Hùng Biện Kiểu Ted

Lời Bạt



Từ Simon Sinek, tác giả cuốn sách bán chạy
do New York Times bình chọn, Start with Why
(tạm dịch: Bắt đầu với câu hỏi tại sao)

Chúng ta cần lan tỏa những ý tưởng tuyệt vời để thế giới của chúng ta thay đổi theo hướng tốt hơn. Và để lan tỏa được ý tưởng, chúng phải thật dễ hiểu. Khi dễ hiểu, chúng có thể biến thành hành động. Tôi thức dậy mỗi ngày để truyền cảm hứng cho mọi người làm những điều đem lại cảm hứng cho họ. Chúng ta nên phấn đấu thể hiện những ý tưởng của mình theo cách sẽ truyền được cảm hứng cho người khác cùng tham gia vào phong trào của chúng ta, hoặc giúp tranh đấu cho sự nghiệp của chúng ta. Lý do thật đơn giản: cùng nhau xây dựng luôn hiệu quả và tạo ảnh hưởng lớn hơn so với cố gắng tạo dựng một mình.

Khi nói, tôi không bao giờ nói về những điều tôi không hiểu hoặc không quan tâm. Tôi không đứng trên đấy để bán bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ gì. Nếu ta không quan tâm đến chủ đề mình đang nói, thì có lẽ chúng ta nên đem đến một bài phát biểu khác. Chúng ta càng quan tâm đến những ý tưởng mình trình bày thì người khác sẽ càng quan tâm đến chúng hơn.

Trước bất kỳ bài phát biểu nào, hãy tự hỏi bản thân: “Sao tôi lại có bài phát biểu này?” Chỉ nói rằng bạn đã phát minh ra thứ gì đó là không đủ. Bạn sẽ không hấp dẫn được người khác nếu chỉ nói rằng bạn muốn chia sẻ quan điểm về điều gì đó. Lý do nào khiến bạn cảm thấy thôi thúc phải truyền tải thông điệp đến người khác? Có điều gì quý giá đến mức bạn sẵn sàng mạo hiểm để mọi người không đồng tình hay thậm chí chất vấn bạn? Điều gì trong đó quan trọng đến nỗi họ không phiền bỏ thời gian lắng nghe bạn?

Mọi người thường có một quan điểm vị tha chính đáng: “Nếu họ biết điều này, họ sẽ tăng được năng suất…” hay đại loại như thế. Tuy vậy, những bài nói tuyệt vời nhất trên TED lại có nền tảng từ tư duy cá nhân sâu sắc hơn: “Tôi đã khám phá hay làm điều gì đó khiến đời mình thay đổi một cách ngoạn mục. Tôi cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ rằng phải chia sẻ nó với người khác.” Hãy nhìn qua toàn bộ 20 bài phát biểu được xem nhiều nhất. Dù diễn giả có kể về trải nghiệm cá nhân của họ hay không, thì từng bài diễn thuyết vẫn xúc động sâu sắc. Họ phải tự mình trải qua hoặc liên quan mật thiết với những gì mình đang chia sẻ. Chẳng hạn, hãy xem bài nói chuyện của Susan Cain (bài phát biểu yêu thích của tôi), để thực mục sở thị.

Bài diễn thuyết của tôi được khai sinh ra từ một điều sâu kín trong bản thân. Nó đã đến vào thời khắc tôi chạm đáy vực sâu. Tôi đã mất hết đam mê với những điều mình đang làm. Trong giai đoạn khó khăn khi cố gắng vượt qua và tìm lại niềm đam mê của mình, tôi đã nhận ra những nhân vật và tổ chức thành công nhất trên hành tinh này luôn hành động trên cùng ba cấp độ – chúng ta làm gì, chúng ta làm thế nào và tại sao chúng ta làm điều đó. Vấn đề là tôi chỉ biết hai cấp độ trong số đó. Tôi biết mình làm gì và khá tự tin rằng tôi làm tốt. Tôi có thể lý giải mình khác biệt hoặc làm tốt hơn đối thủ như thế nào, nhưng lại không thể trả lời vì sao mình làm thế. Bài phát biểu của tôi không vì mục đích thương mại hay học thuật; nó chỉ là một hành động nhằm cứu rỗi chính tôi. Chính việc khám phá ra điều này – hay câu hỏi “Tại sao” – đã khiến đời tôi thay đổi sâu sắc. Tôi chia sẻ nó với bạn bè vì đó là điều chúng ta vẫn làm khi nhận ra điều gì đó tuyệt vời – ta sẽ chia sẻ nó với những người ta yêu mến. Và đến lượt họ, các bạn tôi lại mời tôi chia sẻ với bạn bè của họ. Mọi người cứ mời tôi chia sẻ hết lần này đến lần khác. Và tôi luôn nói đồng ý. Tuy tôi không nhắc đến chuyện này trong bài diễn thuyết trên TED của mình, nhưng bài nói của tôi chắc chắn đã bắt đầu từ điều gì đó sâu thẳm, thật sự sâu thẳm trong tôi. Nói cách khác, tôi thực sự quan tâm đến những gì mình nói.

