Hẹn với tử thần

Chương 26



Poirot gặp lại hai người trên đường về nhà. Người thứ nhất là ông Jefferson Cope.

– Ông Hercule Poirot ? tên tôi là Jefferson Cope.

Hai người đàn ông bắt tay xã giao chào nhau.

Sau khi đã thả bộ cùng Poirot, ông Cope mới giải thích :

– Mọi người xung quanh nói ông đang tiến hành công việc thẩm vấn xung quanh cái chết của người bạn cũ của tôi là bà Boynton. Đó thật là một cú sốc lớn. Tất nhiên, ông cũng thấy, bà ấy lẽ ra không bao giờ nên tham dự vào một chuyến đi mệt mỏi như vậy. Nhưng mà bà ta rất cứng đầu, ông Poirot ạ. Cả gia đình bà ta chẳng thể làm gì được bà ấy đâu. Bà ta là chúa trong cái gia đình ấy, mà tôi đoán là không phải mới bây giờ đâu, mà từ lâu lắm rồi. Hay nói chính xác hơn là những gì mà bà ta muốn thì phải được thực hiện ! Đúng vậy, thưa ngài, sự thật là thế đấy.

– Cả hai cùng im lặng một lúc.

– Tôi chỉ muốn nói với ông rằng, thưa ông Poirot, tôi là một người bạn vong niên của gia đình Boynton. Theo lẽ đương nhiên, cả gia đình họ rất bối rối với việc xảy ra, họ lo lắng vì những chuyện vụn vặt và mặt khác họ cũng nữa, vì thế nếu cần có một sự thu xếp nào đó. Ví dụ như những thủ tục cần thiết, thu xếp đám tang, chuyển xác bà ta tới Jerusalem thì tại sao tôi lại khoanh tay ngồi nhìn được nhỉ ? Chỉ cần gọi cho tôi một cú là tôi sẽ làm bất cứ việc gì giúp họ.

– Tôi dám chắc với ông là gia đình họ đánh cao những lời đề nghị của ông, – Poirot nói. Tôi cho rằng ông là một người bạn đặc biệt của bà Nadine Boynton.

Ông Cope hơi đỏ mặt.

– Đúng vậy, nhưng chúng ta sẽ không nói nhiều tới chuyện này chứ, ông Poirot? Tôi nghe nói là ông đã có cuộc thẩm vấn với bà Lennox Boynton sáng nay và bà ấy có thể đã tiết lộ cho ông đôi chút về việc xảy ra giữa chúng tôi, nhưng mọi chuyện bây giờ đã chấm hết rồi. Bà Boynton là một ngưòi phụ nữ tốt bụng và bà ấy cảm thấy nghĩa vụ đầu tiên của mình là phải ở cạnh chồng trong lúc anh ta bị mất đi một người thân thiết.

Ông Cope ngừng lời. Poirot tiếp nhận thong tin đó bằng những cử động tinh tế của cái đầu. Sau đó ông nói:

– Mong ước của đại tá Carbury là có được những lới khai rõ ràng về cái buổi chiều hôm bà Boynton chết. Liệu ông có tiết lộ gì về buổi chiều hôm đó không?

– Tại sao không, chắc chắn rồi. Sau khi ăn bữa trưa và nghỉ ngơi một chút, chúng tôi bắt đầu một cuộc đi dạo rất thân mật. Tôi rất vui mà nói rằng, chúng tôi đã thoát được cái tên phiên dịch đến là khó chịu. Hắn ta phát cuồng lên vì cái chủ đề người Do Thái. Tôi thấy anh ta đã tỏ thái quá ở điểm đó. Rồi chúng tôi xuất phát. Chính vào dịp đó thì tôi mới có cơ hội nói chuyện với Nadine. Sau đó cô ấy mong muốn được ở lại một mình để thảo luận một số vấn đề với ông chồng. Tôi đi một mình, chậm rãi quay trở lại khu trại. Khoảng được nửa đường thì tôi gặp hai quý bà người Anh cùng đi trong chuyến tham quan buổi sáng. Tôi biết một người trong họ là có dòng dõi quý tộc.

