IQ Trong Nghệ Thuật Thuyết Phục
9. KỸ NĂNG THUYẾT PHỤC THỨ BẢY
Cách thức tạo động lực cho bản thân và người khác mọi lúc
Chiến thắng không phải là tất cả, mong muốn chiến thắng mới là tất cả.
— VINCE LOMBARDI —
Đối với các nhà thuyết phục giỏi, động lực là tất cả. Động lực là yếu tố mang tính quyết định bởi nó không chỉ giúp bạn có được những bước đi lớn để đạt được mục tiêu của mình mà còn tạo ra những bước đi nhỏ trung gian. Nếu không được tạo động lực, bạn không những không hoàn thành được bất cứ mục tiêu nào mà còn không thể bắt đầu. Động lực đóng vai trò kép trong việc làm chủ kỹ năng thuyết phục. Động lực là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất thúc đẩy bản thân bạn. Khi đã có sự nhất quán với động lực của mình, bạn sẽ có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho người khác. Trong chương này, chúng ta sẽ nói về việc làm chủ kỹ năng này.
Lưu ý rằng tôi đã nói, “Bạn cần nhất quán với động lực của bản thân.” Sự nhất quán chính là chìa khóa. Hãy nhớ về những lần bạn thực sự háo hức bởi điều gì đó và cảm thấy vô cùng hăng hái, sẵn sàng thực hiện – và sau đó, chuyện gì xảy ra? Sau một thời gian ngắn, sự nhiệt tình, háo hức và cam kết của bạn tiêu tan. Tuy nhiên, các nhà thuyết phục giỏi duy trì được sự nhất quán và động lực của họ.
Chúng ta phải hiểu được bản chất và tâm lý của con người để hiểu tại sao chúng ta lại làm theo điều mình đang làm. Đôi khi chúng ta được tạo động lực quá mức, và đôi khi lại không thể ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng. Tại sao vậy? Chúng ta thường không có một hệ thống hoặc hiểu biết để duy trì động lực sau khi lóe lên một ý tưởng. Động lực không phục vụ chúng ta khi nó cháy bùng lên một cách rời rạc. Ý tưởng lóe lên ban đầu rất quan trọng, nhưng sau đó, chúng ta cần chắc chắn rằng có cách nào đó để giữ cho ngọn lửa đó cháy mãi. Tạo động lực là một trong những kỹ năng chủ chốt dẫn tới thành công mà chúng ta không được dạy ở bất cứ trường lớp nào.
Để duy trì động lực, bạn hãy luôn thật thà với chính mình và ý thức rằng các cảm xúc, hoàn cảnh và sự rèn luyện của bản thân thay đổi từng ngày, từng giờ. Rõ ràng là chúng ta sẽ phải trải qua những ngày tồi tệ. Vì thế, bạn phải được chuẩn bị với một mạng lưới động lực an toàn. Khi năng lượng, sự háo hức và động lực của bạn lớn, hãy nghĩ tới các phương thức bạn sử dụng để duy trì sự nhất quán của động lực, như những nhu cầu không thể thiếu hàng ngày. Trong các nghiên cứu được thực hiện tại Học viện Thuyết phục, khi được hỏi về khả năng tạo động lực và tiếp sinh lực cho bản thân, hơn 50% các nhà thuyết phục cảm thấy đây thực sự là một vấn đề đối với họ. Theo đó, mọi người đã không nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì động lực từng ngày, thậm chí từng khoảnh khắc.
Chúng ta có thể vượt qua rất nhiều thử thách nếu biết nuôi dưỡng động lực. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nói, “Ồ, tôi vừa ăn no. Điều này sẽ giúp tôi sống được cả tháng.” Hiển nhiên, cơ thể chúng ta đòi hỏi phải được nuôi dưỡng hàng ngày. Động lực cũng vậy. Thành công vĩ đại nhất sẽ luôn xuất hiện khi chúng đi kèm với những động lực rõ ràng và bền vững.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó ai cũng muốn có được mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề. Chúng ta muốn được khen thưởng thường xuyên, và tốn ít công sức. Giả sử bạn định hỏi một nhóm người tình cờ gặp trên phố rằng liệu họ có muốn độc lập về tài chính, có ngoại hình đẹp hay có những mối quan hệ tốt hơn không, phần lớn mọi người sẽ trả lời là có. Nhưng bao nhiêu người trong số đó có thể vạch ra một kế hoạch hành động chi tiết và thực hiện theo để biến những khát khao trên trở thành hiện thực? Tôi cá với bạn là cực kỳ ít người có thể làm được. Khi được khuyến khích, phần lớn chúng ta đều cảm nhận được những tia ý tưởng lóe lên trong đầu, nhưng lại chưa từng thực sự bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó. Hoặc nếu đã bắt đầu, chúng ta cũng không có kế hoạch cụ thể để giữ cho ngọn lửa động lực đó luôn cháy sáng.
CÁC YẾU TỐ CẢN TRỞ ĐỘNG LỰC
Con đường dẫn tới thành công thường được xác định rõ ràng lúc ban đầu, nhưng sau đó, lại trở nên mờ ảo. Điều gì khiến con đường đó không rõ nét hoặc cản trở động lực của chúng ta? Chúng ta có thể kể được hàng trăm lý do. Nhưng việc thiếu thành công bền vững ảnh hưởng sâu rộng hơn là những trở ngại, phiền nhiễu và nỗi thất vọng hàng ngày. Hãy dành thời gian để xem xét nguồn gốc của những trở ngại là do sự hoài nghi, việc tự hủy hoại, tiếng nói tiêu cực bên trong hay sự bất lực không thể làm điều nên làm. Đôi khi, sự thiếu kiên trì của chúng ta bắt nguồn từ thực tế rằng những hành vi bắt buộc không phải là phong tục tập quán phổ biến. Nói cách khác, chúng ta không làm theo những lý do hay những cách thức đúng đắn. Thỉnh thoảng lại do chúng ta cố gắng giải quyết bề nổi của vấn đề thay vì những yếu tố cốt lõi bên trong.
Cùng với việc duy trì những quan điểm tích cực, các nhà thuyết phục giỏi luôn được đánh giá là những người thành công. Một trong những lý do khiến chúng ta không giữ được động lực của mình là chúng ta vô ý tự hủy hoại nỗ lực của mình hoặc để cho người khác phá hỏng nó.
