Hùng Biện Kiểu Ted

Chương 2: Tổ Chức Bài Diễn Thuyết



BÍ QUYẾT 8: Xác định sẽ truyền đạt theo hướng kể chuyện hay hướng tiền đề

Khi xây dựng một bài nói chuyện, các diễn giả thường phát triển hoặc theo hướng kể chuyện, hoặc theo hướng tiền đề. Các bài nói theo hướng kể chuyện thường tập trung vào một câu chuyện duy nhất từ đầu đến cuối. Trong phần lớn thời gian đứng trên sân khấu, diễn giả sẽ chủ động hồi tưởng lại câu chuyện của mình. Do đó, lập luận logic của người trình bày nhìn chung chỉ được ngầm đưa ra vào phút cuối khi họ ngẫm lại câu chuyện của mình và tiết lộ luân lý rút ra. Điều này trái với cách phát biểu theo hướng tiền đề, trong đó các yếu tố lý luận của diễn giả được thể hiện rõ ràng xuyên suốt bài nói chuyện. Tuy TED nổi tiếng về tài kể chuyện, nhưng thực ra hầu hết các diễn giả thường chọn cách truyền đạt theo hướng tiền đề. Các bài diễn thuyết theo hướng tiền đề trên TED cũng bao gồm nhiều đoạn kể chuyện đóng vai trò hỗ trợ thay vì định hướng.

Thông thường, những diễn giả chọn cách phát biểu theo hướng kể chuyện sẽ thuật lại trải nghiệm của họ ở ngôi thứ nhất. Ví dụ nổi tiếng nhất của nhóm này là bài diễn thuyết của Jill Bolte Taylor trên TED, Stroke of Insight (tạm dịch: Cơn đột quỵ khai sáng). Tôi sẽ khái quát về cách phát triển câu chuyện trong chương tiếp theo, nhưng ngay lúc này, chúng ta hãy cùng tóm tắt lại những điểm chính yếu trong câu chuyện của chị Taylor.

Câu chuyện của Jill bắt đầu bằng những việc chị làm và lý do chị làm những việc đó. Chúng ta biết rằng chị là nhà nghiên cứu các bệnh tâm thần trầm kha tại khoa Tâm thần, trường Y khoa Harvard. Chị theo đuổi lẽ sống này để giúp đỡ những người được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, trong đó có cả anh trai mình. Ngày 10 tháng Mười hai năm 1996, khi mới 37 tuổi, chị thức dậy và phát hiện ra mình đang trải qua một dạng đột quỵ hiếm gặp do xuất huyết, gây ảnh hưởng đến các trung khu ngôn ngữ ở bán cầu não trái. Trong lúc cố tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra và gọi trợ giúp bằng cách nào, chị cảm thấy một niềm phấn khích khi khép lại thực tại cá nhân từ bán cầu não trái và sống trong ý thức chung thuần túy của bán cầu não phải. May mắn thay, chị đã kịp tận dụng những đợt ý thức thoáng qua của não trái để gọi điện cho một đồng nghiệp và người này đã gọi xe cứu thương cho chị. Ba tuần sau đó, khi trải qua phẫu thuật và loại bỏ một khối máu tụ to bằng quả bóng golf, chị đã dành tám năm tiếp theo để hồi phục từng chút và cuối cùng hồi phục hoàn toàn. Chị kết thúc câu chuyện của mình với một phong thái ấn tượng và rút ra bài học sau:

Tôi tin rằng chúng ta càng bỏ nhiều thời gian vận hành các mạch thần kinh tạo cảm giác thư thái sâu sắc trong bán cầu não phải của mình bao nhiêu, thì chúng ta càng đem lại sự thanh bình cho thế giới và hành tinh này bấy nhiêu, và tôi tin đó là một ý tưởng đáng lan tỏa.

Có lẽ cách giải thích phù hợp hơn chính là cách truyền đạt theo hướng kể chuyện thực sự chỉ chú trọng vào câu chuyện đang kể, vì diễn giả chỉ thỉnh thoảng mới bước ra khỏi nó để diễn giải điều đang xảy ra hoặc theo đuổi các ý ngoài lề quan trọng. Ví dụ, Taylor chỉ rời câu chuyện của chị một lần vào đầu bài phát biểu để đưa một lời giải thích chuyên môn cần thiết về chức năng thụ cảm của bán cầu não phải và chức năng phân tích của bán cầu não trái. Từ đầu đến cuối, đó là lần duy nhất chị không chủ động thuật lại câu chuyện của mình.

BÍ QUYẾT 9: Xây dựng lập luận logic để chứng minh ý tưởng của bạn là đáng lan tỏa

Nếu ý tưởng trọng tâm tạo nên xương sống cho bài diễn thuyết của bạn, thì lập luận logic chính là khung sườn của bài diễn thuyết. Đây là sự thật, bất kể bạn xây dựng bài diễn thuyết của mình theo hướng kể chuyện hay hướng tiền đề. Vì hình thức kể chuyện luôn đặt nặng luân lý và coi nhẹ tiền đề, nên cách tốt nhất để hiểu được cách xây dựng lập luận logic là mổ xẻ các bài phát biểu theo hướng tiền đề trên TED. Để làm điều này, bạn phải hiểu cách vận dụng lập luận logic khi phát biểu trước công chúng.

