Hiểu Về Trái Tim

CHƯƠNG 28: TRÁCH NHIỆM



Khi nhìn vào đóa hoa đào có thể ta cho rằng đóa hoa này là do chính cây đào sinh ra, đây là một sự thật nhưng không hoàn toàn đúng. Quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy hoa đào còn được làm ra bởi những điều kiện khác như mặt trời, gió, nước, khoáng chất, côn trùng hay rác nữa.
Những thứ này tuy không phải là hoa đào, tạm gọi là phi hoa đào, mới nhìn vào tưởng chừng nó không có liên quan gì tới hoa đào, nó và hoa đào tách biệt hoàn toàn, nhưng nếu không có những thứ ấy thì hoa đào không thể có mặt được. Hoa đào tuy được làm ra từ cây đào, nhưng cây đào này và tổ tiên của nó cũng được làm ra từ những thứ không phải là giống đào, cho nên nói chính xác hơn là không có gì là hoa đào cả, chỉ có cái hợp thể được tạo nên từ những điều kiện phi hoa đào thôi. Cái chữ “phi” thật ra cũng không nên có, vì chính nó đã tạo ra một cá thể hoa đào chứ nào phải ai khác.
Đây không phải là vấn đề triết học, mà là một sự thật rất hiển nhiên, chỉ cần trầm tĩnh và nhìn sâu một chút là ta thấy ngay sự thật. Nếu hoa đào biết được sự thật nó cũng chính là lá, là cành, là thân, là rễ của cây đào, mà nó cũng đồng thời là vạn vật bên ngoài đã và đang không ngừng nuôi dưỡng nó thì nó sẽ không bao giờ dám tự hào, kiêu ngạo và sống ích kỷ. Hoa đào chỉ là một tướng trạng đại diện cho tất cả những gì mà tổ tiên của hoa đào và cả vũ trụ này trao tặng, và tướng trạng này chỉ biểu hiện một thời gian rồi lại đổi sang tướng trạng khác. Cho nên hoa đào không chỉ yêu bản thân mình mà còn phải yêu luôn lá, cành, thân, rễ hay vạn vật sống chung quanh nữa. Có lẽ hoa đào đã hiểu rõ điều đó nên xưa nay nó luôn sống hết mình, luôn chịu đựng trận giá rét thấu xương để khi nắng ấm mùa xuân về nó tung ra những đóa hoa tươi thắm và thơm ngát. Nhìn lên cây đào chỗ nào cũng trổ đầy hoa, thật cảm động và khâm phục, nhưng hoa đào không hề coi khinh hay xâm phạm quyền lợi của ai cả. Nó đã sống hết trách nhiệm dễ thương của nó.
Có bao giờ đưa bàn tay lên và ta tự hỏi bàn tay này thực ra là của ai mà có thể làm nên bao điều hay ho như nấu ăn, sửa chữa, cắm hoa, viết lách, hội họa, thiết kế, kinh doanh, nâng đỡ kẻ khác hay tạo nên bao tuyệt tác cho đời? Câu hỏi thật đơn giản nhưng có thể ta đã từng trả lời sai. Ta có thấy trong bàn tay này, ngoài di truyền ra, ta còn được đón nhận tất cả những tài năng và đức hạnh của thế hệ phía trước mà gần gũi nhất là cha mẹ của ta? Khi nấu một tô canh chua thì ta phải biết rằng cả tổ tiên cùng nấu chung với chúng ta, vì nếu không có sự khám phá và trải nghiệm của tổ tiên thì sức mấy ta biết nấu được một tô canh chua ngon như vậy, mà thậm chí ta cũng không biết thế nào là canh chua, danh từ canh chua cũng không có. Sự thật là tổ tiên không chỉ có mặt trong ta qua từng tế bào, mà còn trong từng nhận thức và nếp sống nữa. Dù muốn dù không thì ta cũng phải nhìn nhận sự thật ấy chứ không thể chối cãi hay loại trừ được, vì họ cũng chính là ta kia mà.