Hoặc giả, tôi nghĩ mọi người nên biết điểm mạnh của họ là gì và nắm chắc lấy chúng. Tôi đã thử đặt mình vào những vị trí tạo điều kiện để tôi thành công. TEDxPugetSound cũng không phải ngoại lệ. Tôi đã trình bày các phiên bản mở rộng từ bài nói chuyện của mình trong vài năm và nắm rõ nội dung từ trong ra ngoài. Thêm nữa, tôi cũng đắm mình vào chủ đề này vì cuốn sách tôi viết: Start with Why (tạm dịch: Bắt đầu với câu hỏi tại sao), đang sắp ra mắt độc giả. Tôi tin mình nắm vững nội dung đủ để nói mà không cần ghi chú.

Mọi người thường đặt quá nhiều áp lực cho bản thân khi họ có cơ hội diễn thuyết trên TED hoặc TEDx. Và tôi hiểu tại sao. Tôi hoàn toàn nhận thức được một bài phát biểu thành công có thể làm bệ phóng cho sự nghiệp của một người như thế nào. Do thấy được mặt tốt đầy triển vọng trên, nên có quá nhiều người đã lo lắng vì những tiểu tiết trong lúc trình bày mà đôi khi bỏ qua điều thực sự quan trọng – thông điệp. Tôi luôn nhắc nhở mọi người rằng chất lượng hình ảnh và âm thanh trong bài nói chuyện của tôi rất kém. Và không chỉ có thế, trong lúc tôi đang trình bày, micro không dây của tôi trục trặc và một người phải đưa tôi một micro có dây mới. Tất cả đều lọt vào ống kính máy quay. Nếu nội dung của bạn rõ ràng và được truyền tải tốt, thì mọi người sẽ không quá chú trọng đến chất lượng trình bày. Nhưng nếu bạn hốt hoảng chỉ vì slide hiện lên không đúng hay video không phát được, khán giả cũng sẽ xao nhãng ngay. Để bài nói chuyện thành công, bạn phải xem mình như một người dẫn đường cho ý tưởng, chứ không phải một giám đốc sân khấu lo khâu sản xuất. Và một lần nữa, cách tốt nhất để làm điều đó là tập trung vào lý do tại sao bạn và khán giả lại có mặt tại đây ngay từ đầu. Chắc chắn không phải vì bạn, mà là vì thông điệp của bạn.

Bài học quan trọng nhất tôi học được chính là phải thể hiện mình như thế nào. Bạn phải thể hiện rằng mình muốn cho đi. Mỗi lần nói chuyện, bất kể khán giả là ai, tôi đều không muốn nhận gì từ họ. Tôi không muốn biết chuyện làm ăn của họ. Tôi không muốn biết họ chấp thuận hay không. Tôi không muốn họ theo dõi mình trên Twitter hay Facebook. Tôi không muốn gì cả. Tôi chỉ thể hiện rằng mình muốn cho đi; muốn chia sẻ suy nghĩ, quan điểm, lập trường và ý tưởng của tôi. Tôi không giữ lại điều gì. Tôi trả lời trọn vẹn mọi câu hỏi đặt ra cho mình. Tôi không giữ lại bất cứ thứ gì để khán giả phải vào trang web của tôi hay đăng ký một khóa học. Vì những điều đó thể hiện tâm lý muốn chiếm giữ. Biểu hiện cho đi sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một diễn giả thông minh, chân chính với phần còn lại.

