Ma thổi đèn 1: Thành cổ Tinh Tuyệt

Chương 4 – Dòng Côn Luân không băng



Mùa xuân năm ấy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy sự uy *********** nghiêm trọng đến từ các thế lực thù địch quốc tế, liền không ngừng tiến hành điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược quân sự như mở rộng quân đội, chuẩn bị tác chiến, đào hầm, trữ lương đồng thời huy động nhân dân tích cực tham gia các cuộc diễn tập phòng không, chống chiến tranh hạt nhân, và chiến tranh hóa học.

Đợt về thăm nhà, có người báo cho tôi một tin nội bộ, rằng vấn đề của gia định tôi sẽ chóng được các ban ngành cấp trên làm sáng tỏ, chứng minh ông nội tôi không phải là địa chủ mà chỉ là thành phần trung nông, như vậy việc thả bố mẹ tôi xem ra chỉ là chuyện một sớm một chiều. Lúc bấy giờ quân Giải phóng đang trưng binh ồ ạt, một ông bạn chiến đấu cũ của bố tôi cho tôi nhập ngũ theo kiểu “lính chạy cửa sau”.

Chú Trần, đồng đội cũ của bố tôi, là tham mưu trưởng của một phân khu quân đội. Năm xưa binh đoàn số 9 tham chiến ở Triều Tiên, cao nguyên Cãi Mã băng tuyến phủ dầy, mười mấy vạn quân tình nguyện bao vây sư đoàn hải quân lục chiến số một tinh nhuệ nhất quân đội Mỹ. Không quân Mỹ thả xuống chiến trường một lượng lớn bom lân tinh, bom napan, biến bầu trời đêm thành sáng rực như ban ngày. Bất chấp tấm bình phong hỏa lực xây bởi làn mưa bom bão đạn của quân Mỹ, quân tình nguyện vẫn phát động những cuộc tấn công như vũ bão, hết trận này đến trận khác…

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bố tôi chẳng quản cái lạnh hơn âm hai mươi độ, lao vào đống binh sĩ thiệt mạng cõng chú Trần đang bị thương nặng chạy ra, đến khi tới trung tâm cứu hộ, cơ thể của hai người đã bị dính chặt bởi máu và nước đông cứng, y tá cũng phải dùng kéo cắt vào da thịt hai người mới tách họ ra được. Tình nghĩa của hai người họ chẳng thể chỉ dùng bốn chữ anh em sinh tử mà so sánh được, vả lại vấn đề của bố mẹ tôi cũng sắp được giải quyết ổn thỏa, nên giờ có sắp xếp cho tôi vào quân ngũ đối với tham mưu trưởng của một phân khu kể ra cũng chẳng khó khăn gì.

Chú Trần hỏi tôi muốn làm lính gì, tôi bảo muốn làm không quân, nghe nói phi công có chế độ ăn uống tốt. Chú mới gõ vào đầu tôi: “Lái máy bay đâu có dễ thế! Mày vào đội quân dã chiến cho chú, rèn luyện tử tế vài năm, rồi chú điều mày vào làm trong cơ quan quân khu”. Tôi nghe thấy bảo phải làm việc trong cơ quan thì bảo thôi, thà cứ ở bộ đội cơ sở còn hơn, chỉ ngồi trong văn phòng tôi chẳng quen được.

Tôi cứ định quay lại trại Cương Cương chào tạm biệt Tuyền béo với cả Yến Tử, nhưng vì thời gian không cho phép, đành phải viết cho hai người họ bức thư vậy, trong lòng vẫn cảm thấy áy náy không yên, mình thì nhập ngũ làm bộ đội, bỏ mặc bạn tốt lao động nơi núi rừng hẻo lánh, nói thế nào thì cũng vẫn có cảm giác không thể cùng chung hoạn nạn với bạn bè. Có điều cảm giác ấy chỉ ba tháng sau là bay biến, khi ấy tôi mới biết quãng thời gian làm thanh niên trí thức ở Nội Mông mới dễ chịu biết bao!

Tôi được ban trưng binh biên vào một sư đoàn đang sắp chuyển thành bộ đội thiết giáp, chẳng ngờ ma xui quỷ khiến thế nào, vừa mới tới trại huấn luyện tân binh chịu khổ được ba tháng, Quân ủy Trung ương lại hạ lệnh điều đơn vị chúng tôi tới binh trạm đạo 62 ở dãy Côn Luân trên cao nguyên Thanh Tạng, cả sư đoàn đều đổi thành bộ đội công trình.

