Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách

Phần IX: “Người nhập cư” ở Seoul



TT – Khi tôi chuyển từ căn phòng thuê trên tận đỉnh núi phường Huynzo đến cửa hàng gạo ở phường Sindong, tôi đưa từng đứa em một lên Seoul, vợ tôi vừa bán gạo vừa bán đậu phụ, kiếm chi phí cho gia đình.

Nguồn vốn của mỗi người

Lúc biến động ngày 25-6 xảy ra sau đó, tôi đưa cha mẹ mình xuống ở chung tại phường Sinsol, rồi chuyển xuống phường Tonam.

Khi ấy, xưởng sửa chữa ôtô của tôi có tới sáu mươi công nhân, quy mô tương đối lớn, nhưng không vì thế mà tôi tự mãn. Cơm sáng của tôi không có gì hơn ngoài kim chi và một bát canh. Hằng ngày mẹ và vợ tôi đội cơm và thức ăn lên đầu đưa ra cho số nhân viên đông đảo ấy.

Ngay từ bé, hồi còn học tiểu học, mỗi khi đi học về là mẹ đưa tôi ra đồng, tìm cho một khu đất trồng vừng và bắt cày. Trồng vừng xung quanh ruộng kê sẽ ngăn được bò đến phá ruộng vì chúng sợ mùi lá vừng.

Vào mùa đông khi nhàn rỗi, cha tôi từ sáng sớm đã mang sọt đi nhặt phân bò và phân chó về làm phân bón, mẹ tôi thì đặt thùng nước tiểu sẵn trong nhà để gom nước tiểu của bọn trẻ. Tụi trẻ chúng tôi ở tuổi ấy nghịch ngợm cố tình không tiểu vào chiếc thùng mà đi tiểu ở chỗ khác, mẹ tôi phải rang đậu đỏ chia cho ăn chúng tôi mới chịu nghe lời.

Tôi nhớ có lần được xem cảnh sinh hoạt của một thanh niên nông thôn trên tivi. Lời nói của anh thanh niên ấy thật đáng học hỏi: “Trong số bạn của tôi cũng có người ra thành phố, mỗi tháng kiếm cả trăm ngàn won. Tuy nhiên số tiền đó phải dùng vào việc này việc kia nên tiết kiệm cũng chỉ được 10 %. Còn thu nhập của tôi tuy không bằng một nửa của bạn ấy nhưng mỗi tháng tôi tiết kiệm được một nửa số tiền tôi kiếm được. Chính vì vậy nếu tôi làm việc nhiệt tình như bây giờ, tôi tin là trong tương lai không xa tôi sẽ giàu có hơn bạn ấy.”

Tôi đồng ý với người thanh niên đó. Làm việc nhiệt tình và tiết kiệm triệt để thì sẽ sống giàu có hơn người lãng phí. Nhiều người nói với tôi là họ có kế hoạch kinh doanh mang tính khả thi nên xin tôi cho vay vốn.

Mỗi lần như vậy tôi đều nói với họ: “Không phải anh không có vốn mà vì anh không có uy tín. Tôi không nói người ta xấu mà chỉ vì những người anh xin vay tiền không cảm thấy đủ tin tưởng anh nên chuyện vay tiền mới khó như vậy. Nếu anh tạo cho người ta đủ niềm tin rằng anh sẽ thành công thì tôi tin rằng tiền bao nhiêu cũng có.”

Đúng như vậy. Uy tín chính là vốn. Nếu con người đó tạo đủ niềm tin với mọi người rằng anh ta cần cù, trung thực, chính trực thì đó sẽ là nguồn vốn, anh ta có thể phát triển, mở rộng cuộc đời mình bao nhiêu cũng được.

Tôi là người đã trực tiếp trải qua điều ấy và biết rằng người làm kinh doanh buôn bán có tiền thì tốt, nếu không có tiền thì với uy tín thôi cũng làm được. Về điều này thì doanh nghiệp hay cá nhân đều như nhau.

Cá nhân có thể bắt đầu làm một doanh nghiệp nhỏ với uy tín mình có, rồi từ cái uy tín đó mà có thể phát triển doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn, từ doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn phát triển và trưởng thành thành doanh nghiệp có quy mô toàn cầu.

Khi tôi rời quê hương trong tay không có lấy một đồng xu, thế mà bây giờ đã trở thành một doanh nghiệp lớn như thế này. Nếu chỉ gom tiền để trở thành một doanh nghiệp như thế này thì tuyệt đối không thể làm được. Với sự thành thật và chân chính, tôi được ông chủ cửa hàng gạo tin tưởng, và được ông giao lại cửa hàng.

Tôi bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn duy nhất là người đáng tin cậy, đáng tin về sản phẩm, đáng tin về quan hệ tiền bạc, đáng tin về hợp đồng cung cấp, về thời hạn, về chất lượng công trình, kết hợp tất cả uy tín ở những lĩnh vực khác gom lại và trở thành Hyundai ngày hôm nay.

