Địch Vân khẽ la một tiếng:
– Úi chao!
Chàng không kịp nghĩ gì nữa cúi xuống lượm thanh kiếm của Thích Phương bỏ lại.
Vạn Khuê mặt đầy sát khí. Hắn đã biết tin Địch Vân vượt ngục và suốt ngày trong lòng hồi hộp. Bây giờ hắn thấy chàng cầm thanh trường kiếm của Thích Phương thì trong lòng vừa ghen tức vừa phẫn nộ, cất tiếng lạnh lùng hỏi:
– Hay lắm! Các ngươi tương hội trong phòng củi này. Thị còn đưa binh khí cho ngươi để toan mưu sát thân phu phải không? Ta e rằng không phải chuyện dễ dàng.
Địch Vân đầu óc hỗn loạn, tai nghe mà chẳng hiểu Vạn Khuê nói những gì.
Chàng tự hỏi:
– Sao hắn lại tới đây? Vì lẽ gì hắn biết ta ở trong này? Dĩ nhiên sư muội đã bảo hắn để hắn đến bắt ta đem đi lãnh thưởng. Nàng vô tình nghĩa đến thế ư?
Vạn Khuê thấy Địch Vân không đáp, liền cho là chàng khiếp sợ, liền phóng kiếm đâm tới trước ngực chàng.
Địch Vân vung kiếm lên gạt, tự nhiên phóng ra kiếm chiêu mà ngày trước lão cái đã truyền thụ cho. Thanh trường kiếm chuyển chênh chếch đi rồi lao về phía cổ họng Vạn Khuê.
Chiêu thức này cực kỳ quái dị. Năm trước Vạn Khuê đã không đỡ gạt được.
Sự việc xảy ra cách đây năm năm, tuy võ công của Vạn Khuê đã tiến được một bước dài, nhưng ngày nay vẫn không chống nổi.
Trường kiếm của Địch Vân xoay chuyển, mũi kiếm chỉ đúng chỗ yếu huyệt của Vạn Khuê.
Vạn Khuê kinh hãi không biết chuyển động trường kiếm trong tay thế nào cho được. Hắn thu kiếm về để phá giải thì đã không kịp nữa. Chiêu kiếm công địch trở thành lạc hậu. Vạn Khuê chỉ ngần ngừ một chút mà tánh mạng đã hoàn toàn đưa vào tay đối phương. Trong lòng hắn phẫn nộ đến cực điểm mà không dám nhúc nhích.
Vạn Khuê thấy Địch Vân mặt đầy râu ria, mối phẫn nộ dần dần biến thành khủng khiếp. Hắn nghĩ tới hành vi gian trá của mình khiến chàng bị giam hãm vào ngục tối, rồi lại đoạt Thích Phương để lấy làm vợ. Không ngờ đến nay Thích Phương còn lừa gạt hắn.
Nguyên Vạn Khuê tâm cơ linh mẫn đã ngó thấy huyết tích trong phòng củi, vẻ mặt Thích Phương cùng đứa nhỏ lại ra chiều khác lạ khiến hắn cảnh giác liền.
Kiếm pháp của Địch Vân thật cổ quái, chỉ một chiêu đã đắc thủ, kiềm chế ngay được Vạn Khuê mặc dầu hắn đã đề phòng.
Vạn Khuê tái mặt tự hỏi:
– Chẳng lẽ ta lại chết về tay gã?
Địch Vân dừng kiếm lại không phóng thêm về phía trước, miệng lẩm bẩm:
– Ta có nên giết hắn không?
Vạn Khuê trong lúc nguy cấp bỗng thấy khóe mắt đối phương lộ vẻ ngần ngừ mà tay kiếm lại hơi run. Hắn chợt động tâm cơ, liền lớn tiếng hô:
– Thích Phương! Nàng lại đây mà coi!
Địch Vân nghe hắn hô hoán danh tự Thích Phương, trong lòng kinh ngạc, bất giác ngảnh đầu nhìn ra.
Không ngờ Vạn Khuê dùng kế trá ngụy, thừa cơ chàng quay đầu ra, lập tức vung trường kiếm lên gạt mạnh một cái.
Những ngón tay phải của Địch Vân đã bị chặt đứt, cầm kiếm không vững, lại bị gạt bất thình lình. Thanh trường kiếm tuột tay bay ra rớt xuống ngoài cửa sổ.
