Lạc đường
Bị bắt
Gần 2 giờ chiều, con Hào sửa soạn đi học. Ôm sách vở bước ra cửa, thì Ba Trâm kêu nó lại mà nói rằng: “Thôi, đừng có đi học con, ở nhà nghỉ ít bữa.
Con Hào khỏi đi học thì nó mừng nên lật-đật đem cất sách vở và hỏi mẹ nó rằng:
– Ở nhà chừng ba về rồi sẽ đi học, phải không má?
– Ừ.
– Ba đi đâu mà mấy bữa rày không thấy ba về nhà vậy má?
– Đi đâu có nói đâu mà biết. Bữa hổm nói với thằng Hiệp sao đó rồi đi mất mấy bữa rày, có thấy tâm dạng gì đâu.
– Còn hồi khuya má đi đâu mất! Con thức dậy không thấy má, con sợ quá. Má đi đâu vậy má?
– Đi mua đồ về cho con ăn hồi sớm mơi đó chớ đi đâu. Nè ai có hỏi ba con thì con nói đi đâu mất ba bốn bữa rày không có về nhà. Còn như họ hỏi má có đi đâu hay không, thì con nói má ở nhà hoài, không có đi đâu hết.
– Sao vậy má?
– Thì cứ nói như má dặn đó vậy. Con nói bậy, ba con ở tù chết.
– Còn cái giỏ đựng quần áo má để trong mùng đó, sao đâu mất từ sớm mơi tới giờ, con không thấy nữa.
– Má bán má lấy tiền mua đồ cho con ăn đó. Con cũng phải giấu, đừng có nói cho ai biết nghe không.
– Nói làm chi. Nói cho họ biết rồi họ cười minh, phải không má?
– Ừ.
Mẹ con nói chuyện tới đó thì Sáu Thêm, làm cu-li Hãng gạo ở ngoài bước vô hỏi rằng:
– Có chị Ba ở nhà hay không?
– Có qua đây, em hỏi chi vậy, Sáu?
– Anh Ba bị lính bắt về bót[1] rồi, chị Ba à.
– Úy, bị bắt hồi nào?
– Mới bắt tức thì, tôi gặp ảnh đương bị lính còng mà đem lên xe, nên tôi lật-đật chạy về cho chị hay đây.
– Trời ơi! Làm giống gì mà bị bắt?
– Có biết đâu. Ảnh có đánh lộn với ai hay không?
– Không có đâu, ảnh giận qua rồi bỏ nhà đi mấy bữa rày, làm giống gì qua có biết đâu.
– Đâu chị lên bót lóng nghe thử coi ảnh bị tội gì.
– Ừ, để rồi qua đi chớ.
Sáu Thêm từ giã mà về. Ba Trâm nằm lại trên võng đưa tòn ten, không tính đi kiếm chồng. Con Hào nghe cha bị lính bắt thì nó sợ, nên đứng buồn hiu, không nói một tiếng chi hết.
Cách chẳng bao lâu, có một cái xe hơi lớn ngừng ngay trước nhà Ba Trâm. Con Hào ngó ra thì thấy hai người Biện Tây với bốn thầy Đội Việt-nam đương leo xuống xe, lại có cha nó trong đám người ấy nữa. Nó vụt nói lớn: “Ba về kia má. Mà sao có lính đi theo đông quá”.
Ba Trâm vụt ngồi dậy chạy ra cửa, thì quả thấy ông Cò và lính đương dắt chồng chị vô nhà. Cô đứng nép một bên cửa; con Hào chạy lại níu áo mẹ nó mà đứng gần đó.
Một thầy Đội kêu Ba Trâm mà nói rằng: “Con kia, mẹ con mầy ra ngồi dựa mé lộ đây nè. Ngồi đó chớ đừng có đi đâu đa”.
Mẹ con Ba Trâm ríu-ríu ra ngồi trên lề đường, có một thầy Đội đứng giữ.
Một thầy Đội khác dắt Cặp-rằng Mậu vô nhà, biểu ngồi dưới đất, rồi đứng một bên mà giữ.
Còn ông Cò, một người Biện, và hai thầy Đội khác nữa thì lục soát cùng trong nhà. Họ bưng bàn dẹp ghế; họ khiêng chõng mở mùng, họ mò từ tấm vách, họ lần kiếm trên mái nhà, họ xom[2] đất, họ rọi đèn, họ lục soát từ nhà trên xuống tới nhà bếp, mấy chỗ hóc hẻm họ lại càng kiếm kỹ không bỏ sót một chỗ nào hết. Xét trong nhà rồi lại xét tới ngoài sân, xét tới sau hè nữa.
