IQ Trong Nghệ Thuật Thuyết Phục

1. CHỈ SỐ THUYẾT PHỤC LÀ GÌ?



Những quy tắc mới của sự thành công và giàu có

Bạn cần kỹ năng gì để có được sức mạnh thuyết phục trong bất kỳ cuộc đấu trí nào? Hãy suy nghĩ về điều này. Lần cuối cùng bạn không có được điều mình muốn là khi nào? Chuyện gì đã xảy ra? Bạn đã không chứng minh được quan điểm của mình? Bạn có bị người nào đó thuyết phục không? Sự hiểu biết của chúng ta về khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng đang dần thay đổi trong suốt 20 năm qua. Trong quá khứ, chúng ta không biết hoặc không quan tâm đến việc khách hàng nghĩ như thế nào hay điều gì thúc đẩy họ quyết định mua hàng hoặc hành động. Hầu hết mọi người trong giới kinh doanh và marketing đều đang chạy trong bóng tối khi hy vọng rằng những gì mình đang làm sẽ tiến triển tốt đẹp. Tiến sĩ Antonio Damasio, Đại học Y khoa Iowa, đã kết luận: “Số người được học về bộ não và trí tuệ vào những năm 1990 – được coi là thập kỷ của bộ não – nhiều hơn so với toàn bộ khoảng thời gian trước đó trong lịch sử tâm lý học thần kinh.”

Ở khía cạnh nào đó, khi mỗi người thuyết phục mất đi một khách hàng hay thậm chí một người bạn, họ cũng sẽ thất bại trong kinh doanh, hoặc đánh mất một khoản lợi nhuận mới. Không nghi ngờ gì nếu thất bại này cũng xảy đến với bạn. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra tổn thất, và câu hỏi được đặt ra là: Bạn đổ lỗi cho ai hoặc chuyện gì? Bạn bị mất tiền, cảm thấy bối rối, buồn chán, và bạn sẽ buộc tội ai đó vì những điều khó chịu. Tuy nhiên, khi bạn khởi đầu một sự nghiệp mới, bắt tay vào một công việc kinh doanh mới, hay cố gắng làm một điều gì đó mới mẻ, sẽ luôn có những rủi ro đi kèm. Khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi, phản ứng tự nhiên thường là: “Ồ, điều này không khả thi.” Tôi sẽ nói: “Lần này bạn chưa thành công. Nhưng tôi biết lần sau bạn có thể thực hiện được nó.” Có hàng nghìn người làm việc trong lĩnh vực của bạn, ở trong hoàn cảnh tương tự (hoặc tồi tệ hơn) bạn, có cùng trí thông minh như vậy (và thường là ít hơn) nhưng lại có thể làm công việc đó hiệu quả. Không phải phương tiện (công việc kinh doanh, bất động sản, tiếp thị toàn cầu, Internet, doanh số hay bất kỳ nỗ lực nào khác) mà chính nhiên liệu (khả năng thuyết phục, kỹ năng giao tiếp, khả năng tự chủ) dành cho phương tiện mới là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa người bình thường và người thành công.

Thuyết phục là kỹ năng số một mà những người cực kỳ giàu có sở hữu. Nếu dừng lại và nghĩ về điều đó, mọi thứ bạn muốn trong cuộc sống sẽ đến với bạn như kết quả trực tiếp của kỹ năng thuyết phục. Brian Tracy nói rằng: “Những người không thể diễn đạt quan điểm của họ hoặc không thể tiếp thị bản thân một cách hiệu quả thường gây được rất ít ảnh hưởng và không được đánh giá cao.” Điều ngược lại của câu nói này là nếu bạn trình bày được những quan điểm của mình và thuyết phục người khác thành công, bạn sẽ có thể gây ảnh hưởng và được đánh giá cao.

Bạn có biết nhiều giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn ở Mỹ thành công là nhờ quá trình học hỏi kinh nghiệm từ kinh doanh và marketing nhiều hơn từ bất kỳ sự rèn luyện nào khác hay không? Trở thành giám đốc điều hành của một tập đoàn tiếng tăm có thể không phải mục tiêu của bạn, nhưng bất kể bạn lựa chọn nghề nghiệp, mơ ước, hay mục tiêu gì thì kỹ năng thuyết phục cũng vẫn chính là chìa khóa thành công của bạn. Các chuyên gia thuyết phục – các chuyên viên kinh doanh và marketing – là những ứng cử viên có nhiều cơ hội nhất. Tất cả các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nhân và chuyên viên kinh doanh đều cần có những kỹ năng thuyết phục. Bất kể nghề nghiệp của chúng ta là gì, chúng ta đều phải thuyết phục – chúng ta tiếp thị – để kiếm sống.