Vạn Khuê đánh một chiêu đắc thắng, khi nào còn chịu nới tay. Hắn lại phóng kiếm đâm tới.
Địch Vân né tránh hai lần, ẩn vào sau đống củi. Tiện tay chàng rút một cành cây để thay kiếm, gắng sức đánh lại.
Vạn Khuê vung kiếm chém chan chát hai tiếng khiến cành cây của Địch Vân bị gẫy một khúc.
Địch Vân liền liệng mạnh khúc cây gẫy về phía đối phương, chờ hắn nhảy lên né tránh, chàng lại thừa cơ rút một cành tùng khác để tấn công.
Vạn Khuê thấy Địch Vân mất khí giới rồi, cho là mình đã nắm chắc phần thắng. Dù đối phương lấy cây làm kiếm đâm trúng hắn mấy nhát cũng chẳng có chi đáng ngại.
Hắn định thần lại, triển khai kiếm pháp từ từ tấn công. Phương pháp này quả nhiên phát sinh hiệu lực.
Bỗng nghe Địch Vân gầm lên một tiếng phẫn nộ. Cổ tay mặt chàng trúng kiếm, máu tươi chảy ra như suối, thành ra bất lực, đành phải bỏ cành cây xuống.
Vạn Khuê lại phóng kiếm đâm vào đùi chàng rồi vung chân đá chàng té nhào.
Địch Vân gắng gượng đứng lên liền bị Vạn Khuê đá vào xương lưỡng quyền khiến chàng ngất xỉu.
Vạn Khuê quát hỏi:
– Ngươi giả chết chăng?
Hắn lại vung kiếm chém vào vai bên hữu Địch Vân, vẫn thấy chàng không nhúc nhích mới biết chàng đã ngất đi rồi.
Hắn tự nhủ:
– Lăng Tri phủ hứa thưởng năm ngàn vạn lạng cho ai bắt được hai tên tù phạm vượt ngục, dĩ nhiên mình bắt sống được hay hơn. Vả lại lần này gã bị bắt đưa lên quan cũng khó lòng sống sót, hà tất ta phải giết gã?
Hắn đảo mắt nhìn quanh bỗng ngó thấy trong đống củi có ống chân thò ra, không khỏi giật mình kinh hãi, miệng lẩm bẩm:
– Trong này còn có một người.
Hắn không hiểu Đinh Điển còn sống hay đã chết rồi, vung kiếm lên chém xuống chân tử thi.
Địch Vân tuy bị đá ngất đi, nhưng bên tai dường như có tiếng la:
– Ta không thể chết được! Ta không thể chết được! Ta đã hứa lời với Đinh đại ca, là đưa di thể của y hợp táng với Lăng tiểu thư.
Chẳng biết có phải vì ý niệm cường liệt này mà chàng hồi tỉnh mau lẹ hay không? Chàng mê man tự nghĩ:
– Đêm hôm ấy, ta cũng bị hắn đánh ngã và bị đá rất nặng vào đầu.
Chàng từ từ hé mắt ra thấy Vạn Khuê đang vung kiếm lên chém xuống thi hài Đinh Điển.
Ban đầu chàng chưa tỉnh hẳn, không hiểu Vạn Khuê có dụng ý gì, nhưng kế đó chàng thấy hắn kéo xác Đinh Điển từ trong đống rơm củi ra ngoài, bất giác chàng lớn tiếng hô:
– Đinh đại ca!
Đột nhiên tinh lực toàn thân đầy rẫy, Địch Vân nhảy vọt lên xổ tới sau lưng Vạn Khuê, cánh tay mặt chàng đè lên cổ họng hắn.
Vạn Khuê giật mình xoay tay phóng kiếm đâm ngược lại.
Không ngờ Địch Vân mặc Ô Tằm Giáp, nhát kiếm tuy đâm trúng bụng chàng, nhưng mũi kiếm bị ngăn chặn không xuyên vào được. Một mặt tay Địch Vân mỗi lúc xiết chặt.
Địch Vân thấy Vạn Khuê làm thương tổn đến thi thể của Đinh Điển, chàng tức giận như người phát điên, liền quyết định:
– Thằng cha này đã hãm hại ta, đoạt người yêu của ta. Mối thù này còn có thể bỏ qua, nhưng hắn tàn hại di thể của đại ca thì không thể dung tha được.
Trong lúc nhất thời, chàng không còn ý niệm nào khác là muốn đè chết Vạn Khuê tức khắc.
