Luật Trí Não

QUY LUẬT #6 TRÍ NHỚ DÀI HẠN



Nhớ để nhắc lại

Từ nhiều năm nay các cuốn sách giáo khoa đã mô tả sự hình thành ký ức thông qua phép ẩn dụ về các công nhân bốc xếp ốm yếu, một hiệu sách lớn và một sân bốc hàng nhỏ. Quá trình chuyển hóa một sự kiện thành ký ức được ví với việc một người nào đó bỏ một chồng sách xuống sân bốc hàng. Nếu người công nhân bốc xếp chuyển chồng sách đó vào trong hiệu sách lớn, nó sẽ được lưu trữ suốt đời. Do sân bốc hàng khá nhỏ nên tại một thời điểm nào đó chỉ có thể xử lý được một vài chồng sách. Nếu ai đó bỏ một chồng sách mới xuống sân trước khi chồng cũ được chuyển đi, những người công nhân ốm yếu sẽ đẩy chồng sách cũ sang một bên.

Không còn ai sử dụng đến phép ẩn dụ này nữa, vì có nhiều nguyên nhân rõ ràng để lý giải cho việc loại bỏ khá sáng suốt này. Trí nhớ ngắn hạn là một quá trình năng động hơn, ít liên tục hơn và phức tạp hơn nhiều so với những gì phép ẩn dụ đưa ra. Ngày nay, chúng ta nghi ngờ rằng trí nhớ ngắn hạn thật ra là một tập hợp các khả năng ghi nhớ tạm thời. Mỗi khả năng chuyên xử lý một loại thông tin cụ thể. Các quá trình xử lý diễn ra song song với nhau. Để phản ánh khả năng đa diện này, trí nhớ ngắn hạn giờ đây được gọi là trí nhớ làm việc. Có lẽ cách tốt nhất để giải thích trí nhớ làm việc chính là miêu tả quá trình hoạt động của nó.

Tôi nghĩ không có ví dụ minh họa nào hay hơn kỳ thủ chuyên nghiệp, ngôi sao nhạc rock hàng đầu thế giới Miguel Najdorf61. Hiếm có người nào dễ dàng đạt được thành công như Najdorf. Anh ta là một người thấp bé, lanh lợi, có một giọng nói vang bẩm sinh, một khuynh hướng khá phiền toái là tổ chức cho những người hâm mộ mình bỏ phiếu để biết họ nghĩ anh ta đang chơi thế nào. Năm 1939, Najdorf tham dự một cuộc tranh tài ở Buenos Aires với đội tuyển quốc gia. Hai tuần sau, Đức xâm chiếm quê hương Ba Lan của anh. Không thể hồi hương, Najdorf thoát khỏi cuộc tàn sát Holocaust và sống an toàn ở Argentina. Anh bị lạc mất bố mẹ, bốn anh em trai và vợ ở trại tập trung. Với hy vọng một ai đó trong gia đình còn sống sót sẽ đọc được tin và liên lạc với mình, anh đã từng đấu 45 trận cùng một lúc, khiến công chúng phải sửng sốt. Anh đã thắng được 39 trong 45 trận, hòa 4 trận và thua 2 trận. Bình thường điều này đã gây kinh ngạc, nhưng điều đặc biệt kinh ngạc ở đây chính là anh đã bịt mắt để đấu 45 trận trong suốt 11 giờ đồng hồ.

Bạn không đọc nhầm đâu. Najdorf thật sự không hề nhìn thấy bất kỳ bàn cờ hay quân cờ nào; anh ta đấu mỗi trận bằng chính tâm trí của mình. Từ thông tin nghe được, anh nhận biết được mỗi nước đi, hình dung ra mỗi bàn cờ, mỗi thành phần của trí nhớ làm việc đang làm việc đồng thời trong trí não của anh. Điều này cho phép anh thực thi chức năng trong nghề nghiệp của mình, chúng cũng hoạt động như vậy ở bạn và tôi (dù có thể hiệu quả sẽ hơi khác một chút).

Hiện nay trí nhớ làm việc được biết đến như một không gian làm việc tạm thời, bận rộn, một máy vi tính để bàn mà não dùng để xử lý thông tin mới nhận được. Người hào hứng nhất trong việc mô tả đặc điểm của nó là Alan Baddeley, một nhà khoa học người Anh có vẻ ngoài yếu ớt như thiên thần Clarence Oddbody trong phim It’s a Wonderful Life (Cuộc sống tươi đẹp) Baddeley nổi tiếng nhất trong việc mô tả trí nhớ làm việc như một mô hình gồm ba thành phần: thính giác, thị giác và thực thi.

Thành phần đầu tiên cho phép chúng ta giữ lại được một số thông tin thính giác và gán cho những thông tin đó là ngôn ngữ nói. Baddeley gọi nó là vòng lặp âm vị. Najdorf có thể sử dụng thành phần này vì các đối thủ của anh bắt buộc phải nói ra các nước đi của họ.

Thành phần thứ hai giúp chúng ta giữ được một số thông tin thị giác; máy ghi trí nhớ này được gán cho bất kỳ hình ảnh và thông tin đầu vào không gian nào mà não gặp phải. Baddley gọi nó là quyển vở nháp không gian thị giác. Najdorf sẽ dùng khả năng này khi anh hình dung ra mỗi trận đấu.

Thành phần thứ ba là một chức năng điều khiển gọi là thực thi trung tâm, luôn theo sát mọi hoạt động dàn trải khắp trí nhớ làm việc. Najdorf sử dụng khả năng này để phân biệt các ván đấu với nhau.

Trong những công trình được xuất bản sau này, Baddeley đưa ra thành phần thứ tư, gọi là bộ đệm phân đoạn, được gán cho bất kỳ câu chuyện nào mà một người có thể nghe thấy. Bộ đệm này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Không kể đến số lượng các hệ thống song song cuối cùng cũng được phát hiện, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng tất cả những hệ thống đó đều có chung hai đặc điểm quan trọng: Tất cả đều có sức chứa và độ bền giới hạn. Nếu thông tin không được chuyển đổi sang một hình thái bền vững hơn thì thông tin đó sẽ nhanh chóng biến mất. Hẳn bạn có còn nhớ ông bạn Ebbinghaus của chúng ta chính là người đầu tiên chứng minh được sự tồn tại của hai kiểu hệ thống trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Ông còn đi xa hơn trong việc chứng minh rằng, nhắc đi nhắc lại nhiều lần có thể chuyển từ hình thái này sang hình thái kia trong những điều kiện nhất định. Quá trình chuyển đổi những vết tích của trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn và bền vững hơn được gọi là củng cố.

Củng cố

Trước hết, vết ký ức khá linh hoạt, dễ biến đổi, dễ sửa đổi và cũng có nguy cơ biến mất cao. Hầu hết các thông tin đầu vào chúng ta gặp phải trong một ngày nhất định sẽ rơi vào loại này. Nhưng có một vài ký ức gắn bó với chúng ta, ban đầu thật mong manh, nhưng những ký ức này mạnh lên theo thời gian và ngày càng trở nên bền vững. Cuối cùng chúng đạt đến một trạng thái dường như có thể phục dựng lại tối đa và không thể sửa đổi được. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy chúng không bền vững như chúng ta nghĩ. Dù sao, chúng ta cũng gọi những hình thái này là trí nhớ dài hạn.

Cũng giống như trí nhớ làm việc, dường như cũng có các hình thái trí nhớ dài hạn khác nhau, hầu hết trong số đó đều tương tác với nhau. Tuy nhiên, không giống như trí nhớ ngắn hạn, những hình thái đó không có nhiều sự tương đồng về bản chất. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng các hệ thống trí nhớ ngữ nghĩa có khuynh hướng ghi nhớ các điều như “cái váy ưa thích nhất của dì Martha”, hay trọng lượng của bạn thời trung học. Hầu hết họ cũng tin rằng có trí nhớ phân đoạn, chịu trách nhiệm ghi nhớ “những giai đoạn” trải nghiệm trong quá khứ, với các nhân vật, cốt truyện và các mốc thời gian (như buổi họp lớp trung học lần thứ 25). Một trong những tập hợp con62 của nó là trí nhớ tự truyện, mô tả một nhân vật chính quen thuộc: chính là bạn. Chúng ta đã có lúc từng cho rằng sự củng cố đó, cơ chế hướng dẫn sự chuyển đổi này sang dạng bền vững hơn, chỉ tác động đến những ký ức mới thu nhận được. Một khi trí nhớ đã được định hình, nó không bao giờ quay lại trạng thái mỏng manh ban đầu nữa. Chúng ta không còn nghĩ đến điều đó nữa.

