Khói Trời Lộng Lẫy
TÌNH LƠ
1
Lâu rồi, má tôi có đi coi phim Công lý báo thù người ta chiếu đằng sân Xã ủy. Dượng Bảy (lúc chưa phải là dượng Bảy) bữa đó cũng coi chung, ngồi kế bên má, gần cái phông vải lớn. Coi hát thì chỗ này là ngon lành nhất, nhìn đào kép rõ, mụt ruồi giả của họ bị rớt, hoặc áo vua rách mình cũng thấy, nhưng đây là chiếu bóng, cái phim từ đầu tới cuối chỉ ca hát với đánh nhau. Cứ mỗi lần nhân vật ra đòn là má tôi né, thấy máu má tôi che mắt kêu trời, tới cảnh mấy con trăn rắn lớn bò tới thì khán giả đều sụt lùi ngã rạp sắp lớp lên nhau la ó ré. Má tôi sợ tới quên trời đất, dúi mặt vô lưng người thanh niên lạ hoắc bên cạnh, tức dượng Bảy. Khi phim gần hết, nam nữ chính múa hát ứ ư thì dượng Bảy đã chính thức chạm vào ngón tay út của má.
Hết phim má tôi để lại một cái lông ngỗng, em là cháu ông xã Nghiệp, rồi chìm mất vào dòng người. Năm bữa sau dượng Bảy (lúc đó sắp là dượng Bảy) nhờ một người bạn của ông ngoại tới nhà. Bữa đó má tôi chở mía đi lò đường để ép, dì Bảy ở nhà nấu cơm. Bạn già của ông ngoại khều dượng Bảy hỏi, “mầy thương đứa đó hả ?”. Dượng ngó cái người thấp thoáng trong bếp, thấy cái eo thon, đuôi tóc dài, gương mặt nhỏ nhắn xinh xẻo, trên môi lúc nào cũng nhoẻn cười , dượng tưởng người quen liền gật đầu. Tới đám ăn trầu uống rượu mới hay dì Bảy có người chị sinh đôi, tức là má tôi. Hai người giống nhau đến mức khó mà phân biệt được, nên đã nhiều người há hốc, “Ủa, mới thấy con Bảy xách giỏ đi chợ cái độp giờ sao nó làm cỏ ở nhà rồi ?” Dượng Bảy cũng cầm khay rượu há hốc ra, hết nhìn cô chị rồi tới cô em. Bẽ bàng. Lỡ làng.
2
– Cô không phải người tôi thương.
Dượng Bảy phũ phàng nói thẳng trong một tối say mèm, say đến nỗi thay vì chỉ thẳng dì Bảy thì dượng dứ dứ vô cái gối. Dì Bảy mắc cười quá, khẽ khều sườn chồng, nhỏ nhẻ, em bên này nè anh. “Tôi nhớ em từ bữa đi coi chiếu bóng tới giờ…”, dượng nói sau khi day lại ôm dì, sau khi cầm ngón út nhỏ nhắn của dì nắn mãi. Dì kệ, để tay mình ở đó, mặt héo lòng hon bỡi bàng hoàng, phải như bình thường dì đã thanh minh giòn giã, “Đây Bảy à nghen, con Bảy, không phải Sáu…” Nhưng dì biết nói gì cũng muộn, người nhầm lẫn là chồng dì, tối đó đúng tối tân hôn.