Nhưng chàng đã mấy lần bị thương, máu chảy không ngớt, lại cảm thấy thấy Vạn Khuê cục cạy mỗi lúc một yếu ớt mà sức đề kháng của chàng cũng dần dần tiêu tan. Lực lượng ở cánh tay chàng cũng suy giảm rất mau. Chàng không ngớt tự nhủ:
– Ta chỉ chống đỡ được một lúc nữa và có thể đè chết hắn.
Sau mắt chàng nảy đom đóm, đầu óc rối loạn, rồi không biết gì nữa.
Địch Vân tuy ngất đi nhưng cánh tay đè lên cổ địch nhân vẫn không nới ra.
Vạn Khuê bị nghẹt thở. Lúc Địch Vân ngất đi, hắn cũng không biết gì nữa.
Cặp oan gia này nằm thẳng cẳng trên đống cỏ dường như đã chết cả rồi, nhưng trước ngực vẫn nhô lên hóp xuống, mũi miệng còn hơi thở.
Chẳng hiểu trong cõi mênh mang có sắp đặt gì không? Giả tỷ Địch Vân hồi tỉnh trước thì chàng chỉ việc lượm kiếm lên chém một nhát là giết chết Vạn Khuê được ngay. Bằng Vạn Khuê tỉnh trước hắn cũng phế bỏ ý niệm bắt sống Địch Vân vì đó là hành động thật nguy hiểm, tất hắn cũng vung kiếm chém đầu chàng. Trên đầu không có Ô tằm giáp bảo vệ, dĩ nhiên chàng phải chết ngay lập tức.
Trên cõi đời này xảy ra những việc trái lẽ là thường. Chưa chắc hảo nhân đã gặp vận hên mà kẻ tồi bại phải chịu vận xúi. Ngược lại chưa chắc kẻ tồi bại bao giờ cũng gặp vận hên mà hảo nhân thường gặp số phận hẩm hiu. Con người ai cũng chết. Kẻ chết sau không nhất định là số phận tốt đẹp.
Đối với người sống là Thích Phương cùng con gái nàng thì cái chết trước của Địch Vân và của Vạn Khuê đưa đến hậu quả thật khác nhau xa. Giả tỷ lúc này nàng ở đây thì nàng sẽ cứu ai tỉnh lại trước?
o O o
Giữa lúc hai người ngất đi trong phòng củi, đột nhiên có tiếng bước chân từ từ đi tới.
Địch Vân bỗng nghe có tiếng nước chảy róc rách. Trên mặt chàng có những giọt rất lạnh lẽo đập vào làm cho ngâm ngẩm đau.
Tiếp theo chàng cảm thấy người mình giá lạnh mà không còn một chút khí lực.
Đầu óc vừa có tri giác, lập tức chàng vận kình vào cánh tay mặt la lên:
– Ta đè chết ngươi! Ta đè chết ngươi!
Nhưng dưới cánh tay chàng chẳng có vật gì.
Tiếp theo chàng phát giác ra người mình không ngớt lay động. Chàng hoảng hốt mở bừng mắt ra thì chỉ thấy tối mò, những giọt nước trong như hạt châu đập xuống mặt mũi tay chân. Té ra trời đang mưa lớn.
Người chàng vẫn dao động không ngớt. Ngực chàng cồn cào chỉ muốn nôn ra.
Đột nhiên bên người chàng một con thuyền lướt qua, có giương buồm hẳn hoi. Hiển là con thuyền không còn nghi ngờ gì nữa.
Chàng rất lấy làm kỳ tự hỏi:
– Quái lạ! Sao lại có thuyền đi bên mình ta được?
Chàng muốn ngồi dậy để coi cứu cánh, nhưng toàn thân mềm nhũn, dù cử động một ngón tay cũng không được. Chàng vẫn nằm ngửa nhìn lên thấy mây đen chạy ào ào. Đúng là chàng không còn ở phòng củi nữa rồi.
Trong đầu óc đột nhiên chuyển qua một ý nghĩ, chàng tự hỏi:
– Đinh đại ca đâu rồi?
Vừa nhớ tới Đinh Điển, lập tức trong người lại phát sinh khí lực. Chàng chống tay xuống ngồi nhỏm dậy mà người vẫn lảo đảo.
Nguyên chàng đang ở trong con thuyền nhỏ trên sông. Nước sông Đại Giang cuồn cuộn chảy xuôi.
Lúc này đang đêm, bầu trời mây kéo đen nghịt lại đổ mưa rào.