Cuộc thảo luận về tính logic sẽ không trọn vẹn nếu ta không gợi nhớ lại sự khác biệt giữa lập luận quy nạp và lập luận diễn dịch. Theo định nghĩa chính xác nhất, lập luận quy nạp sẽ chứng minh một nguyên lý chung – tức ý tưởng đáng lan tỏa của bạn – bằng cách nêu bật một nhóm các sự kiện, xu hướng, hoặc quan sát cụ thể. Ngược lại, lập luận diễn dịch lại xây dựng một nguyên lý cụ thể – vẫn là ý tưởng đáng lan tỏa – thông qua một chuỗi các mệnh đề thu hẹp dần.

Mặc dù tôi chỉ đề cập đến hai cách lập luận, nhưng xin bạn lưu ý rằng theo đúng nghĩa hàn lâm, thì cả hai cách đều rất khó áp dụng để hệ thống một bài phát biểu. Ngay cả khi đã xem hàng trăm bài diễn thuyết thành công trên TED, tôi vẫn thường vật lộn để tìm ra đâu là cách xây dựng logic cho diễn giả; nguyên do không phải vì bài diễn thuyết thiếu lập luận hay lập luận kém, mà bởi nó quả thực quá tinh vi như nó đáng phải thế. Nhưng bất chấp những thách thức trên, việc hiểu rõ lập luận quy nạp và diễn dịch vẫn là chìa khóa để soạn nên một bài diễn thuyết tuyệt vời.

Với lập luận quy nạp, nguyên lý chung mà diễn giả rút ra sẽ được củng cố bằng các luận cứ, nhưng không chắc chắn tuyệt đối, vì quan sát hết mọi khả năng xảy ra là điều bất khả thi. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang làm việc tại nơi tạm trú của động vật. Hàng ngày, công việc của bạn là tắm gội cho những chú chó được đưa đến đây để tống khứ hết lũ bọ chét. Vì chú chó nào đến đây cũng có bọ chét, nên bạn kết luận rằng mọi con chó đều có bọ chét. Đến đây, đó là một kết luận hợp lý, đặc biệt với chứng cứ thuyết phục mà bạn có. Nhưng nếu một ngày kia, bạn bắt gặp một chú chó không có bọ chét, thì kết luận của bạn sẽ bị bác bỏ. Ngay cả việc kết luận rằng hầu hết các chú chó đều có bọ chét cũng có lỗ hổng tương tự, vì có thể bạn chỉ đang quan sát đúng tập hợp tiêu biểu cho những chú chó bị ngứa.

Mặc dù lập luận quy nạp được coi là cách tiếp cận từ dưới lên, nhưng bạn có thể tiết lộ nguyên lý chung hoặc ở phần đầu hoặc ở phần kết. Tiếp tục với ví dụ trước (tôi phải thừa nhận rằng không phải ý tưởng nào cũng đáng lan tỏa), bạn có thể tuyên bố một trong hai điều sau: (1) Tôi đã quan sát hàng trăm con chó. Con nào cũng có bọ chét. Vậy nên, mọi con chó đều có bọ chét; hoặc (2) Tất cả các con chó đều có bọ chét. Tôi biết vì tôi đã quan sát hàng trăm con chó. Con nào trong số đó cũng có bọ chét.

Vậy, chúng ta nên đưa ra tiết lộ vấn đề quy nạp chính ở phần đầu hay phần cuối? Có một sự đánh đổi ở đây. Khi bạn hé lộ nguyên lý chung của mình ngay từ đầu, người nghe có thể dễ dàng theo dõi. Họ ít phải phân vân: “Ông ta đang nói đến đâu đấy?” Mặc dù mọi người thích sự kịch tính, nhưng họ chỉ có thể tiếp thu được phần nào. Bằng cách loại bỏ yếu tố kịch tính khỏi lập luận logic, bạn có thể sử dụng “quỹ kịch tính” của mình vào các phần khác trong bài phát biểu. Ngoài ra, việc tiết lộ từ đầu sẽ phát huy hiệu quả tối đa khi ý tưởng của bạn được hầu hết những bộ óc duy lý sẵn sàng chấp nhận. Tất nhiên, cũng có những lúc bạn muốn tạo sự kịch tính và chỉ tiết lộ vấn đề chính yếu ở phần cuối. Không có cách nào hoàn hảo, nhưng theo tôi, bạn vẫn nên chia sẻ những ý tưởng đáng lan tỏa từ đầu đối với các bài diễn thuyết dài (18 phút), vì thời gian đợi cho vấn đề chính xuất hiện sẽ khá dài.

Để áp dụng lập luận quy nạp khi phát biểu trước công chúng, chúng ta cần giữ lại những chi tiết đáng giá nhất, xuề xòa với một số ràng buộc và từ đó biến nó thành thứ gì đó hữu dụng. Tôi gọi thứ hữu dụng này là “các nhóm tiền đề”.

Các nhóm tiền đề cũng có thể bắt đầu hoặc kết thúc bằng nguyên lý chung giống như lập luận quy nạp. Không có sự khác biệt nào ở đây.

