Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

1. Làm tới đi!



• Tin rằng mình sẽ làm được

• Có mục tiêu

• Sống hết mình

• Không bao giờ từ bỏ

• Chuẩn bị kỹ càng

• Tin tưởng vào bản thân

• Không ngừng cố gắng

• Giúp đỡ lẫn nhau

Tôi rất thích thú khi phát hiện ra rằng nhân viên ở Virgin đặt biệt danh cho mình là “Dr Yes”. Rõ ràng, nguồn gốc của nó là do câu trả lời nhanh chóng của tôi với một câu hỏi, một lời đề nghị hay một vấn đề thường tích cực hơn là tiêu cực. Tôi luôn cố gắng tìm kiếm lý do để làm một điều gì đó nếu nó có vẻ là một ý tưởng hay, còn hơn là không làm gì cả.

Châm ngôn của tôi là: “Mặc kệ nó, làm tới đi!”

Nhiều người thường nói “không”, hoặc “để tôi suy nghĩ đã”, như một phản xạ có điều kiện khi gặp một câu hỏi, dù nó là về một điều nhỏ nhặt, không quan trọng, hay lớn lao và mang tính cách mạng. Có thể họ quá thận trọng, hoặc nghi ngờ những ý tưởng mới, hay đơn giản là cần thời gian suy nghĩ. Nếu đó là một ý tưởng hay, tôi sẽ nói: “Được, tôi sẽ cân nhắc về điều này!” – và rồi tìm cách biến nó thành hiện thực. Tất nhiên, tôi không nói “có” với tất cả mọi thứ. Nhưng điều nào tệ hơn: thỉnh thoảng phạm sai lầm hay tiếp tục giữ tư tưởng bảo thủ và bỏ lỡ các cơ hội?

Tôi tin tưởng vào việc khai thác và sử dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm của người khác, và đó chính là lý do tôi thích làm việc nhóm. Khai thác năng lượng cũng giống như khai thác trí tuệ. Giao việc cho một người để làm gì nếu bạn lờ đi kinh nghiệm và khả năng của người đó? Điều đó cũng giống như việc bạn hỏi ý kiến chuyên gia rồi chẳng thèm cân nhắc đến lời khuyên của họ.

Tôi cũng tin vào trực giác và khả năng của mình để làm hầu hết mọi thứ tôi muốn. Nếu có một ý tưởng hoặc dự án hay và giá trị, tôi sẽ luôn cân nhắc nó thật kỹ càng, kể cả khi tôi chưa từng làm hay nghĩ về nó. Tôi không bao giờ nói, “Tôi không làm được vì chẳng biết phải làm thế nào.” Tôi sẽ hỏi mọi người, xem xét nó và tìm cách thực hiện. Nhìn, nghe, học hỏi – là những điều chúng ta nên làm cả đời chứ không chỉ ở trường học.

Rồi đến những thứ luật ngu ngốc mà ai đó đã đưa ra vì những lý do chẳng ra sao. Tôi cho rằng nếu chúng ta thành lập những ủy ban hoặc tổ chức phi chính phủ bán độc lập, họ sẽ tìm một điều gì đó vô ích để làm. Thế giới đầy rẫy những thói quan liêu do các ủy ban với quá nhiều thời gian rảnh rỗi và khát khao quyền lực độc đoán tạo ra. Hầu hết những thứ giấy tờ đó là một mớ lộn xộn những biệt ngữ hoàn toàn vô nghĩa và vô dụng. Nếu tôi muốn làm gì đó có giá trị – hay thậm chí chỉ làm cho vui – tôi cũng sẽ không để những thứ luật ngu ngốc đó cản trở mình. Tôi sẽ tìm cách lách luật. Tôi thường bảo nhân viên, “Nếu cậu muốn làm thì cứ làm đi.” Bằng cách đó, tất cả mọi người đều có lợi. Ý tưởng và công sức của nhân viên được coi trọng, họ cảm thấy hài lòng về bản thân, còn Virgin được lợi từ công sức và nỗ lực của họ. Thường thì mọi người bỏ việc không phải vì lương thấp – họ bỏ việc vì không được coi trọng. Nhiều công ty đặt nhân viên trong những chiếc hộp – nếu anh là một nhân viên tổng đài điện thoại thì anh luôn chỉ là một nhân viên tổng đài điện thoại mà thôi. Nhưng chúng tôi coi trọng nhân viên của mình và khuyến khích họ thích ứng và sáng tạo.