Hai trong số những yếu tố lớn nhất cản trở động lực của chúng ta là thái độ và người chúng ta hợp tác cùng. Hãy nhìn xung quanh bạn. Những người xuất hiện trong cuộc đời đang kéo bạn lên hay đẩy bạn xuống? Họ đang động viên hay khiến bạn nản lòng? Họ đánh giá những mục tiêu, ước mơ và khát vọng của bạn như thế nào? Rất nhiều lần, chúng ta từ bỏ chỉ vì không nhận được sự hỗ trợ hay khuyến khích từ những người mình tôn trọng và yêu mến. Việc này có thể là do họ đang ở tư thế phòng ngự, hoặc không hoàn toàn hiểu được tình huống này. Hoặc họ hiểu tình huống, nhưng lại không muốn liên quan. Hoặc do sự ghen tị và oán giận; họ không theo đuổi giấc mơ của mình thì tại sao lại phải khuyến khích bạn theo đuổi giấc mơ của bạn? Tuy nhiên, bên cạnh những người làm bạn chán nản, không hiểu và tin tưởng những kế hoạch của bạn, những người có cuộc sống đang ngày càng xuống dốc và muốn bạn cũng như thế, thì vẫn có những người thành công trong việc theo đuổi ước mơ của mình. Những người này sẽ khuyến khích, truyền cảm hứng và tạo động lực cho bạn.
Một rào cản khác đối với khả năng tạo động lực cho bản thân chính là thái độ của bạn. Trong nhiều trường hợp, những ước mơ của bạn trở nên vô nghĩa, hoặc bạn sẽ từ bỏ chúng. Nhưng khi ngừng mơ ước, một phần trong chúng ta coi như đã chết. Nếu bạn từng ở trong tình huống này, hãy xem xét lại và khơi dậy lại mơ ước của mình. Bạn đã từng viện cớ cho việc tại sao mình không thể làm được, không nên làm hay không có thời gian làm một việc gì đó chưa? Hãy thành thật với bản thân. Chúng ta hủy hoại những nỗ lực và khát khao của mình bằng những lý do và dự đoán trước thất bại trong tương lai. Tệ hơn, chúng ta có thể sẽ cảm thấy trạng thái tâm lý này là một đường đi an toàn. Ý tưởng về thành công có thể rất đáng sợ – hy sinh những điều cũ kỹ quen thuộc và đón nhận những điều mới lạ. Nó cũng có nghĩa là những cam kết mới, những sự thay đổi và một chút điều chỉnh.
Tiến sĩ Martin Seligman, người sáng lập ra khái niệm Tâm lý học Tích cực (Positive Psychology), đã đưa ra khái niệm về mô hình “học được sự tuyệt vọng”. Ông cho rằng nó có thể gây ra những kết quả tiêu cực sau:
• Cản trở khả năng học hỏi từ tình huống.
• Cản trở khả năng sáng tạo.
• Giảm kỳ vọng vào những thành công tương lai.
• Tạo ra những trạng thái cảm xúc như lo lắng, thù địch, sợ hãi và thất vọng.
• Làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.
• Hạn chế khả năng kiếm tiền và giảm sự an toàn trong công việc.
Khi thành thật với bản thân, chúng ta có thể sẽ nhận thấy rằng trong một số khía cạnh, mô hình “học được sự tuyệt vọng” chiếm ưu thế. Để khắc phục xu hướng này, bạn cần phải ước mơ, và mơ ước thật lớn lao. Bạn sẽ cảm thấy có động lực để phá vỡ những rào cản. Hãy nhớ, chính bạn là người đem lại sức mạnh vượt qua những trở ngại. Điều gì khiến bạn phải lùi bước? Điều gì có thể khiến bạn muốn nhảy ngay ra khỏi chiếc giường vào mỗi buổi sáng sớm? Nếu vẫn có những giấc mơ ảm đạm thì bạn khó có thể có động lực được.
Các nhà thuyết phục giỏi có đầy đủ cả sự thành công lẫn thất bại trong cuộc sống. Nếu bạn đã thực sự cố gắng, tôi chắc rằng bạn có thể liệt kê ra 20 lý do cho thất bại của mình. Nhưng những lý do này không có ý nghĩa gì hết, vì điều bạn cần chỉ là một lý do đúng đắn để thành công. Dưới đây là một số lý do cho thất bại mà tôi biết trong thế giới thuyết phục:
• “Tôi không thể nói lạnh lùng được.”
• “Đơn giản là họ may mắn thôi.”
• “Hiểu biết của tôi còn hạn chế.”
• “Nền kinh tế đang đi xuống.”
• “Họ khiến tôi thất bại.”
• “Các nhân viên ghét tôi.”
• “Tôi đã thử nhưng nó không hiệu quả.”
• “Chiến lược tiếp thị này lạc hậu rồi.”
• “Tôi không giỏi nói qua điện thoại đâu.”
• “Cạnh tranh diễn ra ở khắp nơi.”
• “Sản phẩm cần được cải thiện hơn.”
• “Tôi sẽ thành công nếu chú tâm hơn.”
• “Họ hy vọng tôi cạnh tranh như thế nào?”
• “Công ty đó không có đủ sự chỉ dẫn cần thiết.”
Dù bất kể trở ngại nào phát sinh và cản trở, bạn cũng vẫn phải củng cố bản thân và tiến lên phía trước. Hãy nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu Abraham Lincoln nghe theo những người chỉ trích mình, hay nếu Thomas Edison quan tâm tới những người cho rằng các phát minh của ông là không thể. Hoặc, sẽ thế nào nếu Bill Gates nghe theo các luật sư và tiếp tục theo học trường Harvard? Sẽ ra sao nếu Mark Victor Hansen và Jack Canfield nghe theo hàng trăm nhà xuất bản phản đối cuốn Chicken Soup for the Soul, mà sau đó hàng triệu bản đã được bán hết? Có hàng tá những câu chuyện tương tự. Còn câu chuyện của bạn thì sao? Điều rút ra được từ những kinh nghiệm này, đó là bạn không thể cho phép bất cứ ai hút mất nguồn năng lượng và động lực của mình. Hãy vượt qua sự bất lực, những lý do ban đầu cho thất bại của bạn, và giành chiến thắng.
SỰ CAM KẾT
Người đạt được thành công là người đã lựa chọn một con đường và nỗ lực đi đến cùng.
