IQ Trong Nghệ Thuật Thuyết Phục

3. KỸ NĂNG THUYẾT PHỤC THỨ NHẤT



Lập trình trí tuệ của những nhà thuyết phục hàng đầu

Những nhà thuyết phục giỏi chuẩn bị tâm trí cho thành công của họ như thế nào? Quá trình phát triển trí tuệ của họ trước, trong và sau thuyết phục ra sao? Khía cạnh trí tuệ này là một trong những yếu tố quan trọng nhất (và thường không được quan tâm) của thành công.

Hầu hết mọi người đều muốn đạt được ước mơ của mình, trở thành một người tốt hơn và theo đuổi những mục tiêu lớn hơn. Chúng ta thường biết chính xác điều mình cần phải làm để mọi chuyện có thể diễn ra. Nhưng tại sao chúng ta lại không làm những việc đó? Tại sao chúng ta lại trượt khỏi những giấc mơ và khát vọng?

Việc viết ra những mục đích đi liền với khát khao mạnh mẽ muốn đạt được chúng sẽ không mang lại thành công nếu bạn không coi điều này là cần thiết. Chúng ta sẽ không đạt được thành công nếu không nghĩ tới nó trước tiên. Chúng ta nhận được quá nhiều thông điệp đến nỗi chúng dễ dàng trở nên không phù hợp. Chúng ta che đậy những thông điệp theo hướng “tích cực” bằng cách nói: “Vâng, vâng, vâng, trước kia tôi đã nghe điều đó rồi. Bây giờ hãy đến với đồ ăn thôi.”

Trong chương này, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về thái độ tích cực – tôi gọi đó là “lập trình trí tuệ”. Việc luyện tập trí não hay tự thuyết phục là điều đem lại cho những nhà thuyết phục giỏi lợi thế tâm lý. Sự thật là “bạn chỉ đạt được điều đó khi trí não tin tưởng”. Bằng việc “lập trình” trí não, chúng ta sẽ quyết định được tương lai của mình. Hãy nghĩ về những mục tiêu cao nhất hay những khát vọng lớn nhất của bạn. Bạn có thực sự tin rằng mình có thể đạt được chúng không? Nếu không thể hình dung ra được thành công của mình, bạn sẽ không có cơ hội trải nghiệm điều đó trong cuộc sống thực. Chúng ta luôn suy nghĩ và tạo ra thông tin, suy nghĩ đó sẽ đưa chúng ta tới gần mục tiêu hơn. 

Những nhà thuyết phục giỏi phải quên đi những sai lầm trong quá khứ và tập trung vào tương lai đầy triển vọng. Tất cả chúng ta đều cố che giấu những sai lầm và thiếu sót, nhưng bạn chỉ có thể chôn vùi một thời gian trước khi chúng quay trở lại ám ảnh bạn. Hãy xác định tình cảm của bạn và vị trí của chúng, học cách giải quyết tình cảm, suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Đừng chôn vùi mà hãy hiểu, làm chủ và điều chỉnh chúng.

Bước đầu tiên trong việc điều chỉnh “thiết lập” trí tuệ là có cái nhìn trung thực vào vị trí hiện tại của bạn. Cụ thể là, chúng ta không dành tâm trí cho những chủ đề bản thân không cảm thấy thoải mái. Việc thoát khỏi chúng sẽ giống như lần đầu tiên bạn làm bài tập trong nhiều năm. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy khó chịu và đau đớn nhưng cuối cùng sẽ cảm thấy tốt hơn khi giải quyết được các vấn đề. 

Tôi nghĩ ra hai công thức chứng minh tầm quan trọng của việc thiết lập trí tuệ hay lập trình trí tuệ. Nếu những suy nghĩ của bạn được thiết lập trong vòng kiểm soát – hoặc mang tính tiêu cực hoặc chỉ là trung lập – thì việc đào tạo sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Khi nhân bất kỳ số nào với số 0, bạn sẽ có kết quả gì? Là “0”. Những công cụ, kinh nghiệm và việc rèn luyện sẽ không mang lại hiệu quả nếu tâm trí bạn được thiết lập từ số không hay thậm chí dưới mức không.

Công thức thành công:

(Công cụ + Rèn luyện + Kinh nghiệm) x Trí tuệ = Thành công/Giàu có

(100 + 100 + 100) x 0 = 0 (Thất bại)

Đây là lối suy nghĩ khác về thiết lập trí tuệ trong những thuật ngữ về “lập trình”. Bạn có thể mua một chiếc máy tính tuyệt vời. Nó có thể là loại hàng đầu với bộ chip xử lý nhanh nhất hiện có. Giả sử bạn có chiếc máy tính đời mới, bàn phím hiện đại, chuột không dây, màn hình phẳng 32 inch với hệ thống loa tích hợp. Bạn có một chiếc bàn hoàn hảo để đặt máy tính và đã sẵn sàng làm việc. Nhưng nếu không có phần mềm phù hợp, tất cả những chi tiết tuyệt vời bên ngoài đó sẽ giảm giá trị. 

LẬP TRÌNH TRÍ TUỆ HIỆU QUẢ LÀ NỀN TẢNG CỦA BẠN

Bất kỳ khi nào xem xét dạng thức cơ bản và cuối cùng của một dự án chính, chúng ta phải nắm vững các bước cần thiết để có thể hiểu được nó. Trở thành một nhà thuyết phục thành thạo cũng không có gì khác biệt. Hãy đảm bảo lập trình trí tuệ của bạn được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. 

THỜI ĐIỂM ĐỂ MƠ ƯỚC ĐIỀU LỚN LAO

Những ước mơ hoang dại nhất của bạn là gì – những mơ ước thú vị nhưng dường như lại không có thực? Những mơ ước lớn lao có tốt không? Tôi thích điều ma Henry David Thoreau  từng nói: “Nếu bạn xây những lâu đài trong không khí, công việc của bạn chắc chắn sẽ thất bại; đó là nơi chúng không thuộc về. Hãy đặt nền móng vững chắc từ bên dưới.” Thực ra, chúng ta nên mơ những giấc mơ lớn lao. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ; chúng sẽ giúp bạn có động cơ và cảm thấy hào hứng về tương lai. Công việc của bạn là đặt nền tảng vững chắc cho những giấc mơ và biến chúng thành hiện thực.

