Hòn Đảo Ba Mươi Chiếc Quan Tài

CHƯƠNG 2: TRÊN BỜ ĐẠI DƯƠNG



Trạng thái tinh thần của Vêrôních đột nhiên thay đổi. Nàng đang chạy trốn một tai họa bỗng dưng từ dĩ vãng đen tối ập đến và chỉ biết chạy trốn càng nhanh càng tốt. Giờ đây nàng lại thấy mình nhất định phải dấn thân vào con đường nguy hiểm đang mở ra trước mắt. Sự thay đổi đến với nàng như một đốm sáng yếu ớt bất ngờ ló ra giữa đêm tối. Nàng chợt hiểu những chữ viết trên bức tường chỉ là những dấu hiệu đơn giản, mũi tên chỉ phương hướng, số 10 chắc hẳn để đánh dấu những chặng đường, chẳng có gì là quan trọng. Phải chăng có người nào đó muốn dùng ký hiệu dẫn đường cho người khác? Cái chính là Vêrôních đã có một sợi dây giúp nàng tìm đến cái đích nàng mong muốn. Biết đâu nó chẳng giúp nàng khám phá những vấn đề quan hệ của bản thân. Ví dụ vì sao chữ ký thời trẻ của nàng lại xuất hiện giữa một mớ bòng bong những sự kiện bi thảm như thế này?
Chiếc xe ngựa đi từ làng Phaouê đã theo kịp Vêrôních. Nàng bước lên xe và bảo người xà ích cho xe đi thật chậm về hướng Rốtpoócđen. Vêrôních dự định sẽ ăn cơm trưa ở đấy. Điều dự đoán của nàng quả không sai. Hai lần Vêrôních tìm thấy chữ ký của nàng ở những chỗ có đường nhánh kèm theo các số thứ tự 11, 12.
Vêrôních ngủ lại Rôtpoócđen. Hôm sau nàng lại tiếp tục tìm kiếm. Số 12 nhìn thấy trên bức tường bao quanh khu nghĩa địa đưa nàng vào đường đi Côngcácnô và đến đó không gặp thêm dấu hiệu nào nữa. Vêrôních loanh quanh trở đi trở lại trọn một ngày tìm tòi vô ích. Nàng nghĩ có khi mình bị mắc lừa.
Cho đến hôm sau nữa nàng mới tìm ra số 13, rất mờ, chỉ hướng đi Phuétnăng. Sau đó nàng rời khỏi hướng này đi theo các ký hiệu dẫn vào những đường làng. Và một lần nữa, Vêrôních lại bị mất phương hưởng. Cuối cùng, sau bốn ngày kể từ lúc rời khỏi làng Phaouê nàng đã ra tận bãi biển lớn Bếchmây.
Vêrôních dừng lại hai ngày hai đêm trong làng, không tìm thêm được điều gì làm sáng tỏ những vân đề nàng đặt ra. Thế rồi một buổi sáng đi thơ thẩn giữa những tảng đá lô nhô chia cắt bãi biển làm nhiều đoạn, bên những vách đá thấp phủ cây cối và dây leo, Vêrôních phát hiện một hầm trú ẩn bằng cành cây đắp đất giữa hai cây sên thân gốc trơ trụi, chắc là hầm của lính đoan. Một tấm bia đá cổ đồ sộ dựng ngay trước lối vào. Trên tấm bia nàng lại thấy dấu hiệu chữ ký kèm theo số 17.
Không có mũi tên chỉ đường. Chỉ có một dấu chấm ở dưới. Thế là hết. Trong hầm lăn lóc ba chiếc vỏ chai, những vỏ đồ hộp…
– Chẳng lẽ đây là cái đích ta định tìm đến? – Vêrôních lẩm bẩm. Có người đã ăn uống ở đây. Những thức ăn dự trữ…
Giữa lúc đó, cách chỗ nàng đứng không xa, trên một bờ vịnh nhỏ xung quanh có núi đá vây tròn như chiếc tù và, Vêrôních nhìn thấy một chiếc xuồng máy lắc lư trên mặt nước, loại xuồng máy nhỏ nhìn rõ cả động cơ. Nàng vẳng nghe những tiếng nói từ phía làng vọng lại, một giọng đàn ông và một giọng đàn bà. Đứng ở chỗ này, thoạt đầu Vêrôních chỉ nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi, hai cánh tay đeo khoảng sáu cái túi, loại túi đựng thực phẩm, bột, rau khô… Người đàn ông vừa đặt các túi xuống đất vừa nói.