Xét tới chiều mà kiếm không được vật chi hết, ông Cò mới kêu một mình Ba Trâm vô rồi biểu một thầy Đội làm thông ngôn mà nói rằng:
– Chồng mầy chém người ta mà giựt bạc đem về giấu ở đâu, mầy phải chỉ cho mau?
– Bẩm ông, chồng tôi làm sự gì tôi có hay biết đâu. Vợ chồng rầy lộn với nhau, chồng tôi giận bỏ nhà mà đi bốn năm bữa rày, không có về đây.
Ông Cò đưa tay muốn đánh Ba Trâm, song ông không đánh, lại nạt rằng:
– Nói láo, con chó.
– Bẩm ông, tôi nói thiệt. Nếu ông không tin, ông hỏi thử chòm xóm coi mấy bữa rày có ai thấy chồng tôi về đây hay không.
– Nó về ban đêm, chòm xóm làm sao mà thấy được?
– Bẩm ông, không có về hồi nào hết. Nếu có về, dầu ban đêm đi nữa, cũng có một hai người thấy chớ, thiệt không có.
Ông Cò dạy dắt Ba Trâm ra ngoài, rồi dắt con Hào vô.
Con Hào sợ run lập-cập, thấy cha nó ngồi dưới đất mà nó không dám ngó.
Ông Cò biểu hỏi nó rằng:
– Hổm nay cha mầy ở nhà hay đi đâu?
– Ba tôi đi đâu mất mấy bữa rày, không có về nhà.
– Đi hồi nào?
– Đi bữa hổm, đi ban đêm.
– Đi bữa hổm là bữa nào?
– Tôi không nhớ.
– Phải đi hồi hôm nầy hay không?
– Không. Đi lâu rồi.
– Chừng mấy bữa?
– Bốn năm bữa rồi.
– Đi rồi có trở về hay không?
– Không.
Ông Cò rùn vai, kêu một thầy Đội mà sai đem con Hào ra ngoài, rồi đi hỏi chòm xóm coi mấy bữa rày có ai thấy Cặp-rằng Mậu về hay không.
Ông lại day qua hỏi Cặp-rằng Mậu rằng:
– Mấy bữa rày mầy không có về nhà, vậy chớ mầy đi đâu?
– Tôi rầy lộn với vợ tôi, hổm nay tôi không về nhà, tôi ở dưới nhà Tám Thiệt.
– Tám Thiệt ở đâu?
– Tám Thiệt làm một sở với tôi, nhà ở dưới Xóm-Chiếu.
– Hồi hôm mầy có ở đó hay không?
– Có đêm hồi hôm tôi ngủ tại nhà Tám Thiệt tới sáng.
– Mầy ngủ ở nhà Tám Thiệt mà sao lính lại lượm được cái xe máy của mầy gần chỗ Mái-Chín[3] Cúng bị giựt bạc?
– Xe máy của tôi mất hổm nay.
– Mất xe máy mầy có cớ bót hay không?
– Không. Việc nhỏ mọn nên tôi không cớ.
Thầy Đội mà ông Cò sai đi hồi nãy đó, thầy trở về nói rằng mấy người ở gần đều khai mấy bữa rày không thấy Cặp-rằng Mậu về nhà.
Ông Cò biểu một thầy Đội nói với Mậu nữa rằng:
– Nếu mấy bữa rày mầy không có về đây, tức thì tiền bạc mầy giựt của người ta hồi hôm mầy đem giấu chỗ khác. Giấu chỗ nào mầy phải chỉ liền bây giờ, nếu mầy không chỉ tao đánh mầy chết.
– Trời đất ơi! Tôi có giựt tiền giựt bạc của ai hồì nào đâu mà biểu tôi chỉ.
– Mầy cứ chối hoài hả?
Ông Cò vừa nói vừa tống cho Mậu một bạt tay chảy máu răng rồi hăm rằng: “Để rồi mầy coi tao”. Ông lại biểu người Biện Tây dắt Mậu ra xe. Ông với mấy thầy Đội cũng ra theo.
Lúc ấy mặt trời đã chen lặn, thợ thuyền đi làm về dập dều, ai thấy nhà Mậu có Cò lính tới đông cũng đều đứng lại mà ngó.
