Kẻ làm người chịu
MẠNG BẠC ĐÀNH CAM
Lý Chánh Tâm tánh tình nóng nảy, vì tiếng thiên hạ khinh khi, mà chàng phải bỏ nhà tốt xa mẹ già phân rẽ con nhỏ vợ hiền đi Tây mà học. Chàng qua Tây rồi thì chàng cần cố, không thèm chơi bời chi hết, cứ lo học ngày, học đêm; quyết chí học cho thành danh, đặng ngày sau trở về quê xưa, họ hết khi dễ nữa. Chàng học mãn năm ba năm thi đậu lãnh được bằng Tú Tài lần thứ nhứt. Bà Tổng hay tin bà lấy làm mừng nên đánh dây thép khuyên chàng về. Chàng không chịu về, rán ở mà học thêm một năm nữa, thi đậu Tú tài lần nhì. Chàng bèn đánh dây thép xin mẹ mười ngàn quan đặng đi du lịch chơi cho biết xứ người rồi về. Bà Tổng mừng con được thành danh, nên bà gởi tiền liền.
Trong khoản bốn năm Chánh Tâm ở bên Tây thì mẹ ở nhà mạnh khỏe, vợ con cũng bình thường. Cẩm Vân tuy thương nhớ chồng, song nàng nhờ có chút con, ngày đêm mắc lo săn sóc nó nên nàng khuây lãng, không buồn chi cho lắm. Chánh Hội lần lần rồi biết đi, tối ngày lẫm đẫm đi cùng nhà kêu má rân rân đập đồ rổn rổn.
Ở nhà việc nào cũng yên ổn, duy chỉ có việc của Tố Nga thì lộn xộn lắm mà thôi. Từ ngày nàng sanh Phùng Sanh ra rồi, thì Phùng Xuân lân la tới hoài. Mà một là vì chàng đặng kiện, hai là vì chàng biết Phùng Sanh không phải là con của chàng, bởi vậy từ khi Chánh Tâm đi rồi thì chàng đứng mạnh mẽ nói chuyện cứng cỏi, chớ không phải lỏn lẻn òn ỷ như trước nữa. Tố Nga lơ lãng hổ thẹn, nên lánh mặt không chịu nói chuyện với chàng. Mà chàng không giận vợ, không ghét con, lần nào vô nhà thì cũng xông pha như thường, nhiều khi chàng lại bồng Phùng Sanh mà giỡn nữa.
Tố Nga thấy cử chỉ của chồng mình như vậy thì nàng lấy làm khó chịu không biết chừng nào. Thà là Phùng Xuân bắt tội nàng, là gái đã có chồng mà lấy trai, mắng nhiếc chửi bới cho đến nước rồi bỏ đi thì nàng bị xấu một lần rồi thôi, khỏi thẹn mặt cực lòng nữa, chớ vợ thất tiết mà chàng giả đò không biết, con tập tàng mà chàng làm bộ không hay, cứ lân la đeo đuổi hoài, nàng đau đớn hổ thẹn thầm trong lòng luôn luôn thì vui vẻ sao cho được.
Đêm nào cũng như đêm ấy, Tố Nga nằm một bên con, nước mắt tuôn dầm dề. Nàng không biết liệu thế nào mà gỡ mối sầu cho được. Nàng muốn phiền trách mà biết phiền trách ai bây giờ? Đã biết Phùng Xuân ở với mình có nhiều việc không phải lắm song nếu chồng không phải thì nói ra minh bạch cho chồng biết rồi dứt mối cang thương đi, chớ sao ấp ứ để trong lòng, chồng còn sờ sờ đó lại đi lấy trai cho đến nỗi có thai có nghén.
