Voócki xưa nay không hề biết sợ. Việc hắn chạy trốn vừa rồi có lẽ không phải là hành động tuân theo một cảm giác sợ hãi có thật mà bởi hắn không còn biết mình phải làm gì. Sự hốt hoảng của hắn là một cơn lốc những ý nghĩ trái ngược nhau, rời rạc, trong đó trực giác bị chi phối bởi tình thế thất bại không gì cứu vãn được và đã diễn ra một cách siêu tự nhiên.
Vốn tin vào những điều kỳ diệu, những chuyện phù phép, hắn đã có ý nghĩ rằng người của số mệnh là Voócki, đã bị giáng chức và bị thay thế bằng một người khác nhiều may mắn hơn. Có hai thế lực thần diệu chống đối nhau, một xuất phát từ hắn, Voócki, một xuất phát từ ông già đạo sĩ và thế lực này đã làm tiêu tan thế lực thứ nhất. Sự việc Vêrôních sống lại, cung cách của ông già đạo sĩ, những lời thuyết lý, những câu châm biếm, lối xoay chuyển ý kiến bất ngờ, những hành vi, đạn bắn vào người không chết… của cái nhân vật kỳ quặc ấy, tất cả đều là những sự việc thần diệu phi thường được tạo ra trong những hang động thời hoang dã, trong một không khí đặc biệt làm hắn rối loạn tâm trí và như muốn nghẹt thở.
Hắn vội vàng tìm đường lên mặt đất. Hắn muốn được hít thở không khí và cảnh vật ngoài trời. Nhưng cảnh vật hắn muốn nhìn trước tiên là cái thân cây bị róc hết cành, mà hắn đã buộc Vêrôních vào và ở đó Vêrôních đã trút hơi thở cuối cùng.
Rõ ràng nàng đã chết, hắn vừa nghĩ vừa nghiến răng bò qua chỗ khe hẹp nối cái hang thứ ba với hang lớn trong hầm mộ. Nàng đã chết thật… ta biết thế nào là chết chứ… Cái chết, lúc nào ta cũng nắm trong tay, ta nhầm làm sao được… Vậy thì con quỷ ấy đã làm thế nào để nàng sống lại?
Hắn chợt dừng lại bên cái thớt đá, chỗ hắn nhặt được chiếc gậy vương quyền.
– Trừ phi là… – hắn nói.
Cônrát đi sau kêu lên:
– Thôi đi, nhanh lên ông, đừng nói nữa.
Voócki để cho Cônrát kéo mình đi nhưng hắn vẫn vừa đi vừa nói:
– Mày có muốn tao nói ý nghĩ của tao cho mày nghe không, Cônrát? Này cái người đàn bà ngủ đó có phải là nàng không? Có phải nàng đã sống lại không. Hừ! Cái thằng phù thủy già ấy có thể làm tất cả. Nó đã tạo ra một vài hình ảnh… một con búp bê bằng sáp hắn làm cho giống nàng.
– Ông điên rồi. Đi thôi!
– Tao không điên. Người đàn bà đó chết rồi. Tao nói người chết trên cái cây ấy đã chết thật rồi. Lên trên kia là mày sẽ thấy ngay, sự thật sẽ trả lời cho mày. Những điều kỳ diệu! Phải rồi! Nhưng không có điều nào kỳ diệu đến thế!
Không có nến soi đường, ba tên đụng phải vách đá bên phải. Tiếng bước chân của chúng dội lên các đỉnh hang. Cônrát luôn miệng làu bàu:
– Tôi đã bảo với ông… là cứ chặt cổ cái lão già ấy đi mà lại!
Ôttô không nói gì, hắn thở phì phì mệt đứt hơi.
Chúng vừa đi vừa sờ soạng dò dẫm và cuối cùng ra đến hang tiền sảnh ngay trước lối vào hầm mộ. Nhưng chúng kinh ngạc nhận thấy hang này rất tối mặc dầu nó nằm sát ngay lối vào dưới gốc cây sên khô mà bọn chúng đã đào bới để vào đây.
– Lạ quá! – Cônrát thốt lên.
– Mặc kệ! – Ôttô nói – Chỉ cần tìm ra chỗ bậc lên xuống sát bức tường. Đây rồi… một bậc… bậc nữa…
Hắn cố tìm bậc lên xuống và hầu như cùng lúc hắn sững lại.
– Không thể lên được… Hình như đất ở trên kia sụt xuống.
– Không thể thế được – Voócki nhận định – Tuy nhiên… Để xem… À quên… Tao có bật lửa.
Hắn bật lửa và cả ba đứa đều đồng thanh kêu lên tức tối – Toàn bộ dãy bậc thang suốt từ trên xuống và một nửa căn phòng đã bị cát đá vùi kín, giữa đống hỗn độn có cả thân và gốc cây sên khô. Bọn chúng không còn hy vọng gì thoát khỏi nơi đây.
Voócki bất lực ngồi thụp xuống bậc đá.
– Hỏng rồi… Chính lão già đáng ghét ấy bày ra cái trò này đây… chứng tỏ rằng không phải chỉ có một mình lão!
Hắn than vãn, văng tục và thấy không còn đủ nghị lực để tiếp tục cuộc chiến đấu rất không cân sức này. Nhưng Cônrát nổi khùng:
– Rốt cuộc tôi chẳng hiểu ông ra sao cả, ông Voócki!
– Chẳng làm gì được cái lão già ấy đâu!
– Không làm gì được à? Thế tôi chả nhắc đi nhắc lại đến hai mươi lần với ông là chặt phăng cổ lúc lão đang còn ngủ. Hừ! Giá mà tôi không bị ngăn cản thì…
– Mày chẳng mó được vào người lão ta đâu. Không biết những viên đạn bắn có trúng người lão ta không nhỉ?
– Những viên đạn của chúng ta… những viên đạn của chúng ta… – Cônrát lẩm bẩm… Có cái gì hết sức mập mờ. Ông đưa tôi chiếc bật lửa… Tôi còn một khẩu súng lấy ở Pơriơrê… tay tôi mới nạp đạn sáng hôm qua. Để tôi xem.
Hắn đem khẩu súng và chẳng lâu la gì đã nhận ra bảy viên đạn hắn nạp vào ổ nay đã bị thay thế bằng bảy viên đạn không có đầu, và dĩ nhiên khẩu súng trở thành súng bắn đạn giả.
– Đấy, mọi chuyện đã rõ ràng – hắn nói – Lão đạo sĩ chẳng phải phù thủy phù thiếc gì cả. Nếu các khẩu súng đều nạp đạn thật thì hắn đã bị chết như một con chó.
Nhưng chính việc này lại làm cho Voócki sợ hãi gấp bội.