Thân phận của ta cũng không khác mấy với hoa đào. Ta cũng chính là sự tiếp nối của tổ tiên huyết thống và cả tổ tiên tâm linh, là tướng trạng đại diện chứ không phải riêng biệt. Điều duy nhất khiến ta có chút khác biệt với họ là ta đã có công tổng hợp tất cả những yếu tố trao truyền ấy lại thành một chỉnh thể mới để thể hiện một đời sống mới với một sứ mệnh mới. Và như thế ta phải vay mượn thêm những điều kiện khác nữa trong thực tại thì ta mới có thể làm công tác tổng hợp ấy được. Những điều kiện đó chính là thiên nhiên, là những gì mà hoa đào đã từng vay mượn, nghĩa là ta không ngừng giao thoa và chịu tác động của muôn người, muôn loài. Ngoài ra ta còn nương tựa vào nhiều thứ khác nữa như kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo…thì ta mới có thể trở thành một con người hiểu biết và tài giỏi như hôm nay. Càng nhìn lại mình sâu sắc ta càng thấy mình cũng như muôn loài, cũng được làm ra từ những cái không phải ta, bởi sự thật ta chính là vô ngã (non self). Cho nên khi xưng ta hay nhìn vào những tác phẩm của ta thì ta phải hiểu rằng nó vốn là hợp thể, là thành phẩm chung, không có cái gì để gọi là riêng biệt cả.
Không cần nhờ triết học hay tôn giáo thì ta mới khám phá ra sự thật này vì nó rất rõ ràng. Tổ tiên ta ngày xưa nhờ có nhiều cơ hội nhìn lại mình, ít chạy theo ngoại cảnh, nên dễ dàng thấy rõ nguyên tắc tương tức nhau để tồn tại, vì vậy họ luôn thực tập thương yêu kẻ khác cũng như thương yêu chính bản thân mình. Đó không phải là vấn đề cao thượng hay từ bi gì cả, mà đó là thái độ sống đúng đắn, phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Sống như vậy là sống có hiểu biết, sống có bình an và hạnh phúc. Ta bây giờ luôn tự cho mình là văn minh, có đủ loại bằng cấp, mà lại không thấy hoặc không chấp nhận nổi sự thật ấy, nên ta cứ lao mình theo chủ nghĩa cá nhân để ra sức tích góp mọi quyền lợi để phục vụ cái ta cho là riêng biệt của mình, đôi khi ta còn xâm lấn của kẻ khác, vơ vét tài sản chung và gây thương hại đến môi trường chung quanh mà rốt cuộc ta vẫn là kẻ khổ đau.
Chưa bao giờ hai chữ “trách nhiệm” được nhắc nhở nhiều như bây giờ, mặc cho báo đài cứ kêu ca mỗi ngày nhưng dường như nó không lay động nổi nhận thức và trái tim lãnh cảm của con người với những cái được gọi là của chung. Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những cái mình đang cùng thừa hưởng mà còn góp phần tàn phá. Họ tưởng rằng chỉ có tiền bạc, quyền hành hay tình yêu mới là cái quan trọng nhất, nhưng thử lấy nước hay không khí ra khỏi thì họ có còn sống để đeo đuổi những thứ kia nữa không? Nên nhớ kinh tế cũng chính là phi kinh tế, kinh tế không thể có mặt và đứng vững khi những lĩnh vực khác chao đảo hay hư hoại. Tình yêu cũng vô ngã, cũng đứng trên những thứ phi tình yêu mà hợp thành, nghĩa là không có cái gọi là tình yêu nếu nó muốn đứng riêng. Vậy mà khi yêu nhau cũng như khi làm kinh tế, người ta lại sẵn sàng gạt bỏ những liên hệ và điều kiện mật thiết chung quanh, quên hết bổn phận trách nhiệm, sống theo cái tôi nông nổi nhất thời, thì đừng hỏi tại sao yêu là khổ hay làm ăn cứ thất bại hoài, vì ngay từ vạch xuất phát đã sai lầm rồi.
Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham vốn bị thuần phục bởi đạo đức suốt mấy nghìn năm qua để giữ gìn phẩm chất cao đẹp mà vũ trụ đã trao tặng cho con người. Khi bị cảm xúc thỏa mãn khống chế người ta cứ nhắm mắt lao vào tranh giành quyền lợi, không còn quan trọng đến những giá trị mà tổ tiên ta đã từng cố gắng tạo dựng và giữ gìn. Bây giờ phần lớn người ta sống trong tình trạng bất an không phải vì thiếu ăn thiếu mặc mà vì muốn có đủ thứ tiện nghi như kẻ khác, làm như thể nếu không giàu có thì không thể sống hay hạnh phúc được. Vì lẽ đó hễ cái nào có thể đem tới quyền lợi trước mắt thì người ta chụp bắt ngay, bất chấp đó là phương tiện gì. Đến khi gặp phải những tai nạn rủi ro thì người ta lại than trời trách đất sao chẳng công bằng, mà họ không hề biết rằng chính lối sống hưởng thụ ích kỷ và thiếu trách nhiệm đã khiến họ không còn năng lượng dự trữ để ứng phó với những bất trắc vốn dĩ rất tự nhiên của đời sống, và một sự thật khác là chính vũ trụ đã hồi đáp lại những gì mà họ đã không dễ thương với vũ trụ trước nay.
Vũ trụ không phải là đấng quyền năng thượng đế, đó là qui luật vận hành rất tự nhiên của vạn vật, cá thể nào gây nhân thì cá thể đó phải gặt quả. Nhiều khi “cha ăn mặn mà con lại khát nước” mới ngậm ngùi vì con cũng là sự tiếp nối của cha, cha với con bản chất vốn là một. Cho nên ta đừng hòng thoát khỏi bàn tay vũ trụ khi ta vẫn còn trú ẩn trong vũ trụ này, nếu ta không muốn chịu tai ương hay con cháu uất hận mình đã để chúng chịu hậu quả xấu xa thì hãy ngưng ngay lối sống vô trách nhiệm của mình. Vũ trụ vốn rất công bằng, nhiều khi mình cướp đoạt tài sản hay tranh giành địa vị của kẻ khác nhưng vũ trụ lại rút năng lượng của mình ở dạng tình cảm hay sức khỏe hoặc có khi sinh mệnh cũng không chừng.
Ngược lại, nếu mình biết bồi đắp cho những cái chung thì vũ trụ sẽ rất biết ơn, sẽ ban tặng cho mình những nguồn năng lượng quý báu bất ngờ.
Vậy nên “trách nhiệm” không phải là sự hy sinh, chịu thiệt thòi mà đó là bổn phận căn bản của mỗi công dân có mặt trong vũ trụ nếu muốn có một đời sống bình an và hạnh phúc. Bởi vì vũ trụ luôn dự trữ sẵn một nguồn năng lượng an lành vĩ đại để hiến tặng, nhưng nếu ta không mở lòng ra để hướng tới những đối tượng khác hay cái chung thì ta không thể kết nối được. Nói dễ cảm nhận hơn thì năng lượng vũ trụ chính là tổng năng lượng của vạn vật hữu tình và vô tình gộp lại, nếu ta phát ra năng lượng nào thì sẽ thu về gấp bội lần năng lượng ấy. Như vậy giữ gìn cái chung cũng chính là giữ gìn cái riêng. Mà thực ra không có cái gì là chung hay riêng cả, chỉ có nhận thức sai lầm con người chia cắt giữa cái tướng trạng biển hiện và cái bản thể ẩn tàng mà thôi. Chính vì vậy mà tổ tiên ta đã từng khuyên “ Có đức mặc sức mà ăn”, đức chính là thái độ biết buông bỏ cái tôi ích kỷ và tham lam của mình để luôn chia sẻ với muôn người và muôn loài thì vũ trụ sẽ nuôi dưỡng ta suốt đời. Ta sẽ trở thành đứa con cưng của vũ trụ. Suy cho cùng trách nhiệm cũng chính là quyền lợi, chỉ là chuyển đổi từ dạng công sức, tài năng hay tiền bạc sang dạng năng lượng khác cao quý hơn mà chính ta không tài nào chế biến nổi.