Nếu lập luận quy nạp được xây dựng bằng cách lắp ráp các nhóm sự kiện, xu hướng, hoặc quan sát; thì một nhóm tiền đề lại được xây dựng bằng cách kết nối các mệnh đề với mức độ khơi gợi tăng dần. Mỗi mệnh đề khơi gợi lại nêu lên một câu hỏi. Để đảm bảo tính logic xuyên suốt, nhiệm vụ của bạn là gieo suy nghĩ rồi lập tức trả lời câu hỏi bức thiết nhất tiếp theo của khán giả. Nếu mệnh đề của bạn cực kỳ khơi gợi, thì khi đó bạn phải bắt đầu trả lời “tại sao?” bằng các lý do, quan sát hoặc căn nguyên. Nếu mệnh đề đó dễ được chấp nhận hơn, thì bạn sẽ đặt câu hỏi “ra sao?” theo từng bước hoặc phương pháp. Tùy thuộc mệnh đề của mình, bạn có thể gợi ra các câu hỏi “ai”, “cái gì”, “ở đâu”, “khi nào”, hoặc một số câu hỏi khác. Bất kể câu hỏi được nêu ra là gì, hãy chú ý rằng tập hợp các câu trả lời luôn được mô tả chính xác bằng một danh từ số nhiều như các lý do hoặc các bước. Câu trả lời có thể được xếp theo dòng chảy, chẳng hạn như theo tiến trình hay theo trình tự thời gian, hoặc theo mức độ ưu tiên từ cao xuống thấp.

Chẳng hạn, hãy xem xét bài diễn thuyết của Charlie Todd tại chương trình TEDxBloomington năm 2011. Todd là người sáng lập tổ chức Improv Everywhere, một tập thể những cá nhân chuyên bày trò chơi khăm ở thành phố New York, và hay tạo ra những cảnh tượng náo động, vui vẻ ở các khu vực công cộng. Nói cách khác, Todd và công ty của anh đã khởi xướng khái niệm “nhảy flash mob” bất bạo động từ hai năm trước khi thuật ngữ này ra đời.

Bài diễn thuyết của Todd mang tính giải trí cao, chỉ kéo dài hơn 11 phút và truyền đạt một ý tưởng đáng lan tỏa không cần tranh cãi. Vì lẽ đó, anh có thể giữ kín ý tưởng của mình – “hãy chấp nhận rằng cuộc chơi không có đúng và sai để có thể thêm nhiều niềm vui hơn” – cho đến cuối bài diễn thuyết. Charlie bắt đầu bài diễn thuyết bằng lời giải thích mở đầu rằng anh đã thành lập Improv Everywhere khi chuyển đến thành phố New York, nhưng không tìm được sân khấu để diễn xuất và tấu hài. Lời mở đầu này gợi ra một câu hỏi: “Anh tạo ra một sân khấu ngẫu hứng ngoài trời như thế nào?” Minh họa cho bài nói bằng phim video và các bức ảnh ghi lại sứ mệnh của mình, anh đã đáp lại câu hỏi trên bằng năm phương thức:

  1. Tạo nên một khung cảnh mang lại trải nghiệm tích cực cho người khác ở nơi công cộng, cho họ một câu chuyện tuyệt vời để kể lại;
  2. Lựa chọn những địa điểm thu hút khán giả một cách tự nhiên;
  3. Tận dụng những yếu tố có sẵn từ môi trường;
  4. Thực hiện dự án riêng cho khu vực;
  5. Thỉnh thoảng chọn cách sử dụng thời gian rỗi khác với thường ngày.

BÍ QUYẾT 10: Chạm vào cảm xúc và tâm trí của khán giả bằng tiền đề và dẫn chứng

Trong những năm tháng cắp sách đến trường, có lẽ bạn đã được dạy rằng những thông điệp hiệu quả thường có kết cấu gồm năm phần: một đoạn mở, ba đoạn thân và một đoạn kết. Bạn cũng có thể được hướng dẫn đưa vào bài phát biểu của mình ba hình thức thuyết phục kiểu Aristoteles(9) – ethos (uy tín của người nói), pathos (cảm xúc), và logos (logic). Tôi hoàn toàn đồng ý với chỉ dẫn này, đó là xuất phát điểm tuyệt vời để xây dựng kết cấu cho một bài phát biểu đầy cảm hứng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở mức độ hiểu biết trên, bài phát biểu của bạn có thể sẽ nhàm chán.

Hãy hình dung chỉ dẫn này được hai diễn giả khác nhau sử dụng – một người kể chuyện thuần túy theo cảm xúc và một nhà giáo dục thuần túy theo logic. Người kể chuyện thuần túy theo cảm xúc sẽ giúp bạn có những phút giải trí tuyệt vời khi đưa bạn qua một loạt cung bậc cảm xúc. Song, ngay cả nếu câu chuyện đó hàm chứa bài học đạo lý rất đỗi thuyết phục, bạn vẫn phải mất nhiều công lắng nghe mới rút ra được câu trả lời chính xác cho các câu hỏi tại sao, như thế nào, và cái gì từ ý tưởng của diễn giả đó. Thậm chí, nhiều lúc bạn sẽ không thể xâu chuỗi chúng lại với nhau, và những lỗ hổng đó sẽ chặn đứng cảm hứng trong bạn.

Trái lại, hãy xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn lắng nghe một nhà giáo dục thuần túy theo logic. Cho đến khi khám phá ra TED, tôi vẫn mặc cảm vì mình thuộc nhóm này. Tôi có thể đưa ra lý lẽ hợp lý cho một lập luận cụ thể hoặc một tình huống trong công việc mà tôi đang thực hiện. Nhưng tôi vẫn phải chật vật lắm mới thuyết phục được mọi người, vì tôi không thể cung cấp các bằng chứng khiến khán giả đồng điệu cảm xúc với những gì tôi nói.