– Họ làm thế nào để thay đạn ở súng của chúng ta? Họ lấy súng trong người chúng ta lúc nào rồi lại giắt vào chỗ cũ đúng lúc chúng ta cần đến? Tao không rời khẩu súng của tao một giây nào.
– Tôi cũng thế – Cônrát nói.
– Tao đố đứa nào sờ vào súng của tao mà tao không biết… Thế nào… Chúng mày thấy việc đó đã đủ chứng minh con quỷ ấy có sức mạnh đặc biệt chưa? Sao? Cần phải xem xét sự vật đúng như thực chất nó mày ạ. Đó là một con người bí ẩn… Nó bày đặt hết cách này… đến cách khác…
Cônrát nhún vai.
– Ông Voócki, việc này làm ông mất uy tín… Ông nắm được mục tiêu rồi ông lại buông ngay ra khi gặp trở ngại đầu tiên. Ông không hơn gì một mảnh giẻ rách. Này, tôi ấy à, tôi sẽ không cúi gục đầu như ông đâu! Chưa chi đã hỏng rồi, hỏng rồi! Hỏng là thế nào? Cứ việc làm tới rồi muốn ra sao thì ra chứ? Chúng ta có ba người cơ mà?
– Lão ta sẽ không đến đây nữa đâu. Lão sẽ bỏ mặc chúng ta ở đây, nhốt chúng ta như nhốt gà trong cái hang cáo không lối thoát này.
– Nếu lão không đến thì tôi sẽ quay lại chỗ lão! Tôi sẽ quay lại! Tôi có dao găm, chỉ cần một con dao găm là đủ…
– Mày lầm rồi, Cônrát ạ.
– Lầm là thế nào? Tôi biết tỏng lão già ấy chỉ là tên canh gác cho mụ đàn bà ngủ.
– Cônrát, lão ấy không đơn thuần là một ông già, và đấy cũng không chỉ là một mụ đàn bà đâu. Mày phải dè chừng đấy.
– Tôi sẽ dè chừng. Nhưng tôi vẫn quay lại chỗ đó.
– Mày quay lại… quay lại… Nhưng kế hoạch của mày định làm như thế nào?
– Tôi không có kế hoạch. Hay đúng hơn, tôi chỉ có một kế hoạch là khử cái lão già ấy đi.
– Dù sao mày vẫn phải cẩn thận. Đừng có tấn công trực diện! Phải tìm cách đánh lén.
– Mẹ kiếp! – Cônrát vừa nói vừa bước đi – Tôi không tồi đến nỗi giơ mặt ra cho lão ta đập đâu. Ông cứ yên tâm. Tôi đã nắm lão ta trong tay rồi! Mẹ kiếp!
Sự táo tợn của Cônrát làm Voócki vững tâm.
– Rốt cuộc – hắn nói sau khi tên đồng bọn đi khỏi – thằng ấy nó có lý. Nếu cái lão đạo sĩ kia không bám theo chúng ta thì trong đầu lão hẳn phải có âm mưu gì khác. Chắc chắn lão không ngờ người của chúng ta quay lại. Cônrát rất có thể cho lão một vố bất ngờ. Mày nghĩ thế nào hả Ôttô?
Ôttô chia sẻ quan điểm bằng một câu chung chung:
– Cứ kiên nhẫn chờ xem.
Mười lăm phút trôi qua. Voócki mỗi lúc càng thấy khỏe khoắn vững tâm hơn. Hắn bị suy yếu đi vì những phản ứng trong tư tưởng sau những mối hy vọng quá lớn tiếp theo mối thất vọng quá nặng nề và củng bởi men rượu đã làm hắn chán nản mệt mỏi. Giờ đây tính hiếu chiến của hắn lại trỗi dậy. Hắn tự nhủ, nhất định sẽ sống mái một phen với những địch thủ của hắn.
– Biết đâu – hắn nói – lúc này Cônrát đã cho lão đạo sĩ về chầu trời rồi.
Hắn chuyển sang trạng thái vững tin quá mức, điều đó một lần nữa lại chứng minh sự mất thăng bằng trong con người hắn. Hắn muốn bắt tay ngay vào việc.
– Này Ôttô, đây là đoạn chót của cuộc hành trình. Thủ tiêu một lão già tốt bụng ngay tại đây. Mày có mang theo dao găm không? Nhưng thôi không cần. Hai bàn tay tao là đủ.
– Nếu ngoài lão đạo sĩ ra còn các chiến hữu của lão ta nữa thì sao?
– Bất chấp!
Hắn lại đi xuống các đường hầm dẫn vào hầm mộ. Hắn tiến thận trọng và chú ý đề phòng những chỗ ngách nối hầm nọ với hầm kia. Xung quanh hắn tuyệt nhiên không có tiếng động. Hai đứa nhằm ánh sáng mờ mờ của hầm mộ thứ ba đi tới.
– Cônrát chắc đã thực hiện được kế hoạch – Voócki nhận định – nếu không thì nó đã quay về với chúng ta.
Ôttô tán thành:
– Tất nhiên. Không thấy nó quay lại tức là dấu hiệu tốt. Mười lăm phút vừa qua chắc hắn đã cho lão đạo sĩ về chầu trời rồi. Cônrát quả là một chàng trai linh hoạt khỏe mạnh.
Hai đứa đã vào tới gian hầm mộ thứ ba. Các thứ vẫn để nguyên ở chỗ cũ. Chiếc gậy vương quyền để trên thớt đá, phần đầu gậy Voócki văng ra lăn lóc ở dưới đất xa hơn một tí. Nhưng vừa tiếp, chúng vừa căng mắt nhìn vào chỗ vòm tối om nơi lão đạo sĩ nằm ngủ. Voócki kinh ngạc thấy lão ta không nằm ở chỗ cũ mà lại nằm giữa khoảng vòm tối và đầu lối đi vào hành lang.
– Mẹ kiếp! Lão đang làm gì thế này! – Hắn lẩm bẩm và bắt đầu rối trí bởi hiện tượng khác thường này – Không, lão đang ngủ.
Quả nhiên lão đạo sĩ hình như đang nằm ngủ. Có điều quái quỷ! Sao lão ta lại nằm ngủ ở tư thế lạ lùng thế này, nằm úp sấp bụng, hai cánh tay giang ra theo hình thánh giá, mũi cắm xuống đất?
Một con người luôn luôn cảnh giác, ít ra cũng biết mối nguy hiểm thường xuyên đe dọa mình lại có thể tự phơi bày ra trước mặt kẻ thù như thế này ư? Và tại sao – mắt Voócki đã quen dần với ánh sáng mờ mờ phía sau gian hầm mộ – Tại sao tấm áo dài trắng lại có những vết lốm đốm đỏ – Đúng là những vết đỏ, không nghi ngờ gì nữa. Tại sao?
Ôttô nói khẽ:
– Lối nằm thật kỳ quặc?