Có rất nhiều vấn đề đang cần phải kêu cứu nhận thức đúng đắn trở lại của con người như hàng loạt công trình xây dựng bị rút ruột, tình trạng kinh doanh hóa chốn học đường, việc chế tạo các trò chơi điện tử hủy diệt tuổi thơ, sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc giả mạo hàng hóa đến thực phẩm, cuộc tranh đua chế tạo vũ khí hạt nhân để lấn chiếm lãnh thổ, hay nhiều vụ tham nhũng dẫn đến kinh tế quốc gia kiệt quệ làm cho dân tình sống cảnh lầm than…Những vấn đề nóng bỏng ấy cần sự nhìn lại và quan tâm đúng mức của chính phủ hay liên hiệp quốc thì mới hy vọng ngăn chặn được. Song, có những tình trạng cũng đang ở mức báo động “đỏ” mà nhiều người trong chúng ta vẫn chưa nhìn thấy nên cứ vô tâm tàn phá khiến hiểm họa đang dần bủa vây khắp nơi trên quả địa cầu, trong khi chính mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc thay đổi tình trạng, đó chính là môi sinh.
Môi sinh chính là bà mẹ (mother earth) của chúng ta, là căn nhà (home) của chúng ta, nếu nó có mệnh hệ gì thì chúng ta sẽ lãnh đủ hết. Ta hãy nhìn lại môi trường mình đang sinh sống bằng con mắt tỉnh táo và hiểu biết để thấy rõ tình trạng của nó bây giờ như thế nào.
Vấn đề túi nylon: Chúng ta biết rằng túi nylon được làm ra từ nhựa PVC (polyvinyl chloride) khi đốt cháy sẽ thành chất dioxin rất độc hại, gây khó thở và có thể nôn ra máu, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo ra các triệu chứng ung thư hay dị tật bẩm sinh. Dùng túi nylon màu để đựng thực phẩm dễ khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, cadimin góp phần làm bại não và gây ung thư phổi. Túi nylon khi bị vứt xuống cống sẽ làm tắt nghẽn các hệ thống thoát nước, tạo điều kiện cho muỗi và các dịch bệnh phát sinh. Nếu nó lẫn trong đất thì cỏ không mọc nổi và dẫn đến sự xói mòn các vùng đồi núi.
Ở Wales, miền tây nam nước Anh, mỗi năm người ta vứt khoảng 480 triệu túi nylon và loại này phải mất cả nghìn năm mới tự phân hủy được. Cho nên chính quyền Wales đã tuyên bố thực tập giới hạn sử dụng túi nylon vào năm 2011, họ sẽ đánh thuế 15 xu nếu dùng túi nylon để đựng những thứ mà họ mua sắm. Số tiền này sẽ dành cho các dự án bảo vệ môi trường. Trong khi ở Ireland (Ái Nhĩ Lan) đã áp dụng từ năm 2002, cũng 15 xu cho 1 túi nylon, và họ đã thu được 109 triệu bảng (khoảng 153 triệu đô la Mỹ). Số lượng túi nylon được sử dụng từ đó giảm đến 90% và chi phí xử lý rác cũng xuống thấp rõ rệt. Còn ở Sài Gòn cứ mỗi một ngày tiêu thụ khoảng 5 triệu túi nylon, tương đương với 35 tấn, chủ yếu ở các siêu thị vì dân ta đang rất thích lối đựng hàng tiện nghi này mà không ngờ phía sau sự tiện nghi ấy là một thành phố “ô nhiễm trắng” đang kêu cứu.
Ở bên Đức, Pháp và Hòa Lan đang tiến hành sử dụng túi sản xuất từ tinh bột khoai tây hay giấy mà tự nó có thể phân hủy sau 3 tháng. Ở Việt Nam ngày xưa, ông bà ta dùng lá sen, lá chuối để gói hàng hay xách giỏ đi chợ mà vẫn có thể sống an toàn và vững chãi. Hình ảnh ấy tuy thô sơ nhưng nói lên nếp sống rất sâu sắc và văn minh của ông bà ta. Đã đến lúc ta cần quay về học lại nếp sống đẹp của truyền thống, bớt chạy theo lối tiện nghi xa xỉ, ta hãy cùng nhau thực tập chỉ dùng túi vải, túi mây hoặc bất cứ loại nào không gây nhiễm độc cho môi sinh để đựng hàng hóa khi đi chợ. Đừng đợi chính phủ lên tiếng cảnh báo hay phạt tiền rồi ta mới chịu làm, như thế sẽ quá muộn để cứu lấy hành tinh xanh này.
