay trong hành lang của khách sạn Royalton. Nhà văn nổi tiếng hạ nhà sản xuất Hollywood bằng một miếng võ khóa đầu.
Tôi không biết phải làm gì.

Cánh tay khóa chặt đầu tôi cũng đủ chứng tỏ ông khỏe đến mức nào. Điều đó có chút xấu hổ. Tôi không muốn cưỡng lại. Nhưng tôi cũng không chắc chuyện gì xảy ra tiếp theo đó. Liệu Mailer sẽ khóa đầu tôi trong bao lâu?

Nó kéo dài đủ để lưu lại một ấn tượng sâu đậm.

Bữa sáng với Oprah
Tôi gặp Oprah Winfrey vừa đúng lúc tôi cần gặp cô ấy. Tôi cảm thấy có chút e dè và Oprah chính xác là kiểu người trung thực, ấm áp mà tôi cần nói chuyện.

Đó là vào đầu năm 2007. Tôi chưa bao giờ tình cờ gặp Oprah, mặc cho những ảnh hưởng của cô ấy đến truyền hình và phim ảnh.

Tôi nói chuyện với Spike Lee, và tôi biết họ là bạn. “Tôi chẳng muốn gì hơn việc gặp được Oprah,” tôi nói với Spike. “Anh giúp tôi chứ?”

Spike cười. “Cứ gọi cho cô ấy đi,” anh ấy nói.

“Tôi đâu có biết cô ấy,” tôi nói. “Tôi không nghĩ là cô ấy sẽ gọi lại cho tôi đâu.”

Spike lại cười. “Cô ấy biết anh mà,” anh ấy nói. “Cứ gọi cho cô ấy đi!”

Spike đã cho tôi động lực. Tôi quyết định gọi cho Oprah.

Ngày hôm sau, khi tôi đang ngồi trong văn phòng với Jennifer Lopez. Thực tế, JLo đang ở văn phòng của tôi và hát một bản nhạc tiếng Tây Ban Nha rất hay cho tôi nghe.

Trợ lý của tôi gõ cửa, hơi hé cánh cửa sau đó và nói với vào bằng giọng thì thầm: “Cô Oprah đang đợi điện thoại. Chính là cô Oprah ấy.”

Tôi ngạc nhiên. Tôi nhìn Jennifer. Tôi nói: “JLo, đích thân Oprah gọi. Tôi phải nói chuyện với cô ấy. Để tôi nhận điện thoại đã.”

Jennifer nhã nhặn ngừng hát. Nhưng cô ấy không cười.

Tôi cầm điện thoại lên. “Oprah!” tôi nói. “Tôi không thể cưỡng lại được việc nói với cô rằng tôi thích gặp cô đến nhường nào. Tôi sẽ đến bất cứ đâu mà cô bảo.” Tôi giải thích về các cuộc gặp tò mò của mình chỉ trong một câu.
Và với giọng nói ấm áp tuyệt vời, Oprah nói: “Rất vui được gặp anh, Brian. Đương nhiên, tôi biết anh là ai.” Và sau đó cô ấy khen một trong những bộ phim của tôi.

“Tôi sẽ ở khách sạn Bel-Air ở Los Angeles trong vài ngày,” cô ấy nói thêm.

Và vì vậy tôi đã đến và ngồi ở ngoài sau đó 10 ngày, vào sáng ngày 29 tháng 1 năm 2007, tại khuôn viên của khách sạn Bel-Air ở Los Angeles, đợi ăn sáng với Oprah Winfrey.

Tôi có cảm giác thiếu tự tin bởi tôi vừa mới trải qua một cuộc khủng hoảng mối quan hệ. Tôi đã phải đưa ra lựa chọn lớn trong đời.

Oprah xuống để ăn sáng với bạn và đồng nghiệp của cô ấy, Gayle King. Chúng tôi dùng huevos rancheros77. Chúng tôi nói chuyện về cuộc sống, các mối quan hệ, về những gì thực sự quan trọng và cách nắm giữ chúng – không chỉ ở hiện tại mà còn về lâu dài.

Tốt hơn là bạn nên có kiểu nói chuyện đó với bất kỳ những ai mà bạn cảm thấy không chắc chắn và hoài nghi?

