Hòn Đảo Ba Mươi Chiếc Quan Tài

CHƯƠNG 8: NỖI LO ÂU



Nếu lúc này chỉ có một mình, Vêrôních đã chọn một trong những hành động thoái lui đúng với bản chất nàng. Hóa ra một con người quả cảm như Vêrôních cũng không thể lẩn tránh tính chất tàn nhẫn và khốc liệt của số phận. Nhưng trước mặt Xtêphan, nàng cảm thấy sức anh quá yếu, chắc chắn anh đã bị kiệt sức trong thời gian bị chúng giam giữ, nàng thấy mình cần phải tỏ ra có nghị lực và biết tự kiềm chế. Nàng cố giữ cho giọng nói bình thường, nói một câu đơn giản làm như chuyện cái thang chỉ là chuyện vặt vãnh bất ngờ:
– Cái thang đu đưa dữ quá không với tay tới được.
Nhưng Xtêphan lo lắng nhìn nàng.
– Trong trường hợp… nếu thế thì… bà nguy mất!
Nàng cười.
– Làm gì đã đến nỗi tuyệt vọng.
– Sẽ không còn cách nào đi khỏi đây được nữa!
– Sao? Còn chứ! Còn Phơrăngxoa.
– Phơrăngxoa?
– Chắc chắn như vậy. Chỉ một nửa giờ nữa là
cùng, Phơrăngxoa sẽ ra khỏi xà lim, sẽ nhìn thấy cái thang và gọi chung ta. Ở tron này chúng ta có thể nghe rõ mồn một. Chỉ còn phải kiên nhẫn chờ nữa thôi.
– Kiên nhẫn chờ… – Xtêphan sợ hãi – Chỉ một tiếng đồng hồ ư? Trong một tiếng đồng hồ ấy có chắc bọn họ không lai vãng đến đấy? Họ thường đi kiểm soát luôn.
– Chúng ta sẽ im lặng để họ không nghe thấy gì hết.
Xtêphan chỉ vào cái lỗ khoét trên cánh cửa ra vào.
– Thỉnh thoảng họ mở cái lỗ kia nhòm vào. Họ sẽ nhìn thấy chúng ta.
– Chỗ ấy có cái chốt, chúng ta cài chốt lại.
– Họ sẽ mở cửa chính.
– Thế thì đừng cài chốt nữa, và hãy giữ vững tinh thần, Xtêphan!
– Tôi chỉ lo cho bà thôi!
– Đừng lo cho tôi hoặc cho ông. Trong trường hợp bắt buộc, chúng ta vẫn đủ sức tự vệ. Vêrôních chìa cho Xtêphan xem khẩu súng lục lấy trong ngăn kéo của cha nàng. Từ lúc giữ khẩu súng, nàng chưa rời nó ra lúc nào.
– Ồ, điều tôi đang lo sợ ngay cả súng cũng chàng làm gì được… Họ có những thủ đoạn khác…
– Thủ đoạn gì?
Xtêphan không nói. Anh đảo mắt liếc nhanh trên nền hang. Vêrôních chăm chú nhìn theo, và chỉ thoáng qua nàng đã nhận ra cấu trúc kỳ quặc của cái nền hang này.
Các mép viền phía trong là một vòng tròn lượn theo vòm hang đá hoa cương nhưng xù xì không đồng đều. Giữa vòm đá hoa cương ấy, người ta ghép một khung sàn, các cạnh đều thấy có những kẽ hở sâu tách biệt hẳn với vách hang. Những tấm gỗ sàn đã cũ, đầy vết lõm, vết nứt, vết rạch trông đồ sộ nặng nề và rất khỏe. Cạnh phía ngoài tấm sàn đặt sát mép bờ vực.
– Một cái bẫy sập? – Vêrôních rùng mình hỏi.
– Không, không, tấm sàn này nặng lắm.
– Thế thì sao?
– Tôi không biết. Chẳng sao cả. Chắc đây là di tích một vật từ thời thượng cổ còn sót lại đấy thôi. Bây giờ không còn hoạt động được nữa. Tuy nhiên…
– Sao?
– Đêm nay… chậm lắm là sáng mai sẽ có những tiếng chuyển động răng rắc dưới chỗ này… Tôi nghe họ nói sẽ làm thử và tất cả đều đổ sập… Nhưng thứ này đã lâu ngày lắm rồi, không còn hoạt động được nữa. Họ sẽ không sử dụng được đâu… Bọn ấy…
– Họ là ai? – Không đợi Xtêphan trả lời, nàng nói tiếp giọng cứng cỏi – ông Xtêphan hãy nghe tôi nói. Trước mắt chúng ta vẫn còn một chút thời gian, có thể ngắn hơn chúng ta tưởng. Nhưng từng phút, từng phút, Phơrăngxoa sẽ được tự do và sẽ đến cứu chúng ta. Hãy tận dụng những phút chờ đợi này để nói những gì giúp chúng ta hiểu biết về nhau hơn. Hãy bình tĩnh giãi bày mọi sự việc. Lúc này không có mối đe dọa tức thời nào nhưng cũng không nên để thời gian qua đi một cách vô ích.
