Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách

Phần X: Sức mạnh của xã hội trong sạch



TT – Người nghèo muốn trở nên giàu phải chiến thắng trong điều kiện bất lợi nhiều hơn so với người đã giàu muốn giàu có hơn.

Nếu không nỗ lực gấp mười lần, hai mươi lần so với người giàu để khắc phục hoàn cảnh bất lợi thì không thể giàu được.

Nỗ lực để đuổi kịp các nước giàu có mà chẳng có tài nguyên gì chính là hoàn cảnh bất lợi của đất nước chúng tôi.

Tài nguyên con người

Là một nhà doanh nghiệp nên tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà doanh nghiệp nước ngoài hoặc với những chuyên gia về chính sách kinh tế.

Những lúc đó họ hỏi tôi rất nhiều, làm sao Hàn Quốc không có tài nguyên, chẳng có vốn mà lại phát triển được từ một nền kinh tế nghèo nàn như vậy.

Tôi trả lời họ một cách đơn giản và rõ ràng rằng bí quyết của việc phát triển kinh tế thành công chính là nhờ sự cần cù và ưu tú có một không hai của nhân dân Hàn Quốc, đó là yếu tố con người.

Tại các căn cứ đánh cá viễn dương của Hàn Quốc ở Las Palmas, từ bảy, tám năm trước đã có 6.000 – 7.000 kiều dân của chúng ta sống tại đây, tất cả mọi người đều đi lại bằng ôtô riêng của mình, rồi tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho những người Hàn Quốc khác đến đây, vì thế tôi cũng được đi nhờ xe của họ.

Tất cả kiều dân của chúng ta nơi này làm ăn vẫn có lãi trong khi những đoàn đánh cá châu Âu không tránh được lỗ. Sự ưu tú và cần cù của người Hàn Quốc được công nhận.

Cách đây không lâu tôi có dịp đi Canada và gặp chủ tịch Phòng Công nghiệp & thương mại nước này, ông ta nói: “Ở Canada, chúng tôi trợ cấp cho người thất nghiệp, vậy mà trong số kiều dần Hàn Quốc ở đây, chẳng có người nào phải cần đến trợ cấp cả.”

Thời ấy mức trợ cấp thất nghiệp là 400 USD, lương của người Hàn Quốc một tháng không như vậy nhưng họ vẫn làm kiếm tiền sống chứ không sống bằng trợ cấp thất nghiệp.

Ông ta cảm động và khâm phục người Hàn Quốc và nói nếu Canada tiếp nhận di dân thì họ chỉ nhận người Hàn Quốc mà thôi.

Chúng ta chỉ dựa vào tài nguyên con người ưu tú mà có ngày hôm nay. Tài nguyên tự nhiên của đất nước thì có hạn, nhưng sức sáng tạo và nỗ lực của con người là vô hạn.

Phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thì khi tài nguyên cạn kiệt, phát triển cũng dừng lại. Còn nếu phát triển giành được qua nỗ lực của bản thân và công việc thì sẽ vững vàng mãi mãi mà không bị suy tàn.

Việc lấy dầu trong lòng đất rồi bán để thu hàng núi tiền, gửi vào ngân hàng và sống bằng lãi ngân hàng không phải là giàu có đúng nghĩa, cũng chẳng phải là sự phát triển đúng nghĩa. Vì vậy, phát triển kinh tế Hàn Quốc chính là điều có ý nghĩa sâu sắc và có giá trị.

“Tôi luôn nghĩ rằng nếu một chiếc xe được nội địa hóa 100 % có nghĩa là ngành công nghiệp cơ khí của nước đó đã phát triển, sẽ đóng góp nhiều cho đất nước, chính vì thế mà từ khi thành lập tới nay tôi luôn đầu tư và nỗ lực nhiều cho ngành xe hơi.

Theo đuổi số tiền lớn và nhiều lợi ích thì ngành xây dựng là chủ đạo, tuy nhiên với Hyundai và đất nước, tôi nghĩ ngành ôtô sẽ phải trở thành một trong những ngành chủ chốt.

Chiếc xe hơi là biểu hiện về trình độ khoa học kĩ thuật của đất nước chế tạo ra nó. Nó cũng chính là hình ảnh của đất nước đó. Nhờ vào ấn tượng xuất khẩu xe hơi nên những hàng hóa khác của Hàn Quốc cũng sẽ được đánh giá cao ở các quốc gia nhập khẩu xe chúng tôi.” – Chung Ju Yung

Trong sạch – động lực của sự phát triển

Có đất nước phát triển, có đất nước thụt lùi, có đất nước diệt vong. Vậy điều gì đã làm cho nước này phát triển còn nước khác diệt vong? Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là tinh thần và thái độ của chính phủ nước ấy, của doanh nghiệp và người dân nước ấy.

Nếu chính phủ không trong sạch thì tiêu cực sẽ lan sang doanh nghiệp và nhân dân trên tất cả lĩnh vực và sự bất chính trở thành một phong trào. Một xã hội như vậy thì không thể kích thích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và cũng không phát huy được năng lực của nhân dân.

Hàn Quốc cũng vậy, mỗi lần thay đổi chính quyền đều kèm theo nhiều lời kêu gọi xây dựng một xã hội trong sạch, nhưng rất tiếc tất cả chỉ là những lời kêu gọi trống rỗng.

