Luật Trí Não

QUY LUẬT #12 KHÁM PHÁ



Chúng ta là những nhà thám hiểm mạnh mẽ và tự nhiên

Con trai Josh của tôi bị ong đốt khá đau lúc 2 tuổi, lứa tuổi khá nhạy cảm, và nó đáng bị như thế.

Đó là một buổi chiều nắng ấm áp. Chúng tôi đang chơi trò “chỉ điểm”, một bài tập đơn giản, trong đó thằng bé chỉ vào một vật nào đó và tôi sẽ nhìn về hướng vật đó. Và rồi chúng tôi sẽ cùng phá ra cười. Tôi yêu cầu Josh không được động vào lũ ong nghệ vì chúng có thể đốt nó; chúng tôi dùng từ “nguy hiểm” mỗi khi thằng bé đến gần một tổ ong. ở đó, giữa đám cỏ ba lá, thằng bé chỉ vào một vật lớn khá hấp dẫn, kêu vo vo. Khi con trai tôi định chạm vào đó, tôi bình tĩnh nói: “Nguy hiểm” và thằng bé ngoan ngoãn rụt tay lại. Nó chỉ vào một bụi cây đằng xa, tiếp tục trò chơi của chúng tôi.

Khi tôi nhìn về phía bụi cậy, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng kêu cứu ở mức 110 đề-xi-ben123. Hóa ra khi tôi quay đi, Josh đã động tới lũ ong và ngay lập tức bị đốt. Josh đã dùng trò chơi chỉ điểm như một cách đánh lạc hướng và tôi đã bị một đứa bé 2 tuổi đánh lừa.

“Nguy hiểm!”, thằng bé thút thít khi tôi ôm ghì lấy nó.

“Nguy hiểm”, tôi buồn bã nhắc lại, ôm chặt thằng bé, lấy đá lạnh chườm cho nó và tự hỏi khoảng 10 năm nữa khi vào tuổi dậy thì thằng bé sẽ như thế nào.

Sự việc này mở đầu một loạt hành vi cư xử của người bố thường được gọi là hai rắc rối. Đó là một thử thách thô ráp đầu tiên cho tôi và thằng bé. Thật ra thử thách này cũng làm tôi bật cười. Bọn trẻ sử dụng năng lực trí tuệ để đánh lạc hướng các ông bố, cũng giống các năng lực chúng sẽ sử dụng khi trưởng thành để khám phá cấu tạo của mặt trời ở xa hay tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. về bản chất, chúng ta là những nhà thám hiểm dù cho thói quen này đôi khi gây hại cho chính chúng ta. Khuynh hướng này khá mạnh mẽ, có thể biến chúng ta thành những con người học tập suốt đời. Tuy vậy, bạn có thể thấy được điều đó rõ nhất ở các công dân trẻ tuổi của chúng ta (thường là khi chúng đang trong tình trạng tồi tệ nhất).

Làm vỡ đồ đạc

Bọn trẻ gợi ý cho các nhà nghiên cứu một tầm nhìn rõ ràng, không bị những năm tháng trải nghiệm xấu che phủ, bởi cách thức con người tự nhiên có được thông tin. Bọn trẻ bị rất nhiều phần mềm xử lý thông tin nạp đầy trước đó, thu nhận được thông tin nhờ sử dụng các chiến thuật cụ thể đáng kinh ngạc, nhiều chiến thuật trong số đó vẫn được duy trì ở thời kỳ trưởng thành. Một phần, sự thông hiểu cách thức học tập của con người ở lứa tuổi này cũng đồng nghĩa với việc hiểu được cách thức học tập của con người ở bất kỳ độ tuổi nào.

Chúng ta luôn không suy nghĩ theo hướng đó. Nếu 40 năm trước, bạn nói với các nhà nghiên cứu rằng bộ não đã được thiết lập trước thì phản ứng của họ sẽ khá gay gắt. “Anh đang hút thứ gì đó?”, hay kém lịch sự hơn là “Ra khỏi phòng thí nghiệm của tồi.” Đó là do trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã cho rằng não trẻ nhỏ ở trong trạng thái trống rỗng – như một tờ giấy trắng tinh. Họ cho rằng mọi điều một đứa bé biết được đều do học hỏi từ sự tương tác với các môi trường xung quanh nó, ban đầu với người lớn. Khía cạnh này chắc hẳn được các vị tiến sĩ – thường làm việc quá sức và chưa từng có con – lập thành công thức. Ngày nay, chúng ta đã hiểu biết hơn. Đã có những bước tiến dài trong việc tìm hiểu thế giới nhận thức của trẻ nhỏ. Thật vậy, giới nghiên cứu giờ đây nhìn vào bọn nhỏ để tìm hiểu cách thức con người, kể cả người lớn, suy nghĩ về mọi điều trong thực tế.

Hãy cùng nhìn vào bên trong tâm trí của một đứa bé, động cơ vận hành quá trình suy nghĩ và nhiên liệu thúc đẩy giúp duy trì hoạt động trí tuệ của nó.

Nguồn nhiên liệu bao gồm một nhu cầu vô hạn, rõ rệt và có chỉ số octane124 cao. Những trẻ nhỏ sinh ra với khát vọng sâu thẳm được hiểu biết về thế giới xung quanh, sự tò mò đã thôi thúc chúng say mê khám phá. Sự cần thiết phải lý giải điều này gắn chặt với trải nghiệm của chúng, khiến một số nhà khoa học mô tả nó như một xu hướng, như đói khát và tình dục cũng đều là các xu hướng.

Các em nhỏ dường như rất bận tâm về các đặc tính tự nhiên của một đồ vật. Những em dưới 1 tuổi sẽ phân tích tuần tự mỗi đồ vật bằng tất cả vũ khí giác quan mà chúng có thể sử dụng.

Chúng sẽ cảm nhận, đá và cố tách rời đồ vật đó ra, ghé vào tai, cho vào miệng, đưa đồ vật đó để bạn cho vào miệng. Dường như chúng hăng hái góp nhặt thông tin về đặc điểm của đồ vật. Trẻ nhỏ cẩn thận tiến hành các thí nghiệm trên các đồ vật để nhận biết những biến đổi của các đồ vật đó. Trong gia đình chúng ta, điều này thường đồng nghĩa với việc đập vỡ đồ đạc.