Bước đột phá tôi có được khi xem các đoạn video trên TED chính là những diễn giả thuyết phục nhất luôn kết hợp xen kẽ cả tiền đề và dẫn chứng. Các thành tố này không nhất thiết phải kết hợp với nhau theo tỷ lệ chính xác nào đó. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, lập luận càng phức tạp bao nhiêu, bạn sẽ cần nhiều tiền đề bấy nhiêu. Nếu mở rộng ẩn dụ này với các bộ phận trên cơ thể, thì ý tưởng đáng lan tỏa sẽ là cột sống, tiền đề là các rẻ xương sườn, còn dẫn chứng là phần da thịt. Bạn cần cả ba yếu tố trên để bài diễn thuyết của mình có thể tự đứng vững.

Bảng 2.1 sau đây là dàn ý mẫu cho một bài thuyết trình trên TED, được xây dựng theo cấu trúc năm phần và phân tầng theo tiền đề và dẫn chứng. Trong dàn ý này, diễn giả mở đầu bằng phần giới thiệu (bước 1) rồi chuyển ý sang Phần A của bài phát biểu. Vì mọi người thường cần cảm nhận trước khi nói lý, nên Phần A sẽ bắt đầu với dẫn chứng (bước 2), rồi mới đến tiền đề (bước 3). Tiền đề là kiến giải, lời giải thích, hoặc tuyên bố hợp lý được góp nhặt từ dẫn chứng. Sau đó, diễn giả lặp lại khuôn mẫu này trong Phần B và Phần C, đồng thời xen kẽ dẫn chứng với tiền đề từ bước 4 đến bước 7. Cuối cùng, diễn giả đóng lại bài nói chuyện bằng phần kết luận (bước 8).

Bảng 2.1. Dàn ý diễn thuyết theo cấu trúc năm phần, kết hợp tiền đề và dẫn chứng

 

Cũng giống như kết cấu năm phần cơ bản, dàn ý nâng cao này chỉ có ý nghĩa như xuất phát điểm, chứ không phải một hình thức áp dụng cứng nhắc. Một số diễn giả thường bỏ qua một hoặc một vài bước trong tám bước kể trên. Số khác lại thích nhấn mạnh tiền đề trước rồi mới củng cố bằng dẫn chứng. Nhiều diễn giả cũng điều chỉnh số lượng các phần trong thân bài. Còn số biến thể của dàn ý thì hầu như không giới hạn.

Cho đến giờ, tất cả những gì chúng ta tìm hiểu đều trừu tượng, và tôi có thể hình dung bạn đang rất cần một ví dụ thực tế. Cuộc thảo luận này chỉ toàn tiền đề mà không hề có dẫn chứng! Vậy nên, chúng ta hãy cùng xem Charlie Todd đã điều chỉnh và áp dụng dàn ý này vào bài diễn thuyết của mình như thế nào. Như bạn thấy trong Bảng 2.2, Todd đã điều chỉnh dàn ý cơ bản bằng cách phát triển năm thay vì ba phần chính trong thân bài.

Bảng 2.2. Dàn ý bài diễn thuyết The Shared Experience of Absurdity (tạm dịch: Cùng trải nghiệm điều ngớ ngẩn) của Charlie Todd trên TED

 

Trong Phần A, anh đã chứng minh cho câu trả lời “như thế nào” đầu tiên của mình bằng cách trình chiếu và thuyết minh cho đoạn phim về trò đùa dại của một phụ nữ đi tàu điện ngầm ở thành phố New York và các hành khách đi cùng cô. Câu chuyện diễn ra như sau: Một người phụ nữ đang đọc sách trên tàu điện ngầm. Hai người đàn ông ngồi đối diện cô đang chuyện trò. Khi đoàn tàu tiến vào trạm dừng đầu tiên, người phụ nữ ngước mắt nhìn lên và nhận thấy một người đàn ông vừa bước lên tàu; ông ta khoác áo bành tô và quàng khăn nhưng chỉ mặc độc một chiếc quần đùi chấm bi màu vàng từ thắt lưng trở xuống. Ở sáu trạm dừng tiếp theo, sáu người đàn ông khác bước lên tàu cũng ăn mặc y như thế, và họ không trao đổi gì với nhau. Cuối cùng, một người phụ nữ bước lên tàu, cầm theo một túi vải thô lớn và rao bán quần với giá 1 đô-la. Sáu gã đàn ông mặc quần vào, rời tàu và rẽ đi các hướng khác nhau.

BÍ QUYẾT 11: Đừng nhồi nhét quá nhiều vào bài diễn thuyết

Nguy cơ lớn nhất mà một diễn giả phải đối mặt khi xây dựng một bài diễn thuyết trên TED là họ có quá nhiều nội dung muốn trình bày. Khi chỉnh sửa bài diễn thuyết của mình, câu hỏi đầu tiên bạn cần đặt ra là liệu phần này của bài phát biểu có bổ sung cho tiền đề hoặc dẫn chứng hay không. Trong bài diễn thuyết của Charlie Todd, tất cả năm phần thân bài của anh đều vượt qua vòng kiểm tra này. Câu hỏi tiếp theo là bạn có tuyệt đối cần, thực sự cần toàn bộ các phần hay không, đặc biệt khi số lượng các phần thân bài vượt quá con số “3” kỳ diệu.