Khi Mậu ra tới lộ, anh thấy vợ con đứng đó, vì có lính cặp hai bên nên anh không dám nói chuyện song anh ngó con rồi ngó vợ cười chúm chím, không lộ sắc buồn hay là lo chút nào hết. Mậu và lính lên rồi thì xe chạy thẳng xuống phía Xóm-Chiếu.
Chòm xóm và người quen đi ngang nãy giờ đứng xa xa mà coi, chừng thấy xe của Cò và lính đi rồi, mới áp lại hỏi Ba Trâm tại cớ nào mà Mậu bị lính bắt.
Bây giờ Ba Trâm mới khóc thút thít mà nói rằng: “Tôi có biết chuyện gì đâu. Giận tôi rồi bỏ nhà đi biệt mấy bữa rày. Làm việc gì mà bị bắt đó tôi có hiểu đâu”.
Có người nhắc rằng: “Chắc là đánh lộn đâu đó, bị họ khai, nên Cò bót bắt chớ gì”.
Người khác cãi rằng: “Đánh lộn thì lính bắt giam mà tra hỏi rồi giải tòa, chớ xét nhà làm chi. Cò bót đến xét nhà đây, tôi sợ họ nghi về vụ trộm cướp nào đó chớ”.
Chòm xóm bàn bàn luận luận một hồi rất lâu rồi thủng-thẳng rút đi về nhà. Trong đám đó có Hai Tiền. Chị ta chảy nước mắt, chớ không nói chi hết.
Ba Trâm trở vô nhà thấy bàn ghế giường chõng nghênh ngang như nhà hoang, bèn lo dọn-dẹp lại rồi lên võng mà nằm. Con Hào hỏi mẹ nó rằng: “Họ kiếm giống gì trong nhà mình vậy má?”
Ba Trâm lặng thinh một hồi rồi đáp rằng:
– Ai biết họ kiếm giống gì.
– Con thấy ông Cò con sợ quá.
– Mình có tội gì mà mình sợ.
– Họ dắt ba đi rồi chừug nào họ thả ba về, má?
– Mai mốt họ thả.
Thằng Hiệp đi bán nhựt-trình về, nó bước vô, cũng đưa một cái bánh cho con Hào như mấy bữa trước, lại cười ngỏn-ngoẻn.
Con Hào 1iền nóì với nó rằng:
– Ba bị lính bắt rồi, anh Hiệp à.
– Bắt hồi nào?
– Bắt hồi nào không biết, mà cò với lính dắt về nhà lục kiếm cùng hết, rồi chở ba đi nữa: mới đi hồi nãy đây.
Hiệp nghe nói thì ngẩn ngơ. Nó day lại thấy Ba Trâm nằm trên võng bèn hỏi rằng:
– Tại sao ba tôi bị bắt vậy dì?
– Mấy bữa rày đi làm giống gì ở đâu rồi bị bắt, tao ở nhà tao có biết đâu.
– Họ có dắt ba tôi về đây rồi họ xét nhà nữa sao?
– Chớ sao. Họ xét nhà làm tan hoang hết.
Hiệp đứng suy nghĩ rồi nói rằng: “Nếu họ xét nhà thì chắc họ nghi ba hoặc chứa đồ lậu, hoặc ăn trộm, hoặc ăn cắp chớ gì. Bữa nay mấy tờ nhựt-trình không có tờ nào nói chuyện bắt đồ lậu hay là trộm cắp mà… À, à, có một tờ nói đêm hồi hôm, lối mười giờ, có một người Mái-Chín ở trong Chợ-lớn đi ra Sàigòn, đi xe kéo, gần tới xóm Bàn-Cờ thì bị người ta chận đường giựt cái cặp da có đựng hai mươi lăm ngàn đồng bạc. Người Mái-Chín la lên và rượt kẻ gian mà lấy cặp da lại, nên bị kẻ gian chém một dao trên đầu nặng lắm, té xỉu máu ra linh-láng. Kẻ gian lấy bạc chạy mất. Sở Cảnh-sát đương tìm kiếm gắt lắm. Không lẽ ba liên can trong vụ ấy … Tối rồi, không biết lính đem ba về bót nào đặng kiếm mà hỏi thăm thử coi”.
Ba Trâm nói: “Hồi chiều xe hơi của ông Cò chở ba mầy đi ngã Xóm-Chiếu, không biết đem đi đâu. Vậy đi kiếm thử coi may có gặp hay khỏng”.
