Hùng Biện Kiểu Ted

Chương 21: Để Ra Mắt Hiệu Quả



BÍ QUYẾT 107: Viết cho MC một đoạn giới thiệu từ một đến hai phút để liên kết nó với thông điệp cốt lõi của bạn

Đáng tiếc là các đoạn phim của TED không cho thấy cung cách các diễn giả được giới thiệu. Thông tin giới thiệu diễn giả “theo kiểu TED” khi lên nói trước công chúng cũng không có nhiều. Tuy phần giới thiệu tồi có thể sẽ không dìm chết một bài diễn thuyết tuyệt vời, nhưng một phần giới thiệu tuyệt vời không quá một đến hai phút lại có thể tạo thành bệ phóng mạnh mẽ cho bài diễn thuyết.

Hans Rosling là một trong những diễn giả được xem nhiều nhất trên TED, và là người đã đem lại sức sống tràn trề cho hàng mớ tài liệu ảm đạm về sức khỏe cộng đồng. Thông điệp cốt lõi của ông chính là chúng ta có thể cùng nhau nâng cao tiêu chuẩn sức khỏe trên toàn cầu bằng cách chia sẻ miễn phí dữ liệu sức khỏe công cộng cùng các công cụ phân tích. Hãy để tôi bắt đầu bằng phần giới thiệu nghe khá vô dụng đối với bài diễn thuyết mang tính cách mạng của Hans:

Thưa quý ông quý bà. Hôm nay tôi rất vinh hạnh được giới thiệu giáo sư Hans Rosling, giáo sư chuyên ngành y tế quốc tế thuộc Viện Karolinska tại Stockholm. Trong khoảng thời gian đầu của sự nghiệp học thuật, giáo sư Rosling đã nghiên cứu về số liệu thống kê và y khoa, và cuối cùng trở thành một thầy thuốc đủ bằng cấp vào năm 1976. Nhờ một khám phá và quá trình nghiên cứu sau đó của ông về đợt bùng phát dịch bệnh Konzo, một căn bệnh liệt, Hans đã giành được bằng tiến sĩ y khoa từ đại học Uppsala năm 1986. Ông đã được trao tặng hơn 10 giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến giải Gannon năm 2010 dành cho nỗ lực theo đuổi không ngừng những tiến bộ của con người. Năm 2011, giáo sư Rosling đã lọt vào danh sách 100 nhân vật sáng tạo nhất sự nghiệp do tạp chí Fast Company bình chọn, và được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Thụy Điển. Nếu thành tựu chuyên môn của ông vẫn chưa đủ ấn tượng, thì ông còn nổi tiếng với tài nuốt kiếm. Xin quý vị cho một tràng pháo tay và nhiệt liệt chào đón giáo sư Rosling đến với sân khấu TED! (Nguồn: Đây là phần giới thiệu hoàn toàn hư cấu được biên soạn từ thông tin trên Wikipedia)

Kiểu viết trên gần như ru ngủ tôi. Thực ra, tôi đã giữ một bản sao của phần giới thiệu này trên bàn làm việc đêm để chữa chứng mất ngủ, và tôi khuyên bạn cũng nên làm thế. Trái lại, một phần giới thiệu tuyệt vời không chỉ là một danh sách khô khan gồm toàn những sự kiện và thành tích, mà chỉ trình bày các chi tiết liên quan đến thông điệp cốt lõi của tác giả, lấy khán giả làm trung tâm và xác lập danh tiếng của diễn giả mà không đặt họ lên bệ thờ. Hãy lần lượt xét qua những đặc trưng này.