Thực ra việc này không có gì là lạ, tình hình lúc bấy giờ, bộ đội cả nước đều phải đào hầm, xây dựng những kiến trúc phòng kháng hạ tầng như hầm phòng không, hầm chứa đạn dược, hầm che chiến lược, vân vân, toàn quân hầu như không có người lính nào không đào hầm cả, chỉ khác ở chỗ: đơn vị của tôi sẽ chuyển từ đào hầm nghiệp dư thành đào hầm chuyên nghiệp. Nhiệm vụ của chúng tôi thuộc loại Cơ mật cấp I, xây dựng một căn cứ khổng lồ ở tận sâu trong lòng núi Côn Luân, tuy không ai thông báo rõ cho các chiến sĩ về mục đích sử dụng của căn cứ này, nhưng những người có đầu óc một chút chắc đều có thể đoán ra được cả. Trong quân đội có những điều lệ bảo mật, nên mọi người ngày thường không bao giờ đả động chuyện này. Cũng có lời đồn rằng hoàn thành nhiệm vụ này xong, chúng tôi sẽ lại được biên trở về làm quân dã chiến.

Núi Côn Luân hay còn gọi là Côn Luân Ô Khẩu, cao 4767 mét so với mực nước biển, theo cách nói của địa chất học thì núi này thuộc loại “địa mạo hoang mạc băng tích nhiều năm”, tạo nên bởi các lớp nham tầng chuyển hóa từ những hợp chất phân hủy từ thời cổ đại. Sư đoàn chúng tôi từ trên xuống dưới, ngoài biết đào chiến hào ra, thì chẳng có kiến thức gì về việc thi công các công trình xây dựng, vậy nên quân đội đã đặc phái rất nhiều kĩ sư, kĩ thuật viên đến làm công tác chỉ đạo hướng dẫn, đồng thời tiến hành bồi dưỡng cấp tốc cho các cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ trong vòng năm tháng. Phân đội của tôi được giao phó phái một tiểu đội đi tiên phong xuống miền Nam, vượt qua “Bất Đông Tuyền” (suối không đóng băng) rồi tiến vào tận trong dãy núi Côn Luân rộng lớn, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đi tìm địa điểm ẩn mật thích hợp cho việc xây dựng công trình.

“Bất Động Tuyền” nằm ở bờ bờ phía Bắc sông Côn Luân, còn được gọi là suối Côn Luân, những tấm đá hoa cương quây thành vách, nước suối trong vắt không ngừng tuôn trào hàng vạn năm nay, dù là mùa đông băng giá vẫn không hề đóng băng, cũng không ai biết suối này bắt nguồn từ đâu cả. Cấp trên có lệnh cấm không cho binh lính được tắm rửa ở đây, bởi dân Tạng bản địa coi con suối này là suối thần, thường xuyên bái lậy. Hồi trước khi Tây Tạng vừa giải phóng, đại quân từng đi ngang qua đây, khi ấy vẫn chưa có quy định gì hết, có ba chiến sĩ tự xuống suối tắm, nhưng đều chết đuối cả, nguyên nhân cái chết nghe nói là do trong nước có lượng diêm tiêu và lưu huỳnh rất lớn, mộ của ba chiến sĩ ấy ở bính trạm cách đây không xa, trạm tiếp tế cuối cùng của chúng tôi cũng được đặt ở chỗ ấy.

Cuối cùng chúng tôi cũng tiến vào dãy Côn Luân, dường như mọi người đầu xuất hiện phản ứng cao nguyên nghiêm trọng. Mặt người nào người ấy đều tím bầm lại, mắt mũi tối sầm, đầu óc dường như sinh ảo giác. Dãy Côn Luân sừng sững muôn núi ngàn khe, tựa những con rồng khổng lồ xám bạc cuồn cuộn phóng mình về phía trước, tiểu đội chục người của chúng tôi trông chẳng khác gì một mống kiến nhỏ xíu lạc lõng giữa mạch núi hùng vĩ vô biên này.

Trên đường hành quân, tôi chợt nhớ tới cuốn sách cũ ông nội để lại, trong sách có ghi năm ngàn ngọn núi ở Côn Luân là long mạch cổ của toàn thiên hạ, những mạch núi này từ thời thái cổ đến nay đã vùi náu vô số bí ẩn bên trong, tương truyền lăng tháp của vị vua anh hung Kasar và cánh cửa lớn thông tới Ma quốc trong thần thoại Tây Tạng đều ở cả trong dãy núi hung vĩ này.

