Ma thổi đèn 3 – Trùng cốc Vân Nam

Chương 9 – Tín hiệu ma



Sau khi rời quân ngũ, tôi thường xuyên gặp ác mộng, nếu không cũng mất ngủ cả đêm. Từ ngày buôn bán đồ cổ ở Bắc Kinh, tập trung tinh thần vào đó, nên mới dần thấy nhẹ nhõm hơn, hễ đặt mình xuống là ngủ ngay, ngủ chưa đẫy giấc thì dù sấm nổ bên tai cũng không nhúc nhích.

Chẳng biết tôi đã ngủ như thế bao lâu, bỗng có người khẽ lay tôi tỉnh lại.

Tuy mệt rã rời nhưng tôi vẫn thấy có chút thấp thỏm bất an, bị đẩy một cái, liền tỉnh lại ngay. Lúc này tầng mây dày nặng đã dịch chuyển, ánh trăng lạnh đang tràn xuống đây. Người vừa đánh thức tôi là Shirley Dương. Thấy tôi mở mắt, cô lập tức đưa ngón tay trỏ lên môi, ra hiệu đừng nói to.

Tôi nhìn xung quanh, Tuyền béo vẫn đang nằm trong túi ngủ ngủ say như chết, trên người tôi chẳng biết từ lúc nào đã được choàng một chiếc chăn mỏng. Vừa ngủ say tỉnh lại đầu óc vẫn còn lơ mơ nhưng tôi lập tức hiểu ra ngay rằng có vấn đề.

Shirley Dương một tay lăm lăm khẩu súng ngắn 64, tay kia chỉ vào hai cây đa phu thê, rồi lại chỉ vào tai, nhắc tôi hãy lắng nghe tiếng động ở chỗ đám cây ấy.

Tôi lập tức ngồi thẳng lên, nghiêng tai lắng nghe. Tuy tôi không có công phu Thuận phong nhĩ thính như loài chó canh đêm giống tiền bối Gà Gô, nhưng trong rừng sâu cực kỳ yên tĩnh, khoảng cách lại gần, nên nghe thấy rất rõ ràng những tiếng gõ nhè nhẹ lúc mau lúc thưa phát ra từ đó.

Âm thanh không lớn, nhưng giữa đêm khuya khoắt, toát lên vẻ kỳ quái khó tả, không có tiết tấu gì hết, là thứ gì phát ra vậy? Chắc chắn không phải là chim gõ kiến, những âm thanh truyền ra từ bên trong thân cây, lẽ nào trong ấy có thứ gì đó?

Nghĩ đến đây tôi không tránh khỏi có phần căng thẳng. Tương truyền rằng xung quanh mộ Hiến vương có bồi lăng (1) và hố chôn người tuẫn táng, lại còn cả những tượng người ươm “trùng dẫn” treo lộn ngược lủng lẳng kia nữa, có trời mới biết trong khu rừng già này còn có những của nợ tà dị gì nữa?

Tôi không dám ho he, từ từ kéo quy lát chiếc “Kiếm Uy” về phía sau, rồi đeo túi xách lên người. Trong cái túi này có móng lừa đen kỵ tà trấn xác, có thừng trói thây, có gạo nếp, dù gặp tình huống gì, có mấy thứ này, cũng có thể giao đấu một trận.

Những tiếng gõ trầm đục ấy lại vang lên lần nữa, nghe như tiếng nước rỏ giọt, lại giống như tiếng móng tay gõ vào tấm tôn, lúc khoan lúc nhặt. Tôi nhìn vào chỗ phát ra âm thanh, nhưng cành lá che phủ kín mít nên không nhìn ra gì hết. Ánh trăng lấp lóa chập chờn xen giữa lá cành, càng làm cho phía trên ấy đượm phần ma mị uy *********** người ta.

Shirley Dương ghé tai tôi thì thầm :” Vừa nãy anh ngủ thiếp đi, tôi tĩnh tâm lại nên mới nghe thấy tiếng động này, hình như trong thân cây có người ….”

Tôi cũng khẽ hỏi :” Người á? Sao cô khẳng định không phải là động vật?”