– Thế nào, chuyến đi vừa rồi có tốt không, bà Honorin?
– Tốt lắm.
– Vừa rồi bà đi tận đâu?
– Tận Pari… tám ngày… đi công việc của ông chủ tôi…
– Về đây bà có vui không?
– Thật tình tôi rất vui.
– Bà thấy đấy, xuồng của bà vẫn nguyên vẹn ở chỗ cũ.Ngày nào tôi cũng ra trông nom. Sáng nay tôi vừa tháo bạt ra đấy. Máy vẫn chạy tốt chứ, bà Honorin?
– Tốt.
– Bà đúng là một thuyền trưởng đáng kiêu hãnh, bà Honorin ạ. Ai dạy bà thế?
– Chiến tranh dạy tôi. Trên đảo thanh niên đều đi hết. Một số thì ra khơi đánh cá. Chẳng còn ai để nửa tháng chạy một chiếc xuồng vào đất liền như trước nữa. Tôi chỉ đứng ra làm giúp thôi.
– Nhưng lấy đâu ra dầu để chạy máy?
– Anh chả phải lo, đã có dự trữ.
– Thôi bây giờ tôi phải đi đây bà Honorin ạ. Bà có cần tôi xếp các thứ này vào xuồng không?
– Thôi, anh vội thì cứ đi đi.
– Thế thì tôi đi vậy – Gã nhắc lại – Chuyến sau tôi sẽ chuẩn bị sẵn các túi cho bà.
Gã đàn ông đi được một quãng khá xa còn ngoái cổ lại nói lớn.
– Dù sao bà cũng phải coi chừng những mỏm đá ngầm vây quanh hòn đảo đáng ghét của bà. Chúng đã khét tiếng rồi đấy. Chả thế người ta lại gọi nó là đảo Ba Mươi Quan Tài. Thôi chúc bà đi may mắn nhé, bà Honorin!
Gã đàn ông đi khuất sau tảng đá.
Vêrôních rùng mình. Lại chuyện ba mươi chiếc quan tài, lại những câu ghi trong “bức tranh khủng khiếp” ấy! Nàng càng chú ý quan sát. Lúc này người đàn bà bước đến chỗ buộc xuồng máy. Bà ta bỏ các thứ tiếp tế vào xuồng rồi quay mặt lại. Thế là Vêrôních nhìn rõ người đàn bà mặc xiêm áo kiểu Brơtanhơ, trên đầu ngất ngưỡng hai cánh nơ to bằng vải nhung đen.
Nàng thì thầm: Ôi! Kiểu tết nơ trong bức tranh!
Người đàn bà Brơtanhơ có lẽ cũng đến bốn mươi tuổi, nét mặt xương xương, cương nghị khắc khổ, đượm vẻ dày dạn phong trần, nhưng được đôi mắt đen to dịu dàng thông minh làm cho linh lợi sáng sủa. Sợi dây chuyền bằng vàng đeo trên cổ thõng xuông tận ngực. Tấm áo nịt bằng vải nhung bó khít vào người.
Người đàn bà quì trên tảng đá lớn, vừa chất hành lý vào xuồng vừa cất tiếng hát khe khẽ. Xong việc chị ta ngước mắt nhìn những đám mây đen đang ùn lên phía chân trời nhưng không tỏ vẻ lo lắng, điềm nhiên cởi dây buộc xuồng, miệng hát to hơn trước, Vêrôních nghe rõ cả lời. Đó là một khúc ca đơn điệu nhịp chậm, một điệu hát ru con. Người đàn bà cười hát vui vẻ để lộ hai hàm ráng trắng muốt, đều đặn.