Napoleon Hill  đã dành 20 năm để nghiên cứu về sự thành công và thịnh vượng, trong suốt thời gian đó, ông không phát hiện ra những kỹ năng và thói quen của các triệu phú nhưng lại khám phá được điều những người cực kỳ giàu có đang làm mà những người bình thường không làm được. Những thói quen, kỹ năng và yếu tố chung nào mà tất cả những người thành công đều có? Trong những cuốn sách nổi tiếng bán chạy nhất của mình là Think and Grow Rich (Cách nghĩ để thành công) và cuốn Succeed and Grow Rich Through Persuasion (Thành công và giàu có thông qua khả năng thuyết phục), Hill đã coi thuyết phục như một kỹ năng quan trọng nhất để đạt được “tiềm năng phát triển lớn nhất”.

Bạn có thể phải thuyết phục khi bán một sản phẩm, trình bày một quan điểm, đàm phán một vụ làm ăn, yêu cầu tăng lương hay đưa ra lời khuyên cho một trẻ vị thành niên đang gặp rắc rối. Bất kể đó là vấn đề gì, thành công trong tất cả các tình huống phụ thuộc vào khả năng thuyết phục. Thuyết phục là yếu tố trọng tâm của mọi khía cạnh trong cuộc sống. Hãy xem xét những cách thức hàng ngày chúng ta sử dụng kỹ năng thuyết phục trong bảng phía dưới.

Danh sách này có thể còn dài nữa. Điều đáng nói ở đây là chúng ta thường xuyên nhận thấy mình phải đối mặt với những tình huống cần dùng tới kỹ năng thuyết phục, trong mọi lĩnh vực cuộc sống, kể cả công khai lẫn riêng tư. Vậy chỉ số thuyết phục của bạn là gì? Khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng của bạn xếp ở vị trí nào? Và bằng cách nào bạn có thể nâng cao khả năng thuyết phục của mình?

Câu chuyện: Chàng trai và chiếc xe thể thao mới bóng loáng của anh ta

Sau khi mua một chiếc xe thể thao mới bóng loáng, người chủ sở hữu cảm thấy thật hào hứng, nhưng cùng lúc, anh ta cũng cảm thấy lo lắng về khoản tiền đầu tư lớn này. Quả là một sự vung tay, nhưng anh vẫn hài lòng khi ngồi sau tay lái. Đó mới là cảm giác thực sự. Anh chắc chắn rằng chiếc xe hơi mới này sẽ mở ra rất nhiều cánh cửa – sự khởi đầu của điều gì đó thật lớn lao. Dù có chút khó khăn về tài chính, nhưng anh ta cảm thấy vụ đầu tư này hoàn toàn đáng giá từng đồng. Hai tuần sau, xe hết xăng và anh ta đi tới trạm xăng để đổ đầy bình. Anh ta hốt hoảng khi nhìn thấy giá tiền hiện lên tới 20 đô-la, sau đó là 30 đô-la, rồi tới 70 đô-la… cuối cùng nó cũng dừng lại ở con số 82,77 đô-la. Anh nghĩ: “Đúng là một vụ cướp trên đường cao tốc!” Thật bất hợp lý khi xăng quá đắt như vậy! Anh ta thề sẽ không bao giờ mua xăng nữa và anh ta không bao giờ làm thế thật. Chiếc xe hơi của anh ta đỗ ở ngay trên đường lái xe vào nhà, vẫn mới cứng, bóng loáng và không bao giờ di chuyển bởi vì anh ta kiên quyết không đổ xăng.

Ý nghĩa: Phương tiện (hay công việc) của bạn sẽ chẳng đi tới đâu nếu bạn không có xăng (các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thuyết phục).

Cũng giống như xăng là nhiên liệu cần thiết cho chiếc xe của bạn (bất chấp giá cả), kỹ năng thuyết phục là yếu tố cần thiết cho công việc của bạn. Xét trên khía cạnh nào đó, hầu hết mọi người đều muốn biết làm thế nào để có thể thuyết phục và gây ảnh hưởng đối với người khác trong bất kỳ tình huống nào. Giả sử bạn đang nói chuyện với một người bạn, một khách hàng hay một ứng cử viên triển vọng và bạn không thể trình bày rõ ràng, chính xác quan điểm của mình. Giờ hãy tưởng tượng bạn có thể mua một chiếc bình chứa chất thuyết phục, xịt vào người đó và ngay lập tức làm cho cô ấy thay đổi ý kiến theo quan điểm của bạn. Điều đó có giá trị với bạn như thế nào? Bạn sẽ trả bao nhiêu cho chiếc bình chứa chất thuyết phục đó? Hãy tưởng tượng bạn có thể dễ dàng thuyết phục người khác bằng sức mạnh như vậy.

