Không Bao Giờ Là Thất Bại! Tất Cả Là Thử Thách
Phần VIII: Giấc mơ thống nhất
Năm 1989, thăm mộ ông nội tại quê nhà |
TT – Sau chuyến thăm Liên Xô (cũ) đầu tiên từ ngày 6 đến 12-1-1989, vào ngày 23-1, mười ngày sau khi tôi trở về, tôi nhận được lời mời của ông Hur Dam, người có vị trí thứ tư trong Đảng Lao động, và lên đường sang thăm Bắc Hàn.
Quê hương, 40 năm mới lại đặt chân…
Trong thời gian ở Bắc Hàn, tôi đã thuyết phục họ bằng tấm lòng chân thật và thiện ý. Đại diện của phía Bắc Hàn là Chon Kum Chol, người đã nhiều lần ngồi vào bàn hội đàm với chủ tịch Quốc hội She Mun Sik phía Hàn Quốc, còn Choi Shu Kil là người phụ trách kinh tế thông thương, kinh tế công nghiệp. Ông còn giữ vai trò chính trong việc đòi Nhật bồi thường chiến tranh. Đó là một con người có đầu óc cực kỳ sáng suốt.
Trong thời gian ấy, Chon Kum Chol phụ trách phần quan hệ chính trị, còn Choi Shu Kil đảm nhiệm phần quan hệ kinh tế. Tôi đã ký kết với họ tất cả năm hiệp định.
Thứ nhất là vấn đề khai thác núi Kim Cương, họ nói chẳng có vấn đề gì để lo lắng. Tôi tỏ thái độ mềm mỏng để tránh chạm vào tự ái của họ. “Các anh cũng có nhiều việc để làm, vậy nếu đầu tư tất cả vào núi Kim Cương mà khách du lịch không đến thì làm thế nào?”. Tôi bắt đầu như vậy vì xác định nếu muốn thu hút khách nước ngoài thì phải gom được tiền của thế giới để xây dựng.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu tôi muốn xây dựng một nhà máy sản xuất với mục đích bán hàng vào thị trường Mỹ thì cho dù tôi có đủ tiền để xây dựng đi nữa, tôi cũng vẫn cố kiếm vốn đầu tư của Mỹ, có như vậy họ mới quảng cáo tại đất nước mình và quan tâm tới chúng tôi. Chúng tôi thảo luận suốt mấy ngày liền, cuối cùng mọi việc cũng suôn sẻ.
Trong mười ngày ở Bình Nhưỡng, ngày nào cũng họp liên tục từ 9g-12g. Ngày hôm trước nêu vấn đề rồi ngày hôm sau giải thích. Buổi chiều chúng tôi đi tham quan theo chương trình đã được định sẵn. Họ cho tôi xem cơ sở vật chất công nghiệp, tuy nhiên trong suy nghĩ của tôi, ngoài ximăng ra, họ chẳng có một mặt hàng nào có tính cạnh tranh. Tôi khích lệ rằng họ đã nỗ lực nhiều.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về sinh hoạt của người dân Bắc Hàn, về cuộc sống còn nhiều khó khăn của họ. Đó là phép lịch sự của người được mời làm khách, và dù ghét hay yêu thì chúng tôi cũng là một dân tộc, chung một dòng máu.
Nếu có điều muốn nói thì là khi tôi tới sân bay, tất cả thân thích của tôi đều ra sân bay đón. Tất cả phụ nữ mặc trang phục giống nhau, hỏi ra mới biết chính phủ đã chuẩn bị cho họ như vậy. Về tới quê hương, tất cả thân thích của tôi đứng vào một góc và đồng thanh nói: “Nhờ vào tướng quân vĩ đại nên chúng tôi có cơm ăn đủ no và sống hạnh phúc”. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được nỗi đau bị chia cắt 40 năm đến như vậy.
Đoàn của chúng tôi chỉ có bốn người, trong khi số người đi theo chúng tôi đông gấp 40 lần, tôi chẳng nói gì được với bà con, chẳng nói được tôi làm gì ở phương Nam. Có lẽ họ hàng tôi chỉ nghĩ rằng tôi là một người buôn bán và có đủ cơm ăn no bụng. Họ còn hỏi tôi rằng tháng tư sang năm có đến thăm họ nữa không!
Trong đầu mình, tôi thầm nghĩ Bắc Hàn sẽ là vấn đề tôi tiếp tục quan tâm, chờ đợi thời cơ và nhận định theo ý kiến của tôi.
Khai thác Siberia vì ngày mai
Có hai lý do chính khiến tôi quan tâm nhiều đến nước Nga.
Thứ nhất, họ có nguồn tài nguyên vô tận từ gỗ, dầu lửa, than đá trong lòng đất cho đến cá trên biển Siberia. Hiện nay tất cả các loại nguyên liệu của chúng ta đều phải mua tận bên kia Thái Bình Dương từ các nước Mỹ, Canada, Úc hoặc châu Phi và phải chi một khoản tiền chuyên chở khổng lồ.
Nếu muốn nền móng sự phát triển liên tục của kinh tế Hàn Quốc trở nên kiên cố thì trước tiên phải đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu. Những nước tiên tiến cũng vậy, hoặc họ đang sở hữu nguồn tài nguyên của nước mình, hoặc bảo đảm nguồn cung cấp tài nguyên qua sức mạnh kinh tế. Còn đất nước nào không đảm bảo được nguồn tài nguyên nguyên liệu cho ngành công nghiệp thì sức mạnh kinh tế của đất nước giảm sút và gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Trước đây ngành ván ép của Hàn Quốc đã có thời chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu gỗ không được đảm bảo nên cùng với sự phá sản của “đại gia” Dongmyong, ngành ván ép hoàn toàn mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và Hàn Quốc đang từ một nước xuất khẩu ván ép hàng đầu thế giới trở thành nước nhập khẩu ván ép.