Và bà mẹ hát
Bài hát ru con
Ngủ đi đừng khóc
Nếu con còn khóc
Cô gái đồng trinh
Xinh ngoan cũng tủi
Tuổi thơ là tuổi
Ca hát và cười
Cô gái đồng trinh
Mỉm cười vui thích
Chắp tay cầu nguyện
Cô gái đồng trinh…
Câu hát chưa dứt, Vêrôních đã xuất hiện trước mặt người đàn bà Brơtanhơ với dáng vẻ nhợt nhạt căng thẳng. Người đàn bà thì sững sờ miệng ấp úng hỏi.
– Ai thế này?
– Bài hát vừa rồi bà học ở đâu? – Giọng Vêrôních run run – Ai dạy bà bài hát ấy? Mẹ tôi cũng thường hát… Điệu hát của miền Xavoa, quê hương người… Đã lâu lắm tôi không còn được nghe, từ khi mẹ tôi mất… Thưa bà, tôi muốn… tôi ước ao…
Nói đến đấy nàng bỗng im bặt. Người đàn bà Brơtanhơ lặng lẽ nhìn nàng và có vẻ cũng muốn hỏi nàng nhiều chuyện. Vêrôních nhắc lại:
– Ai dạy bà những câu hát ấy?
– Một người… ở đằng kia – Người đàn bà, ở đây người ta thường gọi là bà Honorin, trả lời như vậy.
– Đằng kia à?
– Phải, một người sống trên đảo cùng với chúng tôi.
– Có phải đảo Ba Mươi Quan Tài không? – Vêrôních lại rụt rè hỏi tiếp.
– Đấy chỉ là cái tên người ta đặt. Tên thực của nó là Xarếch.
Hai người đàn bà vẫn nhìn nhau. Cái nhìn chứa đựng sự ngờ vực xen lẫn ý muốn đối thoại hiểu biết lẫn nhau. Cả hai người đều cảm thấy họ không phải kẻ thù của nhau. Người nối lại câu chuyện vẫn là Vêrôních.
– Xin lỗi bà, thực ra có những điều rất rối ren… (người đàn bà gật đầu tỏ vẻ đồng tình)… Những điều rất bối rối và lúng túng. Bà có hiểu vì sao tôi lại đến đây không? Tôi cần nói với bà, biết đâu bà có thể giải đáp… Đây là một sự tình cờ, rất tình cờ… Tất cả đều bắt đầu từ sự tình cờ. Sự tình cờ đã dẫn tôi đến Brơtanhơ lần đầu tiên, cho tôi thấy túp lều cũ bỏ hoang có chữ ký của tôi hồi trẻ, kiểu chữ ký suốt mười bốn năm nay tôi không dùng nữa. Trong khi tiếp tục cuộc hành trình, tôi còn nhìn thấy dấu hiệu đó thêm nhiều lần nữa, mỗi lần kèm theo một số thứ tự và cứ thế đi đến đây, đến bãi biển Bếchmây này. Đây là giới hạn một hành trình được sắp đặt trước… Nhưng ai sắp đặt… tôi không biết.
Honorin hỏi xoắn xuýt:
– Chữ ký của bà? Ở đây à? Chỗ nào?
– Trên tảng đá, trước lối vào hầm trú ẩn kia kìa.
– Tôi sống ở đây mà chưa nom thấy bao giờ. Chữ ký như thế nào?
– V.d’H.
Honorin phác một cử chỉ. Khuôn mặt xương xẩu của chị lộ rõ tâm trạng xúc động cực độ. Chị nói trong kẽ răng: “Vêrôních… Vêrôních Đecgơmông…”
– Ơ kìa! Bà biết… bà biết tên tôi? – Vêrôních kinh ngạc kêu lên.
Honorin nắm chặt hai bàn tay Vêrôních và giữ mãi trong tay chị. Bộ mặt khắc khổ của chị rạng rỡ một nụ cười, khóe mắt long lanh, chị nhắc lại.
– Cô Vêrôních… bà Vêrôních! Bà đấy ư? Vêrôních? Ôi lạy chúa, có thể như thế được ư? Hỡi Mari Đức Mẹ đồng trinh, xin Người ban phước lành!
Vêrôních hết sức bối rối. Nàng cứ luôn miệng.