BẠN CÓ THỂ THÀNH THẠO NGHỆ THUẬT VÀ KHOA HỌC THUYẾT PHỤC

Một tin tốt là bạn có thể học và sử dụng thành thạo các kỹ năng thuyết phục. Thật ngạc nhiên khi nhận thấy nỗ lực, thời gian và chi phí mà mỗi cá nhân, công ty và tập đoàn bỏ ra để trang bị cho bản thân những kỹ năng thiết yếu này ít như thế nào. Được trang bị vốn kiến thức như vậy, thu nhập của nhà thuyết phục và lợi nhuận của công ty sẽ tăng đáng kể, cả khách hàng và đối tác cũng sẽ trở thành bạn. Với quan điểm này, tôi luôn đặt ra câu hỏi: “Tôi phải mất bao nhiêu để đạt được, học được và thành thạo những kỹ năng sống và kỹ năng thuyết phục?” Tôi muốn thay đổi trọng tâm của câu hỏi này. Bạn sẽ mất bao nhiêu nếu không có những kỹ năng đó? Tỷ phú Donald Trump từng nói: “Học nghệ thuật thuyết phục. Thực hành kỹ năng đó. Phát triển những hiểu biết về giá trị sâu sắc của nó trong mọi khía cạnh của cuộc sống.”

Tại sao tôi lại dành cả đời để hiểu, sử dụng thành thạo và giảng dạy các kỹ năng thuyết phục và các kỹ năng sống? Lý do là tôi đã thật điên rồ khi không học những kỹ năng cần thiết này ngay khi còn đang đi học để kiếm được tấm bằng đại học hay tấm bằng kinh doanh cao cấp. Ai/điều gì đã khiến tôi thất bại? Nếu thuyết phục là kỹ năng của thành công, tại sao tôi lại không học nó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay ở bất cứ nơi nào có thể? Tại sao tôi chỉ được trang bị một con dao bỏ túi để chặt đổ cái cây của sự thành công và giàu có? Tại sao tôi lại được trang bị nhầm dụng cụ? Tại sao những kỹ năng cần thiết này chỉ được học thông qua những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống?

Tôi muốn thành thạo kỹ năng thuyết phục vô giá. Tôi đọc tất cả những cuốn sách mình có về chủ đề đó, tham dự không biết bao nhiêu cuộc hội thảo về kỹ năng thuyết phục, khả năng lãnh đạo, đàm phán và kinh doanh, đọc hàng nghìn nghiên cứu về hành vi ứng xử và tâm lý xã hội, lắng nghe tất cả các cuốn băng hay đĩa CD về chủ đề thuyết phục, động cơ thúc đẩy và gây ảnh hưởng mà tôi tìm thấy. Tuy nhiên, dù tất cả các nghiên cứu và chương trình, những cuốn sách và diễn giả đều đem lại những ý tưởng rất hay, nhưng tôi vẫn không thể tìm ra một nguồn nào có thể liên kết chặt chẽ tất cả với nhau. 

Nản lòng, tôi quyết định tiến hành nghiên cứu của mình ở cấp độ tiếp theo. Tôi tham dự hàng loạt buổi thuyết trình về chủ đề kinh doanh, tiếp xúc khách hàng và thực hiện các cuộc khảo sát. Tôi lắng nghe những bài tiếp thị sản phẩm qua điện thoại, trải qua rất nhiều cách thuyết phục theo lối cũ và chứng kiến vô số các vụ làm ăn. Tôi đặt mình vào vị trí bán hàng và quản lý bán hàng để tìm hiểu điều gì sẽ đem lại hiệu quả. Tôi đã tìm đến những chuyên gia thuyết phục bậc thầy để học hỏi điều gì giúp họ thành công. Tôi không chỉ quan sát những chuyên gia thuyết phục hàng đầu mà còn cả khán thính giả của họ nữa để quyết định xem họ thích và không thích điều gì, tại sao họ lại bị hoặc không bị thuyết phục.

Sau rất nhiều nghiên cứu, tôi đã sáng lập Học viện Thuyết phục để đưa ra những phát hiện của mình và chia sẻ bí mật về thuyết phục với những người mong muốn phát huy được tiềm năng lớn nhất của mình. Từ lúc khởi đầu đến nay, Học viện Thuyết phục đã quản lý trên 20.000 bài đánh giá về chỉ số thuyết phục. Vai trò của tôi là giảng dạy cho các bạn kỹ năng của những chuyên gia thuyết phục hàng đầu. Vậy những chuyên gia thuyết phục hàng đầu đó sở hữu những tài năng, đặc điểm, tính cách, thói quen và kiểu tư duy nào? Một nhà thuyết phục trung bình trở thành chuyên gia thuyết phục giỏi ra sao? Tôi cũng giúp các nhà thuyết phục hiểu được khán giả của họ. Tôi nói chuyện với đối tác, khách hàng thân thiết và khách hàng tiềm năng của bạn. Tại sao họ lại nói dối bạn, không gọi lại, né tránh bạn hoặc không mua hàng? Tôi đã phát hiện chính xác điều gì đã xảy ra và điều bạn cần làm để nâng cao khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng của mình.

