Kẻ Trộm Sách
PHẦN HAI
***
CÁI NHÚN VAI
Gồm có:
đứa bé gái được làm từ bóng tối – niềm vui của những điếu thuốc lá – người đi trên phố – những lá thư chết – sinh nhật của hitler – mồ hôi đứa thuần chủng – những cánh cổng của việc ăn trộm – và quyển sách của lửa
ĐỨA BÉ GÁI ĐƯỢC LÀM TỪ BÓNG TỐI
VÀI THÔNG TIN MANG TÍNH THỐNG KÊ
Quyển sách lấy trộm đầu tiên: 13 tháng Giêng, 1939
Quyển sách lấy trộm thứ hai: 20 tháng Tư, 1940
Khoảng cách giữa hai quyển sách lấy trộm nói trên: 463 ngày
Nếu nói thẳng ra, thì bạn sẽ cho rằng tất cả những gì con bé cần thực ra chỉ là một chút lửa, cùng tiếng người la hét. Bạn sẽ nói rằng đó là tất cả những gì Liesel Meminger cần để hiểu được quyển sách thứ hai mà nó lấy trộm, ngay cả khi quyển sách ấy đã bốc khói nghi ngút trong tay nó. Ngay cả khi quyển sách ấy đã ninh chín xương sườn nó.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ:
Đây không phải là lúc để nói huỵch toẹt ra như thế.
Đây không phải là lúc để len lén trông chừng, quay đầu lại hay kiểm tra bếp lò – vì khi
kẻ trộm sách lấy trộm quyển sách thứ hai ấy, không chỉ có rất nhiều yếu tố góp phần vào niềm khát khao được làm như vậy của con bé, mà hành động lấy cắp này đã khởi nguồn cho một bước ngoặt then chốt của điều sẽ xảy đến sau này. Việc này sẽ dẫn dắt con bé đến một nơi để tiếp tục ăn trộm các quyển sách khác. Nó sẽ truyền cảm hứng cho Hans Hubermann để ông ta có kế hoạch giúp một tay đấm Do Thái. Và nó sẽ lại cho tôi thấy rằng, một cơ hội sẽ dẫn dắt trực tiếp đến một cơ hội khác, cũng như một nguy cơ sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ khác, lửa sẽ dẫn đến nhiều đám lửa khác, và một cái chết sẽ dẫn đến nhiều cái chết khác.
Theo một cách nào đó thì đây chính là số phận.
Bạn biết không, người ta có thể nói với bạn rằng nước Đức Quốc xã được xây dựng trên nền tảng là tư tưởng bài Xê-mít, một nhà lãnh đạo hăng hái thái quá, và một đất nước của những niềm tin mù quáng được nuôi dưỡng bằng thù hận, nhưng cái đất nước này sẽ không thành ra như thế nếu người Đức không đặc biệt mê thích một hành động – ấy là đốt cháy mọi thứ.
Người Đức rất thích đốt. Cửa hàng, giáo đường Do Thái, nhà Quốc hội, nhà cửa, những vật dụng cá nhân, thây người chết, và dĩ nhiên là những quyển sách. Họ rất thích đốt sách – điều này mang đến cho những người yêu sách cơ hội chạm tay vào những quyển sách mà bình thường họ không có. Một người có khuynh hướng này, như chúng ta đã biết, là một đứa bé gái mảnh khảnh tên là Liesel Meminger. Có thể nó đã phải đợi bốn trăm sáu mươi ba ngày, nhưng sự chờ đợi này là đáng giá. Vào cuối một buổi chiều có rất nhiều nỗi phấn khích, nhiều điều xấu xa đẹp đẽ, một mắt cá chân đẫm máu, và cái tát từ một bàn tay mà nó vô cùng tin cậy, Liesel Meminger đã viết nên câu chuyện về thành công thứ hai của mình. Cái nhún vai. Đó là một quyển sách màu xanh có chữ đỏ in nổi trên bìa, một bức tranh nhỏ vẽ chim cúc cu ngay bên dưới nhan đề sách, cũng màu đỏ. Khi nhớ lại, Liesel không hề thấy xấu hổ vì đã ăn trộm quyển sách ấy. Trái lại, cảm giác quặn lên trong dạ dày nó khi ấy giống với sự tự hào hơn. Và chính cơn giận dữ và lòng thù hận đen tối của Liesel đã làm bùng lên khao khát ăn trộm quyển sách. Thực ra, vào ngày 20 tháng Tư – sinh nhật Quốc
trưởng – lúc giật lấy quyển sách ấy từ bên dưới một đống tro tàn vẫn còn nghi ngút khói, Liesel là một đứa bé gái được làm từ bóng tối.
Dĩ nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây sẽ là Tại Sao?
Con bé giận dữ về chuyện gì?
Điều gì đã xảy ra trong vòng bốn, năm tháng trước đó để cuối cùng bùng nổ thành một cảm xúc như vậy?
Nói ngắn gọn, thì câu trả lời bắt nguồn từ phố Thiên Đàng, đến Quốc trưởng, cho đến cái vị trí không xác định được của mẹ ruột nó, và lại quay lại từ đầu.
Như hầu hết những nỗi khốn khổ khác, câu chuyện khởi đầu với một niềm hạnh phúc rõ ràng.
NIỀM VUI CỦA NHỮNG ĐIẾU THUỐC LÁ
Đến cuối năm 1939, Liesel đã hòa nhập khá tốt với cuộc sống ở Molching. Nó vẫn có những cơn ác mộng về em trai và nhớ mẹ ruột nó vô cùng, nhưng giờ đây nó cũng có cả cảm giác thoải mái, dễ chịu nữa.
Nó yêu bố nuôi của mình, Hans Hubermann, và cả mẹ nuôi nó, dù bà hay bắt nó làm việc quá sức, thường xuyên đánh đập và xỉ vả nó. Nó yêu mến và căm ghét người bạn thân nhất của nó, Rudy Steiner, và điều này là hoàn toàn bình thường. Và nó yêu một sự thực rằng mặc dầu nó học hành bết bát trong lớp, thì khả năng đọc và viết của nó rõ ràng là đang được cải thiện và sẽ nhanh chóng đạt đến mức độ đáng tôn trọng, ít nhất là tất cả những điều này đều hình thành nên một trạng thái hài lòng, và sẽ nhanh chóng dẫn đến khái niệm Hạnh phúc.
NHỮNG CHÌA KHÓA MỞ RA CÁNH CỬA HẠNH PHÚC
1. Hoàn thành quyển Sách hướng dẫn của phu đào huyệt.
2. Thoát khỏi những cơn giận dữ của Xơ Maria.
3. Nhận được hai quyển sách trong ngày lễ Giáng sinh. Ngày 17 tháng Mười hai.
Con bé nhớ rất rõ ngày hôm ấy, vì đó là đúng một tuần trước ngày lễ Giáng sinh.
Như thường lệ, cơn ác mộng hằng đêm làm gián đoạn giấc ngủ của nó, và nó được đánh thức dậy bởi Hans Hubermann.
Bàn tay ông nắm lấy chiếc áo ngủ ướt đẫm mồ hôi của con bé. “Vẫn là đoàn tàu à?” ông thì thầm.
Liesel khẳng định. “Vẫn là đoàn tàu.”
Con bé thở hổn hển cho đến khi đã sẵn sàng, sau đó họ bắt đầu đọc từ chương Mười một của quyển Sách hướng dẫn của phu đào huyệt. Đến hơn ba giờ sáng, họ đọc xong, và chỉ còn lại chương cuối cùng của quyển sách, chương “Hãy tỏ lòng tôn kính nghĩa trang”. Bố, với cặp mắt màu bạc lồi ra vì mệt mỏi, gấp sách và mong có được phần còn lại của giấc ngủ. Nhưng ông đã không có được nó.
Đèn chỉ vừa tắt được khoảng một phút thì Liesel đã nói với ông trong bóng tối.
“Bố ơi?”
“Ja” (Có – tiếng Đức)
Ông chỉ ậm ừ một tiếng, âm thanh phát ra đâu dó từ trong cổ họng.
“Bố còn thức không vậy, Bố ơi?”
Con bé chống khuỷu tay nhổm dậy, “Chúng ta hãy đọc nốt quyển sách được không Bố, đi mà?”
Có tiếng thở dài, tiếng bàn tay quẹt lạo xạo trên hàm râu quai nón, và sau đó đèn lại được bật sáng. Bố mở sách ra và bắt đầu. “Chương Mười hai: Hãy tỏ lòng tôn kính nghĩa trang.”
Hai bố con đọc cho đến tận lúc trời gần sáng, khoanh tròn và viết ra những từ mà con bé không hiểu, và lần giở những trang sách cho ngày rạng dần lên. Có vài lần Bố đã gần như ngủ thiếp đi, cố gắng kháng cự lại đôi mắt mệt mỏi ngứa ngáy và mái đầu uể oải của ông. Lần nào Liesel cũng bắt gặp ông làm thế, nhưng con bé chưa có đủ lòng vị tha để cho phép ông ngủ, cũng như không nhận thấy là mình đang làm khó người khác. Nó là một đứa bé gái có cả một ngọn núi phải trèo qua.
Sau cùng, khi bóng tối bên ngoài đã bắt đầu tan đi một chút, họ cũng đọc xong quyển sách ấy. Đoạn cuối cùng của quyển sách có nội dung như sau:
Chúng tôi, những thành viên thuộc Hội liên hiệp nghĩa trang Bayern, hy vọng rằng đã làm cho bạn hiểu và thấy vui thích với công việc, cũng như những tiêu chuẩn an toàn và nghĩa vụ của việc đào huyệt. Chúng tôi chúc bạn một sự nghiệp thành công trong nghệ thuật tang chế, và hy vọng rằng quyển sách này có ích với bạn theo một cách nào đó.
Khi quyển sách đã được đóng lại, hai bố con liếc nhìn nhau qua khóe mắt. Bố lên tiếng. “Vậy là xong rồi, phải không?”
Liesel, nửa người quấn trong chăn, đương săm soi quyển sách bìa đen với hàng chữ bạc trên tay nó. Con bé gật đầu, miệng khô rang và bụng quặn lên cơn đói lúc hừng đông. Đó là một trong những khoảnh khắc của sự mệt mỏi hoàn mỹ, của việc chinh phục được không chỉ công việc trong tay, mà là cả màn đêm đã phủ kín con đường đi.
Bố nắm tay và duỗi thẳng người, mắt nhắm tịt. Buổi sáng hôm ấy là một ngày mà ông trời không dám đổ mưa. Cả hai cùng đứng lên rồi đi vào bếp, và qua ô cửa sổ đọng đầy sương giá họ có thể nhìn thấy nhiều dải ánh sáng màu hồng trên những dãy nóc nhà phủ đầy tuyết trên phố Thiên Đàng.
“Hãy nhìn những sắc màu kia mà xem,” Bố nói. Thật khó để không mến yêu một con người không chỉ chú ý đến những sắc màu, mà còn nói chúng ra thành lời nữa.
Liesel vẫn ôm khư khư quyển sách. Con bé càng ghì nó chặt hơn khi tuyết chuyển dần sang màu cam. Nó có thể nhìn thấy một đứa bé trai nhỏ nhắn, đang ngồi trên một nóc nhà và ngắm nhìn bầu trời. “Tên nó là Werner,” Liesel nói. Những từ ngữ như được vô tình thốt ra.