Shirley Dương nói :” Âm thanh nhỏ, quái dị, lại không có quy luật gì, thoạt đầu tôi cũng nghĩ là do động vật phát ra, nhưng mới rồi lắng nghe thật kỹ, nhận ra trong đó có một đoạn tín hiệu Morse, nhưng tín hiệu này chỉ xuất hiện một lượt, sau đó lại trở nên bất quy tắc, có lẽ vì âm thanh tương đối nhỏ, nên rất có thể tôi nghe bị sót mất một phần …”

Tôi như người đi giữa đám sương mù, nhưng cảm giác bất an trong lòng lại càng dâng lên mãnh liệt. Tôi nói nhỏ với Shirley Dương :” Tín hiệu Morse? Tức là mã điện báo quốc tế chỉ có hai tín hiệu ngắn và dài ấy à? Cô đã nghe được điều gì thế?”

Shirley Dương nói :” Ba ngắn ba dài ba ngắn, tức là tạch tạch tạch, tè tè tè, tạch tạch tạch. Dịch ra được tín hiệu cầu cứu thông dụng trên khắp toàn cầu – SOS”.

Tôi nói với Shirley Dương :” Cô đừng tự hù dọa mình nữa đi, mã Morse được dùng rộng rãi nhất thế giới thật, nhưng dù sao nó vẫn là mã điện báo thay thế chữ cái tiếng Anh. Ở chốn rừng rú này, ngoài lão mù và đồng bọn đã đến đây vào những năm Dân Quốc, thì chỉ có mấy người thợ khai thác đá mò vào, cũng chỉ vì tò mò mà đi qua sơn động vào rừng nhìn ngó rồi quay về. Dân địa phương thì rất mê tín, không dám vào rừng rậm sau núi Già Long, vì họ sợ gặp phải ma … ma …”

Nói đến chữ cuối cùng, tôi cũng cảm thấy không được tốt lành lắm, vội nhổ nước bọt, lòng thầm nhẩm niệm :”Bách vô cấm kỵ” (2).

Shirley Dương xua xua tay, bảo tôi đừng nói nữa để nghe lại thật kỹ. Âm thanh ấy lại vọng ra từ trong thân cây, lần này thì nghe rất nét, tiếng dài tiếng ngắn, đúng là ba ngắn một dài và ba ngắn, tiếng ngắn gấp gáp, tiếng dài nặng nề.

Shirley Dương lục túi lấy đèn pin mắt sói ra, nói :” Tôi leo lên xem sao”.

Tôi kéo ngay cô nàng lại, nói :” Không được! Cô nhìn xem, ánh trăng đang có sắc đỏ, sương mù mỗi lúc một nồng đậm, trong cây kia chắc chắn có người chết, âm thanh đó chính là tín hiệu ma trong truyền thuyết đấy”.

Shirley Dương hỏi :” Tín hiệu ma là gì? Sao tôi chưa từng nghe nói nhỉ?”

Tôi mới trả lời cô nàng rằng :” Chắc cô không biết, trong bộ đội vẫn hay kháo nhau rằng có một số đơn vị đóng quân ở miền núi vùng biên, điện đài thường nhận được những tín hiệu khó hiểu, những tín hiệu ấy chấp chới ngắt quãng, lúc thì cầu cứu, lúc thì cảnh báo … toàn là những nội dung hết sức kỳ quặc. Bộ đội nhận được những làn sóng điện ấy, cho rằng có người gặp nạn đang cầu cứu, đa phần sẽ cử người đến địa điểm phát ra tín hiệu để tìm kiếm, nhưng hễ đi là không về nữa, cứ như đã bốc hơi khỏi thế gian này rồi vậy, cả những tín hiệu quái quỷ ấy cũng im bặt không thấy gì nữa, cho nên mới gọi là tín hiệu ma trong truyền thuyết”.

Shirley Dương đã đội mũ bảo hiểm leo núi lên đầu, nói với tôi :” Những chuyện đồn đại hão huyền vô căn cứ ấy, chính xác sao được? Nơi này đã nằm trong phạm vi khu mộ Hiến vương, cho nên bất cứ hiện tượng dị thường nào cũng đều có khả năng liên quan đến mộ Hiến vương, chúng ta phải tra cho rõ ngọn ngành sự việc. Vả lại, lỡ mà có người bị kẹt trong đó đang cầu cứu thật, thì chúng ta không thể thấy chết mà không cứu được”.

Nói rồi, Shirley Dương dùng cái cuốc chim chuyên dùng leo núi ngoắc lên một cành cây to chắc, mượn sức trèo lên, động tác vô cùng nhanh nhẹn, chỉ vài lần đu đã lên đến lưng chừng cây. Hai cây đa phu thê xoắn vào nhau, cao đến hai chục mét, tán lá xòe rộng đến hơn trăm mét che kín cả ánh trăng, thêm nữa cành lá quá chi chít rậm rạp, đứng dưới gốc cây dùng đèn pin mắt sói chiếu lên chỉ nhìn thấy được chục mét là cùng.