Tất cả mọi ước mơ của chúng ta đều có thể trở thành hiện thực – nếu chúng ta có can đảm để theo đuổi.

— WALT DISNEY  —

Nền tảng vững chắc của bạn là khía cạnh trí tuệ trong trò chơi thuyết phục. Đó là kỹ năng cần thiết của những nhà thuyết phục thành công, và nó cũng đem lại hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực. Bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu và ước mơ của mình cho đến khi tin rằng bạn có khả năng đạt được chúng. 

Không may thay, bất kể mục tiêu của bạn cao đến đâu, mọi người có xu hướng đưa bạn xuống thấp. Khi bạn nói với mọi người về ước mơ của mình, tiết lộ với họ điều bạn muốn đạt được trong cuộc sống, họ có khuynh hướng không tán thành. Bằng việc lập trình trí tuệ đúng đắn, bạn biết nơi mình sẽ đi và điều muốn thực hiện. Và bất kỳ điều gì tiêu cực hay xúc phạm mà người khác nói sẽ không còn là vấn đề. Họ sẽ không thể chà đạp lên những ước mơ của bạn cho dù họ có cố gắng như thế nào. 

Bạn sử dụng lập trình trí não hiệu quả ra sao? Bước đầu tiên là chuyển những năng lượng cảm xúc thành những mong muốn cụ thể. Bạn không có khả năng tiến xa được nếu không có khát vọng ngay từ đầu. Việc nắm bắt những thứ gần trái tim bạn nhất sẽ giải phóng nguồn năng lượng, trí tưởng tượng và tiềm năng lớn nhất của bạn. Ước muốn đang bùng cháy này sẽ cho phép bạn chuyển hóa khả năng bình thường thành thành công đáng kinh ngạc, vượt xa những gì bạn nghĩ.

Sau khi có một ước muốn cụ thể, hãy nung nấu nó trong tiềm thức của bạn một thời gian. Nhiều nhà thuyết phục giỏi tiếp tục “lập trình” ngay trước khi họ chìm vào giấc ngủ. Khi tâm trí nhận thức của bạn ngừng làm việc, tâm trí vô thức sẽ bắt đầu hoạt động. Bạn có thể tận dụng sự chuyển hóa này để chuyển những suy nghĩ và ước muốn của mình sang tâm trí vô thức. Khi chưa chìm vào giấc ngủ, bạn hãy cố gắng tập trung vào những cảm xúc đem lại thành công cho mình. Hãy tưởng tượng một cách sinh động những sự kiện, con người và mà sẽ đưa bạn tới điều bạn muốn. Tâm trí vô thức không thể phân biệt điều gì là thực từ những thứ trong tưởng tượng. Nó sẽ chấp nhận cả những gợi ý tích cực lẫn tiêu cực đã được đặt ra, đặc biệt nếu những gợi ý đó được những cảm xúc, tình cảm và những chi tiết sinh động bổ trợ và củng cố. Bạn có thể lập trình trí tuệ của mình bằng cách tin vào những điều chắc chắn có thể xảy ra. Khi tâm trí bạn chấp nhận những thắng lợi thì bạn đã đi được nửa đường. Bạn sẽ suy nghĩ, nói năng và cư xử theo cách tích cực và hiệu quả hơn. 

Hãy hiểu rằng tâm trí nhận thức và vô thức phải phù hợp. Tâm trí vô thức sẽ chấp nhận điều bạn cảm thấy là đúng. Tâm trí vô thức là thực. Bởi vậy, nó là thứ gì đó bạn cần phải lập trình. Bạn cần nhìn vào một lập trình nào đó trong quá khứ của mình và xem liệu nó có đang ảnh hưởng tới thành công tương lai của bạn không. Hãy hiểu rằng khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong tâm trí bạn, chúng sẽ ảnh hưởng tới tương lai và điều bạn thực hiện. Bạn hãy thay đổi những suy nghĩ đó phù hợp với ước mơ và mục tiêu của mình theo hướng tích cực. Vậy những nhà thuyết phục giỏi sẽ làm gì để có một nền tảng thành công vững chắc?

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ NHẤT: ĐỊNH HƯỚNG SUY NGHĨ

Nhiều lần tôi đã đề cập tới sự cần thiết của lập trình trí tuệ tích cực và bạn phải thực hiện những bước đầu tiên để sử dụng thứ công cụ đầy sức mạnh này. Những nhà thuyết phục giỏi có thể kiểm soát vận mệnh của mình bằng cách định hướng và điều chỉnh suy nghĩ. Hành động của chúng ta được cảm xúc định hướng, và cảm xúc được suy nghĩ định hướng, vì vậy chúng ta phải đặt suy nghĩ đúng hướng. Suy nghĩ quyết định mọi thứ! Bạn luôn nhắc nhở bản thân về hiện thực đầy sức mạnh này bằng cách luôn giữ trong đầu 3 chữ cái SCH:

Suy nghĩ  Cảm xúc  Hành động

Hãy có cái nhìn trung thực vào cuộc sống của bạn ngay lúc này. Bạn đang ở đâu? Vị trí đó chính là kết quả cuối cùng của mọi suy nghĩ của bạn trong suốt cuộc đời. Những suy nghĩ của bạn sẽ đưa bạn đi xa tới đâu trong ngày mai, tuần tới hoặc năm tới? Một điều hết sức tự nhiên là những suy nghĩ tiêu cực sẽ tràn vào tâm trí bạn theo thời gian. Ngay khi chúng lẻn được vào, hãy tống cổ chúng ra ngay lập tức. Đừng nuôi dưỡng chúng. Chúng sẽ hủy diệt chúng ta. Một số người dùng dây cao su quất vào cổ tay mỗi khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu, bởi nỗi đau và biện pháp đó sẽ sửa chữa suy nghĩ tiêu cực của họ một cách nhanh chóng. 

