Này bạn! Buổi sáng thức dậy bạn đừng vội bước xuống giường, hãy ngồi cho ngay ngắn và thở vài hơi cho thật khỏe, ý thức là ta đang còn đây và sự sống vẫn còn đó. Thầm cảm ơn đất trời cho ta thêm một ngày nữa để sống, một ngày tinh khôi mà ta có quyền đem hết con người của ta ra để sống.
Ngày hôm qua có thể ta còn nhiều vụng về trong khi nói năng, hành động hay suy tư nên đã khiến cho ta và người kia đều không có hạnh phúc. May mắn thay là ta có thêm một ngày nữa để làm mới lại những lầm lỡ đó. Ta sẽ sử dụng trọn vẹn hết một ngày, không để cho những lo lắng, phiền muộn làm sứt mẻ hay hư hao bất kỳ giờ phút nào nữa hết.
Bắt đầu một ngày mới bằng một nụ cười tươi tắn trên môi sẽ đem tới cho bạn nhiều an lạc và sức sống. Bạn hãy viết sẵn chữ “cười” dán trên vách hay cắm một cành hoa ngay bên giường ngủ làm dấu hiệu nhắc nhở bạn mỉm cười ngay khi thức dậy để ăn mừng sự sống. Bạn sẽ nhớ ra rằng hôm nay mình có hẹn cùng sự sống với tư cách là sứ giả của tình thương. Lúc nào nhớ thì bạn hãy nở nụ cười liền cho các cơ bắp trên gương mặt được thư giãn và tinh thần được nhẹ nhàng. Nụ cười làm cho bạn sống được với chính mình trong giây phút hiện tại, vì khi cười thì mọi tư duy đều không còn nữa. Vì vậy nụ cười mang tính trị liệu cho chính bạn và cả đối tượng mà bạn đang tiếp xúc.
Bước vào phòng vệ sinh bạn cũng có thể tiếp tục thực tập sự nhận biết, nắm bắt sự sống. Bạn có khả năng đánh răng trong vòng ba phút không? Đó là một thách đố. Nha sĩ thường khuyên khi đánh răng nên để kem trong miệng ít nhất là một phút thì mới không bị sâu răng. Bạn hãy đánh với niềm hạnh phúc lớn lao vì bạn vẫn còn răng để đánh mỗi ngày. Trong nhận biết sáng tỏ đó, bạn sẽ có thái độ trân quý và giữ gìn.
Tại sao bạn không có ba phút để đánh răng nếu bạn cho rằng việc đánh răng là thật sự quan trọng? Hãy nhớ lại những ngày răng bị đau nhức, rất khổ sở. Hãy liên tưởng đến những người không còn điều kiện để đánh răng nữa, thật tội nghiệp. Nếu bạn có khả năng đánh răng một cách khoan thai và cẩn thận trong vòng ba phút thì đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa thành công lớn lao trong cuộc đời bạn.
Người hành thiền vững chãi chỉ cần nhìn vào cách đóng cửa của bạn là có thể biết được đời sống tinh thần của bạn như thế nào? Bạn thường không để ý những chuyện vặt vãnh đó. Có gì quan trọng lắm đâu mà phải đặt hết tâm lực vào chuyện đóng cửa? Nhưng tất cả quan trọng của sự sống đều nằm ở chỗ đó. Sự kiện bạn đóng cửa trong tư thái tĩnh lặng nhẹ nhàng là một thực tại mầu nhiệm, chứng tỏ bạn đang sống và có nhiều an lạc. Nếu trong tâm bạn đang vướng kẹt bởi những nỗi lo lắng thì bạn không còn khả năng an trú trong giây phút hiện tại được nữa. Bạn không còn ý thức cái gì đang xảy ra trong bạn và chung quanh bạn. Bạn hoàn toàn bị lu mờ trước đối tượng. Bạn đóng cửa mà tâm bạn không hề có mặt ngay nơi đó, đã phóng đi rất xa, nên khi cánh cửa kêu cái “rầm” thì bạn mới giật mình e ngại.
Khi bạn đóng cửa mà không có sự nhận biết, tâm ý đang lang thang đâu đó để tiếng kêu phát ra làm bạn sực tỉnh thì liền lập tức hãy quay trở lại thực tập đóng cánh cửa đó thêm một lần nữa. Lần này chắc chắn bạn sẽ thành công. Để xuống một tách trà cũng vậy. Bạn nên kiên trì để lại tách trà đó cho nhẹ nhàng hơn nếu lần trước thất bại. Vấn đề không phải để làm đẹp lòng người khác, mà bạn đang tập sống và làm chủ lấy chính bản thân mình. Đó vừa là bí quyết của sự luyện tập, cũng vừa là thái độ kiên quyết nắm lại sự sống mấp mé vuột khỏi tầm tay. Bạn vẫn còn kịp.