Oprah sở hữu rất nhiều sự khôn khéo. Cô ấy cũng biết cách lắng nghe. Cô ấy nhắc tôi rằng cuộc sống là cả một quá trình, không phải những khoảnh khắc riêng rẽ – rằng có sai lầm, và đương nhiên có cả niềm vui lẫn nỗi buồn.
“Tôi luôn cố gắng tự xoay xở cuộc sống,” cô ấy nói.

Chúng tôi nói chuyện trong gần hai giờ. Rõ ràng, Oprah có rất nhiều việc phải làm. Gayle đã sẵn sàng – cô ấy mặc chỉnh tề. Trái lại, Oprah phải về phòng để chuẩn bị cho ngày làm việc của mình. Cô ấy đến dùng bữa sáng cạnh bể bơi trong bộ quần áo ngủ. Và đó chính xác là mức độ thoải mái của cuộc nói chuyện giữa chúng tôi – như thể chúng tôi đều đang mặc quần áo ngủ vậy.
Ăn chung cốc kem với một công nương

Xét về sự hào hứng đơn thuần, thì không gì sánh được với một công chúa và hoàng tử thực sự. Vào tháng 9 năm 1995, chúng tôi được mời thực hiện buổi chiếu ra mắt bộ phimApollo 13 cho Thái tử Charles và Công nương Diana cùng gia đình hoàng gia ở London.

Buổi chiếu ra mắt phim Hoàng gia có phần hơi khác so với buổi chiếu ra mắt phim ở Nhà Trắng mà chúng tôi thực hiện. Bạn gặp Hoàng tộc ở một rạp chiếu phim ở London và sau đó, trong trường hợp của Apollo 13, mọi người sẽ được mời ăn tối ở một địa điểm khác.

Thái tử Charles và Công nương Diana đã chính thức chia tay, vì thế chúng tôi không chắc ai sẽ đến sự kiện. Nhưng ngay khi chúng tôi biết buổi chiếu phim sẽ diễn ra, tôi đã vi phạm nghi thức ngoại giao bằng cách ghé qua văn phòng của Công nương Diana. Tôi giải thích rằng tôi trông chờ buổi chiếu ra mắt phim, rằng tôi đã thực hiện những cuộc gặp tò mò và rất vui khi có cơ hội ngồi riêng nói chuyện với Công nương trước hoặc sau các sự kiện của buổi tối hôm đó.

Có lẽ không ngạc nhiên gì khi tôi không hề nhận được tin phản hồi.

Buổi chiếu ra mắt được thực hiện vào ngày 7 tháng 9 ở một rạp chiếu phim ở phía Tây London, và chúng tôi đều phải xếp hàng để chính thức chào đón Công nương Diana (Thái tử Charles không tham dự). Sau buổi chiếu phim, một vài người trong chúng tôi được mời đến ăn tối ở một nhà hàng lớn với những chiếc bàn hình chữ nhật dài. Chúng tôi nhận chỗ đã được sắp trước.

Bây giờ khi bạn thực hiện một buổi chiếu ra mắt phim Hoàng gia, thậm chí trước khi bạn lên máy bay vượt Đại Tây Dương, những gã từ Hãng Universal đến và nói qua với bạn về nghi thức ngoại giao khi có sự hiện diện của các thành viên Hoàng gia: Cách chào đón họ, rằng bạn đừng đụng vào họ, lúc nào bạn nên ngồi, lúc nào bạn nên đứng và lúc nào nên cúi chào. Bạn được tập huấn lại lần hai sau khi bạn đến London.

Vì thế chúng tôi nhận chỗ ngồi cho bữa tối và người cuối cùng bước vào là Công nương Diana.

Khi cô ấy bước vào, mọi người đứng dậy. Cô ấy ngồi, chúng tôi cũng ngồi xuống – và ngồi đối diện tôi là Công nương Diana.

Nếu không được nhắc trước, có vẻ như tôi sẽ thực hiện ngay cuộc nói chuyện tò mò của mình sau đó.