Con người là những gì anh ta suy nghĩ.

— RALPH WALDO EMERSON —

Suy nghĩ là thứ lập trình nên tâm trí vô thức của bạn. Tâm trí vô thức là trung tâm tất cả mọi cảm xúc của bạn. Khi tâm trí vô thức chấp nhận một ý kiến, nó sẽ bắt đầu hành động theo ý kiến đó. Tiếp theo, tâm trí vô thức sẽ dùng những hiểu biết, năng lượng và trí thông minh của bạn để tìm ra giải pháp. Bây giờ, chuyện đó có thể xảy ra trong chốc lát, hoặc cũng có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần, hoặc thậm chí lâu hơn thế. Tuy nhiên, tâm trí của bạn sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra giải pháp. Khi lập trình trí não của mình, bạn phải tự hỏi: “Tôi có lập trình những giải pháp tiêu cực trong đầu không?” Nếu câu trả lời là không, thì có nghĩa là bạn đang rất ổn rồi. Nếu tiếng nói bên trong cho biết rằng bạn không thể làm được việc đó, thì bạn cần thay đổi suy nghĩ, vặn nhỏ âm lượng hoặc cường độ của giọng nói tiêu cực đó xuống. Sau đó bạn có thể thay đổi thành, “tôi có thể làm nó,” “tôi sẽ chiến thắng, “ và “có rất nhiều điều dành cho mọi người.” Việc thay đổi nhận thức bên trong sẽ tạo nên sự khác biệt. Cuối cùng thì bạn là chính những gì bạn suy nghĩ, và có sức mạnh để lựa chọn điều thích hợp. Không ai có thể làm điều đó thay bạn. Những nhà thuyết phục giỏi sẽ tiếp tục luyện tập trí não hàng ngày, trong khi những nhà thuyết phục trung bình nghĩ họ sẽ lắng nghe mọi chuyện trước và sẽ làm tốt.

Khi lập trình trí não, những ý kiến mới đem lại cảm hứng sẽ xuất hiện một cách bản năng. Hãy đặt ra cho mình những mục tiêu và mục đích cụ thể để đặt suy nghĩ của bạn vào trung tâm, giúp nuôi dưỡng và tăng cường sức mạnh bên trong. Tôi thích điều Napoleon Hill nói:

Mỗi người là những gì mình thể hiện, thông qua chính những suy nghĩ đang ngự trị trong đầu. Những suy nghĩ mà một người thận trọng đặt vào đầu, được khích lệ bằng sự cảm thông và những cảm xúc lẫn lộn sẽ tạo thành động lực thúc đẩy, định hướng và kiểm soát mỗi hành động của anh ta.

Bạn hãy tự đặt ra những câu hỏi sau: Suy nghĩ chủ đạo của tôi là gì? Những suy nghĩ cụ thể mà tôi nên thận trọng đặt vào tâm trí là gì? Những suy nghĩ nào đang phá hoại thành công của tôi? Tôi có thể thúc đẩy hành động từ những suy nghĩ này như thế nào? Nhận thức, lý trí và những cảm xúc của tôi bổ sung và tăng cường lẫn nhau như thế nào?

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ HAI: ĐỒNG BỘ HÓA NIỀM TIN

Niềm tin và hệ thống niềm tin liên quan tới việc định hướng suy nghĩ của chúng ta. Tương tự những chiếc máy bay có hệ thống chỉ dẫn để định hướng, chúng ta cũng có hệ thống chỉ dẫn và hình thành nên điều mình suy nghĩ, hành động và tin tưởng. 

Điều mà đa số mọi người không nhận ra là cùng một lúc chúng ta bắt được tín hiệu của rất nhiều hệ thống hướng dẫn. Chúng ta trân trọng lời khuyên của bố mẹ, vợ/chồng và bạn bè thân thiết, lưu ý tới những quy tắc của cộng đồng, xã hội và tín ngưỡng. Quá nhiều ảnh hưởng sẽ tạo nên sự xung đột, chúng ta phải ưu tiên người nào hoặc điều gì có thể ra lệnh cho hệ thống niềm tin của mình. Nếu không thể đồng bộ hóa những ảnh hưởng này, chúng ta sẽ để lỡ những mục tiêu.

Dưới đây là những yếu tố hữu ích để xác định những niềm tin chủ đạo hình thành nên cuộc sống của bạn và hãy xác định xem có niềm tin nào trong số đó xung đột với nhau không. Hãy xem xét những xung đột về mối quan tâm có khả năng xảy ra dưới đây:

Sau khi xác định những niềm tin hình thành nên cuộc sống của mình, bạn cần quyết định niềm tin nào thể hiện con người thực sự của bạn và niềm tin nào bạn có được nhờ hiểu biết về văn hóa xã hội. Theo nghiên cứu, rất nhiều thứ chúng ta tin tưởng không liên quan gì tới phát hiện của chúng ta mà đến từ những điều chúng ta học được ở nhà, ở trường, hoặc nơi làm việc hay những điều phù hợp trong xã hội. Để có thể thay đổi, phát triển và thành công, mỗi người cần nhận thức được những quy tắc mà chúng ta tạo ra cho bản thân. Chúng đang phục vụ hay phá hủy bạn? Đã đến lúc bạn giành lấy quyền sở hữu niềm tin của mình.