Voócki cùng nghĩ như thế và hắn xác định:
– Ừ, lối nằm của xác chết.
– Lối nằm của xác chết – Ôttô tán thành – Đúng thế.
Sau mội khoảnh khắc, Voócki lùi lại một bước.
– Ô! – Hắn nói – Có đúng không nhỉ!
– Sao? – Tên kia hỏi lại.
– Giữa hai bả vai, mày thử nhìn xem…
– Cái gì?
– Con dao.
– Dao nào?
– Con dao của Cônrát – Voócki khẳng định… Con dao găm của Cônrát… Tao biết con dao ấy… Cắm giữa hai bả vai.
Và hắn nói thêm, giọng run run.
– Cái vết đỏ từ đó mà ra… máu… máu chảy từ vết thương.
– Thế thì – Ôttô nhận xét – chắc lão đã chết.
– Chết rồi… ừ, lão đạo sĩ đã chết rồi. Cônrát đã bất ngờ tấn công giết được lão… Lão đạo sĩ chết rồi!
Voócki đứng do dự một lúc khá lâu chuẩn bị nhảy xổ vào cái xác chết nằm bất động để tiếp tục tấn công nó một lần nữa. Nhưng rồi hắn cũng không dám mó vào cái cơ thể đã chết cũng như khi nó còn sống ấy. Tất cả sự can đảm của hắn chỉ đủ để làm được cái việc là nhảy vào rút lưỡi dao ra khỏi vết thương.
– A! Quân kẻ cướp – hắn kêu lên – mày đã nhận được cái mày đáng được hưởng. Cônrát đúng là loại đáng gờm! Cônrát, mày cứ tin chắc là tao sẽ không bao giờ quên mày.
– Hiện giờ Cônrát có thể đang ở đâu nhỉ?
– Trong phòng Tảng Đá Diệu Kỳ. A! Ôttô, tao phải tìm ngay người đàn bà nằm ở đằng kia để tính sổ với cả mụ ấy nữa!
– Thế ông cho rằng người đàn bà còn sống ư? Ôttô cười khẩy hỏi.
– Nó còn sống hẳn hoi… còn sống như lão đạo sĩ, thằng cha phù thủy đó chỉ là một tên lường gạt, nó có thể giở những trò bịp, chẳng có gì thật cả… Chứng cớ là mụ ta đang ở đằng kia!
– Lường gạt là thế nào – Tên đồng bọn phản đối – Lường gạt mà lão lại dùng tín hiệu chỉ đường cho chúng ta có lối vào đường hầm. Vả lại lão làm việc đó vì mục đích gì? Lão làm gì ở đây? Có thật lão biết bí mật Tảng Đá Diệu Kỳ, cách chinh phục và vị trí chính xác của tảng đá hay không?
– Mày nói đúng – Voócki nói – Nhưng những điều mày đặt ra không nên gắn vào những chi tiết của cuộc biến cố. Rồi tự chúng sẽ sáng tỏ mà tao thì lúc này chưa cần bận tâm đến vì dù sao thì lão đạo sĩ, cái nhân vật chọc tức ấy cũng đã chết rồi.
Lần thứ ba, hai đứa vượt qua chỗ khe hẻm. Voócki vào được gian phòng lớn với vẻ đắc thắng đầu ngẩng cao, mắt tự tin. Không còn trở ngại, không còn kẻ thù nữa. Dù Tảng Đá Diệu Kỳ có đặt giữa những tảng đá lát vòm hay bất kỳ chỗ nào thì hắn vẫn tìm ra. Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Chỉ còn người đàn bà bí ẩn làm hắn nghĩ đến Vêrôních, nhưng không thể là Vêrôních. Hắn sẽ lột mặt nạ để biết rõ mụ là ai.
– Tuy nhiên, liệu nàng có còn đó hay không – hắn lẩm bẩm – Tao sợ. Tao rất lo nàng không còn đấy nữa. Nàng đóng vai trò trong những mưu mô đen tối của lão đạo sĩ. Lão ta tìm cách cách ly nàng với ta…
Hắn tiến đến và trèo lên vài bậc nhìn vào.
– Người đàn bà vẫn nằm đó.
Nàng nằm đấy, thiêm thiếp trên mặt bàn đá cổ, tấm khăn voan quấn quanh đầu vẫn nguyên vẹn như trước. Cánh tay không để thõng xuống phía mặt đất mà duỗi thẳng lẫn vào những tấm voan. Ngón tay đeo chiếc nhẫn bằng ngọc lam.
Ôttô nói với hắn:
– Bà ta nằm ngủ im phăng phắc.
– Quả thật, có thể nàng đang ngủ – Voócki nói – Tao sẽ xem kỹ.
Hắn lại gần. Một tay vẫn cầm con dao găm của Cônrát. Có thể con dao đã truyền cho hắn ý nghĩ chết chóc, bởi vì hắn vừa cụp mắt nhìn xuống lưỡi dao tựa như hắn chỉ vừa mới nhớ ra rằng tay hắn đang cầm dao và hắn có thể sử dụng.
Voócki chỉ còn cách người đàn bà độ ba bước chân là cùng. Hắn chợt nhận ra hai cánh tay để hở hoàn toàn là cánh tay chết, lốm đốm những vết tím bầm chắc chắn đó là những vết trói của dây thừng. Cổ tay người đàn bà trước đây một giờ, lão đạo sĩ chỉ cho hắn không hề có một vết hằn! Chi tiết ấy lại làm hắn ngao ngán, thoạt đầu nó chứng minh lời lão đạo sĩ nói với hắn rằng đó là người đàn bà hắn buộc vào thân cây mà lão đã cởi trói mang đến đây. Nhưng sau đó nó làm cho hắn bỗng nhiên rơi vào một thế giới của những chuyện thần kỳ. Cánh tay Vêrôních đã lần lượt hiện ra trước mắt hắn dưới hai hình dạng khác nhau, cánh tay bất dộng cứng đờ đầy những vết tra tấn của xác chết và cánh tay để im của người còn sống.
Bàn tay hắn run rẩy nắm chặt vào chuôi dao như bám vào một vật cứu tinh. Trong cái đầu lộn xộn của hắn chỉ một lần nói lên ý nghĩ đâm chém nhưng không giết chết vì hắn biết chắc người đàn bà này đã chết. Nhưng hắn sẽ đâm những kẻ thù vô hình đang bám riết lấy xác mụ ta và sẽ xua đuổi tức khắc tất cả những bùa bả trù úm của chúng.
Hắn giơ cánh tay tìm chỗ đâm. Mắt hắn quắc lên những tia man rợ nhất, lấp lánh niềm vui tội ác, rồi đột nhiên hắn nhảy vào đâm túi bụi như một thằng điên, đâm hú họa mười phát, hai mươi phát, với một vẻ hung dữ hết sức hoảng loạn và hoàn toàn theo bản năng.