Đèn pha của chúng tôi đã bị phá hủy, cách chiểu sáng hữu hiệu nhất lúc này là giở súng bắn pháo hiệu ra bắn một quả, nhưng còn chưa vào đến Trùng cốc, dọc đường lại không có tiếp tế, cho nên không thể sử dụng xả láng ở đây được. Thấy Shirley Dương leo mỗi lúc một cao, tôi rất lo cho sự an toàn của cô, bèn vội đánh thức Tuyền béo đang rúc trong túi ngủ, bảo đứng dưới cây tiếp ứng, rồi đội mũ bảo hiểm leo núi, bật ngọn đèn gắn trên mũ, bám các nhánh cành và trèo lên theo.

Tuyền béo vừa thức dậy, chưa hiểu rõ tình hình ra sao, tay giương “Kiếm Uy” đứng dưới luôn miệng hỏi tôi xem là chuyện gì. Tôi mới trèo được khoảng một phần ba, nhìn xuống thấy Tuyền béo cứ ngơ ngơ ngác ngác cầm súng đi đi lại lại, bèn dừng lại, cầm cái cuốc chim leo núi gạt cành lá ra, cúi xuống nói :” Cậu đừng chĩa súng lên, coi chừng bị cướp cò thì tôi đi đời! Hình như bên trong cái cây này có gì đó, chúng tôi trèo lên xem xem rốt cuộc là thế nào. Cậu cứ đứng dưới cảnh giới, chớ có chủ quan”.

Lúc này Shirley Dương đã trèo lên rất cao, bỗng kêu lên :” Có một mảnh thân máy bay mắc kẹt trên này, hình như là máy bay của không quân Mỹ”.

Nghe thấy thế, tôi vội huy động cả tay lẫn chân lần theo ánh đèn trên mũ của Shirley Dương mà trèo lên, thấy cô đang đứng giữa tán cây, tay sờ vào một vật thẫm màu, tôi còn cách xa nên không nhìn rõ nó là thực vật hay là xác máy bay.

Khi trèo đến bên cạnh Shirley Dương, tôi mới nhìn rõ, dưới ánh trăng bàng bạc êm dịu như sương, có một đoạn khoang máy bay rất lớn cắm xiên vào giữa hai cây đa, cánh và đuôi máy bay không rõ đã đi đâu, thân bị thủng vài chỗ khá to, bên trong lỗ thủng nhét đầy các thứ gì đó, không thể nhìn rõ. Cánh cửa của khoang máy bay đạ bị bật ra, méo mó biến dạng, có rất nhiều chỗ han gỉ loang lổ, bám đầy rêu xanh và dây leo, hầu như đã trở thành một phần của cây gắn liền với cành lá, càng máy bay bị kẹt cứng giữa các cành cây.

Tôi ngoảnh nhìn về phía ngọn núi Già Long cao vút vươn xa ở đầu kia, thầm nhủ có lẽ chiếc máy bay này đã đâm phải núi, gãy thành mấy đoạn, phần khoang vừa khéo rơi đúng tán cây đa. Xung lực lớn như vậy, quanh đây chắc cũng chỉ có hai cây đa phu thê cao to hiếm thấy này chịu đựng nổi.

Shirley Dương chỉ cho tôi đám thực vật màu lục che phủ thân máy bay mà cô vừa dùng dao lính dù nạo đi, trên đó rành rành hiện ra một chuỗi ký tự C5X-R1XXX-XX2 (X là chữ cái đã bị mờ không nhận ra), tôi không hiểu các quy tắc trong không quân Mỹ, bèn hỏi Shirley Dương :” Là máy bay ném bom của không quân Mỹ? Hay là đội Phi Hổ chi viện cho Trung Quốc thời kháng Nhật?”