Chúng ta hãy xem xét câu chuyện sau đây, diễn ra khi tôi đang theo dõi một bộ phim tài liệu trên vô tuyến truyền hình cùng cậu con trai 6 tuổi. Đó là một chương trình về loài chó.

Khi máy quay tập trung vào một chú chó chăn cừu Đức có cái mõm đen, một sự việc xảy ra khi tôi ở khoảng tuổi con trai tôi bây giờ chợt trào dâng trong tâm trí tôi.

Vào năm 1960, người hàng xóm ở sân sau luôn quên cho chó ăn vào mỗi thứ bảy. Để thỏa mãn cơn đói, con chó đã vượt rào vào đúng 8 giờ mỗi sáng thứ bảy, chạy về phía thùng rác nhà tôi, lục lọi bên trong và bắt đầu ăn bữa sáng. Bố tôi phát ngán với con chó này, và vào một tối thứ sáu, ông quyết định mắc điện vào thùng rác để con chó sẽ bị giật khi cái mũi nhỏ ẩm ướt của nó cọ vào thùng rác. Sáng hôm sau, bố tôi đánh thức cả nhà dậy sớm để chứng kiến màn trình diễn “xúc xích”. Bố tôi đã phải thất vọng, con chó không trèo qua rào mãi cho đến khoảng 8 giờ 30 phút, và nó đến không phải để ăn. Thay vào đó, nó đến để đánh dấu lãnh thổ của mình, nó đã làm như vậy ở một vài chỗ quanh sân sau nhà tôi. Khi con chó tiến đến gần cái thùng, bố tôi bắt đầu mỉm cười và khi con chó nhấc một chân lên để “đánh dấu” thùng rác, bố tôi hét lên “Được lắm!”. Bạn không cần phải biết về sự tập trung chất điện phân ở nước tiểu của loài có vú thì cũng biết được rằng khi con chó đánh dấu thùng rác nhà tôi, nó cũng hoàn thành một vòng khép kín lớn. Các nơ-ron sọ não của nó bừng sáng, bộ phận sinh sản của nó bỗng nhiên cảm thấy có vấn đề nghiêm trọng, con chó tru lên, chạy về với chủ của nó. Nó không bao giờ đặt chân vào sân sau nhà tôi nữa; trên thực tế, nó không bao giờ bước vào trong phạm vi 100 mét quanh nhà tôi. Con chó nhà hàng xóm của chúng tôi là một con chó chăn cừu Đức với cái mõm đen đặc trưng, giống hệt con chó trong chương trình truyền hình mà tôi đang theo dõi. Tôi đã quên mất sự việc này trong nhiều năm.

Về cơ bản, điều gì đã xảy ra với ký ức của chú chó khi quay lại nhận thức? Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khi những ký ức được củng cố trước đây được lấy ra từ kho lưu trữ dài hạn và truyền đến ý thức, chúng quay trở lại với bản chất kém bền vững như trước đây. Như thể được đúc kết mới vào trong trí nhớ làm việc, những ký ức này có lẽ cần được xử lý lại để duy trì hình thái bền vững. Điều đó có nghĩa là câu chuyện xúc xích buộc phải bắt đầu lại lần nữa quá trình củng cố, mỗi khi  đượcphục hồi lại. Quá trình này có tên gọi chính thức là tái củng cố. Dữ liệu này đã khiến rất nhiều nhà khoa học đặt ra nghi vấn cho toàn thể khái niệm về sự bền vững bên trong trí nhớ con người. Nếu sự củng cố không phải là sự kiện một lần liên tục mà là sự kiện được lặp đi lặp lại mỗi khi vết trí nhớ được kích hoạt lại, thì có nghĩa là kho lưu trữ vĩnh viễn tồn tại trong não bạn chỉ được dành cho những ký ức mà chúng ta quyết định sẽ không nhớ lại! Ồ, thật đáng tiếc. Phải chăng điều này có nghĩa rằng chúng ta không bao giờ có thể biết được một điều gì đó vĩnh cửu trong cuộc sống của chúng ta? Một số nhà khoa học cho là như vậy. Và nếu điều đó đúng, thì việc tôi đang định làm để nhắc lại trong học tập thật là lố bịch.

Nhớ lại/truy hồi

Giống như hầu hết các giáo sư đại học, hệ thống truy hồi của chúng ta đủ mạnh để thay đổi những nhận thức về quá khứ nếu không đưa ra một điều gì quan trọng nhằm thay thế những nhận thức đó. Điều đó chính xác đã diễn ra như thế nào là một miếng ghép quan trọng nhưng còn thiếu trong bức tranh ghép hình của chúng ta. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đã tổ chức các cơ chế truy hồi theo hai mô hình chung. Một cơ chế được hình dung một cách thụ động là thư viện, cơ chế kia chủ động hình dung ra hiện trường vụ án.

Trong mô hình thư viện, ký ức được lưu trữ trong đầu chúng ta theo cùng một cách như sách được lưu trữ trong thư viện. Sự truy hồi bắt đầu bằng một mệnh lệnh duyệt qua các ngăn lưu trữ và chọn ra một ấn phẩm cụ thể. Một khi đã được chọn, nội dung của ấn phẩm được đưa đến nhận thức có ý thức và ký ức được truy hồi. Quá trình buồn tẻ này đôi khi được gọi là sự truy hồi tái sản sinh.

Mô hình còn lại hình dung ký ức của chúng ta giống như một bộ sưu tập lớn những hiện trường vụ án, được hoàn thiện bằng Sherlock Holmes63 của riêng chúng. Sự truy hồi bắt đầu qua việc gọi thám tử tới một hiện trường vụ án cụ thể, một hiện trường luôn bao gồm một ký ức rời rạc. Khi đến nơi, ngài Holmes xem xét một phần bằng chứng được tìm thấy. Dựa trên sự suy luận và phỏng đoán, nhà thám tử tiếp tục hư cấu ra một sự tái cấu trúc/tổ chức lại những gì đã được lưu trữ. Trong mô hình này, truy hồi không chỉ là sự xem xét bị động một cuốn sách đầy chi tiết sống động. Hơn thế, truy hồi là một nỗ lực điều tra tích cực nhằm tái tạo lại các sự kiện dựa trên các dữ liệu rời rạc.

Điều gì là chính xác? Câu trả lời thật đáng ngạc nhiên: cả hai. Các triết gia cổ đại và các nhà khoa học hiện đại đều đồng tình rằng chúng ta có nhiều kiểu hệ thống truy hồi. Chúng ta sử dụng kiểu nào là phụ thuộc vào kiểu thông tin cần tìm kiếm và khoảng thời gian đã trôi qua kể từ khi ký ức ban đầu được hình thành. Thực tế không bình thường này cần được giải thích rõ hơn.

Lưu ý đến khoảng trống

Vào những khoảng thời gian tương đối sớm sau khi học tập (tính từ phút đến giờ, đến ngày), các hệ thống truy hồi cho phép chúng ta tái tạo một bản tường thuật khá cụ thể và chi tiết về một ký ức nào đó. Điều này có thể so sánh với mô hình thư viện. Nhưng khi thời gian trôi qua, chúng ta chuyển sang phong cách gợi nhớ hơn của mô hình Sherlock Holmes. Lý do là khoảng thời gian trôi qua cố định luôn dẫn đến sự suy yếu của các sự kiện, dữ kiện mà trước đó chúng khá rõ ràng và cụ thể. Trong nỗ lực cố lấp đầy những khoảng trống quên, não buộc phải dựa vào các mảnh nhỏ, những suy luận, hoàn toàn phỏng đoán và thường (phiền phức nhất) dựa vào các ký ức khác không liên quan đến sự kiện thưc tế. về bản chất, nó thật sự được tái tạo lại, rất giống một thám tử với trí tưởng tượng láu cá. Tất cả là do não thường muốn tạo ra một câu chuyện mạch lạc bất kể thực tế. Vậy nên, qua thời gian, nhiều hệ thống truy hồi của não dường như từ từ chuyển đổi từ sự tái tạo chi tiết và cụ thể sang một sự nhớ lại chung chung và mơ hồ hơn.

