Hội hè miên man
Chương 12
Diều hâu không chia phần
Scott Fitzgerald mời chúng tôi đến ăn trưa với Zelda, vợ anh và cô con gái bé bỏng ở căn hộ có sẵn đồ đạc ở số 14 rue de Tilsitt. Tôi không nhớ gì nhiều về căn hộ ngoài ấn tượng về sự âm u thiếu khí và ở đấy không hiện diện thứ gì là của riêng hai vợ chồng ngoại trừ những cuốn sách đầu tiên của Scott đóng bìa da xanh nhạt mạ chữ vàng. Scott cũng cho chúng tôi xem cuốn sổ lớn liệt kê tất cả những truyện anh đã xuất bản theo thứ tự từng năm cùng số tiền anh nhận được, cả những khoản tiền bán được nhờ bán cho phim, tiền bán sách và tiền bản quyền. Tất cả được ghi chi tiết cẩn thận như một quyển nhật kí hải hành và Scott trưng ra cho hai chúng tôi xem với niềm kiêu hãnh vô nhân xưng như thể anh là giám tuyển của một viện bảo tàng. Scott trịnh trọng và hiếu khách cho chúng tôi xem những khoản tiền anh kiếm được như thể chúng là kì quan phong cảnh. Nhưng chẳng có phong cảnh nào cả.
Zelda vẫn còn rất ngầy ngật vì rượu. Đêm trước họ đã ngồi ở Montmattre và cãi nhau một trận vì Scott không muốn uống say. Anh bảo tôi anh đã quyết định sẽ phải làm việc nhiều và không uống nữa nhưng Zelda cư xử với anh như thể anh là tên làm mất hứng, một kẻ phá rối. Đó là hai từ cô dùng để nói với anh và hai người buộc tội lẫn nhau. Zelda bảo, “Em có nói thế đâu. Em không nói thế. Không đúng rồi, Scott.” Sau đó dường như cô nhớ ra gì đó và cười xòa vui vẻ.
Hôm ấy Zelda trông không được khỏe. Mái tóc vàng sẫm xinh đẹp của cô tạm thời bị hủy hoại vì đi uốn cong rất xấu ở Lyon, nơi họ buộc phải bỏ lại chiếc xe vì trời mưa, đôi mắt cô mệt mỏi, khuôn mặt căng thẳng quá mức và rầu rĩ.
Cô tỏ ra lịch sự với Hadley và tôi nhưng phần lớn con người cô lúc này không hiện diện mà hãy còn nằm ở bữa tiệc sáng nay cô rời khỏi để về nhà. Cả cô và Scott dường như đều nghĩ tôi và Scott đã có một chuyến đi Lyon hết sức tuyệt vời và cô phát ghen vì điều đó.
“Khi hai anh đi và cùng nhau tận hưởng những lúc tuyệt vời ấy, thì đương nhiên là em phải được quyền vui vẻ tí chút với vài người bạn tốt ở Paris đây chứ,” cô nói với Scott.
Scott là một vị chủ nhà hoàn hảo và chúng tôi ăn một bữa trưa rất tệ, chỉ có chút rượu nâng lên đặt xuống. Cô con gái bé bỏng tóc vàng, khuôn mặt bụ bẫm, người cân đối, trông rất khỏe mạnh và nói tiếng Anh đặc giọng Cockney (từ chỉ tầng lớp lao động ở Anh). Scott giải thích rằng cô bé có một bảo mẫu người Anh vì anh muốn khi lớn lên, cô bé nói giọng giống như Công nương Diana Manners.
Zelda có đôi mắt diều hâu, cái miệng mỏng dính và tính cách cũng như giọng nói rặt miền Nam. Nhìn vẻ mặt cô cũng có thể thấy đầu óc cô vẫn đang rời bàn ăn phiêu diêu ở bữa tiệc đêm qua và chỉ quay lại với đôi mắt trống rỗng như mắt mèo rồi dần thích thú, và sự thích thú ấy chạy dọc theo mép môi mỏng rồi biến mất. Scott là một chủ nhà vui vẻ, Zelda nhìn anh và mắt cô miệng cô mỉm cười sung sướng khi anh uống rượu. Tôi hiểu nụ cười ấy rất rõ. Nó có nghĩa rằng cô biết Scott sẽ không viết gì được nữa.