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ BA: ĐỐI MẶT VỚI NỖI SỢ HÃI

Việc sẵn sàng đối mặt với những nỗi sợ hãi của bạn là điều thiết yếu để lập trình trí tuệ. Những nhà thuyết phục giỏi làm chủ được nỗi sợ hãi của họ. Trực tiếp đương đầu với nỗi sợ hãi sẽ tốt hơn rất nhiều, hãy coi điều chúng ta sợ nhất không tồi tệ như chúng ta nghĩ. Một đứa trẻ sơ sinh không sợ điều gì hết còn một đứa bé chỉ có hai nỗi sợ hãi: sợ bị ngã và sợ tiếng ồn lớn. Tất cả những nỗi sợ khác đều do học được. Và nếu chúng ta có thể học nỗi sợ hãi, chúng ta cũng có thể từ chối không học chúng.

Bạn từ chối học nỗi sợ hãi bằng cách nào? Bạn phải đối mặt với nó. Đúng vậy – hãy tự đặt mình vào tình huống phải đối mặt với nỗi sợ hãi và không có lối thoát. Bất kỳ một kỹ năng mới nào xuất hiện cũng đều thông qua thực hành. Không có cách nào khác. Giả sử bạn rất sợ phải nói trước đám đông, nhưng nếu muốn trở thành một nhà diễn thuyết giỏi, bạn sẽ phải thực hành nhiều lần. Nhà hài kịch Jerry Seinfeld từng nói đùa về việc mọi người sợ nói trước đám đông hơn cả việc phải chết. Sự thật là, một khi chúng ta đã tiến lên và trực tiếp đối mặt với nỗi sợ hãi, thì nỗi sợ hãi không tồi tệ quá mức như vậy. Hầu hết những nỗi sợ hãi của chúng ta là do cường điệu hóa mối nghi ngờ hoặc không dựa trên thực tế. 

Rất gần với nỗi sợ hãi là sự lo lắng. Lo lắng gây lãng phí năng lượng, làm bạn xao lãng những mục tiêu, bẻ gãy động cơ và kìm hãm bạn. Nghiên cứu cho thấy có tới 92% nỗi lo lắng mà chúng ta không bao giờ có thể vượt qua hoặc không thể thay đổi. Tại sao lại phải hao tốn thời gian và năng lượng vào thứ mà chúng ta ít có khả năng phải đối mặt nhất? Việc đối mặt với thực tế ngay trước mắt bạn sẽ tốt hơn nhiều so với việc đối mặt với những trở ngại tưởng tượng trong đầu.

Cuối cùng, ngay cả khi có những kinh nghiệm đau đớn trong quá khứ, tương lai của bạn vẫn rộng mở. Bạn cần rút ra những kiến thức và kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Việc lập trình trí tuệ cẩn thận và hiệu quả là điều cần thiết nhất đối với bạn. Khi lập trình trí não theo những mục tiêu thực sự của mình, bạn phải học cách tin tưởng. Hãy tin rằng mọi thứ sẽ đi đúng hướng và theo sau là những hành động tốt nhất. 

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ TƯ: TRÍ TƯỞNG TƯỢNG PHONG PHÚ, NHIỀU MÀU SẮC

Tôi không thể nói đủ về điều này: Tâm trí vô thức không thể phân biệt sự thật và điều tưởng tượng. Nói một cách thực tế, tương lai của bạn được báo trước bởi khả năng hình dung của bạn. Bạn tưởng tượng tương lai của mình càng sinh động và chi tiết thì thực tế càng có khả năng xảy ra. Nếu thành công đã tồn tại trong tâm trí, bạn đã đạt được mục đích của mình về mặt tinh thần. Sau đó, tâm trí vô thức của bạn sẽ làm việc để biến bản kế hoạch tinh thần thành thực tế. 

Một lý do khác để trí tưởng tượng phong phú trở thành yếu tố chính, đó là tâm trí của chúng ta không phải là một nguồn có hạn và sẽ cạn kiệt. Nó không giống như ổ cứng hoặc thiết bị lưu trữ của máy tính. Chúng ta có thời gian, năng lượng và khoản tiền giới hạn, nhưng khả năng tưởng tượng của chúng ta thì không bị giới hạn. Và những nhà thuyết phục giỏi biết rằng bạn có thể lập trình suy nghĩ của mình. Chúng ta dự tính thời gian tốt hơn bởi niềm đam mê với những gì mình đang làm. Chúng ta tìm ra nguồn năng lượng dự trữ lớn hơn bởi một chương trình phù hợp sẽ tiếp thêm năng lượng và sức sống cho chúng ta. Nguồn tài chính cũng rộng mở hơn bởi chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn. Cựu vận động viên quyền anh nổi tiếng Muhammad Ali từng nói: “Con người không có trí tưởng tượng sẽ không có đôi cánh bay lên.” Trí tưởng tượng phong phú và sinh động sẽ ban cho bạn đôi cánh để bay vút lên, vượt qua bất kỳ chướng ngại vật nào. 

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ NĂM: TÌM RA MỤC ĐÍCH CỦA BẠN

Tôi luôn có niềm tin vững chắc rằng tất cả chúng ta đều có sự vĩ đại trong con người mình. Tôi tin rằng mỗi người đều có những cuốn sách chưa được viết ra, những công việc kinh doanh chưa được bắt đầu, những ý tưởng thông minh, những phát minh vĩ đại, những kế hoạch từ thiện và những nguồn năng lượng chưa được khai thác. Nhưng đôi khi chúng ta không biết chính xác mục đích của mình là gì. Chúng ta có thể hoàn thành rất nhiều vai trò – vợ hoặc chồng, cha hoặc mẹ, thành viên hội đồng nhà trường, huấn luyện viên, người làm công hay nhà tư vấn xã hội. Làm sao chúng ta biết được những vai trò nào sẽ đem lại cho mình sự hài lòng và niềm vui lớn nhất? Hầu hết mọi người đều nhất trí rằng việc đầu tư vào tình thương yêu và hoàn thành trách nhiệm với gia đình và bạn bè là quan trọng nhất. Tuy nhiên, ngoài nền tảng cơ bản này thì bạn sống vì điều gì? Mục đích và niềm đam mê trong cuộc sống của bạn là gì? Sở thích, thói quen và tài năng của bạn là gì? Sứ mệnh trong cuộc sống của bạn là gì?