Thông thường, việc đảm bảo tính nhất quán cho các dẫn chứng bạn sử dụng là điều nên làm. Bốn phần đầu trong bài diễn thuyết của Charlie Todd có cấu trúc song song đối xứng nhau một cách tinh tế. Mỗi phần đều hàm chứa câu trả lời cho câu hỏi “như thế nào” và được củng cố bằng một đoạn phim minh họa do Todd thuyết minh. Tuy nhiên, phần thứ năm của anh lại gồm sáu ví dụ nhàn nhạt với các slide thuyết trình bổ trợ chứ không phải một đoạn phim. Do cách xử lý quá khác nhau, nên phần này của bài diễn thuyết đã tạo cảm giác chắp vá và gấp rút. Cứ như thể Todd đang nhồi nhét công trình cả đời của anh vào một tập hồ sơ vậy. Công trình đó quả thật xuất sắc; nhưng phần thứ năm, tức phần E trong Bảng 2.2, đã tước đi sức mạnh của cả bài diễn thuyết. Đáng lẽ anh nên lược bớt các ví dụ bổ sung và chuyển phần tiền đề về thời gian rỗi lên đoạn giới thiệu hoặc kết luận.

BÍ QUYẾT 12: Sử dụng dẫn chứng gợi phản ứng cảm xúc

Có một quan điểm sai lầm phổ biến là những câu chuyện như của Todd là cách duy nhất để ta giao tiếp với não phải. Tuy tôi cảm thấy các câu chuyện là phương thức hay nhất, nhưng dẫn chứng có thể được truyền đạt dưới nhiều hình thức khác, bao gồm nhưng không giới hạn số liệu thống kê, trích dẫn, ví dụ hay thậm chí cả các tình huống giả định. Chúng ta sẽ xem xét lần lượt từng hình thức “không kể chuyện”, bắt đầu với các số liệu thống kê.

Trang web 43Things.com có hơn 3 triệu thành viên đăng ký theo dõi, liệt kê các mục tiêu của họ, chia sẻ tiến độ thực hiện và khích lệ nhau. Một trong những điều thú vị nhất ở trang này là bản tóm tắt các mục tiêu phổ biến nhất của mọi người, hay còn gọi là “43 Hệ tư tưởng lớn”. Mục tiêu “viết một cuốn sách”đứng sát đầu danh sách cùng với những nguyện vọng tương tự như “giảm cân”, “biết yêu” và “tiết kiệm tiền”. Với bối cảnh rộng và phù hợp như trên, hãy xem xét cách Matt Cutts, diễn giả của chương trình TED2011, chia nhỏ các số liệu thống kê về những yếu tố thực sự cần thiết để viết một cuốn sách:

Tôi nhận thấy rằng nếu bạn thật sự muốn thứ gì đó, bạn có thể làm bất cứ điều gì trong 30 ngày. Đã bao giờ bạn muốn viết một cuốn tiểu thuyết chưa? Cứ đến tháng Mười một, lại có hàng chục nghìn người cố gắng viết một quyển tiểu thuyết 50.000 chữ của riêng mình trong vòng 30 ngày. Hóa ra, tất cả những gì bạn phải làm là viết 1.667 từ mỗi ngày trong suốt một tháng. Thế nên tôi đã làm vậy. Nhân tiện xin nói, bí quyết là không được ngủ cho đến khi bạn viết đủ số từ của ngày hôm đó. Bạn có thể thèm ngủ ghê gớm, nhưng bạn phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình. Vậy giờ cuốn sách của tôi có phải cuốn tiểu thuyết vĩ đại tiếp theo của nước Mỹ không? Không! Tôi chỉ viết nó trong vòng một tháng. Thế nên nó dở vô cùng.

Trích dẫn là hình thức dẫn chứng “không kể chuyện” thứ hai thường được sử dụng trong các bài phát biểu. Vì các trích dẫn luôn bị lạm dụng đến mức trở nên sáo rỗng, nên tôi chỉ ủng hộ bạn sử dụng chúng khi người bạn trích dẫn là đối tượng trong bài diễn thuyết hoặc một nhân vật quan trọng. Ở phần đầu bài diễn thuyết của mình, nhà hoạt động xã hội Bunker Roy đã xác định Mahatma Gandhi là một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng dù vô hình, một nhân cách dẫn lối cho nỗ lực xây dựng một trường đại học cho người nghèo ở nông thôn của Roy, nơi họ có thể chia sẻ các kiến thức truyền thống có giá trị:

Và chúng tôi cho rằng những con người này nên chiếm lấy xu thế chủ đạo và chứng minh rằng những kiến thức và kỹ năng họ sở hữu đều phổ biến. Chúng cần được sử dụng, cần được áp dụng và cần được thể hiện ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trường đại học này sẽ noi theo cách sống và làm việc của Mahatma Gandhi. Bạn sẽ ăn trên sàn, ngủ trên sàn, làm việc trên sàn. Và sẽ không có bất kỳ giao ước nào khác…

Với hình ảnh Gandhi được đặt có chủ ý ở vị trí quan trọng trong bài diễn thuyết, Roy đã kết lại bài diễn thuyết của mình bằng một câu trích dẫn tóm tắt thông điệp trao quyền cho người nghèo bị áp bức ở nông thôn:

Tôi sẽ kết lại bằng một trích dẫn của Mahatma Gandhi: “Ban đầu, họ phớt lờ bạn, sau đó họ cười nhạo bạn, tiếp đến họ đánh đập bạn, và rồi bạn sẽ giành chiến thắng.”

