Luật Trí Não
QUY LUẬT #4 SỰ CHĂM CHÚ
Chúng ta không chú ý đến những điều nhàm chán
Lúc đó vào khoảng 3 giờ sáng, tôi giật mình tỉnh giấc vì ánh đèn quét ngang tường phòng khách. Dưới ánh trăng, tôi có thể nhìn thấy thân hình cao 1,8m của một người đàn ông mặc áo choàng, một tay cầm đèn pin và đang lục soát trong nhà của chúng tôi. Tay kia của hắn ta cầm một thứ gì đó bằng kim loại, lóe lên ánh sáng bạc. Bộ não đang buồn ngủ của tôi ngay tức khắc bị đánh thức một cách thô bạo. Nó cảnh báo cho tôi biết rằng, nhà tôi sắp bị một gã trẻ tuổi hơn, to lớn hơn tôi và có súng trong tay ăn trộm. Tim tôi đập mạnh, đầu gối run lẩy bẩy, tôi run rầy với lấy điện thoại gọi cho cảnh sát, rồi bật đèn, đi đến canh gác bên ngoài phòng của bọn trẻ và cầu nguyện. Thật kỳ diệu, một xe cảnh sát đã ở ngay gần đó và bấm còi chỉ một phút sau khi tôi gọi điện. Tất cả diễn biến quá nhanh khiến kẻ chuẩn bị tấn công nhà tôi phải chạy trốn, bỏ lại chiếc xe của hẳn trên đường, động cơ xe vẫn đang hoạt động. Hắn ta nhanh chóng bị bắt.
Trải nghiệm đó chỉ kéo dài 45 giây, nhưng mọi chi tiết của nó mãi in sâu trong trí nhớ tôi, từ đường nét chiếc áo khoác của gã thanh niên cho đến hình dạng khẩu súng.
Nếu chúng ta tập trung chú ý thì việc học tập có tốt hơn không? Câu trả lời thật ngắn gọn: Bạn có thể tin chắc là có. Não tôi hoàn toàn tỉnh táo, chừng nào tôi còn sống thì tôi sẽ không quên trải nghiệm đó. Bộ não càng chú ý tới tác nhân kích thích nào đó thì thông tin được mã hóa sẽ càng chi tiết hơn – và được lưu giữ. Điều đó có liên quan đến các nhân viên, sinh viên và con cái bạn. Một mối liên hệ mạnh mẽ giữa sự chăm chú và việc học tập đã được chỉ ra trong những nghiên cứu về lớp học từ một trăm năm trước, và cả trong một nghiên cứu mới được tiến hành tuần trước. Câu chuyện vẫn nhất quán như thế: Dù bạn là một đứa trẻ chưa đến tuổi đi học đầy háo hức hay một sinh viên năm cuối đang chán ngấy, càng tập trung thì bạn sẽ càng học tốt hơn. Sự chú ý cải thiện khả năng ghi nhớ các tài liệu đọc, tính chính xác và rõ ràng trong bài viết, môn toán, môn khoa học – mọi loại hình học tập đã từng được kiểm nghiệm Vì thế tôi đặt ra câu hỏi này trong bất kỳ khóa học cao đẳng nào tôi đã từng giảng dạy: “Giả sử có một lớp học với sự hứng thú ở mức trung bình, không quá chán và cũng không quá say mê. Khi nào thì bạn bắt đầu xem đồng hồ và mong lớp học kết thúc?” Luôn có một vài người lúng túng và lo lắng, vài người mỉm cười, còn phần lớn thì im lặng. Cuối cùng một ai đó thốt lên:
“Mười phút, thưa Tiến sĩ Medina.”
“Tại sao lại là 10 phút?”, tôi hỏi.
“Đó là lúc em bắt đầu mất tập trung. Đó là khi em bắt đầu thắc mắc không biết bao giờ trò tra tấn này mới kết thúc.” Luôn có những lời bình luận đầy thất vọng, nhưng một tiết học ở bậc cao đẳng vẫn kéo dài 50 phút.
Những nghiên cứu đáng tin cậy xác nhận lại thắc mắc không chính thức của tôi: Trước khi một phần tư thời gian đầu tiên của một tiết dạy điển hình trôi qua, mọi người thường ghi tên rồi ra về. Nếu việc duy trì được sự chú ý của một ai đó đối với bài giảng được xem là một công việc kinh doanh thì sẽ có tỉ lệ 80% thất bại. Điều gì xảy ra trong khoảng 10 phút đã dẫn đến vấn đề này? Không một ai biết. Bộ não dường như lựa chọn theo một khuôn mẫu thời gian cố định nào đó, chắc chắn bị ảnh hưởng bởi cả nền văn hóa lẫn kiểu gen. Thực tế này đã đặt ra một yêu cầu đối với việc giảng dạy và kinh doanh: Tìm cách để đánh thức, và sau đó, duy trì sự chú ý của một ai đó trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng phải làm thế nào? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần khám phá vài phần phức tạp trong lĩnh vực thần kinh. Chúng ta sẽ nghiên cứu thế giới đặc biệt trong sự chú ý của con người – bao gồm những gì sẽ diễn ra trong não khi chúng ta bắt đầu chú ý đến một điều gì đó, tầm quan trọng của cảm xúc và điều hoang tưởng về sự là việc đa nhiệm.
Xin hãy chú ý?
Trong lúc bạn đang đọc đoạn văn này, hàng triệu nơ-ron giác quan trong não bạn đang hoạt động đồng thời, tất cả đều mang những thông điệp, mỗi thông điệp đều cố gắng thu hút sự chú ý của bạn. Chỉ một số là thành công trong việc thâm nhập vào nhận thức của bạn, số còn lại sẽ bị lờ đi một phần hoặc toàn bộ. Thật đáng kinh ngạc, bạn sẽ dễ dàng thay đổi được sự cân bằng này, sóng thừa nhận dễ dàng được phát tới nhiều thông điệp bạn từng bỏ qua trước đây. (Khi đang đọc câu này, bạn có thể cảm nhận được bạn đang đặt khuỷu tay ở đâu không?) Những thông điệp thu hút sự chú ý của bạn được kết nối với trí nhớ, mối quan tâm và nhận thức.
Trí nhớ
Trí nhớ ảnh hưởng sâu sắc tới những gì chúng ta chú ý. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dùng trải nghiệm trước đây để dự đoán nơi chúng ta nên chú ý đến. Môi trường khác nhau sản sinh ra những kỳ vọng khác nhau. Điều này được nhà khoa học Jared Diamond46 minh họa rõ nét trong cuốn sách Guns, Germs, and Steel (Súng, Vi trùng và Cung kiếm), ông mô tả một chuyến du hành thám hiểm xuyên qua rừng nhiệt đới cùng những người New Guinea bản xứ. ông thuật lại rằng, những người bản xứ này có khuynh hướng thực hiện kém các công việc mà người phương Tây thường được huấn luyện từ bé. Nhưng họ không hề ngu ngốc. Họ có thể phát hiện thấy những thay đổi nhỏ nhất trong rừng, họ giỏi lần theo dấu vết dã thú hoặc tìm kiếm đường về nhà. Họ biết loài côn trùng nào không nên động vào, biết nơi nào có thức ăn, họ có thể dựng lên và phá bỏ những nơi trú ẩn một cách dễ dàng. Diamond, người chưa từng sống ở những nơi như thế, không có khả năng chú ý đến điều này. Nếu ồng phải làm bài kiểm tra về các vấn đề này, ông cũng sẽ làm rất kém.
