Lần thứ hai trong vòng mười ngày Paul Martineau lái xe từ Aix-en-Provence tới Mác-xây. Một lần nữa hắn bước vào quán cà phê trên con đường nhỏ Rue de Convalescents và trèo lên những bậc thang chật hẹp để đến căn phòng trên lầu một, và một lần nữa hắn được chào đón bởi một người mặc áo choàng dài chỉ trao đổi với hắn rất khẽ bằng tiếng Arập. Họ ngồi trên những chiếc gối may bằng vải lụa, dưới sàn căn phòng nhỏ. Gã đàn ông từ tốn nhồi thuốc lá ha-sít vào một tẩu thuốc và châm que diêm đang cháy vào bầu tẩu. Ở Mác-xây y được biết đến dưới cái tên Hakim el-Bakri, một người di dân mới đến từ Algiers. Martineau biết y qua một cái tên khác, Abu Saddiq. Martineau không gọi y bằng cái tên đó, cũng như Abu Saddiq không gọi Martineau bằng cái tên mà cha ruột hắn đã đặt cho hắn.
Abu Saddiq hút mạnh đầu ngậm của chiếc tẩu, rồi chìa nó về phía Martineau. Martineau hút một hơi dài và thở khói ra hai hàng mũi. Rồi hắn uống nốt tách cà phê. Một người phụ nữ đeo mạng che mặt tiến đến dọn cái tách không và đề nghị mang cho hắn một tách cà phê khác. Khi Martineau lắc đầu, người phụ nữ âm thầm bước ra khỏi phòng.
Hắn nhắm mắt tận hưởng làn sóng khoái cảm đang trào dâng trong cơ thể mình. Đúng theo kiểu của người Arập, hắn nghĩ – một hơi thuốc lá, một tách cà phê pha ngọt, cung cách phục vụ của một người đàn bà biết thân biết phận. Mặc dù đã được nuôi nấng để trở thành một quý ông người Pháp chân chính, dòng máu Arập vẫn chảy trong huyết quản của hắn và tiếng Arập vẫn là ngôn ngữ khiến hắn cảm thấy dễ chịu nhất. Đó là ngôn ngữ của thi ca, ngôn ngữ của chinh phạt và của sự chịu đựng khổ đau. Cuộc sống lưu vong, xa lìa đồng bào đôi khi trở thành nỗi đau không sao chịu nổi. Ở Provence, hắn sống giữa rất nhiều người giống như mình, nhưng hắn không thể giao thiệp với họ. Như thể hắn đã bị kết án phải sống vật vờ giữa họ, như một linh hồn vất vưởng ở giữa thế giới của con người. Chỉ có ở đây, trong căn phòng nhỏ của Abu Saddiq, hắn mới có thể xử sự đúng như con người thật của mình. Abu Saddiq hiểu điều này, và đó là lý do y không vội đi vào công việc. Y nhồi thêm thuốc lá vào tẩu thuốc và đánh một que diêm khác.
Martineau hút một hơi thuốc nữa, lần này sâu hơn lần trước, và giữ khói thuốc lại trong phổi cho tới khi phổi của hắn dường như sắp bị thiêu cháy. Lúc này tâm trí hắn đang bay bổng. Hắn thấy Palestine, không phải bằng mắt mà qua lời kể của những người đã thực sự nhìn thấy đất nước này. Martineau, giống như cha hắn, chưa bao giờ đặt chân về quê cha đất tổ. Những cây chanh và những bụi ô-liu – đó là hình ảnh trong trí tưởng tượng của hắn. Những dòng suối ngọt ngào và những đàn dê tràn xuống từ những ngọn đồi màu vàng nhạt của vùng Galilee. Phần nào giống vùng Provence, hắn nghĩ, trước khi người Hy Lạp kéo đến đây.
Những hình ảnh vỡ tan thành muôn ngàn mảnh, và hắn thấy mình lang thang qua những di tích đổ nát của các nền văn hóa Celtic và La Mã. Hắn đến một ngôi làng, một ngôi làng nằm trên thảo nguyên của Palestine – Beit Sayeed, như người ta vẫn gọi. Giờ đây chẳng còn lại gì ngoài một dấu chân trên lớp đất khô cằn. Martineau, trong ảo giác của mình, quỳ xuống và dùng thuổng đào lớp đất đó. Hắn chẳng thu được gì, không một dụng cụ hay một thứ đồ gốm, không một đồng xu hay một mảnh xương người. Có vẻ như dân tộc hắn đã hoàn toàn biến mất khỏi trái đất này.