Vêrôních thích nghĩ đến một giải pháp an toàn chẳng cần phải lật đi lật lại cân nhắc gì nhiều. Nàng cứ một mực cho rằng Phơrăngxoa ra thoát là mọi việc sẽ đâu vào đấy, ổn thỏa tất cả. Chẳng cần phải suy tính thế này, cân nhắc thế kia làm gì cho mệt óc. Song thực tế đâu phải như nàng nghĩ. Ai dám chắc đứa trẻ khi ra khỏi xà lim sẽ đến ngay chỗ cửa sổ và trông thấy cái thang ở đó? Ai dám chắc khi không thấy mẹ thằng bé có thể đoán ngay mẹ nó đã một mình xuống xà lim của Xtêphan, hay nó lại vội vã theo đường hầm mà chạy thẳng về Pơriơrê tìm mẹ?
Dù sao đó cũng là cách Vêrôních tự làm cho mình yên tâm. Nàng thấy cần giải thích cho Xtêphan rõ hơn điều vừa rồi nàng yêu cầu anh chưa nên nói ra với Phơrăngxoa. Ngồi trên mô đá hoa cương giống như chiếc ghế đẩu, nàng bắt đầu đưa Xtêphan vào câu chuyện trong đó nàng vừa là nhân vật chính, bắt đầu từ cuộc đi lùng kiếm cho đến túp lều bở hoang có xác Magơnốc ở trong.
Xtêphan bị hút vào câu chuyện khủng khiếp do Vêrôních kể. Nỗi sợ hãi biểu lộ rõ nét trong cử chỉ và trên nét mặt tuyệt vọng của anh. Đặc biệt, cái chết của ông Đecgơmông vàHonorin càng đè nặng tâm trí anh nhiều hơn. Giữa anh với hai người ấy đã có một sự gắn bó rất mật thiết.
Vêrôních kể lại những nỗi lo âu nàng phải chịu đựng từ sau việc các bà xơ Ácchinha bị hành hình, việc nàng tìm ra con đường hầm và cuộc gặp gỡ với Phơrăngxoa con trai mình. Nàng nói:
– Ông Xtêphan, đây là tất cả những gì ông cần biết, tất cả những gì tôi còn giấu chưa nói với Phơrăngxoa, mong ông hiểu cho, để chúng ta có thể sẵn sàng đối phó với kẻ thù.
Xtêphan lắc đầu
– Kẻ thù nào, thưa bà? Những vấn đề bà vừa nêu lên và giải đáp, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi có cảm tưởng chúng ta đang bị ném vào một tấn thảm kịch từng tiếp diễn từ nhiều năm, từ nhiều thế kỷ nay. Họ là chiến tranh! Hiện tại chúng ta đang bị quay cuồng trong màn chót của tấn thảm kịch ấy, đúng vào thời điểm những tai biến khủng khiếp nhất được sắp đặt bởi một nhóm người này hay một nhóm người khác, đang lần lượt diễn ra. Có thể là tôi lầm. Có thể đó chỉ là một chuỗi rời rạc những sự kiện đau buồn, hay chỉ là những sư trùng hợp ngẫu nhiên rất đáng ghê tớm chăng? Dù sao thì giữa những mớ sự kiện ấy, tôi và bà vẫn cứ bị nghiêng ngả điêu đứng mà không thể cầu cứu ở một cái gì khác ngoài sự may rủi! Thực ra tôi cũng chẳng biết gì hơn bà. Quanh tôi cũng những bóng ma ấy bao vây, cũng những đau thương tang tóc ấy dằn vặt tàn nhẫn trong trái tim mình. Tất cả đều là sự điên rồ, sự lồng lộn và náo loạn mất hết nhân tính!… Đó là những tội ác man rợ, là cơn thác loạn của bầy thú man rợ mang nhãn hiệu con người văn minh!-..
Vêrôních tỏ ý hưởng ứng.
– Vâng, một bầy thú mang nhãn hiệu con người văn minh, đúng thế! Chính bọn ấy làm tôi kinh ngạc hơn cả! Nó hằn sâu vào tâm trí tôi biết chừng nào! Có mối dây liên hệ nào giữa dĩ vãng với hiện tại, giữa những người đang ngược đãi và quyết định số phận của chúng ta hôm nay với những người ngày xưa sống trong các hang động mà hành vi của họ còn tiếp diễn đến tận thời đại chúng ta một cách thật khó hiểu? Với bao nhiêu thứ lý luận hoang đường do họ bày đặt ra, nhóm người man rợ tự vỗ ngực văn minh ấy đã mang lại cho chúng ta cái gì? Tôi thấy họ chẳng mang lại cho chúng ta cái gì ngoài sự kết thúc bi thảm của Honorin và nỗi thống khổ của các bà xơ Ácchinha!
Hai người đều nói nhỏ, bởi vì vừa nói họ vừa phải lắng tai nghe ngóng.
Quả nhiên Xtêphan đã nghe thấy những tiếng động ngoài hành lang.
Lúc đó Vêrôních đang chăm chú nhìn ra bờ vực, hy vọng nghe thấy tín hiệu của con trai. Xtê phan nói tiếp:
– Những câu chuyện hoang đường khá rắc rối, những truyền thuyết mập mờ khó hiểu đến mức làm người ta không thể xác định đâu là mê tín dị đoan đâu có thể là chân lý. Từ trong cái mớ hỗn độn những chuyện tầm phào ấy có thể tìm ra những ý đồ hắc ám. Những lời tiên đoán về ba mươi chiếc quan tài quan hệ đến sự tồn tại một kho vàng hoặc một thứ đá kỳ diệu nào đấy.