Văn hóa cũng có ảnh hưởng, ngay cả khi sinh thái học cơ thể tương tự nhau. Chẳng hạn, người châu Á sống ở thành thị rất quan tâm đến bối cảnh của một cảnh tượng mà họ nhìn thấy và mối quan hệ giữa các đồ vật xung quanh với cảnh nền. Người Mỹ thành thị thì lại khác. Họ quan tâm đến những thứ quan trọng phía trước cảnh nền, ít nhận thức về khung cảnh hơn. Những khác biệt đó có thể ảnh hưởng đến cách một người nhận thức về công việc kinh doanh hay một tiết học trên lớp.
Mối quan tâm May thay, có vài nét tương đồng giữa các nền văn hóa. Ví dụ như, từ lâu chúng ta đã biết rằng “mối quan tâm” hay “tầm quan trọng” có mối liên hệ chặt chẽ với sự chú ý. Các nhà nghiên cứu đôi khi gọi điều này là sự thức tỉnh. Mối liên hệ chính xác của nó với sự chú ý vẫn còn là điều bí ẩn. Liệu mối quan tâm có tạo nên sự chú ý? Chúng ta biết rằng bộ não không ngừng quét qua tầm nhận thức của giác quan, cùng những sự kiện luôn được đánh giá là mối quan tâm tiềm năng hay có sự quan trọng tiềm năng. Càng có nhiều sự kiện quan trọng thì sẽ càng có nhiều sự chú ý hơn. Liệu có chiều ngược lại không, liệu sự chú ý có tạo ra mối quan tâm?
Những chuyên viên marketing cũng nghĩ như vậy. Trong nhiều năm, họ đã hiểu rằng các tác nhân kích thích mới – không bình thường, khó dự đoán, hiếm có – là cách hiệu quả nhằm thu hút sự chú ý để tạo nên mối quan tâm. Một ví dụ điển hình là quảng cáo trên báo của rượu tequila Sauza Conmemorativo, một lọai rượu truyền thống có độ cồn cao của Mexico. Trong quảng cáo, đó là hình ảnh một người đàn ông đã luống tuổi, nhếch nhác, có râu, đội một chiếc mũ rộng vành và miệng cười toe toét, để lộ ra một chiếc răng độc nhất. Dòng chữ in phía trên miệng ông ta: “Người đàn ông này chỉ có một lỗ hổng.” Một dòng chữ lớn hơn nằm phía dưới ghi: “Cuộc sống thật khắc nghiệt. Rượu tequila của thì không nên như thế.” Đi ngược lại các chiến lược marketing cho rượu tequila lớn nhất bao gồm 20 “cái gì đó” mặc quần áo bó nhảy múa trong bữa tiệc, quảng cáo này có hiệu quả trong việc sử dụng sự chú ý để tạo ra mối quan tâm.
Nhận thức Tất nhiên chúng ta phải nhận thức được về một điều gì đó thu hút sự chú ý của chúng ta. Bạn có thể hình dung được khó khăn trong việc nghiên cứu một khái niệm phù du như vậy. Chúng ta không biết vị trí thần kinh của ý thức, được định nghĩa không rõ ràng như một phần của trí não nơi tồn tại sự nhận thức. (Dữ liệu chính xác nhất chỉ ra rằng có nhiều hệ thống được phân tán khắp trong não). Chúng ta cần có rất nhiều nghiên cứu nữa thì mới có thể hoàn toàn hiểu được cơ chế sinh học của sự chú ý.
Có một nhà khoa học nổi tiếng, người đã từng nghiên cứu sự nhận thức ở mức lâm sàng, đó là tiến sĩ Oliver Sacks, một nhà thần kinh học đầy nhiệt huyết và cũng là nhà văn lớn. Một trong những tình huống lý thú nhất lần đầu tiên được mô tả trong cuốn sách bán chạy của ông The Man Who Mistook His Wife for a Hat (Người đàn ông đã nhầm vợ mình với một chiếc mũ). Sacks mô tả một phụ nữ luống tuổi tuyệt vời mà ông đang chữa trị, thông minh, nói năng lưu loát với một óc hài hước bẩm sinh. Bà bị tổn thương nghiêm trọng ở khu vực phía sau não, khiến bà chịu một tổn thất bất thường nhất: Bà mất đi khả năng chú ý đến bất kỳ thứ gì ở phía bên trái của mình. Bà có thể lấy được những đồ vật nằm ở nửa bên phải tầm nhìn của bà. Bà chỉ có thể thoa son ở nửa bên phải khuôn mặt. Bà chỉ lấy được đồ ăn từ nửa bên phải đĩa. Điều này khiến bà phàn nàn với các cô y tá về khẩu phần ăn ít ỏi của mình. Chỉ khi xoay lại chiếc đĩa vào tầm nhìn bên phải thì bà mới để ý thấy và lấy được đồ ân.
Những dữ liệu như vậy rất hữu ích đối với cả các thầy thuốc lẫn các nhà khoa học. Khi một khu vực chuyên biệt của não bị tổn thương, bất kỳ sự bất thường nào về hành vi đã quan sát được đều có mối liên hệ với chức năng của khu vực đó. Nghiên cứu một vết cắt lớn ở các bệnh nhân của Sack đem đến cho các nhà khoa học quan điểm tích lũy về cách não chú ý đến mọi thứ. Não có thể bị phân cắt mạnh thành hai bán cầu não với các chức năng không cân xứng, và các bệnh nhân sẽ dễ bị thương tổn tại một trong hai bán cầu não đó. Marcel Mesulam thuộc trường Đại học Northwestern phát hiện thấy các bán cầu não chứa đựng những “chùm sáng” riêng biệt đối với sự chú ý về thị giác. Chùm sáng của bán cầu não trái nhỏ, chỉ có thể chú ý đến những vật thể nằm phía bên phải của tầm nhìn. Tuy nhiên, bán cầu não phải có một chùm sáng toàn diện. Theo Mesulam, bị thương tổn ở bán cầu não trái ít hại hơn, vì bán cầu não bên phải có thể trợ giúp đắc lực cho thị giác.
Tất nhiên, thị lực chỉ là một tác nhân kích thích mà não có thể chú ý đến. Chỉ cần để một mùi hôi bay vào phòng trong tích tắc hay gây ra một tiếng động lớn, mọi người dễ dàng nâng cao sự chú ý. Chúng ta cũng rất chú ý đến nội tâm, lật đi lật lại những sự kiện và tình cảm nội tâm với sự tập trung hoàn toàn mà không chịu sự kích thích giác quan rõ rệt từ bên ngoài. Chuyện gì sẽ diễn ra trong đầu chúng ta khi chúng ta bắt đầu để ý đến một điều gì đó?
Báo động đỏ
Ba mươi năm trước, một nhà khoa học tên là Michael Posner47 đã rút ra một giả thuyết về sự chú ý mà ngày nay vẫn được mọi người biết đến. Posner bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình trong ngành vật lý, ông tham gia Công ty lắp ráp máy bay Boeing ngay khi vừa ra trường. Đóng góp nghiên cứu lớn đầu tiên của ông là tìm ra cách làm cho tiếng ồn của động cơ phản lực ít ảnh hưởng đến hành khách bay trên các máy bay thương mại. Bạn có thể cảm ơn chuyến bay khá yên tĩnh của mình, ngay cả khi tua-bin rít lên chỉ cách màng nhĩ của bạn vài mét, một phần nhờ những nỗ lực trong nghiên cứu đầu tiên của Posner. Cuối cùng, công việc với máy bay đã khiến ông băn khoăn về cách thức não xử lý mọi thông tin. Điều này đưa ông đến học vị tiến sĩ trong nghiên cứu và đem đến cho ông một ý tưởng tuyệt vời. Đôi khi được ví đùa như một Mô hình bộ ba, Posner cho rằng chúng ta để tâm đến mọi thứ nhờ có sự hiện diện của ba hệ thống có thể tách rời nhưng hoàn toàn thống nhất bên trong não.