Poirot nói rằng đó mới là điểm chính mà ông quan tâm.

– À, bà ta là một người phụ nữ rất hay, có hiểu biết và rất có trí tuệ. Còn người kia tôi thấy, dường như là cô em yếu ớt của bà ta. Trông cô ta như sắp chết vì mệt mỏi vậy. Chuyến thăm quan buổi sáng hôm ấy thực ra là quá sức đối với một người như bà Boynton, nhất là vì bà ấy không chịu nổi độ cao. Vâng, tôi đang nói gì nhỉ, tôi gặp hai quý bà và câu chuyện của chúng tôi là về những người Nabatean. Chúng tôi đi lòng vòng một lúc nữa rồi quay về khu trại vào khoảng sáu giờ. Bà Westholme cứ khăng khăng đòi uống trà và tôi lấy làm vinh dự được cùng uống trà với bà ấy dù thứ trà đó hơi loãng nhưng lại có mùi vị rất thơm ngon. Sau đó, những người phục vụ bày bàn ăn và được cử đi mời bà Boynton, và người ta tìm thấy bà ấy đã ngồi chết trong ghế từ bao giờ rồi.

– Lúc trên đường quay trở về trại, anh có để ý đến bà Boynton không?

– Tôi chỉ để ý thấy là bà ấy vẫn ngồi nguyên như cũ, chỗ mà chiều tối nào bà ấy cũng ngồi, nhưng mà tôi không chú ý lắm vì lúc đó tôi đang giải thích cho bà Westholme tình hình của cuộc khủng hoảng trước đó. Tôi cũng phải để ý đến cả cô Pierce nữa. Cô ta mệt mỏi đến nỗi chỉ có thể lê bước đi mà thôi.

– Xin cảm ơn ông Cope. Tôi vô phép xin được hỏi, liệu có phải là bà Boynton để lại một tài sản kếch xù không?

– Rất đáng kể. Tuy vậy cũng phải nói một cách nghiêm túc rằng, số tài sản đó không phải là do bà ta để lại. Bà ta chỉ được hưởng lợi tức từ số tài sản khi còn sống mà thôi. Và nếu bà ta chết đi thì số tài sản sẽ được chia đều cho các con của ông Elmer Boynton quá cố. Do vậy, từ bây giờ trở di họ có thể sống thoải mái rồi.

– Tiền bạc tạo ra nhiều khác biệt, – Poirot nói, – Vì nó mà người ta gây ra biết bao nhiêu tội ác!

Ông Cope nhìn Poirot hơi hoảng hốt.

– Chính thế đấy, tôi cũng cho là như vậy, – ông ta thừa nhận.

Poirot mỉm cười rất ngọt ngào rồi nói:

– Nhưng mà giết người cũng vì rất nhiều động cơ, phải không? Xin cám ơn ông, ông Cope vì sự hợp tác của ông.

– Rất hân hạnh được phục vụ cho ông, – ông Cope nói : – Tôi vừa nhìn thấy cô King ngồi kia cơ mà? Tôi đi gặp và nói chuyện với cô ấy đây.

Poirot tiếp tục đi bộ xuống chân đồi.

Ông gặp cô Pierce đang run rẩy leo ngược lên.

Cô ta chào ông, gần như là không thể thở nổi nữa.

