Liên hệ của mọi cá thể trong vũ trụ này là liên hệ duyên sinh. Cái này có mặt là nhờ sự có mặt của những cái khác, không có cá thể nào tồn tại riêng biệt dù đó là một hạt điện tử. Cũng như một con ong gắn liền với bầy ong, một giọt nước gắn liền với dòng nước hay một tế bào thần kinh gắn liền với hằng triệu tế bào trong não bộ, luôn làm việc cần mẫn và hòa điệu với nhau để tín hiệu truyền thông xảy ra liên tục và tạo nên sức sống ổn định cho cộng đồng mà nó đang nương tựa.
Một con ong không bao giờ đùn đẩy trách nhiệm cho con ong khác, một giọt nước không bao giờ nằm ì đó để dòng nước kéo đi, một tế bào cũng không bao giờ ngưng phóng đi
những luồng điện đến các tế bào khác dù chỉ trong giây lát. Bất kỳ sự đình trệ nào cũng dẫn đến sự ách tắc hay phá vỡ hệ thống điều hành của một tổ chức. Trong khi liên hệ của con người rất đặc biệt, những lúc em ngã thì anh nâng, những lúc con dại thì cái mang, những lúc người này như lá rách thì sẽ được người kia như lá lành đùm bọc chở che. Con người có thể đem cả cuộc đời mình ra để ôm lấy số phận đen đủi của đối tượng thương yêu mà không than oán.
Trong mọi sự khởi đầu hay trong lúc khó khăn, thật không có gì sung sướng cho bằng khi có một bàn tay từ ái dịu dàng nâng đỡ hay một bờ vai vững chắc cho ta tựa vào. Ta cảm thấy thật ấm áp tình người và nghĩ rằng mình rất may mắn. Ta yêu thích cảm giác sung sướng đó nên đã không ngần ngại để cho người kia sẵn sàng làm mọi thứ giúp ta lấy lại sự ổn định, miễn đừng kèm theo điều kiện gì buộc ta phải trả ngay bây giờ hoặc mai sau.
Đôi khi ta đã qua rồi giai đoạn vấp váp ban đầu hay khó khăn nghịch cảnh, ta đã thật sự đủ sức để có thể tự đi trên đôi chân của mình, nhưng vì thiếu tự tin, nhút nhát, lười biếng và bản năng thích hưởng thụ hơn tự thân vận động, nên ta đã không can đảm khước từ sự nâng đỡ nhiệt tình của đối phương, còn vắt được sức là ta vẫn cứ vắt cho đến khi người kia ngã quỵ ta mới chịu buông ra. Thái độ nương tựa đã biến thành thói quen dựa dẫm.
Cuộc sống luôn xảy ra tình trạng mất cân đối trong các mối liên hệ như thế. Nhiều khi ta chẳng có bất cứ khó khăn gì để phải cầu viện kẻ khác, nhưng nếu có ai sẵn sàng mở lòng thì ta không thể bỏ lỡ cơ hội. Xuất phát từ tính tham, luôn tranh giành lấy phần lợi về phía mình, nên ta chẳng cần suy xét đến hệ quả tất yếu của thái độ sống dựa dẫm vào kẻ khác sẽ như thế nào. Đôi khi ta còn nghĩ là mình rất khôn ngoan và bản lĩnh vì đã nắm được người kia, bắt người kia phải phục dịch cho mình.
Số phận của những đóa hoa chùm gửi luôn tùy thuộc vào những loài cây mà chúng đang nương tựa, tạo hóa đã buộc chúng với kiếp sống cậy nhờ nên chúng đành phải chấp nhận mà không có sự chọn lựa nào khác. Còn ta nếu phải ngã theo đối tượng mà mình đang bám víu, để mất cả tuổi thanh xuân hay tàn phế nửa đời người thì ta có đành lòng không? Tại vì khi người kia ngã xuống hay rút chân ra khỏi sự dựa dẫm của ta thì ta sẽ không còn gì để đứng nữa, ta không biết phải làm sao để đứng trên đôi chân của chính mình. Đó là bi kịch luôn xảy ra trong một xã hội nghèo nàn về đời sống tâm linh.