Các dự án nghiên cứu theo định hướng đồ vật này ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong một loạt những thí nghiệm nổi tiếng, các em nhỏ được nhận một cái cào và một món đồ chơi đặt cách xa nhau. Các em nhanh chóng học cách sử dụng cái cào để lấy món đồ chơi. Đây không thật sự là một khám phá gây chấn động, mà mọi ông bố bà mẹ đều biết điều này. Sau đó, các nhà nghiên cứu quan sát thấy một điều gây sửng sốt. Sau vài nỗ lực thành công, các em nhỏ mất dần hứng thú với món đồ chơi, nhưng không mất hứng thú với thí nghiệm. Các em sẽ cầm món đồ chơi và di chuyển nó đến những vị trí khác nhau, sau đó dùng cái cào để lấy món đồ chơi. Thậm chí các em còn đặt món đồ chơi ngoài tầm với để xem thử khả năng của cái cào. Món đồ chơi có vẻ như hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chúng. Điều thật sự ảnh hưởng đến chúng chính là việc cái cào có thể kéo món đồ chơi lại gần. Chúng đang thử nghiệm mối quan hệ giữa các vật thể, đặc biệt là cách thức một vật thể có thể tác động lên một vật thể khác.

Việc thử nghiệm giả thuyết đó là cách mọi đứa trẻ thu lượm thông tin. Chúng sử dụng một chuỗi những ý tưởng tự điều chỉnh ngày càng tăng để tìm hiểu xem thế giới hoạt động ra sao. Chúng chủ động kiểm nghiệm môi trường xung quanh mình, giống với việc một nhà khoa học sẽ làm: Tiến hành quan sát bằng cảm giác, hình thành giả thuyết về điều đang diễn ra, thiết kế một thí nghiệm có thể kiểm chứng giả thuyết, và sao đó, rút ra các kết luận từ những phát hiện đó.

Nếm thử

Năm 1979, Andy Meltzoff125 gây chấn động thế giới tâm lý của trẻ nhỏ bằng cách thè lưỡi về phía một đứa bé mới sinh rồi lịch thiệp chờ phản hồi. Ông đã thật sự kinh ngạc. Đứa bé thè lưỡi lại với ông! ông đã đo lường được hành vi bắt chước này của những đứa trẻ mới chào đời được 42 phút. Đứa bé chưa từng được nhìn thấy một cái lưỡi, cả của Meltzoff lẫn của chính nó. Sự thật là đứa bé biết mình có lưỡi, biết rằng Meltzoff cũng có lưỡi và bằng cách nào đó, nó đã nảy ra ý tưởng phản chiếu lại. Hơn nữa, đứa bé biết rằng nếu mình kích thích một chuỗi các dây thần kinh theo một thứ tự nào đó, nó cũng có thể thè lưỡi ra (chắc chắn là ý niệm tờ giấy trắng tinh không còn bền vững).

Tôi thử nghiệm điều này ở con trai Noah của tôi. Thằng bé và tôi bắt đầu tạo dựng mối quan hệ với nhau trong đời bằng cách thè lưỡi với nhau. Trong 30 phút đầu tiên khi mới chào đời, chúng tôi đã có một cuộc đối thoại bằng cách bắt chước. Cuối tuần đầu tiên của thằng bé, chúng tôi đã đi sâu vào đối thoại: Mỗi khi tôi bước vào phòng thằng bé, chúng tôi chào hỏi nhau bằng cách thè lưỡi. Đó đơn thuần chỉ là sự thích nghi về phần thằng bé, cũng như thuần túy là một niềm vui đối với tôi. Nếu ban đầu tôi không thè lưỡi, thằng bé sẽ không làm được động tác có thể dự đoán trước đó mỗi khi tôi xuất hiện trong tầm nhìn của nó.

Ba tháng sau, vợ tôi đến đón tôi sau một buổi giảng ở trường y, Noah cũng đi cùng. Tôi vẫn đang giải đáp các câu hỏi, tuy vậy tôi bế Noah lên và giữ bé sát bên người trong khi trả lời. Liếc nhìn sang, tôi nhận thấy Noah đang nhìn tôi đầy mong đợi, cứ năm giây lại rụt rè thè lưỡi ra một lần.

Tôi mỉm cười và thè lưỡi ra giữa sự nghi ngờ của Noah. Đột nhiên, thằng bé cười ré lên và bắt đầu thoải mái thè lưỡi ra, cứ nửa giây một lần. Tôi biết chính xác bé đang làm gì. Noah đã quan sát (bố và mình thè lưỡi với nhau), hình thành một giả thuyết (mình đánh cược là nếu mình thè lưỡi với bố, bố sẽ thè lưỡi lại với mình), tạo ra và tiến hành thử nghiệm của mình (mình sẽ thè lưỡi với bố), thay đổi hành vi của mình như một kết quả của việc đánh giá nghiên cứu (thè lưỡi nhiều lần hơn). Không một ai dạy cho Noah, hay bất kỳ đứa bé nào khác, làm việc này. Đó là một chiến lược suốt đời. Có thể sáng nay bạn đã làm điều đó khi bạn không thể tìm thấy kính, giả dụ rằng chúng ở trong phòng giặt ủi và đi xuống dưới tầng để tìm. Từ phương diện khoa học trí não, chúng ta thậm chí không có một phép ần dụ nào để mô tả cách bạn biết được điều đó. Nó hoàn toàn tự động, bạn có thể không biết rằng mình đang nhìn vào kết quả của một thí nghiệm thành công khi bạn tìm thấy chiếc kính nằm trên máy sấy khô.

Câu chuyện của Noah chỉ là một ví dụ về cách trẻ nhỏ sử dụng những chiến lược thu thập thông tin quý giá chúng có từ trước để có được hiểu biết mà khi mới sinh ra chúng chưa có. Chúng ta cũng có thể nhận thấy điều đó khi bỗng nhiên những chiếc tách biến mất và rồi bạn nổi giận.