Chúng ta hãy nhìn Nhật Bản, một cường quốc kinh tế của thế giới, đất nước này phát triển phồn vinh và hùng mạnh vì ít tiêu cực.

Mấy năm trước, tôi có nghe tổng giám đốc Shin Kiok Ho của Tập đoàn Lotte ở nước này kể một câu chuyện như sau:

Ông Shin có một người bạn thân làm giám đốc sở thuế. Một hôm ông Shin đến nhà ông giám đốc sở thuế để chơi cờ.

Thấy bà vợ ông giám đốc đang rắc xà phòng lên quần áo để trên tấm gỗ và giặt bằng tay nên về nhà mua và gửi tặng vợ chồng ông giám đốc một chiếc máy giặt mà chẳng có suy nghĩ gì.

Hôm sau ông giám đốc sở thuế kêu ông Shin đến và nói: “Tôi cứ tưởng anh chơi với tôi cả chục năm trời nên hiểu tôi, nào ngờ anh làm thế này khiến tôi thật bực mình. Anh là người giàu có, hài lòng vì có nhiều tài sản và công nhân làm việc cho mình nên anh mãn nguyện, còn tôi cũng mãn nguyện theo cách của tôi. Tôi tuy sống trong căn phòng không đến 70 m2 và vợ tôi vẫn giặt quần áo bằng tay nhưng chúng tôi là người được tất cả quốc dân kính trọng. Vì sao ư? Vì tôi tự hào lương tâm tôi đã không làm việc gì xấu cả, tôi tự hào là người trong sạch nhất trong những viên chức của Nhật Bản và hài lòng với mức lương nhỏ bé từ xử lý công việc đất nước một cách công minh. Tôi muốn sống một cách đường hoàng, không có gì xấu hổ theo mục tiêu của tôi, vì vậy mong ông hãy mang món quà này đi cho.”

Đây cũng là chuyện đáng để chúng ta học hỏi và cũng là chuyện chúng ta ao ước.

Hiện nay ở châu Á, đất nước đang phát triển mạnh mẽ là Singapore. Với dân số không quá 2,5 triệu, những năm 1980 Singapore đã xuất khẩu được 225 tỉ USD, nhiều hơn 3,5 tỉ so với dân số 37 triệu của Hàn Quốc.

Vậy động lực của họ là gì? Singapore là một đất nước rất nhỏ bé, tài nguyên thì ngay cả nước uống cũng không có, cái duy nhất mà người dân nước này có chỉ là không khí. Thế mà người dân Singapore lại có thể sống một cách giàu có. Chính là vì chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân nước này trong sạch.

Một chính phủ trong sạch, nhân dân không biết đến tiêu cực, đó chính là căn bản của động lực phát triển kinh tế Singapore.

Hyundai của chúng ta cũng đã từng vào Singapore xây dựng công trình. Những người phụ trách công trình tại đó đều nói rằng không có đất nước nào trên thế giới sạch sẽ như ở đây. Thật là may mắn khi làm việc tại đó.

Ở đất nước đó, từ cán bộ quản lý cao cấp làm giám sát công trình cho đến tất cả nhân viên quản lý cấp dưới đều không bao giờ làm khó dễ để kiếm chác, cũng chẳng có chuyện nghiêng về bên nào.

Do không ai quấy rầy, không ai chìa tay đòi tiền nên tất cả mọi người chỉ tập trung vào làm việc, chỉ suy nghĩ làm thế nào để theo đúng kế hoạch và làm việc có năng suất mà thôi.

Chính vì vậy tất cả công trình tiến hành tại Singapore dù là xây dựng cơ bản, kiến trúc đều có thể làm với giá rẻ nhất thế giới.

Như vậy thì đất nước không thể không phát triển.

So sánh với Hàn Quốc, điều kiện khí hậu, văn hóa, giáo dục của Singapore không bằng chúng ta. Cái mà họ hơn chúng ta là chế độ chính trị và xã hội trong sạch, từ đó phát huy hết năng lực của mình.

Hàng hóa không gặp những tổn thất không đáng có, sức cạnh tranh được nâng cao, ngân sách nhà nước không bị lãng phí, người dân cảm thấy tự hào.

Mỗi lần có cơ hội, tôi đều nói với nhân viên của mình hãy sống với tấm lòng trong sạch. Tất nhiên, tôi cũng mong mình là “doanh nghiệp lớn nhất” nhưng thật tình tôi muốn được đánh giá là “doanh nghiệp trong sạch” trước.

Đất nước, xã hội và cả cá nhân phải trong sạch thì xã hội mới phát triển được. Nếu tất cả đều trong sạch thì ai cũng mong muốn một ước vọng duy nhất là có ích cho đất nước và có thể chuyển cái khát vọng mãnh liệt đó thành hiện thực, sau đó là một sự phát triển chói lọi nối tiếp.

Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe một đất nước, một xã hội, doanh nghiệp nào đó không trong sạch mà phát triển được.

“Tôi muốn bảo vệ các con của mình.” – ông Chung Ju Yung nói vậy. Nhưng với một người giàu có như ông, đã tự mình tay trắng làm nên cơ nghiệp của chính mình, thì cách bảo vệ nào được ông chọn lựa?

Đó là cả một nỗi khổ tâm không dễ giãi bày. Con trai của người nông dân nghèo giờ đang phải đối diện với những đứa con trai của một doanh nghiệp lớn…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.