Hắn cố mở mắt ra. Ảo ảnh biến mất. Sứ mệnh của hắn sẽ sớm được hoàn tất. Những kẻ đã sát hại cha và ông nội hắn sẽ phải đền tội; quyền thừa tự của hắn sẽ được phục hồi. Martineau luôn tin rằng mình sẽ không sống những ngày cuối đời dưới lốt của một người Pháp ở Provence nữa, mà sẽ là một người Arập ở Palestine. Đồng bào hắn, những người đang phải tha phương cầu thực ở khắp nơi trên thế giới, sẽ được trở về quê hương, và Beit Sayeed sẽ một lần nữa hồi sinh từ nấm mồ lạnh lẽo. Ngày tàn của bọn Do Thái đã tới gần. Chúng sẽ phải cuốn gói như những kẻ đã đến Palestine trước chúng – người Hy Lạp và người La Mã, người Ba Tư và người Assyria, người Thổ và người Anh. Martineau tin chắc rằng một ngày rất gần đây, hắn sẽ tìm kiếm những di tích cổ giữa đống đổ nát của một khu định cư Do Thái.
Abu Saddiq vừa kéo tay áo hắn và gọi hắn bằng tên thật. Martineau từ từ quay đầu lại và phóng ánh mắt như một lưỡi gươm vào Abu Saddiq. “Hãy gọi tôi là Martineau”, hắn nói bằng tiếng Pháp. “Tôi là Paul Martineau. Giáo sư Paul Martineau”.
“Vì lúc nãy anh thả hồn đi đâu xa quá”.
“Tôi thả hồn ở Palestine”, Martineau lẩm bẩm, giọng nói nhừa nhựa vì chất thuốc. “Beit Sayeed”.
“Tất cả chúng ta sẽ sớm được về đó thôi”, Abu Saddiq nói.
Martineau nở một nụ cười – không phải là một nụ cười kiêu ngạo mà là nụ cười của sự tự tin. Buenos Aires, Istanbul, Rome – ba vụ tấn công, tất cả đều được lên kế hoạch và thực hiện một cách hoàn hảo. Các nhóm hành động của hắn đã đưa chất nổ đến mục tiêu và biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Trong mỗi chiến dịch, Martineau đều ngụy trang bằng công việc khảo cổ và điều khiển chiến dịch thông qua một thiết bị ngắt mạch. Abu Saddiq được giao thực hiện chiến dịch Paris. Martineau đã thai nghén và lập kế hoạch; Abu Saddiq, từ quán cà phê ở quận Belsunce, chỉ là kẻ điều động những quân cờ theo lệnh của Martineau. Khi xong việc Abu Saddiq sẽ chịu chung số phận với những tên khủng bố khác mà Martineau đã sử dụng. Hắn đã rút ra bài học từ những sai lầm của cha ông hắn. Hắn sẽ không bao giờ để mình bị hạ trong tay một tên Arập phản bội.
Abu Saddiq lại đưa tẩu thuốc mời Martineau. Martineau nhấc tay ra hiệu từ chối. Rồi, với một cái gật đầu chậm rãi, hắn chỉ thị cho Abu Saddiq báo cáo kế hoạch lần cuối. Trong nửa giờ tiếp theo, Martineau ngồi im nghe Abu Saddiq nói: địa điểm bố trí các nhóm, các địa chỉ ở Paris nơi những trái bom đang được chuẩn bị, tình trạng tâm lý của ba shaheed. Abu Saddiq ngừng nói khi người phụ nữ đeo mạng che mặt vào rót thêm cà phê. Khi cô ta đi khỏi, Abu Saddiq báo cáo rằng thành viên cuối cùng trong nhóm sẽ đến Mác-xây trong hai ngày nữa.
“Cô ấy muốn gặp hắn”, Abu Saddiq nói. “Trước khi tiến hành chiến dịch”.
Martineau lắc đầu. Hắn biết cô gái này – họ đã từng là tình nhân của nhau – và hắn biết lý do cô ta đòi gặp hắn. Tốt nhất họ không nên gặp nhau vào lúc này. Nếu không Martineau có thể sẽ do dự về kế hoạch mà hắn đã sắp đặt cho cô ta.
“Chúng ta sẽ theo đúng kế hoạch ban đầu”, hắn nói. “Tôi sẽ gặp cô ta ở đâu?”
“Quán cà phê Internet nhìn ra cảng. Anh biết quán đó không?”
Martineau không lạ gì chỗ đó.
“Cô ấy sẽ tới lúc 12 giờ 30”.