Đã biết tại Trọng Quí nói với mình nhiều tiếng hữu tình hữu nghĩa, làm cho mình gìn vàng giữ ngọc không được, nên mới gây nỗi thảm ngày nay, song phận đàn bà con gái phải lấy tri nh tiết làm đầu, sao lại để tiện giá ô danh rồi bây giờ lại trở mà oán trách. Mình đừng có trách ai hết, mình phải trách mình mà thôi. Tại mình không có trí lúc ở với chồng không biết làm cho chồng yêu, đặng khuyên giải dìu dắt chồng vào đường phải. Tại mình không có hạnh, đối với đàn ông con trai mình không giữ khít khao, nên Trọng Quí mới dám gắm ghé. Tại mình lẳng lơ vừa thấy trai thì muốn liều, không suy đi xét lại.
Tố Nga tự nhận lỗi rồi thì nàng lửng đửng lờ đờ như như kẻ không hồn, như người thất chí. Cái thân hủ bại nầy kể chi là xấu tốt, còn biết đâu là hư nên mình tốt chi đây mà được phép chê người ta, dầu ai cho mấy nữa cũng không hư như mình vậy. Thôi, cái kiếp khốn nạn nầy trời khiến thế nào thì phải xui theo thế ấy, để coi đến bao giờ mới trả sạch kiếp hồng nhan! Vì Tố Nga nghĩ như vậy, nên nàng không tưởng tới Trọng Quí, mà Phùng Xuân đến nhà nàng cũng bớt e lệ thẹn thùa.
Đến năm Chánh Tâm ở bên Tây được Tú Tài lần thứ nhứt thì Phùng Xuân ở bên nầy làm việc chi quấy đó không biết, mà bị quan trên cách chức thông ngôn, Phùng Xuân không có chỗ nương dựa, mà cũng không có thế nương dựa, mà cũng không có thế làm ăn, chàng bèn chở một rương quần áo về ở đại với mẹ vợ.
Tuy Bà Tổng Hiền không ưa con rể, nhưng vì Tố Nga kiện đã thất rồi mà nàng lại có con lòng dòng đó nữa, bởi vậy bà không nỡ, mà thiệt bà cũng không dám xua đuổi Phùng Xuân, bà đánh liều để cho chàng ở tự do, miễn là chàng không làm nhọc lòng cho con bà thì bà không rầy rà chi hết.
Phùng Xuân ở đó cứ mơn trớn với vợ, cứ theo giỡn hớt với con hoài. Cách năm bảy tháng chàng thỏ thẻ nói với vợ rằng, nhà nước đã làm đường từ Sài Gòn thông hành xuống mấy tỉnh dưới là Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Trà Vinh nếu có vốn sắm xe hơi cam nhông mà đưa hành khách thì ắt có lợi lớn. Chàng xúi vợ xin Bà Tổng vài chục ngàn đồng bạc để đặng chàng ra làm việc, chừng nào chàng làm ăn khá thì chàng sẽ trả vốn lại.
Tố Nga tuy biết chồng lập kế mà giựt của song từ khi nàng có vít rồi, thì mọi việc nàng đều xuôi xị, không cãi cọ, không tranh hơn thua với ai hết bởi vậy nàng nghe chồng xúi xin tiền, nàng muốn cho xong việc, nên nàng gặc đầu hứa rằng, để thủng thẳng rồi nàng sẽ nói với mẹ. Trong vài ba bữa thì Phùng Xuân nhắc một lần, mà lần nào chàng nhắc, thì cũng ừ ừ song nàng không dám hở môi với mẹ việc ấy.
Một bữa nọ, Phùng Xuân làm giận, hăm vợ nếu nàng không chịu nói, thì chàng sẽ nói ngay với Bà Tổng, coi bà có chịu cho hay không đặng chàng có tính việc khác, Tố Nga khóc mà nói dối với chồng rằng, nàng đã có nói với mẹ rồi, song mẹ nhứt định không chịu ra tiền, Phùng Xuân nghe vợ nói như vậy thì sắc mặt đầm đầm, rồi trọn mấy ngày chàng không nói không cười, bữa nào chàng cũng đi tối ngày, coi bộ như chàng đang tính việc gì quan hệ lắm vậy.