Bố đáp, “Ừ.”
Trong suốt quãng thời gian đó ở trường, không có thêm bài kiểm tra kỹ năng đọc nào khác, nhưng vì đã dần lấy lại được sự tự tin, một sáng nọ, con bé cầm một quyển sách giáo khoa ai đó để quên lên và đọc thử, để xem liệu nó có thể đọc được quyển sách ấy mà không gặp rắc rối gì không. Liesel có thể đọc được tất cả các từ, nhưng với một tốc độ vẫn còn chậm hơn nhiều so với đám bạn cùng lớp. Liesel nhận ra rằng, gần đạt đến một cái gì đó thì dễ hơn nhiều so với thực sự đạt được nó. Con bé vẫn cần thêm thời gian.
Một buổi chiều nọ, nó bị cám dỗ bởi cái ý nghĩ lấy trộm một quyển sách từ kệ sách của lớp, nhưng nói thẳng ra thì, triển vọng của một Watschen nơi hành lang nữa bởi tay của Xơ Maria là một rào cản đủ mạnh để ngăn nó thực hiện ý định của mình. Trên hết trong lòng nó không có một khao khát thực sự để lấy trộm sách của trường. Rất có thể cảm xúc mãnh liệt của thất bại hồi tháng Mười Một của con bé đã dẫn đến thái độ hờ hững này nhưng Liesel không chắc lắm. Con bé chỉ biết rằng nó có tồn tại.
Trong lớp, nó không nói chuyện với ai.
Nó cũng không mắc phải nhiều rắc rối như trước nữa.
Khi mùa đông đến, Liesel không còn là nạn nhân của những cơn giận của Xơ Maria nữa, con bé thích thú nhìn những đứa khác nối đuôi nhau ra ngoài hành lang và được ban thưởng phần quà của chúng. Âm thanh vọng vào của một đứa học sinh khác đang vật vã khổ sở ở hành lang không phải là điều gì đó đặc biệt đáng vui thích, nhưng cái
thực tế rằng đó là một đứa khác thì, nếu không muốn nói là một cảm giác thoải mái thực sự cũng là một điều làm nó thư giãn.
Khi trường lớp bị gián đoạn trong một thời gian ngắn để nghỉ lễ Weihnachten (Tức lễ Giáng sinh – tiếng Đức), Liesel thậm chí còn nói được với Xơ Maria một câu “Chúc Giáng sinh an lành” trước khi về nhà. Vì nó nhận thức được rằng về cơ bản là nhà Hubermann đã phá sản, họ vẫn còn đang phải trả nợ và trả tiền thuê nhà nhanh hơn số tiền họ có thể kiếm được, nên Liesel không mong được nhận một món quà dưới bất cứ hình thức nào cả. Họa may là chút thức ăn ngon lành hơn thôi. Trước sự ngạc nhiên của nó, vào đêm Giáng sinh sau khi ngồi trong nhà thờ vào lúc nửa đêm với Mẹ, Bố, Hans Con và Trudy, nó về nhà và thấy có cái gì đó được gói trong giấy báo, đặt dưới chân cây thông Noel.
“Từ Thánh Niklaus đấy,” Bố nói, nhưng con bé không bị lừa.
Nó ôm chầm lấy cả bố và mẹ nuôi nó, tuyết vẫn còn vương trên vai áo.
Nó mở lớp giấy báo và lôi ra hai quyển sách – Quyển đầu tiên, Chú chó Faust, được viết bởi một người tên là Mattheus Otleberg. Con bé sẽ đọc quyển sách ấy cả thảy mười ba lần. Vào đêm Giáng sinh, Liesel đọc hai mươi trang đầu tiên ở bàn ăn đặt trong bếp, trong lúc Bố và Hans Con cãi nhau về điều gì đó mà con bé không hiểu. Điều gì đó có tên gọi là chính trị.
Sau đó, hai bố con đọc sách trên giường, tiếp tục cái công việc đã thành thông lệ là khoanh tròn những từ Liesel không hiểu và viết chúng ra. Chú chó Faust cũng có những bức tranh minh họa – những đường cong và đôi tai đáng yêu, và mấy bức biếm họa vẽ một con béc-giê Đức biết nói, mắc chứng chảy nước dãi dơ hầy.
Quyển sách thứ hai có nhan đề Ngọn hải đăng và được viết bởi một người phụ nữ, tên là Ingrid Rippinstein. Quyển sách này hơi dài hơn quyển kia một chút, nên Liesel chỉ đọc nó được tổng cộng có chín lần, tốc độ đọc của con bé tăng lên rất chậm vào cuối những lần đọc nhiều như vậy.
Vài ngày trước Giáng sinh, con bé hỏi bố nuôi nó một câu hỏi về những quyển sách. Khi ấy cả nhà đang ăn tối trong bếp. Nhìn thìa đầy súp đậu đang tiến vào mồm của Mẹ, con bé quyết định chuyển hướng quan tâm của mình sang Bố. “Có một chuyện mà con thấy cần phải hỏi.”
Ban đầu, chẳng có câu nào đáp lại lời nó cả.
“Gì?”
Đó là Mẹ, mồm bà vẫn lúng búng đầy súp.
“Con chỉ muốn biết làm sao mà bố mẹ có tiền để mua những quyển sách ấy cho con.”
Bố khẽ bật cười, mồm vẫn ngậm cái thìa. “Con thật sự muốn biết à?”
“Dĩ nhiên rồi.”
Từ trong túi mình, Bố lấy phần lá thuốc còn lại ra và bắt đầu vê một điếu, đến lúc đó thì Liesel trở nên mất kiên nhẫn.
“Bố có chịu nói con nghe không đấy?”
Bố cười phá lên. “Nhưng bố đang nói con nghe đấy thôi, nhóc con.” Ông hoàn tất quá trình tạo ra điếu thuốc, ném nó lên mặt bàn, rồi lại bắt đầu vê một điếu khác. “Như thế này đây”. Đó là lúc mà Mẹ kết thúc món súp của mình bằng một tiếng ợ đanh gọn và trả lời thay ông. “Cái đồ lợn ấy,” bà nói. “Mày có biết lão đã làm gì không? Lão vấn ra một đống thuốc lá hôi hám như thế, rồi ra phiên chợ đang họp trên phố và bán chúng cho mấy thằng ma cà bông.”
“Tám điếu thuốc dổi lấy một quyển sách.” Bố nhét một điếu thuốc vào miệng trong niềm hân hoan. Ông đốt nó lên và đắm chìm trong làn khói. “Hãy cảm ơn Thượng đố vì những điếu thuốc này đi chứ, mẹ nó?”
Mẹ chỉ đưa mắt nhìn ông, cái nhìn kinh tởm đặc trưng, tiếp theo là từ được sử dụng
nhiều nhất trong vốn từ vựng của bà “Đồ lợn”.
Liesel len lén nháy mắt với Bố và ăn nốt chỗ súp còn lại của mình. Như thường lệ, một trong những quyển sách của con bé đang ở bên cạnh nó. Nó không thể chối bỏ rằng nó cảm thấy còn hơn cả hài lòng trước câu trả lời này. Không có nhiều người trên đời này có thể nói rằng nền giáo dục mà họ có được chi trả là nhờ thuốc lá.
Mặt khác, Mẹ nói rằng nếu Hans Hubermann có tí đầu óc nào, thì ông ta sẽ đổi chúng để lấy một cái váy mới mà bà đang rất cần, hay vài đôi giày khả dĩ hơn một chút. “Nhưng không…” Bà bỏ lửng câu nói khi đứng chỗ bồn rửa. “Để mua thứ gì đó cho tôi thì ông thà hút hết chỗ thuốc ấy còn hơn, có phải không? Hút luôn cả thuốc của nhà hàng xóm nữa.”
Dù vậy, vài ngày sau đó, Hans Hubermann về nhà với một hộp trứng trên tay. “Xin lỗi Mẹ nó nhé.” Ông đặt cái hộp lên bàn và nói. “Họ hết giày mất rồi.”
Mẹ không than phiền gì cả.
Thậm chí bà còn ngân nga hát một mình khi nấu món trứng đó, cho đến khi chúng gần như cháy khét. Dường như có một niềm vui to lớn trong những điếu thuốc lá, và đó là một quãng thời gian hạnh phúc trong gia đình Hubermann.
Niêm hạnh phúc này chấm dứt vài tuần sau đó.
NGƯỜI ĐI TRÊN PHỐ
Nỗi bất hạnh bắt đầu với đám đồ giặt ủi, và ngày càng trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng.
Khi Liesel cùng Rosa Hubermann đi giao đồ giặt ủi quanh Molching, một trong những khách hàng của bà, Ernst Vogel, báo cho họ biết rằng ông ta không thể tiếp tục chi trả cho việc giặt ủi quần áo được nữa. “Tình hình là vậy,” ông ta nói như để thanh minh, “tôi có thể nói gì bây giờ? Hoàn canh ngày càng phức tạp. Cuộc chiến tranh khiến mọi
việc trở nên khó khăn hơn.” Ông nhìn con bé. “Tôi tin là bà nhận được một khoản trợ cấp cho việc giữ con bé này trong nhà, phải thế không?”
Trước sự bàng hoàng của Liesel, Mẹ không nói được câu nào.
Bên cạnh bà là một cái túi rỗng không.
Đi thôi, Liesel.
Điều này không phải được nói ra thành tiếng. Nó là một cú kéo mạnh bởi một bàn tay thô kệch.
Vogel gọi với theo từ bậc tam cấp cửa nhà ông ta. Ông cao chừng một thước tám và mái tóc bết bền bệt của ông lòa xòa trước trán một cách hời hợt không sức sống. “Tôi xin lỗi, bà Hubermann!”
Liesel vẫy tay chào ông ta.
Ông vẫy tay chào lại.
Mẹ quở nó.
“Đừng có chào cái lỗ đít ấy,” bà nói. “Giờ thì nhanh chân lên.”
Đêm hôm đó, khi Liesel tắm, Mẹ kỳ cọ cho nó rất mạnh tay, luôn miệng lầm bầm về cái đồ lợn Vogel nọ, và nhại lại lời ông ta nói cứ mỗi hai phút một lần. “Tôi tin là bà nhận được một khoản trợ cấp cho việc giữ con bé…” Bà vừa kỳ cọ cho Liesel, vừa mắng nhiếc cái ngực trần trụi của nó. “Mày không đáng giá nhiều chừng ấy đâu, đồ con lợn. Mày không làm tao giàu lên tí nào đâu, biết chưa hả.”
Liesel ngồi chết lặng ở đó, nhận hết những câu nói của bà mẹ nuôi.
Chưa đầy một tuần sau sự kiện đặc biệt ấy, Rosa kéo nó vào bếp. “Được rồi, Liesel.” Bà bắt nó ngồi xuống chỗ bàn. “Vì mày dành phân nửa thời gian của mày để chơi đá
bóng ngoài đường, thì mày có thể có ích hơn ngoài đó. Để thay đổi.”
Liesel nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay mình. “Có chuyện gì vậy, Mẹ?”