Đúng lúc này, từ tòa tháp của một nhà thờ Hồi giáo gần đó, vị giáo sĩ báo giờ cất cao tiếng kêu gọi các tín đồ cầu nguyện. Martineau nhắm mắt khi những lời quen thuộc gột rửa tâm trí hắn.
Allah là đấng vĩ đại nhất. Con xin xác tín rằng không có thượng đế nào khác ngoài Allah. Con xin xác tín rằng Đức Muhammad là Tiên Tri của Allah. Hãy đến đây để cầu nguyện. Hãy đến đây để thành công. Allah là đấng vĩ đại nhất. Không có thượng đế nào khác ngoài Allah.
Khi lời kêu gọi cầu nguyện kết thúc, Martineau đứng dậy và chuẩn bị ra về.
“Hadawi đang ở đâu?” hắn hỏi.
“Zurich”.
“Hắn phải chịu một số trách nhiệm, phải không?”
Abu Saddiq gật đầu. “Tôi có nên thuyên chuyển hắn không?”
“Không”, Martineau đáp. “Giết hắn đi”.
Đầu óc Martineau đã được thanh tẩy khi hắn về tới Place de la Préfecture. Mọi thứ thật khác biệt ở phía bên này của Mác-xây, hắn nghĩ. Đường phố sạch sẽ hơn, các cửa hiệu phong phú hơn. Nhà khảo cổ Martineau không thể không suy nghĩ về bản chất của hai thế giới tồn tại sát bên nhau trong thành phố cổ kính này. Một bên tập trung vào lòng mộ đạo, bên kia tập trung vào niềm đam mê tiêu thụ. Một bên có nhiều trẻ con, bên kia coi trẻ con là một gánh nặng tài chính. Người Pháp, Martineau biết, chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành thiểu số trên đất nước của chính họ, những lệ dân trên đất đai của chính họ. Trong tương lai không xa, một thế kỷ, có thể hơn một chút, nước Pháp sẽ trở thành một quốc gia Hồi giáo.
Hắn rẽ vào đại lộ Rémy. Có ba làn xe và được phân cách bởi một hàng chỗ đậu xe ở giữa, con đường hơi lên dốc hướng về một công viên nhỏ nhìn ra bến cảng cũ. Các tòa nhà hai bên đường đều được xây bằng đá xám và có chiều cao đều nhau. Những chấn song sắt bảo vệ các cửa sổ tầng trệt. Đa số những tòa nhà này là văn phòng làm việc của các luật sư, bác sĩ, nhà môi giới địa ốc. Xa hơn nữa về phía cuối đường là hai, ba nhà băng và một trung tâm thiết kế nội thất. Ở đầu đường, ngay tại rìa khu Place de la Préfecture là một cặp ki-ốt đối diện nhau – một bên bán báo, bên kia bán bánh xăng-uých. Ban ngày, có một cái chợ nhỏ hoạt động trên lề đường, nhưng lúc này, khi trời đã nhá nhem tối, những người bán hàng đều đã thu dọn phô-mai và rau tươi để trở về nhà.
Tòa nhà Số 56 hoàn toàn là nhà ở. Đại sảnh sạch sẽ, cầu thang rộng rãi có lan can gỗ và một tấm thảm trang trí mới. Căn hộ hoàn toàn trống rỗng ngoại trừ một chiếc trường kỷ đơn màu trắng và một máy điện thoại trên sàn nhà. Martineau cúi xuống, nhấc ống nghe, và quay số. Giọng nói của máy trả lời tự động vang lên, đúng như hắn mong đợi.
“Tôi đang ở Mác-xây. Gọi cho tôi nếu được”.
Hắn gác máy và ngồi xuống chiếc trường kỷ. Hắn cảm thấy khẩu súng của mình cồm cộm sau lưng. Hắn cúi người về phía trước và rút nó ra từ lưng quần jeans. Một khẩu Stechkin chín ly – khẩu súng của cha hắn. Trong nhiều năm sau khi cha hắn qua đời ở Paris, khẩu súng này nằm đóng bụi trong một kho tang vật của cảnh sát, chứng cứ của một vụ án sẽ không bao giờ được xét xử. Một nhân viên tình báo Pháp đã cuỗm khẩu súng mang sang Tunis vào năm 1985 và dùng nó làm quà tặng A’one. A’one trao lại nó cho Martineau.
Chuông điện thoại reo. Martineau nhấc máy.
“Ông Véran phải không?”. Giọng một phụ nữ đầy ngọt ngào.
“Mimi, tình yêu của tôi”, Martineau nói. “Thật hạnh phúc khi được nghe giọng nói của nàng”.