Ngày Chánh Tâm ở bên Tây đánh dây thép nói rằng, chàng đã đậu Tú tài ky nhì rồi và chàng ở du lịch chơi chừng một tháng rồi chàng về thì cả nhà cả thẩy vui mừng. Tố Nga là người hết biết vui, mà mấy bữa ấy nàng cũng vui. Tối lại Phùng Xuân mới nói với vợ rằng, chàng xin làm việc nhà băng đã được rồi, song ông chủ buộc chàng phải ra Bắc mà giúp việc ngánh[1] ở Hà Nội. Chàng khuyên nàng phải sửa soạn hành lý đặng đi với chàng.
Tố Nga nghe nói chưng hửng, nhướng mắt nhìn chồng rồi đáp rằng:
– Thầy có đi thì đi một mình, chớ tôi theo sao được.
– Sao lại theo không được? Ai cản mình hay sao?
– Má già yếu quá, tôi đi xa rồi làm sao…
– Hứ! Khéo lo dữ hôn!
– Tôi khuyên thầy đừng có đi. Như thầy muốn làm việc xin làm ở đây cũng được, cần gì phải đi xa.
– Muốn ta ở lại thì phải đưa hai mươi ngàn đồng bạc đây. Chớ muốn ta ở đây mà không chịu lọt tiền bạc thì ta ở sao được.
Tố Nga ngồi rưng rưng nước mắt. Nàng suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: ”Tiền bạc của má chớ phải của tôi hay sao, mà thầy trách tôi“.
Phùng Xuân trợn mắt đáp rằng:
– Của ai cũng vậy chớ! Muốn ở đây bình yên thì đưa bạc ra đặng ta lập hãng xe hơi. Còn như tiếc tiền thì thôi đi. Ở đây mà làm gì? Mình không chịu đi cũng được. Vợ chồng có hôn thơ hôn thú có con có cái, mình không đi ta thưa với quan Biện lý rồi ta kéo cổ chớ.
– Tôi đi tôi bỏ má sao đành!
– Hứ! Tưởng má thương yêu gì hay sao mà bịn rịn. Phải thương thì giúp cho ta làm ăn.
– Khó lắm! Tôi đi không được đâu.
– Khó cái gì? Sao mà khó. Nầy nói cho mà biết đừng có tưởng ta dại. Thằng nầy không phải đồ ngu đâu. Mình muốn ở lại một mình đặng kiếm thêm ít đứa con nữa phải hôn? Thằng nầy dễ lắm mà! Đẻ con cứ khai Lê Phùng Xuân là cha có hại chi đâu mà sợ, nên không dám đẻ. Mình thiệt là đồ khốn nạn!
Tố Nga lấy làm hổ thẹn, nên ngồi gục mặc mà khóc, không dám ngó chồng. Phùng Xuân chấp tay sau đít, đi qua đi lại, rồi cùn quằn nói hẵn rằng: “Như mình muốn bình yên, thì đưa hai mươi ngàn đồng bạc đây. Nếu không chịu đưa thì phải đi Bắc với tôi. Tôi làm ơn nói trước cho mình biết, hễ mình dùng dằng không chịu theo tôi thì tôi vào đơn nơi quan Biện Lý mà xin phép bắt mình. Tôi lại nói cái thói lăng chạ của mình cho má biết, rồi tôi cũng mướn nhựt báo phanh phui việc con ông Tổng có chồng, thằng chồng còn sờ sờ đó, mà dám lấy trai, đẻ ra được một đứa con rồi khai tên họ của chồng là cha của đứa trẻ tập tàng ấy, tôi làm như vậy đặng nêu gương tốt cho Lục châu họ biết bắt chước… Hứ! Thứ đồ hư! Tốt dữ! Tháo trúc lộn chồng, tưởng về ở với mẹ làm sự chi, té ra đặng lấy trai!”
Tố Nga nhục nhã quá nàng chịu không được nên cặp mắt ướt đầm, đưa tay mà khoát và nói rằng: ”Tôi lạy thầy, xin thầy đừng có nói nhiều lời. Thầy muốn đi đâu tôi cũng đi hết thảy.”