Shirley Dương nói :” Tôi chưa phát hiện thấy biểu tượng của đội Phi Hổ trên mảnh thân này, chắc là phần còn lại của một máy bay vận tải kiểu C của không quân Mỹ, có khả năng nó cất cánh từ căn cứ Calcutta ở Ấn Độ trong Thế chiến II, chở vật tư cho quân viễn chinh Trung Quốc đang chiến đấu ở Myitkyina Mianma. Nếu là đội phi hổ chi viện cho chiến khu Trung Quốc thì phải có biểu tượng rất rõ ràng”. Tôi gật đầu :” Chỗ này cách Mianma không xa, tôi xem bản tin thời sự, thấy bảo rằng vùng Đại Hiệp Cốc của Nộ Giang và núi Cao Lê Cống ở rất gần nơi này đã lần lượt phát hiện được vài chục xác máy bay vận tải của không quân Mỹ. Trong ba năm từ 1942 đến 1945, trên đường bay Trung Quốc – Mianma và sau đó là đường bay Đà Phong (3), quân đội Mỹ đã bị rơi không dưới sáu bảy trăm máy bay vận tải xuống lãnh thổ Tây Nam Trung Quốc, thật không ngờ ở đây cũng có một chiếc”.

Tuyền béo đợi dưới gốc cây thấy sốt ruột, ngoác miệng gọi to :” Hồ Bát Nhất! Hai người đứng trên cây bàn chuyện móc nối làm ăn gì vậy? Lại còn bắt tôi đứng đây canh gác nữa hả, trên cây ấy rốt cuộc là có cái gì thế?”

Tôi tiện tay bẻ một cành cây ném xuống chỗ Tuyền béo :” Ông lẻo nhẻo cái gì thế? Chúng tôi tìm thấy một cái xác máy bay vận tải của Mỹ trên này, chúng tôi xem xét cho rõ đã rồi sẽ xuống…”

Tôi mới chợt nhớ đến chuyện lúc nãy có tiếng gõ tín hiệu cấp cứu phát trong thân cây, đưa mắt nhìn mảnh vỡ của chiếc máy bay vận tải, đụng nát ra thế này, sao có thể còn ai sống sót, tín hiệu kia rốt cuộc là thế nào? Chẳng lẽ là âm hồn của tổ lái chưa tan vẫn không ngừng cầu cứu …

Tầng mây trên cao bỗng che khuất mặt trăng, trên cây lập tức tối sầm, tôi nín thở, vẫy tay ra hiệu cho Shirley Dương cùng áp tai vào thân máy bay nghe xem bên trong có tín hiệu Morse kỳ dị ấy nữa không.

Điều này chẳng khó gì, tôi vừa áp tai vào khoang máy bay liền nghe thấy bên trong vang lên ba tiếng “keng, keng, keng” gấp gáp. Âm thanh vang lên hết sức bất ngờ, tôi giật bắn mình kinh hãi, nếu không phải là tay trái đang nắm cái cán cuốc chim đu vào cành cây thì có lẽ tôi đã ngã lộn phộc xuống rồi.

Tôi và Shirley Dương từ đầu chí cuối đều không dám gây ra một tiếng động nào đáng kể, ngoài mấy câu tôi quát Tuyền béo đứng bên dưới, hai chúng tôi chỉ khẽ thì thầm, từ lúc trèo lên cây, chúng tôi không nghe thấy cái thứ “tín hiệu ma” kia nữa, giờ bỗng nhiên có âm thanh vang lên trong thân máy bay, vì khoảng cách quá gần, âm thanh nghe rõ mồn một, làm sao có thể không hoảng hồn cho được.

Tôi và Shirley Dương đưa mắt nhìn nhau, vẻ mặt cô nàng hết sức nghi hoặc nói :” Quái đản thật, chẳng lẽ bên trong có cái gì đó thật? Vừa nãy tôi thấy trên nóc khoang máy bay có một chỗ bị vỡ, chúng ta thử nạy ra xem bên trong thế nào”.

Shirley Dương còn không sợ, tôi đương nhiên cũng không thể tỏ ra sợ sệt, bèn gật đầu tán thành :” Được! Nếu trong đó còn xác phi công Mỹ thì chúng ta sẽ tìm cách chôn tạm họ ở đây, rồi đem giấy tờ của họ về, tiếp đó là thông báo cho lãnh sự quán Mỹ đến mà lấy hài cốt. Người Mỹ không câu nệ cái kiểu ” thanh sơn xứ xứ mai trung cốt” (4), chắc chắn sẽ phủ quốc kỳ lên tử sĩ mà đưa về quê hương”.

Shirley Dương nói :” Tôi cũng nghĩ như anh, chúng ta hành động thôi, nếu chẳng may trong khoang có … có cái gì đó,thì dùng móng lừa đen của Mô kim Hiệu úy mà đối phó!”