– Chị biết tôi… Chị biết tôi ư?… Nếu thế chị có thế giải thích những điều bí ẩn!
Im lặng một lúc khá lâu, Honorin mới trả lời:
– Tôi không thể giải thích điều gì cho bà đâu… Chính tôi cũng không biết. Nhưng chúng ta có thể cùng tìm hiểu… Thế cái làng bà đi qua là làng gì?
– Phaouê
– À, làng Phaouê, tôi biết. Còn túp lều bỏ hoang ở đâu?
– Cách đây hai kilômét.
– Bà có vào trong lều không?
– Có. Ôi khủng khiếp! Trong ấy…
– Bà nói gì? Trong ấy làm sao?
– Thoạt tiên trong ấy có cái xác đàn ông, xác một ông già mặc quần áo kiểu địa phương, tóc bạc dài lòa xòa, râu xám… Ôi! Tôi không thể quên được. Chắc bị giết… bị đầu độc… tôi chẳng rõ.
Honorin chăm chú nghe. Nhưng câu chuyện cái xác chết hình như không làm chị sáng tỏ được điều gì nên chị chỉ hỏi qua loa.
– Người chết là ai? Có lập biên bản không?
– Khi tôi dẫn những người làng đến, xác chết không còn nữa.
– Ai lấy đi?
– Tôi không biết.
– Không biết tí gì à?
– Vâng, không biết tí gì. Tuy nhiên lần đầu tôi nhìn thấy một bức tranh quái gở như vậy chị ạ, ở trong lều. Tôi đã xé vụn ra nhưng nó vẫn ám ảnh tôi như cơn ác mộng… luôn luôn tái hiện… không sao xua đuổi được… chị có nghe tôi nói không. Một tờ giấy, rõ ràng người ta đã sao chép vào đấy một bức tranh cổ. Ôi! Một bức tranh khủng khiếp!… gớm ghiếc… bốn người đàn bà trên bốn cây thập giá. Trong đó có một người giống tôi. Cả tên tôi cũng được ghi rõ vào đó. Ba người kia đều tết tóc như chị…
Honorin bất giác chộp lấy tay Vêrôních mạnh như chưa bao giờ chị làm như thế.
– Bà nói gì, bốn người đàn bà trên cây thánh giá à?
– Vâng. Cả chuyện ba mươi chiếc quan tài, chuyện hòn đảo của chị nữa.
Honorin lấy tay bịt miệng Vêrôních.
– Thôi, đừng nói… đừng nói nữa. Ôi! Không nên nói ra những việc ấy. Không, không nên… bà nghe không, đó là địa ngục, là tội lỗi. Thôi chúng ta không nói chuyện ấy nữa… để sau này… sang năm.. có thể… sau này… sau này…
Honorin run lên vì sợ hãi, dường như sắp có một trận cuồng phong kéo đến cuốn phăng tất cả cây cối và làm đảo lộn trời đất xung quanh chị. Đột nhiên chị khuỵu đầu gối quì xuống tảng đá và cứ quì như thế cầu nguyện rất lâu. Người chị cúi gập, hai tay ôm đầu, im lìm trong tư thế mặc niệm, Vêrôních không hỏi thêm được câu gì nữa.
Cuối cùng Honorin đứng im. Im lặng một hồi, chị nhắc lại.
– Phải, tất cả những điều đó đều rất đáng sợ. Nhưng tôi không thấy bổn phận chúng ta vì thế mà thay đổi. Chỉ còn một điều duy nhất đáng lo ngại…
Và bằng giọng nghiêm trang, chị tuyên bố:
– Bà cần phải đến đấy với tôi!
– Đến đâu, đến hòn đảo của chị à? – Vêrôních không che giấu nổi e ngại.
Honorin lại cầm tay nàng và tiếp tục cái giọng hơi trịnh trọng khiến Vêrôních cảm thấy người đàn bà này chứa trong đầu toàn những bí ẩn, không thể tiết lộ và cũng không thể giải thích nổi.
– Có thật bà là Vêrôních Đecgơmông không?
– Chính tôi đây.
– Ông thân sinh bà tên gì?
– Ăngtoan Đecgơmông.