Những người trẻ sống trong xã hội hiện nay rất bận rộn, đầu tắt mặt tối với công việc nên họ luôn ước ao có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng khi có cơ hội được ngồi xuống để nghỉ ngơi thì họ lại tiếp tục tìm cách lao tác thể xác và cả tinh thần. Họ phải nghe nhạc, xem ti vi, lên internet, dùng điện thoại hay làm bất cứ cái gì để cho họ đừng ngồi không. Họ không thể ngồi mà không làm gì hết. Ngồi mà không làm gì hết thì họ cho đó là một sự chết hay một cực hình chán ghét. Thậm chí họ sợ luôn cả ngồi xuống để suy tư cho thấu đáo một vấn đề. Họ tìm cách giải quyết vấn đề ngay khi họ làm công việc khác. Họ không muốn rơi vào tình trạng lạc lõng mà không có gì để bám víu. Rất kỳ lạ. Đáng lẽ họ cũng có nhiều cơ hội để được ngồi yên, nhưng họ chưa biết ngồi yên được bao giờ.
Khi còn có thể ngồi yên được thì bạn hãy ăn mừng vì bạn còn điều kiện để quay về, cuộc hành hương của bạn có thể chưa quá xa. Ngồi yên là một nghệ thuật sống. Ngồi yên là ngồi trong thảnh thơi, tâm không bận về quá khứ hay tương lai. Bạn chấp nhận hiện tại một cách tuyệt đối và sống sâu sắc trong từng giây phút mầu nhiệm ấy. Bạn không muốn chạy ngược xuôi nữa. Bạn chỉ muốn ngồi xuống thật yên với ý nghĩa nghỉ ngơi trọn vẹn. Ngồi yên chính là ngồi thiền, thân và tâm của bạn sẽ ở yên một chỗ, không còn lăng xăng dông ruỗi nữa.
Trong suốt quá trình ngồi thiền bạn đừng nghĩ là mình sẽ đạt được cái gì. Ngồi thiền trước hết là để được nghỉ ngơi trọn vẹn. Bạn hãy để cho những căng thẳng, lo âu, phiền muộn trôi đi như những dây rong rêu trôi theo dòng nước trong khi tảng đá dưới nước vẫn nằm yên bất động. Bạn chỉ nắm giữ mỗi nụ cười hàm tiếu trên môi và hơi thở mà thôi. Hơi thở là đối tượng duy nhất để bạn đặt tâm vào đó một cách an toàn và vững chãi, tại vì hơi thở luôn ở trong bạn và có mặt bất kỳ lúc nào. Tuy bạn cần có những bước đi xa hơn nữa trong thiền tập, nhưng nền tảng căn bản vẫn là thiết lập sự nhận biết sâu sắc và bền vững trên từng đối tượng hiện hữu trong giây phút hiện tại, đặc biệt là hơi thở.
Chủ động được hơi thở là chủ động được thân tâm mình. Mỗi khi tâm ý tán loạn, chỉ cần trở về nhận biết, quan sát và nương tựa từng hơi thở vào ra từ dịu dần, êm dần, lắng dần, sâu dần, dài dần rồi trở nên im lắng và sâu thẳm thì tâm ý bạn sẽ lắng xuống như hồ nước trong, không còn bị phân tán và lôi kéo nữa. Khi phát hiện ra cơn bão cảm xúc như giận hờn, sợ hãi, nghi ngờ hay tuyệt vọng đang dâng tràn thì bạn hãy lập tức quay về với hơi thở nhận biết, tức là ẩn náu ngay chính thân tâm mình, thay vì bạn chạy theo đối tượng mà bạn ngỡ là tác giả gây ra đau khổ cho bạn. Trong điểm đỉnh nguy kịch ấy, bạn chưa có thể làm gì khá hơn thì hãy nương tựa vào hơi thở, không tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc nữa thì bạn sẽ tạm thời vượt thoát tình trạng.
Đi cũng là bài thiền tập quan trọng. Dường như ta chưa thực sự đi bao giờ. Tại vì phải hết tâm ý trong khi đi, đi để mà đi chứ không phải đi để làm cái gì khác mới gọi là đi. Ta thường có mục đích trong khi đi. Ta coi việc đi chỉ là một phương tiện để đạt tới cứu cánh của cuộc sống.