Một sáng chủ nhật đẹp trời, vợ tôi và tôi ngồi ngoài hiên, ngắm một con két đang uống nước trong một chiếc bát. Đột nhiên, chúng tôi nghe thấy một tiếng “sột soạt” lớn trên đầu. Khi nhìn lên, chúng tôi bắt gặp bóng một con diều hâu đuôi đỏ, sà xuống nhanh như một tia chớp từ cành cây nó đang đậu, dùng mỏ vồ lấy con két bất lực. Khi con chim ăn thịt sà xuống cách chỗ chúng tôi chưa đầy 1 mét, máu của con két nhỏ giọt xuống bàn của chúng tôi. Bắt đầu là một bữa ăn nhàn hạ nhưng lại kết thúc bằng một dấu ấn bạo lực của một hành vi tàn bạo ở thế giới thực. Chúng tôi lặng im, choáng váng.
Trong mồ hình của Posner, các chức năng của hệ thống thứ nhất ở não giống với một công việc gồm hai nhiệm vụ của một nhân viên bảo vệ viện bảo tàng: giám sát và báo động. Ông gọi nó là Mạng lưới cảnh báo hay Mạng lưới thức tỉnh. Nó theo dõi môi trường giác quan đối với bất kỳ hoạt động khác thường nào. Đây là mức độ chú ý thông thường của não chúng ta đối với thế giới, một điều kiện được gọi là Sự cảnh báo bên trong. Vợ tôi và tôi sử dụng mạng lưới này khi nhấp trà và quan sát con két. Nếu hệ thống phát hiện ra một điều gì đó bất thường, như tiếng sột soạt của con diều hâu chẳng hạn, nó có thể phát ra tiếng báo động toàn não. Đó là khi Sự cảnh báo bên trong chuyển thành sự chú ý đặc biệt, được gọi là Sự cảnh báo thời kỳ.
Sau sự báo động, chúng tôi chuyển hướng về phía tác nhân kích thích đang hiện diện, kích hoạt mạng lưới thứ hai. Chúng tôi có thể quay đầu về hướng tác nhân kích thích, dỏng tai lên, có thể là di chuyển về phía (hoặc ra xa) một thứ gì đó. Đó là lý do khiến cả tôi lẫn vợ tôi ngay tức khắc quay đầu rời khỏi con két, hướng về cái bóng đang lớn dần của con diều hâu. Mục đích là để có thêm thông tin về tác nhân kích thích, cho phép não quyết định phải làm gì. Posner đặt tên cho hệ thống này là Mạng lưới định hướng.
Hệ thống thứ ba, Mạng lưới thực thi, điều khiển các hành vi kiểu “ôi, lạ chưa, tôi phải làm gì bây giờ”. Những hành vi này bao gồm việc đặt ra các ưu tiên, lên kế hoạch cho cả quá trình, kiểm soát các xung điện, đo lường hậu quả của hành động, hay nâng cao sự chú ý. Đối với tôi và vợ tôi, đó là sự choáng váng đến im lặng.
Vậy chúng ta có khả năng phát hiện ra một tác nhân kích thích mới, khả năng quay về phía nó và khả năng quyết định việc nên làm dựa trên bản chất của nó. Mô hình của Posner đưa ra những dự đoán có thể kiểm nghiệm các chức năng và sự chú ý của não, dẫn tới những khám phá về thần kinh được viết thành rất nhiều tập sách. Từ trước đến nay, có hàng trăm đặc trưng về hành vi ứng xử đã được khám phá. Bốn đặc trưng có tiềm năng thực tiễn đáng kể là: các cảm xúc, ý nghĩa, làm viẹc đa nhiệm và tính toán thời gian.
1) Các cảm xúc thu hút được sự chú ý
Những sự kiện đầy cảm xúc có khuynh hướng dễ nhớ hơn các sự kiện trung lập.
Tuy ý tưởng này dường như rõ rệt về mặt trực giác, song thật khó để chứng minh bằng khoa học vì cộng đồng nghiên cứu vẫn còn đang tranh luận về bản chất thật sự của cảm xúc. Một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng là ảnh hưởng của cảm xúc đối với việc học tập. Một sự kiện tràn đầy cảm xúc, (thường được gọi là ECS – emotionally competent stimulus – tên viết tắt của tác nhân kích thích có tiềm năng cảm xúc) là loại hình được xử lý tốt nhất của các tác nhân kích thích bên ngoài đã được đo lường. Những sự kiện tràn đầy cảm xúc tồn tại lâu hơn trong ký ức chúng ta và có thể được nhớ lại với độ chính xác cao hơn các ký ức trung lập.
Đặc trưng này thường được sử dụng có hiệu quả nhất trong quảng cáo truyền hình, và đồi khi kèm theo sự tranh luận gay gắt nhất. Hãy xem xét một tiết mục quảng cáo truyền hình cho xe ôtô Volkswagen Passat. Mở đầu là hình ảnh hai người đàn ông đang trò chuyện trong ôtô. Họ đang có cuộc tranh luận nóng bỏng về việc một trong hai người đã lạm dụng từ “thích” trong hội thoại. Trong lúc cuộc tranh luận đang tiếp diễn, người xem nhìn thấy, qua cửa sổ ghế hành khách, một chiếc xe khác đang lao về phía hai người này. Chiếc xe đó nghiền nát họ. Có những tiếng la hét, tiếng kính vỡ, những khung hình lướt qua cho thấy hình ảnh hai người này đang nảy lên trong ôtô – một khối kim loại đã bị vặn xoắn. Cảnh tiếp theo, không thể tin nổi vào mắt mình nữa, là hình ảnh hai người đàn ông đang đứng bên ngoài chiếc Volkswagen bị hỏng nặng. Để nhấn mạnh thêm cho lời chêm vào nổi tiếng, dòng chữ ‘Thật an toàn” nhấp nháy trên màn hình. Màn quảng cáo kết thúc với hình ảnh một chiếc Passat khác, chiếc xe này còn nguyên vẹn và hoàn hảo với mức đánh giá an toàn về tai nạn xe hơi là năm sao. Đó là một quảng cáo kéo dài 30 giây đáng nhớ, thậm chí gây náo động. Sở dĩ nó có những đặc trưng này vì tâm điểm của nó là một ECS.