Hãy dám mơ ước điều lớn lao. Sống có mục đích để việc thức dậy mỗi buổi sáng trở nên thật dễ chịu. Hãy hiểu rằng bạn sẽ trở thành người bạn muốn và có được thứ bạn mơ ước. Đừng tạo nên một cuộc sống vô nghĩa hay một mục đích kém thú vị. Những nhà thuyết phục giỏi đã tìm ra mục đích của mình và đang sử dụng nó một cách hiệu quả. 

1. Bạn đã 95 tuổi và sống một cuộc sống tuyệt vời. Bạn đạt được tất cả mọi điều mình muốn. Bạn sẽ được mọi người nhớ tới như thế nào?

      Câu hỏi mục đích 1: Những lời ca ngợi của bạn là gì? Hãy dành thời gian để viết ra lời khen của bạn.

2. Hãy tưởng tượng bạn tìm thấy một cây đèn trên bãi biển hoang vắng. Bạn xoa vào nó, một vị thần xuất hiện, và cho bạn một điều ước. Nhưng với điều kiện, điều ước của bạn sẽ phải cải thiện được thế giới. Bạn làm thế nào để thế giới trở nên tốt đẹp hơn?

      Câu hỏi mục đích 2: Điều ước duy nhất của bạn là gi? Bạn sẽ làm gì để thế giới trở nên tốt đẹp hơn?

3. Có rất nhiều điều bạn muốn thử trong cuộc sống. Tuy nhiên, nỗi sợ thất bại và những lời chỉ trích đang ngăn cản bạn. Những câu hỏi ám ảnh như: “Mọi chuyện sẽ như thế nào nếu bạn thất bại?” và “Người khác sẽ nghĩ gì?” luôn cản trở bạn trên bước đường của mình.

      Câu hỏi mục đích 3: Nếu bạn biết mình sẽ thành công – nếu bạn biết mình sẽ không thất bại – bạn sẽ làm gì nếu được đảm bảo thành công?

4. Bạn nhận được cuộc điện thoại từ một luật sư, thông báo rằng một người chú đã mất từ lâu của bạn để lại cho bạn 10 triệu đô-la. Bạn sẽ không phải làm việc thêm một ngày nào nữa trong suốt cuộc đời. Bạn sẽ làm gì với thời gian của mình? Bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình?

Câu hỏi mục đích 4: Bạn sẽ làm gì với khoản tài chính mới và thời gian rảnh rỗi của mình?

 Hãy suy ngẫm những câu hỏi trong bài tập trên một cách nghiêm túc. Chúng có xu hướng khích lệ suy nghĩ và những ý kiến mới để tìm ra chính xác mục đích của bạn. Bạn có thể có câu trả lời ngay lập tức hoặc cũng có thể mất vài ngày, vài tuần hay thậm chí vài tháng. Hãy suy nghĩ thật kỹ, bám lấy chúng và cuối cùng câu trả lời sẽ xuất hiện.

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ SÁU: LÒNG TỰ TRỌNG

Những nhà thuyết phục giỏi có lòng tự trọng đúng mực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng tự trọng có ảnh hưởng lớn tới thành công, khả năng thuyết phục, lãnh đạo và gây ảnh hưởng của bạn. Khi lòng tự trọng không đúng mực, sẽ xuất hiện mối băn khoăn, sự lo lắng và sợ hãi trong bạn. Tính tự cao tự đại bộc lộ lòng tự trọng thấp. Khi một người thể hiện thái độ đó ra bên ngoài, họ sẽ không thể thuyết phục được người khác rằng mình là những người mạnh mẽ và quan trọng nhất. Sự thật là khi có lòng tự trọng đúng mực, chúng ta không cần chứng tỏ giá trị của mình với bất kỳ người nào. Giá trị là bẩm sinh và không liên quan gì tới những thành công và học thức bên ngoài.

Vậy còn lòng tự trọng thấp thì sao? Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng có tới 85% người Mỹ xếp bản thân từ mức tốt tới tuyệt vời − con số thống kê minh chứng rõ ràng cho Hiệu ứng Wobegon. Sự thật là tất cả chúng ta đều có lòng tự trọng thấp ở một số khía cạnh trong cuộc sống. Chúng ta thường có những so sánh phi logic, ví như việc so sánh những điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác.

Chúng ta không so sánh mà tìm kiếm thứ không phù hợp ở người khác để cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Một nghiên cứu cho thấy phần lớn những người có lòng tự trọng thấp thường không nhận thấy bản thân họ là những người thua cuộc thiếu năng lực. Thay vào đó, họ thường đánh giá bản thân một cách trung lập hơn là theo hướng tích cực hay tiêu cực.

Lòng tự trọng ảnh hưởng tới khả năng thuyết phục như thế nào? Lòng tự trọng cũng giống như tấm gương phản chiếu những điều đang diễn ra bên trong. Nếu gặp khó khăn trong việc duy trì mức độ cân bằng và phù hợp của lòng tự trọng, bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục người khác. Bạn phải thuyết phục bản thân trước tiên! Chỉ khi thực sự hạnh phúc và thoải mái với bản thân thì bạn mới có khả năng gây ảnh hưởng tới người khác. 

Làm thế nào để thúc đẩy lòng tự trọng và dừng việc tự đánh giá mình quá cao? Lời khuyên tốt nhất tôi đưa ra cho bạn là hãy cẩn thận với lời nói của mình và dừng việc so sánh mình với người khác lại. Bạn quyết định các vấn đề và chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình. Bạn cũng quyết định sẽ trở thành một người như thế nào.