Bất kể là quen thuộc hay thâm thúy, thì ví dụ có lẽ vẫn là hình thức dẫn chứng “không kể chuyện” phổ biến nhất trong các bài diễn thuyết trên TED và các bài phát biểu khác. Một quân sư trong mảng sách kỹ năng – Susan Cain – đã lập tức dẫn ra ba cá nhân làm ví dụ điển hình cho cô, bao gồm cả Gandhi, sau khi nêu lên tiền đề:

Trên thực tế, một số nhà lãnh đạo tạo nên sự thay đổi trong lịch sử chúng ta là những người hướng nội. Tôi sẽ cho bạn một số ví dụ. Eleanor Roosevelt, Rosa Parks, Gandhi – tất cả họ đều từng mô tả bản thân là người trầm lặng, nói năng nhỏ nhẹ và thậm chí nhút nhát. Và tất cả họ đều từng đứng dưới ánh đèn, dù từng khớp xương trên cơ thể họ đều mách bảo họ đừng làm thế. Điều này hóa ra lại biến thành một thứ sức mạnh đặc biệt, vì mọi người có thể cảm nhận được các nhà lãnh đạo đứng mũi chịu sào không phải vì họ thích chỉ đạo người khác hay vì niềm vui được mọi người nhìn theo, mà bởi vì họ không có lựa chọn nào khác, vì họ bị thôi thúc phải thực hiện những gì mình cho là đúng.

Tình huống giả định cũng là một trong những hình thức dẫn chứng không kể chuyện tinh tế, vì chúng kích thích người nghe tự thuyết phục bản thân. Vì hình thức dẫn chứng này rất mạnh mẽ, nên bạn thường thấy nó được sử dụng trong phần mở đầu hoặc kết thúc của một bài diễn thuyết. Trước tiên, diễn giả có thể đề nghị khán giả tưởng tượng ra một thế giới đen tối mà ở đó lời khuyên của họ không được ngó ngàng, rồi giải tỏa áp lực bằng cách đề nghị khán giả hãy tưởng tượng ra một thế giới tươi sáng hơn mà ý tưởng của họ được lưu tâm. Hoặc diễn giả có thể chỉ tập trung vào lợi ích như Salman Khan đã làm trong phần kết bài phát biểu của anh. Tiền đề của Khan là việc học hỏi tự định hướng với sự hỗ trợ của công nghệ có thể nâng con người lên một tầm cao tri thức mới. Sau đây là dẫn chứng của anh:

Và do [việc học tập tự định hướng] ở Los Altos rất có giá trị, nên hãy tưởng tượng những gì nó mang lại cho những học viên lớn tuổi, những người cảm thấy xấu hổ khi phải quay lại trường học và học về những thứ lẽ ra họ nên biết từ trước, trước khi họ quay lại đại học. Hãy tưởng tượng nó sẽ mang lại gì cho một đứa trẻ tất tả trên đường phố Calcutta cả ngày để giúp đỡ gia đình nên không thể đến trường. Giờ họ có thể dành hai giờ mỗi ngày để sửa đổi hoặc tăng tốc mà không phải xấu hổ về những gì mình biết hoặc không biết.

BÍ QUYẾT 13: Sử dụng chuỗi tiền đề cho những ý tưởng cấp tiến hoặc có sắc thái riêng đáng lan tỏa

Đến lúc này, chúng ta đã có cái nhìn thấu đáo về một hình thức tường thuật – nhóm tiền đề quy nạp. Thật ra đây là cấu trúc được sử dụng phổ biến nhất trong các bài diễn thuyết trên TED, vì hầu hết những ý tưởng đáng lan tỏa đều không quá khác thường. Nhiều diễn giả đóng vai trò như người nhắc nhở chuyên nghiệp bằng cách thôi thúc chúng ta làm những điều mà chúng ta biết mình nên làm, hoặc suy nghĩ theo cách chúng ta biết mình nên nghĩ. Các diễn giả này không chỉ đưa ý tưởng trở lại trước mắt chúng ta, mà còn thêu dệt nên một câu chuyện thú vị và cung cấp một số mẹo vặt cũng như bí quyết hay để xây dựng những thói quen mới.

Cũng có khi diễn giả có một ý tưởng đáng lan tỏa và mạnh mẽ chống đối quan điểm thông thường. Trong trường hợp đó, việc sử dụng các nhóm tiền đề quy nạp sẽ không hiệu quả vì chúng dựa trên một tiến trình có đầy chỗ cho sự hoài nghi. (Hãy nhớ rằng, nếu bạn bắt gặp một con chó không có bọ chét, thì toàn bộ nguyên lý chung “mọi con chó đều có bọ chét” của bạn sẽ sụp đổ). May mắn thay, vẫn còn một cấu trúc tường thuật khác sử dụng lối lập luận diễn dịch có thể sử được “chiêu” này.

Hãy trở lại với một định nghĩa chính xác như chép nguyên từ giáo trình: logic diễn dịch bắt đầu bằng một mệnh đề nói lên một nguyên lý, quy tắc hay quy luật chung được chấp nhận rộng rãi và không phải tranh cãi. Không phải tranh cãi vì bạn phải dẫn dụ mọi người bước vào lập luận của bạn; nếu họ không thừa nhận điều đầu tiên bạn nói, họ sẽ phản đối bạn trong suốt phần còn lại. Sau khi thiết lập xong nguyên lý đầu tiên, lập luận diễn dịch sẽ xâu chuỗi các tiền đề ngày càng cụ thể nhưng lại được chấp nhận tương xứng lại với nhau. Vì lý do trên, kiểu lập luận này được coi là phương pháp tiếp cận từ trên xuống. Cuối cùng, diễn giả đi đến một kết luận rất dễ gây kinh ngạc – tức một ý tưởng đáng lan tỏa. Do dựa trên một loạt chân lý, nên ý tưởng này mang sức mạnh của một luận cứ được minh chứng bằng sự đoan chắc tuyệt đối.