Nhiệm vụ của đội tiên phong là phải tìm được điểm thi công thích hợp, ngoài đám lính chúng tôi còn có hai kiến trúc sư, một kĩ sư đo vẽ và một kĩ sư thăm dò địa chất, sau khi để xe lại, chúng tôi đi bộ trong núi đã được chẵn hai ngày, buổi chiều hôm thứ hai khi mọi người dựng lều lán nghỉ ngơi, bầu trời dầy đặc những áng mây trì, thi thoảng có vài bông tuyết lất phất, xem chừng đến tối thế nào cũng đổ một trận tuyết lớn.

Bốn kĩ sư đều là loại trí thức đeo kính, họ không thích ứng được với môi trường khắc nghiệt trên cao nguyên, vừa đặt lưng xuống lều đã thở hổn hà hổn hển, nghe tiếng thở ấy mọi người đều lấy làm lo lắng thay cho thân thể còm cõi của bọn họ.

Chính trị viên dẫn đội, tiểu đội trưởng và nhân viên y tế vội pha thuốc hạ sốt cho họ uống, khuyên họ nên ăn một chút, vì càng không ăn sẽ càng thấy thiếu ô xi.

Anh em lính tráng đều thân thể cường tráng, khi nhập ngũ đều phải rèn luyện mỗi ngày chạy việt dã năm cây số ở trường huấn luyện tân binh, nên khả năng thích ứng với môi trường rất mạnh, lúc này về cơ bản ái nấy đều đã dần thích ứng với môi trường thiếu dưỡng khí này rồi. Mọi người dùng antraxit đặc chế đốt lửa trại, ngồi quây quanh đống lửa sưởi ấm, sau đó ăn mỳ nửa sống nửa chín với lương khô, vùng này quá cao, nước đun không thể sôi, nên mì cũng chỉ có thể nấu chín được một nửa.

Mấy chiến hữu tôi chơi tương đối thân có “anh Đô” người vùng Đông Bắc Hắc Long Giang, Cả Oa người Tây Tạng và cậu giao liên Tiểu Lâm người Cát Lâm mới mười sáu tuổi. Mấy người chúng tôi sùm sụp vài ba miếng là hết tô mì, sau đó khề khà mấy hơi rồi đi nghỉ, cảm giác ăn một bữa trên cao nguyên còn tốn sức hơn hành quân việt dã dưới đồng bằng nhiều.

Tiểu Lâm nghỉ một lúc rồi bảo tôi: “Anh Nhất! Anh nhập ngũ ở thành phố, hiểu rộng biết nhiều, anh kể chuyện gì cho bọn tui nghe đi chớ!” anh Đô cũng hùa theo: “Trời ơi, tui thấy thằng cha Nhất nó kín tiếng quá trời quá đất à, lát nữa còn phải họp tiểu đội, đằng nào cũng không được nghỉ sớm, thôi cứ kể chuyện cho anh em nghe đi mừ!”.

Cả Oa nói tiếng phổ thông không được sõi, nhưng nghe hiểu được, cậu ta cũng muốn nói gì đó, mấp máy một hồi rồi cứ ngây ra chẳng nhớ định nói gì, đành chỉ thẳng vào tôi rồi trỏ trỏ, tôi đoán anh chàng đại khái bảo tôi kể đi, cậu ta cũng muốn nghe.

Tôi bèn le lưỡi đáp: “Không khí loãng thế này mà mọi người vẫn có hứng thú được cơ à? Được rồi, các đồng chí đã muốn nghe thì tôi đành tán gẫu một đoạn vậy, lát nữa họp mà tiểu đội trưởng gây khó dễ cho tôi thì mọi người phải nói đỡ cho đấy nhé!”.

Tại sao tôi lại nói vậy, bởi vì tay tiểu đội trưởng nay thường ngày cứ ngứa mắt với tôi, hắn nhập ngũ dưới quê, phục dịch như nàng dâu hầu nhà chồng trong quân đội năm năm mới lên được chức tiểu đội trưởng tép riu, nên đặc biệt khó chịu với loại “lính chạy cửa sau” con em cán bộ cấp cao như tôi. Mỗi lần họp tiểu đội là hắn bắt tôi phát biểu đầu tiên, rồi những nhằm những chỗ sơ hở của tôi để phê bình chỉ trích, chuyện này dường như đã thành quy luật, làm tôi tức điên cả người lên, chẳng muốn nhắn lại nữa.

