Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách
Phần VI: Công trình lớn nhất của thế kỷ 20
TT – Mùa thu năm 1975, vương quốc Saudi Arabia sau khi trình kế hoạch xây dựng cảng công nghiệp Dubai đầy tham vọng, bắt đầu xem xét bản thiết kế xây dựng do Công ty Dịch vụ Anh thực hiện.
Chiếc vé cuối cùng
Đây là công trình lớn nhất trong lịch sử ngành xây dựng thế giới ở thế kỷ 20, là công trình mà mấy trăm năm may ra mới có một. Nó tập trung biết bao ý nguyện phát triển đất nước của hoàng gia Saudi. Ước mơ của họ là xây dựng một cảng công nghiệp lớn trên bãi cát của khu vực Dubai, bằng những đồng tiền tích lũy từ việc bán dầu lửa để hiện đại hóa đất nước, làm ngạc nhiên cả thế giới.
Công trình cảng chất hàng Dubai có tính chất hết sức đặc biệt, đòi hỏi gấp rút từ xây dựng cơ bản trên cạn đến dưới nước, lại phải hoàn thiện cả kiến trúc, điện, thiết bị… Không chỉ thế, việc xây dựng cảng biển phải đạt yêu cầu sao cho bốn chiếc tàu chở dầu loại 500.000 tấn có thể cập cùng một lúc, vận chuyển, lắp đặt và lót đá từ độ sâu 30 m của nước biển… Có thể nói đây là một trong những công trình khó nhất của thế giới.
Cho đến thời ấy, thị trường xây dựng Trung Đông là khu vực độc quyền của các nước tiên tiến. Thời điểm đó công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm về kĩ thuật thi công trên biển, đồng thời đây cũng là khởi điểm mà Hyundai chúng tôi vươn lên, chính vì vậy nó mang một ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn.
Khi chúng tôi nhận được thông báo là còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến lúc đấu thầu, chỉ có vài công ty xây dựng của Mỹ, Anh, Tây Đức, Hà Lan chuẩn bị tiếp nhận đấu thầu công trình. Tháng mười hai năm đó, đơn vị chủ quản công trình là Sở Thông tin Saudi nhờ Công ty Waliam Halkuro tuyển chọn mười công ty tham gia công trình trong lĩnh vực dịch vụ kĩ thuật.
Công tác tuyển chọn là hoàn toàn bí mật. Những công ty được mời tham gia đấu thầu là các công ty nổi tiếng thế giới như Brown and Lute, SantaFe, Lemond International của Mỹ, Kostein, Tamac của Anh, Boskalis và Philip Hosman của Tây Đức, Bolka Stevan của Hà Lan, Spevetanol của Pháp, tất cả chín công ty. Vậy là còn một chỗ trống. Không có công ty xây dựng nào của Nhật Bản được tham gia. Với tôi, ở cái bãi cát mênh mông Saudi này có một công trình lớn như vậy cũng đủ làm cho người tôi sôi lên.
Việc chỉ còn lại một vị trí cũng làm cho tôi thấy tim mình hồi hộp. Làm thế nào để có thể bước vào một chỗ duy nhất còn lại trong số mười công ty mời thầu ấy. “Mục tiêu của chúng ta là chiến thắng trong trận đấu thầu lớn này”. Tôi đã nói như vậy trong cuộc họp chiến lược. Tôi chỉ thị cho giám đốc chi nhánh tại London là Um Yong Ki phải giành được chiếc vé cuối cùng này.
“Chúng tôi bắt đầu đặt chân sang Trung Đông vào tháng mười vừa qua. Công trình đầu tiên của chúng tôi là xưởng đóng tàu sửa chữa Alis Baranh. Trên mảnh đất xa lạ này, chúng tôi đã chuẩn bị chỉ trong vòng một tháng. Điều đó có nghĩa là sức cơ động của chúng tôi không hề yếu kém. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thiết kế căn cứ hải quân trên vịnh Dubai. Và nhà máy đóng tàu lớn nhất của chúng tôi nhờ vào sự hỗ trợ của nước Anh các ông mà trong thời gian ngắn nhất đã hoàn công để trở thành Nhà máy đóng tàu Ulsan lớn nhất thế giới.”