Có vẻ như tôi không cưỡng nổi các ví dụ về loài chó, nên sau đây sẽ là một ví dụ tương tự: (1) Mọi con chó đều có bọ chét. (2) Tất cả bọ chét đều cắn. (3) Vết cắn của bọ chét gây ngứa. (4) Những động vật thiếu khả năng kiểm soát xung động sẽ gãi mỗi khi ngứa. (5) Chó là loài động vật thiếu khả năng kiểm soát xung động. (6) Do đó, tất cả những con chó đều tự gãi. Vâng, điều này quả là có chút ngớ ngẩn và chắc chắn không phải là một ý tưởng đáng lan tỏa, nhưng nó sẽ giúp truyền tải vấn đề. Chí ít đây cũng là một tiến trình ba bước với một tiền đề chính, một tiền đề phụ và một kết luận liên kết chúng lại với nhau. Chuỗi lập luận này có thể kéo dài vô tận. Cũng xin lưu ý rằng trong khi lập luận quy nạp có thể phát triển với một kiến giải quan trọng đặt ở phần đầu hoặc phần cuối bài, thì lập luận diễn dịch lại luôn tiết lộ ý tưởng đáng lan tỏa ở phần kết.

Giống như người anh em quy nạp của mình, khi chưa qua điều chỉnh, lập luận diễn dịch cứng nhắc sẽ khó có thể áp dụng cho các bài phát biểu trước công chúng. Chìa khóa chuyển đổi áp dụng cho các bài diễn thuyết trên TED là bạn phải nhận thức được mỗi bước trong lập luận diễn dịch đều là mắt xích trong một chuỗi liên kết nối tiếp nhau. Mỗi mắt xích đặt ra một câu hỏi, và câu hỏi này sẽ được giải đáp bởi mắt xích tiếp theo trong “chuỗi tiền đề”.

Chuỗi tiền đề được xây dựng khéo nhất là chuỗi những câu hỏi “tại sao”. Nếu từng trò chuyện với một đứa trẻ sáu tuổi, thì bạn đã tận mắt chứng kiến chuỗi này. Người lớn rất sợ khi đứa trẻ hỏi đến câu “tại sao” thứ tư hoặc thứ năm vì họ thực sự khó trả lời những câu tiếp theo đó; và việc đáp lại một cách giận dữ “Vì nó là như thế!” sẽ không đem lại cho bạn bất kỳ giải thưởng phụ huynh tốt nào. Khi bạn trả lời được câu hỏi tại sao với chiều sâu tăng dần, thì bạn sẽ ngộ ra một giải pháp tài tình.

Bạn cũng có thể tạo ra một chuỗi các câu hỏi dạng khác, như chuỗi “như thế nào”, “cái gì”… hay bất cứ thứ gì. Ngoài ra, bạn còn có thể trả lời các câu hỏi khác nhau, chẳng hạn như từ “tại sao” sang “làm thế nào” rồi đến “cái gì”. Yêu cầu then chốt – xin nhấn mạnh là then chốt – chính là mỗi mắt xích trong chuỗi liên kết phải trả lời được câu hỏi bức thiết nhất đặt ra ở mắt xích trước. Nếu không làm được điều đó, lập luận của bạn sẽ tan tành.

Trong bài phát biểu có một đoạn mở, ba đoạn thân và một đoạn kết, bạn có thể truyền đạt một tiền đề chính, ba tiền đề phụ và một kiến giải mạnh mẽ để kết thúc. Như trong Bảng 2.3, đây chính xác là điều Ngài Ken Robinson đã làm trong bài diễn thuyết của mình.

Bảng 2.3. Dàn ý bài diễn thuyết Do Schools Kill Creativity? (tạm dịch: Trường học có giết chết sự sáng tạo?) của Ngài Ken Robinson trên TED

 

Thay vì nêu ý tưởng lớn của mình trước, Ngài Ken đã từng bước phát triển nó bằng cấu trúc tình huống-rắc rối-giải pháp. (Nhiều người gọi đây là mô thức vấn đề-giải pháp, nhưng tôi thích chia nó thành ba phần hơn, vì người nghe cần bối cảnh trước khi đánh giá được các vấn đề do rắc rối gây ra). Cấu trúc tình huống-rắc rối-giải pháp mang lại phương pháp hiệu quả nhất để dẫn dắt mọi người trên hành trình ba chặng nhằm giúp họ thay đổi quan điểm hoặc kêu gọi họ hành động. Trong phần đầu, bạn mô tả các tình huống hiện có một cách khá chiết trung. Để thực hiện hiệu quả, hãy tưởng tượng bạn đang đưa ra một bối cảnh nền cho một khán giả thông minh và rất quan tâm nhưng chưa nắm được thông tin quan trọng. Trong phần thứ hai – tức “rắc rối” – bạn lôi kéo khán giả bằng cách tiết lộ vì sao hiện trạng còn thiếu sót. Thiếu sót không chỉ xoay quanh vấn đề, mà còn là những cơ hội tiềm ẩn. Trong phần cuối, hãy cung cấp một giải pháp xử lý nhanh gọn và triệt để các vấn đề, hoặc khai thác những cơ hội bạn đã dẫn ra trước đó.