Nhưng giờ kể chuyện gì mới được nhỉ? Số sách tôi đã đọc cộng lại chưa đến mười cuốn, trong đó Tuyển tập Mao chủ tịch bốn cuốn, Những lời bác Mao dạyTự điển một cuốn, rồi Mặt trời đỏ cũng coi là một cuốn, Quân cận vệ thanh niên tính là cuốn nữa. Nhưng mấy quyển đó tôi kể hết cả rồi, còn có cuốn Bí thuật phong thủy nữa, có điều tôi nghĩ họ nghe cũng chẳng hiểu. một cuốn,

Tôi vắt óc nghĩ, cuối cùng nhớ ra một cuốn sách tôi mượn của Điền Hiểu Manh hồi còn đi tham gia lao động ở Nội Mông, đó là cuốn sổ chép tay ghi lại những truyền thuyết dân gian, nội dung chủ yếu kể về tổ chức và hoạt động của Đảng Hoa Mai 1, ngoài ra còn có không ít những câu chuyện kỳ quái hồi bấy giờ, trong đó câu chuyện Một trăm bộ ba mỹ nhân đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc.

Câu chuyện xảy ra trên một chuyến tàu từ Bắc Kinh về Nam Kinh, cô sinh viên Triệu Bình Bình bắt chuyến tàu này về Nam Kinh thăm nhà, người khách ngồi đối diện với cô là một anh sĩ quan quân Giải phóng khôi ngô tuấn tú, chẳng biết vô tình hay hữu ý, hai người họ bắt chuyện với nhau. Triệu Bình Bình bị phong độ ngời ngời và cách nói chuyện hết sức có duyên của chàng sĩ quan trẻ hút mất hồn, qua câu chuyện, cô biết hoàn cảnh gia đình anh sĩ quan rất tốt, lại được học hành cẩn thận, Triệu Bình Bình thậm chí còn mơ tưởng mình được gả cho đối phương nữa. Chẳng mấy chốc, đoàn tàu đã tới ga Nam Kinh, anh sĩ quan mời Triệu Bình Bình tới quán ăn gần ga ngồi nói chuyện, trong bữa ăn anh ta chạy đi gọi điện một lát, quay lại liền đưa cho cô một bức thư nhờ gủi về nhà. Nghe anh ta nói có nhiệm vụ khẩn cấp phải gấp về đơn vị, không thể về nhà luôn được, Triệu Bình Bình liền nhận lời ngay không chút do dự, hai người quyến luyến nhau mãi rồi mới chia tay.

Ngày hôm sau, Triệu Bình Bình đưa thư tới nhà anh sĩ quan, đón tiếp cô là một bà già, bà mở thư ra đọc rồi nhiệt tình mời Bình vào nhà ngồi chơi uống nước. Triệu Bình Bình uống vài ngụm trà, nói chuyện với bà già mấy câu, đột nhiên cảm thấy hoa mắt choáng váng, ngã lăn ra đất.

Một xô nước lạnh thấu xương dội thẳng vào người khiến Bình Bình bừng tỉnh, cô phát hiện mình bị lột trần, trói trên một chiếc ghế băng, bốn bức tường xung quanh treo đầy da người. Mấy người đang đứng vây xung quanh cô là mụ già ban nãy và mấy tên đàn em vạm vỡ. Mụ lấy bức thư ra giơ trước mặt Triệu Bình Bình cho cô xem, trong thư chỉ viết một câu duy nhất: “Đã đưa đến tấm da mỹ nhân thứ một trăm, xin kiểm tra lại”. Mụ già cười lạnh lùng, nói: “Mày chết đến nơi rồi, để tao nói cho mày được chết minh bạch, bọn tao là đội đặc vụ bí mật, lột lấy da bọn con gái chúng mày để nhét thuốc nổ vào, tất cả một trăm bộ da người cuối cùng cũng đủ số rồi”. Nói đoạn liền rút ra một con dao nạo sáng loáng đưa cho một tên đàn em, dao nạo là loại dao đặc chế, chuyên dùng để lột da, gã to con kia đưa con dao cắt xuống đầu Triệu Bình Bình trong tiếng kêu gào thảm thiết của cô…

Tôi đang kể lên hứng, thì bị tiểu đội trưởng chạy lại ngắt lời: “Đừng kể nửa! Đừng kể nửa! Hồ Bạt Nhật! Đồng chí chị bịa chuyện vợ vẩn gì thệ! Mọi người họp giờ đây! Đồng chị thịch lặm mồm thì lạt tui cho đồng chị phạt biệu trược, được phỏng!”.