Vêrôních thắc mắc.
– Như vậy người ta coi những câu tôi đã đọc được ở bức tranh của Magơnốc hay ở Bàn Đá Các Tiên là một lời tiên đoán, là sấm ngữ hay sao?
– Vâng. Những lời tiên đoán đã dựng lại cả một thời kỳ xa xăm vô tận trong hàng thế kỷ nay đã chế ngự toàn bộ lịch sử và đời sống đảo Xarếch. Ở đây lúc nào người ta cũng đinh ninh sẽ có một ngày trong khoảng thời gian mười hai tháng, ba mươi tảng đá ngầm chủ yếu vây quanh hòn đảo mà người ta gọi là ba mươi chiếc quan tài sẽ nhận đủ ba mươi xác chết với cái chết khốc liệt nhất. Trong số ba mươi nạn nhân ấy phải có bốn người đàn bà chết trên cây thập giá. Người ta cho đó là một truyền thuyết khẳng định không thể bác bỏ, một lời truyền tụng từ đời cha cho chí đời con và không có gì phải nghi ngờ. Nó được thể hiện dưới hình thức những câu thơ ngũ ngôn, khắc ở Bàn Đá Các Tiên:
Cho ba chục quan tài
Ba mươi người nạp mạng
Và:
Cho hai cặp đàn bà
Trên bốn cây thập giá…Có điều là bấy lâu nay mọi người vẫn đang sống và sống một cách bình thường yên ổn. Vậy mà không hiểu sao bầu không khí sợ sệt bỗng dưng lại nổ bùng trong năm nay một cách kịch liệt như vậy?
– Cái đó có nhiều khả năng bắt nguồn từ Magơnốc. Magơnốc là một ông già kỳ dị và bí ẩn. Ông ta vừa là phù thủy vừa là thầy bói, vừa là thầy lang và tay bịp bợm, biết xem các vì sao, biết các loại cỏ cây dùng làm thuốc chữa bệnh. Mọi người đều có thể đến với ông ta bất cứ lúc nào để nhờ giải thích những việc dĩ vãng và tương lai của họ. Magơnốc còn tiên đoán năm 1917 sẽ là một năm khủng khiếp!
– Vì sao?
– Ông ta tiên đoán mà! Có thể là linh cảm, ước đoán, là tiềm thức của ông ta, tùy ý bà muốn hiểu thế nào cũng được. Đối với Magơnốc, một con người ham chuộng các trò ảo thuật cổ xưa nhất, sẽ trả lời câu thắc mắc của bà một cách thẳng thừng. Tuy nhiên việc tiên đoán của ông ta có lẽ dựa trên một cái gì đó còn nghiêm trọng hơn nhiều. Các cụ già ở đảo Xarếch nói hồi đầu thế kỷ, Magơnốc còn nhỏ tuổi đã ngâm nga những dòng chữ cuối ghi trên Bàn Đá Các Tiên. Dòng chữ hồi ấy chưa bị thời gian xóa nhòa và người ta vẫn còn đọc được câu thơ bắt vần với câu:
“Những người đàn bà đinh đóng trên thập giá
Trên đảo Xarếch vào năm mười bốn cộng ba”.
Năm mười bốn cộng ba tức là năm một ngàn chín trăm mười bảy. Sự khẳng định đó càng gây cảm hứng đối với Magơnốc và các bạn hữu của ông ta trong những năm gần đây. Con số tổng cộng chia thành hai con số và đúng năm một ngàn chín trăm mười bốn nổ ra chiến tranh. Magơnốc ngày càng tin chắc vào những lời tiên đoán của mình và đã phát triển thêm vào những vấn đề nghiêm trọng hơn. Ông ta loan báo trước cả cái chết của chính mình và cái chết của ông Đecgơmông tiếp theo sau. Ông ta coi đó là dấu hiệu của những tai ương sắp xảy ra… Và năm một ngàn chín trăm mười bảy đem đến cho đảo Xarếch một tai họa thật khủng khiếp. Những biến cố cứ tuần tự kéo đến…
Vêrôních nhận xét:
– Tuy nhiên… tuy nhiên… tất cả những cái đó phi lý quá…
– Phi lý. Đúng thế. Những cái đó chỉ có ý nghĩa đơn giản là làm cho người ta phải ngờ vực hoặc không tin cái ngày Magơnốc có thể đem đối chiếu các lời tiên đoán ghi trên bàn đá với những cái khác để làm những lời tiên đoán của ông ta càng thêm hoàn chỉnh!
– Ông ấy có làm được điều đó không?
– Có. Ông ta phát hiện dưới đống đổ nát của tu viện giữa những tảng đá chồng chất như cái kho bảo quản, một quyển thánh kinh Mixa đã hư nát, bị chuột gián gậm nhấm lỗ chỗ nhưng vẫn còn một vài trang giấy nguyên vẹn. Đặc biệt có một trang in bức tranh giống bức tranh bà trông thấy trong túp lều bỏ hoang.