Địch Vân ngó qua hai bên bờ thì chỉ một màu tối đen, chẳng nhìn rõ chi hết.
Trong lòng nóng nảy, Địch Vân lớn tiếng gọi:
– Đinh đại ca! Đinh đại ca!
Chàng đã biết Đinh Điển chết rồi, nhưng không thể để mất thi thể y được.
Đột nhiên chân trái chàng đụng phải một vật mềm nhũn, chàng cúi xuống nhìn, bất giác vừa kinh ngạc vừa vui mừng, lại gọi:
– Đinh đại ca! Đại ca đây rồi.
Chàng giang hai tay ôm lấy. Nguyên thi thể Đinh Điển cũng ở trong thuyền bên cạnh chân chàng.
Địch Vân hơi thở hồng hộc, hết cả khí lực. Chàng không còn sức để mà suy tưởng nữa. Chàng cảm thấy cổ họng khô ráo liền há miệng cho những giọt mưa trên không rớt vào, làm ướt môi miệng và đầu lưỡi. Thế rồi chàng mê man như tỉnh như mê. Hai tay vẫn ôm thi thể Đinh Điển.
Trời gần sáng rõ mà trận mưa lớn vẫn chưa ngớt.
Dưới ánh thần quang lờ mờ, Địch Vân đột nhiên ngó thấy đùi mình quấn một tấm băng lớn. Chàng định thần nhìn lại, phát giác tấm băn này buộc vết thương.
Tiếp theo chàng còn phát giác ở cánh tay và bả vai hai chỗ bị thương cũng đều được băng bó. Mũi chàng thấp thoáng ngửi thấy mùi thuốc dấu.
Suốt một đêm mưa gió, băng vải đã ướt hết, nhưng vết thương không còn chảy máu.
Chàng tự hỏi:
– Ai đã buộc những vết thương cho ta? Nếu những vết thương không băng lại thì chẳng cần người hạ sát, chỉ chảy hết máu cũng đủ khiến cho ta uổng mạng rồi.
Chàng chợt nhớ tới cảnh thê lương tịch mịch, bất giác lẩm bẩm:
– Trên cõi đời này còn ai quan tâm đến ta và giúp đỡ ta nữa? Đinh đại ca thì đã chết rồi, còn ai mong ta sống mà phí công buộc vết thương cho ta?
Chàng nhìn kỹ lại mấy chỗ băng bó đều quấn một cách cẩu thả không tề chỉnh chút nào, tựa hồ lúc người này động thủ trong lòng rất hoang mang hồi hộp, nhưng băng không phải là thứ vải khô kệch mà lại là thứ đoạn thượng hảo. Mép băng đoạn có thêu hoa tỉ mỉ. Coi lại vết xé thì hiển nhiên thứ đoạn này ở vạt áo đàn bà xé ra.
Địch Vân tự hỏi:
– Phải chăng đây là hành động của sư muội?
Trái tim chàng lại đập mạnh, lồng ngực chàng nóng ran. Khóe miệng chàng lộ ra một nụ cười giễu cợt. Chàng lẩm bẩm:
– Nàng đã đi kêu trượng phu đến giết ta thì khi nào còn buộc vết thương cho ta? Nếu chẳng phải nàng báo tin thì ta đang ẩn ở phòng củi, Vạn Khuê sao lại biết được?
Nhưng hiển nhiên hiện chàng đang ở trong con thuyền nhỏ mà thuyền đang lềnh bềnh trôi ở giữa sông. Chàng không hiểu nơi đây đã cách thành Giang Lăng bao xa rồi? Dù sao chàng đã tạm thời thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, không bị Lăng Tri phủ sai người truy nã tới nơi ngay được.
Chàng bâng khuâng tự hỏi:
– Ai đã buộc vết thương cho ta và đặt ta xuống thuyền nhỏ này? Sao lại có cả Đinh đại ca cùng một chỗ?
Chàng chẳng quan tâm gì đến sự sống chết của mình, nhưng thấy thi thể của Đinh Điển ở bên là trong lòng được an ủi rất nhiều khiến chàng xiết bao cảm kích!
Địch Vân suy nghĩ đến điên đầu mà không tìm ra manh mối.
Chàng hết sức nhớ lại sự việc đã phát sinh hôm trước. Chàng nhớ là Vạn Khuê vung kiếm chém Đinh Điển, rồi chàng hết sức đè cổ họng hắn. Sau đó xảy ra những gì chàng không biết nữa. Đầu óc chàng trống rỗng.