Ngài Ken mở đầu chuỗi tiền đề của mình bằng tuyên bố đầu tiên không phải bàn cãi về chủ đề “sáng tạo trong giáo dục”. Bắt đầu bằng một điều khiến bất kỳ người nghe sáng suốt nào cũng đồng ý là cách thức được minh chứng là hay nhất trong nghệ thuật thuyết phục. Mỗi lời phát biểu sẽ tạo ra vô số câu hỏi tiềm năng. Như tôi đã đề cập từ trước, nhiệm vụ trước nhất của diễn giả là giải quyết câu hỏi cấp thiết nhất. Trong trường hợp này, ta có thể giả định rằng một số ít người nghe muốn biết tại sao trí sáng tạo lại quan trọng không kém việc biết đọc biết viết. Ngài Ken coi đây là lẽ đương nhiên. Câu hỏi cấp thiết hơn là: “Chúng ta có thật sự cần dạy cho trẻ cách sáng tạo từ căn bản không?”

Trong phần đầu bài diễn thuyết của mình (Phần A trong Bảng 2.3), Ngài Ken đã trả lời câu hỏi này bằng một từ “Không” dứt khoát. Trẻ em bẩm sinh đã có óc sáng tạo. Đây là kết thúc của phần “tình huống” trong lập luận của ông. Tuy nhiên, điều này lại dấy lên câu hỏi logic tiếp theo: “Vậy vấn đề là gì?” Phần thứ hai của bài diễn thuyết nêu lên rắc rối: hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta chỉ thúc đẩy sự phát triển tư duy logic từ não trái mà bỏ qua biểu đạt sáng tạo của não phải. Từ đây lại phát sinh câu hỏi mới: “Ừm, nhưng thế có hẳn là chuyện xấu không?” Vẫn trong phần “rắc rối” của bài diễn thuyết, Ngài Ken trả lời bằng cách lập luận rằng hệ thống giáo dục hiện nay không giúp chúng ta hạnh phúc hơn và tạo năng suất cao hơn; mà ngược lại, nó chỉ đơn giản dẫn đến sự phát triển thổi phồng trong môi trường học thuật.

Khi cảm thấy sức ép của vấn đề lên tới đỉnh điểm, khán giả giờ đây liền bắt đầu tìm kiếm giải pháp. Phần thứ ba trong bài phát biểu của Ngài Ken hé lộ rằng hy vọng lớn nhất của chúng ta sẽ trông cậy vào việc tôn trọng tính đa dạng trong trí tuệ con người. Mặc dù lập luận của ông đã hoàn chỉnh, song khán giả sẽ đánh giá cao khi diễn giả gói gọn phần kết luận của mình bằng một phát biểu dứt khoát. Đó chính xác là điều ông đã làm với lời cuối của mình:

TED luôn tôn vinh óc tưởng tượng thiên phú. Giờ đây, chúng ta phải thận trọng sử dụng món quà này một cách khôn ngoan và tránh được một số kịch bản mà chúng ta đã bàn đến. Cách duy nhất để làm được việc này là nhìn ra năng lực sáng tạo của ta phong phú đến mức nào, và nhìn con cháu chúng ta với hy vọng chúng cũng được như thế. Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục chúng toàn diện để chúng có thể đối mặt với tương lai ấy. Bằng cách đó, có thể chúng ta sẽ không thấy được tương lai, nhưng chúng sẽ thấy. Và sứ mệnh của chúng ta là giúp chúng làm nên thành tựu gì đó.

Nhiều cuộc thảo luận về cấu trúc trình bày không tập trung nhiều vào lập luận logic, mà chú trọng hơn đến các hướng tổ chức. Các hướng tổ chức nội dung thường gặp bao gồm:

Vấn đề-giải pháp: Đóng khung vấn đề. Chia sẻ giải pháp. Vạch ra các lợi ích. Kêu gọi khán giả hành động.

Các phương án thay thế: Chia sẻ quan điểm của những người ủng hộ một mặt của vấn đề. Chia sẻ quan điểm ủng hộ mặt còn lại. Rồi chia sẻ góc nhìn sáng suốt hơn của bạn.

Chứng thực: Tiết lộ điều gì đó thú vị. Chia sẻ các tính năng và lợi ích của nó. Cho mọi người biết khi nào và làm thế nào họ có được nó.

Để bài diễn thuyết được thuyết phục, tôi thích dùng phương pháp “tiền đề-dẫn chứng” hơn vì ta có thể áp dụng chúng với bất kỳ hướng tổ chức nội dung nào. Ví dụ, cả Charlie Todd và Ngài Ken Robinson đều sử dụng hướng vấn đề-giải pháp khá thịnh hành, nhưng lại vận dụng các phương pháp tường thuật logic khác nhau. Bên cạnh tính linh hoạt và lập luận thuần túy, phương pháp tiền đề-dẫn chứng còn giúp bạn tập trung vào đối tượng nổi bật – tức ý tưởng đáng lan tỏa của bạn.

Đến đây, bạn hẳn đã hiểu rõ nền tảng logic cho bài phát biểu của mình, nên đã đến lúc chúng ta tìm hiểu sâu hơn cách thức chọn lọc và kể những câu chuyện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.