Phùng Xuân châu mày và gặc đầu mà nói rằng:
“Không đi sao được. Sữa soạn cho sẵn đi, trong ba tuần nữa, hễ ngoài Hà Nội trả lời thì tôi đi liền đa nói trước cho mà biết“.
Thân phận của nàng Tố Nga lúc nầy thiệt là khổ, mẹ đã già mà lại bịnh hoạn, nếu đi theo chồng thì bỏ mẹ sao đành. Mà không theo thì không được, vì chồng nầy, là chồng vô lương tâm, hễ không theo nó thì ắt nó khai cái hư của mình ra, rồi phận mình mang nhơ nhuốc đã đành, thảm cho mẹ mình vô can mà cũng bị lây tiếng xấu, chắc là mẹ mình buồn rầu phải chết gấp. Còn một tháng thằng em mình ở bên Tây gần về đây nữa; nếu để đổ bể nó hay được, thì còn mặt mũi nào mà dám ngó nó. Bây giờ mình muốn vẹn toàn, thì hai muôn đồng bạc mới êm, mà đâu có mà thí? Khổ thiệt! Khổ lắm!
Có lẽ trong lúc nầy nếu Tố Nga viết thơ mà tỏ thiệt với Trọng Quí thì không biết chừng Trọng Quí ra hai muôn đồng bạc mà gỡ rối cho nàng. Lại nếu nàng buộc Phùng Xuân phải xui thuận mà phá hôn thú rồi nàng sẽ cho hai muôn đồng bạc, thì có lẽ Phùng Xuân cũng chịu. Ngặt vì đương bối rối nàng không nhớ tới mấy kế ấy, nàng cứ nằm khóc thầm hoài, thậm chí Cẩm Vân là em dâu nàng tin cậy, mà nàng cũng không mượn tính giùm.
Một đêm nọ, lối ba giờ khuya, Tố Nga thức dậy bước ra ngoài, thấy mẹ đương ngồi trên ván và ăn trầu. Nàng lẩm bẩm một bên rồi và khóc và nói với mẹ rằng, Phùng Xuân xúi nàng xin hai muôn đồng bạc đặng lập hãng xe hơi đưa hành khách; nàng không chịu xin bây giờ chàng buộc nàng phải đi theo chàng ra Bắc mà làm việc.
Bà Tổng nghe con nói như vậy thì bà nổi giận, bà trợn mắt đáp rằng: ”Tiền đâu mà cho thứ quân đó! Một đồng xu cũng không được, lựa mà tới hai muôn! Hứ, khéo đèo bồng hôn! Xưa rày nó thấy tao lặng thinh để cho nó ở đó, nó tưởng đâu tao thương nó lắm đa há? Thây kệ nó! Nó muốn đi đâu nó đi, mầy đi theo nó làm chi.“
– Má không chịu cho tiền nó đi. Mà hễ nó đi thì con phải đi theo, chớ con ở lại không được.
– Sao vậy? Sao mà ở lại không được?
– Theo luật hễ chồng ở đâu thì vợ phải theo ở đó. Con xin phá hôn thú không được nếu con cứ ngạnh không chịu theo chồng, thì nó thưa với quan Biện Lý bắt con, thế thì con không theo nó sao được.
– Luật gì mà kỳ cục vậy?
– Tại luật như vậy biết sao bây giờ.
– Ê! Đừng có nói nhiều chuyện. Tao không cho mầy đi đâu hết. Nó muốn đi thì nó đi, thây kệ nó.
– Không được đâu má. Nếu má ngăn cản nó làm rầy rà đây càng thêm xấu hổ.
– Xấu hổ nỗi gì? Sao mà xấu hổ?
Tố Nga nói không được nữa, nên cứ ngồi mà khóc Bà Tổng thấy vậy mới nói rằng: ”Mầy có thương nó lắm, thôi thì mầy đi đâu mầy đi đi. Tao không biết đến mầy nữa“.