Emily bé nhỏ, trước khi được 18 tháng tuổi, vẫn tin rằng nếu một vật bị che khuất khỏi tầm nhìn thì có nghĩa là nó đã biến mất. Cô bé không biết được khái niệm “sự tồn tại của vật thể”. Điều đó sắp thay đổi. Emily đang chơi đùa với một cái khản lau và một chiếc tách. Cô bé trùm chiếc khăn lên cái tách và rồi dừng lại trong giây lát, nhíu mày lo âu. Từ từ, cô bé giở khăn ra khỏi chiếc tách. Chiếc tách vẫn còn đó! Cô bé nhìn chằm chằm một lúc, sau đó nhanh chóng lấy cái khăn đậy lại. Ba mươi giây trôi qua trước khi cồ bé ngập ngừng đưa tay chạm vào chiếc khăn. Lặp lại thí nghiệm, cô chầm chậm nhấc chiếc khăn ra. Cái tách vẫn còn đó! Cô bé hét lên đầy sung sướng. Giờ đây mọi chuyện diễn ra thật nhanh chóng. Cô bé liên tục đậy lại và lật khăn ra khỏi chiếc tách, mỗi lần như thế cô bé lại phá lên cười. Emily vừa mới khám phá ra rằng chiếc tách có sự tồn tại: Dù được đưa ra khỏi tầm nhìn, nó vẫn không biến mất. Cô bé sẽ lặp lại thí nghiệm này trong hơn nửa tiếng đồng hồ. Nếu bạn đã từng bỏ ra thời gian ở bên một đứa trẻ 18 tháng tuổi, bạn biết rằng việc khiến cho một đứa trẻ tập trung vào điều gì đó trong 30 phút là một điều kỳ diệu. Điều đó đang xảy ra và với những đứa trẻ ở độ tuổi này trên khắp thế giới.

Dù điều này nghe có vẻ như một dạng của trò chơi thú vị “ú òa”, nó thật sự là một thí nghiệm mà sự thất bại của nó có hậu quả tiến hóa kinh người. Sự tồn tại của vật thể là một khái niệm quan trọng cần phải biết đến nếu bạn sống trong xavan. Chẳng hạn, những con hổ răng sắc vẫn tồn tại và thậm chí bất thình lình lẩn vào đám cỏ cao. Những ai không hiểu biết điều này thường trở thành thức ản cho một số loài dã thú.

Kiểm nghiệm cả chính bạn

Khoảng cách giữa 14 tháng tuổi và 18 tháng tuổi thật khác nhau. Đó là lúc trẻ em bắt đầu biết rằng mọi người có khát vọng và sở thích khác với chúng. Ban đầu, chúng không có suy nghĩ này. Chúng cho rằng nếu chúng thích thứ gì, cả thế giới cũng sẽ thích thứ đó. Đây có thể là nguồn gốc của “tín ngưỡng của trẻ sơ sinh”, hay tôi thường thích gọi là “Bảy nguyên tắc quản lý theo quan điểm của một đứa trẻ”:

      Nếu tôi muốn, nó sẽ là của tôi.

      Nếu tôi tặng nó cho bạn và sau đó lại thay đổi quyết định, nó sẽ là của tôi.

      Nếu tôi có thể lấy lại nó từ bạn, nó là của tôi.

      Nếu chúng ta đang cùng “xây dựng” một cái gì đó, tất cả các mảnh ghép đều là của tôi.

      Nếu nó giống như đồ của tôi, thì nó là của tôi.

      Nếu nó là của tôi, dù thế nào nó cũng sẽ không bao giờ thuộc về bất kỳ ai khác.

      Nếu nó thuộc về bạn, nó cũng là của tôi.

Khi được 18 tháng tuổi, bọn trẻ sẽ bắt đầu nhận thấy quan điểm này không phải luôn luôn đúng. Chúng bắt đầu học được câu châm ngôn đó, cũng như hầu hết các cặp mới cưới phải học lại, như học đánh bài tây: “Điều gì hiển nhiên với bạn thì sẽ rõ ràng với bạn.”

Bọn trẻ phản ứng như thế nào với thông tin mới đó? Bằng cách kiểm nghiệm nó như thường lệ. Trước khi hai tuổi, bọn trẻ làm nhiều việc bố mẹ không thích chúng làm. Nhưng sau hai tuổi, bọn nhỏ sẽ làm nhiều việc bởi  bố mẹ không muốn chúng làm. Các thiên thần nhỏ ngoan ngoãn dường như biến thành những bạo chúa nhỏ thích nổi loạn. Nhiều phụ huynh cho rằng, trong giai đoạn này, con cái thường thách thức họ. (Suy nghĩ hiển nhiên từng xuất hiện trong đầu tôi khi tôi chăm sóc cho Joshua không may bị ong chích). Tuy nhiên, đó sẽ là sự nhầm lẫn. Giai đoạn này đơn thuần chỉ là sự mở rộng một cách tự nhiên của một chương trình nghiên cứu phức tạp đã bắt đầu ngay từ khi đứa trẻ chào đời.

Bạn đưa ra những ranh giới trong sở thích của mọi người, rồi lùi lại và quan sát phản ứng của họ. Sau đó, bạn lặp lại thí nghiệm, đẩy họ đến giới hạn của chính mình hết lần này đến lần khác để kiểm nghiệm độ bền vững của những phát hiện, như thể bạn đang chơi trò ú òa. Dần dần, bạn bắt đầu nhận thức được về độ dài và chiều cao cùng bề ngang của ước vọng của mọi người, cũng như sự khác biệt giữa họ và bạn.

Tiếp đó, hãy chắc chắn là những ranh giới vẫn ở nguyên chỗ cũ, thỉnh thoảng bạn tiến hành lại toàn bộ thí nghiệm xem sao.

Bọn trẻ có thể không hoàn toàn hiểu hết về thế giới của chúng, tuy nhiên chúng biết mọi cách thức để đạt được sự hiểu biết đó. Điều đó làm tôi nhớ lại một câu cách ngôn của người Trung Hoa: “Bắt cho tôi một con cá và tôi sẽ ăn nó trong một ngày; dạy tôi cách câu cá và tôi sẽ ăn cá suốt đời.”

