Không thể bị lừa dối
Chương 7: Những Rào Cản Bên Trong: Lời Nói Dối Tồi Tệ Nhất Là Lời Nói Dối Chính Mình
“Một khi biết mình là ai, điều gì an ủi được anh ta đây?… vì trên Trái đất này Mọi người đều sống, sống trong giấc mơ.”
Calderon de la Barca
Bạn đã có tất cả những công cụ cần thiết để phát hiện sự dối trá và tìm ra sự thật. Tuy nhiên, một vài nhân tố có thể can thiệp và thậm chí ngăn trở hoàn toàn khả năng bạn phát giác sự lừa dối. Điều may mắn là bằng cách nhận thức được những nhân tố này, chúng ta sẽ triệt tiêu vai trò của chúng và tự do kiểm chứng sự thật.
Tự dối lừa
Người dễ nói dối nhất là người muốn bị nói dối. Một số nhân tố có thể ảnh hưởng đến lộ trình chúng ta tìm kiếm sự thật nhưng kẻ có lỗi nhất thường là chính chúng ta. Nếu bạn không muốn thấy sự thật, bạn thường sẽ không thấy. Thông thường cô bạn nào đó của bạn có thể có chồng hoặc người yêu tối nào cũng đi làm về rất muộn. Mọi người nhìn thấy anh ta đâu đó trong thành phố cùng với những cô gái chỉ bằng nửa tuổi anh ta. Anh ta lúc nào cũng sực nức mùi nước hoa và liên tục phải đi công tác vào cuối tuần. Nhưng bất chấp tất cả mọi bằng chứng, cô bạn đó không chấp nhận sự thật. Cô ấy tin lời anh ta, và thế là sự thật được chôn kín.
Khi chúng ta không muốn nhìn nhận sự thật, chúng ta sẽ nói dối chính mình. Những lời dối trá này là những lời khó phát hiện nhất vì chúng là của chính chúng ta. Chúng ta không có sự khách quan và vì vậy chúng ta thiếu một nhãn quan tỉnh táo.
Người ta tiêu hàng triệu bạc gọi đến các dịch vụ điện thoại để nghe thông báo về số xổ số may mắn của mình. Chúng ta có xu hướng tin rằng có thể kiếm được hàng nghìn đô la một giờ trong quỹ thời gian rảnh của mình bằng cách làm việc ở nhà. Lòng khát khao tin tưởng của chúng ta có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì chúng ta xem là thực tế của mình, từ các loại kem chống nhăn kỳ diệu đến các loại thuốc giảm cân có bảo hành. Và mong muốn không nhìn nhận của chúng ta sàng lọc đi những thông tin quan trọng thường cho chúng ta manh mối tìm ra sự thật.
Chỉ những người phi thường mới sẵn lòng nhìn nhận những gì người đó không muốn nhìn, lắng nghe những gì không muốn nghe và tin những gì người đó ao ước sẽ không tồn tại.
Khi bạn tiến hành một cuộc gặp mà bạn muốn kết thúc, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều điều khiến nó trở thành một sự việc tồi tệ. Bạn phải cố gắng càng khách quan càng tốt – cứ như thể bạn đang xem xét các thông tin cho ai khác. Mơ tưởng, khát vọng và hy vọng không thể làm cho bạn mất đi cái nhìn đối với thực tiễn.
Bí quyết nằm trong việc học cách trì hoãn những quyền lợi của bạn. Thật vậy, có một cách rất dễ để làm được nhiệm vụ thường rất khó khăn này. Hãy lưu ý đến ba từ nguy hiểm sau: Khen tặng, Khẳng định và Đối đầu. Nếu bạn đang lắng nghe với bất kỳ định kiến nào trong số này trong đầu, thông tin chắc chắn sẽ bị bóp méo. Nói cách khác, nếu bạn đang tìm kiếm một lời ngợi khen, muốn xác nhận rằng đó là những gì bạn đã biết hoặc tìm kiếm một lời tranh luận, bạn sẽ đánh mất ý nghĩ thật sự đằng sau thông điệp.
Ý kiến, quan điểm và niềm tin
Mong muốn được thấy hoặc không thấy sự thật có ảnh hưởng đến nhãn quan của chúng ta. Những gì chúng ta tin là sự thật cũng bóp méo nhận thức của chúng ta. Tất cả những định kiến, niềm tin, quan điểm và ý kiến của chúng ta đều khiến sự thật bị che giấu.