Giả dụ bạn là học sinh năm đầu tiên của trường trung học và bạn biết một nhà tâm lý học tên Daniel Offer64. Tiến hành một cuộc điều tra, tiến sĩ Dan đề nghị bạn trả lời một vài câu hỏi thật sự chẳng liên quan gì đến công việc của ông ta: Tôn giáo có giúp ích cho sự trưởng thành của bạn không? Bạn đã phải chịu đựng một hình phạt thể xác nào chưa? Bố mẹ bạn có khuyến khích bạn tích cực tham gia các hoạt động thể thao không? Bây giờ, hãy coi như 34 năm đã trôi qua, tiến sĩ Dan tìm ra bạn, đưa cho bạn một mẫu điều tra tương tự và đề nghị bạn điền vào. Bạn sẽ bị bất ngờ khi thấy ông ta vẫn còn nhớ những câu trả lời của bạn hồi học trung học, và ông ta quyết tâm so sánh các câu trả lời của bạn bây giờ. Bạn cảm thấy thế nào? Chỉ trong một từ thôi, thật kinh khủng. Thật ra, những ký ức bạn đã mã hóa thời niên thiếu hầu như không giống với những gì bạn nhớ được khi là người lớn. Tiến sĩ Dan, người đã kiên nhẫn tiến hành thí nghiệm này một cách nghiêm túc đã tìm ra điều này. Lấy ví dụ câu hỏi về sự trừng phạt thể xác. Mặc dù chỉ có một phần ba số người lớn nhớ lại được bất kỳ hình phạt thể xác nào, chẳng hạn như đánh vào mông, song tiến sĩ Dan thấy rằng có tới 90% thanh thiếu niên trả lời quả quyết về câu hỏi này. Đây chỉ là một vài dữ liệu minh chứng cho tính thiếu chính xác của sự truy hồi theo kiểu Sherlock Holmes.

Quan niệm về việc não có thể vui vẻ thêm thông tin sai lệch vào để tạo ra một câu chuyện mạch lạc nhấn mạnh khao khát đáng ngưỡng mộ của nó trong việc tạo ra một cơ cấu thoát khỏi thế giới hỗn độn. Bộ não liên tục nhận được thông tin đầu vào mới và cần phải lưu trữ một số thông tin đó trong cùng một cái đầu đã bị choán hết chỗ bằng những trải nghiệm trước đây. Nó tạo ra ý nghĩa cho chính thế giới của nó bằng cách cố gắng kết nối thông tin mới với thông tin đã nhận trước đây. Điều này có nghĩa rằng thông tin mới đều đặn chạm khắc lại những thông tin đã tồn tại trước đây và gửi đi những gì đã tái tạo lại để được lưu trữ mới. Ý nghĩa của điều này là gì? Chỉ đơn thuần là kiến thức hiện tại có thể xâm hại những ký ức trong quá khứ và liên kết lại với nhau như thể chúng đã cùng nhận được đồng thời. Điều đó phải chăng chỉ đem đến cho bạn một cách nhìn tương đối về thực tại? Bạn đánh cược như vậy. Nhân đây, tôi muốn nói rằng khuynh hướng này có thể khiến cho hệ thống tư pháp – tội phạm phát điên.

Nhắc lại

Dựa trên sự thiên lệch này để khái quát hóa, liệu có hy vọng tạo ra được các ký ức dài hạn đáng tin cậy hay không? Theo như Quy luật trí não đã hồ hởi gợi ý thì câu trả lời là có. Ký ức có thể không cố định vào thời điểm học tập, nhưng việc nhắc lại từng ít một trong những khoảng nghỉ cụ thể thì có thể giúp cố định ký ức. Căn cứ vào sự liên quan của nó đối với kinh doanh và giáo dục, đã đến lúc chúng ta bàn luận về nó.

Đây là một bài kiểm tra vòng lặp âm vị của trí nhớ làm việc. Hãy quan sát kỹ danh sách các chữ cái sau trong 30 giây, sau đó hãy che phần này đi trước khi bạn đọc tiếp.

3 $ 8 ? A % 9a

Bạn có thể nhớ lại các chữ cái trong danh sách mà không cần nhìn vào đó không? Liệu bạn có thể làm việc này mà không phải nhẩm lại trong đầu không?

Đừng hoảng hốt nếu bạn không thể. Bộ não người điển hình có thể lưu được bảy mẩu thông tin trong khoảng thời gian ngắn hơn 30 giây! Nếu không có gì xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, thông tin có thể đã bị mất. Nếu bạn muốn kéo dài khoảng thời gian 30 giây thành vài phút hay thậm chí một hoặc hai giờ, bạn sẽ cần phải luôn quay lại với thông tin đó. Loại hình nhắc lại này đôi khi được gọi là nhắc lại duy trì. Giờ thì chúng ta đã biết rằng sự nhắc lại duy trì hầu hết đều có ích cho việc lưu giữ các thông tin trong trí nhớ làm việc – trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta cũng biết rằng có một cách tốt hơn để đẩy thông tin vào trong trí nhớ dài hạn. Để mô tả điều này, tôi muốn liên hệ đến lần đầu tiên tôi nhìn thấy một người chết.

Thật ra, tôi đã nhìn thấy tám người chết. Là con trai của một sĩ quan không quân chuyên nghiệp, có thời tôi đã từng rất quen với việc nhìn thấy máy bay quân đội bay trên bầu trời. Nhưng vào một buổi chiều, tôi nhìn lên trời và thấy một máy bay chở hàng đang làm một việc mà tôi chưa từng chứng kiến trước đây. Chiếc máy bay đó đang rơi xuống, bị kẹt trong một đường xoáy ốc chết người. Nó đã đâm sầm xuống mặt đất cách chỗ tôi đứng khoảng 500 feet và tôi đã cảm thấy người bị nảy lên cùng sức nóng của vụ nổ.

Có hai điều đáng lẽ tôi đã có thể thực hiện với thông tin này. Tôi có thể giữ toàn bộ chuyện này cho riêng mình hoặc có thể kể cho cả thế giới. Tôi đã chọn cái thứ hai. Sau khi lao ngay về nhà kể cho bố mẹ nghe, tồi đã chạy đi gọi một số bạn bè. Chúng tôi uống sô-đa và bắt đầu bàn luận về những gì vừa diễn ra. Có tiếng động cơ của một chiếc máy bay khác cắt ngang. Chúng tôi ngạc nhiên, và lo sợ. Vì tai nạn xảy ra quá khủng khiếp nên chúng tôi đã nói khá nhiều về nó trong tuần tiếp theo cho đến khi chủ đề này trở nên nhàm chán. Một giáo viên của tôi đã thật sự cấm chúng tôi khơi lại chuyện này trong giờ học, dọa sẽ viết lên áo sơ-mi khẩu hiệu: “Bạn đã nói quá đủ rồi”.

Tại sao tôi vẫn nhớ được các chi tiết của câu chuyện này? Mặc lời đe dọa bị viết lên áo sơ-mi, sự háo hức được trò chuyện về trải nghiệm đó vẫn là yếu tố chính. Cuộc bàn luận kéo dài sau vụ tai nạn đã dẫn đến sự thường xuyên xem lại những sự kiện chính, kéo theo sự soạn thảo tỉ mỉ và chi tiết các ấn tượng của chúng tôi. Hiện tượng này được gọi là sự nhắc lại tỉ mỉ và đó là một loại nhắc lại có hiệu quả nhất trong sự truy hồi mạnh mẽ nhất. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc suy nghĩ hay bàn luận về một sự kiện ngay sau khi  xảy ra giúp tảng cường trí nhớ về sự kiện đó, ngay cả khi có tính đến sự khác biệt về loại hình trí nhớ.

Khuynh hướng này có tầm quan trọng to lớn đối với các chuyên viên chấp pháp. Đó là một trong những lý do giải thích tại sao lại rất cần có một nhân chứng nhớ lại thông tin sau vụ án càng sớm càng tốt.

Ebbinghaus đã chỉ ra sức mạnh của sự nhắc lại một cách chi tiết và toàn diện gần 100 năm trước đây. Ông thậm chí đã tạo ra “những đường cong lãng quên” thể hiện số lượng lớn ký ức bị mất đi trong một hoặc hai giờ đầu tiên sau sự xem xét đầu tiên, ông chứng minh rằng sự mất mát này có thể được giảm đi nhờ chủ tâm nhắc lại nhiều lần. Ý niệm về hạn định thời gian giữa quá trình xem xét lại mang tính quyết định rất cao, tôi sẽ khám phá nó theo ba cách.