Hiệp móc túi lấy hai cắc bạc mà đưa cho Ba Trâm rồi bước ra cửa mà đi. Trời tối mò mà lại chuyển mưa nữa, Hiệp đi riết xuống bót Khánh-Hội nghểu nghến trước bót trót giờ đồng hồ, mà không thấy chi hết, lại cũng không dám hỏi thăm lính. Trời mưa gió ầm-ầm, nó ướt mình hết, lạnh lẽo chịu không nổi, nó phải trở về nhà.
Ba Trâm mở cửa cho nó vô và hỏi rằng:
– Kiếm được ba mầy không?
– Không được. Bót nhiều quá, không biết họ đem ba về bót nào. Trời mưa lạnh quá, nên tôi về rồi sáng tôi sẽ đi kiếm nữa.
– Hồi chiều đến giờ ăn cơm rồi hay chưa?
– Chưa.
– Còn cơm dưới nhà sau. Bưng đèn xuống dưới lấy mà ăn.
– Tôi không đói. Hồi chiều tôi có ăn bánh.
Ba Trâm trở vô buồng mà nghỉ. Thằng Hiệp cổi quần áo ướt mà vắt cho ráo nước, rồi gắn theo nẹp vách mà phơi. Nó lấy bộ khác mà bận vô, mà bộ đồ nầy rách rả, nên lòi vai lòi đít hết. Nó tắt đèn rồi lên võng mà nằm, nghe đầu trên có tiếng chó sủa vang-rân, rồi lại nghe dưới kinh tàu dắt ghe chạy ngang súp-lê inh-ỏi. Nó nằm suy nghĩ hoài, mà không hiểu cha nó có tội gì mà bị lính bắt. Nó thao thức sáng đêm ngủ không được.
Trời hừng sáng, thằng Hiệp rờ bộ đồ ướt hồi hôm đã khô rồi, nó bèn thay áo quần rách ra mà bận bộ đồ ấy vô, lấy cái nón nỉ cũ của nó mà đội rồi mở cửa ra đi. Nó qua bót Quận nhì trước, nó đi qua đi lại trước bót, chờ coi lính có dắt cha nó ra mà tra hỏi hay không. Nó không thấy tâm dạng chi hết, mới đi ra bót Quận-nhứt rồi lần lên bót Quận ba.
Đã trưa rồi mà tìm không ra mối, nó mới trở xuống chợ Bến-Thành, đi nghểu-nghến chung quanh chợ. Thình lình ở sau lưng có tiếng hỏi rằng: “Hiệp, mầy đi đâu đó? Sao bữa nay mầy không bán nhựt-trình?”
Thằng Hiệp day lại thì thấy thằng Cao là bạn bán nhựt-trình như nó; tay ôm một bó nhựt-trình đủ thứ hết. Nó bèn hỏi thằng Cao rằng:
– Bữa nay bán khá không mậy?
– Không khá mấy. Từ hồi sớm mơi tới bây giờ mới bán được có ba mưoi mấy số.
– Ba mươi mấy số còn gì nữa?
– Sao bữa nay mầy không bán, lại thả đi chơi?
– Tao mắc đi kiếm ba tao.
– Ba mầy ở đâu mà kiếm?
– Hôm qua ba tao bị lính bắt, không biết họ đem về bót nào, mà từ hồi hôm tới giờ tao đi ngang mấy bót đủ hết, song tao không thấy.
– Cò bót bắt, họ giam trong khám, mầy đi ngang ngoài đường làm sao mà thấy được. Ba mầy làm giống gì mà bị lính bắt?
– Không hiểu. Đâu mầy cho tao mượn mấy thứ nhựt-trình của mầy đặng tao kiếm thử coi có nói chuyện ba tao bị bắt hay không.
– Không được đâu mầy. Mầy mở ra mầy coi, rách băng rồi tao làm sao.
– Tao biết mở mà, không rách đâu. Mầy tưởug tao dại lắm sao? Nhà nghề mà. Tao mở ra tao coi một chút rồi tao xin bún tao dán lại được mà.
– Thôi, đi qua gare[4] đây mà coi.
Hai đứa dắt nhau qua gare xe điện, lại cái băng[5] trong góc mà ngồi rồi thằng Hiệp mới lập thế gỡ băng mở tờ “Nam-Kỳ Tân-Văn” ra mà coi. Trương đầu có bài tựa đề chữ lớn như vầy:
Vụ cướp hai mươi lăm ngàn
Người bị cướp sợ không sống
Hai gian nhơn đã bị bắt.