Bà nói dứt lời rồi đứng dậy đi vô phòng mà nằm. Tố Nga cứ ngồi mà khóc, không biết liệu lẽ nào cho khỏi mang tiếng nhơ nhuốc, mà cũng khỏi mẹ giận.
Qua ngày sau Tố Nga theo năn nỉ mẹ đừng có buồn, nàng nói dối rằng, để cho nàng theo chồng ra Hà Nội một vài tháng đặng nàng lập thế xin để xong rồi thì nàng trở về liền, chớ bây giờ nàng không có phép nào mà chống cự được. Tố Nga nói riết thì bà hết giận song bà buồn bực lắm.
Cách vài ngày Bà Tổng sửa soạn đồ mà đi Láng Thé. Tố Nga với Cẩm Vân xin mẹ đừng có đi, hai nàng theo nói rằng, Chánh Tâm có lẽ đã xuống tàu rồi. Mà Tố Nga có lẽ cũng đi Hà Nội, vậy thì mẹ nên ở lại Sài Gòn đặng rước Chánh Tâm và đưa Tố Nga luôn thể. Bà Tổng lắc đầu nói rằng: “Tao ở không được. Để cho con Tố Nga nó đi yên. Tao ở đây tao nổi giận chắc là phải sanh giặc. Như thằng Chánh Tâm nó có về tới, thì nó chạy về dưới nó thăm tao cũng được“.
Bà Tổng dắt con Nên đi về Láng Thé. Bà đi bữa trước qua bữa Phùng Xuân cho Tố Nga hay rằng, có giấy của ông chủ hãng ngoài Hà Nội gởi vô chịu cho chàng ăn lương mỗi tháng tám chục đồng và dạy cho chàng trong mười ngày nữa phải xuống tàu mà đi. Chàng thấy Bà Tổng giận đã bỏ về Láng Thé rồi, thì chàng biết không thế nào khảo tiền nữa được, bởi vậy chàng làm ngặt cứ theo thối thúc Tố Nga sửa soạn mà đi với chàng.
Tố Nga không còn thương yêu, không có tình nghĩa gì với chồng nữa. Nhưng vì nàng giận lẩy một chút mà làm lỡ một cái quấy rất lớn rồi, mấy năm nay nàng ăn năn đêm ngày, mà cũng không nguôi ngoai được, bởi vậy bây giờ nàng nghe chồng biểu đi thì nàng rui rúi vưng lời, một là nàng sợ nếu chống cự chi cho khỏi Phùng Xuân phanh phui việc xấu của nàng, hai là nàng quyết đầy đọa tấm thân đặng chuộc cái quấy của nàng làm ngày nọ, mà bây giờ dấu tích hãy còn sờ sờ trước mắt hoài đó.
Tuy đi thì nàng chiu đi, song tối lại nàng nằm xét thân phận thì nước mắt tuôn dầm dề. Mạng số gì mà bạc bẽo đến thế nầy! Mình có sắc, có hạnh, lại sanh trong nhà có tiền, mà sao trời đất lại khiến cho mình gặp một người chồng vô tình bất nghĩa như thế! Tại chồng mà mình chẳng biết chi là vui sướng, mà cũng tại chồng nên mình mới xủ tiết ô danh, cái thân vô phước nầy mình đem đầy đọa, cái danh thất tri nh nầy mình đem vùi lấp thì đã đành, thảm thay cho chút mẹ già, mình ra đi rồi, khi ương yến biết nhờ ai rót chén trà, hâm siêu thuốc. Đã biết em ruột mình nay mai đây nó sẽ trở về, nhưng mà đàn ông con trai thường hay bơ thờ, có thể nào mà nó biết săn sóc mẹ cho bằng mình. Đã biết em dâu mình là gái hiền đức, có ý tứ thì nó biết cung kính mẹ chồng nhưng mà phận nàng dâu, dầu có hiểu đi cho mấy đi nữa, cũng không bằng con gái được.
Tố Nga xét tới lời đó nàng đứt ruột nát gan, nhưng vì sự bất đắc dĩ nàng không thể không đi được, nên nàng tính để đến ngày gần xuống tàu, nàng sẽ tỏ tâm sự của nàng cho Cẩm Vân biết rồi cậy em dâu ở nhà thay thế nuôi dưỡng săn sóc mẹ giùm cho nàng.