Tôi cố tỏ vẻ bình tĩnh, cười rằng :” Dù có cái gì thì chúng ta cũng không sợ, đây là mày bay vận tải quân dụng, chưa biết chừng bên trong lại có vật tư quân dụng gì đó, tốt nhất là có thuốc nổ, đổ cái đấu Hiến vương này không chừng sẽ cần dùng đến đấy”.

Tôi chọn một chạc cây có thể đặt chân, lại đóng một cái chốt cố định vào kẽ nứt trên thân cây, lấy dây thừng leo núi buộc chặt người vào đó, rồi cầm cuốc chim nạy cái mảnh kim loại méo mó biến dạng trên nóc thân máy bay.

Shirley Dương ở bên cạnh dùng dao lính dù cắt dây leo bám bò trên bề mặt mảng sắt, hỗ trợ tôi nạy mảnh kim loại ra. Vì đã bỏ hoang hơn bốn mươi năm, máy bay lại bị hủy hoại tương đối nghiêm trọng, bị cây đa lâu năm phát triển chèn ép, nên tôi chỉ bật được một nửa mảnh kim loại, nửa kia chết cứng ở đó, đứng trên cây chơi vơi rất khó vận hết sức lực cho nên không thể làm gì hơn nữa.

Tôi nhoài người trên lỗ thủng, định nhìn xem bên trong rốt cuộc là vật gì đang không ngừng phát tín hiệu, Shirley Dương đứng sau, tay cầm khẩu súng 64 và chiếc móng lừa đen yểm trợ. Ban đêm trong rừng, đèn chiến thuật gắn trên mũ hiệu quả hơn nhiều so với lúc trong hang động tối om không nhìn thấy năm ngón tay, dùng để quan sát tình hình trong khoang máy bay này là cũng đủ rồi.

Tim tôi như muốn nhảy lên đến tận cổ họng, từ từ ghé đầu vào, lúc này trong rừng yên tĩnh lạ thường, tiếng “tưng tưng tưng” trong khoang máy bay vang lên từng tiếng từng tiếng một, mỗi tiếng đều khiến tim tôi thót lên cao một chút.

Ánh đèn trên đầu chiếu vào trong khoang tối đen như mực, nhìn thấy trước hết là chiếc mũ phi công, hình như xác người phi công vừa khéo treo ở đúng chỗ tôi vừa nạy tấm kim loại ra, người ấy đang cúi đầu, rất có thể đã bị gãy cổ khi máy bay rơi, đầu gục xuống trước ngực. Thân máy bay biến dạng tương đối nghiêm trọng, cái hốc này khá hẹp, nên tôi chưa thể nhìn thấy tình trạng của thi thể bên dưới cái mũ, nhưng có thể khẳng định rằng góc gập giữa đầu và thân như thế này không thể là tư thế của người còn sống.

Tôi thò tay vào định nhấc cái mũ phi công lên, không ngờ cái mũ đang gục xuống ấy bỗng khẽ động đậy mấy lần, hình như nó muốn vận sức để ngẩng lên. Mỗi lần động đậy lại phát ra âm thanh như gõ vào tấm sắt.

Toàn thân tôi ướt đẫm mồ hôi, thầm kêu lên một tiếng :” Khốn nạn thân tôi!”. Phen này chắc chắn là gặp phải cương thi rồi, hồi nhỏ tôi sợ nhất là nghe kể chuyện cương thi nằm trong quan tài gõ nắp quan lộc cộc, hôm nay gặp hàng thật rồi, chẳng rõ cái móng lừa đen của Mô kim Hiệu úy từ xưa dùng để khắc chế cương thi có được việc không nữa.

Tôi đâm liều, một tay cầm cuốc chim nhấc cái mũ phi công nứt vỡ ấy lên, tay kia cầm móng lừa đen dúi vào, nhưng phía dưới chiếc mũ bỗng phóng ra một luồng sáng vàng cực mạnh…

——————————–

Chú thích:

1. Lăng phụ.

2. Không phải kiêng kỵ gì hết. Ý nói “không sao, không sao cả…”

3. Đường bay Đã Phong (tiếng Anh: The Hump) là tên được phi công quân đội Đồng minh đặt cho đường bay từ Ấn Độ sang Trung Quốc qua dãy Himalaya, dùng để vận chuyển vật tư quân sự cho quân đội Trung Quốc chống Nhật và hỗ trợ lực lượng không quân Mỹ ở Trung Quốc. Đây là một đường bay cực kỳ nguy hiểm.

4. Những con người trung liệt mai táng ở chốn núi rừng (thơ cổ).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.