“Từ giờ trở đi mày sẽ đi giao và nhận đồ giặt ủi cho tao. Những kẻ giàu có ấy sẽ ít cắt việc chúng ta hơn nếu mày là người đứng trước mặt bọn chúng nó. Nếu chúng hỏi mày là tao đâu rồi, hãy bảo chúng nó là tao bị ốm. Và hãy tỏ ra buồn rầu khi mày nói với chúng nó như thế. Mày đủ ốm yếu xanh xao để có được sự thương cảm của bọn chúng nó.”
“Nhưng ông Vogel đâu có thương hại con.”
“À..” Bà lộ rõ vẻ bối rối. “Những người khác sẽ làm như thế. Vậy nên đừng có cãi lời tao.”
“Vâng thưa Mẹ.”
Trong một khoảnh khắc, có vẻ như mẹ nuôi nó sẽ an ủi nó, hay vỗ vào vai nó.
Nhưng bà ấy không làm những điều như vậy.
Thay vào đó, Rosa đứng dậy, chọn lấy một cái thìa gô và dứ dứ nó dưới mũi Liesel. Theo bà thì điều này là cần thiết. Khi mày đi làm cái công việc này, mày phải mang đồ đến từng nơi một và mang đồ thẳng về nhà, cùng với tiền, ngay cả khi món tiền đó gần như chẳng đáng gì cả. Không được phép ghé chỗ Bố nếu thằng cha ấy có thực sự làm việc lấy một lần trong đời. Không được lêu lổng với thằng lợn Rudy Steiner ấy. Đi thẳng về nhà.”
“Vâng thưa Mẹ.”
“Và khi mày cầm túi đồ, mày phải cầm nó đúng cách. Mày không được vung vẩy nó, đánh rơi nó, làm nhàu nó hay khoác nó qua vai.”
“Vâng thưa Mẹ.”
“Vâng, thưa Mẹ.” Rosa Hubermann là một người nhại tiếng bậc thầy, và là một người rất tha thiết với việc này. “Đồ con lợn, tốt hơn là mày đừng có làm thế. Tao sẽ phát hiện ra ngay nếu mày làm thế, mày biết như vậy mà phải không?”
“Vâng thưa Mẹ.”
Nói ba từ này, cũng như làm theo những gì mà nó được bảo phải làm, thường là cách tốt nhất để sống sót, và kể từ hôm đó, Liesel đi trên những con phố của Molching, từ đầu phố – nơi những người nghèo khổ sống, cho đến nơi những người giàu có hơn, nhận và giao đồ giặt ủi. Ban đầu thì đây là một công việc đơn độc, điều mà nó chưa bao giờ phàn nàn gì cả. Rốt cuộc thì, ngay lần đầu tiên nó mang cái bao đồ đi qua phố, nó đã rẽ sang phố Munich, nhìn trước ngó sau, rồi con bé vung túi đồ một phát thật mạnh, thật tít – một cuộc cách mạng triệt để – rồi sau đó nó bèn kiểm tra đám đồ đạc chứa bên trong. May sao, không có chỗ nhàu nào cả. Không có vết nhăn nhúm nào cả. Chỉ có một nụ cười, và lời hứa sẽ không bao giờ vung vẩy túi lần nữa.
Nói chung, Liesel thích công việc này. Nó không được chia tiền, nhưng nó được ra khỏi nhà, và bản thân việc đi trên những con phố mà không có Mẹ bên cạnh đã là một điều mang lại cảm giác lâng lâng như trên thiên đàng rồi. Không ai chỉ ngón tay vào mặt nó hay rủa xả nó. Không ai nhìn chằm chằm vào hai mẹ con, khi Mẹ mắng mỏ nó vì đã cầm túi sai quy cách. Không gì hết ngoài sự thanh thản.
Con bé cũng bắt đầu thích thú với những người mà nó gặp:
– Nhà Plaffehurvers luôn kiểm tra thật kỹ quần áo và nói, “Ja, ja, sehr gut, sehr
13
gutr.”( ) Liesel hình dung rằng bất cứ việc gì họ cũng phải làm đến hai lần.
– Helena Schmidt dịu dàng, đưa tiền với một cái tay cong queo vì chứng viêm khớp.
– Nhà Weigartners, chủ của con mèo hay rụng lông luôn ra mở cửa cùng họ. Goebbels bé nhỏ, đó là cái tên mà họ đặt cho con mèo – theo tên nhân vật được xem là cánh tay mặt của Hitler.
– Và bà Hermann, vợ của ngài Thị trưởng, bà đứng đó với mái tóc thưa như tơ và chết cóng trên bậc cửa lạnh buốt nhà mình. Luôn im lặng. Luôn chỉ có một mình. Không một từ nào, dù chỉ một lần.
Đôi lúc, Rudy đi cùng với nó.
“Cậu có bao nhiêu tiền đằng đó vậy?” thằng bé hỏi Liesel một buổi chiều nọ. Khi ấy trời đã nhập nhoạng tối và hai đứa đang đi trên phố Thiên Đàng, đoạn vừa qua khỏi cửa hiệu tạp hóa. “Cậu đã nghe người ta nói về mụ Diller rồi phải không? Người ta nói mụ có giấu kẹo que ở đâu đó, và giá rất phải chăng…”
“Đừng có mơ tới chuyện đó.” Liesel, như thường lệ, đang nắm chặt lấy mớ tiền của nó. “Với cậu thì mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ lắm đâu – cậu đâu có phải đối mặt với mẹ tớ.”
Rudy nhún vai. “Cũng đáng để thử lắm chứ.”
Vào giữa tháng Giêng, bài tập ở trường chuyển hướng chú ý của nó sang môn viết chữ. Sau khi học những điều căn bản, mỗi học sinh sẽ phải viết hai lá thư, một lá gửi cho một người bạn và một lá gửi cho ai đó học lớp khác.
Thư của Rudy gửi cho Liesel như sau:
Gửi đồ con lợn
Cậu vẫn vô dụng trong môn bóng đá như lần trước chúng ta chơi cùng nhau chứ? Tớ hy vọng là thế. Điều đó có nghĩa là tớ có thể chạy vượt qua cậu lần nữa như Jesse Owens ở kỳ Thế vận hội…
Khi Xơ Maria phát hiện ra lá thư này, bà ta hỏi thằng bé một câu, rất hòa nhã.
ĐỀ NGHỊ CỦA XƠ MARIA
“Cậu có hứng thú ra thăm hành lang không, cậu Steiner?”
Chả cần phải nói, Rudy từ chối, thế là lá thư ấy bị xé và thằng bé phải viết lại. Lần này, lá thư được viết cho ai đó tên là Liesel và hỏi xem sở thích của cô ta là gì.
Ở nhà khi đang hoàn thành một lá thư cho phần bài tập về nhà Liesel đã quyết định rằng viết thư cho Rudy hay một đồ con lợn nào khác quả thực là một việc làm kỳ quặc. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi con bé viết trong tầng hầm, nó nói chuyện với Bố, người lại đang sơn bức tường.
Cả ông lẫn mùi sơn hăng hắc quay lại. “Was wuistz?” Đó là loại tiếng Đức thô lỗ nhất mà một người có thể nói được, nhưng câu này được nói ra trong một bầu không khí của sự thoải mái hoàn toàn, “Ơi, cái gì?”
“Con có thể viết một lá thư cho mẹ được không?”
Một khoảng lặng.
“Con muôn viết thư cho bà ấy để làm gì? Con phải đương đầu với bà ta mỗi ngày kia mà.” Bố đang schmumelling – có nghĩa là nở một nụ cười ranh mãnh. “Chuyện đó chưa đủ tệ hay sao?” “Không phải Mẹ ở đây đâu.” Con bé nuốt nước bọt.
“Ồ.” Bố quay mặt lại bức tường và tiếp tục sơn “Chắc là được, bố đoán thế. Con có thể gửi nó cho cái bà gì ấy – người đã mang con đến đây mà lâu lâu lại ghé thăm – cái bà của trại trẻ mồ côi ấy.”
“Bà Heinrich.”
“Đúng rồi. Hãy gửi nó cho bà ấy. Có thể bà ấy sẽ chuyển được thư đến cho mẹ con.” Ngay cả lúc đó, giọng của bố nghe chẳng thuyết phục chút nào, như thể thực ra ông chẳng bảo cho nó cái gì hết. Tin tức về mẹ nó cũng hiếm khi xuất hiện trên môi của bà Heinrich trong những chuyến ghé thăm ngắn ngủi của bà ta.
Thay vì hỏi bố xem có việc gì, Liesel lại bắt đầu viết ngay lập tức, chọn cách lờ đi một linh tính đang dâng lên rất nhanh trong lòng nó. Nó đã mất ba giờ đồng hồ và sáu bản
nháp để hoàn chỉnh lá thư. Trong thư, nó kể cho mẹ nghe tất cả về Molching, về bố nuôi của nó và cây đàn xếp của ông, cái cung cách lạ lùng nhưng chân thật của Rudy Steiner, và những thành tích của Rosa Hubermann. Con bé cũng không quên giải thích cho mẹ rằng nó cảm thấy tự hào thế nào khi giờ đây nó đã có thể đọc và viết một chút. Ngày hôm sau, con bé gửi lá thư ở chỗ cửa hàng của bà Diller với một con tem thuổng từ ngăn kéo nhà bếp. Và nó bắt đầu chờ đợi.
Cái đêm nó viết lá thư, con bé loáng thoáng nghe thấy một cuộc nói chuyện giữa Hans và Rosa.
“Con bé làm gì mà viết thư cho mẹ nó vậy?” Tiếng Mẹ đang nói. Giọng của bà bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên, và đầy vẻ quan tâm. Như bạn có thể hình dung, điều này làm con bé vô cùng lo lắng. Nó thích nghe thấy hai người cãi nhau hơn. Nó khó có thể tự tin được khi nghe người lớn thì thầm với nhau.
“Nó đã hỏi tôi,” Bố trả lời, “và tôi không thể từ chối nó được. Làm sao mà tôi làm thế được?”
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph.” Lại tiếng Mẹ thì thầm. “Tốt hơn là nó nên quên bà ấy đi. Ai mà biết được là bà ấy đang ở đâu? Ai mà biết được là người ta đã làm gì bà ấy?”
Trên giường, Liesel vòng tay tự ôm lấy mình thật chặt. Con bé cuộn người lại như một quả bóng.
Nó nghĩ về mẹ ruột của nó và lặp lại những câu hỏi của Rosa Hubermann.
Mẹ ở đâu?
Người ta đã làm gì Mẹ?
Và một lần cho mãi về sau, trên thực tế, thì người ta ở đây là ai cơ chứ?
NHỮNG LÁ THƯ CHẾT
Một thời gian sau, trong tầng hầm, vào tháng Chín năm 1943.
Có một đứa bé gái mười bốn tuổi đang viết gì đó vào một quyển sách bìa đen. Đứa bé ấy có vóc người gầy gò nhưng thực ra rất khỏe và đã nhìn thấy nhiều thứ. Bố nuôi nó ngồi đó, cây đàn xếp đặt dưới chân.
Ông nói, “Con biết không, Liesel? Bố suýt nữa đã viết một lá thư hồi âm cho con và ký tên mẹ ruột con.” Ông gại gại chân, chỗ trước đó dính đầy vữa trát tường. “Nhưng bố không thể, bố không tài nào làm thế được.”