Quá trình này hoạt động như thế nào bên trong não chúng ta? Nó có liên quan đến vỏ não trước trán, phần chỉ con người mới có đó của não quản lý những “chức năng thực thi” như giải quyết vấn đề, duy trì sự chú ý và kiềm chế những cơn bốc đồng cảm xúc. Nếu vỏ não trước trán là chủ tịch hội đồng quản trị, cingulate gyrus48 chính là trợ lý cá nhân của nó. Người trợ lý này cung cấp cho chủ tịch hội đồng quản trị những chức năng lọc nhất định và hỗ trợ cho các cuộc họp từ xa với các phần khác của não – đặc biệt là với hạch hạnh, phần giúp tạo lập và duy trì các cảm xúc. Hạch hạnh chứa đầy dopamine truyền dẫn thần kinh, nó sử dụng dopamine như một nhân viên văn phòng sử dụng các mẩu giấy ghi chú. Khi não phát hiện ra một sự kiện đầy cảm xúc, hạch hạnh giải phóng dopamine vào trong hệ thống. Vì dopamine hỗ trợ rất nhiều cho trí nhớ và quá trình xử lý thông tin, bạn có thể nói nội dung của mẩu ghi chú là “Hãy ghi nhớ việc này!” Ra lệnh cho não đính một mẩu ghi chú hóa học lên một thông tin nào đó đồng nghĩa với việc thông tin đó sẽ được xử lý mạnh mẽ hơn. Đó là điều mà các giáo viên, các bậc phụ huynh và giám đốc quảng cáo mong muốn.
Những sự kiện đầy cảm xúc có thể được chia thành hai loại: sự kiện không có hai người nào trải nghiệm giống nhau và sự kiện tất cả mọi người đều trải nghiệm giống nhau.
Khi mẹ tôi tức giận (rất hiếm khi), bà vào bếp, rửa bất kỳ một chiếc bát đĩa nào trong bồn rửa một cách ỒN Ã. Và nếu có xoong chảo, bà cố ý đập chúng vào nhau khi bỏ chúng ra khỏi bồn rửa. Tiếng ồn này được tạo ra nhằm thông báo cho cả nhà biết (nếu không muốn nói là cả khu phố) sự phiền lòng của bà về một điều gì đó. Tới tận ngày hôm nay, bất cứ khi nào tôi nghe thấy tiếng kim loại của xoong chảo va vào nhau khá lớn, tôi lại thấy một tác nhân kích thích tràn đầy cảm xúc – một cảm giác thoáng qua “Lúc này bạn gặp rắc rối to rồi!”. Mẹ vợ tôi chưa từng biểu lộ sự tức giận theo cách này nên vợ tôi không đánh đồng bất kỳ điều gì có tính cảm xúc với tiếng ồn của xoong chảo. Đó là một kích thích độc đáo, một ECS riêng của nhà John Medina.
Các tác nhân kích thích được trải nghiệm ở mọi nơi bắt nguồn trực tiếp từ di sản cách mạng của chúng ta, vì vậy chúng có một tiềm năng to lớn trong việc áp dụng vào giảng dạy và kinh doanh. Không có gì đáng ngạc nhiên, chúng tuân theo những nguyên lý nguy cơ và các nguồn năng lượng nghiêm ngặt của học thuyết Darwin. Bất kể bạn là ai, bộ não sẽ rất chú ý tới những câu hỏi sau:
“Tôi có thể ăn nó không? Hay nó sẽ ăn tôi?”
“Tôi có thể làm bạn với cô ấy? Hay cỏ ấy sẽ trở thành bạn của tôi?”
“Tôi đã từng thấy nó trước đây chưa?”
Bất cứ ai trong tổ tiên của chúng ta, nếu không nhớ được những trải nghiệm đầy đe dọa hoặc kiếm được đủ lượng thức ăn thì sẽ không thể sống đủ lâu để tạo ra thế hệ sau. Não con người có nhiều hệ thống tận tâm được điều chỉnh khéo léo nhằm sản sinh ra cơ hội và nhận thức được mối nguy hiểm. (Đó là nguyên do khiến cho câu chuyện về vụ cướp thu hút được sự chú ý của bạn – cũng vì vậy mà tôi đặt nó ở đầu chương). Chúng ta cũng là những cỗ máy so khuôn mẫu tuyệt vời, luôn đánh giá môi trường của chúng ta để tìm ra điểm tương đồng, chúng ta cũng có khuynh hướng ghi nhớ những gì chúng ta cho rằng đã gặp trước đây.
Một trong những tiết mục truyền hình xuất sắc nhất từ trước đến nay đã sử dụng cả ba nguyên tắc này theo một đường xoắn ốc tăng liên tục. Stephen Hayden làm một quảng cáo để giới thiệu máy tính Apple vào năm 1984. Quảng cáo này đã đoạt các giải thưởng quảng cáo lớn của năm đó, và đặt ra một tiêu chuẩn cho các quảng cáo của Super Bowl (một kênh truyền hình quảng cáo thể thao lớn của Mỹ). Mở đầu quảng cáo này là hình ảnh một hội trường màu xanh chật kín những người đàn ông trông như robot ăn mặc giống hệt nhau. Liên quan đến bộ phim được làm năm 1984, nói về năm 1956, những người đàn ông này đang chăm chú theo dõi màn ảnh. Lúc này, trên màn ảnh là gương mặt đàn ông to lớn đang ngâm nga những từ ngữ tẻ nhạt như: “thanh lọc thông tin!” và “hợp nhất tư tưởng!”.
Những người có mặt trong khán phòng như những con quỷ hút máu đang nuốt lấy những thông điệp này. Và rồi camera chuyển sang hình ảnh một phụ nữ trẻ mặc đồ thể thao, tay cầm búa tạ, đang lao về phía khán phòng. Cô này mặc quần soóc đỏ, màu cơ bản duy nhất trong toàn bộ tiết mục quảng cáo. Lao nhanh xuống lối đi trung tâm, cô gái này ném chiếc búa tạ vào màn hình đang chiếu Big Brother. Màn hình nổ tung thành cơn mưa tia lửa và mảnh vỡ bóng đèn. Những chữ giản đơn nhấp nháy trên màn hình: “Ngày 24 tháng 1, Công ty máy tính Apple sẽ giới thiệu mẫu máy Macintosh. Bạn sẽ biết tại sao năm 1984 sẽ không giống 1984” (tên một bộ phim của George Orwell).
Tất cả những yếu tố đều có mặt ở đây. Không có gì đe dọa đối với một quốc gia được đúc kết trong một bài phát ngôn tự do hơn xã hội chuyên chế 1984 của George Orwell49. Có sự hấp dẫn giới tính với chiếc quần soóc lộ liễu nhưng cũng có thay đổi. Mac là phụ nữ, nên… IBM phải là đàn ông. Trong những năm 1980 nữ quyền, một lời tuyên bố hùng hồn trong trận chiến giới tính đột nhiên chiếm vị trí trung tâm. Sự trùng hợp về phong cách cũng nhan nhản khắp nơi. Nhiều người đã đọc 1984 hoặc xem bộ phim này. Hơn thế, những người thật sự say mê máy vi tính đã liên tưởng tới IBM, một công ty thường được gọi là Big Blue vì màu sắc đồng phục nhân viên bán hàng của công ty này.