– Có phải cha tôi đã sao lại bức tranh ấy không?
– Đúng, ông thân sinh của bà đà sao lại. Ông còn vẽ nhiều bức tranh khác nữa. Những bức tranh ấy đều được cất kỹ trong chiếc tủ xây chìm vào tường tại phòng làm việc của ông. Chắc bà còn nhớ ông Đecgơmông thích vẽ các loại tranh bột màu. Ông đã sao chép bức tranh màu trong quyển Thánh Kinh, nhưng chỉ mô phỏng những câu thơ tiền định ghi trong bức tranh bằng những dòng chữ khắc ở Bàn Đá Các Tiên mà thôi.
– Ông nghĩ thế nào về sự trùng hợp giữa hình ảnh người đàn bà bị hành hình trên cây thập giá với tôi?
– Thú thật với bà, tôi chưa bao giờ có trong tay những tài liệu gốc về Magơnốc và việc ông ta thông đồng với ông Đecgơmông, những tài liệu thường xuyên được giữ kín trong buồng ngủ. Tuy nhiên ông Đecgơmông đã khẳng định là có sự trùng hợp đó. Bao giờ ông cũng nhấn mạnh sự trùng hợp trên các bức vẽ của ông mặc dầu nó làm ông nhớ đến những lỗi lầm của ông làm bà đau khổ. Chính ông đã nói ra như vậy.
– Cũng có thể, Vêrôních lẩm bẩm. Cha tôi đã không quên câu nguyền rủa Voócki ngày trước: “Mày sẽ chết bởi tay bè bạn, vợ mày sẽ chết trên thập giá”… ông có cho là như thế không? Sự trùng hợp lạ lùng đã làm cho cha tôi không tự chủ được… đến nỗi chính tay ông đã ghi hắn lên đầu các bức tranh những chữ ký thời trẻ của tôi: V.d’H…
Nàng nói thêm, giọng nhỏ hơn.
– Và tất cả chắc sẽ phải xảy ra theo đúng những lời khắc trên bia đá!
Cả hai người đều im lặng. Làm sao họ không suy nghĩ về những lời tiên đoán ấy đối với chính bản thân họ, những dòng chữ gạch dưới viết trên trang Kinh Thánh Mixa, khắc trên bàn đá từ bao nhiêu thế kỷ nay? Nếu định mệnh đã dâng hiến hai mươi bảy xác chết cho ba mươi chiếc quan tài của đảo Xarếch thì ba cái xác còn lại tất phải là những người đang có mặt tại đây để sẵn sàng hoàn tất cuộc lễ tế thần này, tất phải là ba sinh mệnh bị bắt cóc, bị giam giữ vì quyền lực của những kẻ thèm khát mùi xác chết! Và nếu trên đỉnh gò đất gần cây Sên Lớn kia mới có ba cây thập giá thì cây thập giá thứ tư dành thêm cho một sinh mạng nữa chắc chẳng bao lâu cũng sẽ được dựng lên! Lát sau Vêrôních sôt ruột nói:
– Sao Phơrăngxoa lâu thế!
Nàng bước đên gần miệng vực. Chiếc thang vẫn còn nguyên ở chỗ cũ nhưng ngoài tầm tay. Đến lượt Xtêphan lo lắng.
– Bọn chúng sẽ kéo đến mở cửa xà lim…
Anh lấy làm lạ không hiểu tại sao đã khá lâu rồi người của bọn chúng không có ai bén mảng đến đây. Hay họ có âm mưu gì khác. Càng nghĩ anh càng lo lắng.
Tuy nhiên cả hai người đều không muôn để lộ nỗi lo âu của mình. Vêrôních cố lấy giọng bình thản hỏi Xtêphan:
– Ông có biết kho vàng ở đâu không? Có biết thứ đá có phép lạ là cái gì không?
– Anh trả lời:
– Những cái đó khá bí ẩn. Chúng được mô tả trong một câu thơ khắc trên bia đá như sau:
“Hòn đá thiêng cho sự sống và cái chết”
– Hòn đá thiêng liêng là cái gì?
– Theo truyền thuyết, đó là một thứ đá có phép lạ. Theo ông Đecgơmông thì đó còn là một tín ngưỡng hình thành từ những thời rất cổ xưa. Từ ngày xửa, ngày xưa, lâu lắm, ở Xarếch người ta vẫn tin có một phiến đá có thể làm được những điều kỳ diệu lạ thường. Thời trung cổ người ta đem đến chỗ phiến đá những đứa trẻ ốm yếu dị hình, cho chúng nằm lên nhiều ngày đêm. Những đứa trẻ ấy ngày sau đều khỏe mạnh chóng lớn và vô bệnh tật. Những người vợ hiếm con cũng được chữa theo cách đó.
Cả những người già yếu bị thương tật, hay suy nhược cũng được phiến đá chữa cho khỏi bệnh… Thế rồi một ngày nào đó cái nơi hành hương linh thiêng ấy tự nhiên bị đảo lộn, vẫn theo truyền thuyết phiến đá tự nhiên bị dời đi nơi khác. Theo lời của một số người thì nó đã biến mất không để lại dấu vết.
Đến thế kỷ thứ mười tám, Bàn Đá Các Tiên là nơi dân chúng trên đảo sùng bái. Thỉnh thoảng người ta vẫn cho trẻ con nằm lên để chữa các bệnh tràng nhạc.