Công nương rất đẹp – tối hôm ấy, cô mặc một chiếc váy ngắn màu đen hiệu Versace thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông London bởi có lẽ đó là chiếc váy ngắn nhất mà cô từng mặc khi xuất hiện trước công chúng.
Ngay khi cô ngồi xuống, tôi nghĩ rằng: Tôi sẽ không để cuộc nói chuyện giữa chúng tôi tuân theo lối gò bó mà nghi thức ngoại giao cho phép.

Tôi cho rằng nó phải vui vẻ và hài hước. Cô ấy kết nối ngay lập tức – cô ấy cũng đùa lại. Bạn có thể thấy những người xung quanh cô có chút ngạc nhiên trước cách hành xử của tôi và trước sự tham gia đầy hào hứng của cô ấy.

Cô ấy rất thích bộ phim Apollo 13. Cô không sôi nổi như tôi. Với chất giọng Anh du dương tuyệt vời của mình, cô nói: “Đó là một bộ phim lớn. Thực sự rất vui vẻ. Một bộ phim rất quan trọng.”

Trong suốt bữa tối, chúng tôi nói chuyện về các bộ phim. Chúng tôi nói về văn hóa đại chúng ở Mỹ. Tom Hanks ngồi bên cạnh Công nương và anh ấy cũng thể hiện sự hài hước vốn có của mình vào tối hôm đó. Ron Howard ngồi ở bên còn lại của Công nương. Tom và tôi đều cố gắng khiến Công nương cười, vì thế tôi không chắc Ron có cơ hội nói nhiều.

Diana gợi tôi nhớ đến Audrey Hepburn trong bộ phim Roman Holiday – mặc dù trong trường hợp của Diana, cô ấy là một người bình thường trở thành công nương thay vì cách chính thống khác. Sự quyến rũ của Diana đến từ vẻ đẹp, cử chỉ và sự cuốn hút của cô ấy.

Tôi ngạc nhiên nhất trước khiếu hài hước của cô ấy. Tôi không mong cô ấy cười khi chúng tôi pha trò. Tôi nghĩ cô ấy sẽ cười mỉm – nhưng cô ấy cười to thành tiếng. Thật thoải mái. Cô ấy là người nổi tiếng nhất thế giới nhưng cũng bị mắc kẹt chút ít. Tiếng cười thể hiện sự tự do.
Trong bữa tối, không có phần gọi món – thực đơn đã được sắp đặt trước. Khi chúng tôi ăn xong món chính, tôi nói với Công nương: “Cô biết đấy, tôi rất thích ăn kem. Cô có nghĩ tôi có thể gọi kem không?”
Công nương Diana mỉm cười. “Nếu anh muốn ăn kem,” cô nói, “sao không gọi bồi bàn?”

Tôi gọi một người bồi bàn lại và nói: “Liệu tôi và Công nương có thể ăn chung một cốc kem không?”

Công nương nhìn tôi với biểu cảm muốn nói rằng: “Thật đáng yêu. Thật táo tợn. Và tôi hơi kinh ngạc.”

Những người bồi bàn tranh nhau đi lấy kem. Tôi có thể nói rằng tôi chưa từng thấy các bồi bàn tranh nhau đi tìm kem như lúc này.

Ngay sau đó, một bát kem được đem ra – một viên sô-cô-la và một viên vani. Theo lẽ tự nhiên, tôi đưa bát kem mời Công nương Diana dùng trước, và cô ấy dùng một hai thìa. Sau đó tôi ăn vài thìa.

Khi cốc kem gần hết, tôi đưa bát kem về phía Công nương. Và mặc dù tôi đã ăn dở, nhưng cô ấy vẫn xúc thêm vài thìa. Cô ăn sau khi tôi đã ăn. Việc đó khiến tôi ngạc nhiên. Cô mỉm cười.

Sau đó, Công nương phải rời đi.

Tôi nói: “Sao cô phải đi? Chúng ta đang vui vẻ mà!”

Cô nói: “Đó là nghi thức ngoại giao. Tôi phải rời đi trước nửa đêm.” Giống như trong một câu chuyện cổ tích vậy.

Sau đó, Công nương đứng lên và tất cả chúng tôi cùng đứng dậy theo, cô ấy rời đi sau đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.