– Hỡi mày, kẻ đã chết – Hắn nói lắp bắp… Mày phải chết nữa… để việc này chấm dứt… Mày là ác thần chống lại tao… và tao triệt hạ mày… Mày chết đi để tao được tự do… Mày chết đi để chỉ còn tao là chúa tể!
Hắn ngừng lại lấy sức. Hắn đã mệt nhoài. Trong khi đó hắn mở mắt thao láo. Hắn nhìn nhưng không thấy cảnh tượng ghê gớm trước mắt, một cái thây ma quần áo rách tả tơi. Hắn chỉ thấy một ấn tượng xa lạ, một cái bóng đen giữa hắn và chùm ánh sáng mặt trời từ lỗ hổng trên cao tỏa xuống.
– Mi có biết mi làm ta nhớ đến cái gì không? Một tiếng nói bất chợt vang lên bên tai hắn.
Hắn sững sờ. Không phải tiếng nói của Ôttô. Tiếng nói lại tiếp tục cất lên, trong khi hắn vẫn đứng nguyên tại chỗ đầu cúi gục, tay vẫn nắm chặt chuôi dao găm còn cắm ngập trên xác người đàn bà một cách hết sức ngớ ngẩn.
– Mi có biết mi làm ta nhớ đến cái gì không, Voócki? Mi làm ta nhớ đến những con bò mộng của xứ sở ta – mi nên biết ta là người Y Pha Nho, vốn ưa thích các cuộc đọ sức nổi tiếng – Những con bò mộng đó sau khi đã dùng cặp sừng của nó xuyên thủng được một vài con ngựa tồi, loại ngựa đã bị loại, chốc chốc chúng lại lăn xả vào cái xác con ngựa khốn khổ đó, húc tung lên để xuyẻn thủng nó một lần nữa, và cứ thế giết đi giết lại con ngựa nhiều lần. Mi giống hệt những con bò mộng ấy, Voócki. Mi đã nổi cơn điên. Mi chiến đấu với một kẻ thù đã chết để chống lại kẻ thù còn sống mà cái kẻ thù đã chết ấy chính là người đàn bà đã bị mi cố tình ám hại. Còn hành động thú vật nào hơn!
Voócki ngẩng đầu lên.
Một người đàn ông đứng sừng sững ngay trước mặt hắn vai tựa vào cột trụ của chiếc bàn đá cổ. Người đàn ông vóc người trung bình, hơi mảnh, rất gọn gàng, có vẻ như còn trẻ mặc dầu tóc đã ngả xám ở hai bên thái dương, ông ta mặc áo va rơi rộng màu xanh có khuy mạ vàng, đội mũ lính thủy có lưỡi trai đen.
– Không phải tìm hiểu vô ích – ông ta nói – Mi không biết ta đâu. Ta là Đông Lui Pêrêna, quý tộc Y Pha Nho, chúa tể của nhiều nước và là hoàng tử đảo Xarếch. Phải, mi đừng ngạc nhiên. Hoàng tử đảo Xarếch, một danh hiệu ta vừa mới tự phong và do đó ta có một vài quyền hành ở đây.
Voócki nhìn người lạ mặt không hiểu.
Người đàn ông nói tiếp:
– Hình như mi không am hiểu gì nhiều về tính cách cao thượng của người Y Pha Nho. Tuy nhiên, mi hãy nhớ lại… Ta là cái ông có nhiệm vụ đến giải cứu cho gia đình ông Đecgơmông và cho những người dân đảo Xarếch… là người mà Phơrăngxoa, con trai mi trông đợi với tấm lòng ngây thơ trong trắng… Hả! Mi là bố nó chứ gì? Này! Tên đồng bọn của mi, cái tên Ôttô trung thành có vẻ có trí nhớ hơn mi, hắn… Nhưng có thể ta nói cái tên khác của ta sẽ nhắc nhở được mi một vài điều gì đó… Mi có biết.. Luypanh… Ácxen Luypanh?
Voócki chăm chú nhìn người lạ mặt với vẻ sợ hãi mỗi lúc một tăng thêm, cùng với một mối hoài nghi ngày càng rõ rệt sau mỗi cử chỉ lời nói của kẻ đối thủ mới này. Nếu hắn không nhận ra người đàn ông và cả tiếng nói của anh ta thì hắn cũng bị chế ngự bởi một ý chí mà hắn đã cảm thấy sức mạnh của nó. Hắn thấy mình lại bị quất bởi cùng một lối châm biếm không thể chịu đựng nổi. Nhưng có thể nào lại như vậy.
– Tất cả đều có thể ngay cả những gì nằm trong ý nghĩ của mi – Bá tước Luy Pêrêna nói tiếp như đọc được ý nghĩ của hắn – Nhưng ta nhắc lại không có hành động nào thú vật hơn hành động của mi. Mi đã biến mình thành tên cướp lớn, tên phiêu lưu tung hoành dọc ngang và mi đã không có đến cả cái khả năng nhận ra tội ác của mình! Càng giết người không có chủ định, mi càng mù quáng. Và vừa mới váp váp mi đã mất hết bình tĩnh. Voócki giết người, nhưng giết ai hắn không biết. Vêrônich còn sống hay đã chết? Nàng bị buộc vào cây sên nơi mi dùng để hành hình nàng hay nàng đang nằm ở đây trên chiếc bàn hiến sính? Mi giết nàng ở trên kia hay trong cái phòng này? Bí ẩn. Trước khi giết người, mi không có đến cả ý nghĩ xem người mình định giết là ai? Cái chính với mi là đâm cho thật mạnh, là say sưa nhìn máu chảy, là ngây ngất ngửi mùi tanh của máu và được nghiền thịt tươi thành một thứ bột cháo ghê tớm. Nhưng mi hãy nhìn đây, đồ ngu xuẩn. Khi người ta giết, người ta không sợ việc giết người và người ta không che mặt nạn nhân. Nhìn đi, đồ ngu xuẩn.
Hắn bất giác nhìn xuống cái thây, nàng tấm khăn voan quấn quanh nạn nhân.
Voócki nhắm mắt lại, đầu gối khuỵu xuống. Tấm thân hắn như xẹp trên đôi chân người đàn bà. Hắn quỳ bất động, đôi lông mày ngoan cố khép chặt.