Zelda ghen với công việc của Scott và khi chúng tôi biết họ, điều này đã trở nên hiển nhiên. Scott kiên quyết không đến dự những bữa tiệc rượu thâu đêm để tập thể dục mỗi ngày và làm việc đều đặn, Anh bắt đầu làm việc và ngay khi anh vừa lmà việc được trôi chảy, Zelda bắt đầu than phiền cô thấy chán và tìm cách kéo anh ra ngoài đến một tiệc rượu. Họ cãi nhau rồi lại dàn hòa và anh sẽ cùng cô đi dạo một đoạn dài cho giã rượu, lần này anh quyết định sẽ làm việc nghiêm túc và khởi động một cách trôi chảy. Nhưng rồi mọi chuyện lại cứ thế lặp lại.
Scott yêu Zelda say đắm và anh rất ghen. Trong khi đi dạo, anh đã nhiều lần kể tôi nghe cô sa lưới tình tay phi công hải quân người Pháp như thế nào. Nhưng từ đó trở đi cô không làm anh phải thực sự ghen với người đàn ông nào khác nữa. Mùa xuân này cô khiến anh phải ghen với những người phụ nữ khác, và anh sợ mình và vợ say mèm không biết trời trăng gì trong các bữa tiệc ở Montmartre. Bất tỉnh khi uống rượu là cái cớ tuyệt vời mà hai vợ chồng luôn vin vào. Chỉ cần nhấp một lượng rượu hay sâm banh mà với người quen uống chẳng hề hấn gì là họ muốn đi ngủ, và ngủ lăn quay như những đứa trẻ. Tôi từng thấy họ lịm đi như thể chẳng phải do rượu mà do bị tiêm thuốc mê, và bạn bè, có khi là lái xe taxi, phải kéo họ lên giường, và khi thức dậy họ lại sảng khoái và vui vẻ không hề lưu lại dấu vết gì của lượng rượu khiến họ bất tỉnh trước đó.
Giờ thì họ không còn cái khiên bảo vệ tự nhiên ấy nữa. Thời gian này, Zelda đã uống nhiều hơn Scott và anh sợ cô say mèm giữa đám bạn bè trong suốt mùa xuân ấy của họ và ở những nơi họ đến. Scott không thích những nơi này cũng như những người này, nhưng anh phải uống nhiều hơn tửu lượng và khả năng tự chủ của mình để chịu đựng bọn người ấy, và bây giờ thì anh bắt đầu uống để cho tỉnh sau khi chỉ biết bất tỉnh vì say. Rốt cuộc anh chỉ còn mỗi một chút thời gian ít ỏi xen giữa để làm việc.
Anh luôn cố gắng làm việc. Ngày nào anh cũng cố gắng rồi thất bại. Anh đổ lỗi thất bại ấy cho Paris, cái thành phố lí tưởng nhất trên đời cho một nhà văn ngồi viết, lúc nào anh cũng nghĩ nhất định có một nơi nào đó để anh và Zelda có thể sống hạnh phúc bên nhau trở lại. Anh nghĩ đấy là một nơi như Riviera thuở nó còn chưa bị xây dựng như sau này, với mênh mang biển xanh ngắt yêu kiều, với những bãi cát, những cánh rừng thông nối tiếp nhau và rặng Esterel vươn ra ngoài biển. Anh nghĩ về nơi ấy như nó đã từng vào thời điểm anh và Zelda biết đến lần đầu trước khi mọi người đổ về đấy để nghỉ hè.