Vêrôních hỏi Xtêphan:
– Đã là đá thiêng sao tính chất còn độc địa, đem cả cái chết đến cho người ta?
– Vâng, nêu người ta sờ vào nó trong khi vắng mặt những người có bổn phận giữ gìn và sùng kính nó. Mà về điểm này thì còn vô khối chuyện bí ẩn và rắc rối hơn nhiều, cũng vẫn là chuyện về hòn đá, nhưng đây là thứ đá trang sức rất kỳ lạ, nó tỏa ra những ngọn lửa thiêu đốt kẻ nào dám mang nó trên người, bắt kẻ đó phải chịu những cực hình nơi địa ngục.
Vêrôních nhận xét:
– Bà Honorin cũng kể cho tôi nghe câu chuyện tình cờ xảy ra với cụ Magơnốc…
Xtêphan trả lời:
– Vâng. Thế là chúng ta đã đưa câu chuyện về với thực tại. Từ nãy đến giờ tôi nói với bà về một
dĩ vãng huyền hoặc, hai câu chuyện hoang đường- những truyền thuyết và phiến đá có phép lạ. Cuộc mạo hiểm của ông già Magơnốc đã mở ra một thời kỳ mới lạ khác. Dù sao thời kỳ này cũng đỡ tối tăm bí ẩn hơn đôi chút so với thời thượng cổ. Cái gì đã đến với ông già Magơnốc? Mọi người đều rất bất ngờ, không ai biết trước được điều gì. Chỉ biết trong tám ngày liền Magơnốc tự nhiên sống biệt lập, tách hẳn mọi người, ũ rũ và chẳng thiết gì đến công việc. Cho đến một buổi sáng ông ta chạy xộc vào phòng làm việc của Đecgơmông kêu toáng lên: “Tôi đã sờ vào nó… tôi hoàn toàn tuyệt vọng rồi… Tôi đã sờ vào… tôi giữ nó trong tay… Nó thiêu đốt tôi bằng ngọn lửa rực cháy… Nhưng tôi vẫn không muốn rời nó ra… ôi, thật khủng khiếp những ngày nó gậm nhấm đến tận xương tuỷ… Đó là địa ngục! Địa ngục!
Magơrốc chìa cho chúng tôi xem chỗ mu bàn tay bị phồng rộp xám xịt như một vết ung thư dang tàn phá. Chúng tôi muốn chữa vết thương cho cụ ấy. Nhưng hình như cụ ấy hoàn toàn mất trí. Cụ ấy nói nhát gừng: “Chính ta là vật hy sinh thứ nhất… Lửa sắp bùng lên đốt cháy tận tim ta… và sau ta đến lượt những kẻ khác…”
Ngay chiều hôm ấy Magơnốc tự chặt bàn tay mình bằng một nhát rìu.
Sau một tuần lễ gieo rắc nỗi khiếp sợ lên khắp đảo Xarêch, ông già ấy lặng lẽ bỏ đi…
– Cụ ấy đi đâu?…
– Đi hành hương ở nhà thờ làng Phaoué gần nơi bà nhìn thấy xác cụ ấy.
– Ông có cho rằng có kẻ nào đó đã giết cụ Magơnốc?
– Chắc chắn đó là một trong những người đang liên lạc với nhau bằng mật hiệu trên đường, những người đang sống lẩn lút dưới các hang động và đang theo đuổi những âm mưu gì đó tôi chẳng biết.
– Những kẻ đã bất ngờ tấn công vào ông và Phơrăngxoa phải không?
– Vâng, sau đó chúng đã lột quần áo của chúng tôi để đội lốt tôi và Phơrăngxoa.
– Chúng làm thế để làm gì?
– Để dễ dàng đột nhập vào Pơriơrê và nếu một khi bị bại lộ chúng có thể đánh lạc hướng sự điều tra.
– Nhưng từ lúc bị bắt, ông có trông rõ người nào trong bọn chúng không?
– Có trông thấy, đúng hơn chỉ thoáng trông thấy một người đàn bà. Bà ta thường đến lúc chập tối mang thức ăn nước uống đến cho tôi. Bà ta cởi dây trói tay, nới lỏng dây trói chân cho tôi.
– Bà ta có nói gì với ông không?
– Chỉ nói một lần tôi hôm đầu tiên, nói nhỏ. Đại ý là bà ta nói nếu tôi gọi ai, nếu tôi kêu hoặc định trốn thì Phơrăngxoa sẽ phải trả giá cho việc làm của tôi.
– Thế trong khi bị tấn công ông cũng không nhìn
thấy họ à?
– Lúc ấy tôi cũng không biết gì hơn Phơrăngxoa.
– Và hoàn toàn không biết trước một tí gì để đề phòng ư?