– Thế đấy hả? – Bá tước Luy hỏi – Nếu mi không dám nhìn thì đó là mi đã đoán ra hoặc mi sẽ đoán ra phải không? Đồ khốn kiếp? Phải chăng bộ óc đần độn của mi đang cố nhớ lại? Trên đảo Xarếch còn hai người đàn bà và chỉ còn có hai người thôi. Vêrôních với một người nữa… Người đó tên là Enphơrít phải không? Ta không lầm đâu… Enphơrít và Vêrôních… hai người đều là vợ mi… một người là mẹ Raynôn. Người kia là mẹ Phơrăngxoa. Nếu không phải là mẹ của Phơrăngxoa đã bị mi trói trên thân cây sên và vừa bị đâm túi bụi thì đó tất phải là mẹ của Raynôn… Nếu người đàn bà nằm kia, cánh tay bầm tím vì cực hình, không phải Vêrôních tất phải là Enphơrít… Không thể lầm lẫn với bất cứ một người nào khác… Enphơrít vợ mi đồng thời là kẻ tòng phạm với mi… Enphơrít, kẻ nhắm mắt theo mi… và mi tin vào lời nói của ta hơn là đánh liều nhìn một cái để xem thực tế bộ mặt tím nhợt của người đàn bà này, kẻ tòng phạm dễ sai khiến của mi, kẻ đã bị mi cực hình đến chết, xem là ai? Đồ nhát gan!
Quả thực Voócki đã gục đầu trên đôi cánh tay của hắn. Hắn không khóc! Voócki không thể khóc. Tuy nhiên đôi vai của hắn rung lên và trong các cử chỉ dáng điệu của hắn chứa chất một sự tuyệt vọng ghê gớm nhất.
Cảnh tượng đó diễn ra khá lâu. Rồi vai hắn thôi không rung nữa. Tuy nhiên, hắn vẫn ngồi yên không động đậy.
– Thật ra mi làm ta thương hại, anh bạn khốn khổ ạ – Bá tước Luy lại nói – Mi đối xử với Enphơrít của mi chỉ chừng ấy thôi ư? Đã thành thói quen như thế rồi hử? Một thứ đức tính được mi sùng bái? Dù sao người vợ của mi cũng không đến nỗi tồi. Người ta biết việc người ta làm vì cái gì! Người ta tìm hiểu tình hình! Người ta suy nghĩ! Quái thật! Còn mi, mi lặn ngụp trong tội ác như một đứa trẻ mới đẻ bị vứt xuống nước. Cũng chẳng đáng ngạc nhiên vì những gì mi đã bị lún sâu và những gì mi đã bị cuốn hút vào đó. Lão đạo sĩ chết hay còn sống? Cônrát đã đâm vào lưng ông ta, hay ông ta chính là ta đây đã đóng vai cái nhân vật ảo thuật ấy? Tóm lại có một lão đạo sĩ và một nhà quý tộc Y Pha Nho, hay hai nhân vật đó chỉ là một? Tất cả những cái đó đối với mi, khôn khổ con tôi, đều tối như hũ nút. Nhưng dù sao cũng cần làm cho mi sáng dạ ra đôi chút. Mi có muốn ta giải thích không?
Nếu Voócki đã hành động thiếu suy nghĩ thì lần này hắn đã có đủ thì giờ để suy nghĩ và khi ngẩng đầu lên hắn sẽ dễ dàng nhìn thấy những tình huống dồn hắn đến chân tường, những tình huống mà hắn biết rất rõ sẽ biến thành sự tuyệt vọng đối với hắn như thế nào. Chắc chắn hắn đã sẵn sàng để biện minh như bá tước Luy khêu gợi, nhưng hắn sẽ biện minh bằng dao găm và bằng một ý chí sử dụng dao găm đến cùng! Thật vậy, Voócki đang lừ lừ ngước mắt, nhìn thẳng vào mặt bá tước Luy và không cần che đậy hắn rút con dao ra khỏi xác người đàn bà, đứng phắt dậy.
Bá tước Luy nói:
– Hãy coi chừng, dao của mi là dao giả, nó cũng chỉ như khẩu súng ngắn của mi mà thôi. Nó là dao bằng giấy bạc!
Trò đùa vô tích sự. Không gì có thể xóa bỏ hay hãm bớt cái đà có tính toán đã thúc đẩy Voócki lao vào trận đấu cuối cùng này. Hắn đi vòng qua bàn thờ và đứng ngay trước mặt bá tước Luy:
– Đúng mày! – Hắn nói – Mấy hôm nay mày đã nhúng vào tất cả các dự định của tao phải không?
– Mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ thôi, không hơn. Ta mới đặt chân lên Xarếch được hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
– Và mày nhất định làm đến cùng?
– Xa hơn nữa nếu có thể.
– Tại sao? Vì lợi ích gì?
– Vì ta thích và vì mi làm ta kinh tởm.
– Thế có thỏa hiệp với nhau được không?
– Không.
– Mày từ chối, không vào cuộc với tao?
– Mi nói đi!
– Mày sẽ được một nửa.
– Ta thích được tất cả.
– Nghĩa là tất cả Tảng Đá Diệu Kỳ?
– Tảng Đá Diệu Kỳ đã thuộc về ta!
Tất cả các lời lẽ đều vô ích. Loại địch thủ này cần phải tiêu diệt nếu không nó sẽ tiêu diệt mình. Trong hai cách đó phải chọn một. Không có cách thứ ba.
Bá tước Luy vẫn thản nhiên dựa lưng vào trụ cột bằng đá. Voócki cao hơn ông một cái đầu, đồng thời hắn đã có ngay một sự so sánh về tất cả các mối tương quan như sức mạnh cơ bắp, trọng lượng cơ thể… hắn đều trội hơn bá tước Luy; và hắn không việc gì phải do dự. Chỉ có một điều hắn cảm thấy hình như không thể chấp nhận được là có lẽ hắn buộc phải tấn công bất ngờ, và bá tước Luy chỉ có thể chống đỡ hoặc tránh đòn khi con dao găm của hắn thình lình đâm tới. Lúc này ông ta vẫn đứng im, như thể tất nhiên việc phản ứng tự vệ sẽ không kịp. Bá tước vẫn đứng im. Thế là Voócki đâm dao với tất cả sự chắc ăn như người ta đâm một con mồi đã chuẩn bị sẵn.
Tuy nhiên – Điều này sẽ ra quá nhanh đến mức hắn không kịp hiểu cái gì vừa diễn ra đã khiến hắn phải bó tay chịu thua – Phải đến ba hay bốn giây sau hắn mới biết mình đang nằm sóng xoài trên mặt đất bị tước vũ khí, hai cẳng chân đau như muốn gẫy bởi một nhát gậy phang trúng, cánh tay không cử động được và cũng đau đớn làm hắn phải kêu lên.
Bá tước Luy không cần trói, ông đặt một chân lên cái thân hình to xác bất lực, hơi cúi xuống nói:
– Giờ thì không nói năng gì nữa. Ta sẽ giành cho mi một cách để giúp mi đánh giá tình hình của mi, có thể hơi dài một chút nhưng cuối cùng sẽ chứng minh cho mi thấy ta đã biết cuộc phiêu lưu của mi từ đầu đến cuối như thế nào, nghĩa là ta còn biết rõ hơn mi nhiều. Chỉ còn một điểm ta chưa biết mà mi sẽ phải làm chứng tỏ: Phơrăngxoa, con trai mi hiện giờ ở đâu?
