Luyện Trí Nhớ

Chương 2: Nguyên Nhân Gây Suy Giảm Trí Nhớ



Suy giảm trí nhớ tuy không gây hại cho sức khỏe nhưng đem lại rất nhiều phiền toái và khó chịu cho mỗi chúng ta. Bạn đến lớp và chợt nhận ra mình đã để quên cuốn vở ghi chép ở nhà. Và nếu được ưu ái gọi lên bảng trả bài, bạn sẽ làm sao? Hay một anh bạn trong lớp cuống cuồng lao vào lớp cho kịp giờ học trong bộ quần áo xộc xệch… Những phiền toái ấy xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Việc xác định rõ các nguyên nhân sẽ giúp bạn có những biện pháp phòng tránh và ghi nhớ hiệu quả, đồng thời giúp mang lại những giây phút dễ chịu, thoải mái hơn cho cuộc sống của mình và những người xung quanh. 

Nguyên nhân khách quan

Những nguyên nhân thuộc dạng này thường là do bệnh lý hoặc tai nạn. Nó bao gồm các nguyên nhân khó tránh như: suy giảm trí nhớ do tuổi tác; đột biến gen; rối loạn giấc ngủ; rối loạn tăng động giảm chú ý (Tên tiếng Anh: ADHD – Hyperactivity and attention deficit disorder) (khoảng 4% học sinh mắc phải bệnh lý này); các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa não (như bệnh Alzheimer), u não, viêm não siêu vi…, chấn thương vùng đầu do tai nạn.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân có thể xuất phát từ những thói quen xấu của con người nhưng xét về mặt tổng thể vẫn xếp vào dạng khách quan. Đó là các bệnh như tai biến mạch máu não, các bệnh lý về gan, tuyến giáp, rối loạn giấc ngủ do stress. Đồng thời việc sử dụng một số loại thuốc như: gây mê, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc gây nghiện lâu ngày cũng có thể gây suy giảm trí nhớ.

Cuối cùng cần phải kể thêm căn bệnh trầm cảm mà nguyên nhân của nó chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan. Bản chất của trầm cảm là khiến người bệnh thờ ơ, không chú ý đến xung quanh, giảm quan sát, có cảm giác mất năng lực trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân trầm cảm không buồn để ý đến bất cứ thứ gì, và đương nhiên suy giảm khả năng ghi nhớ. 

 

Nguyên nhân chủ quan

Đây mới là nguyên nhân chính khiến bạn bị suy giảm trí nhớ. Chính thói quen sống không khoa học khiến cơ thể bạn bị tổn hại nghiêm trọng. Lối sống thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và trí lực của bạn. Có thể kể đến những thói quen có hại thường hay gặp dưới đây.

Uống rượu: Nghiện rượu, nhất là rượu mạnh, chính là tác nhân gây nên những tổn thương rất khó, thậm chí là không thể phục hồi ở não bộ. Việc uống rượu thường xuyên không chỉ làm cho trí óc của bạn thường xuyên thiếu minh mẫn để làm việc và học tập tốt mà còn là tác nhân góp phần gây ra các bệnh về gan.

Thức khuya: Đêm là thời gian nghỉ ngơi để não sàng lọc và sắp xếp lại những thông tin, ký ức đã diễn ra ban ngày. Nếu bạn thức khuya, thay vì được nghỉ ngơi, não bạn lại phải hoạt động. Điều này khiến cho chức năng ghi nhớ của não bị rối loạn. Một giấc ngủ đủ và sâu sẽ cải thiện chức năng của não, bảo vệ não tránh nguy cơ suy giảm trí nhớ. Không chỉ vậy, để thức được khuya, nhiều bạn sử dụng các loại thức uống kích thích như cà phê, trà…. Việc sử dụng thường xuyên các loại thức uống này một cách không phù hợp khiến tinh thần bạn luôn căng thẳng và các tế bào thần kinh mau chóng bị lão hóa.

Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Việc thường xuyên ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, phẩm màu độc hại sẽ khiến cho cơ thể bạn tích tụ các hóa chất. Lâu ngày chúng sẽ tấn công cơ thể, trong đó có não bộ.

Hút thuốc: Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, những người nghiện thuốc nặng có vấn đề về trí nhớ nhiều hơn những người không hút thuốc. Với mỗi lần hút, chất nicotin có trong thuốc lá sẽ tích tụ ở não từ 3- 5 phút. Lâu dần, chúng sẽ làm co hẹp các mạch máu, khiến não bộ kém nhạy bén và chức năng ghi nhớ giảm. Không chỉ vậy, nó còn là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tai biến mạch máu não, các bệnh về gan.

Thường xuyên tiếp xúc với môi trường thiếu oxy: Thói quen trùm kín chăn khi ngủ hay ở lâu trong phòng đóng kín cửa sẽ khiến lượng oxy cung cấp cho cơ thể quá ít trong khi lượng CO2 lại gia tăng. Tình trạng thiếu oxy kéo dài sẽ khiến các tế bào não hoạt động kém linh hoạt, dễ bị tổn thương. 

Sử dụng điện thoại quá nhiều: Ngày nay điện thoại di động là một vật dụng không thể thiếu đối với con người. Nếu bạn là một tín đồ công nghệ (sử dụng điện thoại để nghe gọi, nhắn tin, lướt web từ 5 giờ đồng hồ trở lên mỗi ngày), chính bạn đang tự tay phá hoại trí nhớ của mình. Bức xạ từ sóng điện thoại chính là một trong những tác nhân gây thương tổn cho các tế bào thần kinh và vùng trung tâm trí nhớ của vỏ não. Do đó, sử dụng điện thoại với tần suất cao sẽ là một trong những nguyên nhân khiến não bạn đối diện với nguy cơ giảm trí nhớ. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến hoạt động của những nhóm gen có liên quan đến bộ nhớ.

 

Ngoài ra, một số nguyên nhân tâm lý như: stress, mất ngủ do căng thẳng khiến khả năng ghi nhớ của bạn mai một dần theo thời gian. 

Tóm lại, dù đó là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì chúng đều có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Nó cũng chính là khởi nguồn của rất nhiều những hậu quả khó lường mà chúng ta phải đối mặt do những thói quen xấu trong cuộc sống của chính bản thân mỗi người. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.