Nếu bạn nhận ra một ý tưởng tốt hoặc một việc trong cuộc sống cá nhân mà bạn muốn làm, nhưng không rõ ngay lập tức làm cách nào đạt được nó, thì tôi không cho rằng từ ”không thể” sẽ cản trở bạn. Nếu bạn không có kinh nghiệm cần thiết để đạt mục tiêu thì hãy đi hướng khác và tìm cách khác để thực hiện nó. Vấn đề phức tạp thế nào cũng có cách giải quyết. Nếu bạn muốn lái máy bay, hãy tới sân bay vào năm 16 tuổi và xin một chân pha trà. Hãy luôn mở to mắt. Hãy quan sát và học hỏi. Bạn không cần phải học trường mỹ thuật để trở thành nhà thiết kế thời trang. Hãy xin vào làm nhân viên quét dọn cho một công ty thời trang. Và dần dần tiến lên.

Mẹ tôi, Eve, là một ví dụ hoàn hảo. Khi chiến tranh nổ ra, bà muốn làm phi công. Bà quyết tâm đến nỗi dù chưa bao giờ học lái máy bay nhưng bà biết mình có thể làm được và sẽ làm được. Thay vì suy nghĩ và mơ mộng, bà xin vào làm việc ở sân bay Heston gần nhà để từ đó bước lên nấc thang đầu tiên. Khi hỏi liệu mình có cơ hội lái máy bay không, bà nhận được câu trả lời rằng chỉ đàn ông mới được làm phi công. Điều này không làm bà nhụt chí – trên thực tế, bà coi đó là một thách thức. Bà được một trong số các huấn luyện viên ủng hộ và ông ta bảo bà cải trang thành đàn ông. Mẹ tôi rất xinh đẹp và từng là diễn viên múa trên sân khấu, vì vậy, rõ ràng trông bà chẳng giống đàn ông chút nào. Tuy nhiên, bà đã rất táo bạo khi mặc một chiếc áo khoác phi công bằng da, giấu mái tóc vàng dưới chiếc mũ bảo hiểm bằng da và luyện nói giọng trầm. Và bà đã có được công việc mình muốn. Tất cả những gì công việc này đòi hỏi là sự khéo léo và can đảm. Bà học cách lượn máy bay và bắt đầu dạy các phi công mới. Họ là những anh chàng trẻ tuổi lái máy bay chiến đấu trong trận không chiến trên vùng trời nước Anh. Sau đó, bà trở thành thành viên của đội nữ hải quân hoàng gia Anh và giúp bảo quản những chiếc tàu đưa quân đội tới Pháp. Những cô gái hiện đại như mẹ tôi đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến, là những đặc vụ tình báo, công nhân quốc phòng trong lực lượng vũ trang hoặc lục quân. Họ đã bắt tay vào làm tất cả những gì cần làm.

Sau chiến tranh, hàng không là một cơ hội kinh doanh mới và mẹ tôi muốn trở thành nữ tiếp viên hàng không, coi đây như một cách để ngắm nhìn thế giới. Nhưng vào thời đó, nữ tiếp viên hàng không phải biết nói tiếng Tây Ban Nha và được huấn luyện như là y tá. Một lần nữa, mẹ tôi không chịu để những luật lệ quan liêu cản trở mình. Bà tán chuyện làm quen với người gác cổng đêm ở Hãng hàng không British South American Airways, một hãng mới thành lập hoạt động ở Lancasters và Yorks giữa London và Nam Mỹ, và ông ta đã bí mật cho tên bà vào danh sách. Đó là những chiếc máy bay phản lực chở khách đầu tiên, vì vậy lịch sử đang được tạo nên. Chẳng bao lâu, bà đã trở thành nữ tiếp viên hàng không. Bà vẫn không biết nói tiếng Tây Ban Nha và không phải là một y tá, nhưng bà đã dùng trí thông minh của mình để đạt được mục tiêu. Bà cứ làm thôi. Rất thú vị là những chiếc máy bay chở khách đầu tiên đó chỉ chở một số ít hành khách, 13 người ở Lancaster và 21 người ở Yorks, và cảm thấy thân thiết hơn trong suốt những chuyến bay dài đó. Bạn cũng phải khá dũng cảm để bay tới những vùng hẻo lánh. Máy bay không được điều áp, vì vậy người ta cần tới những chiếc hộp đựng đồ dễ vỡ và mặt nạ dưỡng khí khi bay qua dãy Andes. Một năm sau đó, BOAC (Hãng Hàng không Hải ngoại Anh) tiếp quản BSAA (Liên minh An ninh chống Khủng bố Sinh học), mẹ tôi chuyển sang làm trên tuyến bay tới Bermuda trên máy bay dân dụng Tudor. Chiếc đầu tiên nổ tung; mẹ tôi đi trên chiếc thứ hai; chiếc thứ ba biến mất tại Tam giác quỷ Bermuda. Những chiếc máy bay Tudor không được cất cánh nữa, nhưng mẹ tôi tiếp tục bay cho tới khi lấy bố tôi – một luật sư trẻ – ông đã cầu hôn bà khi hai người ngồi trên xe máy trong một lần bà chuẩn bị bay.