Không thấy hắn trả lời, ông nhắc lại: “Phơrăngxoa đâu?” Chắc Voócki cho rằng vận may bỗng nhiên đã được đặt vào tay hắn một quân chủ bài và ván bài hắn có thể chưa thua. Vì thế hắn ngoan cố không trả lời.
– Mi không trả lời ư? – Bá tước Luy hỏi – Một lần… hai lần… ba lần… Mi có chịu trả lời không? Được lắm?
Ổng huýt nhẹ một tiếng sáo miệng.
Bốn người đàn ông xuất hiện ở góc phòng, da mặt ngăm đen, rõ ràng thuộc giống người A Rập xứ Marốc. Cũng như bá tước Luy, họ mặc áo va rơi và đội mũ cát két lính thủy có lưỡi trai bóng loáng.
Gần như ngay lúc đó một nhân vật thứ năm tiến vào. Đó là một sĩ quan người Pháp, cẳng chân bên phải là chân giả bằng gỗ.
– A! Ông đấy à, ông Patơrixơ? – Bá tước Luy nói.
Bá tước bắt đầu giới thiệu theo đúng nghi thức:
– Đại úy Patơrixơ Benvan, ông bạn tốt nhất của tôi. Voócki người Đức.
Ông hỏi đại úy Patơrixơ:
– Có gì mới không, ngài chỉ huy của tôi? Chưa tìm được Phơrăngxoa phải không?
– Chưa.
– Một giờ nữa chúng ta sẽ tìm thấy và tàu sẽ nhổ neo. Mọi người đều ở cả trên tàu rồi chứ?
– Vâng.
– Và mọi việc đều tốt phải không?
– Rất tốt.
Ông ra lệnh cho bốn người Marôc:
– Các anh bọc lấy cái tên Đức kia và dẫn hắn lên tận chỗ bàn đá cổ. Không cần trói. Hắn không dám làm gì đâu. A! Khoan đã. Một phút thôi.
Ông cúi xuống và nói vào tai Voócki:
– Trước khi ra đi, hãy nhìn kỹ Tảng Đá Diệu Kỳ nằm giữa những tảng đá lát trần. Lão đạo sĩ không nói dối mi đâu. Đó đúng là Tảng Đá Diệu Kỳ, tảng đá người ta đã đi tìm nó hàng thế kỷ nay… Và ta đã tìm ra nó, gián tiếp… bằng cách trao đổi thư tín. Hãy chào vĩnh biệt nó đi, Voócki! Mi sẽ không bao giờ được nhìn thấy nó cũng như mi sẽ không nhìn thấy điều gì khác ở cái thế giới ngầm dưới đất này.
Ông ra hiệu.
Lập tức bốn nhân viên Marốc kéo Voócki đứng dậy dẫn hắn vào cuối phòng phía đối diện với hành lang nối liền các hầm mộ.
Bá tước Luy quay về phía Ôttô từ nãy vẫn đứng ngây ra theo dõi màn kịch:
– Ôttô ta thấy mi là một thanh niên biết điều, thức thời, mi sẽ không tham gia vào những việc như thế này chứ?
– Hoàn toàn không.
– Vậy thì ta sẽ để yên cho mi. Mi có thể đi theo ta, đừng sợ.
Bá tước khoác tay ông đại úy. Hai người bước ra vừa đi vừa nói chuyện.
Mọi người ra khỏi gian hầm Tảng Đá Diệu Kỳ đi qua một dãy ba căn hầm mộ ở mức độ cao khác nhau. Hầm mộ cuối cùng dẫn đến một tiền sảnh. Phía đầu tiền sảnh có một chiếc thang dựa vào vách đá. Trên đó người ta mới làm một cửa ra vào bằng cách khoét lớn đá xây yếu ớt bằng vôi vữa.
Chỗ thủng đó mở ra ngoài trời giữa một lối nhỏ thẳng đứng có bậc thang xoáy trôn ốc đục vào đá dẫn đến một nơi trên bờ vực ngay chỗ Phơrăngxoa đưa mẹ nó đến hồi sáng sớm. Đó là đường dốc Cửa Ngầm. Đứng trên cao, người ta nhìn thấy chiếc thuyền Vêrôních và con trai định dùng để đi khỏi đảo treo trên hai cánh tay đòn bằng sắt. Cách chỗ đó không xa, trong cái vịnh nhỏ là hình dáng trải dài của chiếc tàu ngầm.
Bá tước Luy và Patơrixơ Benvan, quay lưng về phía biển đang bước trên con đường dẫn đến đài nguyện có rừng sên mọc thành hình bán nguyệt và dừng lại gần Bàn Đá Các Tiên. Mấy anh nhân viên người Marốc đang đứng đợi hai người. Họ để Voócki ngồi dưới gốc cây sên nơi hắn đã hành quyết nạn nhân cuối cùng của hắn. Trên thân cây chỉ còn chữ Vđ’H là chứng cớ duy nhất của tấn thảm kịch ghê tởm mà hắn đã tiến hành.
– Không mệt lắm chứ, Voócki? – Bá tước Luy hỏi – Cặp giò khá rồi phải không?
Voócki nhún vai tỏ vẻ khinh thường.
– Phải, ta biết – bá tước nói tiếp – mi đang tin chắc vào con bài cuối cùng của mi. Tuy nhiên mi cần biết ta cũng có một vài quân chủ bài và ta sẽ chơi với đôi chút tự kiềm chế. Cây sên ở sau lưng mi, mi thừa biết điều đó. Mi có muốn ta sẽ làm cái việc như mi sẽ làm không? Trong lúc mi rối lên, múa may trong tội ác và không còn biết có bao nhiêu người chết vì mi thì ta đã làm họ sống lại. Mi hãy nhìn đây. Người này từ Patơrixơ đến. Mi có nhận ra không? Người mặc áo va rơi có khuy mạ vàng như ta… Đó là một trong số những nạn nhân của mi, hả? Mi đã nhốt anh ta trong hầm hành hình để hất anh ta xuống biển và chính thằng bé thiên thần Raynôn của mi đã đẩy ông ta xuống vịnh trước mắt Vêrôních. Xtêpan Maru, mi nhớ chứ?… Anh ta đã chết chứ gì? Không, không phải thế đâu. Chỉ một cái gõ của cây đũa thần kỳ ta đã làm cho anh ta sống lại. Anh ta đây. Ta sắp bắt tay anh ta, nói chuyện với anh ta…
Bá tước lại gần người vừa đến, chìa tay ra nói:
– Ông xem, ông Xtêpan, tôi đã báo trước với ông đúng chuông báo ngọ là mọi chuyện sẽ xong xuôi, mọi người sẽ có mặt ở bàn đá. Hiện giờ đã đúng chuông báo ngọ.