— ANDREW CARNEGIE —
Có rất nhiều điều cần phải suy ngẫm về sự cam kết. Khi cân nhắc tới tầm nhìn cá nhân, bạn có thể thấy được bức tranh tổng quát, hay những ý tưởng chợt nảy ra vụt qua bạn? Bạn phải đảm bảo rằng mình có một tầm nhìn vững chắc; nếu không, những cam kết của bạn sẽ rất mong manh. Khi ai đó nói, “Tôi sẽ thử”, nghĩa là, sẽ chẳng bao giờ anh ta làm cả. “Tôi sẽ thử” và “Tôi sẽ” là hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Với câu nói đầu tiên, bạn đang cam kết. Với câu nói thứ hai, bạn đang cố gắng tìm cách giải quyết mới. Hãy đảm bảo những cam kết bạn đưa ra trong thời điểm phấn khích tạo ra động lực bền vững giúp bạn tiến tới giai đoạn tiếp theo. Các nhà thuyết phục giỏi có thể biến những cam kết của họ trở nên mạnh mẽ hơn những cảm xúc tức thì.
Một trong những cách then chốt khiến những cam kết của bạn được duy trì mạnh mẽ là phát triển sức mạnh và khả năng trì hoãn sự ban thưởng. Walter Mischel, nhà tâm lý học của trường đại học Stanford, đã tiến hành một nghiên cứu có tên gọi “bài thử nghiệm kẹo dẻo”. Ông mời một vài nhóm trẻ em bốn tuổi vào một căn phòng và phát cho mỗi đứa một chiếc kẹo dẻo. Ông nói rằng chúng có thể ăn kẹo ngay bây giờ hoặc chờ mười lăm đến hai mươi phút nữa và sẽ được thưởng thêm một chiếc kẹo khi ông quay lại. Rất nhiều đứa trẻ đã chờ ông trở lại trong khi nhiều đứa khác thì không. Sau khi nghiên cứu kết thúc, Mischel tiếp tục quan sát những đứa trẻ này để xem chúng hành xử thế nào trong cuộc sống. Kết quả thật bất ngờ. Ông nhận thấy những đứa trẻ có thể trì hoãn sự cám dỗ của phần thưởng sẽ đạt được thành công gấp hai lần trong học tập, cuộc sống xã hội và kiểm soát cảm xúc của chúng tốt hơn những đứa không thể chờ đợi. Tại trường trung học, những đứa trẻ này học tốt hơn những đứa trẻ không thể chờ đợi và đạt hơn 210 điểm trong kỳ thi SAT .
Thậm chí đối với những cá nhân khỏe mạnh nhất, khả năng cam kết hoặc tự kiểm soát của họ cũng không thường xuyên ổn định. Sự kiểm soát cũng như một chiếc bình ắc quy. Hàng ngày, điện năng của chiếc bình ắc quy đó sẽ bắt đầu bị giảm sút. Điều gì làm cho “chiếc bình” của bạn bị tiêu hao năng lượng? Sự mệt mỏi, cảm xúc tiêu cực, sự kìm nén cảm xúc, và áp lực sẽ làm kiệt quệ “chiếc bình ắc quy kiểm soát” của bạn nhanh hơn bất cứ yếu tố nào khác.
Một cuộc nghiên cứu thú vị đã đưa ra nhiều dẫn chứng minh họa cho ý tưởng rằng sự kiểm soát có thể trở nên mạnh mẽ hơn nếu bạn có thời gian nghỉ ngơi. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các sinh viên cao đẳng tham gia một thí nghiệm liên quan đến năng lực vị giác (hay suy nghĩ của sinh viên). Những sinh viên này sẽ bắt đầu cuộc thí nghiệm với dạ dày trống rỗng sau ba tiếng không được ăn gì. Khi vào phòng, họ được chào đón bằng những chiếc bánh sô-cô-la nướng ngon lành đựng đầy trên chiếc đĩa to bày trên một chiếc bàn và bên cạnh đó là một chiếc bát đựng đầy củ cải tươi đã được gọt vỏ. Họ được chia làm hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu chỉ được ăn bánh sô-cô-la, và nhóm kia thì chỉ được ăn củ cải. Sau đó, họ được tự do đi lại trong phòng và chờ các nhà nghiên cứu tới. Hiển nhiên, nhóm sinh viên được yêu cầu ăn củ cải đã rèn luyện khả năng kiểm soát bản thân để từ chối những chiếc bánh sô-cô-la và chỉ ăn phần củ cải của mình. Sau 5 phút, các sinh viên được yêu cầu chờ để mất dần giác quan cảm nhận thức ăn trước khi thực hiện một nhiệm vụ mới. Lần này là một nhiệm vụ chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ trước (họ nghĩ vậy), đó là giải đố chữ. Thực ra các sinh viên không hề biết rằng trò đố chữ này không có lời giải. Các nhà nghiên cứu chỉ muốn xem những sinh viên này từ bỏ trò chơi nhanh đến mức nào.
Kết quả của cuộc nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng sự kiểm soát và khả năng kiềm chế các ham muốn sẽ bị suy yếu sau khi bạn thực hiện liên tục các nhiệm vụ − giống như việc sử dụng cơ bắp quá nhiều sẽ khiến bạn mỏi mệt hay chiếc bình ắc quy sẽ bị tiêu hao năng lượng. Quan sát hai nhóm − một nhóm đã ăn bánh sô-cô-la (không phải kiểm soát bản thân) và một nhóm đã ăn củ cải (đã thực hiện bài tập kiểm soát ham muốn bản thân chống lại hương vị của những chiếc bánh sô-cô-la tuyệt vời) − kết quả thu được rất thú vị. Nhóm đã ăn bánh dành 18 phút 54 giây để chơi trò đố chữ và sau đó từ bỏ trong khi nhóm đã ăn củ cải chỉ dành 8 phút 21 giây. Nói cách khác, nhóm ăn củ cải − nhóm đã rèn luyện khả năng kiểm soát bản thân, đã từ bỏ nhanh hơn nhóm không thực hành bài tập này 2,25 lần. Điều quan trọng là càng thường xuyên luyện tập khả năng kiểm soát bản thân, chúng ta càng nhanh chóng làm tiêu hao năng lượng của mình.
CHU TRÌNH TUYỆT VỌNG: TẠI SAO ĐỘNG LỰC LẠI BỊ THẤT BẠI
Thà thắp một cây nến lên còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.