Bữa sau ra vườn đắp mấy họng đìa, hồn vía để đâu mà dượng xắn lưỡi dá vô chân, máu chảy đầm đìa. Dì Bảy bứt lá chuối non nhai nghiến ngấu đắp lên vết thương của dượng, máu trôi bả chuối này dì đắp lên bã chuối khác, miệng không hay chát. Dượng lắc đầu nói, cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy máu trên phim còn không dám nhìn…
Hôm gặt, dì đẩy xuồng lúa bó trên mương ruộng cạn, mồ hôi này chưa khô mồ hôi kia lại tươm bê bết, lúc ăn cơm dượng ngồi gần nhăn mặt, cô không phải người tôi thương, đàn bà gì đâu mà chua lè, người ta kia thơm phức như múi mít…
Năm sau vợ chồng cãi nhau, bữa đó chồng có rượu nói ngang, tức quá vợ đá vô ống quyển của dượng rồi té chạy. Chồng rượt sát đằng sau. Lọt qua cây quao che khuất tầm nhìn, vợ liền xõa tóc đủng đỉnh đi ngược lại, hỏi lớn, “dượng Bảy, cầm chổi chà chạy đâu gấp vậy ?”. Chồng tưởng chị vợ tới chơi, khựng lại sượng trân, “à, tôi.. tôi đuổi mấy con gà…” rồi mời vợ vô nhà, rót nước cho vợ uống, hỏi vợ đói bụng không để chồng nấu cơm. Vợ nằm chờ cơm đòng đưa trên võng, ngó dượng chổng mông thổi lửa, mắc cười nhưng buồn quá, không cười được. Tối đó chồng chắc lưỡi hít hà xoa dầu gió vô chỗ chân bầm tím, chồng nói cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy đánh nhau trong phim còn sợ…
Năm sau dì sinh con gái đầu lòng, tóc rụng xơ xác, dượng Bảy ngó lom lom vào đỉnh đầu trống trãi nói, cô không phải người tôi thương, người ta kia tóc nắm môt vốc, mướt rượt…
Cô không phải là người tôi thương, sau này dượng còn nhắc đi nhắc lại câu này, mỗi khi say. Mà nghề thợ mộc cất nhà của dượng thiếu gì dịp say. Dỡ gỗ, nhậu. Lên đòn dông, nhậu. Lợp nhà, nhậu. Nhưng say nhất là về đám giỗ bên vợ, phải ngượng ngập gặp chị vợ lúc này cũng đã có chồng, phải nhớ lại mùi tóc, làn da, ngón tay nhỏ xíu nóng rẫy năm xưa. Nhưng đáp lại cái câu tạt mặt phũ phàng vô duyên vô dùng là một cái nhoẻn cười, cũng đôi khi dì Bảy hỏi lại, “chắc không à?”, mà dượng có lần dõng dạc nói chắc, dì vặn ngay, ‘vậy sao hồi hôm ôm tui ?”. Dượng Bảy không biết trả lời sao, đành ngoẹo đầu ngáy o o.
Có lần dượng đi đám giỗ ba bữa chưa về, dì lấy tờ giấy vẽ bản đồ nhà mình, vẽ sông Cái Tàu cong cong ẹo ẹo qua rạch Giồng Ông, vẽ chòm cây trâm bầu dưới bến, vẽ cái nhà có bàn ông Thiên đằng trước, ghi chú rõ ràng “Nhà Hai Hiệp”. Trâm bầu thì dì viết chữ “trâm bầu”, không thôi người ta nói đó là so đũa sao. Xong dì sai con đem tờ giấy cho dượng. Đi te te về, dượng nạt, ý cô nói tui đi nhậu không biết đường về nhà hả ? Cô sâu cay hết biết. Thiệt là… cô không phải người tôi thương, người ta kia mủ mỉ thật thà…
3
Ba mươi năm sau, dượng Bảy đột quỵ. Chân yếu, miệng méo, xãi lai nằm một chỗ, mỗi khi dì dìu đỡ vào nhà tắm, giặt khăn với nước ấm lau khắp người, thay quần áo cho, dượng mắc cỡ quá nói câu gì đó, dì Bảy phiên dịch là, “cô đâu phải người tôi thương. Người ta kia kín đáo, ý tứ tới cái tên còn không dám nói thẳng ra…”. Dượng nghe chảy nước mắt. Dì hết hồn, hớt hãi nhắn xuống xóm Rẫy kêu má tôi qua, để an ủi tinh thần dượng.
Buổi đó nhá nhem, đèn đỏ ối, dượng Bảy nhìn má tôi rồi ngơ ngác ngó quanh tìm dì, rướn cái cổ lên dượng nói từng chữ lục cà lục cục, “chị không phải người tôi thương…”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.