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ BẢY: NHỮNG THÓI QUEN LÀNH MẠNH

Cuộc sống là sự tích lũy tất cả mọi thói quen của bạn. Khả năng trở thành nhà thuyết phục giỏi liên quan tới những thói quen và lựa chọn của bạn. Chúng ta hãy xem xét một vài tình huống thông thường trong đời sống. Chúng ta tăng cân theo thời gian, nhưng sau đó lại muốn giảm cân chỉ trong vài ngày. Tương tự, chúng ta mất nhiều năm nợ nần nhưng lại muốn độc lập về tài chính chỉ qua một đêm. Chúng ta quyết định tham gia cuộc thi nhưng chỉ có một giờ đồng hồ để ôn luyện. Chúng ta bắt đầu nghĩ về việc nghỉ hưu khi còn năm năm nữa mới tới tuổi. Có rất nhiều điều trong cuộc sống mà chúng ta muốn đạt được chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhất và bằng nỗ lực ít nhất, nhưng thành công hiếm khi diễn ra theo cách đó. Thành công là cả một quá trình, không phải trong khoảnh khắc nhanh chóng. Quá trình phải trải qua từng bước và có nền tảng vững chắc.

Một ngày băng giá không thể tạo nên lớp băng dày 1 mét.

— NGẠN NGỮ TRUNG QUỐC —

Hãy ghi nhớ điều quan trọng của những nhà thuyết phục giỏi: Thay vì từ bỏ tất cả thói quen xấu của bạn ngay lập tức, hãy cố gắng thay thế mỗi thói quen xấu đó bằng một thói quen khác. Hãy lựa chọn những hoạt động khác thú vị và hiệu quả hơn. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

• Những thói quen của bạn sẽ đưa bạn tới đâu?

• Những thói quen nào đang cản trở bạn?

• (Hãy chọn một thói quen xấu.) Bạn đã phải đấu tranh với thói quen này trong bao lâu?

• Tại sao bạn lại bắt đầu thói quen này?

• Hậu quả lâu dài của thói quen này là gì?

• Bạn sẽ thay thế thói quen này như thế nào?

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ TÁM: TRÁCH NHIỆM

Mặc dù bạn đã có những kế hoạch và sự chuẩn bị, nhưng chắc chắn những thách thức không mong muốn vẫn xuất hiện. Kết quả phụ thuộc vào việc bạn có sẵn sàng chịu trách nhiệm thay vì buộc tội người khác, sự việc hay hoàn cảnh gây ra những thất bại của mình không. Bạn không thể tiếp tục chờ đợi, hy vọng, hoặc ước ao hoàn cảnh sẽ thay đổi. Những nhà thuyết phục giỏi chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với vận mệnh của họ. Bạn có đang hy vọng một điều kỳ diệu, chẳng hạn như thắng một vụ xổ số, phát hiện ra khoản thừa kế từ một người thân đã mất hoặc trở thành triệu phú để thay đổi cuộc sống và thu nhập của mình? Đã đến lúc dừng việc mơ ước lại và chờ đợi. Những trở ngại trên đường là không thể tránh khỏi, nhưng bạn sẽ không bao giờ tới đích nếu không sẵn sàng vượt qua những trở ngại đó. Sự khác biệt giữa thất bại và chiến thắng là ở chỗ bạn có sẵn sàng và cố gắng vượt qua cơn bão không. Nếu bạn sẵn sàng, những chướng ngại đó sẽ trở thành bàn đạp. Dù phải chịu đựng điều khó chịu suốt quãng đường, bạn vẫn sẽ có một nền tảng tốt hơn. 

Tôi đã xác định được ba lĩnh vực thiết yếu mà bạn chắc chắn phải chịu trách nhiệm:

1. Đừng suy nghĩ nữa mà hãy hành động

Bạn có đang mắc kẹt vào thế trung lập không? Bạn có sử dụng duy nhất số một khi lái xe không? Chiếc xe có đưa bạn tới nơi cần đến không? Bạn có từ bỏ vùng an toàn của mình không? Bạn biết điều mình cần, nhưng lại không hành động. Nhiều khi việc không hành động này là do trò chơi “hành động theo lý trí” mà chúng ta vẫn chơi. Thử xem xét liệu bạn có chơi bất kỳ trò chơi trí tuệ nào không:

• Ngay lúc này tôi không có thời gian.

• Tôi sẽ làm ngay khi vấn đề X, Y hoặc Z được quan tâm.

• Tôi có thể tập trung vào việc đó sau khi có thêm chút tiền tiết kiệm.

• Tôi không thể thực hiện thêm bất kỳ dự án nào nữa cho tới khi bắt kịp được điều ở ngay trước mắt mình.

• Bạn đời của tôi không hào hứng về điều đó.

• Tôi quá mệt mỏi.

• Tôi cần phải đợi cho tới khi thời tiết tốt.

• Tôi sẽ làm việc đó khi giảm được khoảng 9kg và cảm thấy tốt hơn về ngoại hình của mình.

• Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào.

• Tôi không biết ai có thể hướng dẫn hoặc trả lời những câu hỏi của tôi.

• Trước hết tôi phải lập kế hoạch hoàn hảo, sau đó sẽ tiến hành.

• Trước đó tôi đã thử một lần rồi.

• Nó quá đắt.

• Việc đó không đem lại hiệu quả.

Khi đưa ra những lý do này, chúng có giá trị nhất định, và chúng ta bắt đầu dựa dẫm vào chúng quá nhiều. Chúng ta lấy chúng làm lý do và lang thang trong khu vực an toàn thay vì cân nhắc tình huống và hành động thực sự. Suy nghĩ theo chủ nghĩa duy lý chỉ khiến chúng ta lười hành động, vì vậy hãy kết thúc những thứ như “tôi sẽ, tôi có thể, tôi nên” và hành động để giành quyền làm chủ. 

Chúng ta phải đi tới nơi không quen thuộc và không thoải mái. Nhưng đối mặt với những thử thách mới cũng khiến bạn trưởng thành hơn. Bạn sẽ muốn làm mọi việc có thể để cân bằng và trung hòa nỗi lo sợ. Bạn sẽ có động cơ vượt qua mọi trở ngại để tìm lại sự thoải mái. 