Thằng Hiệp thấy tựa như vậy thì đọc thử coi ai bị bắt đó. Bài ấy nói như vầy:
“Số báo hôm qua chúng tôi có thông tin vụ Mái-Chín Cúng bị ăn cướp giựt một số bạc rất lớn mà lại còn bị bọn cướp chém rất nặng. Nay chúng tôi xin thuật rõ ràng vụ ấy cho độc giả biết thói tàn nhẫn của kẻ gian.
Mái-Chín Cúng tuổi gần năm mươi, vóc ốm yếu, nhà ở Sàigòn, đường Lefèbvre có vợ xẩm, mà lại có một vợ người Nam nữa ở tại Ngã Sáu trong Chợlớn. Không ai biết chú làm nghề gì song người ở miệt Xóm-Chiếu thường thấy hễ có tàu hàng ở bên Tàu qua thì chú hay xuống tàu. Thường ngày chú đi một cái xe kéo nhà và chú hay dùng cái xe kéo ấy mà ra vô trong Chợ-lớn, chớ không đi xe điện.
Theo lời của Mái-Chín Cúng khai, thì đêm hôm qua, đúng mười giờ tối, chú ở Ngã-Sáu ngồi xe kéo mà về Sài-gòn. Chú có đem theo một cái cặp da, trong ấy có một số bạc hai mươi lăm ngàn đồng, có giấy một trăm, giấy hai chục và giấy năm đồng. Ngồi trên xe, chú để cái cặp da khít bên mình. Về gần tới xóm Bàn-Cờ thình-lình có hai người Việt-Nam, tay cầm dao chận xe kéo chú lại, rồi một người giựt cái cặp da mà chạy vô phía đồng Tập-trận. Chú lật-đật nhảy xuống xe mà chạy theo và la om sòm, quyết giựt cái cặp da lại. Thằng gian thứ nhì nhảy theo chém chú hai dao té quị xuống đất, rồi nó chạy theo thằng trước mà vô đồng.
Tên Năm là người kéo xe kéo Mái-Chín Cúng, thấy chủ bị nguy, nhưng vì không có khí giới nên không dám tiếp cứu. Phải chạy ra phía Chợ-Đũi mà la Mã-tà[6]. Lính gác chạy vô tới chỗ thì bọn cướp đã trốn mất, chỉ thấy Mái-Chin Cúng nằm dựa lề đường bị hai vết dao chém, một vết tại cánh tay mặt, đứt thịt thấu xương và một vết tại bàng tang phía trái, làm đứt lìa cái tai, máu chảy lai-láng.
Lính liền báo cho bót hay. Ông Cò quận ba ngồi xe hơi chạy vô, khám thương tích Mái-Chín Cúng rồi cho xe chở vô nhà thương Chợ-Rẩy. Ông truyền lịnh cho lính đi rảo trong đồng Tập-Trận mà tìm kiếm gian-nhơn, song kiếm không được bọn cướp, chỉ được hai cái xe máy bỏ trên cái gò mả. Trong hai cái xe máy ấy, một cái không có khắc tên chủ xe, còn một cái gắn tấm plaque[7] khắc tên: Lý-trường-Mậu”.
Thằng Hiệp đọc tới đó thì biến sắc, kêu thằng Cao mà nói rằng:
– Cao ơi, chắc ba tao bị bắt về vụ 25 ngàn đây chớ gì. Có xe máy của ba tao đây.
– Nếu vậy thì mầy no.
– No cái gì? Ba tao có phải là người cướp trộm đâu mậy. Ba tao làm ăn mà.
– Đâu, mầy đọc hết bài coi mà.
Thằng Hiệp đọc tiếp như vầy:
“Nhờ bắt được hai cái xe máy nầy, sở cảnh-sát phăng lần mới bắt được Lý-trường-Mậu, nhà ở Vĩnh-Hội, làm Cặp-rằng phụ trong một hãng vận tải. Mậu khai ra mới bắt thêm đồng lõa là Tám-Thiệt, nhà ở Xóm-Chiếu, làm cu-ly trong hãng ấy. Tuy gian-nhơn cứ chối hoài, song Cò bót xét nhà Thiệt có tìm được một số bạc năm ngàn đồng, nên nhà đương cuộc định chắc hai tên ấy là kẻ cướp và cũng chắc trong vài ngày nữa sẽ tìm ra được số bạc của Mái-Chín Cúng bị giựt.