– Bà có lấy một người tự xưng là người Ba Lan tên gọi Voócki phải không?
– Vâng, Alêxi Voócki.
– Bà lấy ông ta sau khi có những dư luận xấu về một vụ bắt cóc và sau khi đã đoạn tình với cha mình có phải không?
– Vâng.
– Bà đã có một đứa con với anh ta!
– Vâng, con trai, tên cháu là Phơrăngxoa.
– Nhưng bà không biết mặt con trai bởi vì thằng bé vừa sinh ra đã bị ông ngoại bắt đi chứ gì?
– Vâng.
– Cả hai ông cháu đều bị mất tích ngoài biển?
– Vâng, bị đắm thuyền, chết đuối.
– Bà làm sao biết họ chết đuối?
Vêrôních vô tình nên không chú ý đến tính chất soi mói của câu hỏi. Nàng trả lời:
– Tờ khai do tôi viết và biên bản của tòa án đều dựa vào cùng một lời khai nhân chứng của bốn thủy thủ.
– Bà dựa vào đâu để tin rằng những nhân chứng đó không khai man?
Vêrôních bắt đầu ngờ ngợ. Nàng ngạc nhiên hỏi lại.
– Họ khai man để làm gì?
– Bà biết những lời khai nhân chứng có thể mua bằng tiền hoặc có thể cưỡng ép?
– Ai lại làm thế!
– Ông thân sinh của bà chẳng hạn?
– Không. Không thể thế được. Vả lại làm sao có thể như thế được, cha tôi chết rồi cơ mà?
– Tôi nhắc lại, bà làm thế nào đề biết chắc ông ấy đã chết?
Lần này Vêrôních kinh ngạc thật sự. Nàng thì thào.
– Vậy chị muốn câu chuyện này sẽ đi tới đâu?
– Gượm đã. Bà có biết tên của mấy người thủy thủ không?
– Biết, nhưng giờ không còn nhớ nữa.
– Ít ra bà cũng còn nhớ tên của họ gọi bằng tiếng Brơtanhơ chứ?
– Đúng thế. Nhưng tôi không biết mặt họ.
– Nếu bà chưa bao giờ đến Brơtanhơ thì ông thân sinh của bà lại thường xuyên sống ở đó, bởi vì ông ấy đang nghiên cứu về vùng này. Ngay khi mẹ bà còn sống, ông ấy cũng hay đến và lưu lại ở đấy. Trong trường hợp đó tất nhiên ông ấy phải quan hệ với những người ở địa phương. Giả thử ông ấy đã quen từ lâu với bốn thủy thủ và bốn người này tận tụy với ông ấy hoặc bị ông ấy mua chuộc, đã tự nguyện tham gia cuộc mạo hiểm do ông ấy sắp đặt. Giả thử họ đã bắt đầu công việc bằng cách giữ bố và con trai bà ở một bến nhỏ nào đó bên nước Ý chẳng hạn, rồi vốn thạo bơi lội, họ làm đắm chiếc thuyền du lịch ở ven biển… Giả thử…
– Những người ấy hãy còn sống cơ mà. – Vêrôních kêu lên với nỗi xúc động ngày càng tăng – Người ta sẽ đưa họ ra thẩm vấn!
– Trong bọn họ, có hai người đã chết vì già yếu, một cái chết bình thường cách đây vài năm. Người thứ ba tên là Magơnốc, rồi bà sẽ được gặp ông ấy khi nào chúng ta ra ngoài đảo. Còn người thứ tư, có thể lát nữa bà sẽ nhìn thấy. Với số tiền thưởng sau vụ bắt cóc đứa trẻ, anh ta đã tậu một cửa hàng thực phẩm, cả một sản nghiệp rất đàng hoàng của anh ta ở Bếchmây.
– A, cái gã lúc nãy phải không? Được, tôi sẽ gặp hắn hỏi ngay lập tức! Giọng Vêrôních run run – Tôi với chị đến gặp hắn đi!
– Để làm gì cơ chứ! Tôi còn biết nhiều hơn anh ta.
– Chị biết, chị biết ư?…
– Tôi biết hết những điều bà chưa biết. Tôi có thể trả lời những thắc mắc của bà. Bà hỏi đi.