Scott kể với tôi về Riviera và bảo chúng tôi vào mùa hè tới nhất định phải đến đó, phải đi như thế nào, rồi nói anh có cách tìm cho chúng tôi một chỗ ở không đắt lắm và hai chúng tôi tha hồ làm việc mỗi ngày, bơi lội rồi tắm nắng trên bờ biển, chỉ uống một li rượu khai vị trước bữa trưa, một li khác trước bữa tối. Zelda sẽ hạnh phúc ở đó, anh nói. Cô thích bơi và là một người lặn rất đẹp, cô sẽ thích cuộc sống ấy và sẽ để cho anh được làm việc và mọi thứ sẽ vào nề nếp. Anh và Zelda và cô con gái sẽ đến đó vào mùa hè này.
Tôi cố gắng thuyết phục anh viết những truyện hay hết mức anh có thể viết được mà không thỏa hiệp với bất cứ điều kiện nào, khi biết anh đã từng làm thế.
“Anh đã có một quyển tiểu thuyết hay,” tôi nói. “Giờ anh không được viết dễ dãi.”
“Tiểu thuyết không bán được,” anh nói. “Tôi phải viết truyện ngắn, những truyện sẽ bán được.”
“Anh hãy dốc lòng viết những gì hay nhất của mình, những gì thật nhất của mình.”
“Tôi sẽ làm thế,” anh nói.
Nhưng với những gì đang diễn ra, nếu anh viết được thì quả thật là may mắn. Zelda không đong đưa với những người theo đuổi cô nữa và cô cũng không dây dưa gì với bọn họ, cô bảo thế. Nhưng cô cứ thích chuyện đó và nó khiến Scott ghen và anh phải đi kè kè với cô hết nơi này đến nơi khác. Điều đó hủy hoại công việc của anh, và cô ghen với công việc của anh hơn bất cứ thứ gì.
Toàn bộ thời gian cuối mùa xuân đầu mùa hè ấy, Scott nỗ lực làm việc nhưng anh chỉ có thể viết một cách chụp giật. Mỗi lần gặp tôi anh đều tỏ ra vui vẻ, thỉnh thoảng vui vẻ kiểu đường cùng, anh nói đùa rất duyên và là một người bạn tốt. Mỗi khi anh lâm vào thời điểm thật sự tồi tệ, tôi lại nghe kể chuyện của hai người và cố gắng nói cho anh hiểu rằng nếu tự chủ được, anh sẽ viết được những gì anh muốn, và chỉ có cái chết mới can thiệp nổi. Anh cũng cười cợt chính mình, và chừng nào anh còn được như thế, tôi nghĩ anh vẫn còn ổn. Trong thời gian này anh viết được một cái truyện khá, truyện “The Rich Boy”, và tôi tin chắc anh còn có thể viết hay hơn thế nữa, như sau này anh đã làm được.
Mùa hè chúng tôi ở Tây Ban Nha và tôi bắt đầu viết bản thảo đầu tiên của quyển tiểu thuyết và hoàn tất nó khi quay lại Paris vào tháng chín. Scott và Zelda ở Cap d’Antibes, và mùa thu năm ấy, khi gặp lại anh tại Paris tôi thấy anh rất khác. Ở Riviera anh không có lúc nào tỉnh táo và giờ đây anh uống rượu trở lại cả ngày lẫn đêm. Chuyện ai đó có làm việc cũng chẳng mảy may tác động đến anh, và bất cứ lúc nào say, anh lại mò đến 113 rue Notre-Dame-des-Champs bất kể giờ giấc. Anh trở nên thô lỗ với những người thấp kém hơn hoặc với bất kì ai mà anh cho là thấp kém hơn anh.
Có một lần anh cùng cô con gái bé bỏng đi qua cổng xưởng cưa – hôm ấy là ngày nghỉ của cô bảo mẫu người Anh nên Scott phải trông đứa bé – ở chân cầu thang con bé bảo muốn đi vệ sinh. Scott bắt đầu cởi đồ cho con bé và ông chủ nhà, sống ở tầng dưới chúng tôi, bước vào bảo, “Monsieur, có một cabinet de toilette (nhà vệ sinh) ngay phía trước ông, bên trái cầu thang ấy.”