Cái giá đắt nhất của sự dựa dẫm không phải là ta đánh mất niềm tin với người kia, để họ phải hoảng sợ bỏ chạy hay vì ta mà kiệt sức. Cái tổn thất đó còn có thể khôi phục dễ hơn rất nhiều so với sự xói mòn và lụn bại bản năng sinh tồn của một con người.
Từ việc lớn đến việc nhỏ cái gì người kia cũng làm thay cho ta, hoặc mỗi khi gặp tình huống hơi khó khăn là người kia kịp thời có mặt cho ta. Cảm giác dễ chịu đó dần dần đã trở thành một phần hạnh phúc không thể thiếu trong đời sống của ta. Nhưng trí não của chúng ta thường tự động nhớ và tìm cách lặp lại sự việc đã xảy ra để mong muốn có được cảm xúc tốt ấy thêm một lần nữa. Nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy trở thành một thói quen mà ta không hề ý thức, đến khi thói quen đó bị thay đổi, cảm xúc tốt thường ngày không còn nữa, ta liền rơi vào tình trạng nghiện cảm xúc.
Cũng như việc dựa vào khả năng hóa giải cảm giác đau đớn của não bộ bằng cách tiết ra chất endorphin hay khả năng tạo ra cảm giác êm dịu của não bộ bằng nội tiết tố sérotonin mà ngành y khoa đã chế tạo ra những loại thuốc chống trầm cảm như paxil, prozac để giúp con người giải tỏa hay hạn chế được những cảm xúc xấu. Nhưng điều nguy hại là khi sử dụng các loại thuốc kích thích đó, nó sẽ dễ dàng làm rối loạn các chu kỳ sinh học của cơ thể, tiêu diệt tế bào thần kinh và có thể làm hỏng luôn cả não bộ.
Điều đáng quan tâm nữa là một thời gian sau cơ chế thích nghi của não sẽ ra lệnh cho cơ thể giảm hoặc ngưng hẳn tiến trình sản xuất endorphin và sérotonin tự nhiên. Bấy giờ nếu hàm lượng thuốc gây kích thích bị giảm xuống thì nó sẽ tạo ra một cảm giác cực kỳ khó chịu và bức ép ta phải nạp thêm một lượng cần thiết, tình trạng nghiện ngập bắt đầu phát sinh. Vì lẽ đó mà các cơ quan quản lý dược phẩm như FDA đã ra lệnh hạn chế hoặc cấm sử dụng những loại thuốc này. Đó cũng là lý do tại sao những kẻ lợi dụng các loại thuốc heroin, morphin hay cocaine có cấu trúc tương tợ như hai nội tiết tố trên để thỏa mãn cảm giác ngất ngây chỉ trong vài lần đã mau chóng trở thành những con nghiện.
Mọi việc dù lắm khó khăn, hoàn cảnh dù nhiều xáo trộn, với năng lực tiềm tàng của một con người được phát huy đúng mức thì vẫn luôn dư sức vượt qua. Ta hãy quan sát những kẻ đã đi ngang qua cuộc chiến hay những biến cố lớn lao trong cuộc đời thì đôi chân của họ rất vững, ánh mắt của họ rất sáng, niềm tin của họ cũng rất kiên định. Vấn đề là ta có dám cho phép mình đối đầu với những cảm xúc xấu trong quá trình phấn đấu hay không? Thành công nào cũng phải từ gian nan rèn luyện chứ không thể trông chờ vào may mắn. Những gì vốn không thuộc về ta, dù có miễn cưỡng thì nó cũng sẽ tan biến trong bất ngờ.
Càng dựa dẫm thì ta càng nhút nhát, ngay cả những khó khăn bế tắc trong lòng ta cũng không dám đối đầu. Mỗi lần trong tâm ngập tràn cảm xúc giận hờn, ghen tức vì tự ái hay tổn thương là ta vội tìm người kia để la hét, than van hay khóc lóc cho vơi cạn nỗi lòng, mà thực chất là giải tỏa cơn cảm xúc xấu để mong đón nhận một lời khuyên, một thái độ an ủi vỗ về, một câu nói bênh vực…Chính những lần ta không đủ can đảm nhìn lại những phiền não của mình như thế, cứ tìm cách trốn ngụ vào sự che chở của kẻ khác, là những lúc ta biến thành con ma đói cảm xúc đi tìm những loại thức ăn thoa dịu tâm hồn.