2) Ý nghĩa trước chi tiết
Điều mà hầu hết mọi người đều nhớ đến quảng cáo đó chính là sự thu hút về cảm xúc hơn là mọi chi tiết của nó. Có thể lý giải cho điều này. Bộ não ghi nhớ những yếu tố cảm xúc của một trải nghiệm tốt hơn bất kỳ một khía cạnh nào khác. Chẳng hạn như chúng ta có thể quên thời điểm chính xác của một cú đụng xe cấp độ liên bang. Tuy nhiên, chúng ta lại có thể hồi tưởng thật sống động cảm giác lo sợ khi cố gắng kiểm soát tình hình để không bị thiệt hại thêm nữa.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự thức tỉnh cảm xúc luôn tập trung chú ý đến vấn đề chính của trải nghiệm hơn là các chi tiết bên ngoài trải nghiệm đó.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là cách vận hành thông thường của trí nhớ – nhờ ghi lại bản chất của điều chúng ta gặp phải, chứ không phải nhờ lưu giữ lại những ghi chép thành văn của trải nghiệm đó. Thời gian trôi qua, để có thể nhớ lại bản chất của trải nghiệm, nên chúng ta buộc phải nhớ lại các chi tiết. Điều này đồng nghĩa với việc trong đầu chúng ta có khuynh hướng đầy tràn những hình ảnh tổng quan về các khái niệm hoặc các sự kiện, chứ không bị lấp đầy bởi các chi tiết vụn vặt sẽ dần dần phai nhạt. Tôi bị thuyết phục rằng tại sao người Mỹ say mê với sự tồn tại của các chương trình trò chơi nhớ lại như Jeopardy50 đến thế! Vì chúng ta bị lóa mắt bởi những con người kỳ lạ có thể đảo ngược lại khuynh hướng này.
Hiển nhiên, tại công sở và trường học, hiểu biết chi tiết thường là chìa khóa của thành công. Điều thú vị là, sự trông cậy vào nội dung chính thật sự là cơ sở cho việc tìm kiếm một chiến lược ghi nhớ các chi tiết.
Chúng ta biết được điều này từ một chuỗi các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên diễn ra vào những năm 1980 giữa một nhà khoa học trí não và một người phục vụ bàn.
Quan sát J.C nhận thực đơn của khách cũng giống như xem Ken Jennings (nam diễn Mỹ nổi tiếng) đóng vai Jeopardy! J.C không bao giờ viết ra giấy. Tuy nhiên, anh ta chưa bao giờ nhầm lẫn thực đơn của khách. Trong khi thực đơn đưa ra hơn 500 cách kết hợp đồ ăn (món khai vị, món phụ, dầu giấm, v.v…) cho mỗi thực khách, đây quả thật là một thành tích xuất sắc. J.C luôn phải ghi nhớ yêu cầu của hai mươi người với tỷ lệ sai sót là không phần trăm. J.C. làm việc trong một nhà hàng mà nhà khoa học trí não của trường Đại học Colorado là K. Anders Ericsson hay lui tới. Nhận thấy những kỹ năng đặc biệt của J.C., ông đã đề nghị được nghiên cứu anh ta. Bí quyết thành công của J.C. nằm ở việc áp dụng một chiến lược tổ chức hiệu quả. Anh ta luôn chia các yêu cầu của thực khách thành những nhóm riêng biệt, như các món khai vị, nhiệt độ, món phụ, và tương tự như vậy. Sau đó, anh sử dụng hệ thống đánh dấu bằng chữ cái để mã hóa các chi tiết của một yêu cầu cụ thể. Đối với dầu giấm trộn sa lát, Blue Cheese luôn là “B”, Thousand Island là “T” và đại loại như thế. Áp dụng bảng mã này với các phần khác trong thực đơn, anh phân chia các chữ cái một cách đặc biệt và ghi nhớ cách phân chia này. Nhờ tạo ra một hệ thống gồm các mục chính, anh có thể dễ dàng nắm bắt được các chi tiết.
Chiến lược của J.C áp dụng một nguyên tắc đã nổi tiếng trong cộng đồng khoa học trí não: Tăng cường trí nhớ nhờ tạo ra mối liên kết giữa các khái niệm. Thí nghiệm này đã được tiến hành hàng trăm lần, luôn đưa đến kết quả như nhau: Những từ ngữ được trình bày một cách khoa học với một cấu trúc có hệ thống sẽ dễ nhớ hơn những từ ngữ được được sắp xếp một cách ngẫu nhiên – trung bình là hơn 40%. Kết quả này khiến các nhà khoa học bối rối đến tận ngày nay.
Đặt ra mối liên kết giữa các nội dung chính của dữ liệu giúp gia tăng một cách cần thiết số lượng những thứ ta có thể ghi nhớ được. Nhiều gói hành lý trí tuệ đươc đưa tới kho sẽ khiến cho việc học ngày một khó khăn hơn. Nhưng chính xác đó không phải là điều được phát hiện. Nếu chúng ta có thể chuyển hóa ý nghĩa các từ thành một thứ khác, chúng ta sẽ dễ nhớ lại các chi tiết hơn. Ý nghĩa nên đặt trước chi tiết là vì vậy.
John Bransford, nhà nghiên cứu giáo dục lỗi lạc, người đã biên soạn cuốn How People Learn (Cách thức mọi người học tập) được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, một ngày kia đã đặt ra một câu hỏi đơn giản:
Trong một nguyên tắc học tập đã xác định, điều gì giúp phân biệt người mới học với chuyên gia? Cuối cùng, Bransford đã khám phá ra sáu đặc trưng, một trong số đó phù hợp với nội dung thảo luận của chúng ta: “Hiểu biết của [Chuyên gia] không chỉ đơn thuần là một danh sách các sự kiện và các công thức có liên quan tới lĩnh vực của họ; thay vào đó, hiểu biết của họ hình thành xung quanh các khái niệm cốt lõi hay ‘các ý lớn’ dẫn dắt suy nghĩ của họ về lĩnh vực họ tham gia.”
Dù bạn là nhân viên phục vụ bàn hay nhà khoa học trí não, nếu bạn muốn ghi nhớ chính xác các vấn đề cụ thể, đừng bắt đầu với các chi tiết. Hãy bắt đầu với một ý chính một cách có hệ thống thứ bậc, hãy tạo nên các chi tiết xung quanh những khái niệm lớn đó.
3) Não không thể làm việc đa nhiệm
Khi nói đến sự chú ý thì làm việc đa nhiệm quả là một điều không tưởng. Não tự nhiên cùng một lúc tập trung liên tục vào các khái niệm. Thoạt tiên, điều này nghe thật khó hiểu; trong cùng một cấp độ, não vẫn làm việc đa nhiệm đấy thôi. Bạn có thể đi bộ và trò chuyện trong cùng một lúc. Não bạn điều khiển nhịp tim khi bạn đọc một cuốn sách. Các nghệ sĩ dương cầm có thể cùng lúc chơi đàn bằng cả hai tay. Chắc hẳn đây chính là làm việc đa nhiệm. Nhưng tôi đang nói về khả năng chú ý của não. Đó là nguồn tài nguyên bạn khai thác triệt để trong lúc cố lắng nghe một bài giảng nhàm chán ở trường. Đó là một hoạt động bị phá vỡ lúc não bạn lang thang vô định trong một công việc tẻ nhạt tại công sở. Khả năng chú ý không thể làm việc đa nhiệm.
Gần đây, tôi nhận lời giúp đỡ con trai của một người bạn học giải quyết bài tập về nhà và tôi cho rằng mình sẽ không bao giờ quên trải nghiệm đó. Eric đã làm việc trên laptop khoảng nửa tiếng khi tôi vào phòng cậu ta. Trên cổ cậu, một chiếc Ipod đang đung đưa, tai nghe phát ra nhạc của Tom Petty, Bob Dylan và Greenday, trong khi tay trái của cậu linh hoạt gõ nhịp. Laptop có ít nhất 11 cửa sổ đang mở, trong đó có hai màn hình IM chứa những cuộc hội thoại cùng lúc với những người bạn trên MySpace. Một cửa sổ khác đang bận tải về một hình ảnh từ Google. Cửa sổ nằm phía sau đó là kết quả của một vài đồ thị cậu đang biến đổi cho người bạn MySpace số 2, và cửa sổ tiếp theo là một trò chơi Pong đang dừng giữa chừng.