Tôi vội đứng nghiêm, bắt chước giọng của tiểu đội trưởng trả lời: “Không được! Không được! Sao lại là tui nọi trược! Nếu có nói, cũng phải đến lượt tay Cả Oa, mọi người đều bình đẳng mới là nguyên tắc xã hội chủ nghĩa chứ!”.

Tiểu đội trưởng lại nói: “Đồng chí Nhật! Sao đồng chí lại nói năng như vậy? Tui đề nghị đồng chí không được bặt chược cạch tui nọi! Tui là tiểu đội trưởng, tui bảo đồng chị phạt biểu đồng chị phải phạt biểu chự, không cọ chủ nghỉa bình quân tuyệt đội gì hệt!”.

Tôi nhìn đám đồng đội ngồi quanh, ai cũng đều ra vẻ rất nghiêm túc đợi nghe tôi phát biểu. Cả Oa nhân lúc tiểu đội trưởng không chú ý, còn lè lưỡi trêu tôi nữa. Mấy ông tướng này thật chẳng trượng nghĩa gì cả. Giờ chỉ còn cách tự cứu lấy mình mà thôi:” Báo cáo tiểu đội trưởng! Hôm nay chúng ta thảo luận về vấn đề gì vậy? Đồng chí còn chưa nêu rõ, đồng chí bảo tôi phát biểu thế nào?

Lúc bấy giờ, chính trị viên bước lại, chính trị viên Lý Kiện, năm nay ngoài ba mươi tuổi, thân hình trung đẳng, con người nho nhã, cũng là một người lính lão luyện nhiều năm, anh đối đãi với anh em binh lính rất tốt, không làm bộ làm tịch bao giờ, anh nói với mọi người: “Các đồng chí đang họp à? Tôi đến dự thính một lúc!”.

Tiểu đội trưởng vội chạy đến chào chính trị viên, anh chỉ huơ huơ tay tỏ ý mọi người cứ tiếp tục, đừng vì mình mà ảnh hưởng đến cuộc họp.

Trình độ của thằng cha tiểu đội trưởng này thực ra rất kém, thấy có chính trị viên ngồi bên cạnh liền trở nên căng thẳng, chẳng biết phải nói gì, có lẽ hắn nghĩ có lẽ hát một bài thì tương đối đơn giản, liền bảo với mọi người: “Cạc đồng chị! Chụng ta cùng hạt một bài ca Cách Mạng để cổ vú y chị nào! Cạc đồng chị thậy cọ được không?”

Đám chiến sĩ chúng tôi liền đồng thanh trả lời: “Được!”. Chính trị viên ngồi bên cạnh suýt nữa sặc cười, vội giả vờ ho để che giấu.

Tiểu đội trưởng không thấy có gì buồn cười cả, nghiêm mặt giơ hai tay lên làm động tác chỉ huy giàn nhạc: Các đồng chí! Tui mào trước, nào… Núi Nhị Lang… hai… ba!”

“Núi Nhị Lang à núi Nhị Lang, trập trùng muôn trượng vẫn vang ca. Ơi quân giải phóng mình gang thép, xông pha khí thế rõ ngang tàng. Mặc gió táp tuyết giăng muôn lối, xây đường lên Tây Tạng thênh thang!”.

Tuyết rơi ngày một lớn, tiếng đồng ca của mười mấy chiến sĩ vang vọng trong những áng tuyết rãi đầy trời đất Côn Luân, cũng chẳng biết là những bông tuyết ngập trời, những dãy núi bạt ngàn dội vang tiếng quân ca hào sảng, hay là tiếng quân ca điểm xuyến cho vẻ thê lương tĩnh mịch của dãy Côn Luân, nhất thời cả những kĩ sư công trình nằm trong lều trại cũng đều bị lôi cuốn bởi tiếng hát vang trời này, họ quên hết cả phản ứng cao nguyên, dõi mắt nhìn theo những dãy núi trải dài tít tắp trong tiếng quân ca, sóng lòng dồn dập vỗ về…

——————————–

Chú thích:

1 .Đảng Hoa Mai: một trong những đảng phái chống phá Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thời kỳ cách mạng Văn hóa. Cuốn sách tác giả kể trên quả thực được phát tán và lưu truyền trong xã hội bấy giờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.