“Phải rồi, tôi sẽ nhét đầu ông vào đấy luôn, cứ liệu hồn,” Scott nói với ông thế.
Suốt mùa thu ấy anh rất khó chịu nhưng anh cũng đã bắt tay vào viết quyển tiểu thuyết mỗi khi anh tỉnh táo. Tôi thấy anh hiếm khi tỉnh táo, nhưng mỗi khi tỉnh táo anh luôn dễ chịu và hài hước và thỉnh thoảng còn tự châm biếm mình. Nhưng khi say, anh thường đến tìm tôi và vì say, anh quấy rầy công việc của tôi giống như Zelda đã quấy rầy anh. Chuyện này cứ kéo dài hàng năm trời nhưng cũng trong từng ấy năm tôi không có người bạn nào thân thiết hơn Scott mỗi khi anh tỉnh táo.
Mùa thu năm 1925 ấy, anh bực bội vì tôi không cho anh đọc bản thảo đầu tiên cuốn The Sun Also Rises. Tôi giải thích với anh rằng nó chẳng có ý nghĩa gì hết chừng nào tôi chưa đọc lại và sửa chữa, và tôi không muốn nói về nó hay cho ai đó xem trước. Chúng tôi sẽ đi Schruns vùng Vorarlberg của Áo ngay khi đợt tuyết đầu tiên ở đó bắt đầu rơi.
Tôi viết lại nửa đầu bản thảo ở đó, và hi vọng sẽ hoàn tất vào tháng giêng. Tôi đem đoạn này về New York rồi đưa cho Max Perkins của nhà xuất bản Scribners xem rồi quay lại Schruns để hoàn tất việc viết lại quyển sách. Scott không xem quyển sách cho đến khi bản thảo được cắt xén, viết lại hoàn chỉnh và gửi cho nhà xuất bản Scribners vào cuối tháng tư. Tôi nhớ đã nói đùa với anh về công việc và anh tỏ ra lo lắng sốt ruột muốn được giúp như vẫn hay làm mỗi khi có công việc vào giai đoạn hoàn tất. Nhưng tôi không muốn anh giúp gì khi tôi đang viết lại quyển sách.
Trong khi chúng tôi ở Vorarlberg và tôi viết hoàn chỉnh quyển tiểu thuyết, Scott cùng vợ con rời Paris đến một miền sông nước ở Hạ Oyrénée. Zelda bị ốm vì căn bệnh đường ruột quen thuộc, căn bệnh do uống quá nhiều sâm banh và sau đó được chẩn đoán là viêm ruột kết. Scott không uống, anh bắt đầu làm việc và muốn chúng tôi đến Juan-les-Pins vào tháng sáu. Họ sẽ tìm cho chúng tôi một căn biệt thự không đắt lắm và lần này anh sẽ không uống rượu và sẽ giống như những ngày tươi đẹp cũ, chúng tôi sẽ tắm biển và khỏe mạnh, da dẻ rám nâu, và sẽ chỉ có một li rượu khai vị trước bữa trưa và một li khai vị khác trước bữa tối. Zelda đã khỏe lại, cả hai người đều ổn và cuốn tiểu thuyết anh đang viết tiến triển tốt. Anh có tiền nhờ The Great Gatsby được chuyển thể sân khấu đang rất ăn khách, ngoài ra quyển tiểu thuyết còn được bán để làm phim và anh không phải lo lắng gì nữa. Zelda thật sự ổn và mọi chuyện đi vào nề nếp.