Bị chôn vùi giữa hoạt động này là một chương trình đánh máy chứa đựng nội dung bài tập mà tôi sẽ giúp cậu ta làm. “Âm nhạc giúp cháu tập trung”, Eric tuyên bố, rồi nhấc máy điện thoại di động lên gọi. “Bình thường cháu làm tất cả ở trường, nhưng bị mắc kẹt. Cảm ơn chú đã tới”. Thật sự mắc kẹt. Eric nói thêm được một hoặc hai câu, rồi lại gõ tin nhắn MySpace, sau đó xem đã download xong chưa và rồi quay lại với bài tập. Rõ ràng, Eric không tập trung vào bài tập. Bạn có thấy cậu ta giống một người nào đó bạn quen biết không?
Thẳng thắn mà nói, nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta không thể làm việc đa nhiệm, về mặt sinh học, chúng ta không thể xử lý nhiều thông tin đầu vào cùng một lúc. Eric, và phần còn lại trong chúng ta, phải luôn nhảy từ việc này sang việc khác.
Để hiểu được kết luận đặc biệt này, chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn hệ thống thứ ba của mô hình bộ ba Posner: Mạng lưới thực thi. Hãy cùng xem xét những việc Mạng lưới thực thi của Eric đã thực hiện khi cậu làm bài tập và bị cắt ngang bởi lời nhắn “Bạn có thư mới!” từ cô bạn gái Emily.
Bước 1: cảnh báo thay đổi
Để làm bài tập từ một sự khởi đầu kém nhiệt tình, máu nhanh chóng dồn về phần vỏ não trước trán của Eric. Vùng này của não là một phần của Mạng lưới thực thi, hoạt động như một bảng chuyển đổi, báo động cho não biết đã đến lúc cần thay đổi sự chú ý.
Bước 2: kích hoạt quy luật cho nhiệm vụ 1
Nằm trong cảnh báo là một thông điệp gồm hai phần, điện nổ lách tách khi được truyền đi khắp não Eric. Phần đầu tiên là một câu hỏi tìm kiếm nhằm tìm ra các nơ-ron có khả năng thực thi nhiệm vụ làm bài tập. Phần thứ hai mã hóa một mệnh lệnh sẽ đánh thức các nơ-ron đã được phát hiện ra. Quá trình này gọi là “kích hoạt quy luật”, cần tới vài phần mười giây để hoàn thành. Eric bắt đầu làm bài tập.
Bước 3: rời bỏ
Trong lúc đánh máy, các hệ thống giác quan của Eric nhận được cảnh báo có thư từ người bạn gái của cậu. Do các quy luật của việc làm bài tập khác với các quy luật của việc viết thư cho Emily nên não của Eric phải rời bỏ các quy luật của việc làm bài tập trước khi cậu có thể phục hồi lại. Điều này đã xảy ra. Bảng chuyển mạch được dùng tới, cảnh báo cho não về một sự thay đổi chú ý khác sắp xảy ra.
Bước 4: kích hoạt quy luật cho nhiệm vụ 2
Lúc này, một thông điệp có hai phần khác được dùng tới để tìm kiếm những giao thức kích hoạt quy luật viết thư cho Emily. Như trước đây, phần đầu tiên của thông điệp là một mệnh lệnh tìm kiếm các quy luật viết thư cho Emily, phần thứ hai là lệnh kích hoạt. Bây giờ Eric có thể dốc hết ruột gan với người mình yêu.
Giống như trước, cần tới vài phần mười giây chỉ đơn giản để thực hiện việc chuyển đổi.
Kinh ngạc thay, bốn bước này diễn ra liên tục mỗi khi Eric chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Thật phí thời gian. Hơn thế, điều này còn diễn ra liên tục. Đó là nguyên do tại sao chúng ta không thể làm việc đa nhiệm. Đó là nguyên do mọi người luôn thấy mình không theo được sự tiến triển trước đó và cần phải “bắt đầu lại từ đầu”, có lẽ họ sẽ than phiền “Lúc này tôi đến đâu rồi nhỉ?” mỗi khi họ chuyển đổi nhiệm vụ. Điều duy nhất bạn có thể nói là những người có vẻ có khả năng làm việc đa nhiệm thật sự có trí nhớ cực tốt, có khả năng chú ý đến vài thông tin đầu vào cùng một lúc.
Đây là nguyên nhân tại sao điều này gây nên: Các nghiên cứu chỉ ra rằng một người bị ngắt ngang sẽ mất nhiều hơn 50% thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ vậy, tỉ lệ mắc lỗi của người này tăng thêm 50%.
Một số người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, giỏi hơn trong việc chuyển đổi nhiệm vụ. Nếu quen với các nhiệm vụ đó, thời gian hoàn thành và số lỗi mắc phải sẽ ít hơn so với những công việc không quen thuộc. Cũng như vậy, liên tục đặt bộ não của bạn vào trong môi trường làm việc đa nhiệm có thể giống như việc xỏ chân phải vào chiếc giày bên trái.
Một ví dụ điển hình là gọi điện thoại khi đang lái xe. Trước khi các nhà khoa học đo lường được hậu quả của sự phân tán tư tưởng do điện thoại di dộng gây ra trong các điều kiện có thể kiểm soát được, không một ai biết được nó có thể gây hại nghiêm trọng thế nào cho người và xe. Nó cũng giống như lái xe khi đang say rượu. Hãy nhớ lại rằng, phần lớn thời gian bị tiêu tốn mỗi khi bộ não chuyển đổi nhiệm vụ. Những người đang nói chuyện điện thoại đạp phanh chậm hơn nửa giây trong các trường hợp khẩn cấp, chậm chạp hơn trong việc giảm tốc độ khi có trường hợp khẩn cấp và điên cuồng hơn đối với “khoảng cách bám đuổi” giữa họ với phương tiện chạy phía trước. Trong nửa giây, một người lái xe với vận tốc 70 km/giờ đi được khoảng 10 mét. Trong thực tế, có đến 80% các vụ đụng xe xảy ra trong khoảng ba giây do người lái xe bj phân tán tư tưởng theo một kiểu nào đó. Vì vậy, số lần chuyển đổi nhiệm vụ của bạn càng nhiều thì tỉ lệ rủi ro gặp phải tai nạn càng cao. Hơn 50% tín hiệu thị giác của việc lái xe chăm chú bị những người vừa lái xe vừa dùng điện thoại bỏ lỡ. Không ngạc nhiên khi họ dễ gặp tai nạn hơn những người khác, trừ những người quá say.
Không chỉ có việc gọi điện thoại, mà cả việc trang điểm, ăn uống, xoa cổ cũng dễ gây ra tai nạn. Một nghiên cứu cho thấy chỉ đơn thuần với tay lấy một đồ vật khi đang lái xe cũng làm tăng gấp chín lần hiểm họa đụng xe hoặc suýt đụng xe. Từ những gì chúng ta biết về khả năng chú ý của bộ não con người, những dữ liệu này không gây nhiều ngạc nhiên.