Khỉ nhìn thấy, khỉ hành động

Tại sao một đứa bé lại thè lưỡi lại với bạn? Những khởi đầu của một bản đồ chỉ dẫn thần kinh được vẽ ra vài năm trước, ít ra để dành cho những hành vi suy nghĩ “đơn giản hơn”, như sự bắt chước chẳng hạn. Ba nhà nghiên cứu của trường Đại học Parma đang nghiên cứu về loài khỉ, đánh giá hoạt động của não khi loài này chạm đến những vật thể khác nhau trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu ghi lại mẫu phản ứng thần kinh khi một chú khỉ nhặt lên một trái nho khô. Một ngày kia, nhà nghiên cứu Leonardo Fogassi (giáo sư khoa Tâm lý học con người) bước vào phòng thí nghiệm và như thường lệ nhón một trái nho khô trong bát. Bỗng nhiên, não của chú khỉ bắt đầu kích động mạnh mẽ. Những ghi nhận về kiểu mẫu cụ thể – nho khô: như thể con thú vừanhặt lấy trái nho khô. Tuy nhiên, chú khỉ không lấy trái nho khô, nó chỉ đơn thuần nhìn thấy Fogassi thực hiện việc đó.

Các nhà nghiên cứu nhanh chóng mô phỏng và mở rộng những phát hiện của mình, sau đó công bố trong một tuyển tập gồm những bài viết mô tả sự tồn tại của “những nơ-ron phản chiếu”. Các nơ-ron phản chiếu là những tế bào có hành động phản chiếu môi trường xung quanh chúng. Những gợi ý có thể suy ra các phản ứng thần kinh phản chiếu được coi là đặc biệt tinh tế. Nếu một động vật linh trưởng nghe thấy âm thanh từ hành động của một ai đó mà nó đã từng trải nghiệm trước đây – có thể là xé một mẩu giấy – những nơ-ron này có thể được kích hoạt khi chú khỉ đang trải nghiệm toàn bộ các kích thích. Không mất nhiều thời gian để các nhà nghiên cứu nhận diện được các nơ-ron phản chiếu của con người. Các nơ-ron này được phân bố rải rác khắp não và một tập hợp con của chúng tham gia vào nhận diện hành động – hành vi bắt chước cổ điển như khi bọn trẻ thè lưỡi. Các nơ-ron khác phản chiếu các hành vi vận động khác nhau.

Từ một chuỗi ý tưởng tự điều chỉnh ngày càng tăng, chúng ta cũng bắt đầu hiểu được những vùng nào của não có liên quan đến khả năng học tập. Chúng ta dùng vỏ não trước trán để dự đoán sai lầm và đánh giá thông tin đầu vào về các sai lầm trong quá khứ. vỏ não vùng đai, nằm phía nam vỏ não trước trán, gửi tín hiệu cho chúng ta khi nhận thấy những tình huống không thuận lợi đòi hỏi sự thay đổi trong hành vi. Mỗi năm, bộ não ngày càng tiết lộ nhiều bí mật, dưới sự dẫn dắt của những đứa trẻ.

Cuộc hành trình suốt đời

Chúng ta không phát triển nhanh hơn cơn khát hiểu biết, một thực tế đã làm tôi luôn nhớ đến gia đình khi đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Washington. Năm 1992, Edmond Fischer cùng Edwin Krebs nhận giải Nobel về vật lý và y học. Tôi có cơ hội được làm quen với cả công trình nghiên cứu lẫn nơi làm việc của họ. Phòng làm việc của họ ngay ở đầu kia hành lang so với phòng làm việc của tôi. Khi tôi đến công tác ở đây, họ khoảng trên 70 tuổi. Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi gặp họ là họ vẫn chưa nghỉ hưu. Cả cơ thể lẫn trí tuệ. Một thời gian dài sau khi họ có quyền tự do canh tác trên cánh đồng khoa học, cả hai đều tự do sử dụng những phòng thí nghiệm tân tiến và năng suất cao. Hàng ngày, tôi nhìn họ đi dọc hành lang, không để ý đến những người khác và trò chuyện với nhau về một phát hiện mới nào đó, trao đổi nhật ký công việc cho nhau, chăm chú lắng nghe những ý tưởng của nhau. Đôi khi có người đi cùng họ, làm phiền họ, hoặc ngược lại, bị tra tấn về kết quả thí nghiệm nào đó. Họ sáng tạo như những nghệ sĩ, sáng suốt như Solomon126, hoạt bát như những đứa trẻ. Họ không mất mát gì cả. Bộ máy trí tuệ của họ vẫn tồn tại và sự tò mò đã duy trì nguồn nhiên liệu cho những bộ máy ấy. Sở dĩ được như vậy là nhờ khả năng học tập của chúng ta không bắt buộc phải thay đổi khi chúng ta già đi. Chúng ta có thể là những người học tập suốt đời.

