Không Bao Giờ Là Thất Bại! Tất Cả Là Thử Thách

Phần XII: Lời bào chữa cho những đứa con vất vả



Sáng sớm, Chung Ju Yung đi bộ đến nơi làm việc cùng các con trai

 

TT – Muốn biết một doanh nghiệp có lành mạnh hay không thì nhìn vào cuộc sống riêng tư của chủ doanh nghiệp đó. Tôi cho rằng nếu chủ doanh nghiệp sống một cách lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng lành mạnh, và ngược lại, chủ doanh nghiệp sống không lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng không thể lành mạnh được.

 

Tôi muốn bảo vệ các con của mình

 

Tôi đã thấy con của nhiều gia đình giàu có bước lạc lối, lúc đó thì sự phê phán của các giới lại bùng lên. Tôi luôn muốn bảo vệ các con của mình. Ở tuổi đang lớn, nếu trở thành đối tượng phê phán của dư luận người ta sẽ trở nên tự ti, không phát huy được tố chất và năng lực của mình, và sẽ có nguy cơ trở thành những đứa con không có chí khí. Vì thế, tôi luôn lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh và giáo dục con cái nghiêm khắc.

 

Tất cả em trai và các con tôi luôn sợ tôi la mắng, nên có điều gì muốn nói, họ không bao giờ nói trực tiếp với tôi mà nói qua vợ tôi. Và vợ tôi có vai trò che chở cho các con tôi.

 

Không giống như tôi, từ bé đến lớn, vợ tôi chưa bao giờ mắng mỏ chín đứa con một lời nào, cũng chưa một lần to tiếng. Tôi có qui định chỉ cho tiền tiêu vặt 5.000 won khi chúng cần, tuy nhiên vợ tôi thường giấu tôi và cho chúng thêm.

 

Tôi luôn dặn các con mình phải cần kiệm. Xem mình là con nhà giàu có rồi xa lánh người nghèo là điều cấm đầu tiên đối với các con tôi. Cũng như các em tôi, các con tôi không bao giờ đi đến trường bằng xe nhà, khi cần chúng có thể đi taxi. Khi còn trẻ, phải đi bằng cái xe cũ kỹ thì chúng mới hiểu hết cái hạnh phúc khi đi bằng xe riêng do chính mình làm ra.

 

Cũng có lúc tôi thật phiền lòng. Tôi muốn dạy con theo phương pháp của tôi nhưng càng lớn chúng càng khó bảo. Con dâu tôi dùng xe nhà chở cháu đi học, và còn cho chúng đi học những trường tiểu học đặc biệt. Tôi không bằng lòng nhưng vì vợ tôi luôn can ngăn và nói rằng cha chồng không nên can thiệp vào việc dạy con cái của các con mình, nên tôi chỉ im lặng và buồn một mình.

 

Muốn chúng nên người thì phải nuôi dạy chúng như tất cả mọi người dân khác. Có như vậy sau này khi làm được việc tốt, chúng mới cảm nhận được niềm hạnh phúc. Tôi lo lắng rằng những đứa cháu trai của tôi ngay từ nhỏ đã được đưa đón bằng xe nhà thì không biết sau này sẽ dựng vợ gả chồng cho chúng vào nhà nào đây.

 

Không phải tôi không hiểu sự khó khăn của các con tôi. Chúng cũng khổ sở vì là con của người nổi tiếng, sống trong môi trường giàu có mà phải chịu sự khống chế khắt khe. Tôi biết mình cũng có lỗi với gia đình; cả cuộc đời tôi, ngoài những lúc về nhà ngủ và ít phút ăn sáng ở nhà, tôi chỉ ở công ty hoặc đi gặp gỡ vì công việc, gần như tôi không có thời gian bên gia đình. Tôi không hoàn thành nghĩa vụ của người chồng, quá nghiêm khắc với con cái, và nếu mất con thì đây chính là điều tôi đau lòng và ân hận nhất.

 

Tôi vẫn còn nhiều việc phải làm

 

“Tôi đã minh chứng được rằng không phải có tài sản lớn thì mới thành một doanh nghiệp lớn. Cho nên tôi đã trở thành tấm gương chứng tỏ rằng người không có học và nghèo nàn vẫn có thể tạo dựng được một doanh nghiệp lớn.

 

Những người hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng mang ước mơ lớn về tương lai chắc hẳn ao ước được như tôi. Người khác cũng thèm muốn và ghen tị vì sự giàu có của tôi, nhưng thực tế thì tôi lại sống mà chẳng có cảm giác mình là người giàu có.

 

Tôi hoàn toàn không liên quan đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng đồng tiền trong túi tôi và tiền để nuôi sống gia đình tôi mới chính là tiền của tôi, đó là những đồng tiền để giải quyết nhu cầu ăn mặc của bản thân và gia đình.