– Không. Sáng hôm ấy ông Đecgơmông nhận được hai lá thư quan trọng về những vấn đề ông đang theo đuổi ở đây. Một trong hai lá thư là của một ông già quý phái, chủ nhân một pháo đài trung cổ ở Brơtanhơ. Bức thư kèm theo một tài liệu hết sức hấp dẫn do ông già này tìm thấy trong các giấy tờ của cụ cố ông ta để lại. Đó là bản sơ đồ các hầm ngầm ở Xarếch do bọn giặc Suan chiếm giữ từ thời thượng cổ. Chắc những hầm ngầm ấy cũng là nơi trú ngụ của các đạo sĩ dòng Gôloa thuở trước mà những quyển sách hoang đường vẫn thường nói đến. Bản sơ đồ cho biết lối vào hầm ngầm dưới những cánh đồng hoang màu đen và đánh dấu chỗ hầm hai tầng, những tầng hầm sau cùng là những buồng hành hình.
Phơrăngxoa và tôi đang tiến hành cuộc thám hiểm theo sự chỉ dẫn của bản sơ đồ. Lúc trở về chúng tôi bị họ tấn công.
– Từ lúc bị giam vào đây ông không nghe ngóng được tin gì thêm à?
– Không, không biết gì thêm nữa.
– Vậy mà Phơrăngxoa nói với tôi nó đang chờ… một người nào đó đến đây giúp đỡ giải thoát cho nó.
– Ồ! Ý nghĩ ngây thơ, ý nghĩ của cậu bé Phơrăngxoa giàu trí tưởng tượng. Nhưng chắc là có liên quan đến nội dung của lá thư thứ hai ông Đecgơmông nhận được cũng buổi sáng hôm ấy.
– Ông có biết trong thư nói gì không?
Xtêphan không trả lời ngay. Linh tính của anh báo có kẻ rình mò qua lỗ cửa. Nhưng khi đến sát ô vuông nhỏ khoét trên cánh cửa nhìn ra hành lang đối diện không thấy gì anh quay lại.
– A, nếu có người hứa giúp đỡ chúng tôi thì họ phải nhanh chóng lên chứ! Từng phút bọn chúng có thể đến đây!
– Vậy là sẽ có người đến giúp mình thật ư?
– Ồ, cũng không nên đặt vào đó quá nhiều hy vọng. Nhưng dù sao chuyện này cũng khá kỳ quặc. Bà biết không, ở Xarếch nhiều lần người ta được chứng kiến những cuộc thăm viếng của những ông sĩ quan nhân viên nhà nước được ủy thác đến thăm dò các khu vực phụ cận xung quanh hòn đảo vì những nơi đó có thể giấu được một vài căn cứ tàu ngầm. Trong lần viếng thăm cuối cùng, người đại diện chính thức là ông quan ba Patơrixơ Benvan, một thương binh từ Pari tới đã tiếp xúc với ông Đecgơmông và được ông thuật cho nghe toàn bộ câu chuyện hoang dường của đảo Xarếch, cùng với những nỗi lo ngại vẩn vơ mà những người dân sống trên đảo dù sao cũng bắt đầu bị ám ảnh. Đó là sau ngày Magơnốc bỏ đi. Câu chuyện có sức hấp dẫn mạnh đối với ông quan ba Benvan đến nỗi ông này đem thuật lại với một người bạn trong số các bạn thân của ông ta ở Pari. Đó là một nhân vật quý tộc người Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha gì đấy, ngài bá tước Luy Pêrêna. Theo ông Benvan, bá tước Luy Pêrêna là một nhân vật khác thường có tài khám phá những câu bùa chú bí hiểm và phức tạp nhất, và còn có khả năng thực hiện những dự kiến táo bạo có một không hai.
Ông quan ba Benvan ra đi được vài ngày thì ông Đecgơmông nhận được thư của ngài bá tước Luy Pêrêna. Bức thư ấy tôi vừa nói với bà. Nhưng đáng tiếc là ông Đecgơmông chỉ cho chúng tôi nghe đoạn đầu của bức thư. Đại ý như sau:
“Thưa ông,
Tôi coi sự việc bất ngờ xảy ra đối với Magơnốc là khá nghiêm trọng và tôi yêu cầu ông dù chỉ một động tĩnh nhỏ cũng điện ngay cho ông Patơrixơ Bertvan biết. Nếu tôi tin vào một vài triệu chứng hiện có, hẳn tình thế của ông lúc này phải là đứng trên bờ vực thẳm. Nhưng xin ông cứ vững tâm đừng lo sợ gì cả. Cho dù ông đã rơi hẳn xuống đáy vực mà tôi được báo tin kịp thời thì cũng chẳng có gì đáng để ông phải sợ hãi. Từ giờ phút này tôi bảo đảm tất cả, bất chấp cái gì sẽ xảy đến. Dù tất cả đối với ông hầu như sắp tuyệt vọng hay thậm chí đều đã tuyệt vọng cũng thế mà thôi.
Còn những câu thơ bí ẩn về hòn đá thánh, đó chỉ là một trò trẻ con. Tôi thực sự lấy làm ngạc nhiên về những chứng cớ rất đầy đủ, ông đã cung cấp cho ông Benvall, xin lỗi ông, người ta có thể chỉ coi đó như một khoảnh khắc chơi trò ú tim không hơn không kém. Tuy nhiên cũng phải thấy đây là chuyện chỉ vài dòng chữ cỏn con cũng gây nên một sự bối rối lo ngại cho hàng thế hệ…”.
Vêrôních háo hức muốn biết thêm.
– Rồi sao nữa ông?