Hồi tháng năm tôi đã một mình đi xuống Madrid để làm việc, nên bây giờ tôi lấy ghế hạng ba ngồi tàu từ Bayonne đến Juan-les-Pins trong cơn đói mềm vì đã xài hết tiền một cách ngu ngốc và khoản cuối cùng đã đổ nốt vào bữa ăn ở Hendaye, biên giới Pháp – Tây Ban Nha. Căn biệt thự xinh xắn chúng tôi thuê cách không xa ngôi nhà rất đẹp của Scott. Tôi sung sướng vì được gặp vợ, nàng đã thu vén dọn dẹp căn biệt thự đâu vào đó, và được gặp lại những người bạn của chúng tôi, được tận hưởng một li rượu khai vị duy nhất trước bữa trưa, cùng nhiều thứ khác. Đêm ấy có một bữa tiệc chào đón chúng tôi ở Casino, một bữa tiệc nhỏ, có gia đình MacLeigh, gia đình Murphy, gia đình Fitzgerald và chúng tôi, những người đang sống ở biệt thự. Không ai uống gì nặng hơn sâm banh, đó là một nơi thật vui, và rõ là một nơi tuyệt vời để ngồi viết. Có tất cả mọi thứ mà người viết cần, ngoại trừ việc được ở một mình.
Zelda rất xinh đẹp với làn da rám nắng yêu kiều, tóc cô vàng sẫm thật đẹp, và cô hết sức thân thiện. Đôi mắt diều hâu của cô trong veo bình lặng. Tôi biết mọi thứ đều ổn và chỉ trở nên lạ lùng khi Zelda nghiêng người nói với tôi bí mật lớn nhất của cô, “Ernest, anh có nghĩ Al Jolson vĩ đại hơn Jesus không?”
Lúc đó, ai mà quan tâm đến câu nói ấy. Đó là bí mật duy nhất của Zelda mà cô đem ra chia sẻ với tôi, như diều hâu chia sẻ thứ gì đó với người. Nhưng diều hâu không biết chia phần. Scott không viết được gì hay hơn được nữa cho đến khi anh biết vợ mình đã mắc bệnh điên.
Một vấn đề về kích thước
Rất lâu sau này, nhân lúc chúng tôi tình cờ có mặt ở Paris sau khi Zelda đã trải qua cái mà hồi ấy được gọi là cơn suy sụp thần kinh đầu tiên, Scott mời tôi đi ăn trưa tại quán Michaud ở góc phố Jacob và Saints-Pères. Anh nói có chuyện vô cùng quan trọng muốn hỏi, một chuyện mệnh hệ với anh hơn tất cả mọi thứ trên đời và tôi phải trả lời anh một cách tuyệt đối thẳng thắn. Tôi nói sẽ cố hết sức trong khả năng của mình. Khi anh yêu cầu tôi phải trả lời một cách tuyệt đối thẳng thắn, điều đó rất khó làm, và tôi cố gắng đáp ứng thì những gì tôi nói ra có thể sẽ làm anh tức giận, thường không phải ngay khi nói ra mà là sau đấy, có khi mãi xa lắc về sau anh vẫn nung nấu nghiền ngẫm trong lòng. Lời của tôi sẽ trở thành thứ bị chà đạp, và có khi cùng với chúng, chính tôi cũng bị chà đạp theo.
Anh uống rượu trong bữa trưa nhưng không hề hấn gì, điều đó có nghĩa là anh đã không uống trước từ sáng để chuẩn bị cho bữa trưa. Chúng tôi nói về công việc, về người này người nọ và anh hỏi tôi về một số người chúng tôi không gặp trong khoảng thời gian vừa qua. Tôi biết anh đang viết gì đó rất được, và vì nhiều lí do, anh đang gặp trở ngại lớn nhưng đó không phải là điều anh muốn nói. Tôi cứ đợi để anh tự nói ra chuyện của anh, chuyện mà tôi buộc phải trả lời một cách tuyệt đối thẳng thắn; nhưng mãi cho đến cuối bữa anh vẫn không đả động gì, cứ như thể đây chỉ là bữa ăn trưa bàn công việc vậy.