Xtêpan có vẻ rất khỏe mạnh. Không có một vết thương nhỏ nào trên người. Voócki nhìn anh, lo sợ và nói lắp bắp:
– Giáo sư… Xtêpan Maru.
– Chính ông ấy – Bá tước Luy nói – Mi muốn gì? Một lần nữa mi lại hành động như một kẻ đần độn. Tên thiên thần Raynôn của mi và mi, hai đứa hất một người xuống biển mà không có đến cả ý nghĩ xem người ta sẽ ra sao! Ta sẽ tiếp đón ông ấy… Mi đừng làm ra vẻ ngạc nhiên… Đây mới chỉ là mờ đầu. Ta còn một vài trò lạ nữa. Vì ta là học trò của lão đạo sĩ!… Thế nào ông Xtêpan, kết quả việc tìm kiếm của ông ra sao rồi?
– Vô ích.
– Phơrăngxoa đâu?
– Không thể tìm ra.
– Và Vạn Sự Tôt Lành, ông có cho nó đi tìm dấu vết của chủ nó như chúng ta đã bàn thông nhất với nhau không?
– Vâng. Nhưng nó chỉ dẫn tôi từ cửa ngầm đến chỗ để thuyền của Phơrăngxoa rồi thôi, nhất định không đi nữa.
– Phía đó không có chỗ giấu ư?
– Không có qua một chỗ nào.
Bá tước Luy trầm ngâm. Ông bắt đầu đi đi lại lại trước bàn đá, có vẻ như đang dự vào những phút cuối cùng trước khi bắt đầu một loạt biện pháp mà ông quyết thực hiện bằng được.
Cuối cùng ông nói với Voócki:
– Ta không còn thời gian để phí nữa, hai giờ nữa ta phải rời khỏi hòn đảo này. Vậy ta phải trả cho mi bao nhiêu tiền để ngay bây giờ Phơrăngxoa được trả tự do?
Voócki đáp:
– Phơrăngxoa đấu tay đôi với Raynôn, nó đã bị thua.
– Mi nói dối. Chính Phơrăngxoa đã hạ Raynôn.
– Sao mày biết! Mày cũng xem chúng nó đấu với nhau à?
– Không! Nếu thế thì ta đã can thiệp. Nhưng ta biết rõ ai thắng, ai thua.
– Ngoài tao ra không ai biết việc đó. Cả hai đứa đều bịt kín mắt.
– Nếu Phơrăngxoa chết mi sẽ hết đời.
Voócki suy nghĩ. Lý lẽ không thể chối cãi. Đến lượt hắn hỏi bá tước:
– Tóm lại mày định hiến cho tao cái gì?
– Tự do.
– Chỉ thế thôi à?
– Không có gì khác.
– Có, Tảng Đá Diệu Kỳ.
– Không bao giờ!
Giọng nói của bá tước xẵng, dứt khoát, ông giải thích:
– Không bao giờ! Tự do cho mi cũng là điều bất đắc dĩ bởi vì theo những nguồn tin cho biết thì phải treo cổ mi lên. Mà Tảng Đá Diệu Kỳ lại là cứu cánh, là sức mạnh, là quyền lực của hành vi tội ác…
– Thì đúng cái tao đang cần – Voócki nói – Mày càng làm tao vững tin vào giá trị của nó tao càng đòi hỏi nhiều hơn cái thứ liên quan đến việc thả hay không thả Phơrăngxoa ấy!
– Ta sẽ tìm ra Phơrăngxoa. Đây là vấn đề kiên nhẫn và nếu cần, ta có thể ở lại thêm hai hoặc ba ngày nữa!
– Mày sẽ không tìm được nó. Nếu có tìm được cũng đã quá muộn.
– Vì sao?
– Phơrăngxoa không được cho ăn uống từ hôm qua.
Câu nói của hắn lạnh lùng dữ tợn.
Sau một lát im lặng, bá tước Luy nói:
– Làm gì có trường hợp đó, mi nói đi, mi không muốn nó chết?
– Quan hệ gì đến tao! Như thế có khác gì từ bỏ công việc của tao, dừng lại giữa đường? Tao nhất định đi đến đích bất kể giữa tao và mục đích của tao có cái gì ngăn trở.
– Mi nói dối. Mi sẽ không để cho đứa bé ấy chết. Nó là con mi.
– Tao đã cho thằng bé kia chết đấy thôi!
Patơrixơ và Xtêpan tỏ một cử chỉ ghê tởm trong khi bá tước Luy cười đôn hậu.
– Hay lắm! Với mi như thế là không có chuyện đạo đức giả. Lý lẽ rõ ràng và có sức thuyết phục đấy. Đồ chó chết! Một tên Đức bộc lộ tâm hồn! Cũng đẹp đấy chứ! Còn sự pha trộn nào tuyệt hơn giữa tính hư ảo và tính tàn bạo, giữa học thuyết Xiních (vô sỉ) với thuyết thần bí! Một tên Đức bao giờ cùng có một nhiệm vụ phải làm tròn ngay cả trong trường hợp nó phải cam lòng ăn trộm hoặc giết người đi nữa! Mi, mi còn hơn một tên Đức, mi là một tên Đức “Siêu Đẳng”!
Ông nói thêm, miệng vẫn tươi cười;
– Ta muốn xử sự với mi như một tên Đức siêu đẳng. Một lần cuối cùng ta hỏi mi có bằng lòng cho ta biết hiện giờ Phơrăngxoa ở đâu?
– Không.
– Được lắm.
Ông rất điềm nhiên quay về phía bốn người Marốc.
– Làm đi các anh!
Sự việc diễn ra trong khoảnh khắc. Bằng những động tác chính xác một cách kỳ lạ tựa như chúng được cắt thành nhiều đoạn và được tập dượt rất công phu từ trước, như những động tác quân sự của nhà binh, họ buộc dây quanh người hắn, vắt một đầu dây qua cành cây, kéo hắn lên không một chút bận tâm đến những tiếng kêu la những lời dọa dẫm và những tiếng chửi rủa của hắn. Sau cùng họ buộc chặt hắn vào thân cây hệt như khi hắn buộc các nạn nhân của hắn vào đó.
– Im đi người hùng của ta – Bá tước Luy lặng lẽ nói – cố gắng mà im đi! Mi có kêu cũng chỉ làm thức giấc các bà xơ Ácchinha cùng với ba mươi chiếc quan tài mà thôi! Im đi nếu cái đó làm bộ mặt mi tươi vui lên! Nhưng với Thượng đế, mi là kẻ xấu xa quá chừng! Có bộ mặt nhăn nhó nào hơn bộ mặt của mi.