Khi bạn đi xuống bếp ăn cơm thì bạn luôn nghĩ ăn cơm là mục đích chính, là cái quan trọng cần đến, chứ ít khi nào bạn nghĩ rằng những bước chân đi tới chỗ ăn cơm cũng quan trọng ngang bằng hoặc có khi hơn cả việc ăn cơm nữa. Đi cũng là một sự sống chứ không chỉ ăn mới là sự sống. Vậy trước khi nắm lấy sự sống là ăn cơm, thì bạn đừng hoang phí sự sống đang hiện ra trong từng bước chân. Những người mới bước ra từ trong tù, hay từ dưới một trận động đất, hay từ trên chiếc nạng gỗ sau một tai nạn giao thông thì được đi trên đôi chân kỳ diệu của mình là điều mong muốn nhất của họ. Đi bấy giờ trở thành điều kiện hạnh phúc nhất trên đời mà không có gì có thể sánh hơn được nữa.
Bước đi trong nhận biết là bạn đang đi trên đôi chân khỏe mạnh của mình, ngày mai có thể không còn cơ hội này nữa, sẽ đem lại cho bạn nhiều hạnh phúc. Bước chân của bạn sẽ trở nên chậm rãi hơn, nhẹ nhàng hơn và thong dong hơn. Bạn không còn vội vàng, hấp tấp như bị ma đuổi. Đi trong nhận biết sáng tỏ trở thành một nguồn cảm hứng vì nó là thức ăn nuôi dưỡng và trị liệu cho thân tâm bạn. Đi vừa là phương tiện vừa là mục đích của cuộc sống.
Bạn sẽ không còn sợ đường đời quá mênh mông mà không biết bao giờ mới chạm tới hạnh phúc, vì nó nằm ngay dưới chân bạn.
Có khi bạn đang đi giữa ban ngày mà như đang đi trong giấc mộng, đi mà không biết đi đâu. Tâm bạn bận suy tư về quá khứ, hay lo lắng tương lai nên không có mặt với bước chân. Có khi bạn vấp váp, va chạm hay đứng ngẩn người ra vì bạn không nhớ mình đi tới đây để làm gì. Tệ thật! Người khác có thể thấy được đời sống của bạn bận rộn hay thảnh thơi qua bước chân của bạn. Đôi khi bạn có cả ngày để nghỉ ngơi nhưng bạn vẫn cứ đi như là bận rộn lắm vậy, lúc nào cũng lẹ làng tất tả như những người buôn gánh bán bưng sợ trễ phiên họp chợ. Đó là thói quen lâu đời, danh từ chuyên môn gọi là tập khí.
Chính tập khí đi để tiến tới mục đích chứ không sống trong từng bước chân sẽ dẫn tới ý niệm tìm hạnh phúc ở tương lai, ở cuối con đường. Nếu bạn nếm được hạnh phúc trong từng bước chân thì bạn đã nắm được nguyên tắc của cuộc sống, bạn đã nắm được sự sống. Bước đi trong thảnh thơi là hạnh phúc của người có nhu yếu được đi. Ai mà không có nhu yếu được đi, chỉ tại vì ta đang bị kẹt vào những nhu yếu khác có mãnh lực hơn nên cuốn hút ta mất thôi.
Nếu có khả năng sống an lạc trong từng bước chân thì ta đem tới mặt đất này rất nhiều năng lượng tình thương. Người ta đã để lại trên trái đất này không biết bao nhiêu vết hằn của nóng nảy, giận hờn, thù hận rồi thì ta phải có trách nhiệm bù đắp lại bằng chính bước chân tỉnh thức mỗi ngày của mình. Khi đặt bước chân xuống mặt đất ta nguyện sẽ đặt những bước chân an lạc và thảnh thơi cho cõi thế gian này được lành lặn và mỗi ngày thêm tươi mát. Bước đi bằng năng lượng đó thì ta sẽ có khả năng nhìn vạn vật bằng con mắt thương yêu giống như chính bản thân ta. Ta thấy giữa ta và vạn vật không còn cách biệt nữa. Ta và vạn vật nằm chung nỗi đau thương và hạnh phúc.
Thức dậy nở nụ cười
Một ngày mới cho tôi
Nguyện sống trong tỉnh thức
Yêu thương khắp muôn loài