Học cách thuyết phục và gây ảnh hưởng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn giữa hy vọng có được khoản thu nhập cao hơn và thực sự đang có khoản thu nhập cao hơn. Bạn hãy tự đặt ra câu hỏi: “Tôi đánh mất khoảng bao nhiêu khi không có khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng?” Hãy suy nghĩ về điều này. Chắc chắn bạn có thể nhìn thấy thành công, nhưng hãy nghĩ tới những lần bạn không thể đạt được điều đó. Đã bao giờ bạn thất bại khi đưa ra quan điểm của mình chưa? Khi nào bạn không thể thuyết phục ai đó làm một điều gì?

Tôi đã đặt ra câu hỏi “Việc không có khả năng thuyết phục làm mất của bạn hoặc gây thua lỗ trong công việc kinh doanh của bạn bao nhiêu?” ở khắp mọi nơi, tại các buổi giao lưu trực tuyến lẫn các cuộc hội thảo. Câu trả lời thật bất ngờ. Trên khắp thế giới, những người có mức thu nhập trung bình nhận thấy họ đã đánh mất tổng cộng 4,3 triệu đô-la. Theo thời gian, họ đánh mất rất nhiều cơ hội – các mối quan hệ, các vụ làm ăn hoặc cả cơ hội thăng tiến – một thiệt hại rất lớn. Khi nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, tôi phát hiện ra rằng những người thành thạo kỹ năng thuyết phục và gây ảnh hưởng có thể điều khiển được thu nhập của mình và hầu hết trong số đó có thể dễ dàng tìm được việc làm, bắt đầu công việc kinh doanh và lãnh đạo người khác bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.

PHÁ VỠ QUY TẮC THUYẾT PHỤC

Qua 17 năm nghiên cứu, khám phá và trải nghiệm trong lĩnh vực này, bản đánh giá chỉ số thuyết phục của Học viện Thuyết phục đã phá vỡ những quy tắc ban đầu. Những phát hiện và thông tin của chúng tôi sẽ trang bị cho bạn những đặc điểm và kỹ năng cần thiết để trở thành một người có sức mạnh thuyết phục. Việc tích lũy tri thức, tổ chức khái niệm và giải thích đều nhằm mục đích giúp đỡ bạn. Đó là nguồn tài liệu về khả năng thuyết phục dễ hiểu nhất hiện có.

Bạn nghĩ mình đã sở hữu kỹ năng thuyết phục chưa? Nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các nhà thuyết phục chỉ sử dụng từ ba đến bốn kỹ thuật thuyết phục và họ dùng đi dùng lại. Thậm chí các giám đốc cũng chỉ dùng bảy hoặc tám kỹ thuật thuyết phục điển hình. Thật lãng phí tài năng! Bạn có biết rằng hơn 100 kỹ thuật và công cụ thuyết phục sẵn có, đang ở ngay trong tầm tay bạn không?

Giả sử bạn coi khả năng thuyết phục là một chiếc đàn piano và hầu hết mọi người chỉ sử dụng một vài phím và chơi bản Chopsticks  trong khi họ có thể dùng tất cả các phím và chơi các bản nhạc của Mozart.

Nhận thức được rằng việc đào tạo kỹ năng thuyết phục của ngày hôm qua không còn áp dụng cho môi trường giáo dục và phát triển với tốc độ nhanh ngày nay chính là bước đầu tiên để thành thạo khả năng thuyết phục. Khán giả của bạn không muốn nghe những lời bóng bẩy của một người tiếp thị sản phẩm. Khả năng thuyết phục thực sự là việc có được những khách hàng và những người bạn suốt đời, thay vì một vụ mua bán nhanh chóng làm cho khách hàng cảm thấy khó chịu. Khả năng thuyết phục không phải là việc có được sự đồng thuận trong khoảng thời gian ngắn. Hình thức thuyết phục đó sẽ nảy sinh sự oán hận, nổi loạn và nỗi thất vọng lâu dài.