Còn Mái-Chín Cúng thì đương nằm tại nhà thương, bịnh coi nặng lắm, quan thầy-thuốc chưa dám chắc cứu được hay không.
Được tin gì thêm nữa, bổn báo sẽ đăng cho công-chúng biết”.
Thằng Hiệp đọc dứt bài rồi thì rưng-rưng nước mắt và nói quả-quyết với thằng Cao rằng:
– Tuy nhựt-trình nói như vậy, song tao chắc ba tao không có giựt của đâu.
– Không có sao mà cò bót bắt.
– Họ nghi rồi họ bắt nhầu chớ gì.
– Bị họ bắt được cái xe máy của ba mầy đó, nên tao sợ khó gỡ chớ.
– Ừ, xe máy ở đâu mà lại đem bỏ đó không biết. Tao muốn kiếm ba tao đặng tao hỏi thử coi. Không biết bây giờ họ giam ở đâu.
– Theo bài nhựt-trình đó thì ông Cò quận ba tra xét, chắc ba mầy bị giam trên bót quận ba chớ đâu.
– Mầỵ nói có lý: để tao lên bót Giếng-Nước tao lập thế hỏi dọ thử coi.
– Mầy tưởng dễ lắm sao? Mầy láng-chán lên đó lính đánh mầy chết.
– Tao ở ngoài lộ, có làm việc chi đâu mà họ đánh.
– Ở ngoài lộ làm sao mà hỏi thăm ba mầy được.
– Thây kệ! Lên đó rồi sẽ hay.
– Mầy ăn cơm chưa?
– Từ hồi chiều hôm qua cho tới bây giờ tao không có ăn cơm, hôm qua bán nhựt-trình về tao giao cho dì tao hai cắc, dư mấy xu tao ăn bánh trừ cơm.
– Thằng nhịn đói giỏi dữ!
– Từ sớm mơi tới giờ tao bán được ba mươi mấy số nhựt-trình. Thôi tao với mầy xuống chợ cũ ăn cơm cho no rồi sẽ đi kiếm ba mầy chớ.
– Mầy bao cho tao nghe không, chớ thiệt tao không có tiền đa.
– Được mà, tao bao.
– Mà rồi mầy cũng phải cho luôn tao số nhựt-trình “Nam-kỳ” nầy đa, cho đặng tao đem về tao đọc cho dì tao nghe.
– Được. Tao sẵn lòng với mầy luôn luôn mà.
Hai đứa dắt nhau xuống chợ cũ ăn cơm hết sáu xu, rồi phải phân rẽ nhau, thằng Cao đi bán nhựt-trình, còn thằng Hiệp cầm tờ “Nam-kỳ Tân-văn” lên bót Giếng-Nước.
Thằng Hiệp ngồi ngoài lộ mà chờ tới tối mò mà không thấy tâm dạng cha nó. Nó bèn đi về nhà kiếm cơm ăn và đọc bài nhựt-trình cho Ba Trâm nghe.
Ba Trâm thì chăm chỉ nghe đọc, song sắc mặt coi không buồn chi lắm.
Qua ngày sau, thằng Hiệp lên bót Giếng-Nước mà đón. Gần 10 giờ nó thấy có một cái xe hơi ở phía sau chạy ra đậu trước cửa bót, rồi một ông Cò với hai thầy đội dắt cha nó với môt người nữa đem lên xe. Nó lật-đật chạy lại thì bị lính đuổi, nên nó không nói được một tiếng chi với cha nó. Xe hơi mở máy mà chạy, nó đứng ngơ-ngáo, không hiểu họ đem cha nó đi đâu. May lúc ấy có hai người lính nói chuyện với nhau, nó nghe một người nói: “Bọn nầy cứ chối hoài! Giải xuống Tòa coi chúng nó có chịu khai hay không”. Thằng Hiệp nghe như vậy mới biết họ giải cha nó ra Tòa, nên đi riết xuống Tòa đứng ngoài cửa mà đón nữa.
Đến 11 giờ rưỡi, hai thầy đội mới dắt Cặp-rằng Mậu và Tám Thiệt trong Tòa đi ra. Mậu vừa thấy thằng Hiệp thì nói rằng: “Tòa giam ba rồi. Con về đi. Không có sao đâu mà sợ”.
Thằng Hiệp khóc ròng, đứng ngó theo người ta dắt cha nó vô khám lớn.
Nó trở về nhà thuật lại cho Ba Trâm nghe, rồi bữa sau đi bán nhựt-trình đặng kiếm tiền ăn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.