Hẹn với tử thần

Chương 19



Poirot thích thú nhìn người phụ nữ trẻ dong dỏng cao, cử chỉ rất đàng hoàng vừa mới bước vào phòng.

Ông đứng dậy và cúi đầu chào lịch thiệp.

– Bà Lennox Boynton? Tôi là Hercule Poirot, rất vui lòng được phục vụ bà.

Nadine Boynton ngồi xuống. cặp mắt đầy vẻ lo lắng của cô nhìn thẳng vào ông.

– Tôi hy vọng là bà không phản đối, thưa bà, việc tôi xen vào nỗi buồn phiền của bà bằng cách này chứ?

Cái nhìn của người thiếu phụ không thay đổi.

Cô cũng không trả lời ngay. Ánh mắt của cô vẫn tỏ ra nghiêm nghị, từ tốn. Cuối cùng cô thở dài và nói:

– Tôi nghĩ sẽ là tốt hơn cho tôi nếu tỏ ra thảng thắn với ông, ông Poirot.

– Tôi hoàn toaán đồng ý với bà.

– Ông xin lỗi vì đã xen vào những nỗi buồn rầu của tôi. Nỗi buồn đó, ông Poirot ạ, nó chẳng hề tồn tại và việc gì phải tỏ ra buồn rầu cơ chứ. Tôi chẳng có một chút tình cảm yêu thương nào với mẹ chồng tôi và tôi cũng nói thật là tôi chẳng lấy làm tiếc về cái chết của bà ta cả.

– Cảm ơn bà, vì những lời nói thẳng thắn vừa rồi.

Nadine tiếp tục:

Tuy vậy, dù tôi không thể tỏ ra buồn rầu đi nữa, tôi cũng thú nhận là mình thấy … hối hận.

– Hối hận? Cặp lông mày của Poirot nhướn lên.

– Vâng, đúng vậy. Bởi vì, ông cũng biết, chính tôi đã đem cái chết đến cho bà ấy. Vì vậy mà tôi đã phải cay đắng trách móc mình rất nhiều.

– Bà đang nói cái gì vậy, thưa bà?

– Tôi đang nói rằng tôi là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ chồng tôi. Tôi đã làm cái việc, mà tôi nghĩ là trung thực nhưng hậu quả của nói thì thật đáng tiếc. Tôi đã giết bà ta vì tất cả những dự định và mục đích ấy.

Poirot dựa lưng vào ghế.

– Liệu bà có thể vui lòng giải thích câu nói vừa rồi là gì không, thưa bà?

Nadine cúi đầu.

– Vâng, đó là những gì tôi đang muốn làm đây. Phản ứng đầu tiên của mình cho chính bản thân mình, nhưng tôi hiểu rằng thời gian đã hết khi đáng lẽ phải nói ra điều cần nói. Ông Poirot, tôi thấy rõ là ông tỏ ra tự tin khi sống trong một môi trường thân thiện phải không?

– Vâng, đúng thế.

– Thế thì tôi sẽ nói một cách đơn giản cái gì đã xảy ra. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi, thưa ông Poirot, nó chẳng hạnh phúc chút nào cả. Chồng tôi hoàn toàn không có lỗi trong chuyện đó. Ảnh hưởng của bà mẹ đối với anh ấy thật là đáng trách. Đôi khi tôi có cảm giác là cuộc sống của tôi giờ đây đã trở nên không thể chịu đựng được nữa.

Cô ngừng lại rồi nói tiếp:

– Tôi đã đi đến một quyết định vào đúng cái buổi chiều mà mẹ chồng tôi chết. Tôi có một người bạn, một người bạn rất tốt. Anh ấy đã nhiều lần gợi ý tôi nên ra đi và sống cùng anh ấy. Vào cái buổi chiều đó, tôi đã chấp nhận lời đề nghị của anh.

– Bà quyết định sẽ bỏ chồng mình ư?

– Vâng.

– Nói tiếp đi, thưa bà.

Nadine hạ giọng nói tiếp.

– Vì đã quyết định rồi, nên tôi muốn … muốn nói ra càng nhanh càng tốt. Từ chỗ đi dạo tôi đi một mình về tới khu trại. Bà mẹ chồng tôi đang ngồi đó, một mình, chẳng ai xung quanh, vì thế tôi quyết định sẽ nói điều đó cho bà ta biết. Tôi đi kiếm một cái ghế, ngồi xuống cạnh bà và đột ngột nói thẳng với bà ta những gì mình đã quyết định.

– Bà ta ngạc nhiên chứ ?

– Có, tôi e đó là một cú sốc lớn đối với bà ta. Bà ta vừa ngạc nhiên, vừa tức giận … rất tức giận. bà ta … bà ta làm cử chỉ như vậy ! Nhưng tôi không muốn nói tới chuyện đó nữa. Tôi đứng dậy và bỏ đi.

Giọng nói Nadine nhỏ lại. – Tôi … tôi không bao giờ nhìn thấy bà ấy còn sống nữa.