Địch Vân quay đầu một cái, bỗng trán đụng vào một vật rắn, thì đây là cái bọc nhỏ. Chàng mừng thầm trong bụng hy vọng có thể tìm ra manh mối ở trong cái bọc này.
Hai tay run run mở bọc ra coi thì thấy trong có năm, sáu đĩnh bạc vụn và bốn món trang sức của đàn bà:
một bông hoa ngọc, một chiếc xuyến vàng, một cái kiềng vàng và một cái nhẫn ngọc thạch. Ngoài ra còn có cái khóa vàng đeo cổ trẻ nít. Sợi dây đeo khóa đã bị rứt đứt. Hiển nhiên lúc lâm sự vội vàng giựt ở trên cổ đứa nhỏ chứ không phải tháo ra, tựa hồ như của kẻ cướp đường.
Trên khóa vàng khắc bốn chữ “Đức dung song mậu”.
Địch Vân ít đọc sách, tuy chàng biết bốn chữ này nhưng không hiểu ý tứ ra sao miệng lẩm bẩm:
– Đây chắc là danh tự của đứa nhỏ.
Địch Vân coi những thứ trang sức này rồi, đầu óc chàng lại càng hồ đồ hơn khi chưa mở bọc.
Chàng tự nhủ:
– Tiền bạc cùng đồ trang sức dĩ nhiên là người cứu ta đã tặng cho để lúc lên bờ có tiền ăn uống. Nhưng ai là người đã cứu cấp ta? Những thứ trang sức này không phải của sư muội, vì ta chưa từng thấy nàng đeo trong người bao giờ.
Nước sông chảy cuồn cuộn đưa con thuyền nhỏ xuôi dòng. Suốt ngày hôm ấy, trong đầu óc Địch Vân lúc nào cũng nhộn lên hai câu hỏi:
– Ai đã bọc vết thương cho ta? Ai đã cho tiền bạc và đồ trang sức này?
Hạ lưu sông Trường Giang đi tới Kinh Châu rồi uốn khúc quanh co giữa vùng Tương Ngạc, nước chảy chậm lại. Con thuyền nhỏ từ từ trôi trên mặt sông.
Hai bên bờ thỉnh thoảng lại hiện ra một thị trấn hay một thôn xóm.
Từ trên thượng lưu lác đác có những thuyền buồm đi tới rồi vượt qua. Từ vùng hạ lưu, những thuyền ngược dòng phải do những thuyền phu còng lưng kéo dây mới đi lên được.
Những thuyền bè qua lại thấy Địch Vân đầu tóc bù xù, mặt mũi lem luốc đầy vết máu đều lộ vẻ kinh ngạc, hay ngó chàng bằng cặp mắt hiếu kỳ.
Trời đã xế chiều, Địch Vân phục hồi được chút khí lực liền cảm thấy đói bụng cơ hồ không chịu nổi. Chàng ngồi dậy cầm một tấm ván thuyền bơi vào bờ phía bắc, định lên bờ tìm một phạn điếm mua cơm ăn. Nhưng nơi đây là một giải đất hoang lương, chẳng có cửa nhà chi hết.
Con thuyền nhỏ xuôi giòng chuyển qua một khúc quanh, bỗng thấy dưới bóng liễu buộc ba con thuyền đánh cá. Trong thuyền khói bốc lên nghi ngút.
Địch Vân chèo thuyền nhỏ đến gần thuyền đánh cá, đã nghe cá rán trong chảo đằng lái thuyền vang lên những tiếng lèo xèo. Mùi thơm ngào ngạt theo gió đưa tới.
Địch Vân ngửi thấy mùi cá, bụng lại càng đói.
Chàng bơi thuyền gần lại nhìn lão ngư ông hỏi:
– Đả ngư lão bá! Lão bá cho tiểu tử mua một con để làm bữa được chăng?
Lão chài thấy chàng tướng mạo rất khủng khiếp, trong lòng sợ hãi, không muốn bán, nhưng không dám cự tuyệt, liền đáp:
– Được được!
Lão đặt một con cá chiên rất thơm tho vào đĩa đưa sang thuyền chàng.
Địch Vân nói:
– Lão bá có cơm trắng cũng xin cho tiểu tử mua một bát.
Lão chài lại đáp:
– Dạ dạ!
Lão đơm cơm hẩm vào cái bát lớn đưa cho chàng.