Tạo khoảng trống thời gian cho thông tin đàu vào Cụ thể hơn, trí nhớ cần một khoảng thời gian khá lớn để định hình ở dạng vĩnh viễn. Nhưng trong khi bận định hình, trí nhớ của con người đáng phiền là dễ bị thay đổi. Điều này có thể xảy ra do thông tin mới được mã hóa có thể định hình lại và xóa mất những vết tích cũ từng tồn tại trước đây. Sự can thiệp này đặc biệt đúng khi việc học tập được tiến hành trong một mớ hỗn độn liên tiếp và không có khoảng dừng, giống như thường xảy ra trong đa số các phòng họp và lớp học. Khả năng diễn ra sự lộn xộn dần tăng lên khi nội dung được phân phát dưới dạng các cơn sóng không kết thúc và không lặp lại, tưới vào sinh viên như thể họ là những hình nộm bằng gỗ.

Tuy nhiên, tôi vẫn có tin vui dành cho bạn. Sự can thiệp này không diễn ra nếu thông tin được phân phát trong những chu trình nhắc lại có thời gian trống theo chủ định. Thật vậy, lặp lại các thông tin trong một khoảng thời gian được ấn định cụ thể tạo ra phương thức tốt nhất để cố định ký ức vào trong não. Tại sao lại xảy ra điều này? Khi sự biểu diễn bằng điện của thông tin đã lĩnh hội và được tích lũy dần dần qua nhiều lần nhắc lại, các mạng lưới nơ-ron được huy động để lưu trữ dân dần sửa đổi lại sự biểu diễn tổng thể và không can thiệp vào các mạng lưới đã được huy động trước đó để lưu trữ thông tin đã lĩnh hội theo cách tương tự. Ý tưởng này gợi ý rằng các chu kỳ nhắc lại liên tục hình thành những kinh nghiệm có khả năng thêm vào cơ sở kiến thức, hơn là can thiệp vào thông tin đã có sẵn.

Có một vùng của não luôn chủ động khi có một ký ức sống động được truy hồi lại. Vùng này nằm trong phần bên trái của vỏ não trước trán. Hoạt động của vùng này được một máy fMRI (đó là “tạo ảnh cộng hưởng từ chức năng”) ghi lại trong quá trình học tập, nhằm xem xét một thứ gì đó đã được lưu trữ trong bộ nhớ thí có thể được nhớ lại lại rõ ràng đến từng chi tiết hay không. Hoạt động này đáng tin cậy đến nỗi nếu các nhà khoa học muốn biết liệu bạn có đang tích cực truy hồi lại một điều gì đó hay không, họ sẽ không cần phải hỏi bạn. Họ chỉ cần nhìn vào chiếc máy này và quan sát xem phần bên trái phía của vỏ não trước trán của bạn đang làm gì.

Suy nghĩ về thực tế này, nhà khoa học Robert Wagner65 đã thiết kế một thí nhiệm, trong đó hai nhóm sinh viên được yêu cầu ghi nhớ một danh sách các từ. Nhóm đầu tiên được cho xem các từ thông qua nhắc lại nhiều lần, liên tưởng đến các sinh viên đang nhồi nhét để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra. Nhóm thứ hai được cho xem các từ trong những khoảng thời gian cách quãng và suốt một thời gian dài, không cho phép nhồi nhét. Xét về mặt truy hồi chính xác, nhóm đầu tiên thực hiện kém hơn nhóm thứ hai; hoạt động của phần bên trái vỏ não trước trán bị suy giảm đáng kể. Những kết quả này đã khiến giáo sư tâm lý Dan Schater của trường đại học Harvard phải thốt lên: “Nếu bạn chỉ có một tuần để học cho kỳ thi hết môn và chỉ học mười lần bạn đụng chạm đến môn học này, thì tốt nhất là hãy bố trí mười khoảng thời gian trống để nhẩm lại trong cả tuần lễ hơn là nhồi nhét chúng ngay một lần.”

Sự nhắc lại và trí nhớ liên quan với nhau khá rõ nét. Chủ động bộc lộ mình với thông tin nếu bạn muốn truy hồi lại nó sau này. Chủ động bộc lộ mình với thông tin một cách kỹ lưỡng hơn nếu bạn mong muốn sự truy hồi có chất lượng cao hơn. Chủ động bộc lộ mình với thông tin kỹ lưỡng hơn, trong những khoảng thời gian cố định, có đủ khoảng trống thời gian nếu bạn muốn sự truy hồi sống động hết mức có thể. Việc học tập đạt hiệu quả cao nhất khi thông tin mới dần dần được lưu trữ trong trí nhớ hơn là khi chúng bị nhồi nhét tất cả vào cùng một lúc. Vậy tại sao chúng ta không áp dụng những kiểu mẫu đó trong lớp học và trong các phòng họp? Một phần do các nhà giáo dục và các nhà kinh doanh thường không chịu đọc Tạp chí Khoa học trí não. Một phần cũng do mọi người không thật sự chắc chắn khoảng trống thời gian nào mang lại hiệu quả tối ưu. Không chỉ vì vấn đề hạn định thời gian không được chú trọng nghiên cứu. Trong thực tế, chúng ta có thể chia sự củng cố thành hai loại dựa trên việc hạn định thời gian: nhanh và chậm. Để lý giải vấn đề hạn định thời gian ảnh hưởng đến sự hình thành trí nhớ ra sao, tôi muốn dừng lại một chút và kể cho bạn về tôi và vợ tôi đã gặp nhau như thế nào nhé.

Sự thích thú nồng nhiệt Lần đầu gặp Kari, tôi đang hẹn hò với một người khác, và cô ấy cũng vậy. Nhưng tôi không thể quên được Kari. Cô ấy thật sự xinh đẹp, tài năng, một nhà soạn nhạc được đề cử giải Emmy66 và là một trong số những người tuyệt vời nhất tôi đã từng gặp. Khi cả hai chúng tôi đều “tự do” sáu tháng sau đó, ngay lập tức tôi hẹn hò với cô ấy. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời và tôi bắt đầu nghĩ về cô ấy ngày càng nhiều hơn. Hóa ra cô ấy cũng có cùng cảm giác như tôi. Tôi lại hẹn với cô ấy và chẳng mấy chốc chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Sau hai tháng, mỗi lần gặp nhau, tim tôi đập nhanh hơn, bụng cứ cồn cào, còn lòng bàn tay thì mướt mồ hôi. Cuối cùng, thậm chí khi không gặp trực tiếp cô ấy thì tim tôi cũng đập nhanh hơn. Chỉ một tấm hình, mùi nước hoa của cô ấy, hay… chỉ âm nhạc! Chỉ cần một ý nghĩ thoáng qua cũng đủ khiến tôi say mê hàng giờ. Tôi biết tôi đã yêu cô ấy rồi.

Điều gì đang diễn ra và dẫn đến thay đổi đó? Với việc thường xuyên gặp lại một phụ nữ tuyệt vời, tôi ngày càng trở nên nhạy cảm với sự hiện diện của cô ấy, ngày càng cần ít hơn những gợi nhắc “đầu vào” (mùi nước hoa) để ngày càng gợi nên những phản ứng “đầu ra” mãnh liệt hơn. Ảnh hưởng này đã kéo dài với tôi gần ba thập kỷ. Bỏ lại những nguyên do của trái tim cho các nhà thơ và các bác sĩ tâm thần, ý tưởng những lần gặp gỡ có giới hạn ngày càng tăng dẫn đến những phản ứng ngày càng mãnh liệt hơn chính là ở chỗ: cách thức các nơ-ron học tập. Điều đó không chỉ được gọi là lãng mạn, mà nó còn được gọi là tiềm lực lâu dài (LTP)67. Để mô tả LTP, chúng ta cần từ bỏ thế giới nghiên cứu hành vi ứng xử và trở lại thế giới nghiên cứu về nguyên tử và phân tử quen thuộc. Giả sử bạn và tôi đang nhìn vào một đĩa thí nghiệm Petri trong đó có hai nơ-ron cá ngựa đang vui vẻ sinh sống trong mối liên hệ tiếp hợp gần gũi. Tôi sẽ gọi nơ-ron trước khớp thần kinh (trước tiếp hợp) là “giáo viên” và nơ-ron sau (tiếp hợp) khớp thần kinh là “sinh viên”. Mục tiêu của nơ ron giáo viên là truyền đạt thông tin, về bản chất là điện, tới tế bào sinh viên. Hãy cho nơ-ron giáo viên một vài kích thích để tế bào này truyền tín hiệu điện tới sinh viên. Trong một khoảng thời gian ngắn, sinh viên bị kích thích và lóe sáng dữ dội để đáp trả. Mối tương tác khớp thần kinh giữa hai nơ-ron được cho là “được củng cố” tạm thời. Hiện tượng này được đặt tên là LTP sớm.

