Luyện Trí Nhớ
Phần 14: Ghi Nhớ Ngôn Ngữ
Có cậu học trò trí nhớ kém quá, học chữ Viên là tròn, đọc luôn mồm mà vẫn quên nghĩa. Hỏi mãi sợ thầy gắt, cậu bèn lấy đất nặn một viên tròn để dễ nhớ.
Vừa học cậu vừa gõ nhịp chân:
– Viên là tròn, viên là tròn.
Học một lúc cậu ta quên và đọc:
– Tròn là viên, tròn là tròn.
Lầm lẫn quá, cậu vội cầu cứu đến viên đất để dễ nhớ. Nhìn viên đất cậu đã dẫm bẹt từ bao giờ, cậu ta đọc:
– Bẹt là bẹt, bẹt là bẹt.
Đấy là một trong những cách thức để ghi nhớ ngôn ngữ: Liên tưởng – Lặp lại – Chú tâm.
Ngoại ngữ
Rất nhiều người muốn học ngoại ngữ nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đối với họ, ngôn ngữ nước ngoài có cách phát âm và ngắt giọng không logic. Theo một số nghiên cứu thì cách tốt nhất để học ngoại ngữ là sống tại quốc gia nói ngôn ngữ đó. Ở nước ngoài bạn sẽ lĩnh hội rất nhanh nhờ quá trình rèn luyện thường xuyên.
Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể học tốt ngoại ngữ mà không cần di chuyển đến nơi sản sinh ra nó. Việc học ngoại ngữ sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn tiếp xúc với nó ở góc độ đúng. Hãy tập trung, liên tưởng, phân tích, đơn giản hóa ngôn ngữ đó và xem lại cách học hiện tại của chúng ta.
Hiểu được nghĩa của từ
Có khá nhiều bạn luôn cho rằng mình không có khiếu học ngoại ngữ. Nhưng nếu họ bị “đày” đến một vùng đất nào đó thì chắc hẳn chẳng bao lâu sau họ sẽ nói trôi chảy ngôn ngữ của chính vùng đất đó. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định phần lớn vấn đề không nằm ở khả năng mà là sự sẵn sàng học hỏi trong mỗi con người.
Rất nhiều lần chúng ta cố ý hoặc vô tình bỏ qua những lỗi nhỏ trong cách thức đánh vần, phát âm, thậm chí là ngữ pháp. Những lỗi ấy theo thời gian mặc nhiên trở thành thói quen xấu của chúng ta khi học ngoại ngữ.
Nhiều bạn khi phát âm từ “hour” (tiếng Anh có nghĩa là giờ) có thói quen đọc là “hauə” nhưng thực tế “h” là âm câm và cách phát âm chính xác của nó phải là: “auə”.
Một vấn đề khác nằm trong thói quen của chúng ta. Hãy đọc kỹ những từ sau đây: “Economic crisis, inflation, get too caught…”
Bạn hiểu những từ trên có nghĩa là gì chứ? Thực tế, nhiều lúc chúng ta đọc mà không hiểu nghĩa là gì. Vì vậy muốn ghi nhớ chúng để sử dụng trong những hoàn cảnh cụ thể, bạn bắt buộc phải hiểu hết ý nghĩa của chúng. “Economic crisis” là khủng hoảng kinh tế, “inflation” là lạm phát hay “get too caught” là nỗ lực hết sức, v.v… Hãy tạo cho mình thói quen học từ mới mỗi ngày.
Khi gặp một từ mới, bạn hãy cố gắng hiểu nghĩa của chúng bằng cách tra từ điển, hoặc đoán nghĩa của từ thông qua mối tương quan của nó với những từ xung quanh trong đoạn văn bản đang đọc.
Với từ mới, bạn có thể sử dụng các tấm bìa (đã được giới thiệu trong cách thức ghi chú) để ghi nhớ chúng. Một mặt bạn ghi từ đó, mặt còn lại ghi ý nghĩa của nó kèm theo các từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Hãy cố gắng diễn đạt ý nghĩa của từ đó bằng chính ngôn ngữ của nó.