 

Ngoài mục đích ấy ra, tiền còn lại không phải thuộc sở hữu của tôi. Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản trở thành của chung của tất cả những người lao động, xã hội.

 

Với tôi, chỉ cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có”.

 

Tôi chưa nghĩ là mình sẽ hoàn toàn từ giã công việc của mình. Tôi không thể quên được cha tôi, mùa đông ông cũng không nghỉ, đào từng gang đất trên ruộng tuyết. Tôi tự hỏi bao giờ được trở lại thời niên thiếu, được lái máy cày trên nông trường Sesan.

 

Tôi vốn sinh ra không thể ngồi yên một chỗ. Có một chút thời gian là tôi dành để chơi thể thao. Hồi còn ở Namsan, tôi hay bơi trong bể bơi trong nhà, sau đó tôi chuyển sang chơi tennis.

 

Thường khi làm việc ở công ty, nếu không có thời gian tập thể dục thì hằng sáng tôi đi bộ đi làm, đến chỗ nào vắng người thì tôi chạy. Tôi cũng hay đi đánh golf cùng cán bộ quản lý trong công ty. Họ cũng như tôi, chẳng có thời gian rảnh rỗi nào mà gặp nhau được. Chơi golf vừa vận động, vừa trò chuyện, có khi còn mang lại kết quả tốt hơn là ngồi họp cải tiến ở công ty

 

Tôi là người rất thích thể thao, tôi thường xuyên chơi tất cả các môn thể thao để rèn luyện cơ thể và ý chí. Muốn cho tinh thần khỏe mạnh thì đầu tiên cơ thể phải khỏe mạnh. Tôi nghĩ rằng nếu một con người có thân thể khỏe mạnh và một tinh thần khỏe mạnh thì có thể mọi ước muốn của mình thành hiện thực.

 

Lúc rỗi rãi tôi nằm đọc báo. Tôi luôn luôn nghĩ đến công việc và tìm việc để làm. Hồi 18 tuổi, khi lao động tại các công trình, khát vọng được làm bất cứ điều gì để kiếm thêm tiền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn thật là lớn; rồi khi kinh doanh cửa hàng gạo, vấn đề lớn nhất của tôi chính là làm thế nào để có lời nhằm duy trì sinh kế của gia đình.

 

Nhưng khi buôn bán rồi thành nghề, thành công ty thì tôi suy nghĩ về công việc nhiều hơn tiền bạc. Làm thế nào để duy trì và nuôi dưỡng công việc kinh doanh luôn là mối quan tâm của tôi. Khi ấy tôi không nghĩ nhiều đến tiền nữa.

 

Rõ ràng tiền có thể trở thành sức mạnh tinh thần và là nguồn động viên con người. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến tiền, chạy theo đồng tiền thì cuộc đời sẽ mệt mỏi và bất hạnh.

 

Trong kinh doanh, chỉ sai một li là đi một dặm, phán đoán sai một điểm nhỏ cũng có thể gây thiệt hại hàng chục, hàng trăm và hàng tỉ won, mà thiệt hại của doanh nghiệp chính là thiệt hại của đất nước. Do đó phải nỗ lực hết mình cho công ty, cho đất nước khi gặp khó khăn hơn là hồi hộp lo sợ vì thiệt hại.

 

Suốt cuộc đời mình tôi luôn tìm bạn để có thể giãi bày bất cứ việc gì. Tôi giao lưu từ nhà văn, họa sĩ, diễn viên… cho đến chủ nhân mấy cửa hàng nhậu lưu động hay cả bà chủ cái quán bé tí trong ngõ nhà tôi. Sự giao lưu rộng rãi làm cho tôi không mất đi sự hài hước, không mang định kiến với mọi người, nhìn đời bằng đôi mắt thiện cảm, thông cảm hơn.

 

Và từ việc hiểu hoàn cảnh của họ, tôi có thể tránh được những cạm bẫy mà con người dễ sa vào. Tất cả những điều tôi có được trong việc giao tiếp với mọi người là nguồn năng lượng sáng tạo trong công việc điều hành công ty của tôi.

 

Các bạn vừa đi ngang qua một cuộc đời; qua 12 câu chuyện thăng trầm, cay đắng nhưng tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin của một con người coi mọi thất bại đều là thử thách, là thử thách ngay cả lúc đã thấy đường cùng.  Tập đoàn Hyundai chính là kỳ tích của ông…

 

Nhưng con người ấy không tin vào kỳ tích. Ông chỉ tin vào sự nỗ lực không mệt mỏi. 76 tuổi, cuộc đời viên mãn này vẫn nói “việc tôi phải làm còn nhiều lắm”. Và tự truyện cũng là một cách ông làm việc, để trao gửi một niềm tin, một bí quyết đi đến thành công.

 

Tất cả là thử thách – Hồi ký của chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung (kỳ cuối):


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.