Các thông tin mang tính xây dựng chỉ giới hạn ở phạm vi thông tin gắn kết với ý tưởng trung tâm thống nhất của diễn giả. Giáo sư Rosling bước lên sân khấu để truyền cảm hứng cho những người tham dự có ảnh hưởng trong Hội nghị TED, nhằm ủng hộ việc phổ biến miễn phí dữ liệu y tế cộng đồng. Việc ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Uppsala vào năm 1986 với công trình khám phá và nghiên cứu một đợt bùng phát bệnh dịch hiếm gặp quả đáng ngưỡng mộ và phi thường, nhưng lại không liên quan trực tiếp đến thông điệp cốt lõi của bài phát biểu. Một thông tin tốt hơn, đúng trọng tâm hơn chính là giáo sư Rosling đang giữ chức chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế Karolinska, nơi ông bắt đầu cộng tác nghiên cứu về sức khỏe với các trường đại học tại châu Á, châu Phi, Trung Đông, và châu Mỹ Latin. Dữ kiện này mang đến cái nhìn sơ lược về những gì sắp diễn ra, rằng người đang đứng trên sân khấu có đam mê nâng cao dịch vụ y tế cộng đồng thông qua tinh thần cộng tác trên toàn cầu.

BÍ QUYẾT 108: Đảm bảo phần giới thiệu của bạn nói lên được vì sao bạn là người phù hợp để chia sẻ ý tưởng của mình tới khán giả

Một thiếu sót lớn hơn nữa từ phần giới thiệu diễn giả trong bí quyết 107 chính là nó không nói lên được với khán giả giá trị mà bài diễn thuyết dành cho họ. Mọi người sẽ không ngồi hàng giờ nghe người khác nói trừ khi họ nhận được điều gì đó xứng đáng với thời gian và sự tập trung họ bỏ ra. Một phần giới thiệu tuyệt vời phải lôi cuốn khán giả với cảm giác về lợi ích họ sắp nhận được, nhưng không phải theo kiểu ban phát. Một phần mở đầu tốt hơn có thể hàm chứa điều gì đó về kết quả như: “Đến cuối bài diễn thuyết của Hans, bạn sẽ biết rằng bằng cách chia sẻ dữ liệu sức khỏe toàn cầu, bạn sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, của con cái bạn, của những bạn bè thân thiết nhất với bạn trong 7 tỉ người trên hành tinh này.” Chỉ với một thay đổi nhỏ, khán giả sẽ có lý do để ngồi thẳng dậy và tập trung chú ý.

BÍ QUYẾT 109: Phác thảo một phần mở đầu đưa bạn vào vị thế một người hướng dẫn đáng tin, chứ không phải một siêu nhân

MC phải xác lập danh tiếng cho diễn giả mà không khiến họ xuất hiện như một siêu nhân. Tuy nể trọng quyền lực, nhưng chúng ta lại tin tưởng những người giống mình hơn. Chúng ta được truyền cảm hứng để thay đổi quan điểm và ra tay hành động từ những người giống chúng ta, những người ban đầu cũng hoài nghi nhưng rồi đã thành công sau khi nắm lấy sự thay đổi. Vấn đề của phần mở đầu chế giễu trong bí quyết 107 là nó đã tô vẽ Giáo sư Rosling như một thiên tài trong những thiên tài. Ông là một nhà thống kê, một bác sĩ, một nhà dịch tễ học đã nhận được vô số lời tán tụng. Bất kỳ ai nghe qua phần giới thiệu như vậy cũng sẽ nói, “Hans Rosling thật siêu phàm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ làm được những gì ông đã làm vì tôi không có dòng dõi hàn lâm hay chỉ số IQ cao như ông.” Trong trường hợp này, bạn chỉ cần nói như sau là đủ: “Tiến sĩ Rosling là giáo sư ngành y tế quốc tế tại Viện Karolinska và có những đóng góp quan trọng trong việc xúc tiến tranh luận về y tế công cộng trên toàn cầu.” Như thế là đủ để xác lập danh tiếng cho diễn giả và một lần nữa gắn kết trực tiếp bản thân ông với những gì ông thảo luận. Cuối cùng, trò nuốt kiếm tuy khiến một bác sĩ giỏi phần nào giống người thường hơn, nhưng nó chỉ hợp với một gánh xiếc dị hợm, chứ chẳng liên quan gì đến chủ đề trước mắt.