Có vài lần, trong quãng thời gian còn lại của tháng Giêng và suốt cả tháng Hai, khi Liesel lục lọi hòm thư để tìm lá thư hồi âm, điều này gần như đã làm tan nát trái tim của bố nuôi nó. “Bố rất tiếc,” ông thường bảo con bé. “Chắc là thư không tới hôm nay đâu nhỉ?” Khi nghĩ lại, con bé thấy toàn bộ những điều nó làm quả thực chẳng đi đến đâu cả. Nếu mẹ có thể liên lạc với nó, thì bà đã liên lạc với người ở trung tâm trẻ mồ côi, hay liên lạc trực tiếp với Bố, hay liên lạc với gia đình Hubermann rồi. Đàng này lại chẳng có gì hết.
Như để xát thêm muối vào vết thương, vào giữa tháng Hai, Liesel được một khách hàng khác của mẹ nó đưa cho một lá thư, đó là nhà Pfaffelhurver sống trên phố Heide. Hai người họ đứng thẳng người nơi bậc cửa, chào nó bằng một giọng buồn “Cái này để gửi cho mẹ của cháu,” người đàn ông vừa đưa cho nó cái phong bì vừa nói. “Hãy bảo bà ấy là chúng ta rất tiếc. Hãy bảo bà ấy là chúng ta rất tiếc.”
Đêm ấy không phải là một đêm vui vẻ gì trong quãng thời gian nó sống ở nhà Hubermann.
Ngay cả khi Liesel đã chui xuống tầng hầm để viết lá thư thứ năm gửi cho mẹ nó (ngoại trừ lá thư đầu tiên, thì tất cả đều chưa được gửi đi), con bé vẫn có thể nghe thấy tiếng Rosa chửi thề và lải nhải về hai cái lỗ đít nhà Pfaffelhurver, cũng như thằng cha Ernst Vogel tồi tệ nọ.
“Feuer solln’s brunzen fur einen Monat!” nó nghe tiếng Mẹ quát to. Dịch nghĩa: “Cầu
cho bọn chúng đái ra lửa trong suốt một tháng!”
Liesel lại tiếp tục viết.
Khi sinh nhật con bé đến gần, nó chẳng nhận được món quà nào cả. Không có quà vì không có tiền, và đúng lúc đó thì Bố lại hết thuốc lá.
“Tôi đã bảo ông rồi mà.” Mẹ chỉ tay vào mặt bố và nói. “Tôi đã bảo ông là đừng có đưa cho nó cả hai quyển sách hồi Giáng sinh rồi kia mà. Nhưng mà không. Ông có nghe lời tôi không? Dĩ nhiên là không!”
“Tôi biết rồi!” Ông lặng lẽ quay sang nhìn nó. “Bố xin lỗi, Liesel. Chúng ta hết tiền để mua quà cho con rồi.”
Liesel không thấy phiền lòng. Con bé không kêu la khóc lóc, cũng không dậm chân thình thịch. Nó chỉ đơn giản là nuốt nỗi thất vọng vào trong và đưa ra một quyết định nguy hiểm có tính toán – một món quà tự nó tặng nó. Con bé sẽ tập trung tất cả những lá thư gửi cho mẹ nó lại, nhét chúng vào chung một phong bì, và nó sẽ chỉ dùng một phần nhỏ trong khoản tiền giặt ủi người ta trả cho mẹ nuôi nó để gửi cái phong bì đó đi. Sau đó, dĩ nhiên rồi, nó sẽ phải nhận một cái Watschen, rất có thể là ở trong nhà bếp, và con bé sẽ không hé răng phàn nàn lấy nửa lời.
Ba ngày sau, cơ hội thực hiện kế hoạch này đã đến với nó.
“Tiền bị thiếu mất một ít.” Mẹ đếm số tiền đến lần thứ tư trong lúc Liesel đứng chỗ bếp lò. Nơi đó rất ấm, và khiến cho máu con bé chảy rần rật. “Có chuyện gì vậy, Liesel?”
Nó nói dối. “Hẳn là họ đã đưa cho con ít tiền hơn thường lệ”.
“Mày có đếm tiền không đấy?”
Con bé đầu hàng. “Mẹ à, con đã tiêu chỗ tiền ấy rồi.”
Rosa tiến đến gần hơn. Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Bà ta đã ở rất gần cái thìa gỗ rồi. “Mày đã làm gì kia?”
Trước khi con bé có thể trả lời, cái thìa gỗ đã trút xuống cơ thể Liesel Meminger như ơn mưa móc của Chúa trời. Những vết sưng đỏ như những dấu chân của Người đi trên da nó vậy, và chúng rát bỏng. Từ dưới sàn nhà, khi trận đòn đã qua đi, đưa bé gái ngước nhìn lên rồi giải thích mọi việc.
Tim nó đập thình thịch cùng ánh đèn vàng. Đôi mắt nó hấp háy. “Con đã gửi mấy lá thư đó.”
Điều tiếp theo đến với nó là sàn bếp bụi bặm, cảm giác quần áo như được đặt bên cạnh nó hơn là được mặc trên người nó, và cái nhận thức bất chợt rằng việc nó làm sẽ chẳng giải quyết được cái gì cả – rằng mẹ nó sẽ chẳng bao giờ hồi âm, và bà sẽ chẳng bao giờ gặp lại nó nữa. Thực tế phũ phàng này đã giáng cho con bé một cái Watschen thứ hai. Nó làm con bé đau nhói, và cơn buốt nhói ấy kéo dài suốt một lúc lâu.
Phía trên nó, Rosa như nhòe dần đi, nhưng con bé nhanh chóng thấy gương mặt nhàu nhĩ như giấy các-tông của bà hiện ra gần hơn. Bà đứng đó với dáng bộ phúng phình và rầu rĩ của mình, một tay cầm chiếc thìa gỗ buông thõng xuống như một cái gậy. Bà cúi xuống và nói khẽ. “Mẹ xin lỗi, Liesel.
Liesel hiểu con người bà đủ rõ để biết rằng lời xin lỗi này không phải là vì trận đòn.
Những vết tấy đỏ ngày càng lớn dần trên da con bé, trong lúc nó cứ nằm nguyên đó, nơi sàn bếp bẩn thỉu và dưới ánh đèn mờ mịt. Hơi thở của nó đã bình thường trở lại, và một giọt mắt vàng vọt lạc loài chảy dài trên gương mặt nó. Con bé có thể cảm thấy mình đang ở trên sàn bếp. Một cái cẳng tay, một cái đầu gối. Một cái cùi chỏ. Một gò má. Một bắp chân.
Sàn bếp lạnh lẽo vô cùng, đặc biệt là chỗ má nó áp xuống, nhưng con bé không tài nào cục cựa được.
Nó sẽ chẳng bao giờ gặp lại mẹ nó nữa.
Trong suốt gần một giờ đồng hồ, nó cứ nằm dài dưới bàn bếp, cho đến khi Bố về nhà và chơi đàn xếp cho nó nghe. Chỉ khi đó nó mới chịu ngồi dậy và bắt đầu hồi phục.
Khi con bé viết lại về buổi tối hôm đó, nó không thù oán gì Rosa Hubermann, hay mẹ ruột nó vì việc ấy cả. Đối với nó thì họ chỉ là những nạn nhân của hoàn cảnh. Ý nghĩ duy nhất không ngừng tái hiện trong đầu nó là giọt nước mắt vàng vọt. Nó nhận ra rằng giá như lúc đó trời tối, thì giọt nước mắt ấy đã có màu đen rồi.
“Nhưng lúc đó đúng là trời tối mà,” con bé tự nhủ với mình như thế.
Dù có cố tưởng tượng ra khung cảnh đó với ánh sáng mà nó biết là đã tồn tại lúc ấy bao nhiêu lần đi nữa, con bé vẫn gặp khó khăn trong việc hình dung ra nó. Nó đã bị đánh trong bóng tối, và nó vẫn nằm ở đó, trên một sàn nhà bếp lạnh lẽo và tối tăm. Ngay cả âm nhạc mà bố chơi cũng có màu của bóng tối.
Ngay cả âm nhạc của Bố.
Điều lạ là nó cảm thấy mình được xoa dịu một cách mơ hồ bởi suy nghĩ này, thay vì cảm thấy đau đớn vì nó.
Bóng tối, ánh sáng.
Có gì khác nhau đâu?
Những cơn ác mộng ngày càng rõ ràng hơn, khi kẻ trộm sách bắt đầu thực sự hiểu mọi việc đã diễn ra thế nào, và chúng sẽ luôn như vậy ra sao. Lẽ ra thì nó đã có thể tự chuẩn bị. Có thẻ đó là lý do vì sao vào ngày sinh nhật Quốc trương, khi câu tra lời cho nỗi khốn khổ của mẹ nó bộc lộ hoàn toàn, nó đã có thể phản ứng lại, mặc cho cơn thịnh nộ và sự bối rối của nó.
Liesel Meminger đã sẵn sàng.
Chúc mừng sinh nhật, Quốc trưởng vĩ đại.
Nhiều niềm hạnh phúc đã quay lại với nó.
SINH NHẬT CỦA HITLER, 1940
Dù không hy vọng, chiều nào Liesel cũng kiểm tra hòm thư, trong suốt tháng Ba và sang đến tận tháng Tư. Dù đã có một chuyến ghé thăm của bà Heinrich, theo yêu cầu của Hans, và bà ta đã giải thích cho nhà Hubermann hiểu rằng trung tâm đã mất liên lạc hoàn toàn với Paula Meminger. Tuy nhiên, con bé vẫn cứ khăng khăng không chịu nghe, và như bạn có thể hình dung khi nó kiểm tra thùng thư hằng ngày, thì thùng thư vẫn trống không.
Molching, cũng như phần còn lại của nước Đức, đang hối hả chuẩn bị cho ngày sinh nhật của Hitler. Cái năm đặc biệt ấy với sự phát triển của chiến tranh và vị trí chiến thắng hiện thời cua Hitler, các đảng viên Quốc xã ở Molching muốn nghi thức chào mừng phải có mức độ đặc biệt tương xứng, sẽ có một cuộc diễu hành. Hành quân. Âm nhạc. Ca hát. Sẽ có một đống lửa.
Khi Liesel đi trên những con phố của Molching, giao và nhận đồ giặt ủi, thì các thành viên đảng Quốc xã đang đi thu gom nguyên liệu để đốt. Có vài lần, Liesel tận mắt nhìn thấy những con người, cả đàn ông lẫn đàn bà, gõ cửa từng nhà, hỏi người ta xem họ có bất cứ thứ gì mà họ thấy cần vứt đi hay phải bị phá hủy không. Tờ Tin nhanh Molching của Bố đăng rằng sẽ có một đống lửa chào mừng được thắp lên nơi quảng trường của thị trấn, và tất cả các đơn vị Hitler Thiếu niên trong vùng đều sẽ tham dự. Đống lửa sẽ là để kỷ niệm không chỉ sinh nhật Quốc trưởng, mà còn để chào mừng việc chiến thắng những kẻ thù của ngài, và chiến thắng cả những trở ngại đã níu bước nước Đức lại kể từ hồi Thế chiến I. “Bất cứ thứ gì,” tờ tin nhanh nói, “từ những thời điểm như vậy – báo chí, áp phích, sách vở, cờ quạt – và bất cứ sản phẩm tuyên truyền nào từ kẻ thù của chúng ta đều phải được mang đến văn phòng của đảng Quốc xã trên phố Munich.”