Lời thuyết phục của ông Um thật ấn tượng. Kết quả là sự nỗ lực hết sức của chúng tôi đã gây được sự thích thú cho Waliam Halkuro. Những tài liệu của Ngân hàng Barclays và Epdor ngày xưa là chứng cứ tiềm năng của Hyundai. Và Waliam Halkuro đề nghị Sở Thông tin Saudi cấp cho chúng tôi tư cách đấu thầu. Sở Thông tin chấp nhận lời đề nghị này. Vậy là chúng tôi đã có trong tay vé đấu thầu vào giây phút cuối cùng. Nhưng cái giá của chiếc vé đó là 20 triệu USD. Đây là số tiền cần để đặt cọc đấu thầu.
Cảng công nghiệp Dubai và vở kịch đấu thầu
Trong suốt một tuần trước ngày mở thầu, đoàn dự toán thăm dò của chúng tôi không bước chân ra ngoài mà ở lì trong nhà nghỉ ở Riyadh, dồn hết tâm trí vào công việc chuẩn bị. Bát đĩa ăn cơm mà chúng tôi đặt bên ngoài mang vào cứ vậy chất đống trong nhà. Việc tắm rửa, cắt tóc đều bị ngăn cấm nên mùi hôi cứ bốc lên nồng nặc trong cái nóng, không thể chịu nổi. Tài liệu dự tính trải đầy trong nhà, từ lãnh đạo đến mọi người trong đoàn ai nấy ngồi bệt lên cả giấy tờ. Cảm giác của chúng tôi lúc này là công trình mà trúng thầu thì ra bãi đất quay tròn cũng được.
Tôi kiểm tra tỉ mỉ bản kế hoạch dày khoảng một trăm trang và các tài liệu liên quan. Tôi đã giảm bớt 25 % giá trị thực tế thi công công trình là 1,2 tỉ USD, lại hạ xuống 5 % nữa và quyết định sẽ tham gia đấu thầu với giá 870 triệu USD. Chắc chắn không có công ty nào ứng thầu với giá dưới 1 tỉ USD.
Phó giám đốc Chon Kap Won nói giá thầu ấy rẻ quá, tuy nhiên tôi nhấn mạnh không được để công ty nào qua mặt về giá cả thấp hơn. Tôi nghĩ với giá ấy, mặc dù có nhiều thiệt hại nhưng nhiều lao động Hàn Quốc sẽ ra nước ngoài làm việc và tiền họ kiếm được chính là đất nước Hàn Quốc kiếm được. Ngoài ra, việc bán được những nguyên liệu của Hàn Quốc cũng là lợi ích của đất nước, và công ty chúng tôi để lấy danh tiếng trên thế giới bằng công trình này mà nếu quá tập trung vào giá cả cũng không nên. Đương nhiên, lợi nhuận là mục tiêu, tuy nhiên có thứ còn quan trọng hơn lợi nhuận. Đó là cơ hội kinh doanh.
Ngày 16-12. Chúng tôi đứng đợi từ 9 giờ sáng. Bắt đầu từ 9 giờ 30, giám đốc của mười công ty tham gia đấu thầu lần này sẽ vào phòng họp của hội trường Sở Thông tin. Đúng 10 giờ, người phụ trách đấu thầu của Sở Thông tin và nhân viên của các công ty dịch vụ kĩ thuật từ phòng họp bước ra. Người phụ trách đấu thầu thông báo trong vòng năm phút các công ty phải trình hồ sơ đấu thầu, mỗi đội sẽ có một nhân viên vào phòng đấu thầu.
Công ty chúng tôi cử Chon Kap Won vào phòng tham gia đấu thầu. Năm phút sau, anh ta từ phòng đấu thầu đi ra nhưng vẻ mặt không mấy mãn nguyện. Kết quả đấu thầu sẽ được công bố vào 1 giờ chiều.
– Sao vậy, anh viết nhầm số tiền tham gia đấu thầu ư? – Tôi hỏi anh ta.
– Dạ thưa không phải. – Thái độ của anh ta là lạ.
– Anh viết theo đúng như tôi dặn chứ?
– Dạ tôi không viết như vậy.