Những người đánh cá trên sông sinh hoạt rất khổ sở. Họ thường ăn cơm hẩm hoặc pha lẫn với ngô khoai.
Địch Vân xuất thân ở nơi nghèo khổ rồi khi bị giam trong ngục, ăn uống càng tệ hại hơn. Lúc này chàng đói bụng ăn một lúc hết sạch bát cơm lớn. Chàng toan hỏi mua nữa thì đột nhiên trên bờ có tiếng người ấm ớ cất lên:
– Nhà chài! Có cá lớn bắt mấy con đem lên đây!
Địch Vân ngẩng đầu nhìn thấy một nhà sư vừa gầy vừa cao cặp mắt rất lớn lấp loáng thần quang. Bỗng chàng giật nảy mình vì đã nhận ra đó là một trong năm nhà sư vào trong ngục gây chuyện với Đinh Điển ngày trước.
Chàng nghĩ kỹ lại nhớ rõ Đinh Điển đã nói tên lão là Bảo Tượng. Đêm hôm ấy Đinh Điển dùng kỳ công trong Thần chiếu kinh đánh chết hai người, còn ba người nhân cơ hội rối loạn trốn đi. Bảo Tượng là một trong ba người này.
Địch Vân nhận ra lão rồi, không dám nhìn thêm lần nào nữa. Chàng nhớ Đinh Điển đã nói vị hòa thượng này võ công rất cao thâm, lại dặn chàng sau có gặp họ phải coi chừng. Chàng biết Bảo Tượng mà phát giác ra thi thể Đinh Điển tất lão sẽ đối phó với chàng.
Địch Vân hai tay bưng bát cơm, tuy chàng không phải hạng nhát gan, nhưng cũng không nén được trống ngực đánh hơn trống làng, chân tay run rẩy, mặc dầu chàng tự nhủ:
– Đừng phát run! Đừng phát run! Nếu để lộ hình tích là nát bét.
Nhưng chàng càng ráng trấn tĩnh chàng không kiềm chế được mối lo âu.
Bỗng nghe lão chài đáp:
– Bữa nay đánh được ít cá bán hết cả rồi, không còn con nào.
Bảo Tượng tức giận quát:
– Sao lại không còn cá? Ta đói ngấu rồi, mau đưa đây mấy con. Không có cá lớn thì cá nhỏ cũng được.
Lão chài đáp:
– Không còn thiệt. Lão hủ có cá mà hòa thượng có tiền sao lại không bán?
Lão nói ròi cầm giỏ dốc lên. Trong giỏ quả nhiên không còn cá.
Bảo Tượng bụng đói meo thấy bên Địch Vân để con cá lớn chiên chín rồi, lại đang ăn một con nữa, liền hô:
– Anh chàng kia! Chỗ ngươi có cá không?
Địch Vân trong lòng bối rối. Chàng thấy lão hỏi mình thì cho là lão đã nhận ra chân tướng, không dám lên tiếng. Chàng cầm tấm ván tỳ vào cành liễu bờ sông đẩy mạnh một cái. Con thuyền nhỏ liền vọt ra giữa lòng sông.
Bảo Tượng tức giận quát:
– Tặc hán tử! Ta hỏi ngươi có cá không sao ngươi lại trốn chạy? Phải chăng ngươi có tật giật mình?
Địch Vân chẳng có tội tật gì, nhưng giật mình thì có thật. Chàng nghe lão ngoác miệng ra thóa mạ lại càng khiếp sơ, liền bơi thuyền chạy lẹ ra giữa sông.
Bảo Tượng lượm một hòn đá hết sức liệng xuống đánh vù một tiếng.
Địch Vân tuy mất nội lực nhưng võ công hãy còn. Chàng thấy hòn đá bay tới rất mau sắp đánh trúng người, vội nằm rạp xuống.
Tiếng gió rít lên khủng khiếp. Hòn đá lướt qua đầu chàng rớt tõm xuống sông. Nước bắn lên tung tóe rất cao, tỏ ra thủ lực của lão rất ghê gớm!
Bảo Tượng thấy chàng tránh khỏi viên đá bằng thân pháp rất linh lợi, hiển nhiên là con nhà luyện võ, chứ chẳng phải hạng thuyền phu đánh cá thông thường, càng sinh lòng nghi hoặc, liền lớn tiếng quát:
– Con mẹ nó! Mau bơi trở lại, không thì ta lấy cái mạng chó má của ngươi.