Ông lùi lại vài bước để phán đoán đối tượng của mình được kỹ hơn.
– A! Kỳ quan! Mi gây ấn tượng rất tốt! Tất cả đều ở đúng điểm huyệt!… Mãi đến chữ VdH có nghĩa là Voócki đờ Hohendôn! Bởi vì ta giả thiết rằng với danh nghĩa con vua, mi đã kết thân với dòng họ này. Giờ đây Voócki, mi chỉ việc dỏng tai ra, ta sắp cho mi nghe một bài diễn văn nho nhỏ.
Trên thân cây, Voócki vùng vẫy cố giật đứt các sợi dây trói. Nhưng những cố gắng của hắn chỉ làm hắn càng thêm đau. Cuối cùng hắn thôi không giẫy nữa và để cho hả cơn điên, hắn bắt đầu chửi rủa, hắn tuôn ra hàng tràng những lời xúc phạm độc địa tập trung vào bá tước Luy:
– Quân ăn cắp! Quân giết người! Chính mày là tên giết người! Chính mày đã kết tội Phơrăngxoa! Phơrăngxoa đã bị thương vì thằng anh nó, vết thương xấu và có thể nhiễm độc…
Xtêpan đứng bên cạnh Patơrixơ và bá tước Luy… sợ hãi thốt lên:
– Với con quỷ này mọi việc đều có thể xảy ra. Nếu đứa trẻ đang ốm…
– Những chuyện tầm phào! Những lời dọa dẫm!
– Bá tước Luy khẳng định – Đứa trẻ rất khỏe mạnh.
– Ông có chắc không?
– Khá chắc. Trong trường hợp xấu nhất vẫn còn khả năng chờ đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa. Trong một giờ đó tên Đức siêu đẳng sẽ phải nói. Hắn không thể chịu đựng được lâu. Treo hắn lên thế này mới mở được miệng hắn.
– Nếu hắn hết chịu đựng nổi thì sao?
– Nghĩa là thế nào?
– Và nếu hắn chết đột ngột? Do một cố gắng quá sức, một biến chứng đứt mạch máu, một trường hợp đông máu?
– Thì sao?
– Thì cái chết của hắn sẽ tước bỏ mất niềm hy vọng mà chúng ta đang dựa vào để tìm Phơrăngxoa.
Nhưng bá tước Luy không hề tỏ ra nao núng.
– Hắn không chết đâu! – Ông nói to – Loại người như Voócki không thể chết vì một cơn xuất huyết não! Không, hắn sẽ nói. Đúng vào thời điểm kết thúc bài diễn văn của tôi!
Patơrixơ Benvan bất giác cười:
– Thế ra ông có một bài diễn văn à?
– Diễn văn nói về gì nhỉ – bá tước Luy nhấn mạnh – về toàn bộ những biến cố xung quanh Tảng Đá Diệu Kỳ! Một chuyên đề lịch sử, một bức tranh toàn cảnh của thời tiền sử về ba mươi tội ác của người Đức siêu đẳng! Mẹ kiếp! Không phải lúc nào người ta cũng có dịp thực hiện một bài giảng như thế này. Nào! Bá tước Luy hãy bước lên giảng bài: Hãy lên đấy với những lời bịp bợm!
Ông đứng yên lặng trước mặt Voócki một tí rồi nói:
– Hỡi người “số đỏ”, mi đang ở vị trí thuận lợi để quan sát, không phải tốn một giọt máu. Hả? Cái đó tạo ra nguồn vui và đưa lại chút ánh sáng trong bóng tối? Từ thuở loài người còn lội bì bõm trong lạc hậu người ta đã thấy cần thiết phải có một sự lãnh đạo cứng rắn. Ta, ta cam đoan với mi rằng ta đã bắt đầu không nhận ra điều cần thiết đó nữa… Mi suy nghĩ đi! Một lời tiên đoán tồn tại qua nhiều thế kỷ dài lê thê mà mi đã làm cho nó rối rắm thêm!
– Đồ kẻ cướp! Quân trộm cắp! – Voócki nghiến răng kèn kẹt.
– Những lời chửi rủa! Để làm gì? Nếu mi cảm thấy vướng víu không thoải mái thì hãy nói cho chúng ta biết về Phơrăngxoa.
– Không bao giờ! Nó sẽ chết…
– Không. Mi sẽ nói. Ta cho phép mi cắt ngang lời ta. Khi đó mi chỉ cần huýt sáo một điệu hát nho nhỏ: “Tôi có thuốc lào tốt” hay bài “Mẹ ơi những con tàu nhỏ bơi trên sông”. Ngay lúc ấy ta sẽ cử người đi tìm và nếu mi không dối trá, ta sẽ để mi sống yên ổn, Ôttô sẽ cởi trói cho mi và hai đứa có thể đi khỏi đây bằng thuyền của Phơrăngxoa. Mi đồng ý chứ?
Ông đang quay về phía Xtêpan Maru và Patơrixơ Benvan:
– Các bạn xem, làm thế này sẽ hơi kéo dài, nhưng muốn trở thành nhà hùng biện tôi cần phải có thính giả… Những thính giả đồng thời là những vị thẩm phán.
– Chúng tôi chỉ có hai người – Patơrixơ nói.
– Các ông có ba.
– Ai nữa?
– Kìa, người thứ ba!
Đó là Vạn Sự Tốt Lành. Con chó đang chậm rãi đi lại không chút nào tỏ ra vội vàng hơn lúc bình thường. Nó hớn hở nhìn Xtêpan và vẫy đuôi mừng Bá tước Luy, dáng điệu nó như muốn nói: “Ông ơi, tôi có biết ông. Chúng ta là bạn thân…”. Rồi nó ngồi xuống hai chân sau như không muốn quấy rầy ai.
– Tốt lắm, Vạn Sự Tốt Lành – bá tước Luy nói to – mày cũng thấy được ý định của mọi người cho mày tham gia cuộc tìm kiếm. Cái việc tò mò ấy làm mày thêm vẻ vang và mày sẽ hài lòng vì tao.
Bá tước Luy tỏ vẻ rất vui. Ông đã có một cử tọa và một tòa án. Voócki quằn quại trên thân cây. Thời gian thật thú vị.
Ông phác họa một vài động tác giống như động tác của điệu nhảy đập chân, có thể làm Voócki nhớ đến điệu nhảy của lão đạo sĩ. Sau đó ông đứng thẳng người từ tốn chào cử tọa đúng phong thái của một diễn giả, đưa cốc nước lên môi, hai tay chống lên chiếc bàn tưởng tượng trước mặt. Cuối cùng ông mở đầu bằng một giọng từ tốn:
– Thưa các bà, các ông!
– Ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm bảy trăm hai mươi trước Thiên chúa…