Mọi người sẽ không bị thuyết phục bởi những mưu mẹo và mánh khóe. Trên thực tế, tất cả họ đều không hề quan tâm tới những mánh khóe đó. Cuộc khảo sát trên tờ New York Times đã chỉ ra có tới 56% số người tham gia có cảm giác bạn không thể quá cẩn thận khi làm việc với người khác và 34% số người nói rằng hầu hết mọi người sẽ cố gắng lợi dụng bạn nếu có cơ hội. Khi được hỏi họ nghĩ gì về những nhà thuyết phục hay người bán hàng, chỉ có 32% trong số đó nói rằng: “Tôi có suy nghĩ tích cực đối với người bán hàng.”

Thử thách là ở chỗ đa số các nhà thuyết phục đều chắc chắn rằng mình sở hữu phần lớn những yếu tố thuyết phục cần thiết, nhưng khi hỏi những khách hàng triển vọng của họ thì bạn sẽ có một bức tranh hoàn toàn khác biệt. Dù bạn thuyết phục ở lĩnh vực nào thì phần đông khán giả của bạn (hoặc những khách hàng triển vọng, người lao động hay khách hàng thân thiết) sẽ miêu tả bạn là:

Tại sao tất cả những điều này lại mang tính tiêu cực? Trước hết, phần lớn công chúng được giáo dục tốt hơn trước kia, đồng nghĩa với việc họ nhận thức sáng suốt hơn. Thứ hai là, hàng ngày tất cả chúng ta đều bị vô số các thông điệp mang tính thuyết phục tấn công tới tấp. Chúng ta không cần phải tìm kiếm những thông tin đó mà chúng tự tìm đến chúng ta. Tới thế kỷ XX, người Mỹ đã vạch trần gần một triệu vụ quảng cáo thương mại trên truyền hình. Với việc tiếp thị dữ dội như vậy, có ai lại không chán ngấy chứ? Mọi người bắt đầu cảm thấy nhàm chán với khối lượng lớn những nỗ lực thuyết phục hàng ngày đó.

Do đó, cách tốt nhất là biết được thực tế trước mắt. Đa số mọi người đều cho rằng nhà thuyết phục nói và hứa hẹn quá nhiều, không hoàn thành được, chỉ lo cho bản thân, tham lam và gian xảo. Rất tiếc, không có gì bọc bằng đường đâu.

Tất cả điều này có ý nghĩa gì với bạn trong vai trò một nhà thuyết phục? Điều đó có nghĩa là bạn cần thoát ra khỏi thế giới cũ và bước vào một thế  giới mới. Quên đi tất cả những thủ thuật cũ rích, sáo rỗng, rập khuôn. Đó không phải việc bạn có những mánh khóe, xắn ống tay áo lên và lôi kéo được người nào đó một cách nhanh chóng. Đó không phải là sự ép buộc, đay nghiến, đe dọa hay cầu xin. Những hình thức “thuyết phục” này thực sự không phải là thuyết phục. Các thủ thuật đó hiệu quả lúc đầu nhưng chúng chỉ mang tính tạm thời và khán giả của bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Tương tự, khi bạn trưởng thành hơn thì cũng sẽ có nhu cầu đòi hỏi nhiều hơn và thiếu kiên nhẫn hơn.

Thay vì học những kỹ thuật và chiến lược, bạn hãy nghĩ về các hình thức biến mình thành một người có khả năng thuyết phục tự nhiên. Chính bạn mới là người mang lại khả năng thuyết phục cho mình chứ không phải mánh khóe nào đó mà bạn áp dụng. Bạn mới là cách giải quyết thực sự. Bạn có khả năng thuyết phục bởi chính tài năng và tính cách của bạn trong cuộc sống. Thuyết phục là kỹ năng cần thiết và nó có thể chuyển hóa trong bất kỳ tình huống hay lĩnh vực nào. Nuôi dưỡng khả năng thuyết phục của bản thân sẽ mang lại cho bạn thành công trong bất kỳ nghề nghiệp, công việc hay môi trường nào.

Một lần trên máy bay, tôi đã nói chuyện với một quý ông, người luôn mong muốn trở thành một doanh nhân và được điều hành công việc kinh doanh của mình. Ông biết rằng sở hữu công việc kinh doanh của chính mình và trở thành ông chủ là chìa khóa để có được tự do cá nhân và độc lập về tài chính. Ông nhận tấm bằng đại học với niềm vinh dự và tiến hành các nghiên cứu tổng quát về ý tưởng kinh doanh lớn của mình. Ông đã lập một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo. Mọi người đều nói rằng đó là một ý tưởng rất hay. Ông dường như không thể thất bại. Tuy nhiên, ông đã mắc một sai lầm lớn khi cho rằng tấm bằng đại học và công trình nghiên cứu tổng quát của mình là những yếu tố đủ để đảm bảo thành công. Nhưng những nghiên cứu cho thấy không hề có mối tương quan nào giữa tấm bằng đại học và số tiền kiếm được trong suốt cuộc đời.