Poirot gật đầu. Ông nói đơn giản :

– Tôi hiểu.

Rồi ông nói tiếp :

– Cô nghĩ cái chết của bà ta là do bị sốc sao ?

– Tôi chắc chắn là vậy. Ông cũng biết là bà ấy đã hoàn toàn kiệt sức vì đi tới chốn này rồi. Chuyện của tôi và nỗi tức giận của bà ấy có thể đã làm nốt phần còn lại. Tôi cảm thấy mình có tội hơn nữa khi bản thân tôi cũng đã được học hành qua về cách chăm sóc người bị bệnh, và vì thế mà tôi, hơn bất kỳ một ai khác, phải nhận rõ trách nhiệm về việc đã xảy ra.

Poirot ngồi im lặng một lúc, sau đó ông nói :

– Chính xác ra thì bà đã làm gì khi bà bỏ bà ta đi ?

– Tôi mang cái ghế mà lúc trước tôi đã lấy ra, đưa nó trở về chỗ củ, sau đó thì đi xuống lều lớn. chồng tôi cũng đã có ở đó.

Poirot nhìn cô chăm chú, rồi ông nói :

– Thế bà đã nói với ông ấy biết quyết định của mình chưa ? Hay là bà đã nói với ông ấy trước rồi ?

Im lặng, chỉ là một chút im lặng trước khi Nadine kể.

Tôi đã nói với anh ấy rồi.

Ông ta phản ứng thế nào ?

Cô lặng lẽ trả lời :

– Anh ấy rất bối rối.

– Ông ấy có xin bà xem xét lại quyết định không ? Cô lắc đầu.-

Anh ấy – anh ấy chẳng nói gì nhiều : ông biết đấy, cả hai chúng tôi đã quen biết nhau vào đúng lúc mà một chuyện tương tự như thế này có thể đã xảy ra.

Poirot hỏi :

– Bà thứ lỗi cho tôi chứ, nhưng ngưòi đàn ông kia, tất nhiên phải là ông Jefferson Cope chứ ?

– Vâng.

Im lặng rất lâu, rồi bằng cái giọng y như lúc nãy, Poirot hỏi :

– Bà có sy –lanh tiêm không, thưa bà ?

– Có … mà không.

Cặp lông mày Poirot nhướn lên.

Nadine giải thích.

– Tôi có một cái sy lanh cũ để lẫn với những thứ khác trong tủ thuốc mang theo khi đi du lịch, nhưng mà tôi lại để nó trong cái vali lớn để lại ở Jerusalem rồi.

– Tôi hiểu.

Nadine im lặng, rồi cô nói tiếp, run lên vì lo lắng.

Tại sao ông lại hỏi tôi như vậy, ông Poirot ?

Ông không trả lời câu hỏi của cô. Thay vào đó, ông lại đưa ra một câu hỏi khác.

– Tôi nghĩ là bà Boynton đang tiêm một thứ thuốc có pha lẫn digitalin phải không ?

– Vâng.

Poirot nghĩ rằng, đến lúc này thì Nadine đã hoàn toàn cảnh giác.

– Vì bệnh tim à ?

– Vâng.

– Xét theo một vài khía cạnh, thì digitalin là một loại độc dược phải không ?

– Tôi nghĩ thế. Tôi thực sự không biết lắm về chuyện này.

– Nếu như bà Boynton đã tiêm quá liều loại thuốc này …

Nadine ngắt lời ông rất nhanh, cô quả quyết.

– Không thể thế được. Bà ấy rất cẩn thận. Tôi cũng thế, tôi luôn là người đo liều thuốc cho bà ấy mà.

– Có thể là lượng thuốc lên chỉ riêng trong cái lọ đó thôi. Một sai lầm của dược sĩ, có thể lắm chứ ?

– Tôi nghĩ là không thể như thế được. – Cô lặng lẽ trả lời.

– À, vậy thì, các phân tích sẽ cho chúng ta thấy.

Nadine nói :

– Thật là không may cái lọ đó đã bị vỡ.

Poirot nhìn cô thích thú.

– Ra thế! Vậy ai làm vỡ cái lọ.

– Tôi không rõ lắm. Có thể là một trong số những ngưòi phục vụ. Khi đưa mẹ chồng tôi vào trong lều của bà ấy, tôi thấy mọi thứ rất lộn xộn mà ánh sáng thì rất kém. Có một cái bàn bị đổ.

Poirot điềm tĩnh quan sát cô một lúc.

– Điều này, – ông nói – thú vị đấy.

Nadine Boynton mệt mỏi cựa mình trên ghế.

– Ông cho rằng, mẹ chồng tôi chết không phải là do bị sốc, mà do sử dụng quá liều digitalin phải không? Cô hỏi – Đối với tôi chuyện đó là không hợp lý.

Poirot dướn người ra phía trước.