Ngay cả phố Schiller – con phố của những ngôi sao vàng – con phố vẫn chờ được sửa chữa, cũng bị lục lọi một lần cuối cùng, để tìm cho ra một cái gì đó, bất cứ cái gì, để mà đốt trụi nhằm vinh danh Quốc trưởng. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu có những thành viên của đảng cho xuất bản hàng ngàn quyển sách hay áp phích tuyên truyền những điều độc hại, chỉ đơn giản là để đốt chúng ra tro.
Mọi thứ đã sẵn sàng để làm cho ngày 20 tháng Tư trở nên thật ý nghĩa. Đó sẽ là một ngày đầy những trò đốt phá và hò hét.
Và cả trộm sách nữa.
Trong gia đình Hubermann buổi sáng hôm đó, tất cả đều rất bình thường.
“Cái đồ lợn ấy lại nhìn ra cửa nữa rồi,” Rosa Hubermann chửi, “Ngày nào cũng vậy,” bà nói tiếp. “Lần này thì ông đang nhìn cái quái gì thế?”
“Ồ,” Bố rên lên, một cách đầy sung sướng. Lá cờ phủ xuống lưng ông từ chỗ trên cùng cửa sổ. “Bà nên nhìn cô nàng này một chút đi.” Ông đánh mắt qua vai và mỉm cười với Liesel. “Tôi sẽ ra ngoài đó và đuổi theo cô ả. Cô nàng hơn đứt bà đấy, mẹ nó ạ.”
“Đồ lợn!” Mẹ vung vẩy cái thìa gỗ về phía ông.
Bố lại nhìn ra ngoài cửa sổ, về phía một người đan bà tưởng tượng và một hành lang rất thực được tạo nên bởi nhưng lá quốc kỳ Đức.
Hôm ấy, trên những con phố của Molching, mỗi ô cửa sổ đều được trang hoàng để chúc mừng Quốc trưởng. Ở vài nơi, như cửa hàng của mụ Diller chẳng hạn, cửa kính được lau đến sáng bóng lên, lá cờ sạch như li như lau, và cái chữ thập ngoặc trông như một món nữ trang trên tấm mền đỏ và trắng. Trên những ô cửa sổ khác, những lá cờ ủ rũ như một món đồ ướt đang được hong cho khô.
Trước đó, đã có một tai họa nho nhỏ. Nhà Hubermann không thể tìm thấy lá cờ của
họ.
“Họ sẽ đến bắt chúng ta đấy,” Mẹ cảnh báo chồng bà. “Họ sẽ đến và bắt chúng ta đi đấy.” Cả hai đều nói. “Chúng ta phải tìm cho ra nó!” Có lúc tưởng như Bố sẽ phải chạy xuống tầng hầm và vẽ một lá cờ trên một trong những tấm vải hứng sơn của ông. May sao, nó xuất hiện, bị che khuất bởi chiếc đàn xếp trong tủ chạn.
“Cái đàn xếp trời đánh ấy, nó đã cản tầm nhìn của tôi!” Mẹ nói. “Liesel!”
Đứa bé gái được vinh dự gắn lá cờ lên khung cửa sổ.
Sau đó, Hans Con và Trudy về nhà để ăn chiều, cũng giống như hồi Giáng sinh, hay lễ Phục sinh. Có vẻ như lúc này đã là một thời điểm phù hợp để giới thiệu về họ một cách đầy đủ hơn.
Trudy, như người ta vẫn goi là Trudel, chỉ cao hơn Mẹ có vài phân. Cô có dáng đi lạch bạch giống mẹ như hệt, nhưng xét các yếu tố còn lại thì cô nhẹ nhàng hơn mẹ mình nhiều. Là một người giúp việc trong một gia đình giàu có tại Munich, hẳn cô đã ngấy bọn trẻ con đến tận cổ, nhưng cô luôn xoay xở được ít nhất là vài lời kèm theo một nụ cười dành cho Liesel. Cô có một đôi môi mềm. Một giọng nói nhẹ nhàng.
Hans Con thừa hưởng đôi mắt của bố gã, và cả chiều cao nữa. Dù vậy, màu bạc trong đôi mắt gã chẳng hề ấm áp như mắt Bố chút nào – chúng đã bị Quốc trưởng hóa rồi. Có nhiều thịt dính trên xương của gã hơn, gã có mái tóc vàng tua tủa và có màu giống như màu sơn trắng bị xỉn.
Họ về nhà cùng nhau trên chuyến tàu từ Munich, và chẳng bao bao lâu thì những mối căng thẳng cũ đã lại được khơi lên.
TÓM TẮT NHỮNG XUNG ĐỘT CŨ GIỮA
HANS HUBERMANN VÀ CON TRAI ÔNG
Theo Hans Con, bố gã là một phần của một nước Đức già nua, đổ nát – một đất nước
cho phép bất cứ ai đi nhờ xe trong khi con dân của chính nó lại phải gánh chịu hậu quả. Lớn lên, gã nhận thức được rằng cha mình bị gọi là “der Juden Maler” – thợ sơn Do Thái – vì đã dám sơn nhà cho những người Do Thái.
Sau đó đã xảy ra một sự cố mà tôi sẽ trình bày đầy đủ với bạn sớm thôi – ngày mà Hans bùng nổ, khi gã chuẩn bị gia nhập đảng Quốc xã. Ai cũng biết là bạn không nên sơn che đi những câu nói xấu được viết lên mặt tiền của một cửa hàng Do Thái. Những việc làm như vậy là không tốt cho nước Đức, và nó không tốt cho người làm việc ấy.
“Vậy họ đã cho phép bố vào chưa?” Hans Con lại tiếp tục câu chuyện dang dở của họ từ hồi Giáng sinh.
“Vào cái gì?”
“Đoán đi xem nào – vào Đảng ấy.”
“Chưa, bố nghĩ là họ đã quên trường hợp của bố rồi.”
“Thậm chí bố còn không thèm thử đi đăng ký lại nữa phải không? Bố không thể cứ ngồi đó và chờ thế giới mới đến đón bố theo cùng được. Bố phải đi ra ngoài kia và trở thành một phần của nó – mặc dù bố đã mắc phải những sai lầm trong quá khứ.”
Bố nhìn lên. “Sai lầm ư? Bố đã mắc phải nhiều sai lầm trong đời mình, nhưng việc không gia nhập Đảng Quốc xã không phải là một trong số chúng. Họ vẫn giữ đơn của bố – con biết điều đó mà – nhưng bố không thể quay lại đó và hỏi thăm được. Bố chỉ…”
Đó là lúc một cơn gió lạnh buốt da kéo đến.
Gió lùa mơn man dạo qua ô cửa sổ. Có thể nó là cơn gió lạnh của Đệ tam Quốc xã, đang thu thập một nguồn sức mạnh thậm chí còn lớn hơn. Hoặc có thể nó chỉ là châu Âu đang thở. Dù thế nào đi nữa, nó cũng đã thổi ngang qua khi những cặp mắt kim
loại của hai người va vào nhau loảng xoảng như đám chai lọ trong nhà bếp.
“Bố chẳng bao giờ quan tâm đến đất nước này,” Hans Con nói. “Dù thế nào thì cũng không đủ.”
Đôi mắt của Bố bắt đầu ruỗng ra. Điều này không ngăn được Hans Con. Vì một lý do nào đó mà gã ta nhìn vào đứa bé gái. Với ba quyển sách dựng đứng trên mặt bàn, như thể đang trò chuyện, Liesel đang im lặng đọc một quyển sách trong số đó. “Còn con ranh này đang đọc cái thứ rác rưởi gì vậy? Lẽ ra nó phải đang đọc cuốn Mein Kampf mới phải.”
Liesel ngước lên.
“Đừng lo, Liesel,” Bố nói. “Cứ đọc tiếp đi. Nó không biết mình đang nói gì đâu.”
Nhưng Hans Con vẫn chưa chịu thôi. Gã bước đến gần hơn và nói, “Hoặc mày tuân theo Quốc trưởng, hoặc chống lại ngài – và tao có thể thấy là mày chống lại ngài. Mày đã luôn như thế rồi.”
Liesel nhìn gương mặt của Hans Con, mắt nó ngừng lại nơi đôi môi của gã, và đường nét lởm chởm của hàm răng dưới của gã. “Thật đáng thương hại – khi một người đàn ông chỉ biết đứng đó và chẳng làm gì cả, trong khi cả nước đang dọn dẹp rác rưởi và làm cho đất nước này trở nên vĩ đại.”
Trudy và Mẹ ngồi chết điếng ở đó, đầy sợ hãi, và Liesel cũng vậy. Có mùi của súp đậu, cái gì đó đang cháy, và mùi của sự đối đầu.
Tất cả đều chờ đợi những từ ngữ tiếp theo.
Chúng được phát ra từ miệng gã con trai. Chỉ có hai từ mà thôi.
“Đồ hèn.” Gã ném thẳng câu này vào mặt Bố mình, rồi lập tức rời khỏi căn bếp, và rời khỏi nhà.
Trong vô vọng, Bố bước về phía cổng vào và gọi với theo con trai mình. “Đồ hèn ư? Tao là đồ hèn ư?!” Sau đó ông lao ra cổng và chạy theo gã với vẻ nài xin. Mẹ chạy vội đến chỗ cửa, gạt lá cờ sang một bên, và mở cửa sổ ra. Bà, Trudy và Liesel đứng túm tụm lại cùng nhau, nhìn một người cha bắt kịp con trai ông và giữ chặt lấy gã, nài nỉ gã hãy ngừng lại. Họ không nghe được gì cả, nhưng cách mà Hans Con vùng thoát ra đã đủ lớn tiếng lắm rồi. Cái khung cảnh Bố nhìn gã ta bước đi cứ như đang gầm thét với họ từ phía cuối đường.
“Hansie!” Sau cùng Mẹ cũng kêu lên. Cả Trudy lẫn Liesel đều chùn bước trước giọng của bà. “Hãy quay lại đây!”
Gã con trai đã đi rồi.
Phải gã con trai đã đi rồi, và tôi ước tôi có thể nói với các bạn rằng mọi việc đã ổn với chàng Hans Hubermann trẻ tuổi ấy, nhưng không phải như thế.
Khi gã ta biến mất khỏi phố Thiên Đàng ngày hôm ấy, nhân danh Quốc trưởng, gã sẽ lăn lóc qua nhiều sự kiện của một câu chuyện khác, mỗi bước đi đều dẫn dắt gã một cách đầy bi kịch đến Nga.
Đến stalingrad.
VÀI THÔNG TIN VỀ STALINGRAD
1. Vào năm 1942 và đầu năm 1943, ở thành phố ấy, mỗi sáng bầu trời đều trắng tinh như tấm vải trải giường đã được giặt tẩy.
2. Suốt cả ngày, khi tôi mang những linh hồn đi ngang qua nó, tấm vải trải giường ấy tung tóe máu, cho đến khi nó đã nhuốm đầy máu và chìm dần xuống đất.
3. Vào buổi tối, nó sẽ được trải ra và tẩy lại lần nữa,
sẵn sàng chờ đón bình minh sắp đến.