Thật không may, tình trạng kích động chỉ kéo dài một hoặc hai giờ. Nếu nơ-ron sinh viên không nhận được cùng một thông tin từ giáo viên trong khoảng 90 phút, mức độ kích động này của nơ-ron sinh viên sẽ mất dần. Tế bào sẽ thật sự quay lại mức zero và hành động như thể chưa có gì xảy ra, sẵn sàng cho bất kỳ tín hiệu khác có thể được truyền đến chỗ LTP sớm rõ ràng có sự không hòa đồng với các mục tiêu của nơ-ron giáo viên và hiển nhiên, với tất cả các giáo viên thật sự ở khắp mọi nơi. Làm thế nào để cho tình trạng kích động ban đầu trở thành vĩnh viễn? Liệu có cách nào để chuyển đổi một phản ứng ngắn ngủi của sinh viên thành một phản ứng dài?

Bạn đánh cuộc là có: Thông tin phải được nhắc lại sau một khoảng thời gian trôi qua. Nếu tín hiệu chỉ được giáo viên tế bào gửi đến một lần, sinh viên tế bào sẽ chỉ bị kích động trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu thông tin liên tục dao động trong những khoảng thời gian rời rạc được ấn định (việc hạn định thời gian cho tế bào trên đĩa khoảng 10 phút giữa các xung dao động, thực hiện tổng cộng 3 lần), mối quan hệ giữa nơ-ron giáo viên và nơ-ron sinh viên bắt đầu thay đổi. Tương đối giống mối quan hệ của tôi với Kari sau vài cuộc hẹn, các thông tin đầu vào từ giáo viên ngày càng nhỏ hơn cần khêu gợi những phản ứng đầu ra ngày càng mạnh mẽ hơn từ phía sinh viên. Phản ứng đáp lại này được đặt tên là “LTP muộn”. Ngay cả trong thế giới cô lập, bé nhỏ này của hai nơ-ron, sự nhắc lại theo thời gian hạn định cũng có mối liên hệ sâu sắc cho dù việc học tập có diễn ra hay không.

Khoảng thời gian cần thiết để củng cố khớp thần kinh được tính bằng phút và giờ, đó là lý do tại sao nó được gọi là củng cố nhanh.

Nhưng đừng để sự trôi qua ngắn ngủi của thời gian này đánh lừa bạn về tầm quan trọng của nó. Bất kỳ sự lôi kéo nào có tính chất hành vi, sinh lý, hay di truyền can thiệp đến bất kỳ phần nào trong mối quan hệ đang phát triển này đều sẽ ngăn chặn hoàn toàn sự hình thành trí nhớ.

Những dữ liệu đó cung cấp bằng chứng vững chắc rằng sự nhắc lại là nhân tố quyết định trong học tập – ít ra nếu bạn đang nói về hai nơ-ron trong một chiếc đĩa. Thế còn giữa hai người trong một lớp học? Thế giới tương đối đơn giản của tế bào rất khác so với thế giới phức tạp của não. Không lấy gì làm lạ về một nơ-ron đơn lẻ có hàng trăm kết nối khớp thần kinh với những nơ-ron khác.

Điều này dẫn đến một loại hình củng cố được gọi bằng các thuật ngữ rõ ràng là dài hơn, và các ngụ ý mạnh hơn. Đôi khi nó được gọi là “sự củng cố hệ thống”, đôi khi lại được gọi là “sự củng cố chậm”. Chúng ta sẽ thấy “chậm” có thể là một thuật ngữ hay hơn.

Cuộc hôn nhân phù phiếm Hủy diệt hạt nhân là phương thức tốt minh họa cho sự khác biệt giữa củng cố khớp thần kinh và củng cố hệ thống. Vào ngày 22 tháng 8 năm 1968, cuộc Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng. Lúc này tôi đang học môn sử ở năm đầu trung học, sống cùng với gia đình tham gia lực lượng không quân trong một doanh trại không quân ở miền trung nước Đức, không may lại nằm gần tâm điểm vụ nổ nếu vũ khí nguyên tử có bay qua chiến trường châu Âu.

Nếu bạn có thể ghé thăm lớp sử của tôi, bạn sẽ không thích nó đâu. Vì nội dung hay nhất của môn học – chiến tranh Napoleon! – tiết học được một giáo viên mang quốc tịch Pháp dạy theo một phong cách đơn điệu bởi một giáo viên thật sự không hề mong muốn có mặt ở đó. Và điều đó không thể ngăn cản tâm trí tôi suy nghĩ về những sự kiện của ngày hôm trước. Buổi sáng ngày 21 tháng 8 năm 1968, liên quân Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw cùng xâm chiếm nơi đã từng là Tiệp Khắc. Căn cứ không quân của chúng tôi bị đặt trong tình trạng báo động cao và bố tôi, một thành viên của Không quân Mỹ, đã đi vào buổi tối trước đó. Thật đáng lo ngại khi ông chưa về nhà.

Người giáo viên chỉ vào một bức tranh lớn và đẹp mô tả trận chiến Austerlitz (một trận thắng của Napoleon ở Áo) treo trên tường, thảo luận một cách tẻ nhạt về những trận chiến trước đó của Napoleon. Tôi đột nhiên nghe thấy giọng nói giận dữ của cô: “Tôi có cần phải hỏi lại lần thứ hai không?” Bật ra khỏi sự phân tâm lo lắng của mình, tôi quay ra và thấy cô đang nhìn qua bàn tôi. Cô hắng giọng, “Tôi hỏi, hãy cho tôi biết những địch thủ của Napoleon trong trận chiến này?” Tôi chợt nhận ra cô đang nói với tôi và tôi bật ra những từ đầu tiên vừa thoáng hiện ra trong tâm trí rối bời của mình “Quân đội Hiệp ước Warsaw! Không? Chờ chút! Ý em muốn nói là Liên Xô!” May thay, người giáo viên có óc hài hước và cũng hiểu loáng thoáng câu chuyện. Khi cả lớp phá lên cười, cô nhanh chóng vui vẻ, vỗ vai tôi và đi về phía bàn giáo viên, lắc đầu: “Những địch thủ này là liên minh quân đội Nga và Áo.” Cô ngừng lại. “Và Napoleon đã đánh bại họ.”

Nhiều hệ thống trí nhớ đã cùng giúp tôi truy hồi lại được ký ức đáng xấu hổ này, giờ đây, khi đã qua gần bốn thập kỷ. Tôi muốn sử dụng một vài chi tiết ngữ nghĩa của nó để miêu tả những thuộc tính hạn định thời gian của việc củng cố hệ thống.

Giống như trận Austerlitz, câu chuyện thần kinh học của chúng ta bao gồm nhiều đội quân dây thần kinh. Đội quân thứ nhất là vỏ não, lớp dây thần kinh mỏng xốp bao phủ bộ não như một bầu không khí bao trùm lên chiến trường. Tầng thứ hai có tên hơi khó đọc, thùy thái dương trung gian. Nó là nơi cư trú của một chiến binh già, con cá ngựa thường được nhắc đến. Viên ngọc quý trên mũ miện của hệ ngoại biên cá ngựa giúp hình thành đặc tính dài hạn của nhiều loại ký ức.

Quan hệ giáo viên sinh viên khác mà chúng ta đang thảo luận được hình thành từ các nơ-ron xảy ra trong cá ngựa.

Cách thức vỏ não và thùy thái dương trung gian kết nối với nhau làm nên câu chuyện về sự hình thành trí nhớ dài hạn. Các nơ-ron xuất phát từ vỏ não và luồn lách để đến thùy thái dương, cho phép những não cá ngựa nghe thấy những gì vỏ não đang nhận được. Các dây kết nối cũng trồi lên từ thùy thái dương và uốn lượn để quay trở lại vỏ não, dội lại sự chấp thuận việc nghe trộm. Vòng lặp này cho phép não cá ngựa phát ra mệnh lệnh tới những khu vực vỏ não từng được kích thích trước đây trong khi đồng thời thu nhặt thông tin từ chúng. Nó cũng cho phép chúng ta hình thành ký ức và đóng một vai trò to lớn trong khả năng kể cho bạn nghe câu chuyện này.