Có thể có áp lực tiến hóa mạnh mẽ trong việc duy trì những chiến lược này. Khả năng giải quyết vấn đề rất được ưa chuộng trong môi trường kém bền vững của Serenget, nhưng không phải là bất kỳ khả năng giải quyết vấn đề nào. Khi chúng ta từ trên cây tụt xuống các xavan, chúng ta không tự nhủ: “Lạy Chúa lòng lành, hãy ban cho con một cuốn sách, một bài thuyết trình cùng một ban giám đốc để con có thể bỏ ra 10 năm học hỏi cách sinh tồn ở nơi này”. Sự tồn tại của chúng ta không phụ thuộc vào việc tiếp xúc với những gói thông tin có tổ chức, được lên kế hoạch từ trước. Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào những kinh nghiệm thu thập thông tin hỗn độn, có tác động ngược lại. Đó là lý do tại sao một trong những đặc tính tốt nhất của chúng ta là khả năng học tập thông qua một chuỗi ý tưởng tự điều chỉnh ngày càng tăng. “Con rắn đỏ sọc trắng đã cắn tôi hôm qua và tôi suýt chết” là sự quan sát chúng ta đã thực hiện. Sau đó, chúng ta tiến một bước xa hơn: “Tôi đặt giả thuyết rằng nếu mình chạm trán với con rắn đó, điều tương tự sẽ lại xảy ra!” Đó là một kiểu học tập mang tính khoa học mà chúng ta đã thật sự khám phá được trong hàng triệu năm. Không thể làm được việc này trong bảy đến tám thập kỷ ngắn ngủi và thầm lặng mà chúng ta có mặt trên hành tinh này.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số khu vực trong não người lớn cũng dễ uốn nắn như trong não trẻ nhỏ, vì thế chúng ta có thể tạo ra những kết nối mới, củng cố những kết nối sẵn có và thậm chí tạo ra được những nơ-ron mới, cho phép tất cả chúng ta đều trở thành người có khả năng học tập suốt đời. Chúng ta đã luôn không suy nghĩ như vậy. Mãi cho đến năm hay sáu năm trước, chúng ta mới phổ biến ý niệm việc chúng ta sinh ra ngay từ đầu và những tế bào này nhanh chóng mòn đi trong hành trình gian khổ xuyên suốt thời trưởng thành cho đến khi về già. Cùng với tuổi tác, chúng ta mất đi những kết nối tiếp hợp (con số ước tính về sự mất mát thần kinh là gần 30.000 nơ-ron mỗi ngày). Tuy nhiên, bộ não người lớn vẫn tiếp tục tạo ra các nơ-ron trong các vùng não thường liên quan đến việc học hỏi. Những nơ-ron mới này có cùng độ mềm dẻo như các nơ-ron của trẻ sơ sinh. Bộ não người lớn suốt đời duy trì khả năng tự thay đổi cấu trúc và chức năng để phản ứng lại trải nghiệm.

Chúng ta còn có thể tiếp tục khám phá thế giới khi đã luống tuổi? Tôi gần như có thể nghe thấy tiếng của Krebs và Fischer: “À, chuyển. Câu hỏi tiếp theo.” Dĩ nhiên, khi đã già đi, chúng ta không luôn nhận thấy mình đang ở trong môi trường khuyến khích sự tò mò. Tôi may mắn có một nghề nghiệp cho tôi quyền tự do lựa chọn những dự án của riêng mình. Trước đó, tôi may mắn vì đã có mẹ tôi.

Từ khủng long đến thuyết vô thần

Tôi còn nhớ, khi 3 tuổi, tôi đột nhiên rất say mê khủng long. Tôi không biết rằng mẹ tôi đã trông chờ điều đó.

Ngày hôm đó, ngôi nhà bắt đầu tự thay đổi thành mọi thứ như trong kỷ Jura, kỷ Triat và kỷ Creta. Những bức hình khủng long được treo lên tường. Tôi có thể bắt đầu tìm kiếm những cuốn sách về khủng long nằm rải rác trên sàn nhà và ghế bành. Mẹ tôi cũng sẽ làm bữa tối như “thức ăn khủng long” và chúng tôi sẽ bò lăn ra cười khi thử giả tiếng khủng long. Rồi đột nhiên, tôi mất hứng thú với khủng long vì một số bạn học bắt đầu say mê tàu vũ trụ, tên lửa, cùng dải ngân hà. Thật kỳ lạ, mẹ tôi cũng đang chờ đợi. Ngay khi ý thích của tôi thay đổi, ngôi nhà bắt đầu biến đổi từ những con khủng long lớn thành vụ nổ Big Bang. Những tấm tranh ảnh các loài bò sát được tháo xuống, thay vào đó là những bức hình các hành tinh. Tôi thấy những bức hình vệ tinh được treo cả trong phòng tắm. Mẹ tôi thậm chí còn lấy ra “những đồng tiền vũ trụ” từ những túi khoai tây chiên, và cuối cùng tôi gom chúng lại và cho vào trong sách sưu tập.

Điều này lặp đi lặp lại trong thời thơ ấu của tôi. Tôi say mê thần thoại Hy Lạp và mẹ tôi đã biến ngôi nhà thành đỉnh Olympus. Nếu tôi trở nên hứng thú với hình học, ngôi nhà sẽ biến thành ơ-clit và sau đó là các khối lập thể. Những hòn đá, máy bay. Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi, tôi đã có thể tự tay biến đổi ngôi nhà của chính mình.

Một hôm, khi tôi khoảng 14 tuổi, tôi tuyên bố với mẹ rằng tôi là một người vô thần. Mẹ tôi là người nhiệt tâm theo đạo và tôi cho rằng thông báo này sẽ làm mất lòng bà. Thay vào đó, mẹ tôi đã nói: “Hay đấy, con yêu ạ.” Cứ như thể tôi vừa mới tuyên bố tôi không còn thích bánh khoai tây rán nữa. Ngày hôm sau, bà bảo tôi ngồi tại bàn bếp, có một gói bọc kín đặt trên đùi bà.

Bà bình tĩnh nói: “Vậy, mẹ nghe nói con là một người vô thần. Đúng không?” Tôi gật đầu đồng tình và bà mỉm cười. Bà đặt cái gói vào tay tôi: “Tên tác giả là Friedrich Nietzsche, và nhan đề cuốn sách là Twilight of the Idols (Thời kỳ thoái trào của thần thánh), bà nói. “Nếu con định làm một người vô thần, hãy làm người vô thần tuyệt vời nhất. Mẹ mong con sẽ thích cuốn sách này!”

Tôi choáng váng. Tuy nhiên, tôi hiểu được một thông điệp mạnh mẽ: Bản thân sự hiếu kỳ là một điều quan trọng nhất và quan trọng là tôi đã hứng thú với điều gì. Trong tôi, chưa bao giờ ngọn lửa tò mò này tắt lịm.

Hầu hết các nhà tâm lý học phát triển đều tin rằng nhu cầu hiểu biết của một đứa trẻ là khuynh hướng thuần khiết như kim cương và kém linh động như sô-cô-la. Mặc dù không có một định nghĩa nào về sự tò mò được chấp nhận trong khoa học thần kinh nhận thức, tôi cũng không thể đồng tình với họ. Tôi thật sự tin rằng nếu lũ trẻ có thể duy trì tính tò mò, chúng sẽ tiếp tục áp dụng khuynh hướng tự nhiên để phát hiện và khám phá cho đến 101 tuổi. Đây là một điều mà mẹ tôi dường như đã biết được, theo bản năng của bà.