Sau rốt, khi chúng tôi đã chuyển sang ăn bánh anh đào và uống bình rượu cuối cùng, anh mới nói, “Anh biết tôi chưa từng ngủ với ai khác ngoài Zelda.”
“Không, tôi không biết.”
“Tôi tưởng đã kể anh nghe rồi.”
“Chưa. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện nhưng không có chuyện này.”
“Đó là chuyện tôi muốn hỏi ý kiến anh.”
“Được. Kể tiếp đi.”
“Zelda nói cái ấy của tôi từ bẩm sinh không thể làm bất cứ người đàn bà nào sung sướng được, và đấy là nguyên nhân chính khiến cô ấy đau khổ. Cô ấy bảo đó là vấn đề về kích thước. Từ khi nghe cô ấy nói, tôi không còn thấy bình thường nữa, và tôi cần phải biết sự thật là thế nào.”
“Nào đi ra kia, vào phòng xem,” Tôi nói.
“Phòng nào?”
“Le water,” (WC, nhà vệ sinh)
Chúng tôi quay lại và ngồi vào bàn.
“Anh hoàn toàn không có vấn đề gì,” tôi nói. “Anh rất ổn, không có gì bất thường cả. Anh nhìn anh từ trên xuống trông ngắn hơn. Anh cứ thử đến Louvre và ngắm tư thế những tượng người rồi về nhà ngắm hình nghiêng của mình trong gương ấy.”
“Tượng có khi không chuẩn.”
“Cũng chuẩn đấy. Hầu hết đều phải có người làm mẫu mà.”
“Nhưng sao cô ấy lại nói thế.”
“Để loại anh ra khỏi chuyện ấy. Đó là cách xưa nhất trên đời để loại người khác ra khỏi chuyện ấy. Scott này, anh bảo tôi phải nói sự thật và tôi có thể nói với anh khối điều nữa nhưng đây là điều rất thật và là tất cả những gì anh cần. Anh có thể đến bác sĩ, nếu muốn.”
“Tôi không muốn thế. Tôi muốn anh nói thật.”
“Giờ anh có tin tôi không?”
“Tôi không biết,” anh đáp.
“Đến Louvre đi,” tôi nói. “Chỉ cần xuống cuối đường qua bên kia sông là đến.”
Chúng tôi qua bên Louvre, anh ngắm những bức tượng nhưng vẫn nghi ngờ chính mình.
“Về cơ bản, điều quan trọng không phải là kích thước lúc nó đang ở trong tình trạng nghỉ ngơi,” tôi nói. “Mà là tầm cỡ khi phát triển. Ngoài ra góc độ cũng là một vấn đề.” Tôi hướng dẫn anh cách dùng gối và một vài thứ khác có thể hữu ích mà anh nên biết.
“Có một cô gái rất tử tế với tôi,” anh nói. “Nhưng sau khi Zelda nói thế thì…”
“Quên những gì Zelda nói đi,” tôi nói với anh. “Zelda bị điên. Còn anh không có vấn đề gì cả. Chỉ cần anh tự tin và làm những gì cô em kia muốn. Zelda chỉ muốn hủy diệt anh thôi.”
“Anh chẳng biết gì về Zelda cả.”
“Thôi được,” tôi nói. “Cứ xem như thế đi. Nhưng anh đi ăn trưa là để hỏi tôi và tôi đã cố gắng cho anh một câu trả lời thẳng thắn.”
Nhưng anh vẫn nghi ngờ.
“Hay ta đi xem tiếp vài bức tranh?” tôi hỏi. “Anh có xem cái gì khác ở đây ngoài bức Mona Lisa chưa?”
“Tôi không có tâm trạng nào đi xem tranh,” anh nói. “Tôi có hứa gặp vài người ở quán bar Ritz.”
Nhiều năm sau tại quán bar Ritz, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Georges, ông chủ quán bar và là một thợ săn thời Scott sống ở Paris, hỏi tôi, “Papa này, Monsieur Fitzgerald là ai mà mọi người cứ hay hỏi tôi thế nhỉ?”