Chỉ một mình ngành xây dựng Hyundai thôi, chúng tôi đã giao dịch với 20 ngân hàng lớn trong thị trường tiền tệ thế giới. Chúng tôi không cần nhờ chính phủ viết bảo lãnh, chỉ cần một tờ hứa chi trả của Công ty xây dựng Hyundai và không cần thế chấp, chúng tôi cũng có thể mượn được 2 – 3 tỉ USD.

Tích lũy bằng sự cần cù và tiết kiệm

Ngày mai phụ thuộc vào cuộc sống ngày hôm nay. Chúng ta tin rằng người nào nhiệt tình làm những việc nhỏ thì những việc lớn họ cũng như vậy. Những người ngay cả chuyện nhỏ không thất hứa, gắng thực hiện thì việc lớn cũng đáng tin cậy. Người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn.

Đó chính là uy tín. Điều này đúng với tất cả cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Mầm mống của nó mọc từ từ và lớn lên trong cuộc sống của chúng ta như một cây xanh. Đồng thời, uy tín cũng chính là danh dự.

Từ năm mười tám tuổi, tôi rời nông thôn đến nơi đất khách, làm từ lao động nặng đến công nhân khuân vác đá và tiết kiệm tối đa. Để tiết kiệm 10 đồng tiền củi, dù lạnh thế nào tôi cũng chỉ đốt lửa vào buổi tối, nấu cơm cho cả sáng và trưa hôm sau, rồi hơ những tấm đá sưởi nền vào lửa để lấy hơi nóng mà nằm.

Tôi cũng không hút thuốc. Bụng chưa no thì chẳng có lý do gì biến tiền thành khói. Tôi không muốn lãng phí đồng tiền – đã phải bán sức mình mới có được – vào những việc như vậy.

Ngay cả thời làm công nhân vận chuyển gạo cho cửa hàng Phục Hưng có công việc ổn định, để tiết kiệm 5 đồng tiền tàu điện, hằng sáng tôi vẫn cố gắng dậy sớm để đi bộ đi làm. Giày mòn, tôi chưa muốn vứt đi nên lấy đinh đóng thêm một cái vào đế, quần áo từ mùa xuân đến mùa thu cũng chỉ một bộ, mùa đông đến thì mặc thêm áo lót bên trong.

Báo thì ra đến nơi làm việc đọc báo của người ta. Nếu nhận được một tháng lương trị giá một bao gạo, nhất định tôi phải tiết kiệm một nửa, tiền thưởng nhận vào mỗi dịp lễ tết tôi bỏ hết vào ống tiết kiệm.

Tôi thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi, rồi chuyển từ ở phòng thuê trả phí từng tháng sang phòng thuê trọn gói, đưa một số tiền nhất định cho chủ nhà, rồi từ phòng thuê trọn gói sang nhà tranh của riêng tôi… Chẳng những vậy, sự thật thà và đáng tin cậy trong tôi đã dần dần có chỗ đứng trong mọi mối liên hệ xung quanh mà ngay bản thân tôi cũng không nghĩ tới.

Tôi đã tiết kiệm tối đa để mua nhà cửa, vì vậy mỗi lần gặp anh chị em công nhân làm việc tại công xưởng, tôi luôn khuyên nhủ họ phải cần cù, tiết kiệm, dè sẻn. “Nhà phải đi thuê mà lại mua tivi, chỉ cần một chiếc radio thôi cũng đủ biết được tất cả mọi tin tức rồi. Hãy chịu đựng cho đến khi mua được nhà. Cà phê, thuốc lá cũng vậy. Công ty đã phát cho quần áo làm việc, khăn mặt và thậm chí cả quần áo lót nên không cần mua quần áo nữa, comlê cũng chỉ mua một bộ dành khi đến thăm nhà cha mẹ vợ thôi.”

Sự uy tín có được do cần cù và trung thực sẽ giúp chúng ta gặp được người hỗ trợ chẳng khó khăn gì. Tôi không tin vào những người sống mà tiền kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, dùng trên cả mức kiếm được và luôn luôn mang nợ.

Con chim cũng cần cù mới tìm được miếng ăn ngon. Cùng một số mệnh, cùng một thời gian sống, có người thì làm được mười lần, hai mươi lần người khác, có người thì không làm được dù chỉ là một phần mấy mươi, một phần mấy trăm. Còn người lười nhác, để thời gian trôi đi một cách vô ích thì chẳng thể nào hạnh phúc được.

Một ngày làm việc cần cù thì một đêm có thể ngủ ngon giấc; một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên; một năm, hai năm, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ thấy sự phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác.

Nhìn lại con đường mình đã đi, Chung Ju Yung – ông chủ Tập đoàn Hyundai – nhận ra mình đã bước qua rất nhiều rào cản của một lối suy nghĩ, một cách hành xử… Ông gọi đó là những cạm bẫy. Nhưng cạm bẫy trong mắt một người như ông không thông thường như mọi người quen thấy…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.