– Như tôi vừa nói với bà, ông Đecgơmông không muốn chúng tôi nghe đoạn cuối bức thư. Ông xem nốt bức thư trước mặt chúng tôi, miệng nói lẩm bẩm có vẻ xúc động “Liệu có thể thế được không?… phải, phải rồi… đúng rồi… thật là phi thường…”.
Khi chúng tôi hỏi, ông chỉ trả lời: “Các con ạ, ta sẽ cho các con bắt tay vào việc ngay chiều nay. Các con sẽ về cánh đồng hoang màu đen… và chỉ nên biết rằng con người ấy thật lạ lùng… không có từ ngữ nào nói rõ hơn thế, nâng đỡ ta, không có phương cách nào khôn khéo hơn thế, không có lời khuyến dụ nào hơn thế. Sự bí mật của thứ đá thần kỳ và vị trí chính xác của nó… Điều hợp lý là ta không nên do dự một phút nào cả.
Vêrôních lại sốt ruột hỏi:
– Thế đến chiều thì sao?
– Đúng chiều hôm ấy Phơrăngxoa và tôi bị bắt cóc.
Vêrôních đăm chiêu suy nghĩ. Sau đó nàng nói.
– Biết đâu chẳng có kẻ muốn lấy trộm bức thư quan trọng của cha tôi? Bởi vì cuối cùng tôi cho rằng vụ trộm cắp phiến đá thần kỳ hình như là lý do duy nhất có thể giải thích tất cả những mưu mô đen tối, trong đó chúng ta đang là những nạn nhân.
– Tôi cũng nghĩ như bà. Song có điều là theo yêu cầu của bá tước Luy Pêrêna, ông Đecgơmông xem xong bức thư đã xé ngay trước mặt chúng tôi.
Vêrôních tỏ vẻ hoài nghi.
– Rốt cuộc lẽ nào cái ông bá tước Luy Pêrêna nọ lại cũng không được báo tin gì về việc ông và Phơrăngxoa bị mất tích? Lúc đó Phơrăngxoa thế nào?
– Phơrăngxoa biết ông ngoại bị sát hại cho nên cũng không tin rằng ông ngoại khi biết cháu và thầy giáo bị mất tích lại không báo cho bá tước Luy Pêrêna, do đó Phơrăngxoa vẫn tin chắc ông này sẽ đến tiếp cứu. Phơrăngxoa có lý do của nó để chờ đợi…
– Lý do đúng đắn chứ?
– Không. Phơrăngxoa còn rất trẻ con. Nó đọc nhiều sách phiêu lưu mạo hiểm nên càng giàu trí tưởng tượng. Ngoài ra ông quan ba Benvan còn kể cho nó nghe những chuyện huyền thoại về ông bạn Pêrêna của ông ấy. Điều lạ lùng là có một hôm Benvan tìm mọi cách chứng minh, cố làm cho Phơrăngxoa tin rằng bá tước Luy Pêrêna không khác gì Ácxen Luypanh, một nhân vật nổi tiếng trong các truyện mạo hiểm. Nhưng dễ gì ông ta đã gây được lòng tin tuyệt đối của đứa bé bằng một câu chuyện vu vơ, chẳng có gì làm căn cứ chắc chắn và chính xác. Lòng tin chỉ có thể có được trong thử thách khi sự mổ xẻ kỳ diệu diễn ra đúng lúc nó cần được phán xét.
Vê rô ních không ngăn được nụ cười trên môi.
– Thật vậy – Xtêphan nói tiếp – Phơrăngxoa là một đứa trẻ. Đứa trẻ thường có cách suy nghĩ riêng của nó mà người lớn không thể không quan tâm. Cách suy nghĩ của con trẻ làm chúng thêm can đảm và yêu đời. Ở tuổi chúng làm sao có thể chịu đựng nổi những thử thách nếu không có ước mơ và hy vọng!
Nhưng tự nhiên nỗi lo lắng lại ùa đến như nước lũ tràn dâng. Vêrôních nói rất khẽ.
– Bất kể sự giúp đỡ từ đâu đến… chỉ cần đến cho đúng lúc… chỉ cần Phơrăngxoa không trở thành vật hy sinh cho bọn người đáng ghê tởm ấy!
Hai người im lặng hồi lâu. Những kẻ thù vô hình đang đè lên họ bằng tất cả sức nặng kinh khủng của nó. Chúng rình rập ở khắp mọi nơi, làm chủ trên hòn đảo, làm bá chủ những sào huyệt dưới đất, những cánh đồng hoang và các khu rừng, làm bá chủ mặt biển xung quanh hòn đảo, làm bá chủ các bàn đá và các quan tài. Chúng gắn những giai đoạn khủng khiếp của dĩ vãng vào đời sống thực tại cũng không kém phần khủng khiếp. Chúng nối tiếp lịch sử nhân loại bằng những phương thức cổ xưa và đôi khi đạt được kết quả kéo lùi tiến hóa nhân loại nhiều hơn chúng mong đợi…
Vêrôních chán nản buồn bã. Nàng nêu lên một loạt câu hỏi.