Hơn nữa, người đồng hành trên chuyến bay đó của tôi đã quên mất một yếu tố vô cùng quan trọng – điều ông chỉ lướt qua với sự hấp tấp, vội vàng của mình để có được “công việc làm ăn tốt”, điều then chốt trong công việc của ông – và nó chính là rào cản. Ông đã nghĩ rằng mình sở hữu những kỹ năng con người và kỹ năng thuyết phục, nhưng đó không phải là những gì khách hàng tiềm năng của ông nghĩ. Ông không có khả năng kết nối với mọi người hay thuyết phục người khác tin vào ý tưởng và dịch vụ của mình. Ông đã nói với tôi rằng ông phải chịu mức thua lỗ lớn vì lý do này. Điều đó khiến ông hết sức thất vọng, bởi ông đã có tấm bằng của mình, chuẩn bị kế hoạch hoàn hảo và mong muốn thành công. Từng chi tiết đều được sắp xếp theo đúng trật tự, nhưng ông lại thiếu kỹ năng thuyết phục, kỹ năng liên nhân và kỹ năng giao tiếp. Chúng ta có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhưng vẫn không thể đạt được thành công lớn khi thiếu những kỹ năng thiết yếu mà chúng tôi sẽ đề cập tới trong cuốn sách này.

Sai lầm này là xu hướng chung của nước Mỹ và cụ thể là trong giới kinh doanh. Bạn có biết là 96% những người bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh thất bại trong vòng 5 năm? Tại sao điều đó lại xảy ra? Cơ quan Quản trị Doanh nghiệp nhỏ của Chính phủ Mỹ và Học viện Thuyết phục (tiến hành nghiên cứu độc lập) đã cùng khám phá ra nguyên nhân. Cả hai tổ chức này đều dành thời gian và tiền bạc đáng kể để tìm ra gốc rễ của vấn đề và cuối cùng, cả hai tổ chức đều đưa ra một kết luận: Thất bại trong kinh doanh là do sự thiếu hụt doanh số. Tập đoàn Dun & Bradstreet  cũng đã tìm ra những kết quả tương tự và gọi thất bại đó là “thiếu năng lực quản lý”, có nghĩa là các cá nhân điều hành những công việc kinh doanh này không biết mình đang làm gì. Cụ thể hơn, họ nhận ra rằng kinh doanh và tiếp thị là lĩnh vực hàng đầu của việc “thiếu năng lực quản lý”.

Những doanh nhân thất bại này không biết cách thuyết phục người khác sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của họ. Nói cách khác, doanh số gắn liền với mọi thứ (giả định bạn có một sản phẩm hay dịch vụ rất tốt). Hơn nữa, không có điều gì bí mật khi số đông mọi người bị sa thải bởi họ không có khả năng làm việc và giao tiếp với người khác. Nói cách khác, họ thất bại trong công việc do thiếu những kỹ năng thuyết phục và kỹ năng con người.

Khả năng lớn nhất trong kinh doanh là hòa hợp với người khác và gây ảnh hưởng tới hành động của họ.

— JOHN HANCOCK  —

Nói một cách mỉa mai, các chủ doanh nghiệp và nhà quản lý cấp cao sa thải rất nhiều nhân viên đều không biết điều gì có thể làm cho tình hình trở nên tốt hơn. Họ nghĩ mình làm được, nhưng thường thì đó là giải pháp sai lầm. Khi được hỏi điều gì làm nên một nhà thuyết phục giỏi, họ liệt kê ra rất nhiều những kỹ năng và phẩm chất tuyệt vời, nhưng thật bất ngờ, không có kỹ năng nào đứng đầu trong danh sách đó. Những từ chúng tôi nghe được là sự bền bỉ, khả năng giao tiếp, trí tuệ, năng lực, kỹ năng con người, kiến thức về sản phẩm và cách tổ chức, nhưng những thứ đó vẫn chưa giải thích được tại sao một số người trở thành những nhà thuyết phục giỏi còn những người khác thì không.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÀ THUYẾT PHỤC HÀNG ĐẦU

Khi yêu cầu công chúng xác định những nét tiêu biểu và tính cách thường thấy của các nhà thuyết phục giỏi, câu trả lời thật thú vị. Một vài đặc điểm là hiển nhiên, trong khi những đặc điểm khác có thể khiến bạn bất ngờ:

Danh sách này thật tuyệt. Bất kỳ ai cũng đều muốn sở hữu những tài năng hay đặc điểm này. Nhưng hầu hết các nhà thuyết phục giỏi đều không sở hữu tất cả các tài năng và đặc điểm đó. Những thứ mà khách hàng nghĩ sẽ tạo nên một nhà thuyết phục giỏi có thể rất xa so với thực tế. Vậy những tài năng hay đặc điểm nào mà các nhà thuyết phục giỏi sở hữu?