— NGẠN NGỮ TRUNG QUỐC —
Một trong những lời phê bình mạnh mẽ nhất của việc coi động lực là một công cụ của thuyết phục đó là các kết quả thường chỉ mang tính tạm thời. Quan điểm này chỉ đúng khi động lực không được sử dụng hợp lý. Tạo động lực để làm những điều sai trái sẽ không bao giờ hiệu quả. Tôi gọi động lực của những kết quả ngắn hạn này là “Chu trình tuyệt vọng”. Chu trình này mô tả xu hướng lựa chọn con đường dễ dàng nhất thay vì con đường đúng đắn nhất của chúng ta. Chúng ta dừng lại trước khu vực thoải mái − nơi chúng ta không phải tốn nhiều năng lượng để phân tích những yếu tố xung quanh – và tại nơi chúng ta sống theo thói quen và lịch trình hàng ngày. Kết quả là, chúng ta cảm thấy do dự trước sự thay đổi. Chúng ta không có xu hướng thúc đẩy bản thân để đấu tranh cho sự xuất sắc vượt trội của mình. Nỗi sợ hãi những điều chưa biết và sợ mắc lỗi thường là lý do khiến chúng ta dừng lại tại những nơi mà mình cảm thấy hài lòng. Nhà văn Mark Twain đã nói, “Một con mèo bước từng bước trên một chiếc bếp lò nóng sẽ chẳng bao giờ bước lại lên đó, mà sẽ bước tới một chiếc lò mát.” Khu vực thoải mái sẽ tạo cho chúng ta cảm giác an toàn và thân quen, nhưng lại khiến chúng ta bị tê liệt vì nỗi sợ hãi và không được tạo động lực để khám phá thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi sẽ khiến chúng ta cảm thấy tự thỏa mãn với chính mình. Vào thời điểm nào đó, chúng ta nhận ra mình đã không hoàn thành được bất cứ điều gì. Đột nhiên, chúng ta sợ điều mình đang làm và cái đích đang đi tới là kết quả của sự xao lãng. Khi nghĩ về đích đến của mình, chúng ta có thể sẽ cảm thấy sợ hãi và rồi làm việc điên cuồng với mong muốn lấy lại khoảng thời gian đã mất. Chúng ta tự nhận thấy mình đang lùi dần vào vùng an toàn. Sau đó, chúng ta lập trình để điều này lại bắt đầu lặp lại. Cứ thế, chúng ta nhận ra mình đang ở trong “Chu trình tuyệt vọng”.
Tiếp theo là một tình huống phổ biến. Giả sử bạn có buổi họp lớp cấp ba, nhưng trong nhiều năm qua, ngoại hình của bạn đã thay đổi, bạn trở nên béo và xấu xí hơn. Vì thế, bạn không muốn đi họp lớp trong bộ dạng này. Bạn cảm thấy sợ tới buổi họp lớp của mình. Nỗi sợ hãi lên tới đỉnh điểm, và bạn thề rằng mình sẽ giảm cân trước khi sự kiện này diễn ra. Bạn quyết định nhịn ăn. Thậm chí bạn bắt đầu tập thể dục. Bạn lấy lại được vóc dáng, tới dự buổi họp lớp với thân hình nhỏ nhắn và cảm thấy tự tin hơn. Sau đó, bạn trở về nhà và nghĩ sẽ thật tuyệt nếu tiếp tục giảm cân, nhưng cũng nhận ra rằng làm được điều này khó hơn bạn nghĩ rất nhiều. Vì thế, bạn bắt đầu cho phép mình thưởng thức các món ăn ưa thích. Ban đầu chỉ là một chút, nhưng sau đó tăng dần lên. Cứ thế, bạn bỏ qua thực đơn dinh dưỡng hợp lý của mình. Kết quả là, cân nặng lại tăng, và vòng tròn luẩn quẩn lại bắt đầu lăn bánh.
TẠO ĐỘNG LỰC CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ ĐỘNG LỰC − THÁP NHU CẦU CỦA MASLOW
Các nhà thuyết phục giỏi có thể tìm ra và đáp ứng những nhu cầu và mong muốn chưa được đáp ứng. Hai yếu tố cơ bản để biết làm thế nào có thể tạo động lực cho người khác là: (1) khám phá ra điều họ cần và mong muốn, và (2) biết cách hoàn thành những điều mong muốn đó.
Những nhà thuyết phục này biết rằng không phải ai cũng có động lực giống nhau ở mọi thời điểm. Nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow đã đề xuất một hệ thống cấp bậc các nhu cầu thể hiện mong muốn của con người mà hầu hết chúng ta đều có động lực để đạt tới. Cơ sở của yêu cầu có động lực bắt đầu từ những quy tắc cơ bản trong cuộc sống. Theo những quy tắc này, các yêu cầu ổn định cuộc sống phải được đáp ứng trước các yêu cầu lớn hơn. Khi các nhu cầu thấp hơn không được đáp ứng, những nhu cầu cao hơn sẽ trở nên ít khẩn cấp hơn.
Xếp hạng những điều tạo động lực cho nhân viên của các nhà quản lý:
1. Sự đền bù
2. Tính ổn định trong công việc
3. Cơ hội phát triển và thăng tiến
4. Điều kiện làm việc tốt
5. Công việc thú vị
6. Trọng dụng nhân viên
7. Kỷ luật nhẹ nhàng
8. Ghi nhận kết quả công việc
9. Giúp giải quyết các vấn đề cá nhân
10. Được thông tin tốt
Xếp hạng những điều tạo động lực cho nhân viên của các nhân viên:
1. Công việc thú vị
2. Ghi nhận kết quả công việc
3. Được thông tin tốt
4. Tính ổn định trong công việc
5. Sự đền bù
6. Cơ hội phát triển và thăng tiến
7. Điều kiện làm việc tốt
8. Trọng dụng nhân viên
9. Kỷ luật nhẹ nhàng
10. Giúp giải quyết các vấn đề cá nhân
Khi những nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, con người sẽ hướng tới những nhu cầu cao hơn trong các lĩnh vực khác. Để tạo động lực hiệu quả, hãy đảm bảo rằng bạn giải quyết được những nhu cầu chưa được đáp ứng theo cấp bậc của khán giả và sau đó, cho họ các cơ hội để đạt được những nhu cầu đó.
Các nhà thuyết phục giỏi nói chuyện trực tiếp với khán giả, dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu cũng như mong muốn của họ trước. Bạn có thể thấy trong bảng dưới đây, trong khi các nhân viên muốn thứ này thì quản lý của họ lại nghĩ nhân viên muốn thứ khác. Những nhà quản lý này có thể đạt hiệu quả ở mức độ nào trong việc tạo động lực cho nhân viên nếu thực sự hiểu được nhân viên của mình? Điều chúng ta nghĩ người khác muốn và điều họ thực sự muốn thường hoàn toàn khác nhau. Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ một trong số mười người có thể được tạo động lực theo những cách có ý nghĩa với mình. Các nhà thuyết phục giỏi có thể thường xuyên nhận ra điều người khác cần và mong muốn.