Nhưng Vêrôních không dám nói ra câu hỏi quan trọng nhất, câu hỏi mà cứ nghĩ đến nàng lại hồi hồi xúc động tận đáy lòng. Nàng run sợ trước một sự thật, có thể hết sức phũ phàng mà nàng cũng chỉ vừa mới hình dung một cách mơ hồ. Bằng giọng nói chứa chan đau khổ, nàng lắp bắp.
– Tôi không hiểu… không thể hiểu nổi vì sao cha tôi lại hành động như vậy. Vì sao ông lại muốn mọi người phải hiểu rằng ông và con trai- tôi đã chết?
– Bố bà đã thề sẽ trả thù…
– Trả thù Voócki? Trả thù tôi, con gái ông? Có thể trả lời như vậy ư?
– Bà vốn yêu chồng. Vì sức mạnh tình yêu, đáng lẽ phải thoát khỏi, bà lại cam lòng sống với anh ta. Và rồi lời thề trở thành công khai… Bà biết bố bà vốn nóng tính, hằn thù… Bản chất ông ấy… Ông ấy hơi mất thăng bằng biểu lộ trong lời nói cử chỉ hàng ngày.
– Từ hồi nào?
– Từ khi ông ấy bị sự hối hận giày vò cùng với những năm tháng cô quạnh và tình thương ông ấy dành cho đứa trẻ… Ông ấy tìm kiếm bà khắp nơi. Tôi cũng đã đi không biết bao nhiêu lượt để tìm bà bắt đầu từ Cácmêlít Đơ Xáctorơ. Nhưng chẳng thấy… chẳng biết bà ở đâu mà tìm.
– Sao không nhắn tin trên báo?
– Có. Có làm thế một lần nhưng lại phải giữ bí mật. Vậy mà cũng có người trả lời và hẹn gặp. Bà biết ai không? Voócki đấy! Chính ông ta cũng đang để ý tìm bà. Ông ta vẫn yêu bà, cả thù ghét bà nữa. Bố bà sợ nên không dám hành động công khai.
Vêrôních nín lặng, mệt nhọc ngồi xuống phiến đá, gục đầu vào ngực. Lát sau nàng thì thào.
– Chị nói về cha tôi cứ như hiện ông đang còn sống.
– Ông ấy đang còn sống thật.
– Thế chị có nhìn thấy cha tôi không?
– Nhìn thấy hằng ngày ấy chứ!
– Còn cái này nữa – Vêrôních hạ thấp giọng – Còn điều này nữa: Tôi chưa thấy chị nói một lời nào về đứa con trai của tôi… Lúc này tôi đang có những ý nghĩ khủng khiếp… Con trai tôi có thể… không còn nữa… có thể đã chết từ dạo ấy. Có phải vì thế chị không nói gì đến nó? – Nàng gắng gượng ngẩng đầu nhìn Honorin khiến chị phải bật cười. Vêrôních nói tiếp như van lơn – Ôi! Tôi van chị, hãy nói đi… thật ghê sợ khi người ta hy vọng một điều gì quá đáng… ta không nên… tôi van chị…
Honorin ôm chầm lấy Vêrôních.
– Ôi! Người đàn bà đau khổ của tôi! Nếu thằng bé Phơrăngxoa xinh đẹp của tôi không còn sống trên đời này thì tôi nói những chuyện vừa rồi với bà làm gì?
– Cháu còn sống? Còn sống ư? – Vêrôních mừng quýnh không còn biết nói gì nữa.
– Tất nhiên nó còn sống! Thằng bé khỏe mạnh lắm. Ôi chao, một đứa bé rắn rỏi, bước đi vững vàng trên đôi chân của nó. Tôi hãnh diện về nó bởi chính tôi đã có công nuôi dưỡng thằng Phơrăngxoa của bà.
Honorin có cảm tưởng Vêrôních lúc này đang bị những nỗi dằn vặt giày vò. Tâm hồn nàng chồng chất những cảm xúc quá nặng nề. Cuộc đời nàng hẳn phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn niềm lạc thú. Chị nói tiếp.