Vấn đề giấy: Chúng ta biết rằng rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn vong của chúng ta. Nhờ có tán lá xòe rộng mà nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa và nắng cũng không đốt cháy mặt đất. Rừng không chỉ bảo vệ đất mà còn làm tăng độ màu mỡ cho đất, là nơi dự trữ nguồn nước để các sinh vật sống trong đất và cũng vừa chảy chậm về nuôi các con sông trong thời gian không mưa. Do vậy những vùng có rừng che phủ sẽ giảm bớt hạn hán. Không những vậy rừng còn có chức năng làm cho các cơn lũ xuất hiện chậm hơn và giảm mức đột ngột. Và điều quan trọng hơn hết là rừng đã hấp thụ khí thải CO2 (carbon dioxide) từ khói xe và nhà máy để nhả ra dưỡng khí O2 (oxy) cung cấp cho lá phổi con người. Có thể nói rừng chính là lá phổi mẹ của chúng ta, nhưng chúng ta đã làm gì để giữ gìn lá phổi vĩ đại ấy?
Một trong những lý do khiến hàng vạn khu rừng liên tục ngã xuống đó là việc sản xuất giấy. Cứ 1 tấn giấy thành phẩm thì phải cần có 5m3 gỗ và 100m2 nước. Đối với những loại giấy bao bì phải mất ít nhất 400 năm nó mới tự phân hủy. Nhưng nếu tái chế thì mỗi tấn giấy ta có thể tiết kiệm 32m3 nước vừa đủ cung cấp cho 3.000 toilet công cộng và 4.200 kwh năng lượng điện. Cho nên sẽ không có gì sai khi phát biểu rằng nếu rừng ngã thì ta cũng sẽ ngã theo (forest falls we fall). Nhưng ta và con cháu của ta không thể ngã xuống chỉ vì lối sống thiếu tỉnh thức và nông cạn của mình. Vậy nên từ bây giờ trở đi, ta hãy thực tập với nhau sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng khăn giấy, thay vào đó ta dùng trở lại khăn vải để chùi miệng hay khăn lông để lau tay. Ngay cả chén hay ly giấy, ta chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng, chứ không xem đó là cách tiện lợi thỏa đáng.
Sử dụng lại cách cũ tuy hơi mất công một chút nhưng nó vừa đối trị thói quen dễ dãi lười biếng của ta, vừa giúp ta không trở thành thủ phạm gián tiếp tiếp tục hủy diệt vô số cánh rừng xanh tươi. Đối với giấy sử dụng trong việc học tập hay văn phòng cũng nên tận dụng hết mức, ít nhất là phải xài hết hai mặt rồi mới bỏ đi. Cách nay chừng vài thập niên thôi, ta đã từng biết gom lại những quyển tập niên học cũ làm “kế hoạch nhỏ” để có tiền mua tập cho niên học sau. Thời ấy, ai làm diều bằng giấy tập được xem là hạng sang. Kinh tế phát triển đã làm cho ta có đầy đủ mọi thứ nhưng cũng chính từ ấy ta trở nên phung phí, quên đi rất nhiều nguyên tắc sống căn bản để giữ gìn sức khoẻ và thăng hoa tâm hồn.
Vấn đề nguồn nước: Chúng ta biết rằng khi rừng ngã xuống hay không khí bị nhiễm độc thì cũng đồng nghĩa là nguồn nước sạch đã dần cạn kiệt. Hiện nay có khoảng 1/6 dân số thế giới không được dùng nước sạch, và hằng năm có hơn 2 triệu người mà phần lớn là trẻ em chết vì khát hay vì các chứng bệnh liên quan tới nguồn nước. Thật ra trong 30 năm qua nhu cầu nguồn nước sạch của con người đã vượt qua khả năng cung cấp, trong khi một số ít quốc gia đang cố gắng lập ra những nhà máy lọc nước mặn thì đa phần còn lại tiếp tục phun thuốc trừ sâu loại độc hại, tuôn chất thải từ kỹ nghệ chăn nuôi hay tiêu xài một cách lãng phí. Các hiệp hội bảo vệ môi trường trên thế giới dự báo chừng khoảng 50 năm nữa con người của cả địa cầu này phải chịu cảnh hạn hán kinh niên và đi hứng từng giọt nước để uống nếu cứ đà lãng phí hay làm ô nhiễm như hiện nay.