CẢM HỨNG VÀ NỖI TUYỆT VỌNG
Có hai điều duy nhất tạo động lực cho chúng ta trong cuộc sống, đó là nguồn cảm hứng và nỗi tuyệt vọng. Chúng ta hoặc tiến lên phía trước khi được truyền cảm hứng, hoặc bị đẩy lùi về phía sau với những điều làm chúng ta thất vọng hoặc khó chịu.
Phần lớn mọi người chỉ sử dụng động lực của nỗi tuyệt vọng. Bất cứ nhà thuyết phục nào cũng có thể tạo động lực cho khán giả của mình bằng nỗi thất vọng, sự sợ hãi và lo lắng. Nhưng động lực được tạo ra bởi nỗi tuyệt vọng lại không tồn tại lâu dài.
Động lực của bạn duy trì dựa trên nguồn cảm hứng, những cảm xúc và tầm nhìn bạn có. Việc sử dụng nguồn cảm hứng là động lực tạo nên những kết quả tích cực. Những người có động lực không chờ đợi những yếu tố bên ngoài dẫn mình đi theo hướng này hay hướng khác. Các nhà thuyết phục giỏi biết sử dụng động lực khi thuyết phục và trong cuộc sống. Bên cạnh đó, điều quan trọng là bạn phải biết sử dụng mối liên kết nào của động lực trong mỗi tình huống thuyết phục.
Động lực là một ngọn lửa bên trong. Nếu một người cố gắng thắp sáng ngọn lửa đó, cơ hội sẽ nhanh chóng bùng lên.
— STEPHEN R.COVEY —
HỆ THỐNG ĐỘNG LỰC CỦA HỌC VIỆN THUYẾT PHỤC
Các nhà thuyết phục giỏi có khả năng tạo động lực cho những người khác nhau với những phương pháp khác nhau. Trong phần này, tôi sẽ giúp bạn hiểu chính xác điều tạo động lực cho người khác (và cho cả chính bạn) là gì. Các nhà thuyết phục làm gì để tạo động lực cho khán giả hành động, và tạo động lực cho chính họ, thậm chí ngay cả khi họ không thích phải làm điều cần làm? Chúng ta hãy nói về khoa học động lực. Bạn cần lưu ý rằng động lực (hay khát khao thay đổi) không tồn tại ở trung tâm của hệ thống động lực. Điểm trung tâm tương ứng với khu vực an toàn của bạn, nơi chúng ta thể hiện cảm giác thỏa mãn với chính mình. Bạn làm thế nào có thể thuyết phục bản thân và người khác ra khỏi điểm trung tâm này?
Hãy bắt đầu với góc bên trái thấp nhất, nơi chúng ta nhận thấy có nỗi tuyệt vọng bên ngoài. Khu vực này có thể được sử dụng cho động lực ngắn hạn. Bất cứ ai cũng có thể được tạo động lực khi ở trong khu vực này. Khi bạn trải qua cảm giác sợ hãi hoặc bị buộc phải làm điều gì đó, nó sẽ gây ra nỗi tuyệt vọng. Giả sử bạn ghét công việc của mình. Bạn không muốn đi làm và bạn làm việc chỉ vì cảm thấy mình buộc phải như vậy. Nỗi tuyệt vọng bên ngoài (áp lực) nói rằng nếu không đi làm, bạn sẽ mất việc, bạn không có thu nhập. Hầu hết mọi người đều thuộc khu vực này. Đó là vì họ thực hiện những công việc bị ép buộc. Nỗi sợ hãi thực sự tạo ra động lực lớn hơn gấp bốn lần so với cảm giác không hài lòng. Sợ hãi là công cụ quyền năng của thuyết phục, nhưng lại không phải là công cụ duy nhất của bạn. Có những thời gian và địa điểm nhất định mà bạn cần sử dụng đến công cụ này trong thuyết phục. Các nhà thuyết phục giỏi luôn biết sử dụng nỗi sợ hãi khi nào và như thế nào.
Tiếp theo, hãy chuyển sang góc bên trái phía trên, chúng ta phát hiện ra nỗi tuyệt vọng bên trong. Thêm một lần nữa, bạn không muốn đi làm, nhưng nỗi tuyệt vọng bên trong khiến bạn bị thuyết phục rằng đây là điều bạn phải làm, đó là nghĩa vụ của bạn. Nói cách khác, bạn cảm thấy đi làm là bổn phận và trách nhiệm của mình. Bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải có mặt tại cơ quan vì bạn là một thành viên trong dự án đang triển khai. Bạn cũng sẽ cảm thấy có nghĩa vụ đối với sếp hoặc đồng nghiệp của mình và phải đóng góp công sức vào khối lượng công việc rất lớn kia. Bạn vẫn đi làm, thậm chí ngay cả khi không muốn xuất hiện tại văn phòng. Lập luận của bạn chiến thắng cảm xúc của bạn. Hãy quan sát và bạn sẽ nhận thấy mọi người sử dụng nỗi tuyệt vọng để thúc đẩy bản thân ngay cả khi họ không hề vui vẻ gì. Bạn sẽ không bao giờ thực sự làm chủ số phận của mình hoặc thành công cho tới khi bạn chuyển sang phần bên kia của Hệ thống Động lực.
Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang góc thấp nhất bên phải, cảm hứng từ bên ngoài. Lúc này, bạn cảm thấy được tạo động lực bởi những yếu tố bên ngoài truyền cảm hứng khiến bạn làm điều cần làm. Hãy nhớ rằng cảm hứng là nguồn gốc của mọi cảm xúc. Khi làm chủ được những cảm xúc của mình, bạn sẽ có thể thúc đẩy bản thân và người khác tiến lên phía trước nhờ những động lực lâu dài và bền vững. Khi ý chí logic nói bạn không thể làm được thì ý chí cảm xúc của bạn vẫn tiếp tục. Trong khu vực này, bạn làm điều gì đó ngoài sự tôn trọng và tình yêu. Bạn đi làm để mang đến những gì tốt đẹp nhất cho gia đình của mình. Bạn làm việc vì muốn con mình được học tập tại những trường chất lượng nhất hoặc vì muốn mua được một ngôi nhà mới. Bạn được tạo động lực làm việc bởi những yếu tố xung quanh.