– Cứ khóc đi, người đàn bà đau khổ của tôi. Như vậy sẽ tốt cho bà hơn. Nhưng những giọt lệ bây giờ tốt lành trong sáng hơn những giọt lệ ngày xưa? Khóc đi! Khóc cho tất cả dĩ vãng đen tối, cho mọi nỗi bất hạnh đều tiêu tan và không bao giờ còn trở lại. Bây giờ bà cứ ở đây đợi tôi vào làng một chút. Bà có mấy chiếc va li gửi ở quán ăn phải không. Để tôi đi lấy cho rồi chúng ta cùng lên đường.
Nửa giờ sau Honorin trở lại. Vêrôních vừa trông thấy đã vẫy tay rối rít:
– Mau lên! Nào mau lên chứ. Sao chị chậm thế! Đừng để phí một phút nào nữa!
Nhưng Honorin vẫn điềm nhiên chẳng chút tỏ ra vội vã, cũng chẳng buồn mở miệng nói câu gì. Khuôn mặt thô tháp của chị trông đăm chiêu không thấy hé một nụ cười rạng rỡ. Sốt ruột. Vêrôních đi lại gặp Honorin.
– Thế nào, chúng ta đi chứ? Không có gì phải chờ đợi, không có gì trở ngại nữa phải không? Sao? Hay chị không phải là…
– Có… Có chứ…
– Nếu vậy thì nhanh lên!
Vêrôních giúp Honorin xếp gọn các va li và các túi thực phẩm vào xuồng. Đột nhiên Honorin thẳng người trước Vêrôních.
– Này, cái hình vẽ người đàn bà trong bức tranh có đúng là bà không?
– Đúng. Cả tên tôi cũng được ghi trên hình vẽ mà!
Honorin lẩm bẩm.
– Lạ thật! Đáng lo ngại thật!
– Chị bảo sao? Ồ, có người nào đó biết tôi… họ định trêu ghẹo… Đó chỉ là sự trùng hợp, một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một lối chơi ngông vô tình gợi lại những chuyện dĩ vãng. Thế thôi!
– Không! Điều tôi lo không phải dĩ vãng mà chính là tương lai.
– Tương lai nào?
– Bà thử nhớ lại những lời tiên đoán…
– Tôi không hiểu.
– Phải, phải, những điều tiên đoán về Voócki ấy…
– Ôi! Chị cũng biết à?
– Tôi biết. Thật không gì gở bằng nghĩ đến bức tranh cùng với những việc khác mà bà không thể biết được, những việc còn khủng khiếp hơn nhiều.
Vêrôních cười to.
– Có phải vì thế chị định không cho tôi đi cùng? Rốt cuộc chị là thế đấy!
– Bà đừng cười. Người ta không cười khi nom thấy lửa địa ngục đâu! – Honorin vừa nói vừa nhắm mắt làm dấu thánh. Chị nói tiếp – Tất nhiên… bà định giễu cợt tôi… bà cho tôi là người đàn bà quê mùa ở cái xứ sở này, mê tín, tin vào thần thánh ma quỉ. Điều đó tôi không hoàn toàn chối cãi. Nhưng ở đây có những sự thật nó đang bịt mắt bà. Rồi bà sẽ có dịp nói chuyện với Magơnốc, tất nhiên nếu bà gây được sự tin cậy của cụ ấy.
– Magơnốc nào?
– Là một trong bốn thủy thủ. Cụ ấy là người bạn lớn tuổi của con trai bà. Cụ ấy cũng có công nuôi dạy nó. Về chuyện đó, Magơnốc còn biết rành rọt hơn cả các nhà thông thái, hơn cả ông thân sinh của bà. Tuy nhiên…
– Tuy nhiên sao?
– Magơnốc đã muốn cưỡng lại định mệnh, muốn vượt quá giới hạn con người có quyền được biết.
– Cụ ấy làm sao!
– Cụ ấy muốn bàn tay mình, bà nghe không, sờ mó tận đáy tột cùng của đêm tối. Chính cụ ấy đã thú nhận với tôi như vậy.
– Thế rồi sao nữa? – Vêrôních thốt lên, rất xúc động.