4. Và khi ấy việc đánh nhau chỉ xảy ra vào ban ngày mà thôi.
Khi gã con trai đã đi khỏi rồi, Hans Hubermann vẫn đứng nán lại thêm một lúc nữa.
Con đường trông mới mênh mang làm sao.
Khi ông xuất hiện lại bên trong nhà, Mẹ nhìn ông chằm chằm, nhưng không có lời nào được nói ra giữa hai người cả. Bà không chửi mắng ông chút nào, mà điều này, như bạn đã biết, là vô cùng bất thường. Có thể bà ta quyết định rằng ông đã chịu đủ tổn thương rồi, khi bị chính con trai mình mắng là đồ hèn.
Một lúc lâu sau, ông vẫn ngồi lặng thinh nơi bàn ăn khi bữa ăn đã kết thúc. Liệu ông có thực sự là một thằng hèn, như con trai ông đã chỉ ra một cách phũ phàng như thế không? Chắc rồi, trong cuộc Thế chiến đầu tiên, ông coi mình là một gã như thế. Ông quy cho việc mình sống sót là nhờ sự hèn nhát. Nhưng sau đó, liệu có phải là hèn nhát hay không khi, ông nhạn thức được nỗi sợ hãi? Có sự hèn nhát nào trong việc cảm thấy vui mừng vì bạn đã sống sót hay không?
Những suy nghĩ của ông như những nhát cắt chằng chịt trên mặt bàn, khi ông nhìn chằm chằm vào nó.
“Bố ơi?” Liesel hỏi, nhưng ông không nhìn nó. “Anh ta nói gì vậy? Anh ta có ý gì khi nói…
“Không gì hết,” Bố trả lời. Ông nói, một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh, với cái bàn. “Không có gì đâu. Hãy quên hắn ta đi, Liesel.” Phải mất chừng một phút sau ông mới nói tiếp được. “Không phải là con đang chuẩn bị sao?” Lần này thì ông nhìn nó. “Chẳng phải là con sẽ tham gia vào một đêm đốt lửa sao?”
“Vâng thưa Bố.”
Kẻ trộm sách đi thay bộ đồng phục Thiếu niên Hitler vào, và một tiếng rưỡi đồng hồ sau, họ rời khỏi nhà, đi về phía trụ sở BDM. Từ đó bọn trẻ con sẽ được đưa đến quảng trường thành phố theo nhóm của chúng.
Những bài diễn văn sẽ được đọc.
Một đống lửa sẽ được nhen lên.
Một quyển sách sẽ bị lấy trộm.
MỒ HÔI ĐỨC THUẦN CHỦNG
Người ta xếp hàng trên đường khi tuổi trẻ nước Đức diễu hành về phía tòa thị chính và quảng trường. Có vài lần, Liesel như quên khuấy đi mất chuyện về mẹ nó và bất cứ rắc rối nào mà nó đang gặp phải. Ngực nó rung lên khi mọi người cứ không ngừng vỗ tay. Có vài đứa trẻ vẫy tay với bố mẹ chúng, nhưng chỉ trong phút chốc thôi – vì người ta đã hướng dẫn chúng rất rõ ràng là phải diễu hành thẳng hàng và không được nhìn hay vẫy tay với đám đông.
Khi nhóm của Rudy tiến vào quảng trường và được hướng dẫn ngừng lại, đã có một trường hợp cá biệt. Tommy Muller. Cả trung đoàn đều đứng lại còn riêng Tommy thì đâm thẳng vào thằng bé đứng trước nó.
“Đồ ngốc”, thằng này buột miệng chửi, trước khi quay lên.
“Tớ xin lỗi,” Tommy nói, tay xòe ra để bày tỏ sự ăn năn của mình. Các cơ mặt của nó tự xô vào nhau. “Tớ không nghe thấy hiệu lệnh.” Đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng cũng là một điềm báo trước cho những rắc rối sắp sửa xảy đến. Với Tommy. Với Rudy.
Vào cuối buổi diễu hành, các sư đoàn Thiếu niên Hitler được phép giải tán. Việc giữ chúng tập trung lại với nhau trong khi đống lửa nhảy nhót trong mắt chúng và làm chúng phấn khích là một việc làm gần như bất khả thi. Chúng đồng thanh hô vang một tiếng Hitler Vạn tuế rồi được phép tự do đi lòng vòng khắp nơi. Liesel đưa mắt tìm Rudy, nhưng một khi đám đông trẻ con ấy đã túa ra, thì con bé thấy ngay là mình đã rơi tõm vào giữa một đống đồng phục lộn xộn và những từ ngữ chói lói Bon trẻ đang réo gọi nhau.
* * *
Vào lúc bốn giờ rưỡi, bầu không khí đã mát dịu đi đáng kể.
Người ta đùa với nhau là họ cần phải làm ấm người lên “Đó là tất cả những gì có ích mà đống rác này có thể mang lại”.
Những xe đẩy được trưng dụng để dồn chúng vào thành một đống. Cái đống ấy được dựng lên giữa quảng trường thị trấn và được rưới lên bởi thứ gì đấy thật ngọt ngào. Những quyển sách, giấy má và những thứ khác cứ chực rơi ra hay đổ nhào xuống chỉ để được ném vào một đống khác. Từ đằng xa, cái đống ấy trông như một ngọn núi lửa sắp phun trào. Hay cái gì đó thật kỳ cục và lạ lẫm, mà bằng một phép thần kỳ nào đó đã hạ cánh xuống ngay chính giữa quảng trường thị trấn và cần phải được dẹp biến đi, và dẹp đi thật nhanh.
Mùi của thứ được rưới lên bay về phía đám đông, lúc này họ đang đứng ở một khoảng cách khá xa. Đám đông có đến hơn một nghìn người, họ đứng trên mặt đất, trên những bậc cấp dẫn lên tòa thị chính, trên những nóc nhà quanh quảng trường.
Khi Liesel cố gắng len lỏi qua đám đông, một âm thanh lách tách khiến con bé nghĩ rằng đám lửa đã được nhóm lên rồi. Nhưng vẫn chưa, tiếng ồn đó là của những con người không ngừng động đậy, dòng người đang trôi đi, đang nóng dần lên.
Họ đã bắt đầu mà không có tôi!
Dù có điều gì đó sâu thẳm bên trong bảo với con bé rằng đây là một tội ác – xét cho cùng, ba quyển sách của nó là những thứ quý giá nhất mà con bé sở hữu – thì nó vẫn buộc phải thấy đống lửa được nhóm lên. Nó không dừng được. Tôi đoán loài người luôn muốn thấy một chút gì đó bị phá hủy. Những lâu đài cát, những ngôi nhà được xây bằng lá bài, đó là nơi mà họ bắt đầu. Họ có mọt kỹ năng tuyệt vời là khiến cho mọi thứ ngày càng leo thang để rồi đổ sụp.
Cái ý nghĩ sẽ bỏ lỡ cảnh tượng ấy của con bé nguôi ngoai phần nào khi nó tìm thấy
một kẽ hở giữa những thân người, và nhìn thấy đống tội lỗi kia, khi đó vẫn còn nguyên vẹn. Cái đống ấy bị người ta chọc vào, tưới xăng vào, thậm chí còn bị nhổ nước bọt vào nữa. Cảnh tượng đó khiến con bé nhớ đến một đứa bé rách rưới khổ ải, đau đớn và hoang mang, vô vọng trước số phận mà nó không có quyền lựa chọn. Không ai ưa nó cả. Đầu nó cúi gằm. Hai tay nó đút túi. Vĩnh viễn. Amen.
Những mảnh những miếng vẫn tiếp tục rơi lả tả xuống cái đống ấy, trong khi Liesel dáo dác khắp nơi tìm Rudy. Cái đồ lợn ấy đang ở đâu cơ chứ?
Khi con bé nhìn lên, thì bầu trời đang sa xuống.
Một đường chân trời toàn những lá cờ và đồng phục Quốc xã hiện lên, che chắn tầm nhìn của nó mỗi khi nó cố gắng kiếm tìm một cái đầu trẻ con. Việc này chả có ích gì cả. Đám đông chính là đám đông. Không thể thống trị được nó, chen lấn nó hay tranh luận với nó. Bạn phải hít thở cùng nó và hát bài hát của nó, Bạn phải chờ đám cháy của nó.
Một người đàn ông đứng lên bục và yêu cầu mọi người im lặng. Đồng phục hắn ta có màu nâu lấp lánh, vẫn còn những nếp ủi hằn trên đó. Sự im lặng bắt đầu.
Câu đầu tiên của gã là: “Hitler vạn tuế!”
Hành động đầu tiên của gã là: giơ tay chào mừng Quốc trưởng.
“Hôm nay là một ngày thật đẹp,” gã nói tiếp. “Hôm nay không chỉ là ngày sinh nhật của Quốc trưởng vĩ đại của chúng ta, mà một lần nữa chúng ta đã làm kẻ thù phải ngừng bước. Ta đã ngăn không cho chúng xâm chiếm tâm trí của chúng ta..”
Liesel vẫn cố gắng len lỏi qua đám đông.
“Chúng ta đặt dấu chấm hết cho một căn bệnh đã lây lan trên toàn nước Đức trong suốt hai mươi năm qua, nếu không muốn nói là từ lâu hơn thế nữa!” Giờ thì gã này đang thực hiện một nghi thức gọi là Schreierei – một sự bày tỏ tột bực của tiếng la hét
đầy đam mê – nó cảnh báo đám đông hãy chú ý, hãy thận trọng, hãy tìm kiếm và tiêu diệt những âm mưu quỷ dữ đang muốn làm đất mẹ nhiễm bệnh bằng những phương cách tồi tệ. “Lũ đồi bại! Lũ Cộng sản!” Lại là cái từ đấy. Cái từ cũ rích ấy. Những căn phòng tối om om. Những người đàn ông mặc com lê. “Die Juden – bọn Do Thái!”
Đến giữa bài phát biểu đó, Liesel đầu hàng. Khi từ “cộng sản” tóm lấy nó, thì phần còn lại của buổi độc diễn Quốc xã tràn qua, từ cả hai bên, mất hút đâu đó giữa những cái chân Đức xung quanh nó. Những dòng thác của ngôn từ. Một đứa bé gái đang bước đi trên nước. Con bé lại nghĩ đến từ đó lần nữa. Cộng sản.
Cho đến lúc này, ở BDM, bọn nó được bảo rằng người Đức là nòi giống thượng đẳng, nhưng không còn ai khác được nói đến một cách cụ thể cả. Dĩ nhiên, ai cũng biết về những người Do Thái, khi bọn họ là những kẻ phá hoại chính lý tưởng của nước Đức. Dù vậy, cho đến hôm nay, chưa lần nào những người cộng sản được nhắc đến.
Con bé phải thoát ra.
Trước mặt nó, một cái đầu với mái tóc màu vàng thưa thớt và loăn xoăn như đuôi lợn đứng yên trên đôi vai. Nhìn chằm chằm vào cái đầu ấy, Liesel như quay lại những căn phòng tối om trong quá khứ, và mẹ nó đang trả lời những câu hỏi được tạo nên bởi một từ.
Con bé nhìn thấy tất cả rất rõ ràng.
Người mẹ đói rách của nó, người cha mất tích của nó.
Đứa em trai đã chết của nó.
“Và bây giờ, chúng ta nói lời vĩnh biệt, với thứ rác rưởi này, với chất độc hại này.”