– Ồ, ông Poirot, tôi rất vui vì gặp ông. Tôi vừa nói chuyện với cái cô con gái rất kỳ quặc nhà Boynton xong, cái cô trẻ nhất ấy. Cô ta toàn nói những chuyện gì gì ấy. Nào là kẻ thù , nào là những tù trưởng muốn bắt cóc cô ta và nào là xung quanh cô ta toàn là dọ thám. Nhưng thực ra nghe những chuyện đó cũng có vẻ lãng mạn đấy! Bà Westholme nói là tất cả những chuyện như vậy là vô nghĩa và bà ấy có một con hầu gái tóc hoe đỏ cũng toàn nói láo kiểu như thế. Nhưng mà theo ý tôi, thì bà Westholme nhiều lúc tỏ ra cứng rắn quá. Những chuyện đó có thể là có thật lắm chứ, phải không ông Poirot? một vài năm trước tôi có đọc thấy rằng , một trong số những người con gái của Nga hoàng đã không bị giết trong cuộc Cách mạng Nga mà ngược lại đã bí mật trốn thoát tới Mỹ. Người đó tôi tin rằng chính là quận chúa Taniana. Nếu quả đúng là như vậy, thì cô ta chắc hẳn chính là con gái của Taniana? Ở cô ấy, có phảng phất vẻ quý tộc và ông có thấy cái nhìn của cô gái ấy không? Còn hai cái gò má nữa chứ, rõ là dân Xlavơ. Trông chúng mới đáng sợ làm sao?

Trông cô Pierce lúc này thật sôi nổi. Poirot lên tiếng triết lý:

– Sự thật thì cuộc đời này có quá nhiều điều lạ kỳ.

– Sáng nay tôi không định phán xét xem ông là người như thế nào đâu đấy nhé, – cô ta nói, hai tay xiết lại với nhau. – Tất nhiên rồi, ông là một thám tử rất nổi tiếng! Tôi đã đọc toàn bộ vụ án A.B.C. Thật là rùng rợn. Lúc đọc về vụ án đó thì tôi đang dạy học gần Doncaster.

Poirot lẩm nhẩm điều gì đó trong khi cô Pierce vẫn tiếp tục nói, giọng mỗi lúc một thêm xúc động.

– Chính vì thế mà tôi cảm thấy có lẽ … có lẽ là mình đã nhầm …chuyện buổi sáng nay. Trong khi một ngưòi phải luôn luôn nói ra tất cả, thì tại sao những người khác lại không thể? thậm chí cả với một chi tiết nhỏ nhất, tuy nhiên chuyện này dường như là không có liên quan gì lắm. Bởi vì, nếu ông mà xem xét chuyện này, thì tất nhiên ông sẽ cho rằng bà Boynton tội nghiệp hẳn đã bị hại chết. Bây giờ thì tôi thấy rõ rồi! Tôi cho rằng ông Mad Mood, tôi không tài nào nhớ chính xác tên của ông ta, cái người phiên dịch ấy, tôi không thể nghĩ ông ta là một gián điệp của Bôn xê vích được? hay thậm chí là cô King? Tôi tin chắc rằng rất nhiều cô gái được dạy dỗ chu đáo trong các gia đình danh giá cuối cùng lại trở thành người của cánh tả? Chắc ông hiểu, bất cứ ai khi nhìn thấy chuyện này sẽ thấy nó là hơi kỳ cục, chính vì thế mà tôi rất băn khoăn nên tôi buộc phải nói ra với ông.

– Chính xác, – Poirot nói – Và vì vậy bà sẽ kể cho tôi biết tất cả mọi chuyện.

– Vâng, thật ra thì chuyện này cũng không quan trọng lắm đâu. Chỉ có là vào một buổi sáng sau hôm bà Boynton chết, tôi dậy khá sớm. Tôi nhìn ra ngoài lều xem ánh nắng ban mai, ông cũng biết lúc đó ánh nắng chẳng đẹp gì lắm đâu bởi vì lúc đó mặt trời đã mọc được hơn một tiếng rồi. Tuy vậy cũng vẫn còn sớm…

– Vâng, vâng, thế bà nhìn thấy gì?

Một việc rất kỳ lạ, dù rằng nó tỏ ra là không phải thế. Tôi nhìn thấy cô con gái nhà Boynton bước ra khỏi lều và quăng bừa một vật gì đó xuống suối. Tất nhiên là tôi chẳng biết trong đó có gì, nhưng mà nó ánh lên trong nắng mặt trời? Khi nó được tung lên, tôi thấy nó lóng lánh.

– Cô con gái nào nhà Boynton vậy?