Kết quả cuối cùng của mối liên kết giữa chúng chính là tạo thành các ký ức dài hạn. Cách thức chúng hoạt động để cung cấp những ký ức bền vững vẫn chưa được hiểu hết dù đã qua ba thập kỷ nghiên cứu. Chúng ta biết chút gì đó về các đặc tính của sự trao đổi thông tin giữa chúng:

1. Thông tin giác quan từ vỏ não đi vào não cá ngựa, và các ký ức hình thành trong vỏ não bằng cách đảo ngược các kết nối.

2. Mối liên kết điện giữa chúng bắt đầu trở nên sôi nổi một cách đáng ngạc nhiên. Một thời gian dài sau khi có những kích thích đầu tiên, các cá ngựa và nơ-ron vỏ não thích hợp vẫn còn tán gẫu về chuyện này. Ngay cả khi tôi lên giường đi ngủ vào đêm hôm đó, các con cá ngựa vẫn đang mải miết gửi đi những tín hiệu về Austerlitz quay trở lại vỏ não, tua đi tua lại ký ức đó trong khi tôi đang ngủ. Quá trình xử lý độc lập này cho biết lý do có sức thuyết phục một cách kỳ lạ nhằm lý giải cho giấc ngủ hàng ngày. Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với việc học tập sẽ được mô tả chi tiết trong Chương 7.

3. Trong lúc những vùng này đang tích cực hoạt động, bất kỳ ký ức nào làm trung gian đều dễ bị mất đi và bị sửa đổi. Tuy nhiên điều đó không phải luôn như thế.

4. Sau một thời gian, các cá ngựa sẽ giải phóng vỏ não, từ bỏ mối liên hệ này một cách hiệu quả. Điều này sẽ chỉ để lại vỏ não nắm giữ ký ức về sự kiện. Nhưng có một sự chia rẽ khá quan trọng. Các cá ngựa sẽ sắp xếp tế bào “ly dị” chỉ khi nào trí nhớ vỏ não hoàn toàn được củng cố chỉ khi trí nhớ thay đổi từ sự thoáng qua ngắn ngủi và dễ bị thay đổi sang một trạng thái bền vững và cố định. Quá trình này diễn ra ở trung tâm củng cố hệ thống và liên quan đến sự tái tổ chức đầy phức tạp các vùng của não, hỗ trợ cho một vết trí nhớ đặc biệt.

Vậy phải cần bao lâu để một mẩu thông tin được huy động cho lưu giữ dài hạn trở nên hoàn toàn bền vững? Một cách hỏi khác: Phải mất khoảng bao lâu trước khi cá ngựa hủy bỏ mối liên hệ của nó với vỏ não? Bao nhiêu giờ? Bao nhiêu ngày? Bao nhiêu tháng? Câu trả lời gần như gây ngạc nhiên cho tất cả những ai lần đầu tiên nghe về chuyện này. Câu trả lời là: Có thể mất hàngnăm.

Các ký ức luôn vận động

Bạn còn nhớ H.M., anh chàng được phẫu thuật gỡ bỏ não cá ngựa và khả năng mã hóa thông tin mới? H.M. có thể gặp bạn hai lần trong hai tiếng đồng hồ mà hoàn toàn không tái thu thập lại điều gì từ cuộc gặp đầu tiên. Sự mất khả năng mã hóa thông tin cho lưu trữ dài hạn được gọi là chứng quên ngay sau chấn thương. Hóa ra bệnh nhân nổi tiếng này cũng từng mắc chứng quên trước khi chấn thương, mất các ký ức về quá khứ. Bạn có thể hỏi H.M. về một sự kiện xảy ra ba năm trước cuộc phẫu thuật. Không có ký ức nào hết. Bảy năm trước cuộc phẫu thuật. Không có ký ức. Nếu đó là tất cả những gì bạn biết về H.M., bạn có thể kết luận rằng sự mất não cá ngựa tạo nên sự mất trí nhớ hoàn toàn. Nhưng bạn nhầm rồi. Nếu bạn hỏi H.M về quá khứ khá xa, có thể là thời thơ ấu, anh ta sẽ thể hiện một sự tái thu thập hoàn toàn bình thường, cũng như tôi và bạn. Anh ta có thể nhớ về gia đình mình, nơi anh ta từng sống, các chi tiết về các sự kiện khác nhau, v.v… Đây là một cuộc đối thoại với một nhà nghiên cứu đã cộng tác với anh ta trong nhiều năm:

Nhà nghiên cứu: Anh có thể nhớ được bất kỳ sự kiện đặc biệt nào không – như một kỳ nghỉ, Giáng sinh, sinh nhật, Phục sinh?

(Bạn hãy nhớ rằng, anh chàng này không thể nhớ lại việc đã gặp nhà nghiên cứu này trước cuộc phỏng vấn, dù cho nhà nghiên cứu đã làm việc với anh ta trong nhiều thập kỷ.)

H.M.: Tôi có tranh cãi với chính bản thân mình về dịp Giáng sinh.

Nhà nghiên cứu: về Giáng sinh?

H.M.: À, vì bố tôi là người gốc phương Nam, ở đó ông không ăn mừng dịp lễ này như mọi người ở đây – phương Bắc. Người ta không có cây thông Noel hay thứ gì tương tự như thế. Tuy vậy, ông đã đi lên miền Bắc dù ông được sinh ở vùng hạ Lousiana. Tôi biết tên thị trấn nơi ông chào đời.

Nếu H.M. có thể nhớ lại những chi tiết nào đó về quá khứ khá xa, hẳn phải có một điểm nào đó nơi ký ức bắt đầu mất đi. Điểm đó ở đâu? Nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng, 11 năm trước cuộc phẫu thuật, trí nhớ của anh ta không bắt đầu bị phai nhạt dần đi như vậy. Nếu bạn định vẽ biểu đồ trí nhớ của anh ta, bạn sẽ bắt đầu ở một thang điểm khá cao, và rồi 11 năm trước cuộc phẫu thuật, rồi hạ xuống đến mức zero và duy trì ở mức đó mãi mãi.

Điều này có ý nghĩa gì?

Nếu não cá ngựa liên quan đến mọi khả năng của trí nhớ, thì sự gỡ bỏ nó hoàn toàn có thể sẽ phá hủy mọi khả năng của trí nhớ xóa sạch trí nhớ. Nhưng không phải như thế. Cá ngựa liên quan đến sự hình thành ký ức trong hơn một thập kỷ, sau sự kiện được huy động cho lưu trữ dài hạn. Sau đó, bằng cách nào đó, ký ức chuyển tới một vùng khác không bị ảnh hưởng do những mất mát của não H.M., và kết quả là H.M. có thể nhớ lại nó. H.M. và các bệnh nhân giống anh cho chúng ta biết rằng, cá ngựa duy trì việc hình thành một vết tích ký ức mới trong nhiều năm. Không phải tính bằng ngày hay tháng mà tính bằng năm. Thậm chí là một thập kỷ hay hơn thế nữa. Củng cố hệ thống, quá trình chuyển đổi một ký ức dễ bị mất đi thành một ký ức bền vững phải cần tới hàng năm mới hoàn thành. Trong suốt thời gian đó, ký ức không bền vững.

Hiển nhiên, có nhiều câu hỏi được đặt ra về quá trình này. Ký ức đi đâu trong suốt những năm ở giữa đó?

Joseph Ledoux (nhà Thần kinh học thuộc Đại học New York, Mỹ) đặt ra cái tên “trí nhớ du cư” để minh họa cho nơi tạm trú lâu dài của trí nhớ trong bỏ hoang của thần kinh của não. Nhưng điều đó không trả lời được cho câu hỏi trên. Hiện nay không một ai biết được nó đi đến đâu hay việc nó có đi hay không. Một câu hỏi khác được đặt ra: Tại sao cá ngựa cuối cùng lại vứt bỏ liên kết vỏ não của nó sau khi đã dành nhiều năm nuôi dưỡng chúng? Nơi dừng chân cuối cùng của ký ức ở đâu khi nó đã hoàn toàn được củng cố? Câu trả lời để đáp lại câu hỏi sau chí ít còn rõ ràng hơn một chút. Nơi dừng chân cuối cùng của ký ức là một vùng khá giống với khoảng đệm của phim, đặc biệt nếu bạn thích những phim như The Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz), The TimeMachine (Cỗ máy thời gian) và bản gốc của Planet of the Apes (Hành tinh vượn).