Một diễn giả có thể diễn tập và trau chuốt lại bài nói, nhưng nếu họ thể hiện rằng mình muốn điều gì đó từ khán giả, bài phát biểu thường sẽ thất bại thảm hại. Từ kinh nghiệm với TED, tôi nghĩ vấn đề phát sinh chính là mọi người giờ đây chỉ xem TED như tấm vé nhằm tâng bốc lý lịch của họ, bán thêm sách hay lôi kéo thêm khách hàng. Tuy nhiên, nếu thể hiện rằng mình muốn “nhận lại”, bạn sẽ hủy hoại mọi điều mình trình bày. Về cơ bản, nó ảnh hưởng đến cách bạn thể hiện bản thân, vì bạn chỉ nói về mình chứ không phải về thông điệp của bạn hay khán giả. Loài người là giống loài có tập tính hòa hợp xã hội cao. Chúng ta luôn biết khi ai đó muốn thứ gì đó từ ta, cũng như khi ai đó thực tâm muốn trao cho ta điều gì đó mà không mong nhận lại… dù trên sân khấu hay ngoài đời thực.

Dù lượng khán giả ra sao, tôi luôn nghĩ đến người tham dự như những người tôi quan tâm – những người tôi muốn dành thời gian chia sẻ. Và cùng cảm hứng đó, tôi rất cảm kích vì họ đã bỏ thời gian lắng nghe tôi. Thực ra, tôi luôn tự niệm thành tiếng một câu thần thú trong hầu như mỗi lúc đứng lên sân khấu, “Mình ở đây để cho đi. Mình ở đây để chia sẻ.” Tôi tự nhắc mình lý do xuất hiện tại đó hầu như mỗi lần. Và khi làm thế, phần thưởng bạn nhận được thậm chí còn lớn hơn nữa.

Chẳng hạn, tôi nhận thấy khi bạn trao cho khán giả một ý tưởng đáng lan tỏa, họ sẽ đáp lại bằng sự hứng khởi và trân trọng. Khi bạn trao cho họ điều gì đó mạnh mẽ, họ sẽ luôn nghĩ về nó ngay khi đang vỗ tay. Thế nên họ cứ vỗ tay mãi. Đó là một trong những phần thưởng tuyệt vời nhất tôi nhận được: được thấy, được nghe và được cảm nhận sức ảnh hưởng do chính tôi tạo ra.

Vào ngày bạn trình bày trên TED hay TEDx, nếu khán giả đứng lên tung hô bạn bằng một tràng pháo tay dài, thì lợi thế của bạn rất lớn vì những người đang an tọa cũng sẽ đón nhận thông điệp của bạn nồng ấm như vậy.

Tôi cũng thường được hỏi về bí quyết giúp đoạn phim của mình lan truyền trên mạng. Jeremey chắc đã đề cập qua, nhưng tôi vẫn muốn đi sâu hơn. Toàn bộ khái niệm “lan truyền như vi-rút” chỉ là một sự ngẫu nhiên. Không ai có thể dự tính lan truyền điều gì đó trên mạng. Ngay cả khi họ làm thế và thành công, tôi hầu như có thể đảm bảo rằng đó không phải vì nguyên do mà họ tính đến. Nếu đúng thế, họ đã thành công hết lần này đến lần khác; nhưng họ không thể. Tôi đã bật cười khi các công ty bán các dịch vụ cam đoan giúp đoạn phim của bạn lan tỏa. Chúng ta có thể tạo ra điều kiện giúp tác nhân “vi-rút” có khả năng lan truyền cao hơn, nhưng không thể đảm bảo. Vì chúng không hiệu quả theo cách đó. Tôi đã gặp nhiều diễn giả ảo tưởng rằng bài diễn thuyết của họ sẽ lan truyền nhờ các kế hoạch tiếp thị tinh vi, nhưng tôi chỉ biết một trường hợp thành công duy nhất. Nếu đó là mục tiêu của họ, thì nó đã đi ngược lại với quan điểm “cho đi”. Nó thể hiện họ muốn nhận lại. Những ý tưởng lan truyền như vi-rút là những ý tưởng trong đó diễn giả thể hiện được họ muốn cho đi mà không cầu nhận lại. Chỉ có chúng mới có cơ hội được lan truyền.