4) Não cần được giải lao
Nhu cầu của chúng ta đối với sự ngắt ngang có định thời gian nhắc tôi nhớ đến một bộ phim có tựa đề Mondo Cane (bộ phim tài liệu của Italia sản xuất năm 1962) với những đặc trưng của một bộ phim tệ hại nhất mà bố mẹ tôi nói là đã từng xem. Lý do duy nhất họ ghét bộ phim này vì một cảnh phim tồi tệ: những người nông dân vỗ béo ngỗng để làm pa-tê gan ngỗng. Họ dùng một cái que ấn thật mạnh để nhồi thức ăn xuống họng những con vật tội nghiệp này. Khi một con ngỗng muốn nôn, một cái vòng bằng đồng nhanh chóng thít lấy cổ nó, giữ thức ăn lại bên trong đường tiêu hóa. Bị tắc hết lần này đến lần khác, sự dư thừa chất dinh dưỡng cuối cùng tạo ra một lá gan đầy ứ, làm thỏa mãn mọi đầu bếp trên thế giới. Đương nhiên, điều đó không nghĩa lý gì đối với việc vỗ béo các chú ngỗng – những con vật phải hy sinh vì lợi ích thiết thực.
Mẹ tôi thường nhắc đến câu chuyện này với tôi khi bà nói về việc trở thành một giáo viên giỏi hay một giáo viên kém. “Hầu hết các giáo viên nhồi nhét cho sinh viên quá nhiều”, bà kêu ca, “giống như những gã nông dân trong bộ phim kinh khủng đó!” Khi đã vào đại học, tôi nhanh chóng hiểu được điều bà muốn nói. Và giờ đây, khi đã là một giáo sư làm việc gần gũi với cộng đồng kinh doanh, tôi có thể thấy tận mắt thói quen đó. Những sai sót trong giao tiếp phổ biến nhất? Liên hệ quá nhiều thông tin mà lại không đủ thời gian cần thiết để liên kết các luận điểm của chúng lại với nhau. Nhồi nhét quá mức mà lại tiêu hóa được rất ít. Điều này không mang lại lợi ích gì cho người nghe, những người mà việc học tập của họ thường bị hy sinh nhân danh “lợi ích thiết thực”.
ở một mức độ nào đó, điều này có thể hiểu được. Hầu hết các chuyên gia khá quen thuộc với đề tài của mình nên họ quên đi mất cảm giác làm một người tập sự. Dù có nhớ, các chuyên gia cũng có thể phát chán với việc phải nhắc đi nhắc lại những điều cơ bản. ở trường cao đẳng, tôi nhận thấy có rất nhiều giáo sư của tôi thật sự chán ngán việc giảng dạy vì họ phải giao tiếp ở mức độ cơ bản Dường như họ quên rằng thông tin đó mới mẻ với chúng tôi, và chúng tôi cần thời gian để tiêu hóa nó, cũng có nghĩa là cần những khoảng giải lao đều đặn. Thật sự, việc thành thạo chuyên môn không đảm bảo cho khả năng giảng dạy tốt!
Những nhu cầu như vậy không chỉ là trường hợp duy nhất trong lớp học. Tôi từng quan sát thấy những sai sót tương tự ở các buổi giảng đạo, các buổi họp của ban giám đốc, các lời rao hàng, những câu chuyện truyền thông – bất kể nơi đâu thông tin của một chuyên gia cũng cần được chuyển đổi thành thông tin dành cho người tập sự.
Những ý tưởng
Quy luật 10 phút cung cấp lối thoát cho những vấn đề này. Đây là một mô hình tôi đã phát triển để giảng bài. Nhờ nó, tôi được mệnh danh là Nhà giáo Hoechst Marion Rousell của năm.
Thiết kế bài giảng: Những phân đoạn mười phút Tôi quy định rằng các bài giảng của mình đều chia thành các module (đơn vị) rõ ràng. Vì nguyên tắc 10 phút đã được biết đến trong nhiều năm, tôi quy định các module sẽ chỉ kéo dài 10 phút. Mỗi phân đoạn sẽ bao gồm một khái niệm cốt lõi – luôn rộng lớn và khái quát, luôn đầy đủ “ý chính” và luôn có thể lý giải trong một phút. Mỗi tiết học dài 50 phút, vậy nên tôi có thể dễ dàng đi hết năm khái niệm lớn, mỗi khái niệm trong 1 phút. Tôi sẽ sử dụng chín phút còn lại trong phân đoạn để cung cấp sự mô tả chi tiết của khái niệm khái quát đó. Thủ thuật này đảm bảo rằng mỗi chi tiết sẽ dễ dàng được lần theo để quay trở về khái niệm khái quát mà chỉ tốn ít nỗ lực trí óc nhất. Tôi thường xuyên dành một khoảng thời gian trong đó để giải thích mối quan hệ giữa chi tiết với khái niệm cốt lõi một cách rõ ràng và minh bạch. Điều đó cũng giống như việc cho phép các chú ngỗng giải lao giữa những lần nhồi nhét.
Và rồi đến phần khó khăn nhất: Sau khi 10 phút trôi qua, tôi phải kết thúc với khái niệm cốt lõi. Tại sao tôi lại cấu trúc bài giảng như thế? Có ba nguyên nhân:
1. Vì khuynh hướng chung của người nghe là dành ra 20% của quá trình cho sự trình bày. Tồi biết về cơ bản mình chỉ có khoảng 600 giây được họ lắng nghe – hoặc một giờ tiếp theo sẽ là vô ích. Tôi cần phải làm một điều gì đó sau giây thứ 601 để “mua” 10 phút khác.
2. Bộ não xử lý ý nghĩa trước chi tiết. Cung cấp ý chính, khái niệm cốt lõi, ban đầu giống như đưa cho một người đang khát một ly đầy nước. Bộ não cũng thích tính hệ thống, thứ bậc. Bắt đầu với những khái niệm khái quát sẽ tự nhiên dẫn đến việc lý giải thông tin một cách có hệ thống. Trước hết, bạn cần phải đưa ra ý khái quát. Sau đó, bạn sẽ thấy sự thông hiểu bài giảng tăng lên 40%.
3. Bí quyết chính là người dạy giải thích dàn ý của bài giảng ngay đầu tiết học, nhắc lại nhiều lần về “chúng ta đang ở đâu” rải rác suốt giờ học. Điều này sẽ ngăn người nghe cố gắng làm việc đa nhiệm. Nếu người dạy đưa ra một khái niệm mà không nói cho người nghe biết vị trí của khái niệm đó trong toàn bộ bài giảng, người nghe sẽ buộc phải vừa lắng nghe bài giảng vừa cố gắng đoán biết vị trí của nó đối với những điều mà người dạy đang nói đến. Đây là sự tương đồng có tính sư phạm của việc cố gắng vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại. Vì khó có thể chú ý đến hai thứ BẤT KỲ trong cùng một lúc, điều này sẽ gây nên một chuỗi những trì hoãn kéo dài một phần nghìn giây trong suốt bài giảng. Các mối liên kết phải được giải thích rõ ràng và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Mắc mồi vào lưỡi câu Sau 9 phút 59 giây, sự chú ý của người nghe sẵn sàng tụt xuống gần mức zero. Nếu không nhanh chóng hành động, sinh viên sẽ lần lượt đầu hàng trong cuộc vật lộn nỗ lực để ở lại với tôi. Điều họ cần là gì?