Nhưng mẹ không phải là người duy nhất trong gia đình tôi nói: “Làm tới đi!”

Đại úy Robert Scott, nhà thám hiểm nổi tiếng, là em họ của ông tôi. Là một người đàn ông đầy can đảm, ông đã có hai chuyến đi tới Nam Cực như một bước để chinh phục mục tiêu trở thành người đầu tiên đặt chân tới Cực Nam Trái đất. Thời đó, đi tới cực Trái đất là một việc cực kỳ mạo hiểm và liều lĩnh bởi các nhà thám hiểm không được trang bị thiết bị đặc biệt hay quần áo nhẹ cách nhiệt – trên thực tế, các nhà thám hiểm địa cực chỉ mặc nhiều lớp quần áo mùa đông hàng ngày. Một số người thậm chí chỉ đội mũ và đeo găng tay bình thường. Với nguy cơ thất bại cao – và thất bại có nghĩa là chết chắc – mọi người khăng khăng cho rằng việc này là không thể. Scott nói “Tôi làm được” – và ông đã làm được. Ông đặt chân đến Cực Nam vào năm 1912, nhưng ông chỉ là người thứ hai vì đã hoãn chuyến đi tới khi thời tiết ôn hòa hơn bởi lo cho đám ngựa thồ và chó kéo xe. Roald Amundsen, người chỉ mang theo những chú chó và bắt đầu chuyến đi giữa lúc mùa đông địa cực khắc nghiệt nhất, là người đầu tiên. Điều này đã giáng cho Scott một đòn khủng khiếp. Quá mệt mỏi và ốm yếu, ông và những người đồng hành đã qua đời trên đường trở về. Đúng, ông là người bay trên khinh khí cầu đầu tiên ở Nam Cực – một kỳ tích đáng kinh ngạc và cực kỳ nguy hiểm – nhưng mọi người không nhớ tới điều đó. Họ chỉ nói, tội nghiệp ông già Scott, ông ấy thật can đảm nhưng lại thua cuộc. Chiến thắng là việc đáng tự hào, nhưng cũng không nên xấu hổ nếu không phải là người đứng đầu. Dám thử thách mới là điều quan trọng, và kể cả nếu bạn là người thứ hai, thứ ba hay thứ tư về đích, bạn biết rằng mình thực sự đã làm hết sức.

Tôi sẽ dành thời gian phác thảo dự án thương mại thực sự đầu tiên của mình – tạp chí Student – vì tôi tin rằng phương pháp của tôi rất tốt và nó là một ví dụ tốt của phương châm “Làm tới đi!”. Tôi bắt đầu làm tạp chí Student khi 15 tuổi và đang còn theo học ở trường nội trú Stowe. Tôi làm không phải để kiếm tiền mà vì muốn làm chủ bút một tờ tạp chí. Tôi không thích cách mình được dạy dỗ ở trường, hay những gì đang diễn ra trên thế giới, và tôi muốn thay đổi chúng. Một lý do quan trọng để bắt đầu tờ tạp chí này là tạo ra một nơi nhằm phản đối sự leo thang của cuộc chiến tranh Việt Nam. Một số lượng lớn quân chiến đấu bắt đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 1965 theo lệnh của Tổng thống Lyndon B. Johnson, và chúng ta đã đọc về những chiến dịch đánh bom các thành phố và đường phố miền Bắc Việt Nam. Chất độc da cam cũng được rải bừa bãi từ trên không. Điều đó thật vô nghĩa và sai lầm.