Ngoài ra bạn nên đặt câu với từ mới bạn vừa học được. Cố gắng sử dụng nó thường xuyên trong những văn cảnh phù hợp. Bằng cách này bạn sẽ giúp chúng in sâu vào tâm trí.
Phân nhóm cấu trúc từ và liên kết
Mỗi ngôn ngữ đều được tạo dựng dựa trên những nền tảng chung. Trong số ấy việc vay mượn những ngôn ngữ khác để làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ của mình là việc làm tất yếu.
Ba lê – xuất phát từ ballet (tiếng Pháp), căn tin – cantine (tiếng Pháp), xì căng đan – scandal (tiếng Anh), xô viết – Soviet (tiếng Nga). Hay như Đông Ki Sốt xuất phát từ nhân vật Don Quixote (tiếng Tây Ban Nha) trong tiểu thuyết Don Quixote de la Mancha của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra.
Vì vậy để nâng cao khả năng học ngoại ngữ, bạn nên tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ ấy. Ví dụ, bạn muốn biết nghĩa của từ homophobia, bạn nên biết homo trong tiếng Latin là một tiền tố liên quan đến máu. Phobia trong tiếng Anh nghĩa là sợ hãi. Chính vì vậy homophobia là chứng sợ máu.
Trong tiếng Anh có những từ gọi là căn ngữ (root), căn ngữ này có thể được ghép thêm một cụm từ ở trước gọi là tiền tố (prefix). Tương tự, cụm từ được ghép ở cuối căn ngữ gọi là hậu tố (suffix). Dựa trên điều này bạn có thể ghi nhớ tốt hơn ngôn ngữ này.
Các tiền tố như “dis”, “in”, “un” đều có nghĩa là “không”. “Clean” (sạch) – “unclean” (dơ bẩn); “Agree” (đồng ý) – “Disagree” (không đồng ý). Mis có nghĩa là nhầm – “Understand” (hiểu) – “Misunderstand” (hiểu lầm).
Hoặc hậu tố “able” có nghĩa là: “Có thể được”. “Agree” (đồng ý) – “Agreeable” (có thể đồng ý được). “Ish” có nghĩa là “hơi hơi” – “White” (trắng) – “Whitish” (hơi trắng).
Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm ra một từ đồng nghĩa hoặc từ tương đương trong ngôn ngữ khác. Cách hữu hiệu để ghi nhớ từ là liên kết chúng với những âm thanh và hình ảnh tương tự.
“Ciao” theo tiếng Italia nghĩa là “xin chào”. Từ này đọc lên nghe rất giống từ “Chào” trong tiếng Việt. Như vậy “ciao” nghĩa là chào.
Nghĩa của từ “gomme” trong tiếng Italia là “lốp xe”. Bạn biết rằng từ này có cách phát âm khá giống “gôm” (cục tẩy). “Gôm” cũng được làm bằng cao su, “’lốp xe” cũng làm bằng cao su. Vì vậy mỗi khi nghĩ đến “gomme” trong tiếng Italia, hãy nghĩ đến hình ảnh cục tẩy. Từ gôm sẽ giúp bạn nhớ đến “gomme”.
“Newspaper” nghĩa là “tờ báo”. Nó bao gồm hai phần “news”: tin tức và “paper”: tờ giấy. Vậy “newspaper” là tờ giấy có chứa tin tức hay gọi là tờ báo.
“Bicycle” gồm “bi” và “cycle”. “Bi”: tiền tố có nghĩa là “hai”, “cycle” có nghĩa là “đạp xe”. Vậy bicycle là thiết bị hai bánh phải đạp mới chuyển động được.