Nàng lo cho phận mẹ rồi, nàng lại buồn cho nỗi con. Tuy Phùng Sanh là cái dấu tích ô danh xủ tiết của nàng, song Phùng Sanh giống hệt Trọng Quí, nên nó làm cho nàng quyết quên phứt Trọng Quí mà khó nỗi quên được, tuy tại nó mà bây giờ nàng phải khổ thân thất chí như vầy, song nó là con của nàng banh da xẻ thịt mà đẻ nó ra đó, nên nàng coi như vàng như ngọc. Hôm nay nàng đi theo chồng, mà con thế ấy, còn chồng như vầy, biết liệu làm sao? Nàng suy nghĩ hết sức. rồi nàng nói thầm trong trí rằng, Phùng Sanh là con của mình, hễ mình đi đâu thì nó theo đó. Ai thương ghét mặc ai, miễn là mình bảo bọc cho nó thì đủ rồi, chừng nào mình chết rồi thì họ mới có thể hành hà thân nó được.
Tuy Tố Nga nghĩ như vậy, song nàng cũng không an lòng. Đã biết Phùng Sanh là con của nàng đẻ, nhưng mà nó là con của Trọng Quí. Bấy nay nàng ở đây chẳng nói làm chi mà bây giờ nàng đem nó đi xa, có lẽ nên cho Trọng Quí hay mới phải. Mà cho hay rồi có ích gì? Đã mấy năm rồi nàng dứt tình Trọng Quí, không có thơ từ tin tức chi hết. Lửa lòng đã dập, còn khêu ngọn nữa làm chi?
Tố Nga dụ dự cho đến vài bữa, rồi chăng hiểu nàng nghĩ thế nào mà nàng lén viết một bức thơ gởi tuốt xuống Cần Thơ cho Trọng Quí. Cũng chẳng hiểu trong thơ nàng nói Trọng Quí những chuyện gì, mà cách bốn năm ngày sau, nhầm buổi sớm mơi, Phùng Xuân mắc đi chợ mua đồ còn Cẩm Vân thì mắc săn sóc con trên lầu, Tố Nga nằm một mình dàu dàu trên bộ ván, thình lình có người bước vô cửa phát thơ. Tố Nga lồm cồm ngồi dậy lấy thơ, vừa xem ngoài bao thì biến sắc, rồi thủng thẳng xé bao ra mà đọc.
Dầu không nói ra, ai cũng biết thơ ấy là thơ của Trọng Quí. Mà chưa hiểu trong thơ nói những chuyện gì, thì đã thấy Tố Nga chắc lưỡi lắc đầu, tay cầm bức thơ xăm xăm đi lên lầu, trên mặt hai hàng nước mắt nhiễu giọt.
Cẩm Vân, ở trong phòng, ngồi tại cái ghế để dựa cửa sổ, một tay thì ôm con trong lòng, còn một tay thì cầm lược nhỏ mà chảy tóc cho nó. Chánh Hội đã được năm tuổi rồi, đi giỏi quánh, mà nói cũng đủ hết. Nó cầm tấm hình của cha nó mà coi rồi ngước mặt lên hỏi mẹ nó rằng: ”Má nói ba về, mà sao lâu tới quá vậy má?”
Cẩm Vân chưa kịp trả lời, thì Tố Nga ở ngoài xô cửa phòng bước vô, cầm cái khăn mu soa chậm cặp mắt lia lịa, mà sao nước mắt cứ tuôn ra hoài. Cẩm Vân bồng con đứng dậy, mắt ngó chị trân trân và hỏi rằng: ”Chị bằng lòng theo anh hai cũng phải lắm rồi, mà sao chị buồn rầu dữ vậy?”
Tố Nga ngồi xè trên giường và lắc đầu đáp rằng: ”Chị phải chết mới xong… Cái thân chị không thể sống được nữa”.