Gần một năm trời, tôi sang Nga nhiều lần để nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa hai nước, xây dựng niềm tin với nhân dân Nga về hình ảnh doanh nghiệp Hàn Quốc. Và nhờ vào sự tin tưởng đó mà chúng tôi sớm thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước Hàn – Nga. Đó là lý do thứ hai tôi quan tâm đến Nga, ảnh hưởng của Nga sẽ là con đường tắt giúp chúng tôi thống nhất đất nước.
Xét về thương mại, đương nhiên quan hệ với Trung Quốc tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài tôi ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hợp tác với Trung Quốc nên tôi nghĩ việc làm của tôi là toàn tâm toàn ý với Nga, góp phần mở đường trong việc thống nhất hai miền Nam Bắc, cũng là để đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu, xây dựng nền móng cho hàng vạn thế hệ sau. Một khi đất nước thống nhất, Hàn Quốc sẽ có số dân 60-70 triệu người rắn chắc và trí tuệ.
Hiện nay so với Nhật Bản thì kinh nghiệm, vốn và kỹ thuật của chúng tôi thua kém hơn, nhưng người Nhật làm được thì chúng tôi cũng có thể làm được. Trước đây, khi Hàn Quốc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu hoặc tiến vào Trung Đông, người Nhật đã cười mỉa mai.
Họ nói rằng chẳng có kỹ thuật, chẳng có vốn, chẳng có kinh nghiệm gì như chúng tôi mà lại dám nhận. Rồi 20 năm sau, khi chúng tôi khai thác vùng Siberia, có lẽ cũng có người Nhật cười rằng làm sao chúng tôi có thể đến cái nơi thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ âm tới 50-70OC. Nhưng tôi nghĩ chẳng có việc gì mà chúng tôi không làm được.
Chúng tôi phải nỗ lực hơn quá khứ, đổi mới nhiều hơn, nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, biến thị trường mà Nhật Bản đang chiếm giữ thành thị trường của Hàn Quốc và cạnh tranh với Mỹ. Một khi hai miền Nam – Bắc thống nhất thì những tài nguyên khai thác từ vùng Siberia phía bắc sông Tuman sẽ giúp ích rất lớn cho kinh tế Hàn Quốc.
Bởi vì khi quan hệ Hàn – Nga tốt hơn so với quan hệ của Nga với các quốc gia khác thì Hàn Quốc sẽ trở thành nước đảm nhận vai trò trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên việc khai thác Siberia chẳng có gì phải chần chừ.
Không có thất bại, tất cả đều là thử thách. Ông chủ Tập đoàn Hyundai đã chứng minh điều đó bằng cả cuộc đời mình, bằng chính những nỗ lực không ngừng nghỉ. Bài học của ông thật đơn giản: người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn. Cũng nhờ vậy, từ hai bàn tay trắng ông dựng nên cơ nghiệp… Từ những thành đạt của mình, ông nói gì với những người đi sau?
Chuyến đi của chủ tịch Chung Ju Yung tới CHDCND Triều Tiên năm 1998 đã khiến báo giới Hàn Quốc gọi ông là “người mơ tưởng vĩ đại”, bởi những giấc mơ của ông được thực hiện với cái giá khá đắt.
Hyundai đồng ý trả 1 tỉ USD cho Bình Nhưỡng trong một hạn định để mua quyền khai thác núi Kim Cương mà Chung dự định mở thành một khu du lịch. Sau đó, Hyundai phải chi những khoản không nhỏ cho “các siêu dự án bảy điểm” (khách sạn, đuờng sắt, thông tin, điện toán, khu công nghiệp…).
Nhưng Chung không chùn tay, vì ông biết những khoản tiền khổng lồ này có thể giúp ông bắc chiếc cầu qua sự chia cắt. Và dự án núi Kim Cương đã là bước đột phá cho cuộc gặp cấp cao liên Triều hai năm sau đó, vào tháng 6-2000 giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.
Sau khi Chung qua đời năm 2001, một trong những người tiếp nối con đường thống nhất của cha là Chung Mong Hun – Chủ tịch Hyundai Asan (chuyên phục vụ các hợp đồng làm ăn liên Triều), người con thứ năm trong sáu con trai của ông.
Tuy nhiên, cuộc đời của Chung Mong Hun lại kết thúc bi thảm. Ông nhảy từ lầu 12 tự tử ngày 4-8-2003, sau khi các nhà kiểm toán Hàn Quốc chứng minh 186 triệu USD mà Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cho Công ty Hyundai Merchan Marinbe (chuyên điều hành các tàu du lịch từ nam tới núi Kim Cương ở CHDCND Triều Tiên) vay, đã được chuyển cho CHDCND Triều Tiên qua một tài khoản giả và “có liên hệ với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều”.
Đây là kết quả cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ cáo buộc của phe đối lập Hàn Quốc là “Hyundai đã hối lộ để mua cuộc gặp cấp cao lịch sử 2000”.
Trong thư tuyệt mệnh, Chung thúc giục công ty mình tiếp tục các dự án với CHDCND Triều Tiên.
Tất cả là thử thách – Hồi ký của chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung (kỳ 9):
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.