– Thế rồi bàn tay của cụ ấy bị lửa thiêng thiêu đốt. Một vết thương kinh tởm, cụ ấy chìa cho tôi xem, ngay chính giữa bàn tay như một vết ung thư… Cụ ấy đau quá đến nỗi…
– Đến nỗi sao?
– Tay trái cầm rìu chặt đứt bàn tay phải mình!
Vêrôních bàng hoàng nhớ đến xác chết ở làng Phaouê. Nàng lắp bắp.
– Bàn tay phải? Có đúng Magơnốc tự chặt bàn tay phải không?
Honorin giật mình. Chị có thói quen biểu lộ sự sợ hãi và rối trí của mình như vậy. Những lúc ấy vẻ mặt chị trông rất tương phản với những lúc bình thường. Chị hỏi dằn từng tiếng.
– Có thật thế không? Đúng… đúng rồi… chính cụ ấy… Magơnốc… ông già tóc bạc dài lòa xòa, phải không? Và râu má xòe rộng? Chà! Chà! Ghê gớm quá!
Honorin cố trấn tĩnh nhưng hai mắt vẫn đảo lia lịa nhìn xưng quanh lo lắng như có vẻ vừa rồi đã trót nói quá to. Chị lại làm dấu thánh và tuyên bố rành rọt từng lời tựa hồ chỉ nói với riêng mình: “Đó! Người thứ nhất trong những người phải chết… Cụ ấy nói như vậy… Magơnốc có con mắt đọc được những điều bí ẩn của tương lai cũng thành thạo như đọc những điều cơ mật của dĩ vãng. Cụ ấy thấy rõ được những điều mà người khác không nhìn thấy… “Người thứ nhất phải chết là tôi, bà Honorin ạ. Và khi kẻ tôi tớ chết, chẳng bao lâu sẽ đến lượt chủ nó. Thế đấy, cụ ấy nói như thế đấy!
– Chủ cụ là ai? – Vêrôních hỏi lí nhí trong miệng.
Honorin đứng bật dậy, tay nắm chặt, vẻ hung hãn.
– Không! Tôi sẽ bảo vệ ông ấy, tôi sẽ cứu ông ấy. Bố bà sẽ không phải người thứ hai phải nộp mạng đâu! Nhất định tôi sẽ về kịp. Thôi, bà ở lại đây, tôi đi một mình!
– Cả tôi và chị cùng đi! – Vêrôních cương quyết.
– Ô hay, tôi xin bà – Honorin khẩn khoản – Bà đừng khăng khăng như vậy. Hãy để một mình tôi giải quyết. Tôi sẽ đưa bố và con trai bà đến đây trước bữa cơm chiều nay.
– Nhưng tại sao phải như vậy?
– Ngoài đảo nguy hiểm lắm… cho bố bà… và nhất là cho bà. Bà còn nhớ hình vẽ bốn cây thánh giá chứ? Ngoài ấy chính là nơi họ hành hình! Ôi, bà không nên ra, tình hình ngoài đảo tồi tệ lắm!
– Thế còn con trai tôi?
– Tôi đã nói bà sẽ được nhìn thấy nó nội trong hôm nay mà! Chỉ vài giờ nữa thôi!
Vêrôních cười nhạt.
– Hừ, vài giờ nữa, có lẽ tôi đến phát điên mất! Tôi đã chờ con trai tôi suốt mười bốn năm mà bây giờ chị bảo tôi chờ nữa. Không! Thêm một phút tôi cũng không chờ. Thà chết một ngàn lần còn hơn phải chờ đợi trong lúc này.
Honorin lặng lẽ nhìn Vêrôních. Hẳn chị đã hiểu thái độ của Vêrôních, chị có chống lại cũng vô ích. Chị không nài ép nữa, lần này là lần thứ tư, Honorin lại làm dấu thánh và chỉ nói một câu đơn giản: “Xin tùy ý Chúa”.
Hai người ngồi giữa những kiện hàng chật chội. Honorin đốt lửa khởi động máy, rồi cầm vô lăng khéo léo điều khiển, chiếc xuồng của chị len lỏi giữa những tảng đá, tảng nhô lên, tảng lập lờ dưới nước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.