Cẩm Vân nghe nói như vậy thì châu mày rồi bồng con bước ra đứng trên đầu thang lầu kêu con Lại mà biểu bồng Chánh Hội xuống dưới chơi. Chừng nàng trở vô phòng, nàng thấy Tố Nga ngồi trên giường mà khóc ấm rút, thì nàng khép khít cửa lại rồi ngồi một bên chị mà rằng:
– Chị còn việc chi mà làm cho chị sầu não nữa hay sao?
– Đây nè, em coi đó thì biết.
Tố Nga nói dứt lời liền trao phong thơ nàng mới được hồi nãy đó cho Cẩm Vân. Cẩm Vân mở thơ mà coi thì thơ nói như vầy:
Chère Cô Hai
Đã mấy năm nay rồi tôi mới được thơ của cô, mà tôi đọc thơ rồi thì tôi phiền cô lung lắm.
Cô hai ôi, vì có lời cô dặn nên tôi phải vâng, tôi không dám cho cô thấy mặt tôi nữa, nhưng mà tôi vẫn đã nói với cô rằng, tôi sẵn sàng đứng một bên mà bảo hộ cho cô luôn luôn, hễ ngày nào cô có việc chi nguy hiểm thì tôi sẽ ra tay mà nưng đỡ.
Mấy năm nay cô vì tôi mà não lòng thẹn mặt, tại cớ nào mà cô không chịu thông tin cho tôi hay cho sớm, đặng tôi lập thế mà cứu cô liền, cô cứ để ôm sầu ấp thảm một mình hoài như vậy ?
Tuy cô không nói rõ ra, song tôi đã biết chắc là tại cô sợ tiếng đời cười chê, nên bấy lâu nay cô co tay mà chịu thua chồng, rồi bây giờ cô quyết liều thân mà theo chồng nữa.
Tôi xin phép cô cho tôi nói thiệt với cô rằng: cô muốn vùi lấp thân của cô mà tôi đây là người nặng tình cùng cô, tôi không đành để cho cô làm như vầy đâu. Không, không được. Tôi không chịu cho cô với thằng con của tôi gần người đó nữa. Tôi nhứt định cứu vớt cô cho khỏi tay người chồng khốn nạn ấy. Dầu cô không cho tôi cũng làm. Tôi làm đùa, phải quấy không cần, ai chê cười mặc họ.
Tôi biết ngày nào tàu chạy Bắc kỳ rồi. Ngày ấy sẽ có tôi đón tại cầu tàu mà bắt cô ở lại. Tôi thề quyết thà là tôi tán gia bại sản, thà là tôi bắn chết Phùng Xuân rồi tôi bị đày, chớ tôi không nỡ để cho đứa tiểu nhơn nó đày đọa cái thân của người tôi thương yêu nữa. Bề nào tôi cũng cứu cô và cứu con của tôi. Tôi cứu rồi dầu cô có nghĩ tới tôi hay là cô không nghĩ tôi cũng cam chịu. Bổn phận tôi phải làm, thì tôi làm. Thôi, từ giã cô, đợi ít bữa nữa sẽ gặp nhau.
TRỌNG QUÍ
(Ký thơ)
Cẩm Vân đọc hết bức thơ rồi thì nàng biến sắc, liền day lại hỏi chị Tố Nga rằng:
– Cha chả! Thẩy nói hẳn hòi quá, em sợ thẩy làm thiệt. Vậy chị liệu làm sao bây giờ?
– Qua bây giờ như người không có hồn. Qua không biết tính kế chi hết thôi để qua chết phứt cho êm.
– Chị tính như vậy sao được.
– Qua vì vái danh dự nên qua phải bỏ mẹ, qua phải liều thân. Bây giờ Trọng Quí thẩy thương qua mà thẩy quyết làm cho qua phải mang tiếng một gái mà lấy hai chồng thì qua còn sống mà làm chi mữa. Hễ xấu hổ thì qua phải chết. Thôi thà chết trước cho khỏi mang tiếng xấu với đời, để thầy Trọng Quí làm đổ bể ra rồi thì chết càng thêm nhục.