– Thậm chí ngay cả khi tôi nói với bà là tiến sĩ Gerard, ông bác sĩ người Pháp đó đang ở trong lều vì bị sốt cao, đã bị mất một lượng lớn thuốc digitalin pha chế sẵn để trong túi thuốc của ông ta ư?

Khuôn mặt Nadine trở nên tái nhợt. Ông nhìn thấy cô đưa tay bíu chặt lấy cái bàn, mắt cụp xuống. Cô ngồi bất động. Trông cô giống như bức họa Đức Mẹ được tạc lên trên đá.

– Thưa bà, – cuối cùng Poirot lên tiếng – Bà có thể nói gì về chuyện này?

Câu hỏi thứ hai được đặt ra, nhưng Nadine chẳng nói lời nào. Mãi hai phút sau cô mới ngẩng đầu lên, và Poirot hơi giật mình khi nhận thấy cái nhìn trong đôi mắt cô.

– Ông Poirot, tôi không giết mẹ chồng mình . Ông biết như vậy! Bà ta còn sống và hoàn toàn bình thường khi tôi bỏ bà ta ở lại. Nhiều người có thể làm chứng được chuyện này! Vì vậy, với tư cách là một người vô tội, tôi xin mạo hiểm cầu khẩn ông một chuyện. Tại sao ông lại quan tâm tới chuyện này? Nếu tôi lấy danh dự mà thề với ông rằng khi sự công bằng thật sự đã đạt được rồi, thì ông cũng vẫn không bỏ qua vụ này ư? Đã có quá nhiều sự chịu đựng ở đây mà ông không hề biết. Còn bây giờ, sự thanh thản và một hạnh phúc trong tầm tay đã tới, ông lại định phá nó đi hay sao?

Poirot đứng thẳng dậy. Một thứ ánh sáng xanh nhảy nhót trong đôi mắt ông.

– Xin bà nói rõ. Bà muốn tôi phải làm gì?

– Tôi đang nói với ông rằng cái chết của mẹ chồng tôi là hoàn toàn bình thường và tôi đang yêu cầu ông chấp nhận điều đó.

– Chúng ta phải nói rõ. Bà tin rằng mẹ chồng bà chắc chắn đã bị hại, và bà yêu cầu tôi bỏ qua kẻ giết người !

– Tôi đang yêu cầu lòng thương hại của ông!

– Vâng, bà đang yêu cầu một người không có chút lòng thương hại nào cả.

– Ông không hiểu … không phải là như vậy.

– Có phải bà đã thú nhận cái tội ác mà bà biết rất rõ phải không, thưa bà?

Nadine lắc đầu. Cô chứng tỏ mình vô tội.

– Không, cô lặng lẽ nói- bà ấy còn sống khi tôi bỏ bà ấy lại.

– Thế sau đó, cái gì đã xảy ra? Bà biết hoặc là bà nghi ngờ gì chăng?

Nadine vụt trở nên sôi nổi.

– Ông Poirot, một lần tôi đọc báo nói về vụ Chuyến tàu tốc hành phương Đông , ông đã chấp nhận chuyện đã xảy ra.

Poirot nhìn cô tò mò.

– Tôi không hiểu ai nói với bà như vậy.

– Có đúng thế không?

Ông từ tốn nói:

– Vụ đó là … hoàn toàn khác.

– Không, không, nó chẳng khác chút nào cả! Người đàn ông bị giết là một con quỷ,- cô hạ giọng “còn ở đây, bà ấy là …”.

Poirot nói:

– Không tính đến khía cạnh tính cách và đạo đức của nạn nhân! Một người tự lạm quyền được tự phán xét và cướp đi mạng sống của người khác, thì không thể bình yên mà tồn tại trong xã hội được. Tôi xin nói với bà như vậy! Tôi là Hercule Poirot!

– Ông thật là cứng nhắc !

– Thưa bà, xét theo một khía cạnh nào đó thì tôi quả là một con người cứng nhắc. Tôi không thể bỏ qua kẻ giết người ! Đây là những lời nói cuối cùng của Hercule Poirot.

Nadine đứng dậy. Đôi mắt sẫm màu của cô lóe lên.

– Thế thì đi đi ! Hãy đem đau khổ và xui xẻo tới những người vô tội đi ! Tôi chẳng có gì để nói nữa.

– Nhưng tôi … tôi thì lại nghĩ là bà có nhiều chuyện để nói đấy …

– Không, không còn gì nữa cả.

– Nhưng có. Thưa bà, chuyện gì đã xảy ra, sau khi bà rời mẹ chồng đi ? Trong khi bà và bà và chồng bà cùng ở trong lều lớn ?

Nadine nhún vai.

– Làm sao mà tôi biết được ?

– Bà phải biết hoặc là bà nghi ngờ.

Nadine nhìn thẳng vào mắt Poirot.

– Tôi chẳng biết gì cả, ông Poiror ạ.

Quay người lại, và cô ra khỏi phòng


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.