Kiểu động lực lâu dài tốt nhất được tìm thấy tại góc bên phải trên cùng, nơi tồn tại những cảm hứng bên trong. Cảm hứng bên trong là niềm đam mê. Bạn nhận ra mục tiêu của mình trong cuộc sống. Trong suốt quá trình thuyết phục, nếu có thể khiến người khác có được nguồn cảm hứng từ bên trong, bạn sẽ tạo ra động lực lâu dài cho họ. Hãy xem xét lại ví dụ trên, khi có niềm đam mê đối với công việc, bạn háo hức đi làm. Bạn yêu thích công việc đó. Bạn đang làm thế giới thay đổi và phục vụ những người xung quanh. Hơn nữa, bạn đang cống hiến cho công việc bằng niềm đam mê, chia sẻ thông điệp, sản phẩm và dịch vụ của mình với cả thế giới. Các nhà thuyết phục giỏi biết dùng động lực như thế nào. Việc sử dụng động lực tại những thời điểm không thích hợp trong thuyết phục sẽ gây ra hậu quả trái ngược với mong đợi của bạn và tạo ra những kết quả trái ngược ý định ban đầu. Hãy nghiên cứu Hệ thống Động lực của Học viện Thuyết phục cho đến khi bạn hiểu rõ nó và áp dụng được vào bất kỳ tình huống thuyết phục nào.
Con đường vương giả dẫn tới trái tim con người là nói cho anh ta biết những thứ giá trị nhất của anh ta.
— DALE CARNEGIE —
LÀM THẾ NÀO THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐỘNG LỰC
Các nhà thuyết phục giỏi sử dụng tất cả các góc trong Hệ thống Động lực của Học viện Thuyết phục để thuyết phục và gây ảnh hưởng. Bốn phạm vi khác nhau của hệ thống có thể dẫn dắt bạn tới những lập luận logic và cảm xúc để tạo động lực cho bạn và mỗi khán giả của mình. Một số người chỉ có thể được tạo động lực trong thời gian ngắn, vì thế bạn phải sử dụng nỗi tuyệt vọng của họ. Khi hiểu được niềm đam mê của họ, bạn sẽ nhận ra ai sẽ hành động theo lời kêu gọi của bạn về lâu dài, và ai sẵn sàng làm theo những điều bạn yêu cầu. Người đó sẽ háo hức với thông điệp và phục tùng mệnh lệnh của bạn. Các nhà thuyết phục giỏi có thể đọc được sự chuyển biến trong giọng nói, ngôn từ được lựa chọn và ngôn ngữ cơ thể để biết khán giả đang được truyền cảm hứng hay đang thất vọng.
Trong một nghiên cứu, các nhóm sinh viên đã dành khoảng ba tiếng đồng hồ để đọc tài liệu về bệnh học thần kinh phức tạp. Một nửa số sinh viên được yêu cầu kiểm tra và xếp loại sau khóa học của họ. Số còn lại được thông báo rằng họ sẽ sử dụng những tài liệu đã đọc để giảng dạy cho những người khác. Các sinh viên đã được khảo sát sau ba tiếng đồng hồ. Thực tế cho thấy, các sinh viên sử dụng tài liệu giảng dạy lại cho người khác có động lực bên trong mạnh mẽ hơn những sinh viên sẽ bị kiểm tra. Tin tưởng rằng việc mình làm sẽ có ích cho người khác đã tạo động lực cho các sinh viên hoàn thành nhiệm vụ.
Động lực là nghệ thuật yêu cầu người khác thực hiện theo điều bạn muốn vì đó cũng chính là điều họ muốn.
— DWIGHT D. EISENHOWER —
TÌM RA ĐỘNG CƠ ĐỂ TẠO RA SỰ KHAO KHÁT: NIỀM ĐAM MÊ
Để thành công trong việc tạo động lực cho bản thân và người khác – hay giúp người khác tự tạo ra động lực − bạn phải tạo ra sự khao khát mãnh liệt. Trong quá trình thuyết phục, bạn sẽ nhận thấy mọi người thường có động lực ngắn hạn. Sau đó, họ sẽ mất đi nguồn động lực này, và đi vào lối mòn mà họ muốn cố gắng thoát ra. Với tư cách là một nhà thuyết phục và một người tạo động lực, bạn phải hiểu được điều gì ngăn cản người khác hành động. Điều gì khiến họ mất đi sự háo hức, tầm nhìn và nguồn năng lượng? Nghiên cứu của chúng tôi tại Học viện Thuyết phục đã tìm ra những lý do phổ biến sau:
• Không có niềm đam mê. Họ không sử dụng nỗi tuyệt vọng như một động lực của mình, và không nhận ra bất cứ điều gì tạo cảm hứng cho họ.
• Thái độ tiêu cực. Họ có những thái độ tiêu cực. Sự kỳ vọng và niềm tin của họ không đồng nhất với các mục tiêu họ đặt ra.
• Xóa bỏ mục đích. Ban đầu thì họ đi đúng hướng, nhưng sau đó, họ lạc đường. Họ đã quên mất những lý do thực sự tạo động lực ban đầu cho mình.
• Không có sự khác biệt. Họ không còn quan tâm tới điều gì nữa. Họ đánh mất khả năng thể hiện sự quan tâm hoặc nhận ra sự khác biệt giữa cuộc sống của họ và cuộc sống của những người xung quanh.
• Thói quen bản năng. Họ không thay đổi những thói quen xấu trước kia và rơi vào những thói quen xấu khác.
• Thiếu kiên trì. Họ từ bỏ quá dễ dàng và gục ngã trước thử thách đầu tiên.
• Không nhận ra được tính cấp thiết. Họ không đặt ra bất cứ khung thời gian nào để đạt được thành công. Những đau thương này không đủ để khiến họ hành động ngay bây giờ.
• Áp lực của đồng nghiệp. Mọi người xung quanh được tạo động lực nhiều hơn họ. Họ không tìm được sự giúp đỡ cần thiết để kháng cự lại bạn bè hay đồng nghiệp của mình.
• Thiếu tầm nhìn. Họ đã đánh đổi những thành công lâu dài bằng sự hài lòng trước mắt.
• Thiếu tri thức. Họ không biết làm thế nào để thực hiện những thay đổi cần thiết trong cuộc sống của mình hay họ đang thay đổi sai hướng.
• Thiếu tự tin. Họ không tự tin rằng kết quả chỉ đến khi có hành động và tri thức.
• Không có kế hoạch hành động. Họ bị quá tải hoặc đang chờ đợi mọi thứ đúng trật tự. Họ không có kế hoạch hành động nào.
• Không thực sự muốn. Họ không muốn phải trả bất cứ giá nào.