– Tôi nghĩ đó chính là cái cô mà họ gọi là Carol; một cô gái rất xinh xắn, anh trai của cô ta cũng vậy. Thật ra trông họ cứ như là hai anh em sinh đôi vậy. Vâng, nhưng mà đó cũng có thể là cô trẻ nhất. Tôi bị ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt nên không thể nhìn rõ được. Nhưng tôi không cho rằng tóc của cô màu đỏ mà là màu đồng. Tôi rất thích mái tóc màu đồng đó! Với tôi thì tóc màu đỏ trông như màu cà rốt vậy, – Cô Pierce cười khúc khích.

– Cô ta ném một vật màu sáng lấp lánh à? – Poirot hỏi:

– Vâng, như ban nãy tôi vừa nói đấy thôi, là lúc đó tôi không hề để ý. Nhưng lúc sau khi đi dạo dọc theo con suối thì là lúc đó tôi thì cũng vừa gặp cô King. Và trong số vô vàn những vật linh tinh đó, kể cả đồ bằng thiếc, tôi nhìn thấy một cái hộp sắt nhỏ. Không hẳn là hình vuông, đại hoại trông như hình chữ nhật, ông hiểu ý tôi nói chứ …

– Vâng, tôi hiểu rõ lắm. Thế vật đó dài khoảng bao nhiêu?

– À, vâng, ông thật là thông minh đấy ! Tôi tự nhủ đó chắc là vật mà cô gái nhà Boynton đã nhém xuống, nhưng đó lại là một cái hộp rất xinh. Và vì tò mò tôi nhặt cái hộp đó lên. Bên trong đó có một cái sy – lanh, đúng y như cái mà họ đã châm vào tay tôi khi tôi đi tiêm chủng bệnh thường hàn. Tôi tò mò không hiểu tại sao lại ném nó đi vì trông nó chẳng có vẻ gì là bị gãy hay bị làm sao cả. Khi tôi đang băn khoăn như vậy thì cô King lên tiếng, cô ta đứng ngay sau lưng tôi mà tôi không hề nghe tiếng cô ta đến. Cô ta nói là « Ôi, cám ơn bà. Đây là hộp kim tiêm của tôi. Tôi tìm nó suốt ». Tôi đưa cái hộp lại cho cô ta và cô ta quay trở về lều mang luôn theo cái hộp.

Cô Pierce ngừng lại một chút rồi lại vội vã nói tiếp :

– Tất nhiên là tôi hy vọng trong chiếc hộp đó không có gì cả. Duy chỉ có điều hơi tò mò một chút là Carol Boynton lại ném chiếc hộp của cô King đi. Tôi muốn nói là chuyện này là kỳ lạ, ông hiểu ý tôi chứ. Nhưng dù sao tôi cũng hy vọng họ sẽ có những lời giải thích đúng đắn về chuyện này.

Cô ta ngừng nói, nhìn Poirot chứa chan hy vọng.

Khuôn mặt Poirot rất nghiệm nghị.

– Xin cảm ơn cô rất nhiều. Những gì cô vừa kể với tôi nghe không có vẻ gì là quan trọng cả, nhưng mà tôi phải nói với cô thế này ! Nó dã giúp tôi hoàn thành vụ án ! Tất cả mọi chuyện giờ đây đã quá rõ ràng và rất hợp lệ.

– Ồ, thật vậy sao ? – Cô Pierce đỏ bừng cả mặt lên và trông hoan hỉ như một đứa trẻ.

Poirot đưa cô ta về khách sạn.

Quay trở lại vào phòng làm việc, ông viết vào cuốn sổ tay ghi nhớ của mình một dòng chữ : – Điểm thứ mưới : Ta sẽ không bao giờ quên. Hãy nhớ điều đó, ta không bao giờ quên điều gì cả …

Ông gật gật đầu .

– Mais oui, – ( nhưng mà có chứ), – Ông nói :

– Bây giờ mọi việc đã hoàn toàn sáng tỏ !


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.