Có hai lý do lớn giúp bài nói chuyện trên TEDx của tôi về khái niệm “Tại sao” được lan truyền. Lý do chính yếu là sự may mắn. Hãy lưu ý rằng khi bài nói chuyện trên TEDx của tôi xuất hiện vào tháng Chín năm 2009, thì các nhánh hội thảo TEDx được cấp quyền vẫn còn tương đối mới. Do có rất ít bài phát biểu trên mạng, nên cơ hội để mọi người xem bài của tôi cao hơn so với hiện thời. Tất cả chỉ là may mắn. Chỉ là tôi chọn đúng thời điểm mà thôi.

Tuy nhiên, lý do còn lại giúp đoạn phim TEDx của tôi được lan truyền là bởi tôi chẳng làm gì cả. Tôi không hề có kế hoạch tiếp thị. Tôi cũng không có ai rêu rao cho mình. Không có một công ty nước ngoài nào nhấn “Thích” cho tôi trên mạng xã hội. Nếu có phép màu nào đó, thì đó là do thông điệp của tôi về cơ bản đã gây tiếng vang. Tôi đã thể hiện mình muốn chia sẻ điều gì đó ý nghĩa đối với bản thân tôi – một điều tôi quan tâm sâu sắc, một điều mà tôi vẫn sẽ chia sẻ nhiệt thành với bạn bè dẫu không có TED hay không được nói trước công chúng. Chính vì lý do này, mọi người đã tin. Và với những người đã tin, họ lại chia sẻ với bạn bè họ như tôi từng chia sẻ với bạn bè tôi. Đó chính là yếu tố giúp các ý tưởng lan truyền sâu rộng. Nó diễn ra khi người khác tự cảm thấy có nghĩa vụ phải chia sẻ. Tôi đã hỏi khán giả: “Bao nhiêu người trong số các bạn đã xem bài phát biểu trên TED của tôi?” Nếu phần đông giơ tay, tôi sẽ hỏi: “Bao nhiêu bạn giơ tay nhận được bài phát biểu từ người khác?” Thông thường, con số này nằm trong khoảng 75%. Đoạn phim được lan truyền không nhờ tôi hay nhờ bất kỳ kế hoạch truyền thông xã hội nào, mà nhờ tất cả những con người tuyệt vời đó đã chọn cách sẻ chia.

Khi mọi người nhận thấy thông điệp của bạn thú vị, mạnh mẽ và giá trị, họ sẽ quyết định gửi nó cho người họ yêu quý, và bạn sẽ trở thành phương tiện để người khác giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp hay những người họ quan tâm. Chúng ta luôn trao những điều tốt đẹp cho những người ta yêu quý. Và nếu chúng ta xem một bộ phim, đọc một cuốn sách hay nghe một câu chuyện khiến mình xúc động theo cách nào đó, chúng ta sẽ chia sẻ nó với những người cũng xúc động theo cách như vậy. Và thế là ý tưởng của bạn lại lan tỏa.

Giờ đây, lời tôi nói hẳn đã khiến bạn phát ngán(1), nhưng nếu bạn thể hiện mình muốn nhận lại, thì không lý gì mọi người lại chia sẻ thông điệp của bạn, vì mọi thông tin bạn trao cho họ đều vì động cơ ích kỷ. Thậm chí, họ sẽ lợi dụng nó cho bản thân: “Nghe hay đấy. Mình sẽ giữ cho riêng mình.” Tuy nhiên, nếu bạn thể hiện mình muốn cho đi, người khác cũng sẽ vận dụng thông điệp của bạn với sự tôn trọng như thế. Đó cơ bản chính là lý do giúp thông điệp của tôi được lan truyền. Những người khác, với sự hào phóng đáng trọng của họ, đã tử tế đến mức chia sẻ lại những điều tôi nói với những người họ quan tâm.

Tôi xin nhắn nhủ với bạn điều này: bản thân ý tưởng không thay đổi thế giới của chúng ta tốt hơn lên, mà là do con người. Ý tưởng chỉ khởi động tiến trình, vì chúng tạo cảm hứng cho con người hành động. Khi chúng ta chia sẻ ý tưởng tạo cảm hứng cho chính mình, rồi lại tạo cảm hứng cho người khác hành động, thì họ sẽ tự thấy có nghĩa vụ giúp dựng xây thế giới như trong trí tưởng tượng của chúng ta. Và đó là lý do tuyệt vời nhất để chia sẻ ý tưởng của bạn với tất cả những ai muốn lắng nghe.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.