Rất nhiều người có những dự định tuyệt vời, họ làm việc chăm chỉ, nhưng tất cả năng lượng và nỗ lực đó sẽ không đến đúng nơi cần đến. Những chuyện khác thực sự không phải là vấn đề nếu bạn không có tư duy, khả năng thuyết phục hay kỹ năng con người thích hợp. Nghiên cứu của giáo sư tâm lý học K.A. Ericsson chỉ ra rằng không có mối tương quan nào giữa khả năng thuyết phục (khả năng thực hiện) và trí thông minh của bạn. Tại sao phần lớn chúng ta lại không có khả năng thuyết phục? Với hầu hết mọi người, khả năng thuyết phục không phải là bẩm sinh. Đó là kỹ năng do học tập mà có. Đáng tiếc là rất nhiều trường đại học danh tiếng không dạy những kỹ năng thuyết phục, kinh doanh hay các mối quan hệ, do vậy mà khó có thể chuyển sang một nền giáo dục điển hình giúp củng cố những kỹ năng kinh doanh cơ bản nhất, thậm chí là trong một chương trình kinh doanh!

Các bài viết trên tờ Wall Street Journal đã chỉ ra tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng kinh doanh và kỹ năng thuyết phục trong chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Làm thế nào bạn có thể sẵn sàng cho thành công trong cuộc sống và công việc khi không được đào tạo những kỹ năng cơ bản này? Kỹ năng bán hàng, tiếp thị, thực hiện các vụ mua bán, diễn đạt rõ ràng quan điểm, hiểu được hành vi ứng xử của khách hàng, thuyết trình, gây ảnh hưởng tới mọi người, có được khách hàng, tăng lương là tấm vé dẫn tới thành công. Nếu giỏi thuyết phục, bạn có thể tự tạo ra tấm vé cho chính mình.

Do đó, nếu bạn đang có dự định dành thời gian, năng lượng và nỗ lực vào việc rèn luyện các kỹ năng, trước hết, hãy tập trung vào những kỹ năng sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh nhất – kỹ năng thuyết phục. Nếu chăm chỉ luyện tập kỹ năng thuyết phục thì tài năng và khả năng tự nhiên của bạn sẽ nổi trội hơn. Khả năng thuyết phục sẽ giúp bạn có nhiều bạn bè, nhiều lựa chọn, vui vẻ hơn trong công việc. Trong buổi hội thảo về khả năng thuyết phục, tôi đã hỏi các nhà thuyết phục và các doanh nhân liệu họ có muốn nhân đôi thu nhập của mình không. Đương nhiên, câu trả lời luôn là có. Sau đó, họ nhanh chóng nhận ra rằng cách duy nhất để nhân đôi thu nhập của mình là nhân đôi nỗ lực, hoặc nhân đôi khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng. 

Tại sao hầu hết các nhà thuyết phục không bắt kịp với thời đại? Tại sao có quá nhiều người vẫn đang dùng những công cụ cũ kỹ mà lẽ ra phải bị bỏ xó từ lâu? Bạn có là một trong số đó không? Khi gặp gỡ đối tác, khách hàng triển vọng hay nhân viên, bạn có phải là một khách mời không? Hay là một kẻ thù? Một người gây phiền toái? Một người tiếp thị sản phẩm? Một người dễ dụ dỗ? Bạn được chào đón hay bạn đang gây phiền toái? Thử nghĩ lại xem. Đa số mọi người nghĩ mình là vị khách được chào đón, nhưng thực tế và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể bạn giống một người gây phiền toái hơn. Nhưng họ không bao giờ nói cho bạn biết. Thời thế đã thay đổi và chúng ta không còn khả năng lôi kéo mọi người mua sản phẩm hoặc dịch vụ nữa. Chúng ta cần phải giúp khách hàng thuyết phục chính bản thân họ. Để trở thành một nhà thuyết phục thành công, bạn phải có khả năng hướng khán giả theo cách nghĩ của bạn.

Chúng ta đã nhìn thấy những nhà thuyết phục giỏi hành động. Chúng ta cũng từng gặp những chuyên gia thuyết phục, những người tự động thu hút được mọi người đến với họ. Bất cứ nơi đâu họ đến, mọi người ở đó đều bị thu hút và ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng và tính cách năng động của họ. Mọi người tự nhiên mong muốn được họ thuyết phục. Hầu hết trong số đó đều đeo tấm phù hiệu vô hình có dòng chữ: “Hãy thuyết phục tôi! Hãy giúp tôi đưa ra quyết định đúng đắn!” Họ đang nghĩ: “Có quá nhiều thông tin. Tôi cần ai đó tin cậy có thể hướng dẫn tôi đưa ra quyết định đúng đắn.”