Ngay trước khi Liesel kinh tởm quay người đi để thoát ra khỏi đám đông, sinh vật bận áo nâu óng ả ấy đi về phía chiếc bục. Gã ta nhận lấy một ngọn đuốc từ đồng bọn và nhóm lửa vào cái đống đã làm hắn có vẻ như nhỏ lại trong mọi sự tội lỗi của nó.
“Hitler vạn tuế.”
Đám đông: “Hitler vạn tuế.”
Một nhóm người bước lên từ một nền đất và vây quanh cái đống đó, châm lửa đốt cháy nó, trong sự hò hét ủng hộ của những người còn lại. Những giọng nói trèo lổn nhổn qua vai người ta và mùi của mồ hôi nước Đức thuần chủng dội đến đầu tiên sau đó loang ra ngoài. Nó bao phủ hết con phố này đến con phố khác cho đến khi tất cả đều ngụp lặn trong nó. Những từ ngữ, mồ hôi. Và tiếng cười. Đừng quên tiếng cười.
Tiếp theo là rất nhiều lời nói vui vẻ, cũng như một tràng dữ dội những tiếng Hitler vạn tuế khác. Bạn biết đấy, việc này đã thực sự khiến tôi tự hỏi xem liệu có ai đó đã từng mất một con mắt hay bị thương tay, hay bị trặc cổ tay trong cái đám hỗn độn này hay chưa. Bạn chỉ cần phải quay sang một nơi không phù hợp trong một thời điểm không thích hợp thôi, hay đứng quá gần một người nào đó. Có thể người ta đã bị thương thật. Phần tôi, tôi chỉ có thể nói với bạn là đã không có ai chết trong đó, hay ít nhất, là không chết về mặt thể xác. Dĩ nhiên, có một vấn đề là tôi đã phải thu nhặt bốn mươi triệu người vào lúc mà mọi chuyện qua đi, nhưng điều này đang trở thành toàn là phép ẩn dụ thôi. Hãy cho phép tôi đưa chúng ta quay lại với đống lửa.
Những ngọn lửa màu cam vẫy tay chào đám đông khi giấy tờ và chữ nghĩa tan rã trong chúng. Những từ ngữ bốc cháy bị tách rời ra khỏi những câu văn chứa chấp chúng.
Ở bên kia, ngoài cái nóng mờ mịt ấy, có thể nhìn thấy những cái áo màu nâu và chữ thập ngoặc đang xiết chặt tay nhau. Bạn không thể nhìn thấy những con người, chỉ có những bộ đồng phục và ký hiệu mà thôi.
Chim lượn nhiều vòng trên bầu trời.
Trong nỗ lực cố gắng thoát ra của Liesel, một giọng nói tìm đến tai con bé.
“Liesel!” .
Giọng nói ấy len lỏi qua đám đông và con bé đã nhận ra. Không phải là giọng nói của Rudy, nhưng con bé biết giọng nói đó.
Con bé vùng thoát khỏi đám đông và lần theo, để tìm ra gương mặt dính chặt vào giọng nói ấy. Ôi, không. Ludwig Schmeikl. Như con bé nghĩ, thằng kia không chế nhạo, đùa cợt hay nói câu nào với nó cả. Tất cả những gì mà thằng này có thể làm là kéo con bé về phía nó và chỉ vào mắt cá chân của mình Nó đã bị giẫm đạp lên bởi sự phấn khích và đang chảy máu, dòng máu tối tăm đáng ngại đã kịp thấm qua tất của nó. Gương măt nó toát lên một vẻ vô vọng bên dưới mái tóc vàng rối mù. Một con thú. Không phải là một con hươu trong ánh sáng. Không có gì quá điển hình hay đặc biệt. Nó chỉ là một con thú, bị tổn thương giữa đám đồng loại lộn xộn của mình, sẽ sớm bị chà đạp bởi đồng loại của mình.
Làm thế nào đó, con bé đã giúp nó đứng dậy rồi kéo nó ra đằng sau đám đông, về phía không khí trong lành.
Chúng loạng choạng bước cùng nhau về phía những bậc cấp bên cạnh nhà thờ. Có vài chỗ trống ở đó để chúng nghỉ chân, cả hai đều thở phào nhẹ nhõm.
Hơi thở hồng hộc cứ túa ra chạy vào nơi miệng của Schmeikl. Không khí trườn xuống, qua họng thằng bé. Nó tìm cách nói chuyện.
Thằng bé ngồi xuống, nắm lấy mắt cá của mình và tìm thấy gương mặt của Liesel Meminger. “Cảm ơn”, nó nói, như nói với miệng của con bé hơn là nhìn vào mắt. Thêm vài ngụm thở nữa. “Và…” Cả hai đều hình dung ra hình ảnh của những trò lố bịch và một trận đánh nhau trên sân trường. “Tớ xin lỗi vì chuyện đó – cậu biết mà.”
Liesel lại nghe thấy từ đó.
Cộng sản.
Dù vậy, con bé chọn cách tập trung vào Ludwig Schmeikl. “Tớ cũng vậy.”
Sau đó cả hai đều tập trung vào việc hít thở, vì không còn gì để nói và làm với nhau nữa. Mọi mắc mớ của chúng đã chấm dứt rồi.
Máu loang ra trên mắt cá của Ludwig Schmeikl.
Một từ duy nhất dựa vào đứa bé gái. 1
Bên trái chúng, những ngọn lửa và những quyển sách bị đốt cháy được reo hò, hoan hô như những người anh hùng.
NHỮNG CÁNH CỬA CỦA VIỆC ĂN TRỘM
Con bé ngồi lại trên những bậc cấp, đợi Bố, nhìn đám tro tàn và thi thể của những quyển sách bị thu gom lại. Mọi thứ đều trông thật buồn bã. Những cục than màu cam và đỏ trông như những viên kẹo bị từ chối, và hầu hết đám đông đã tản đi. Nó nhìn thấy mụ Diller ra về (với vẻ rất thỏa mãn), và Pfiffikus (tóc trắng, một bộ đồng phục Quốc xã, vẫn đôi giày cũ rích ấy và một tràng huýt sáo đầy hân hoan). Giờ chẳng còn gì khác ngoài công việc dọn dẹp, và không lâu nữa, sẽ chẳng có ai hình dung được là điều đó đã xảy ra.
Nhưng bạn có thể ngửi được nó.
“Con đang làm gì thế?”
Hans Hubermann đến được chỗ mấy bậc cấp nơi nhà thờ và cất tiếng hỏi.
“Chào Bố.”
“Lẽ ra con phải ở đằng trước tòa thị chính mới phải chứ?
“Xin lỗi Bố.”
Ông ngồi xuống bên cạnh nó, chia đôi chiều dài cơ thể mình trên những bậc cấp bằng bê tông và mân mê một lọn tóc của Liesel. Những ngón tay của ông vén chúng thật
gọn gàng ra sau tai con bé. “Liesel, có chuyện gì vậy?”
Trong một lúc, con bé không nói gì cả. Con bé đang tính toán, dù đã biết trước kết quả rồi.
MỘT BỔ SUNG NHO NHỎ
Từ cộng sản + một đống lửa lớn + một bộ sưu tập
gồm những lá thư chết + những nỗi khốn khổ của mẹ nó + cái chết của em trai nó = Quốc trưởng.
Quốc trưởng.
Ông chính là người ta mà Hans và Rosa Hubermann đã nói đến vào buổi tối hôm đó khi lần đầu tiên con bé viết thư cho mẹ nó. Con bé biết điều này, nhưng nó vẫn buộc phải hỏi.
“Mẹ con có phải là một người cộng sản không?” Một cái nhìn chằm chằm. Một câu hỏi trực diện. “Lúc nào họ cũng tra hỏi bà việc này việc nọ, trước khi con được đưa đến đây.”
Hans ngồi thẳng dậy một chút, nói ra những câu chữ đầu tiên của một lời nói dối. “Bố cũng không biết nữa – bố chưa bao giờ gặp bà ấy.”
“Có phải Quốc trưởng đã bắt bà ấy đi rồi không?”
Câu hỏi này đã làm cả hai bố con ngạc nhiên, và nó đã buộc Bố phải đứng lên. Ông nhìn những người mặc áo nâu đang xúc đống tro tàn với những cái xẻng. Ông có thể nghe thấy họ đang xục xẻng vào đó. Một lời nói dối khác đang lớn dần lên trong miệng ông, nhưng ông thấy không thể nói nó ra được. Ông nói, “Bố cho là có thể ông ta đã làm như thế thật đấy.”
“Con biết điều đó.” Những từ ngữ được ném xuống các bậc cấp và Liesel có thể cảm
nhận được cơn giận dữ đang sôi lên sùng sục trong dạ dày nó. “Con ghét Quốc trưởng,” con bé nói, “con căm thù ông ta.”
Còn Hans Hubermann?
Ông đã làm gì? Ông đã nói gì?
Ông có cúi xuống và ôm lấy đứa con gái nuôi của ông, điều mà ông muốn làm khi đó hay không? Ông có nói với nó là ông rất tiếc về những điều đã xảy ra cho nó, cho mẹ nó, cho điều đã xảy ra với em trai nó hay không?
Không hẳn.
Ông nhắm chặt mắt lại. Sau đó mở mắt ra. Ông tát thẳng vào mặt Liesel Meminger.
“Đừng bao giờ nói điều đó!” Giọng của ông rất khẽ, nhưng đanh thép.
Khi con bé khóc rung lên bần bật và nằm gục xuống chỗ bậc cấp ông ngồi xuống cạnh nó, lấy tay ôm mặt. Thật dễ để ta nói rằng ông là một người đàn ông cao lớn đang ngồi trong một tư thế kỳ cục khốn khổ và kiệt sức trên bậc cấp của nhà thờ, nhưng không phải như vậy. Lúc ấy, Liesel không hề biết rằng cha nuôi của nó, Hans Hubermann, đã rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan nguy hiểm thuộc vào loại bậc nhất mà một công dân Đức có thể rơi vào. Không chỉ có vậy, ông ấy đã phải đối mặt với nó suốt gần một năm trời.
Con bé muốn bỏ chạy nhưng không thể. Giờ thì đôi bàn tay đã rời khỏi khuôn mặt của Bố khi ông tìm thấy lòng quyết tâm để mở miệng cất tiếng nói lần nữa.
“Con có thể nói điều đó trong nhà của chúng ta,” ông nói, nhìn chằm chằm vào má của Liesel. “Nhưng con không bao giờ được nói điều đó ngoài đường, ở trường, ở BDM, không bao giờ!” Ông đứng trước nó và xốc nách nó lên. Ông lắc người nó. “Con đã nghe bố nói chưa?”
Với đôi mắt mở trừng trừng, Liesel gật đầu ra ý đã hiểu.
Việc này, xét trên thực tế, là một bài diễn tập của một bài thuyết giảng trong tương lai, khi tất cả những nỗi sợ hãi tệ hại nhất của Hans Hubermann xảy ra ở phố Thiên Đàng vào giai đoạn sau đó trong năm, vào một buổi sớm tháng Mười một.
“Tốt.” Ông đặt con bé xuống đất. “Bây giờ, chúng ta hãy thử xem.” Ở bậc thang cuối cùng, Bố đứng thẳng người và giơ tay lên. Chéo bốn mươi lăm độ. “Hitler vạn tuế.”