Chúng ta chắc không quên mình đã từng sống qua những giai đoạn thiếu thốn nguồn nước, phải thức hôm thức khuya để hứng từng xô nước từ giếng làng về xài cho sinh hoạt cả gia đình trong ngày, và bây giờ thảm cảnh ấy vẫn còn đang tiếp diễn ở Châu Phi, hay một vài khu vực ở Châu Á và trong tương lai sẽ là toàn cầu. Khi ấy chúng ta có thật nhiều tiền cũng không thể nào mua được nước, nước đã bị nhiễm ô và từ giã ta ra đi xa rồi. Mặc dù hiện nay tại một số nơi nước đang nằm trong quyền quản lý của một vài tập đoàn kinh doanh và nó đã trở thành mặt hàng đắt đỏ đứng sau điện và xăng dầu, nghĩa là người nghèo là không được phép dùng nước sạch, trong khi nguồn nước là tài sản của thiên nhiên, ai cũng có quyền sử dụng nhưng không ai có tư cách làm ô nhiễm hay tranh giành làm của riêng. Chúng ta không muốn thảm cảnh ấy lặp lại một lần nữa với mình và con cháu mình, vậy thì ngay bây giờ vẫn chưa muộn nếu ta quyết tâm tiết kiệm nước.
Mỗi khi đánh răng ta hãy nhớ tắt ngay vòi nước, vì trong 2 phút vô tâm ấy ta đã phung phí hàng chục lít nước sạch có thể cứu sống vài trẻ em đang chết khát trên thế giới. Khi rửa chén ta cũng nên rửa trong thau, đừng vì cái chén mà ta xả nước ồ ạt, dù ta có tiền để trả mỗi tháng. Chỗ hao phí nước nhiều nhất trong sinh hoạt hằng ngày chính là trong nhà tắm. Kể từ bây giờ ta nên cùng nhau thực tập giới hạn trở lại dùng vòi sen, thay vào đó ta hứng nước vào xô để tắm. Cách này tuy không tiện lợi nhưng giúp ta dễ dàng ngừng xả nước khi không thật sự cần thiết và biết được mình đã sử dụng bao nhiêu nước. Việc làm này tuy nhỏ nhưng hiệu quả tức thì mà không cần phải có một chính sách ban hành ta mới làm được. Con cháu mai sau không bị khuyết tật bẩm sinh, không bị cằn cỗi hay chết yểu, và còn nhìn thấy màu xanh của hành tinh này sẽ rất biết ơn nếp sống của ta hôm nay.
Vấn đề khói xe: Theo WHO, tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có gần 600.000 người tại Châu Á bị chết vì các bệnh thuộc đường hô hấp liên quan tới không khí. Thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm này là khói xe. Ở Bắc Kinh mỗi ngày có 2,6 triệu xe phun khói lưu hành và nơi đây đã được mệnh danh là thành phố xe hơi. Cứ 5 người Bắc Kinh là có một người sở hữu xe riêng, với số dân 15 triệu nên giao thông ở Bắc Kinh không những trì trệ mà còn đến mức nghẹt thở. Ở HongKong khói xe luôn giăng kín thành phố đến nổi 1/3 số ngày trong năm người ta không thể ngắm các dãy phố hay hải cảng. Và ở Hà Nội mỗi ngày phải hít vào phổi khoảng 100mg bụi PM10 (particulate matter) cực kỳ độc hại, 5.000mg CO và 50mg khí thải khác như NO2, SO2 vì khói xe phong tỏa mù mịt.
Cho nên mỗi khi cầm chìa khóa xe lên ta hãy nên tự hỏi nhiều lần là ta đang định đi đâu đây? Nếu thật sự cần thiết thì ta cứ đi, còn thấy mục đích kia không chính đáng ta hãy can đảm để chiếc chìa khóa xuống, đừng vì chút cảm hứng mà ta lại đi hủy diệt chính lá phổi hay sinh mệnh của mình và muôn loài. Ngoài ra, ta cũng nên dùng những loại xe chạy bằng nhiêu liệu bất hại như điện, hoặc cố gắng sử dụng xe công cộng khi có thể, ta vừa tiết kiệm xăng vừa không góp phần gây ô nhiễm mà cũng vừa tiếp nhận lại tính tương tác giữa mình và mọi người trong cộng đồng đang sinh sống. Đón xe đi chung với nhau là hình ảnh rất đẹp, nó kéo người ta lại gần nhau và phá vỡ phần nào chủ nghĩa cá nhân.