Giống như nhiều nhà kinh doanh mới khác, tôi không coi ý tưởng của mình là “kinh doanh” mà là một tổ chức với động cơ chính trị nhưng đầy vui vẻ và sáng tạo. Với tôi, doanh nhân là phải làm việc tại New York, hút những điếu xì gà to tướng và mặc comple kẻ sọc. Tôi không hề nghĩ rằng doanh nhân có thể mang đủ mọi dáng dấp, tầm vóc và xuất thân bởi vào thời đó, họ hầu hết đều đi theo công thức chung. Tôi vốn đã thử kiếm tiền bằng cách bán thỏ, chim vẹt đuôi dài Australia và cây thông Noel (điều này sẽ được đề cập ở những phần sau). Với tờ Student, mức độ thử nghiệm và sai sót trong những nỗ lực của tôi là rất cao; nhưng hồi đó tôi mới chỉ là một cậu học sinh. Tuy nhiên, một cách bản năng, tôi tuân theo những nguyên tắc tài chính cơ bản trong việc chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh hợp lý. Nhân vật Ngài Micawber trong cuốn David Copperfield của nhà văn Charles Dickens đã đúng khi nói: “Thu nhập hàng năm 20 bảng, chi tiêu hàng năm 19 bảng 19 silinh 6 penni là hạnh phúc! Thu nhập hàng năm 20 bảng, chi tiêu hàng năm 20 bảng 6 penni là bất hạnh!” Nhờ cách chi tiêu khoa học của bố mẹ mà khi lớn lên, tôi biết rằng thu nhập phải lớn hơn chi tiêu. Lợi nhuận là lý do tồn tại duy nhất trong kinh doanh dù bạn vui vẻ, thích thú nó đến mức nào. Một công việc kinh doanh không sinh lời là một chuyện đau đầu, là nguồn gốc của sự căng thẳng và cơn quẫn trí vì tiền bạc.

Khi nói với bạn bè và người quen rằng tôi dự định xuất bản một tạp chí đích thực để bán trên quy mô chuyên nghiệp, nhằm xin lời khuyên và hỗ trợ cho tạp chí đó, tôi phải đối đầu với rất nhiều hoài nghi và thậm chí là những tràng cười nhạo. Họ coi dự án của tôi chỉ là niềm ham mê nhất thời của một cậu học sinh. Một vài người nhún vai bảo rằng tôi còn quá nhỏ và chẳng hề có kinh nghiệm gì. Nhưng tôi rất nghiêm túc – tôi thực sự tin vào bản thân mình, tin rằng mình làm được và muốn chứng minh là họ đã sai lầm. Tôi luôn rất bướng bỉnh, và chính sự phản đối của họ đã củng cố quyết tâm của tôi và khiến tôi trở nên kiên định hơn.

Là một kẻ không ham lý thuyết, tôi có tham vọng trái ngược là trở thành một nhà báo sau khi học xong. Tôi muốn du lịch khắp thế giới, phỏng vấn mọi người và viết những bài báo của riêng mình. Danh xưng “phóng viên thường trực ở nước ngoài” nghe thật đáng mơ ước. Rõ ràng tôi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để làm một phóng viên thường trực ở nước ngoài – vì vậy thay vào đó, tôi có ý tưởng xuất bản một tờ tạp chí. Tại Stowe, chúng tôi có tờ The Stoic, nhưng lại không thể đưa ra những tư tưởng chống đối mang tính cách mạng trong tạp chí đó – ví dụ như những bài báo phản đối nạn bắt nạt trong trường học, bạo lực, những buổi đi lễ nhà thờ bắt buộc, tiếng Latinh và tất cả những truyền thống mà mọi nam sinh ở Anh đều căm ghét và phẫn nộ – chính vì vậy mà tôi nảy ra ý tưởng xuất bản một tạp chí mang tính nổi loạn. Rất nhanh chóng, dự định về một tạp chí dành riêng cho trường Stowe đã trở thành một tạp chí hướng tới tất cả các học sinh trường dự bị đại học tại Anh. Người bạn cùng trường của tôi là Jonny Gems đã cùng tham gia phác thảo kế hoạch, và chúng tôi quyết định rằng tờ tạp chí sẽ có sức hút rộng hơn nếu tập hợp được những bài viết từ học sinh các trường khác và thành lập nên một diễn đàn. Chúng tôi tin rằng một tạp chí như vậy sẽ tạo nên các làn sóng thay đổi những điều vẫn diễn ra hàng thế kỷ nay.