Mục tiêu của họ chỉ là ước mơ và không gì hơn. Họ đang sử dụng những nỗi tuyệt vọng bên ngoài như động lực của mình, hoặc họ đang sống theo cách người khác muốn.
CÔNG THỨC ĐỘNG LỰC: TÌM RA CÔNG TẮC VÀ BẬT NÚT ĐỘNG LỰC LÊN
Các nhà thuyết phục giỏi sẽ vượt qua những thử thách một cách có hệ thống theo cách khán giả muốn. Bạn có thể áp dụng các Công thức Động lực vào mỗi đối tượng cụ thể.
Làm thế nào bạn có thể tối đa hóa các công thức động lực? Hãy nhìn vào yếu tố đầu tiên trong Công thức Cảm hứng: Mong muốn. Để tạo động lực thành công cho khán giả, điều đầu tiên bạn cần hiểu là họ muốn gì. “Mong muốn” là điều khán giả cần, mục tiêu và cái đích họ hướng tới.
Yếu tố thứ hai của công thức Cảm hứng là Phần thưởng. Nói cách khác, đó có phải là một thứ giá trị khiến khán giả của bạn hành động? Phần thưởng gì sẽ khiến họ hành động? Họ muốn đạt được điều gì nếu hành động như vậy? Thứ họ thực sự cần? Họ có hiểu hết giá trị của phần thưởng đó không? Họ có thể cảm nhận, sờ hay nếm được nó không?
Khi nhìn vào vế trên trong Công thức Thất vọng, bạn sẽ thấy yếu tố Nỗi sợ hãi. Đúng vậy, đôi khi nỗi sợ hãi và tuyệt vọng rất cần thiết để tạo động lực cho con người. Nỗi sợ hãi khiến con người muốn chạy trốn. Mối quan tâm của họ là gì, điều gì khiến họ sợ hãi hay lo lắng? Sự hoang mang, lo lắng và điều khiến họ lo sợ đều phụ thuộc vào yếu tố này.
Yếu tố thứ hai của Công thức Thất vọng là Hậu quả. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không có bất cứ động lực nào? Hình phạt là gì? Cái giá phải trả của việc không thay đổi hướng đi? Là một nhà thuyết phục, bạn phải làm sống dậy những kịch bản tồi tệ trong tâm thức khán giả của mình.
Những yếu tố còn lại đều xuất hiện ở cả Công thức Cảm hứng và Công thức Thất vọng. Yếu tố tiếp theo của cả hai công thức chính là Công cụ. Khán giả có cần những công cụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bạn yêu cầu không? Họ có năng lực để thực hiện đúng những yêu cầu đó? Họ có kiến thức hay trí thông minh để biến lời kêu gọi của bạn thành hành động không? Họ có các nguồn lực cần thiết (phương tiện, tài chính, mối quan hệ hay sự tự tin) để hoàn thành nhiệm vụ không?
Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển tới phần cuối cùng của các công thức, nơi mọi thứ đòi hỏi phải thật sự tinh tế, khéo léo. Nhiệm vụ bạn yêu cầu khán giả thực hiện khó khăn tới mức nào? Quan trọng hơn, khán giả đánh giá nhiệm vụ đó khó khăn như thế nào? Họ có đánh giá nó khó khăn hơn thực tế? Họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ bạn đang yêu cầu không? Họ có cảm thấy thời hạn bạn đưa ra đủ để thực hiện yêu cầu? Họ có động lực để hoàn thành tới cùng nhiệm vụ đó?
Với những công thức này, bạn có thể phân tích được khán giả của mình. Khi hiểu mỗi yếu tố của công thức động lực, bạn có thể tùy cơ ứng biến giúp họ được tạo động lực và thực thi nhiệm vụ vào bất cứ thời điểm nào.
SỰ CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG
Một cách khác để thúc đẩy khả năng tạo động lực cho bản thân và người khác đó là cân bằng mọi thứ trong cuộc sống của bạn. Các nhà thuyết phục giỏi biết điều chỉnh cuộc sống của mình và giữ mọi thứ ở trạng thái cân bằng. Tôi gọi sự cân bằng tinh tế này là “Mối liên kết trong cuộc sống”. Hãy đảm bảo rằng bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn cũng đều được cân bằng. Sự mất cân bằng có thể làm giảm động lực, gây ra sự trì trệ và bất hạnh. Đôi khi chúng ta từ bỏ sớm cũng bởi sự mất cân bằng, dù không nhận ra được sự hiện diện của nó. Sự mất cân bằng có thể diễn ra ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của chúng ta, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới cả những khía cạnh khác.
Bạn hãy tự hỏi: “Tôi có nên đầu tư vào một quỹ tương hỗ riêng của mình? Tôi có nên đề xuất gia đình hay bạn bè cùng tham gia?” Đây là những câu hỏi khó, nhưng những câu trả lời lại rất cần thiết để giúp bạn đi đúng hướng. Hãy nhìn vào những cổ phiếu bạn đã đầu tư trong cuộc đời. Cổ phiếu nào đang kéo đổ phần còn lại trong danh mục đầu tư của bạn? Bạn sẽ đầu tư nhiều hơn vào quỹ tương hỗ cá nhân của mình hay số tiền trong đó đang giảm dần? Hoặc do nguồn vốn của bạn bị ứ đọng? Nếu bạn không đầu tư cho quỹ tương hỗ cá nhân của mình thì ai sẽ đầu tư?
Khi nhìn vào cuộc sống, bạn phải nhận ra rằng nó không tồn tại từng phần, mà hơn cả, nó là một phần của tổng thể chung. Mỗi phần hoặc sẽ trợ giúp hoặc gây ảnh hưởng đến những phần còn lại trong cuộc sống của bạn. Mục tiêu của chúng ta là khiến cho tất cả các khía cạnh cùng hoạt động tạo ra một quỹ tương hỗ hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sẽ nhận thấy mình đang đầu tư quá nhiều vào một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Khi làm như vậy, bạn đã tạo ra sự mất cân bằng. Thậm chí, một thứ gì đó quá tốt cũng có thể dẫn tới thảm họa.
Khi đầu tư cho bản thân, bạn phải chắc rằng mình đang đa dạng hóa sáu lĩnh vực sau:
Tài chính
Nếu không thể quan tâm tới các nhu cầu tài chính, bạn sẽ không thể đảm bảo được các nhu cầu cơ bản của mình. Nếu bạn xao lãng mảng tài chính, sự mất cân bằng sẽ nảy sinh. Chúng ta đều biết rằng không có khả năng chi trả các hóa đơn sẽ ảnh hưởng tới bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống. Tự do về tài chính sẽ đảm bảo cho chúng ta tìm được sự cân bằng đích thực cho cuộc sống của mình.