Bài phát biểu, thuyết trình
Giống như việc ghi nhớ bài giảng, bạn không nên học thuộc lòng bài phát biểu hay thuyết trình của mình. Việc học thuộc từng câu từng từ khiến bạn căng thẳng vì lo sợ quên mất một ý nhỏ hoặc phân đoạn nào đó. Việc này khiến bạn không thể tập trung vào bài thuyết trình hoặc có thể quên sạch toàn bộ những gì mình dày công xây dựng trước đó.
Đầu tiên hãy liệt kê các ý chính của bài phát biểu hoặc thuyết trình. Chỉ nên đưa ra khoảng 3 đến 5 ý chính kèm theo các điểm yếu và điểm mạnh của bài thuyết trình.
Bạn nên tránh đưa quá nhiều thông tin vào bài thuyết trình, vì điều này khiến bạn gặp khó khăn khi ghi nhớ đầy đủ và cũng khiến người nghe chán nản. Hãy sử dụng những cách thức ghi nhớ ở trên. Thiết lập các hình ảnh, âm thanh then chốt và liên kết chúng bằng phương pháp Loci.
Nếu bạn cảm thấy chưa thông thuộc nơi bạn sẽ thuyết trình, hãy đến đó trước buổi thuyết trình một ngày. Khoảng thời gian này sẽ giúp bạn bình tĩnh và thực hiện một phương pháp ghi nhớ Lecture Hall hiệu quả.
Dựa trên nền tảng phương pháp Loci, phương pháp Lecture Hall thay đổi căn nhà “tưởng tượng” thành căn phòng bạn thuyết trình. Quan sát những đồ vật chi tiết trong phòng và gắn chúng với những gì bạn sẽ nói.
Đứng vào vị trí thuyết trình, quan sát toàn bộ căn phòng, bắt đầu thực hiện cuộc dạo chơi trong tâm tưởng, sử dụng những hình ảnh trong khán phòng để tạo ra hình ảnh miêu tả các điệu bộ then chốt. Ví dụ:
Bóng đèn: Đưa ra ý tưởng, suy nghĩ tuyệt vời.
Loa: Hãy nhấn giọng.
Đồng hồ treo tường, biển cấm hút thuốc: Hãy tạm dừng vài giây.
Máy lạnh hoặc quạt trần, quạt treo tường: Hãy thư giãn bằng cách mỉm cười hoặc đưa ra một ví dụ hài hước.
Liệt kê những hình ảnh này ra giấy khi chuẩn bị bài thuyết trình và liên kết chúng vào từng phân đoạn phù hợp.
Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn, nhanh hơn thông qua các sự vật thực tế ngay trong tầm mắt bạn.
Các công thức
Công thức là sản phẩm của sự kết hợp giữa ngôn từ và con số. Các công thức thường đi kèm với khái niệm hay định nghĩa. Chính vì vậy việc đầu tiên cần làm trước khi ghi nhớ các công thức đó là bạn phải nắm rõ định nghĩa hoặc khái niệm.
Ngoài ra, công thức mới được xây dựng dựa trên nền tảng những công thức đã có trước đó. Vì vậy bạn có thể dựa vào điều này để áp dụng các kỹ thuật ghi nhớ đã biết vào chúng.
Chẳng hạn, thể tích hình trụ tròn là: πr2h. Bạn nhận thấy trong công thức này bao gồm πr2 và h. Rõ ràng πr2 là diện tích của hình tròn có bán kính r, h là chiều cao của khối trụ.
Để nhớ được công thức này, bạn hãy tưởng tượng hình trụ cần tính là hộp trà. Bạn có rất nhiều đồng xu vàng lấp lánh, to bằng đáy hộp trà và bạn lần lượt xếp chúng vào hộp cho tới khi đầy. Sau đó, bạn vui sướng ngồi đếm các đồng xu đó. Chiều cao của tổng số đồng xu chính là chiều cao của hộp trà. Thể tích của số vàng đó bằng thể tích của hộp trà cần tính.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.