Luyện Trí Nhớ
Chương 4: Một Số Sai Lầm Khi Cải Thiện Trí Nhớ
Học càng nhiều nhớ càng lâu
Đôi khi bạn cảm thấy mình không thông minh bằng người khác, vì thế khi kỳ thi đến gần, bài vở còn nhiều, các kiến thức chồng chéo lên nhau, bạn ra sức học với suy nghĩ rằng cách duy nhất để tăng cường trí nhớ là học và học.
Bạn học ngày, học đêm mà không dành cho mình chút thời gian ngơi nghỉ nào, thậm chí có những bạn còn suy nghĩ rằng: cứ học đã, thi xong tha hồ nghỉ ngơi xả láng. Thế nhưng vừa học xong hôm nay, hôm sau kiến thức đã bay biến đâu mất. Vì thế, bạn càng ra sức học với cường độ cao hơn vì cho rằng mình vẫn chưa đủ cần cù mà không biết rằng điều đó hoàn toàn phản tác dụng.
Bộ não của chúng ta cũng cần nghỉ ngơi. Khi bị nhồi nhét quá nhiều, kiến thức sẽ trở nên “bão hòa” và việc học chỉ còn là hình thức. Bạn không thể tiếp thu được gì, chưa kể nhầm lẫn vấn đề này sang vấn đề khác.
Vì vậy cần phải có thời gian cho trí óc bạn nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng bạn nhớ đừng chọn thư giãn bằng cách đánh bài, cá độ bóng đá hay chơi điện tử… Những việc mà bạn tưởng như đúng đắn đó chỉ càng làm thần kinh của bạn căng thẳng thêm. Tại sao bạn không lựa chọn cách đi dạo, tập thể dục nhẹ nhàng hay nghe một vài bản nhạc thú vị. Nó sẽ khiến bạn thấy dễ chịu và thư thái hơn trước khi tiếp tục ngồi trở lại bàn học.
Học thuộc lòng
Ngay từ khi còn bé, khi mới bắt đầu đi học, chúng ta thường được các thầy cô nhắc nhở “các em nhớ học thuộc bài trước khi đến lớp nhé!” hay cha mẹ dặn rằng “phải học thuộc bài và làm bài xong rồi mới được chơi.” Vì thế, chính những điều này đã nhen nhóm trong mỗi chúng ta về một phương pháp học tập gắn liền với việc “học thuộc lòng”. Đã bao giờ bạn băn khoăn liệu “học thuộc lòng” có phải là một phương pháp tối ưu?
Nhiều bạn khẳng định cách nhớ đơn giản và hiệu quả nhất là học thuộc lòng. Họ chỉ cần học thuộc hết những gì thầy cô truyền dạy trên lớp hay kiến thức trong sách vở. Có nhiều bạn không ghi chép bài vở, lên lớp chểnh mảng và đến ngày thi, họ mượn vở của bạn bè đem sao chép rồi học thuộc. Thậm chí, nhiều bạn còn mượn cả đề cương môn học hay các bài tiểu luận của bạn bè. Họ chỉ cần “học thuộc và học thuộc” rồi đem những kiến thức đó vào phòng thi. Họ nghĩ đây là phương pháp “chắc ăn”, giúp họ không bỏ sót kiến thức nào.
Nhưng học tập cần nhiều hơn thế. Nó đòi hỏi một phương pháp thông minh, sự khéo léo, khả năng xử lý thông tin và áp dụng linh hoạt vào bài làm thay vì bê nguyên xi hay sao chép toàn bộ. Họ có thể buồn bã, không biết nguyên nhân tại sao mình lại thi trượt hoặc bị điểm kém. Họ học chỉ để trả bài, để đối phó và chọn bề nổi – điểm số – để làm mục đích học tập của mình. Sau các kỳ thi hoặc các bài kiểm tra, kiến thức của họ lại trở về con số không.
Việc học thuộc lòng mà không cần hiểu bài hay học vẹt làm não bạn trở nên thụ động và lười suy nghĩ. Khi quên một câu giữa đoạn hoặc gặp những câu đòi hỏi sự suy luận, bạn sẽ ngắc ngứ không thể tiếp tục mạch viết hoặc ngộ nhận các câu hỏi kia là kiến thức hoàn toàn mới mẻ, như các bạn thường gọi đùa là kiểu “tủ đè chết người”.
Vì vậy muốn tránh tình trạng này, bạn phải xác định phương pháp học để nhớ nhanh và nhớ lâu. Hãy dành cả con tim và khối óc của bạn vào mỗi bài học, đặt kiến thức, sự hiểu biết thay vì điểm số lên hàng đầu. Có như vậy trí nhớ mới càng ngày càng được mài giũa, tôi rèn và được củng cố theo thời gian.
Học càng khuya càng nhớ nhanh
Khi kỳ thi đến gần, nhiều bạn học sinh, sinh viên ra sức học, thậm chí thường xuyên thức khuya. Lâu dần hình thành thói quen học về khuya. Họ biến mình thành “cú đêm” lúc nào không hay.
Đối với họ, học khuya là phương thức tối ưu hiệu quả bởi họ cho rằng: Càng về khuya không gian càng yên tĩnh, học vào thời gian này dễ tiếp thu, nhớ bài mau hơn.
Nhưng bạn có biết “khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng là thời gian mà cơ thể tạo ra các chất tái sinh, nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt con người có giấc ngủ sâu và tốt nhất trong khoảng từ 11 đến 2 giờ sáng”?
Nếu không ngủ đủ giấc hoặc tự đảo lộn đồng hồ sinh học, cơ thể bạn sẽ dần mất khả năng đề kháng. Theo các chuyên gia về sức khỏe thì thức khuya không chỉ có hại cho trí não mà còn có hại cho sức khỏe nói chung. Đó là lý do tại sao họ khuyên chúng ta nên dành 7 đến 8 tiếng cho giấc ngủ chính vào ban đêm.
Vì thế, việc học khuya khiến bạn khó tập trung vào việc học trên lớp vào sáng hôm sau trong khi cơ thể bạn chưa kịp hoàn lại những năng lượng đã tiêu tốn từ ngày làm việc mệt mỏi hôm trước. Rất có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái uể oải thiếu sinh khí, luôn lơ mơ buồn ngủ và tệ hại nhất là không thể tiếp thu bài giảng. Những gì bạn cố gắng học lại trở thành vô nghĩa.
Thật thiếu khoa học! Bởi điều bạn cần là gia tăng trí nhớ chứ không phải nhồi nhét kiến thức vào đầu.
Hãy đồng hành cùng các chuyên gia với những lời khuyên đơn giản, khoa học và cực kỳ hiệu quả dưới đây cùng với các phương pháp rèn luyện để phù phép cho kiến thức “chui tọt” vào đầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.