Hành tinh vượn được phát hành năm 1968, cùng năm với cuộc tiến công của quân đội Liên Xô và phù hợp với các chủ đề khải huyền68. Nhân vật chính, một phi hành gia do diễn viên Charleton Heston thủ vai, đã bị rơi xuống một hành tinh do lũ vượn cai quản. Thoát khỏi một nhóm vượn xấu bụng ở cuối phim, những cảnh cuối cho thấy Heston đang đi bộ dọc theo một bãi biển. Đột nhiên, anh ta nhìn thấy một điều gì đó ngoài máy quay, cực kỳ quan trọng, nó khiến cho anh ta quỳ gối và hét lên: “Cuối cùng mày đã làm được. Cầu Chúa cho lũ chúng mày xuống địa ngục hết đi!”, tay đập sóng và thổn thức.

Khi máy quay hướng về phía ngược lại với Heston, bạn sẽ thấy đường nét của một công trình điêu khắc có vẻ quen thuộc. Cuối cùng Tượng nữ thần Tự do đã lộ ra, một nửa vùi trong cát, cho bạn biết lý do khiến Heston đã hét lên. Sau một chuyến du hành trong phim khá dài, anh ta không đi đến một vùng đất xa lạ nào. Heston chưa từng rời khỏi Trái Đất. Nơi anh ta kết thúc cũng chính là nơi xuất phát và chỉ khác biệt là mốc thời gian. Con tàu của anh ta đã “đâm xuống” một điểm trong tương lai xa, một Trái Đất sau khải huyền giờ đây đã bị lũ vượn thống trị. Lần đầu tiên tôi bắt gặp những tài liệu đề cập đến nơi dừng chân cuối cùng của trí nhớ được củng cố hoàn toàn, tôi lập tức nghĩ tới bộ phim này.

Bạn hãy nhớ lại cá ngựa được thiết lập để nhận thông tin từ vỏ não cũng như gửi trả lại thông tin tới đó. Những ký ức tường thuật dường như cuối cùng được lưu trữ trong cùng các hệ thống vỏ não tham gia vào quá trình xử lý các kích thích lúc đầu. Nói cách khác, nơi dừng chân cuối cùng cũng có chức năng là nơi khởi nguồn ban đầu. Sự khác biệt duy nhất là thời gian, chứ không phải là địa điểm. Những dữ liệu này không chỉ nói về sự lưu trữ mà còn đề cập đến việc nhớ lại. Truy hồi một vết tích ký ức hoàn thiện hoàn toàn 10 năm sau có thể đơn thuần chỉ là một nỗ lực tái tạo những khoảnh khắc ban đầu của việc học tập, khi mà ký ức mới chỉ có độ tuổi vài phần nghìn giây! Vậy nên, mô hình hiện nay sẽ như sau:

1. Các ký ức dài hạn xảy ra do sự tích lũy các thay đổi khớp thần kinh trong vỏ não, là kết quả của việc phục hồi lại trí nhớ phức tạp.

2. Những phục hồi này do cá ngựa điều khiển, có lẽ phải mất nhiều năm.

3. Cuối cùng, trí nhớ trở nên độc lập với thùy thái dương trung gian, và vết tích trí nhớ mới hơn, bền vững hơn này được lưu trữ vĩnh viễn trong vỏ não.

4. Các cơ chế truy hồi có thể tái tạo hình mẫu nguyên thủy của các nơ-ron được huy động lúc ban đầu, trong suốt những giây phút học tập đầu tiên.

Lãng quên

Solomon Shereshevskii, một nhà báo người Nga sinh năm 1886, dường như có một năng lực trí không giới hạn, cả lưu trữ lẫn truy hồi. Các nhà khoa học đưa cho anh ta một danh sách các thông tin cần ghi nhớ, thường là sự kết hợp giữa các con số và các chữ cái, rồi sau đó kiểm tra khả năng nhớ lại của anh ta. Khi cho anh ta 3 đến 4 giây để “hình dung” (ngôn ngữ của anh ta), anh ta có thể nhắc lại các danh sách một cách hoàn hảo, dù cho các danh sách có hơn 70 yếu tố. Anh ta còn có thể nhắc lại các mục trong danh sách đó theo chiều ngược lại.

Trong một thí nghiệm, một nhà nghiên cứu cho Shereshevskii xem một công thức phức tạp gồm các chữ cái và các con số chứa 30 thông tin. Sau một bài kiểm tra truy hồi đơn lẻ (mà Shereshevskii đã hoàn thành một cách tuyệt hảo), nhà nghiên cứu đặt danh sách vào trong một cái hộp và đợi trong 15 năm. Nhà khoa học lấy tờ danh sách ra, tìm Shereshevskii và đề nghị anh ta nhắc lại công thức. Không chút lưỡng lự, anh ta ngay lập tức nhắc lại danh sách đó mà không mắc phải một lỗi nào. Trí nhớ của Shereshevskii về tất cả mọi thứ anh ta gặp vô cùng rõ nét, rất chi tiết, rất vĩnh cửu, nhưng anh ta mất khả năng tổ chức nó theo những kiểu mẫu có ý nghĩa. Giống như sống trong một cơn bão tuyết vĩnh cửu, anh ta nhìn thấy phần lớn cuộc đời của anh ta giống như những bông tuyết lấp đầy các thông tin giác quan không liên quan với nhau. Anh ta không thể nhìn thấy “bức tranh lớn”, đồng nghĩa với việc anh ta không thể tập trung vào những điểm tương đồng giữa các trải nghiệm có liên quan và khám phá ra những hình mẫu lặp lại lớn hơn. Các bài thơ, chứa đựng đầy những phép ẩn dụ và so sánh, trở nên khó hiểu đối với anh ta. Trên thực tế, anh ta có thể không hiểu được câu văn mà bạn vừa đọc. Shereshevskii không thể quên, và điều đó ảnh hưởng đến cách anh ta thực hiện các chức năng.

Bước cuối cùng trong xử lý tường thuật chính là lãng quên. Nguyên do khiến lãng quên đóng vai trò quan trọng trong khả năng thực thi của chúng ta không hề đơn giản. Lãng quên cho phép chúng ta đặt ra những ưu tiên đối với các sự kiện. Những sự kiện không liên quan đến sự tồn tại của chúng ta sẽ làm lãng phí khoảng trống nhận thức nếu chúng ta đặt chúng ở cùng mức ưu tiên với những sự kiện mang tính quyết định đối với sự sống còn của chúng ta. Do đó, chúng ta không làm như vậy. Chúng ta hạ thấp tầm quan trọng của chúng bằng cách khiến chúng trở nên kém bền vững hơn. Chúng ta quên chúng đi.

Có vẻ như có nhiều loại lãng quên. Dan Schacter (nhà tâm lý học trường Đại học Harvard, Mỹ), cha đẻ của nghiên cứu về hiện tượng này, đã liệt kê các loại lãng quên trong cuốn sách The Seven Sins of Memory (Bảy tội lỗi của trí nhớ) của ông. Những vấn đề khó nói ra như sự đãng trí, những thói quen không bỏ được, thiếu kiên quyết, những thành kiến, tự kỉ ám thị danh sách này giống như một Phòng chứa những điều khủng khiếp về nhận thức đối với cả sinh viên lẫn các nhà kinh doanh. Không phụ thuộc vào loại hình, tất cả các loại hình đều có một điểm chung. Chúng cho phép chúng ta giải phóng những mảnh thông tin để hỗ trợ những điều khác. Nhờ vậy, sự lãng quên giúp chúng ta làm chủ Trái Đất.

Những ý tưởng

Chúng ta có thể sử dụng tất cả những thông tin này như thế nào để làm chủ lớp học, làm chủ phòng họp? Việc khám phá hạn định thời gian của sự tái trình bày thông tin rõ ràng là một lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu và các nhà thực hành có thể cùng nhau làm việc hiệu quả. Ví dụ như, chúng ta không biết được điều này có ý nghĩa gì đối với ngành marketing. Bạn thường phải nhắc lại một thông điệp bao nhiêu lần trước khi mọi người mua một sản phẩm? Điều gì quyết định liệu họ có còn nhớ đến nó sau sáu tháng hay một năm không?