Thể chất
Nếu sức khỏe không tốt, bạn không thể nghĩ về bất cứ khía cạnh nào khác trong cuộc sống. Trước tiên, bạn cần có một kế hoạch lành mạnh. Bạn có hiểu về chế độ dinh dưỡng và các bài tập thể dục không? Việc thiếu sức khỏe hay năng lượng sẽ làm giảm giá trị quỹ tương hỗ cá nhân của bạn.
Cảm xúc
Chúng ta là những sinh vật có cảm xúc. Cảm xúc của chúng ta giống như một chiếc máy điều chỉnh nhiệt tự động hay dụng cụ đo công-tơ-mét trên ô tô vậy; nó cho chúng ta biết khi nào và ở đâu có thể tạo ra những thay đổi trong cuộc đời. Bạn không thể để cho các cảm xúc như giận dữ, oán giận, thất vọng, ghét bỏ và ghen tức kiểm soát cuộc sống của mình. Bạn phải làm chủ chúng nếu muốn làm chủ được hành động của mình.
Trí tuệ
Sự phát triển cá nhân là thứ khiến bạn háo hức, tạo động lực và nhiệt huyết cho bạn. Bạn tiếp tục học hỏi và phát triển. Sự khai sáng cá nhân là điều chúng ta cần phải đạt được mỗi ngày. Việc thiếu hụt sự phát triển cá nhân sẽ khiến chúng ta trở nên tiêu cực, hoài nghi và bi quan.
Tâm hồn
Bạn phải đồng điệu với bản thân cũng như nơi bạn đang tới. Chúng ta có tâm hồn. Chúng ta định nghĩa về tâm hồn theo những cách khác nhau. Nó có thể phục vụ người khác, mang tính tôn giáo, suy ngẫm hay quay trở về với tự nhiên. Bạn cần dành thời gian để lắng nghe tiếng nói bên trong và nắm bắt được tâm hồn mình.
Xã hội
Chúng ta đều là những sinh vật của xã hội. Sức mạnh lớn nhất và tính cách của chúng ta bắt đầu từ những mối quan hệ. Nó là một phần không thể thiếu trong hạnh phúc và sự cân bằng của mỗi người. Bạn phải nhận ra ý nghĩa và mục tiêu để có được một cuộc sống đầy đủ. Không ai có thể tồn tại khi chỉ có một mình.
Chúng ta thường dành quá nhiều thời gian để dạo chơi và đầu tư vào những cổ phiếu vô giá trị hoặc đang làm giảm giá trị quỹ tương hỗ của mình. Chúng ta bận rộn với việc mua những cổ phiếu của xã hội đến nỗi quên kiểm tra xem cổ phiếu này đang giúp ích hay làm hại mình. Một vài lần bạn cần bán cổ phiếu (thay đổi một thói quen hay niềm tin của mình) vì nó không hiệu quả. Chúng ta cần phải luôn đảm bảo rằng mình đang nuôi dưỡng nguồn quỹ và tiếp tục đầu tư vào những thứ đúng đắn trong cuộc đời. Nếu xao lãng bất cứ yếu tố nào trong sự cân bằng cuộc sống, chúng ta sẽ đánh mất toàn bộ hạnh phúc và thành công của mình.
CHÌA KHÓA CƠ BẢN: ĐỘNG LỰC LÂU DÀI
Động lực bắt đầu bằng một tầm nhìn rõ ràng và mạnh mẽ. Các nhà thuyết phục giỏi có thể giúp người khác tin rằng họ sẽ thành công theo cách họ đang được tạo động lực. Không ai thích thất bại cả. Cách tốt nhất để vượt qua hàng trăm mối nghi ngờ là hãy thấm nhuần tầm nhìn chiến thắng cho khán giả của bạn. Hãy nghĩ rằng chúng ta có thể chiến thắng và coi chiến thắng là động lực bên trong của mình. Huấn luyện viên Olympic Charles Garfield từng nói rằng những vận động viên thành công nhất luôn được dẫn dắt bởi cảm giác về sứ mệnh.
Các nhà thuyết phục giỏi thể hiện chiến thắng trước khán giả. Khi mọi người cảm nhận được chiến thắng hay thành tựu, họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh để đạt được các mục tiêu của mình. Họ sẽ tìm ra cách để thành công và chiến thắng. Tuy nhiên, nếu cảm nhận được thất bại, họ sẽ ít sử dụng tới nỗ lực cá nhân. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra nhiều lý do và thể hiện mình thiếu năng lượng vì những nguyên nhân đó. Bạn có thể tạo ra nhiều lý do có vẻ thuyết phục, nhưng chúng vẫn chỉ là lý do, không phải là kết quả.
Dù bạn có đeo dải lụa lên đầu con dê, thì nó cũng vẫn chỉ là một con dê mà thôi.
— NGẠN NGỮ AI-LEN —
Động lực là một nghệ thuật thực sự. Khi hiểu bản chất tự nhiên của con người và vai trò của sức ảnh hưởng, bạn sẽ không chỉ có khả năng tạo động lực cho mình mà còn có thể tạo động lực và truyền cảm hứng cho người khác.
Truyện ngụ ngôn: Những chú khỉ khiêu vũ
Ông vua nọ nuôi một vài chú khỉ thông minh biết cách khiêu vũ và biểu diễn. Những chú khỉ này đều rất giỏi bắt chước hành động của con người. Khi khoác lên những bộ trang phục đẹp đẽ và được trang điểm, chúng nhảy đẹp như bất cứ ai. Chúng thường được tán dương liên tục cho tới khi có một khán giả tinh nghịch ném một nắm kẹo lên sân khấu. Vừa nhìn thấy kẹo, lũ khỉ đã quên ngay công việc của mình và không nhảy nhót gì nữa. Chúng trở lại là những chú khỉ (thực tế là vậy mà) chứ không còn là những diễn viên. Chúng bỏ mặt nạ ra, xé bỏ quần áo và đánh đấm lẫn nhau để tranh giành kẹo. Cuộc khiêu vũ kết thúc bằng những tiếng cười và sự chế nhạo của khán giả.
Ý nghĩa: Hãy tạo động lực cho bản thân. Đừng theo đuổi mơ ước của xã hội; hãy bắt đầu từ những mơ ước của chính mình. Hãy nhận ra bạn thật sự là ai. Đừng để những chiếc kẹo nhỏ làm chệch hướng cuộc sống của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.