Càng dựa dẫm thì ta càng lười biếng, mất hết ý chí và khả năng điều khiển bản thân mình. Thức dậy phải có người gọi, học hành phải có người nhắc, cơm nước phải có người dọn sẵn, việc làm phải nhờ người nâng đỡ, tiêu xài phải cần người chu cấp, muốn vui vẻ phải có người khen thưởng, đang buồn khổ phải có người chịu lắng nghe, yêu thương phải có người rộng lượng ban bố…Vì bản năng hưởng thụ quá lớn nên ta rất ngại cực ngại khó, luôn lẩn tránh những công việc đòi hỏi phải nỗ lực, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác để rồi dần dần đánh mất cả lòng tự trọng mà không hay. Khi đánh mất lòng tự trọng ta sẽ dễ dàng tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu của mình như lừa dối hay lợi dụng kẻ khác chứ không muốn lao tác bằng chính đôi tay mình.
Lẽ dĩ nhiên những kẻ thích núp mình trong vỏ ốc rất dễ chấp nhận an bày cuộc đời mình trong tay kẻ khác như thế, nhưng chính đối tác cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong đó. Phải có người nuông chìu thì mới có kẻ dựa dẫm. Do phía nâng đỡ không biết cách quản lý năng lượng cảm xúc, luôn biểu hiện ra ngoài sự yếu mềm và cảm tính của mình trước những đòi hỏi hay lấn lướt của đối phương. Nếu điểm nương tựa thật sự vững chãi, không vì kế khổ nhục của đối phương mà phá vỡ nguyên tắc hay thay đổi lập trường thì chắc chắn kẻ dựa dẫm sẽ không có cơ hội để phát huy.
Vậy nên muốn giúp một người thoát khỏi thói quen dựa dẫm thì trước tiên chính điểm tựa, dù là một người hay cả gia đình hoặc cả đoàn thể, phải có khả năng chấp nhận cảm giác xót xa khi thấy người thương chịu nhiều khó nhọc trong những bước đi tập tễnh ban đầu. Nếu cần, ta cũng nên học cách im lặng làm ngơ trước những khó khăn bế tắc của người ấy. Phải để họ tự quyết định, tự trải nghiệm, tự chịu trách nhiệm và tự rút ra bài học cho chính bản thân mình. Cũng như con chim mẹ chỉ an lòng rời tổ khi thấy chim con thật sự vững cánh một mình bay vào bầu trời mênh mông.
Ý thức được sự nguy hại của thói quen dựa dẫm, ta hãy quyết định thực tập quay về nương tựa chính bản thân để phát huy năng lực tiềm ẩn trong tâm hồn. Song mọi thứ đều phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt nhất mỗi ngày. Trừ phi những tình huống xảy ra ngoài kinh nghiệm và kiến thức có sẵn nên không trở tay kịp thì ta mới quyết định lên tiếng nhờ người khác. Còn nếu ta đã chuẩn bị tinh thần đối đầu với những điều mới mẻ để khám phá nội lực của mình thì cứ thản nhiên chấp nhận sự thất bại xảy ra. Dù sao sự thất bại đó cũng sẽ dạy cho ta một kinh nghiệm, nó vẫn là của ta, còn hơn nhờ vả mãi kẻ khác thì ta chẳng bao giờ biết được con người thật của mình ra sao.
Ta hãy tập ngồi một mình trong không gian yên tĩnh mà không nhất thiết phải tìm thêm một người nữa mới thấy an tâm. Ta hãy tập đối diện với những cảm xúc buồn vui trong lòng, hay theo dõi những biến hóa không ngừng của dòng tâm ý mà không cần phải tìm thêm một người nữa để giải tỏa tâm tư. Cuộc đời dù có dang rộng đôi tay chào đón, nhưng ta hãy khôn ngoan và mạnh dạn khước từ những quyền lợi không công, bởi nó chỉ đem lại chút hưng phấn nhất thời nhưng sẽ bào mòn tiềm năng sáng tạo và khả năng làm chủ cuộc đời của ta. Hãy trở thành chính khách cho sứ mệnh của cuộc đời mình, chỉ có ngôi vị ấy mới đem lại cho ta thật nhiều tự do và hạnh phúc vững bền.
Xin được làm chính khách
Tự tại giữa cuộc đời
Thuyền xưa không bến đỗ
Vẫn một mình êm trôi