Với các em nhỏ, phát hiện mang đến niềm vui. Như một thứ thuốc gây nghiện, sự khám phá tạo nên nhu cầu được phát hiện nhiều hơn, để được vui hơn nữa. Đó là hệ thống phần thưởng trực tiếp, nếu được phát triển, nó sẽ tiếp diễn trong những năm học tiếp theo. Khi bọn trẻ lớn thêm, chúng thấy rằng học tập không chỉ mang lại niềm vui mà còn mang đến cho chúng khả năng làm chủ. Sự thành thạo trong các môn học cụ thể nuôi dưỡng sự tự tin để chấp nhận những rủi ro về trí tuệ. Nếu những đứa trẻ này không kết thúc cuộc đời trong phòng cấp cứu, chúng sẽ kết thúc cuộc đời chúng với một giải Nobel.

Tôi tin là có thể phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn này, gây cảm hứng cho cả quá trình lẫn đứa trẻ. Thí dụ, khi vào lớp một, bọn trẻ học được rằng giáo dục đồng nghĩa với điểm A. Chúng bắt đầu hiểu được mình có thể thu được kiến thức không chỉ vì kiến thức đó thú vị mà còn vì nó có thể đem đến cho chúng một điều gì đó. Niềm say mê có thể trở thành nhân tố thứ hai với “Tôi cần biết điều gì để đạt được điểm số đó?” Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng bản năng tò mò rất mãnh liệt khiến một số người vượt qua được dư luận xã hội để đi đến giấc ngủ về mặt trí óc, và họ vẫn thành công như thường.

Ông tôi là một trong số những người đó. ông sinh ra vào năm 1892 và sống đến 101 tuổi. Ông nói được tám thứ tiếng, gặp được vô số cơ may và vẫn sống ở nhà (tự cắt cỏ) cho đến 100 tuổi, sôi nổi như một ngòi pháo cho đến cuối đời. Tại bữa tiệc mừng thọ ông 100 tuổi, ông đã kéo riêng tôi ra: “Cháu biết đấy, Juanito” – ông nói, hắng giọng – “Có đến 66 năm cách biệt giữa sự ra đời máy bay của anh em nhà Wright127 với Neil Armstrong128 và mặt trăng”.

ông lắc đầu, tự hỏi: “Tôi ra đời cùng ngựa và xe độc mã. Tôi chết đi với tàu con thoi. Thứ quái gì thế nhỉ?” Mắt ông long lanh. “Ta đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa!”

Và ông mất một năm sau đó.

Tôi nhớ đến ông rất nhiều khi tôi suy nghĩ về sự khám phá. Tôi nghĩ tới mẹ tôi cùng những căn phòng luôn thay đổi một cách kỳ diệu. Tôi nghĩ tới con trai út của tôi đang thử nghiệm với cái lưỡi của mình, cũng như động lực thôi thúc không thể kiểm soát được của đứa con trai đầu dẫn đến việc nó bị ong đốt. Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta nên làm tốt việc kích khích tính tò mò suốt đời, tại nơi làm việc và đặc biệt là trong các trường học của chúng ta.

Những ý tưởng

Google nắm giữ trong tay quyền năng khám phá. Trong 20% thời gian của mình, các nhân viên sẽ đi đến những nơi bộ não họ yêu cầu. Bằng chứng nằm trong điểm mấu chốt: Tất cả 50% các sản phẩm mới, bao gồm Gmail và Google News, đều đến từ “20% thời gian” đó. Làm thế nào chúng ta có thể có được sự tự do đó trong các lớp học? Một số người đã cố gắng trang bị cho khuynh hướng khám phá tự nhiên của chúng ta bằng cách sử dụng những mô hình học tập “dựa trên vấn đề” và “dựa trên phát minh”. Những mô hình này đều được ủng hộ lẫn bị chỉ trích mạnh mẽ. Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng, cuộc tranh luận này thiếu các kết quả thực nghiệm có tính quyết định để chỉ ra ảnh hưởng lâu dài của những mô hình này. Tôi sẽ đi xa hơn và tranh luận rằng, điều còn thiếu đó là một phòng thí nghiệm đời sống thực tế để các nhà khoa học trí não và các nhà khoa học giáo dục tiến hành điều tra nghiên cứu trên cơ sở lâu dài, thường nhật. Tôi rất thích được mô tả về nơi dành cho loại nghiên cứu này.

Phân tích thành công của các trường y Đầu thế kỷ XX, John Dewey129 lập ra một trường thực nghiệm tại đại học Chicago, một phần vì ông cho rằng học tập nên được kiểm nghiệm trong hoàn cảnh thực tế. Dù những trường học đó không được ưa chuộng vào giữa những năm 60, có lẽ với những nguyên nhân hợp lý. Thế kỷ XXI cần có một phiên bản mới, vì vậy chúng ta cùng xem xét một trong những mô hình giáo dục thành công nhất hồi đó – một trường đại học y khoa. Khi William H. Payne (cựu chuyên gia máy tính trong phòng thí nghiệm vũ khí nguyên tử), đồng nghiệp của Dewey nói: “Tâm lý học, trên thực tế, có cùng mối liên hệ với việc giảng dạy, giống như khoa giải phẫu đối với y học.” Điều đó vẫn đúng, mặc dù tôi sẽ thay “tâm lý học” bằng “khoa học trí não”.

Mô hình trường y tuyệt vời nhất gồm ba thành phần: một bệnh viện giảng dạy, một đội ngũ cán bộ làm việc tại bệnh viên cũng như giảng dạy trên giảng đường, và các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Đó là cách thức đặc biệt thành công để cư xử với con người. Đó cũng là cách đặc biệt thành công để truyền thông tin phức tạp từ não người này đến não người khác. Tôi thường thấy những thanh niên phi khoa học nhưng sáng dạ được nhận vào trường y, và sau đó, trong bốn năm, họ trở thành những thầy thuốc thiên tài và những nhà khoa học xuất sắc.