– Tại sao? Để đạt mục đích gì? Tất cả là những cái gì? Mối liên hệ giữa những người ngày nay với những người ngày xưa hình thành ra sao? Giải thích như thế nào về việc lịch sử vẫn đang được tiếp nối bằng những phương pháp man rợ từ thời khai thiên lập địa?…
Đằng sau những câu chuyện trao đổi, những vấn đề nêu lên mà không thể giải đáp, có một ý nghĩ dai đẳng lúc nào cũng ám ảnh trong tâm trí Vêrôních. Nàng im lặng một lúc rồi nói:
– Chà, nếu có Phơrăngxoa ở đây! Nếu có đủ ba người để cùng chung sức chiến đấu! Ôi, con tôi! Không biết điều gì đã xảy đến với nó? Hay là nó đang gặp rủi ro?…
Lúc này đến lượt Xtêphan phải an ủi Vêrôních. Anh nói:
– Phơrăngxoa gặp trở ngại ư? Sao bà lại nghĩ như vậy? Không phải thế đâu. Không có gì trở ngại cả… Vượt ngục đòi hỏi phải có nhiều thời gian…
– Vâng, vâng, đúng thế… phải có nhiều thời gian và còn rất nhiều khó khăn nữa… Mà tôi tin chắc thằng bé không bao giờ nản chí! Ôi! Tính khí của nó đẹp biết bao! Tôi tin tưởng nó biết chừng nào! Cháu nói với tôi: “Một người mẹ và một đứa con đã tìm thấy nhau thì không bao giờ rời xa nhau nữa… Người ta có thể còn làm khổ mẹ, làm khổ con, nhưng con và mẹ sẽ không bao giờ xa nhau. Cuối cùng hai mẹ con ta thế nào cũng toại nguyện”. Đây, cháu nói với tôi như thế, ông ạ. Cháu nói thế có đúng không, ông Xtêphan? Tôi tìm thấy đứa con không phải để lại mất nó một lần nữa, có phải thế không? Không bao giờ! Không bao giờ! Như thế sẽ là bất công và không thể nào chấp nhận được…
Nàng bỗng ngừng lại nghe ngóng. Xtêphan kinh ngạc nhìn Vêrôních.
– Cái gì thế thưa bà?
– Có tiếng động!
Xtêphan lắng tai nghe.
– Vâng… vâng… có tiếng động…
– Hay Phơrăngxoa đến… Hình như tiếng động ở trên kia…
Vêrôních đứng lên. Xtêphan giữ nàng lại.
– Không phải. Tiếng chân người đi ngoài hành lang!
– À… à…
Hai người bối rối nhìn nhau không biết quyết định ra sao, không biết mình phải làm gì.
Tiếng chân người rõ dần. Những bước đi đều đều không có gì tỏ ra kẻ địch có ý nghi ngờ. Xtêphan chậm rãi nói.
– Không nên để họ nhìn thấy tôi đang đứng thế này… Tôi sẽ nằm vào chỗ cũ… sau đó bà buộc hộ những sợi dây trói vào.
Hai người vẫn đứng im lưỡng lự, hình như còn muốn bấu víu vào một hy vọng vô lý là may ra mối nguy hiểm sẽ tự nhiên qua đi. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc họ đã đi khỏi trạng thái mê mẩn đang làm họ tê liệt cả ý chí. Vêrôních nói như hạ lệnh.
– Ông nằm xuống đi! Nhanh lên! Chúng đến rồi!
Xtêphan làm theo. Vêrôních quấn các sợi dây thừng lên người Xtêphan nhưng không buộc. Việc ấy chỉ mất vài giây đồng hồ. Nàng nói tiếp:
– Ông nằm quay mặt vào góc hang, giấu tay đi kẻo chúng nghi ngờ…
– Thế còn bà?
– Đừng lo cho tôi.
Nàng đi lom khom đến nằm ép sát người dưới cánh cửa xà lim. Cái lỗ vuông đục ở cánh cửa có lưới sắt bịt, nên kẻ địch không thể thò đầu qua mà trông thấy nàng được.
Đúng lúc ấy tiếng bước chân ngoài hành lang ngừng lại. Mặc dầu cánh cửa rất dày. Vêrôních vẫn nghe được cả tiếng áo dài phụ nữ sột soạt.
Bên trên chỗ nàng nấp có người đang ghé mắt nhìn qua lỗ cửa. Bọn chúng nó. Những giây phút căng thẳng đáng sợ. Chỉ cần một dấu hiệu khác thường rất nhỏ chúng cũng lập tức đánh hơi thấy. Nàng tự hỏi: Sao chúng dừng lại? Hay chúng biết ta ở đây?… Phải rồi có lẽ tại áo ta rộng quá lòa xòa… Nhưng không phải… có lẽ vì Xtêphan nằm không được tự nhiên, các dây trói có vẻ khác thường…
Thình lình có hai tiếng huýt sáo rồi tiếp đến những tiếng bước chân khác từ xa đi tới, to dần, to dần… trong không gian im phăng phắc. Tiếng bước chân ngừng lại đúng chỗ cửa ra vào. Rồi những tiếng nói thì thẩm nổi lên. Hình như chúng đang tìm cách đối phó?
Vêrôních khẽ thò tay vào túi áo rút khẩu súng ngắn ra. Nàng đặt ngón tay lên cò súng. Nếu chúng vào, nàng sẽ bật dậy nổ súng không chút lưỡng lự. Một chút lưỡng lự trong lúc này có nghĩa là mất Phơrăngxoa!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.