Liesel đứng dậy và cũng giơ tay lên. Với một sự khốn khổ đến cùng cực, nó lặp lại câu nói. “Hitler vạn tuế.” Đó thật là một cảnh tượng đáng xem – một đứa bé gái mười một tuổi, đang đứng ở bậc cấp của nhà thờ, cố không bật khóc, chào mừng Quốc trưởng khi những giọng nói qua vai của Bố rơi phịch xuống và va vào bóng tối trên bức tường đằng sau.
“Chúng ta vẫn là bạn chứ?”
Chừng mười lăm phút sau, Bố cầm một điếu thuốc tượng trưng cho hòa bình trong lòng bàn tay – mớ giấy gói và lá thuốc mà ông vừa nhận được.
Không nói không rằng, Liesel vươn người tới trước một cách ủ dột và bắt đầu vê điếu thuốc ấy.
Hai bố con cứ ngồi cùng nhau như thế một lúc lâu.
Khói trèo lên vai Bố.
Mười phút sau, những cánh cửa của việc ăn cắp sẽ hơi hé mở một chút, và Liesel Meminger sẽ mở chúng rộng ra một chút nữa và lách người qua.
HAI CÂU HỎI
Những cánh cửa sẽ đóng lại sau lưng con bé chứ?
Hay liệu chúng sẽ có ý tốt, vẫn mở để con bé quay trở ra?
Như Liesel sẽ khám phá ra, việc trở thành một tên trộm cừ khôi đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Sự lén lút. Lòng can đảm. Tốc độ.
Dù vậy, hơn bất cứ điều gì trong số này, lại là một yêu cầu cuối cùng.
Sự may mắn.
Thực ra.
Hãy quên mười phút đi.
Những cánh cửa giờ đã mở rồi.
QUYỂN SÁCH CỦA LỬA
Bóng tối phủ xuống từng chút một, và với điếu thuốc đã được hút xong, Liesel và Hans Hubermann bắt đầu đi về nhà. Để ra khỏi quảng trường, họ cần phải đi ngang qua chỗ đống lửa và một đoạn vỉa hè ngắn nữa mới đến được phố Munich. Nhưng họ không đi xa được đến chừng ấy.
Một người thợ mộc luống tuổi tên là Wolfang Edel cất tiếng gọi. Ông là người đã đóng cái bục cho những nhân vật quan trọng trong đảng Quốc xã đứng trong suốt buổi đốt lửa, và lúc này ông đang hạ nó xuống. “Hans Hubermann đấy phải không?” Ông có đôi hàng tóc mai kéo dài đến tận gần miệng, và một giọng nói tối tăm. “Hansie!”
“Chào, Wolfal,” Hans đáp. Ông giới thiệu đứa bé gái, và một câu Hitler vạn tuế. “Tốt lắm, Liesel.”
Trong vài phút đầu tiên, Liesel ở yên trong vòng bán kính năm mét của cuộc nói chuyện. Những câu nói lướt qua tai nó, nhưng con bé không để ý đến chúng lắm.
“Có nhiều việc làm không?”
“Không, bây giờ cái gì cũng khó khăn cả. Anh biết hoàn cảnh bây giờ thế nào rồi đấy, đặc biệt là khi anh không phải là một đảng viên.”
“Anh bảo với tôi là anh sắp vào Đảng rồi mà, Hansie.”
“Tôi đã cố, nhưng tôi đã phạm sai lầm – tôi nghĩ là họ vẫn còn đang cân nhắc.”
Liesel bước vẩn vơ về phía đống tro tàn. Đống tro như một cục nam châm, như một con quái vật, nó là một thứ cám dỗ không thể cưỡng lại với những đôi mắt, cũng giống như con phố của những ngôi sao vàng.
Cũng như với sự thôi thúc phải nhìn thấy cái đống bùng cháy lên trước đó, con bé không thể nhìn đi chỗ khác được. Chỉ có một mình nó, không bị ai buộc phải giữ một khoản cách an toàn. Cái đống tro ấy hút Liesel về phía mình và con bé bắt đầu đi vòng quanh.
Trên cao, bầu trời đang hoàn thành nốt quy trình tối dần đi, nhưng đằng xa, trên sườn núi, vẫn có một vệt sáng mờ mịt.
“Pass auf, Kind,” một bộ đồng phục cất tiếng nói với nó như thế. “Coi chừng đấy, nhóc,” khi ông ta lấy xẻng xúc thêm một ít tro tàn lên xe đẩy.
Phía gần tòa thị chính, dưới một cây đèn, có vài bóng người đứng trò chuyện, rất có thể là đang hả hê vì thành công của đống lửa. Từ chỗ Liesel đang đứng, giọng nói của họ chỉ là những âm thanh. Con bé chẳng thể nghe được từ nào cả.
Trong vài phút, con bé quan sát người ta lấy xẻng xúc dần đống tro, ban đầu là làm cho nó trông nhỏ hơn ở phần rìa, để cho nó đổ sụp xuống. Họ cứ đi tới rồi lại đi lui từ chỗ một chiếc xe tải, và sau ba chuyến quay đi quay lại như thế, khi cái đống tro ấy đã được dọn đi gần tới đáy, một phần nhỏ của một thứ gì đó chưa cháy hẳn rơi ra từ bên trong.
VẬT ĐÓ
Một nửa lá cờ màu đỏ, hai tấm áp phích quảng cáo,
một bài thơ Do Thái, ba quyển sách,
14
và một tấm biển gỗ có chữ Hebrew ( ) trên đó.
Có thể là chúng bị ẩm nên không cháy. Có thể ngọn lửa đã không cháy đủ lâu để đạt đến độ sâu của những thứ này. Dù lý do có là gì đi nữa, chúng vẫn nằm rúc với nhau trong đám tro tàn, run lẩy bẩy. Những kẻ sống sót.
“Ba quyển sách,” Liesel khẽ nói và nó nhìn vào những tấm lưng của mấy người đàn ông.
“Nào,” một người trong số họ nói. “Nhanh lên đi chứ. Tôi sắp chết đói rồi đây này.”
Họ đi về phía cái xe tải.
Ba quyển sách thò mũi ra.
Liesel tiến đến gần.
Nhiệt độ vẫn còn nóng để làm con bé ấm lên khi nó đứng dưới chân đống tro. Khi nó thò tay vào, tay nó bị lửa táp, nhưng trong lần thử thứ hai, nó đã chắc rằng mình phải ra tay đủ nhanh. Nó vơ lấy quyển sách nằm gần nhất. Quyển sách ấy có màu xanh, phần rìa đã bị cháy xém, nhưng còn lại thì không sao cả.
Bìa sách như được dệt bởi hàng trăm sợi dây được kéo căng và dập xuống. Những con chữ màu đỏ được nhấn vào thớ giấy đó. Từ duy nhất mà Liesel có thời gian để đọc là Vai. Nó không có thời gian để đọc nốt, và có một vấn đề. Ấy là khói.
Khói bốc lên từ bìa sách trong lúc con bé tung tẩy nó cho khỏi nóng và chạy biến đi. Đầu nó cúi gằm, và vẻ đẹp bệnh hoạn của lòng can đảm ngày càng tỏ ra rùng rợn sau mỗi bước chân. Nó bước đi được mười bốn bước thì có một giọng nói.
Giọng nói ấy vang lên từ sau lưng con bé.
“Này!”
Đó là lúc mà con bé đã gần như chạy ngược lại và ném quyển sách trở vào đống tro tàn, nhưng nó không thể. Hành động duy nhất mà nó làm được là quay lại.
“Có thứ gì đó trong này vẫn chưa cháy!” Đó là một trong số những người dọn dẹp.
Ông ta không nhìn đứa bé gái, mà là nhìn những người đứng ở tòa thị chính.
“Thì đốt lại đi chứ!”, ai đó trả lời. “Và anh phải nhìn thấy chúng cháy ra tro đấy nhé!”
“Tôi nghĩ là chúng bị ướt!”
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph, chẳng lẽ việc gì tôi cũng phải động tay vào à?” Tiếng những bước chân vọng đến.
Đó là ngài thị trưởng, đang mặc một cái áo khoác màu đen bên ngoài bộ đồng phục Quốc xã. Ông ta không hề chú ý đến đứa bé gái đang đứng cách đó không xa.
MỘT NHẬN THỨC
Tượng đài của một kẻ trộm sách đứng trên sân…
Thật hiếm hoi làm sao, bạn có thấy không, khi một tượng đài xuất hiện trước khi chủ thể của nó trở nên nổi tiếng?
Con bé chìm.
Vào cảm giác rùng mình của việc bị bỏ qua!
Có vẻ như quyển sách đã đủ nguội để luồn vào bên dưới bộ đồng phục của con bé. Ban đầu, nó rất đáng yêu và ấm áp ở chỗ ngực. Dù vậy, khi con bé bước đi, quyển sách lại bắt đầu nóng lên.
Khi nó quay lại chỗ Bố và Wolfang Edel, quyển sách đã bắt đầu làm bỏng nó. Cứ như quyển sách đang bốc cháy vậy.
Cả hai người đàn ông đều nhìn về phía nó.
Con bé mỉm cười.
Ngay lập tức, khi nụ cười vừa tắt ngấm khỏi môi nó, nó đã có thể cảm thấy một thứ khác. Hay đúng hơn, một ai khác. Cảm giác mình đang bị theo dõi là không thể lẫn vào đâu được. Cảm giác ấy bao trùm khắp người con bé, và nó được khẳng định khi con bé có đủ can đảm nhìn về phía những bóng đen chỗ tòa thị chính. Bên cạnh chỗ mấy cái bóng, một cái bóng khác đứng đó, cách đó vài mét, và Liesel nhận ra hai điều.
VÀI MẢNH NHỎ CỦA NHẬN THỨC
1. Hình dáng của cái bóng, và
2. Một thực tế là cái bóng đó đã nhìn thấy mọi việc. Đôi tay của cái bóng đang đút vào túi áo khoác. Nó có mái tóc lơ thơ.
Nếu nó có một gương mặt, thì vẻ mặt của nó hẳn phải toát lên sự tổn thương.
“Gott verdammt!” Liesel nói, chỉ đủ lớn để mình nó nghe thấy. “Khốn kiếp thật.”
“Chúng ta đi được chưa nào?”
Trong những khoảnh khắc trước đó của mối nguy hiểm lạ lùng ấy, Bố đã nói lời tạm biệt với Wolfang Edel và đã sẵn sàng để cùng Liesel về nhà.
“Rồi ạ,” con bé trả lời.
Họ bắt đầu rời khỏi hiện trường của vụ phạm tội, và quyển sách đang thực sự làm bỏng con bé. Quyển sách Cái Nhún Vai đã tự áp vào lồng ngực con bé.
Khi họ bước ngang qua những cái bóng chập chờn chỗ Tòa thị chính, kẻ trộm sách nhăn mặt.
“Chuyện gì vậy?” Bố hỏi.
“Không có gì.”
Dù vậy, chắc chắn là có cái gì đó không ổn.
Khói đang bốc ra khỏi cổ áo Liesel.
Một cái vòng cổ bằng mồ hôi đã hình thành quanh cổ họng con bé.
Bên dưới lớp áo, một quyển sách đang ăn nó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.