Vấn đề ăn thịt: Chúng ta biết rằng địa cầu đang bị hâm nóng dần và ước tính có thể vài năm tới đây các tảng băng ở Băng Đảo và Tây Nam Cực sẽ tan rã rất nhanh và mực nước biển sẽ dâng cao đột ngột. Nó không những làm ảnh hưởng đến phân nửa dân số thế giới đang sống ven bờ biển, mà còn khiến cho hàng tỉ tấn chất mêtan (CH4) trong lớp băng dày đặt kia vỡ ra, làm cho địa cầu càng nóng lên dữ dội và hàng loạt thảm họa thiên tai sẽ xảy ra như hạn hán, sức nóng gia tăng, sa mạc hóa, đất lún chìm, sông băng rút ngắn, biển chết, loài hoang dã bị tuyệt chủng và sức khỏe con người bị suy sụp trầm trọng.
Thế giới đang báo động tình trạng hiệu ứng nhà kính (the greenhouse effect) và hết sức nỗ lực giảm khí thải trong kỹ nghệ hay giao thông, nhưng phải mất thời gian khá lâu tình trạng mới khả quan vì nó có liên quan tới quyền lợi của nhiều tập đoàn sống trục lợi hay guồng máy chính trị độc tài và tham nhũng. Trong khi ăn chay thuần chất hữu cơ là giải pháp có thể làm ngay nơi mỗi cá nhân và hiệu ứng rất cao trong việc làm nguội địa cầu, vì chăn nuôi đóng góp hơn 50% chất thải mêtan vào bầu khí quyển này. Liên hiệp quốc cho rằng chính việc phá rừng để chăn nuôi đã tiêu phá lá phổi chung nên phải chịu trách nhiệm 20% tất cả khí nhà kính. Ngoài ra chính việc chăn nuôi gia súc lấy thịt tăng nhanh trong những năm gần đây đã khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện. Và có lẽ từ khi con người đắm chìm trong những món ăn cao cấp lấy từ mạng sống của nhiều loài động vật cũng chính lúc con người đánh mất lòng bao dung cao cả của một bậc đàn anh.
Cho nên:
1- Ý thức việc vứt bỏ túi nylon gây nhiễm độc cho bà mẹ thiên nhiên vì phải mất cả nghìn năm nó mới tự phân hủy, con xin nguyện chỉ sử dụng túi vải để đựng hàng hóa khi đi chợ.
2- Ý thức nếu rừng ngã thì con không thể thở và cũng sẽ ngã theo, con xin nguyện chỉ sử dụng chén, ly hay khăn giấy trong những trường hợp không còn cách nào khác hơn.
3- Ý thức nguồn nước thiên nhiên đang dần cạn kiệt và hàng triệu người đang chết khát trên thế giới, con xin nguyện tiết kiệm từng ngụm nước dù khi tắm rửa.
4- Ý thức khói xe gây nhiễm ô không khí, tạo ra những trận mưa axít làm chết rừng, hư hại nguồn nước, con xin nguyện chỉ lái xe vào những mục đích thực sự chính đáng, và sẽ cố gắng dùng xe công cộng khi có thể.
5- Ý thức việc chăn nuôi gia súc lấy thịt gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chất thải làm cho địa cầu nóng thêm dẫn đến những thảm họa thiên tai, và con người ngày càng đánh mất lòng từ ái vốn rất cao cả dành cho muôn loài, con xin nguyện ăn chay thường xuyên để góp phần xoa dịu và giữ gìn sinh mạng chung.
Vì tình thương và hiểu biết, thưa bà mẹ thiên nhiên, con xin tự nguyện ký kết năm hiệp ước này. Con ý thức rằng con đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu, con không thể để cho tâm hồn chúng nghèo đói mà lạc lõng đi về tương lai. Nếu bàn tay này còn tiếp tục gây ra những năng lượng độc hại có tính chất hủy diệt sinh mạng chung thì con sẽ có tội với các bậc tiền nhân và với vũ trụ. Vì vậy từ nay con xin hứa sẽ giữ bàn tay thật trong sạch để cùng đưa con cháu đi lên.
Giữ bàn tay cho khéo
Tiếp nhận nếp tổ tiên
Trao truyền cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.