Tại sao bạn cùng lúc vừa khỏe mạnh lại vừa được đào tạo tốt? Tôi bị thuyết phục rằng đó là do cấu trúc.

1. Luôn tiếp xúc với thực tế Bằng cách kết hợp học tập bằng sách truyền thống với bệnh viện giảng dạy, sinh viên có tầm nhìn khoáng đạt về những gì họ đang thực hiện trong khi họ đang trải nghiệm . Hầu hết các sinh viên y khoa đi qua bệnh viện trên đường tới lớp hàng ngày khi còn đang theo học.

Họ thường xuyên đối mặt với chính nguyên nhân họ chọn trường y làm trường đầu tiên. Vào năm thứ ba, hầu hết các sinh viên chỉ ở trong lớp một nửa thời gian. Họ dành một nửa còn lại học tập trong bệnh viện giảng dạy hay trong bệnh viện thực hành liên kết. Tiếp theo là thời kỳ thực tập để có nhiều trải nghiệm thực tế hơn.

2. Luôn tiếp xúc với người làm việc trong thực tế Các sinh viên y được những người thật sự làm công việc mà họ giảng dạy như một “nghề chính”. Trong nhiều năm gần đây, những người này không chỉ thực hành công việc của các bác sĩ y khoa mà còn thực hành công việc của các nhà nghiên cứu y khoa, tham gia vào các dự án có liên quan với sự mời gọi của các bệnh viện thực hành nổi tiếng.

3. Luôn tiếp xúc với các chương trình nghiên cứu thực nghiệm Đây là một kinh nghiệm điển hình: Giáo sư bệnh viện thực nghiệm đang giảng dạy cách bố trí một lớp học truyền thống và đưa đến một bệnh nhân để minh họa cho một số luận điểm của ông. VỊ giáo sư thông báo: “Đây là một bệnh nhân. Hãy chú ý anh ta mắc bệnh X với các triệu chứng A, B, c và D”. Sau đó, ông bắt đầu giảng về cấu trúc sinh học của bệnh X. Khi tất cả mọi người ghi chép, một sinh viên y thông minh giơ tay và hỏi: “Em nhận thấy các triệu chứng A, B, và c. Thế còn các triệu chứng E, F và G?” Vị giáo sư tỏ ra buồn phiền (hay kích động) và đáp lại: “Chúng ta không biết về các triệu chứng E, F và G”. Bạn có thể nghe tiếng rơi của một chiếc đinh ghim trong khoảnh khắc này và những giọng nói thiếu kiên nhẫn thì thầm trong đầu các sinh viên, gần như có thể nghe được: “À, hãy cùng tìm hiểu thôi!” Đây là lời mở đầu cho hầu hết các ý tưởng nghiên cứu vĩ đại về y học của loài người.

Đó thật sự là phép màu cho khám phá. Nhờ việc đặt nhu cầu từ thực tế bên cạnh việc học tập bằng sách truyền thống, một chương trình nghiên cứu đã ra đời. Xu hướng này quá mạnh mẽ đến nỗi bạn phải thận trọng khi loại bỏ thảo luận để ngăn các ý tưởng được hình thành. Hầu hết các chương trình đều lựa chọn không bỏ đi cuộc thảo luận như thế. Kết quả là, hầu hết các trường y của Mỹ sở hữu những đội ngũ nghiên cứu hùng mạnh nhất.

Mô hình này đem đến cho sinh viên tầm nhìn phong phú về lĩnh vực y học. Họ không chỉ được những người tham gia vào công việc chữa bệnh hàng ngày giảng dạy, mà còn được tiếp xúc với người được đào tạo để suy nghĩ về tương lai của y học. Những nhà khoa học này đại diện cho những bộ óc mẫn tiệp nhất của quốc gia. Mô hình này cung cấp một công cụ tự nhiên nhất và duy nhất cho bản năng khám phá của loài người.

Một trường đại học giáo dục nghiên cứu về não

Tôi hình dung ra một trường đại học giáo dục, nơi tất cả chương trình học đều nói về sự phát triển của não. Ngôi trường này được chia làm ba phần, cũng như trường y. Nó có các lớp học truyền thống. Đó là một ngôi trường cộng đồng, được bố trí và vận hành bởi ba loại cán bộ: cán bộ giáo dục truyền thống, các giáo viên có bằng cấp giảng dạy sinh viên, và các nhà khoa học trí não. Nhóm cuối cùng giảng dạy trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu, cống hiến cho một mục đích duy nhất: điều tra nghiên cứu cách thức não con người học tập trong các môi trường học tập khác nhau, sau đó tích cực kiểm chứng những ý tưởng giả định trong các tình huống của lớp học thực tế.

Sinh viên sẽ nhận bằng Cử nhân Khoa học Giáo dục. Nhà giáo dục tương lai được truyền thụ kiến thức sâu rộng về cách thức não người thu nhận thông tin. Các môn học dàn trải từ giải phẫu cấu trúc bộ não cho đến tâm lý học, từ sinh học phân tử cho đến những phát hiện mới nhất trong khoa học thần kinh nhận thức. Tuy nhiên, đấy chỉ là chương trình cho năm đầu. Sang năm tiếp theo, sinh viên bắt đầu tích cực tham gia vào cuộc sống của trường thực nghiệm.

Một học kỳ có thể chỉ dành để khám phá sự phát triển trong bộ não thanh thiếu niên. Sinh viên thực tập sẽ tham gia vào việc trợ giúp trường cấp hai và cấp ba. Một học kỳ khác có thể sẽ dành cho những bệnh lý học hành vi như thiếu tập trung, rối loạn hiếu động, và sinh viên sẽ trợ giúp một lớp giáo dục đặc biệt. Một khóa học khác sẽ dành riêng để nói về những ảnh hưởng của đời sống gia đình đến khả năng học tập của con người. Sinh viên tham dự những buổi họp mặt gặp gỡ phụ huynh và quan sát các cuộc hội thảo của hội phụ huynh – giáo viên. Trong mối tương tác hai chiều này, sự thông hiểu của các nhà nghiên cứu và của những thực tập sinh có cơ hội thẩm thấu vào môi trường trí tuệ đang tiến triển. Mô hình tạo ra một chương trình nghiên cứu, phát triển chiến lược và áp dụng xu thế vô cùng mạnh mẽ. Thực tập sinh được nâng lên vai trò đồng nghiệp, đối tác tích cực trong việc hình thành định hướng nghiên cứu, thậm chí nâng cao vai trò nhà nghiên cứu để giúp thực tập sinh hình thành nên những nỗ lực cụ thể.