2. Hãy dừng việc đổ lỗi cho mọi thứ và mọi người lại – ngoại trừ bản thân bạn.

Những nhà thuyết phục giỏi luôn chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả mọi điều trong cuộc sống của họ. Chúng ta thường giỏi tìm ra lỗi lầm của người khác hơn là tìm ra lỗi lầm của chính mình. Rất dễ chìm vào trò chơi đổ lỗi bởi nó sẽ đem lại cho chúng ta cảm giác phải chịu trách nhiệm. Chúng ta cũng đổ lỗi để làm dịu cơn tức giận và nỗi thất vọng của mình khi mọi thứ không diễn ra như mong muốn. Chúng ta đánh lừa bản thân bằng cách nghĩ rằng nguồn an ủi từ việc đổ lỗi sẽ khiến mọi điều trở nên tốt đẹp hơn.

Thực tế, việc đổ lỗi cho người khác để làm nguôi vấn đề chỉ là tạm thời. Cuối cùng bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn, bởi vì khi không trực tiếp đương đầu với khó khăn thì sau này những vấn đề tương tự sẽ tiếp tục ám ảnh và quấy rầy bạn. Elbert Hubbard  từng nói: “Đối với tôi, việc mọi người dành quá nhiều thời gian đánh lừa bản thân bằng cách tạo ra những chứng cớ ngoại phạm để che giấu điểm yếu của mình luôn là một bí ẩn. Nếu thời gian của bạn được sử dụng theo cách khác thì điều này sẽ sửa chữa được điểm yếu của bạn; và bạn sẽ chẳng cần tới lý do nào hết.”

 “Tôi không đổ lỗi cho những người khác vì các sai lầm của mình, lúc nào tôi cũng chỉ đổ lỗi cho duy nhất một người mà thôi.”

Không ai bị đánh bại cho tới khi anh ta bắt đầu đổ lỗi cho một ai đó.

— JOHN ROBERT WOODEN  —

Một số câu thường gặp nhất mà mọi người đưa ra để bào chữa cho sai lầm của mình:

• Giá như tôi có công cụ tốt hơn để làm việc.

• Tôi không được đào tạo chuẩn bị cho việc đó.

• Nền kinh tế không được tốt cho lắm.

• Lúc này nền công nghiệp phát triển vẫn còn chậm chạp.

• Tôi bị mắc kẹt trong khu vực tồi tệ nhất.

• Ông chủ của tôi không thích tôi.

• Chi phí sinh hoạt quá cao.

• Vợ/chồng tôi không hiểu tôi.

• Không ai ủng hộ tôi.

• Họ chẳng hiểu gì cả.

3. Bắt đầu hiểu và làm chủ “những thất bại của bạn”.

Mặc dù đã lên kế hoạch tốt nhất và nỗ lực hết mình, đôi khi mọi thứ dường như vẫn không đi theo cách của chúng ta muốn. Khi đó chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Những nhà thuyết phục giỏi sẽ phản ứng ra sao? Hầu hết mọi người sẽ giải thích tại sao vấn đề lại đi theo hướng đó, hoặc cố gắng che giấu những thiếu sót. Nhưng những nhà thuyết phục giỏi nhất không chỉ thừa nhận thất bại, mà còn tiếp tục tiến bước và làm chủ những sai lầm của họ. Bạn học được gì từ những sai lầm và thất bại nếu không thừa nhận chúng?

 Bị ngã xuống rãnh sẽ giúp bạn trở nên khôn ngoan hơn.

— NGẠN NGỮ TRUNG QUỐC —

Thất bại và những nỗ lực không thành có thể hoàn thiện hoặc đánh gục bạn, gây đau khổ hoặc giúp bạn trưởng thành, khơi dậy tiềm năng hoặc khiến bạn trở nên trì trệ. Thế giới sẽ kiểm tra các mục tiêu và mơ ước của bạn có phải những là điều kỳ cục, hay là những điều thực sự cháy bỏng. Đừng tự hỏi bản thân: “Tại sao lại là tôi?” mà hãy hỏi: “Tại sao không phải là tôi? Tôi cần học hỏi điều gì?” 

Thất bại không phải là điều diễn ra chỉ trong một đêm. Những thứ khác biệt diễn ra hàng ngày mới chính là điều khiến bạn thất bại. Thất bại và sự xao lãng thường xuyên diễn ra. Những người thành công nhất thường trải qua rất nhiều thất bại. Chỉ bằng cách vượt qua nó mới giúp bạn hiểu ra mọi điều. Cuộc sống không phải là một bài tập trong sách. Khi có thể học hỏi và trưởng thành từ những thất bại, nó sẽ không còn là thất bại nữa. 

  Một vài lý do khiến những người thông minh vẫn thất bại:

• Thiếu động lực.

• Thiếu kiểm soát.

• Thiếu kiên nhẫn.

• Sợ thất bại.

• Chần chừ.

• Không có khả năng trì hoãn sự hài lòng.

• Quá tự ti hoặc quá tự tin.

Do vậy, bạn làm thế nào để điều chỉnh thái độ đối với thất bại? Hãy bắt đầu nghĩ về giải pháp. Chỉ vì bạn thất bại trong quá khứ không có nghĩa là tương lai bạn cũng sẽ thất bại. Đừng quá cứng nhắc với bản thân. Không ai có thể thực hiện hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Tôi thích điều mà huấn luyện viên bóng đá M. H. Alderson từng nói: “Nếu lần đầu không thành công, thì nghĩa là bạn đang ở mức trung bình.”