Nếu bạn sùng bái quyền lực và được dạy rằng đừng bao giờ chất vấn một nhân vật quyền thế, niềm tin này sẽ ngăn chặn khả năng của bạn trong việc luôn giữ được sự khách quan của bạn trước những thông tin đến từ người có địa vị cao. Tương tự, nếu bạn tin rằng tất cả các nhân viên bán hàng đều là trộm cắp hoặc rằng tất cả cảnh sát đều tha hóa thì sẽ không thể thấy được những điều tích cực trên thực tế. Thay vào đó, bạn nhìn thấy sự phản chiếu những ý tưởng, niềm tin và định kiến của bản thân.
Nhiều khi chúng ta cần khái quát hóa thế giới của mình; với hàng nghìn quyết định phải đưa ra mỗi ngày, chúng ta không thể nhìn nhận mọi thứ như thể chúng ta nhìn chúng lần đầu tiên. Tuy nhiên, có những thời điểm rất cần phải ngăn cản niềm tin của bạn. Khi đó và chỉ khi đó bạn mới nhìn nhận đúng mọi việc, không phải theo cách bạn tin chúng sẽ là như vậy.
Đừng để tình cảm của bạn lấn át
Những tình cảm mạnh mẽ che lấp nhận thức của chúng ta về thực tế. Hơn hai nghìn năm trước, Aristotle đã nói thế này về tình cảm và sự bóp méo thực tế: “Dưới ảnh hưởng của những cảm xúc mạnh, chúng ta dễ bị đánh lừa. Kẻ nhút nhát dưới ảnh hưởng của nỗi sợ và người đang yêu dưới ảnh hưởng của tình yêu đều có những ảo tưởng kiểu như kẻ nhút nhát thì nghĩ mình nhìn thấy kẻ thù còn người đang yêu thì thấy ý trung nhân của mình.”
Trạng thái tình cảm hoặc tự hình thành, hoặc do bên ngoài mang lại, hoặc nảy sinh từ sự kết hợp cả hai trường hợp. Những trạng thái tình cảm mạnh mẽ là tội lỗi, sự đe dọa, sức hấp dẫn của cái tôi, nỗi sợ hãi, sự tò mò, khát vọng và tình yêu. Nếu bạn đang có bất kỳ trạng thái nào trong số này, sự khách quan trong đánh giá của bạn chắc chắn sẽ bị giảm. Hơn nữa, bất kỳ ai sử dụng bất kỳ trạng thái nào trong số này cũng đều đang tìm cách đưa bạn chuyển từ lý trí sang tình cảm -tức là sang một sân chơi không bằng phẳng. Khi đó, sự thật sẽ biến mất bởi vì bạn không còn lý trí và không thể nhìn ra bằng chứng, chưa nói gì đến việc đánh giá nó. Một số ví dụ khái quát về những trạng thái này là như sau:
Tội lỗi: “Sao anh dám nói vậy? Em rất đau lòng vì anh không tin em. Em không còn biết anh là ai nữa.”
Sợ hãi: “Anh biết không, anh có thể đánh mất tất cả. Tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ làm cho sếp của anh vui.
Tôi hy vọng anh biết mình đang làm gì. Tôi xin thông báo cho anh biết rằng anh sẽ không tìm được ở đâu công việc tốt hơn. Anh thật ngốc nếu nghĩ khác đấy.”
Sức hấp dẫn của cái tôi: “Em thấy sếp quả là người tinh đời. Em sẽ không đời nào tìm cách qua mặt sếp. Có mà tài thánh, sếp sẽ nắm thóp em chỉ trong nháy mắt.”
Tò mò: “Xem nào, đời chỉ có một lần. Hãy thử đi. Cậu có thể quay lại từ đầu lúc nào cũng được. Thú vị, tuyệt vời lắm! Phiêu lưu thật sự đấy!”
Khát vọng: “Tôi nghĩ anh là một cầu thủ thật sự. Sẽ thật đáng thất vọng nếu anh không đầu quân cho chúng tôi.”
Tình yêu: “Nếu em yêu anh, em sẽ không truy vấn anh. Dĩ nhiên anh chỉ có hình bóng em trong tim mà thôi. Anh sẽ không nói dối em. Em biết điều đó từ đáy lòng mình đúng không?”
Hãy quan sát và lắng nghe một cách khách quan – không chỉ qua lời nói mà qua cả bức thông điệp. Những rào cản bên trong ảnh hưởng đến khả năng lĩnh hội sự thật của chúng ta. Khi những tình cảm này ăn sâu và bén rễ trong suy nghĩ của bạn, hãy tạm thời dừng những cảm xúc của mình và nhìn phía trước, chứ không phải tập trung vào nội tâm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.