Đa phần, người giới thiệu bạn sẽ không biết rõ mặt mũi bạn tường tận. Trong trường hợp đó, bạn nên cung cấp cho họ một bản giới thiệu tuân thủ ba nguyên tắc sau: chia sẻ lợi ích của bài diễn thuyết với khán giả, thêm tối đa các thông tin liên quan đến chủ đề và giảm tối thiểu thông tin tiểu sử. Hãy đảm bảo bạn dành đủ thời gian xem lại phần giới thiệu cùng MC. Nếu còn lo ngại, bạn nên kính cẩn nhờ họ luyện tập một hay hai lần để nắm thời gian và cách truyền tải.

Mặt khác, quả là kỳ diệu nếu MC biết đôi chút về bạn – chính tôi đã khám phá ra điều này. Năm 2011, tôi được mời đến Portland để phát biểu trước 80 thành viên của một nhóm hướng dẫn đồng cấp cho các doanh chủ có tên gọi StarveUps. Chủ đề trọng tâm là những bí quyết truyền tải trong thuyết trình nhằm giúp các công ty nhỏ chốt được thỏa thuận với các công ty lớn. Ngay trước khi tôi lên sân khấu, John Friess – một doanh nhân bận rộn và cũng là MC buổi tối hôm đó – thú thật với tôi rằng anh đã quên xem lại phần giới thiệu về tôi. May thay, chúng tôi đã biết nhau từ trước do có trò chuyện trên điện thoại vài lần trước sự kiện. Anh ấy nhìn thoáng qua bản giới thiệu tôi đưa, vò lại cho vào trong túi và nói, “Hãy tin ở tôi”. Khỏi phải nói, huyết áp của tôi lập tức tăng vọt. John bước lên sân khấu và cứ thế tóm lại câu chuyện của mình về những khó khăn khi anh cố thu hút các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng. Rồi anh chia sẻ với khán giả câu chuyện chúng tôi gặp nhau ra sao, cùng khao khát của tôi mong được gửi đến tất cả những người tôi gặp gỡ các công cụ và phản hồi cần thiết để họ trở thành những người truyền đạt đầy cảm hứng. Tôi thật không thể đòi hỏi phần giới thiệu nào xuất sắc hơn thế.

BÍ QUYẾT 110: Giữ cho giọng điệu trong phần giới thiệu khớp với giọng điệu trong bài thuyết trình

Một việc cuối cùng cần cân nhắc khi soạn thảo phần giới thiệu cho MC chính là giữ cho nội dung giới thiệu phù hợp với giọng điệu của bài phát biểu. Tôi hy vọng người giới thiệu Hans Rosling không làm nóng với một màn tấu hài. Ngược lại, một phần giới thiệu hài hước là giải pháp hoàn toàn phù hợp và vô cùng hấp dẫn để khởi động cho phần trình bày của một diễn giả hài hước. Sự đồng bộ giữa phần giới thiệu và bài diễn thuyết sẽ giúp kiểm soát nguồn năng lượng trong khán phòng, nội dung này sẽ được bàn kỹ hơn trong chương sau.

Việc nhà tổ chức sự kiện yêu cầu bạn cung cấp tiểu sử sơ lược để giới thiệu gần như là một quy chuẩn. Đa số họ chỉ đọc to những gì bạn cung cấp, nên hãy vận dụng các bí quyết trong chương này và đọc thành tiếng những gì bạn viết để chắc rằng nó nghe như giao tiếp thông thường. Nếu MC nhỡ nói chệch khỏi văn bản, thì bạn cũng đành nhún vai cho qua thôi.

Khi MC bắt đầu vỗ tay và bắt tay bạn, hãy hít một hơi thật sâu và vui vẻ hết sức có thể trong suốt 18 phút tiếp theo, khi bạn chia sẻ ý tưởng đáng lan tỏa của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.