Phút và giờ Một ngày của một học sinh trung học điển hình được chia thành năm hay sáu giai đoạn kéo dài 50 phút, bao gồm những dòng thông tin không được nhắc lại (và hơi tàn nhẫn nữa). Sử dụng như một khuôn khổ mà những yêu cầu về hạn định thời gian do trí nhớ làm việc đề xuất, bạn có thể thay đổi cái ống năm giai đoạn này như thế nào? Điều bạn sẽ gặp phải có thể là một trải nghiệm lớp học kỳ lạ nhất trên thế giới. Đây là lớp học theo trí tưởng tượng của tôi: Trong một trường học của tương lai, các bài học sẽ chia thành những đơn vị dài 25 phút, lặp lại theo chu kỳ xuyên suốt một ngày. Môn học A được dạy trong 25 phút, tạo nên sự tiếp xúc đầu tiên. Chín mươi phút sau, nội dung dài 25 phút của môn A được nhắc lại, và sau đó, là lần nhắc lại thứ ba. Mọi buổi học được chia ra và được xen vào nhau theo cách đó. Do lịch học tập lặp lại làm chậm đi khối lượng thông tin có thể được truyền đạt trong một đơn vị thời gian, năm học sẽ bị kéo dài đến tận mùa hè.

Ngày và tuần Từ Robert Wagner, chúng ta biết được rằng những phục hồi phức tạp tạo ra một lợi ích có thể được chứng minh qua các khoảng thời gian của ngày và thậm chí của tuần.

ở trường học trong tương lai, cứ mỗi ngày thứ ba hay ngày thứ tư sẽ quay vòng lại để ôn tập những nội dung được truyền đạt trong vòng 72 đến 96 giờ trước đó. Trong suốt “những kỳ ôn tập” này, thông tin lần trước sẽ được trình bày một cách cô đọng. Sinh viên sẽ có cơ hội kiểm tra lại việc ghi chép của họ trong những lần tiếp xúc đầu tiên với thông tin đó, so sánh chúng với điều giáo viên nói tới trong bài ôn tập. Điều này khiến việc thu nhận thông tin sẽ chi tiết, tỉ mỉ hơn. Một bài tập được chuẩn hóa về sửa lỗi sẽ nhanh chóng trở thành một phần thường xuyên và tích cực đối với những trải nghiệm học tập của cả giáo viên và học sinh.

Rất có khả năng những mô hình như thế này sẽ xóa bỏ nhu cầu bài tập về nhà. Lợi ích chính của bài tập về nhà chỉ nhằm buộc học sinh nhắc lại nội dung bài học. Nếu sự nhắc lại đó được thực hiện trong suốt một buổi học, có thể sẽ ít cần phải xem lại hơn. Điều này không có nghĩa là bài tập về nhà không quan trọng, ở các trường học trong tương lai, đơn giản là chúng ta không còn cần tới nó nữa.

Liệu những mô hình như thế có thật sự hiệu quả? Nhắc lại theo khoảng trống có chủ ý vẫn chưa được kiểm nghiệm khắt khe trong thực tế, vậy nên có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Bạn có thật sự cần tới ba lần nhắc lại khác nhau cho mỗi môn học mỗi ngày để thu được kết quả tích cực không? Liệu tất cả các môn học có cần tới sự nhắc lại đó không? Liệu việc chen ngang mạnh mẽ như vậy có làm tổn thương việc học tập bằng những lần nhắc lại liên tục bắt đầu can thiệp vào việc khác trong khi một ngày đã sắp trôi qua? Bạn có thật sự cần những kỳ ôn tập, và nếu có thì bạn có cần đến ba hay bốn ngày không? Chúng ta không biết được.

Năm lại năm Ngày nay, các sinh viên được kỳ vọng là biết được những điều gì đó ở các cấp học nào đó. Vắng mặt một cách đáng tò mò ở mô hình này chính là việc học tập bền vững ra sao sau khi một sinh viên hoàn thành một cấp học. Việc củng cố hệ thống có thể mất nhiều năm, vậy ý tưởng về kỳ vọng đối với các cấp học có cần phải sửa đổi? Có lẽ việc học tập về lâu dài cần được xem xét theo cùng cách một người nghĩ về mũi tiêm phòng dịch, với những mẩu thông tin quan trọng được nhắc lại trên cơ sở một năm hay nửa năm.

Trong lớp học giả tưởng của tôi, đây chính xác là điều xảy ra. Những lần nhắc lại bắt đầu với một bài ôn tập thích hợp và nghiêm túc gồm các bảng tính nhân, phân. Lần đầu học lớp 3, những buổi ôn tập sau sáu tháng và sau một năm dựa trên các sự kiện cơ bản này diễn ra qua lớp sáu. Khi các yêu cầu về kỹ năng toán học tăng lên ở mức độ phức tạp, nội dung ôn tập sẽ được thay đổi để phản ánh sự hiểu biết cao hơn. Nhưng các chu kỳ vẫn vậy. Trong trí tưởng tượng của tôi, những nguyên tắc nhắc lại thích hợp này, được dàn trải qua những thời kỳ dài, tạo nên lợi ích to lớn cho mọi môn học ở trường, đặc biệt là môn ngoại ngữ.

Bạn có thể đã nghe nói rằng có nhiều tập đoàn, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật, thấy thất vọng về chất lượng của đội ngũ sinh viên Mỹ mà họ thuê. Họ phải bỏ tiền ra để đào tạo lại nhiều người trong số những nhân viên mới về các kỹ năng cơ bản mà họ cho rằng những nhân viên này đã đạt được ở trường. Một trong những giả tưởng kinh doanh của tôi là làm cho các hãng cơ khí sát cánh với các trường cơ khí. Nó liên quan đến việc chống đỡ sự thiếu hao hụt này bằng cách tiến hành những trải nghiệm lặp lại sau khi tốt nghiệp. Những bài tập phục hồi này nên được tiến hành sau khi tốt nghiệp một tuần và tiếp tục qua năm công tác đầu tiên. Mục tiêu là gì? Nhằm ôn lại các môn kỹ thuật quan trọng liên quan đến công việc mới. Cần nghiên cứu để không chỉ chọn lựa các chủ đề cần được ôn lại mà còn tạo nên khoảng thời gian cách quãng tối ưu cho việc nhắc lại.

Giả tưởng của tôi chia sẻ gánh nặng giảng dạy giữa các thành viên của công ty với cộng đồng giáo dục, mở rộng ý tưởng về tấm bằng cử nhân tại nơi làm việc. Sự kết hợp này xếp các chuyên viên kinh doanh ngang hàng với các nhà nghiên cứu, đảm bảo rằng các công ty được tiếp xúc với những tiến bộ mới nhất trong các lĩnh vực của họ (và thông báo cho các nhà nghiên cứu những vấn đề thực tiễn hàng ngày mới nhất mà các chuyên viên kinh doanh phải đối mặt). Trong giả tưởng của tôi, chương trình trở nên rất phổ biến khiến cho các kỹ sư có kinh nghiệm hơn cũng bắt đầu tham dự những khóa học bồi dưỡng, tình cờ sát vai với các thế hệ trẻ hơn. Người lính cũ sẽ ngạc nhiên về việc họ đã quên nhiều thế nào, và việc ôn tập cũng như sự lai tạo này đã hỗ trợ các chuyên viên nghiên cứu lẫn các sinh viên trẻ nhiều như thế nào trong việc hoàn thành công việc của họ.

Tôi ước mình có thể nói với bạn rằng tất cả việc này sẽ có hiệu quả, nhưng thay vào đó, điều tôi có thể nói là trí nhớ không định hình trong thời điểm bạn học tập và việc nhắc lại tạo ra sự định hình này.

Tóm lược Nguyên tắc #6

NHỚ ĐỂ NHẮC LẠI

      Hầu hết mọi  ức đều biến mất trong vài phútnhưng những  ức còn sót lại sau thời kỳ mỏng manh được củng cố theo thời gian.

      Các  ức dài hạn được hình thành trong một cuộc đối thoại hai chiều giữa  ngựa  vỏ nãocho đến khi  ngựa phá vỡ kết nối   ức được cố định trong vỏ não –  thẻ mất nhiều năm.

      Não chúng ta chỉ cho chúng ta cái nhìn tương đối về hiện thực  chúng pha trộn những hiểu biết mới với  ức   lưu giữ chúng cùng một nơi.

      Cách thức khiến  ức dài hạn trở nên bền vững hơn  dần dần hợp nhất thông tin mới  nhắc lại  trong những khoảng thời gian nhất định.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.