Cẩm Vân ngồi chống tay lên trán mà suy nghĩ. Tố Nga khóc tấm tức tấm tửi rồi nói nữa: “Qua xin gởi má với thằng Phùng Sanh lại cho em nuôi dưỡng giùm, tâm sự của qua duy có một mình em biết thôi. Qua có chết rồi xin em đừng hở môi cho ai biết mà xấu hổ tổ tông môn của qua.”
Cẩm Vân ngước mặt lên mà nói rằng:
– Còn bốn năm bữa nữa tàu mới chạy. Vậy em khuyên chị cự hẳn với anh hai, đừng chịu theo ảnh. Ảnh giỏi ảnh làm gì thì làm phứt cho rồi.
– Nó rầy rà ra đây thì chị mang xấu.
– Bề gì cũng không giấu được. Thà là ở nhà đây ảnh làm rầy nội nhà mình biết, chớ để ra cầu tàu thầy Trọng Quí ngăn cản ảnh làm rầy rà thiên hạ biết hết.
– Vì sợ tiếng xấu nên mấy năm qua sầu não đêm ngày ăn ngủ không được. Bây giờ có lẽ nào qua lại bươi cái xấu của qua ra hay sao. Thôi em đừng có tính kế chi hết. Qua xin em thay thế cho qua mà nuôi dưỡng giùm má, săn sóc giùm con qua, tội qua làm thì qua phải chịu. Thân qua nếu sống thêm ngày nào thì khổ thêm ngày nấy chớ không vui sướng gì …
– Chị đừng có tính quấy như vậy, không nên đâu. Chuyện gì phải chết. Xin chị cho phép em hỏi chị một điều nầy: tại sao mà chị chịu theo anh hai ra Bắc? Chị đi chi vậy?
– Không đi sao được! Vợ chồng có hôn thơ hôn thú, nếu không đi thì nó thưa với Tòa rồi nó bắt, mà nó lại nói bậy nói bạ càng thêm xấu hổ nữa. Mà cái xấu nầy chẳng phải là xấu một mình qua mà thôi, nó làm rầy rà ra rồi xấu tới cha mẹ anh em nữa chớ. Có phải qua muốn đi làm chi em, vì qua sợ xấu tông môn mình nên qua mới liều thân qua chớ.
Cẩm Vân ngồi châu mày ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi mới nói rằng: “Chị hai, em tính như vầy, để em thưa cho chị nghe coi có được hay không. Sáng mai chị nói với anh hai rồi chị mướn xe hơi về Trà Vinh mà thăm má. Nhơn dịp ấy chị đi thẳng qua Cần Thơ chị cắt nghĩa lợi hại cho thầy Trọng Quí nghe đặng thẩy đừng có rầy rà ngăn cản, thẩy là người học giỏi mà thẩy lại kính trọng chị lắm. Em chắc hễ chị nói thì thẩy nghe lời. Làm như vậy thì chị đi mới êm khỏi mang tiếng chi hết“.
Tố Nga nghe mấy lời khuyên như vậy thì vừa ý nên nàng gật đầu và đáp rằng:
– Em tính như vậy thì cũng được. Qua đã sẵn lòng muốn đi thăm má lắm. Cha chả! mà gặp thầy Trọng Quí khó quá. Qua biết nói giống gì với thẩy? Thôi, em chịu khó đi giùm với qua được hôn? Qua bây giờ hết hồn trí rồi. Em đi với qua đặng chừng giáp mặt thẩy, em giúp lời nói tiếp với qua.
– Chị muốn em đi theo, thì em đi với. Mình đem hết hai đứa nhỏ theo, mình về Trà Vinh thăm má trước, rồi mình sẽ đến Cần Thơ.
Hai nàng bàn tính tới đó, bỗng nghe Chánh Hội với Phùng Sanh la khóc om sòm ở từng dưới, nên lật đật lau nước mắt rồi dắt tay nhau xuống lầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.