Thật không thể chấp nhận được. Việc không tuân thủ chỉ thị của tôi trong quá trình làm việc là điều không thể có. Tuy nhiên ly nước đã đổ, có nổi nóng cũng chẳng làm được gì. Phó giám đốc Chon Kap Won nghĩ đi nghĩ lại mãi vẫn cho rằng giá đấu thầu 870 triệu USD là quá rẻ. Với quyết tâm là nếu thất bại sẽ nhảy xuống vịnh mà chết, anh ta đã tăng giá thầu thêm hơn 60 triệu USD, lên thành 931.140.000 USD.
Tôi hiểu lòng trung thành của anh ta nên không ghét cái sự bướng bỉnh của anh, nhưng với tôi vì quá mong muốn giành được công trình này nên tôi cảm thấy hết sức thất vọng.
Một giờ chiều, Chong Mun Do vào phòng họp chờ kết quả đấu thầu. Nhưng đã qua 3 giờ chiều mà vẫn không thấy tin tức gì, không những Chong Mun Do mà người của công ty khác cũng chẳng thấy đi ra.
Cửa ra vào phòng họp bị cấm không cho đi lại, những người bên ngoài không thể biết được tại sao việc công bố kết quả đấu thầu lại bị trì hoãn. Tôi hết sức bồn chồn, nhưng người còn lo lắng và hồi hộp gấp trăm ngàn lần tôi chính là Chon Kap Won. Anh ta chịu đựng không nổi nên khi thấy nhân viên đưa cà phê vào phòng, Chon lẻn vào theo, nhưng sau đó bị đẩy ra ngoài, khuôn mặt anh ta trắng bệch. Trong lúc đi theo người mang cà phê vào phòng, anh ta loáng thoáng nghe thấy kết quả trúng thầu là Công ty Brown and Lute của Mỹ với giá 944.400.000 USD.
Tôi chẳng biết nói gì, nỗi thất vọng tràn trề vây kín lấy tôi. Chon biến đi đâu mất, còn Kim Kwang Myong có lẽ cảm thấy đứng bên tôi khó chịu nên nói là đi tìm Chon. Sau này tôi mới biết lúc đó hai người tìm ra gốc cây ở góc sân, nói với nhau rằng: “Đúng là chủ tịch công ty chúng ta là quỷ thần.”, rồi khóc.
Tuy nhiên, khi cửa phòng họp mở thì Chong Mun Do đi ra với vẻ mặt rất tươi. Cậu ta đưa ngón tay làm hình chữ V.
– Thế nào? – Tôi hỏi.
– Được rồi ạ.
– Được là thế nào?
– Giá thầu 944.400.000 USD của công ty Mỹ ấy là giá được giới hạn của phần công trình bến đậu tàu chở dầu biển. Nó được coi như không có giá trị.
“Hyundai đấu thầu vào công trình cảng công nghiệp Dubai gồm bốn phần của chúng tôi với giá 931.140.000 USD. Tất cả mọi tài liệu đều xuất sắc. Đặc biệt chúng tôi cảm động vì việc rút ngắn tám tháng cho thời gian công trình còn bốn mươi bốn tháng mà không có bất cứ một điều kiện gì.”. Đó là lời phát biểu của phía Saudi trong quá trình công khai kết quả bỏ thầu…
Trở về khách sạn, tôi lấy ngay số tiền thưởng đã chuẩn bị sẵn từ tối hôm qua chia cho các cộng sự để động viên tinh thần.
Quyết không để Hyundai “chìm xuống biển Saudi chỉ vì tính liều lĩnh” như mối nghi ngại của dư luận, ông chủ tập đoàn, bất chấp mọi trở ngại, đã tìm mọi cách để biến tất cả các kế hoạch thành hành động ngay khi vừa giành được hợp đồng thế kỷ trị giá 930 triệu USD. Với món tiền từ Trung Đông ấy, ông Chung Ju Yung nhớ lại, ngành xây dựng Hàn Quốc đã đưa ra cây gậy để cứu đất nước khỏi nguy cơ phá sản vì nợ nước ngoài.
Nhưng còn một giấc mơ… Giấc mơ của cha về những cánh đồng mênh mông như biển, con trai của người nông dân chẳng bao giờ lãng quên. Và ông phải thực hiện mơ ước ấy, theo tầm vóc của thời đại mình…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.