Mô hình này tôn vinh nhu cầu khám phá ngày càng tăng lên của chúng ta. Nó đào tạo những giáo viên hiểu biết về sự phát triển của bộ não. Đó cũng là nơi tiến hành nghiên cứu thực tế, đang là nhu cầu nhức nhối để tìm ra cách thức, hay chính xác hơn là những quy luật trí não nào nên được áp dụng vào cuộc sống của chúng ta. Mô hình này cũng có thể áp dụng ở các trường khác. Ví dụ, một trường thương mại giảng dạy cách thức điều hành doanh nghiệp nhỏ có thể điều hành một doanh nghiệp thật sự, như một phần trong đời sống và hoạt động học tập và nghiên cứu của nó.

Cảm giác băn khoăn

Nếu bạn có thể lùi lại vào thời các trường đại học kiểu phương Tây thật sự đầu tiên như Đại học Bologna và ghé thăm các phòng thí nghiệm sinh học của nó, bạn sẽ cười phá lên. Tôi cũng đồng tình với bạn. Theo tiêu chuẩn ngày nay, khoa học sinh lý vào thế kỷ XI như một trò đùa, một sự pha trộn kỳ lạ giữa ảnh hưởng của môn chiêm tinh học, các lực lượng tôn giáo, các động vật chết và sự pha chế hóa học bốc mùi kinh khủng, trong số đó có một số chất khá độc hại.

Tuy nhiên, nếu bạn đi xuống sảnh lớn và nhìn lén vào phòng học tiêu chuẩn của Bologna, bạn sẽ không có cảm giác rằng mình đang ở một viện bảo tàng.

Bạn sẽ cảm thấy như ở nhà. Có một bục giảng dành cho giáo viên diễn thuyết, bao quanh là những ghế ngồi để sinh viên tiếp thu kiến thức. Ngoại trừ một hay hai máy chiếu, nó khá giống lớp học ngày nay.

Liệu đã đến lúc phải thay đổi?

Các con trai tôi hầu hết sẽ nói có. Chúng và mẹ tôi có thể là những giáo viên tuyệt vời nhất mà tôi từng có.

Con trai Noah 2 tuổi của tôi và tôi từng đi bộ trên đường đến trường mẫu giáo và thằng bé đột nhiên nhận thấy một một viên đá cuội sáng lấp lánh gắn trong tường bê-tông. Thằng bé dừng bước, cân nhắc trong giây lát, nhận thấy điều đó hoàn toàn thú vị và bật cười. Nó quan sát cái cây nhỏ cách đó một chút, một cái cây dại mạnh mẽ đâm xuyên qua kẽ hở của nhựa trải đường. Thằng bé nhẹ nhàng chạm vào nó và rồi cười ré lên. Noah nhận thấy phía bên kia cây là một đội quân kiến đang diễu hành thành một hàng, thằng bé quỳ xuống để quan sát gần hơn. Những con kiến đang vác một con bọ đã chết và Noah vỗ tay ngạc nhiên. Có những hạt bụi, chiếc đinh vít hoen gỉ và một vết dầu lấp lánh. 15 phút trôi qua và chúng tôi mới chỉ đi được dăm mét. Tôi cố kéo thằng bé đi, cố cư xử như một người lớn có kế hoạch.

Thằng bé không hề phản ứng. Thế rồi tôi dừng lại, quan sát người thầy giáo bé nhỏ của mình, rồi tự hỏi đã bao lâu rồi tôi không mất tới 15 phút để đi bộ dảm mét.

Quy luật trí não lớn nhất trong tất cả các quy luật là một cái gì đó mà tôi không thể chứng minh hay mô tả rõ đặc điểm, nhưng tôi đặt trọn niềm tin vào nó. Khi con trai tôi cố gắng nói với tôi, đó chính là tầm quan trọng của trí tò mò.

Vì lợi ích của thằng bé và của cả chúng ta, tôi ước mong những lớp học và các doanh nghiệp được thiết kế một cách có trí tuệ. Nếu chúng ta bắt đầu lại từ đầu, tính tò mò sẽ là phần sống còn của cả nhóm phá hủy lẫn nhóm xây dựng lại. Tôi hy vọng ở đây có sự liên quan, và tôi thích cả hai nhóm.

Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc vị giáo sư bé nhỏ này dạy cho bố mình biết thế nào là một học sinh đúng nghĩa. Tôi rất biết ơn và cảm thấy đôi chút ngượng nghịu. Sau 47 năm, cuối cùng tôi đang học cách đi bộ dưới phố.

Tóm lược Quy luật # 12

CHÚNG TA  NHỮNG NHÀ THÁM HIỂM MẠNH MẼ VÀ TỰ NHIÊN

      Trẻ nhỏ   hình của cách thức  chúng ta học tập – không phải bằng phản ứng thụ động với môi trường  bằng cách tích cực thử nghiệm thông qua sự quan sátđặt ra giả thuyếtthí nghiệm  rút ra kết luận.

      Những phần cụ thể của não thừa nhận cách tiếp cận khoa học nàyVỏ não trước trán bên phải tìm kiếm các sai sót trong giả thuyết của chúng ta (“Hổ răng sắc không phải  hại”)  khu vực tiếp giáp khuyên chúng ta thay đổi hành vi (“Chạy đi!”)

      Chúng ta  thể nhận biết  bắt chước hành vi nhờ các “ron phản chiếu” phân bố rải rác khắp não.

      Một số phần trong não người lớn dễ uốn nắn như não của trẻ nhỏ vậychúng ta  thể tạo ra các ron  học những điều mới mẻ trong suốt cuộc đời của chúng ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.