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ CHÍN: HẠNH PHÚC THẬT SỰ

Những nhà thuyết phục giỏi mà tôi có dịp gặp gỡ và phỏng vấn là những người hạnh phúc và thành công. Họ lôi cuốn người khác về phía mình. Vậy xã hội định nghĩa thành công như thế nào? Bằng danh tiếng hay sự giàu có về vật chất? Hãy chú ý rằng mỗi yếu tố trong những cơ sở lấy làm thước đo ấy chỉ là bề ngoài. Không yếu tố nào trong số đó liên quan tới sự bình yên và mục đích bên trong. Chúng ta nghĩ mình hạnh phúc khi sở hữu của cải, tốt nghiệp đại học, có việc làm, thăng tiến và kết thúc ở đỉnh cao trong công việc.

Sự thật là không yếu tố nào trong những thứ đó có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc thực sự và lâu bền. Rất nhiều nghiên cứu đã so sánh hạnh phúc của trẻ em với người lớn. Tại sao trẻ em cười 400 lần một ngày trong khi người lớn chỉ cười có 15 lần mỗi ngày? Rõ ràng không phải trẻ em mỉm cười vì vị trí quan trọng hay thành công ấn tượng của chúng. Chúng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc từ những thứ đơn giản – và trong những con người đơn giản. Chúng không quá lo lắng về việc phải gây ấn tượng với người khác hoặc phải leo lên những nấc thang thành công. Vậy quan niệm về hạnh phúc của bạn là gì? 

Thành công là đạt được những gì bạn muốn; 

Hạnh phúc là muốn những gì bạn có.

— DALE CARNEGIE —

Một số điều khiến cuộc sống của bạn được nâng cao khi bạn hạnh phúc:

• Bạn nhận thấy thế giới an toàn hơn.

• Bạn cởi mở hơn.

• Bạn đưa ra những quyết định nhanh hơn.

• Bạn bớt lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và tức giận.

• Bạn đánh giá mọi người công bằng hơn.

• Bạn có những mối quan hệ tốt hơn.

• Bạn hài lòng hơn về cuộc sống .

• Bạn có cái nhìn tích cực hơn.

• Bạn thân thiện với mọi người hơn.

• Bạn kiếm được nhiều tiền hơn.

• Các mối quan hệ của bạn được cải thiện.

• Bạn thành thạo kỹ năng thuyết phục hơn.

Ngày nay, chúng ta có nhiều phát minh hơn, nhiều cách để tiết kiệm thời gian và năng lượng hơn, tuy nhiên niềm vui của chúng ta lại giảm xuống. Có hai lý do chính cho xu hướng này. Thứ nhất, chúng ta cảm thấy căng thẳng vì những mục tiêu đầy mâu thuẫn của mình. Mặt khác, trong cuộc sống chúng ta có những mục tiêu và ước muốn mâu thuẫn nhau. 

Trong cuốn sách Man’s Search for Meaning (Người đi tìm ý nghĩa cuộc sống), bác sĩ tâm lý nổi tiếng Victor Frankl, người đã trốn thoát khỏi trại tập trung của Đức quốc xã, viết: “Hạnh phúc là một điều kiện chứ không phải một đích đến. Hạnh phúc không phải mưu cầu mà có được. Càng hướng tới hạnh phúc, chúng ta càng mất đi mục đích. Nếu có lý do nào đó cho hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ xuất hiện. Đây là kết quả của việc có được mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống.”

Điều chúng ta có thể học hỏi từ sự sáng suốt của bác sĩ Frankl là hạnh phúc lẫn bất hạnh không phải là hai trạng thái cùng tồn tại trong suy nghĩ. Hạnh phúc bao gồm cả quá trình liên tục hướng về mục tiêu hào hứng hoặc những điều lạc quan. Bất chấp những yếu tố bên ngoài của cuộc sống – nơi bạn sống, chiếc ô tô bạn lái, số tiền bạn kiếm được − bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nhận ra mục đích và hướng đi của mình.

RÚT RA SỨC MẠNH TRÍ TUỆ

Trong chương này, chúng ta đã thảo luận về một vài chiếc chìa khóa quan trọng mà những nhà thuyết phục giỏi dùng để mở ra cánh cửa sức mạnh trong việc lập trình trí tuệ cho cuộc sống của họ. Khi làm việc để bổ sung những chiến thuật mới này, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn trong suy nghĩ, thái độ, cách ứng xử và thu nhập của bạn. Thậm chí bạn còn nhận ra sự thay đổi trong mục tiêu và ước muốn của mình. Việc lập trình trí tuệ sẽ làm tăng thêm sự tập trung của bạn, khiến việc đầu tư thời gian và năng lượng hiệu quả hơn. Đừng bao giờ quên rằng: Bạn sẽ không đạt được thành công nếu không nhìn thấy nó. Bạn sẽ không thể thành công cho tới khi bạn tin tưởng! 

Truyện ngụ ngôn: Con cáo và chùm nho

Vào một ngày hè oi bức, con cáo đang lang thang trong vườn cây ăn quả bỗng nhìn thấy một chùm nho. Những trái nho chín mọng và hấp dẫn, treo lủng lẳng trên cành. “Chỉ thứ đó mới có thể làm dịu cơn khát và sự thèm muốn của ta,” cáo nói. Lùi lại vài bước chân, cáo ta bắt đầu chạy và nhảy lên, nhưng lại vồ trượt chùm nho. Quay lại và đếm: “một, hai, ba,” cáo ta lại nhảy, nhưng lại vẫn không thành công. Cố gắng đi cố gắng lại để túm lấy chùm nho, nhưng cuối cùng cáo cũng đành bỏ cuộc. Cáo ta bước đi với chiếc mũi hếch lên trong không khí và nói: “Ta chắc chắn những quả nho đó thể nào cũng chua.”

Ý nghĩa: Bạn có thể không đạt được ước mơ ngay lập tức, nhưng đừng từ bỏ, hoặc hãy quyết định nó không đáng để theo đuổi ngay từ đầu. Hãy tiếp tục cố gắng, và tìm ra những cách mới để theo đuổi những gì bạn muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.