Những nhà thuyết phục bậc thầy này học các thói quen, đặc điểm nổi bật và kỹ năng đó ở đâu để trở thành người đứng đầu? Những khả năng đó có thể đạt được nhờ thẩm thấu không? Những phẩm chất đó có ăn sâu vào các nhà thuyết phục không? Có thể học được những kỹ năng đó không? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó là “Có”.

Làm thế nào bạn (1) khám phá các kỹ năng cần thiết để trở thành người có khả năng thuyết phục, (2) thể hiện những kỹ năng đó để chúng trở thành một phần hết sức tự nhiên trong con người bạn, và (3) tạo nên thành công đáng kể? Bạn hãy thực hiện bài kiểm tra Chỉ số Thuyết phục trong phần phụ lục để biết kết quả.

Khi có kết quả về chỉ số thuyết phục rồi, bạn sẽ hiểu rõ về khởi điểm của mình, biết các bước tiếp theo và tiến bộ nhanh hơn. Việc đánh giá chỉ số thuyết phục dựa trên các nghiên cứu do Học viện Thuyết phục tiến hành. Chúng tôi đã thu thập và phân tích thông tin trên khắp thế giới về việc tại sao khả năng thuyết phục đem lại hiệu quả và nó đem lại hiệu quả như thế nào. Bài đánh giá chỉ số thuyết phục sẽ giúp bạn khám phá từng điểm và từng bước những điều bạn cần để biến mình trở thành một chuyên gia thuyết phục tài giỏi. Bạn xếp ở vị trí nào, điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?

Nếu không chuyển hướng, chúng ta dường như sẽ kết thúc ở chính nơi bắt đầu.

— NGẠN NGỮ TRUNG QUỐC —

Trong cuốn sách này, tôi sẽ dùng thuật ngữ “thuyết phục” và “ảnh hưởng” để đề cập đến những hình thức thuyết phục. Tôi cũng sẽ lựa chọn sử dụng từ sản phẩm hoặc dịch vụ để nói về chủ đề của người thuyết phục, luôn ghi nhớ rằng thuyết phục áp dụng trong nhiều tình huống khác ngoài lĩnh vực kinh doanh. Thay vì dùng khách hàng tiềm năng, khách hàng, đối tác, người mua hàng hay người tiêu thụ, tôi sẽ thường xuyên dùng từ “khán giả”.

“Chiếc máy tính này yêu cầu tôi nâng cấp bộ não của mình để tương thích với phần mềm mới của nó.”

Tôi sẽ không quan tâm tới việc phải chính xác, khéo léo hay lịch thiệp. Tôi sẽ không tô vẽ sự thật. Công việc của tôi là đưa cuộc sống, nghề nghiệp và thu nhập của bạn lên một mức mới bằng cách hướng dẫn bạn những kỹ năng thuyết phục và gây ảnh hưởng đầy sức mạnh. Tôi sẽ nói thẳng. Tôi sẽ nói sự thật, ngay cả khi nó khiến bạn đau đầu! Đã đến lúc phải vượt qua mọi thói quen cũ. Tôi biết các bạn đã nghe về việc có được những kỹ năng kết thúc và tìm kiếm những mối quan tâm chung. Tôi biết các bạn đã được dạy phải bán lợi ích chứ không phải các đặc trưng hay trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác để đối phó với sự phản đối, hay tạo ra mối quan tâm bằng WIIFM . Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng thuyết phục cơ bản thì không điều gì trong số những lời chỉ dẫn và mánh khóe trên có ý nghĩa. 

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra chỉ số thuyết phục, bạn sẽ biết những yếu tố cần thiết để trở thành một nhà thuyết phục tài giỏi. Thành thạo khả năng thuyết phục và khả năng gây ảnh hưởng là một bài kiểm tra mở. Bạn còn nhớ những bài kiểm tra theo hình thức đó khi còn đi học không? Đó là loại hình kiểm tra mà tôi thích, bởi vì tất cả câu trả lời đều ở ngay trước mắt. Tôi áp dụng tương tự lý thuyết mở đó trong cuốn sách này. Nhờ đó, bạn có thể nâng cao chỉ số thuyết phục của mình. Khi trau dồi những kỹ năng và đặc điểm này, bạn sẽ gặt hái được kết quả đáng kể trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Hãy tiến hành ngay thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.