Không nên đưa ra một thông tin cùng loại nào nữa. Điều đó giống như những con ngỗng bị nghẹn thức ăn và không có cơ hội để tiêu hóa. Họ cũng không cần một gợi ý hoàn toàn không phù hợp kéo họ ra khỏi mạch suy nghĩ, khiến cho dòng chảy thông tin dường như bị đứt mạch, trở nên lộn xộn và tầm thường. Họ cần một điều gì đó thật lôi cuốn khiến họ vượt qua rào cản 10 phút để sang một vùng đất mới – một điều gì đó kích hoạt phản ứng định hướng về phía người nói và nắm bắt được các chức năng thực thi, mang lại việc học tập hiệu quả.
Bạn có biết điều gì có thể lôi cuốn không? Chắc chắn là bạn biết. ECS – các tác nhân kích thích tràn đầy cảm xúc. Vậy, mỗi phân đoạn 10 phút trong bài giảng của mình, tôi quyết định để cho người nghe một khoảng giải lao từ một đường ống thông tin và gửi cho họ một ECS có liên quan mà tôi gọi là “những chiếc lưỡi câu”. Khi tiếp tục bài giảng, tôi thấy hầu hết các lưỡi câu thành công luôn tuân theo ba nguyên tắc sau đây:
1. Lưỡi câu phải kích hoạt được cảm xúc. Nỗi sợ hãi, nụ cười, niềm vui, sự luyến tiếc, sự ngờ vực – toàn bộ thang bậc cảm xúc có thể được kích thích và tất cả đều mang lại hiệu quả. Tôi cố ý dùng đến Darwin ở đây, mô tả một sự kiện có tính đe dọa nào đó, hoặc với khẩu vị thích hợp, một sự kiện có tính chất sinh sản, thậm chí một điều gì đó kích hoạt việc so sánh với khuôn mẫu. Những câu chuyện có thể đặc biệt hiệu quả, đặc biệt nếu chúng sinh động và đi đúng vào vấn đề.
2. Lưỡi câu phải thích hợp, không thể chỉ là bất kỳ câu chuyện hay giai thoại nào. Nếu cứ mỗi 10 phút, tôi đơn thuần kể chuyện cười hay đưa ra một giai thoại nào đó không thích hợp thì bài giảng của tôi sẽ trở nên rời rạc. Hoặc tệ hơn: Người nghe bắt đầu nghi ngờ động cơ của tôi; họ dường như cảm thấy rằng tôi đang cố gắng mua vui cho họ với cái giá phải mà họ phải trả cho tôi để cung cấp thông tin. Người nghe thật sự rất giỏi trong việc phát hiện ra sự thiếu tổ chức và có thể trở nên tức giận nếu họ cảm thấy bị coi thường. May thay, tôi thấy rằng nếu mình làm được một lưỡi câu thật sự thích hợp với nội dung trước đó, họ sẽ chuyển từ cảm giác thư giãn sang cảm giác tham gia. Tâm trí họ vẫn suy nghĩ về kiến thức của tôi, dù cho họ đang thật sự giải lao.
3. Lưỡi câu phải nằm giữa hai module. Tôi phải đặt nó ở cuối mỗi khoảng 10 phút, xem lại, tóm tắt bài giảng, nhắc lại một số khía cạnh trong nội dung. Hoặc tôi có thể bố trí nó ở đầu một module, mong đợi, giới thiệu kiến thức mới, giới thiệu trước một số khía cạnh của nội dung. Tôi nhận thấy bắt đầu một bài giảng với một lưỡi câu mong đợi phù hợp với kiến thức của cả buổi là cách tốt nhất để thu hút được sự chú ý của lớp học.
Chính xác thì những lưỡi câu này trông như thế nào? Đây là nơi việc giảng dạy thật sự có thể trở nên giàu trí tưởng tượng. Vì tồi làm việc về những vấn đề tâm thần, nên lịch sử những ca bệnh lý tâm thần kỳ lạ thường thu hút sinh viên vào kiến thức sắp tới (khô khan hơn). Những giai thoại liên quan đến kinh doanh có thể khá thú vị, đặc biệt hướng đến việc đặt người nghe vào trong một thế giới có sự hợp tác. Tôi thường minh họa một bài nói chuyện về mối liên hệ của khoa học trí não với kinh doanh bằng cách hướng tới vấn đề trung tâm của nó: từ vựng. Tôi thích giai thoại về công ty Máy hút bụi Electrolux, một tập đoàn tư nhân ở Phần Lan cố gắng đột phá vào thị trường Bắc Mỹ. Họ có nhiều nhân viên nói tiếng Anh, nhưng không có nhân viên nào là người Mỹ. Liệu câu khẩu hiệu tiếp thị của họ: “Nói đến máy hút bụi, phải là Electrolux” có phải là miếng chì gắn gần lưỡi câu?
Khi tôi bắt đầu bố trí các lưỡi câu trong bài giảng của mình, ngay lập tức tôi nhận thấy những thay đổi trong thái độ của người nghe.
Thứ nhất, họ vẫn hứng thú với kết thúc của 10 phút đầu tiên. Thứ hai, họ dường như có thể duy trì sự chú ý cho 10 phút tiếp theo hay tương tự như vậy, chừng nào một lưỡi câu khác còn được đưa ra cuối mỗi khoảng 10 phút. Tôi có thể chiến thắng trong trận chiến giành lấy sự chú ý của họ trong những phân đoạn 10 phút đó.
Nhưng rồi, được nửa tiết học, sau khi tôi sử dụng hai đến ba lưỡi câu, tôi nhận ra tôi có thể bỏ qua các lưỡi câu bốn và năm mà vẫn hoàn toàn giữ được sự chú ý của họ. Tôi thật sự nhận ra điều này khi trực tiếp làm việc với các sinh viên vào năm 1994, khi lần đầu tiên tôi áp dụng mô hình này trong các bài giảng của mình cho đến ngày nay.
Liệu mô hình của tôi đã khai thác được sự quy định thời gian và sức mạnh của nét nổi bật về cảm xúc trong việc học tập của con người? Giáo viên và chuyên viên kinh doanh ở khắp mọi nơi có nên từ bỏ việc họ đang làm và kết hợp chặt chẽ những đặc điểm chính của nó? Tôi không biết, nhưng điều này nên cần được tìm hiểu thêm. Bộ não không chú ý đến những điều nhàm chán, và tôi cũng như bạn, đều phát ngán với sự trình bày tẻ nhạt.
Mỗi lần làm một việc thôi
Não là một bộ xử lý liên tục, không thể chú ý đến hai thứ trong cùng một thời điểm.
Doanh nghiệp và trường học đều đề cao sự làm việc đa nhiệm, nhưng nghiên cứu chỉ rõ rằng điều đó làm giảm năng suất làm việc và gia tăng sai sót. Hãy cố gắng tạo ra một vùng không bị cắt ngang trong suốt một ngày – tắt email, điện thoại, chương trình IM hoặc Blackberry – để thử xem bạn có làm được nhiều việc hơn không.
Tóm lược Quy luật #4
CHÚNG TA KHÔNG CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG ĐIỀU NHÀM CHÁN
• “Chùm sáng” chú ý của não chỉ có thể tập trung và một việc trong một thời điểm: không làm việc đa nhiệm.
• Chúng ta giỏi hơn trong việc xem xét các khuôn mẫu và rút ra ý nghĩa của một sự kiện hơn là ghi nhận lại các chỉ tiết. Sự thức tỉnh cảm xúc giúp não học tập tốt hơn.
• Người nghe cứ sau 10 phút lại lơ đãng, nhưng bạn có thể kéo họ trở lại bằng cách kể những câu chuyện hoặc tạo ra những sự kiện giàu cảm xúc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.