“Anh không biết ông ấy à?”
“Không. Tôi nhớ tất cả mọi người trong giai đoạn đó. Nhưng giờ người ta chỉ hỏi tôi về ông ấy thôi.”
“Thế anh nói với họ thế nào?”
“Bất cứ gì hay ho mà họ muốn nghe. Những thứ thỏa mãn họ. Nhưng nói cho tôi biết đi, ông ấy là ai?”
“Ông ấy là nhà văn Mĩ đầu những năm hai mươi và những năm sau đó nữa, ông ấy có thời gian sống ở Paris và nước ngoài.”
“Sao tôi không nhớ nhỉ? Ông ấy có phải là nhà văn giỏi không?”
“Ông ấy viết hai quyển cực hay và một quyển chưa hoàn thành nhưng những người sành văn của ông ấy đều bảo là rất được. Ông ấy cũng có những truyện ngắn tuyệt vời.”
“Ông ấy hay la cà quán bar không?”
“Tôi nghĩ là có.”
“Nhưng ông có đến quán bar này vào đầu những năm hai mươi đâu. Tôi biết lúc ấy ông rất nghèo và sống tại một khu khác.”
“Khi có tiền tôi cũng đến Crillon.”
“Chuyện ấy tôi cũng biết. Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau.”
“Tôi cũng nhớ.”
“Thật lạ là tôi chẳng nhớ tí nào về cái ông này,” Georges nói.
“Tất cả những người ấy đều chết cả rồi.”
“Nhưng vẫn không quên được, vì dù đã chết mọi người vẫn cứ hỏi tôi về ông ấy. Ông nhất định phải kể vài chi tiết để tôi nhớ thử xem.”
“Được thôi.”
“Tôi nhớ ông và nam tước Von Blixen đến đây vào một buổi tối – năm nào ấy nhỉ?” ông mỉm cười.
“Ông ấy cũng chết rồi.”
“Vâng. Nhưng người ta không quên ông ấy. Ông hiểu ý tôi chứ?”
“Bà vợ đầu tiên của ông ấy viết văn cực hay,” tôi nói. “Bà viết một quyển sách, có lẽ là hay nhất về châu Phi mà tôi từng đọc, nếu không kể đến quyển sách của Sir Samuel Baker viết về các nhánh sông Nile ở miền Abyssinia. Ghi nó vào bộ nhớ đi nhé. Vì bây giờ anh quan tâm đến các nhà văn đấy.”
“Tốt,” Georges nói. “Nam tước không phải là người ta dễ quên. Thế quyển sách ấy tên gì?”
“Out of Africa,” tôi nói. “Ông ấy luôn tự hào về văn chương của người vợ đầu tiên. Nhưng chúng tôi biết nhau từ lâu trước khi bà ấy viết quyển sách đó.”
“Thế còn Monsieur Fitzgerald mà ai cũng hỏi tôi ấy?”
“Ông ấy ở vào thời của Frank.”
“Vâng. Nhưng tôi là Thợ săn. Ông biết Thợ săn là gì mà.”
“Tôi sẽ nhắc đến ông ấy trong quyển sách viết về những ngày xưa ở Paris. Tôi tự hứa sẽ viết cuốn sách ấy.”
“Hay quá,” Georges nói.
“Tôi sẽ viết chính xác những gì tôi nhớ về ông ấy trong lần gặp đầu tiên.”
“Hay quá,” Georges. “Rồi ông ấy đến đây thế nào tôi cũng nhận ra. Rốt cuộc người ta sẽ không quên ai.”
“Ai? Khách du lịch ư?”
“Dĩ nhiên. Nhưng ông có nói là ông ấy rất hay đến đây?”
“Với ông ấy thế là rất hay đến.”
“Ông viết về ông ấy theo những gì ông nhớ, để nếu ông ấy có đến đây tôi sẽ nhớ ra.”
“Chúng ta sẽ xem sao,” tôi nói.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.