Tôi lấy ra một cuốn sổ và bắt đầu ghi lại một số điều, đầu tiên là ý tưởng cho tên tạp chí: Today, 1966, Focus!, Modern Britain, Interview. Đó là một khởi đầu tốt. Sau đó, tôi liệt kê ra những kiểu bài viết mình muốn xuất bản để có thể truyền cảm hứng cho người đọc. Bước tiếp theo là tính toán về phân phối, phát hành và chi phí. Ở thư viện trường, thay vì làm bài tập về nhà, tôi đọc cuốn Who’s Who và lập danh sách 250 nghị sĩ, sau đó, lập một danh sách tương tự những nhà quảng cáo có thể liên hệ bằng cách lùng sục danh bạ điện thoại. Tôi viết tất cả vào một cuốn sổ có dòng kẻ, bao gồm cả phương châm và khổ của tạp chí. Phương châm của tạp chí là:

Một tạp chí chính trị mới với mục tiêu làm cho mọi nam sinh tại các trường công lập trở nên hứng thú với chính trị và hiểu biết về những đổi mới và những gì đang diễn ra tại tất cả các trường công lập khác trên cả nước. Cộng tác viên của tạp chí bao gồm nam sinh các trường khác, quần chúng và nghị sĩ.

Tôi giở sang một trang mới, viết trên đầu trang: Số lượng thư cần gửi rồi gạch chân dòng chữ. Phía dưới, tôi viết “300 vị hiệu trưởng các trường công lập: 3 x 300 = 600 penni”. (Số tiền tem để gửi thư tới các hiệu trưởng xin phép bán tạp chí tại trường của họ.) Dưới đó tôi viết “phong bì, giấy viết, 300 penni. Tổng cộng, 750 silinh = 3 bảng 17 silinh 6 penni (tương đương 3,75 bảng hiện nay). Khi đã hoàn thành phép tính – 1.000 tờ tạp chí với giá 7,5 bảng, bưu phí và tiền hoa hồng cho các sạp báo – tôi thấy mình bị lỗ.

Chúng tôi không mất nhiều thời gian để tính ra rằng tổng chi phí và doanh thu dự kiến trong một khu vực phát hành giới hạn như vậy là không ổn. Chúng tôi sẽ lỗ to ngay khi chưa bắt đầu; đó không phải là một khởi đầu hứa hẹn cho những khát vọng kinh doanh của tôi. Tôi đành quay lại với tấm bảng vẽ.

Trong nhiều ngày liền, tôi đi lang thang và suy ngẫm hoặc đọc báo và tạp chí nhiều nhất có thể. Điều gì đang xảy ra trên thế giới, điều gì gây tiếng vang? Tôi không biết được, nhưng một cách bản năng, tôi đã nghiên cứu thị trường và khảo sát dân số theo cách sơ đẳng nhất. Gần như tình cờ, tôi phát hiện ra một sự thật hiển nhiên: dù bạn muốn bán thứ gì, đầu tiên là phải xác định được thị trường tiêu thụ. Có lẽ đó là lúc tôi hiểu ra rằng mình đang suy nghĩ quá hạn hẹp. Học sinh có ở mọi nơi – và quyền lực của học sinh là một cụm từ mới được tạo nên và đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Eureka! Tôi đã tìm ra câu trả lời.

Việc đổi tên tờ tạp chí thành Student đã ngay lập tức mở rộng phạm vi và mục tiêu doanh thu của chúng tôi không chỉ từ những học sinh trường dự bị đại học – thị trường ban đầu – mà gồm cả sinh viên đại học: hàng trăm, hàng nghìn khách hàng tiềm năng. Đó là một viễn cảnh tươi sáng và chúng tôi ngày càng hứng khởi. Giờ đây, chúng tôi có thể đưa ra những con số phát hành khổng lồ tới những nhà quảng cáo tiềm năng cũng như các cộng tác viên. Chúng tôi có thể bán tạp chí qua các cửa hàng bán buôn và bán lẻ như WHSmith. Thay vì nói rằng 1.000 học sinh trường dự bị đại học sẽ đọc tạp chí này, chúng tôi có thể đưa ra cho các nhà đầu tư con số 20, 30, 40 nghìn bản một cách đầy thuyết phục. Vào thời đại trước khi Internet bùng nổ, rất khó để biết được số lượng học sinh. Tôi biết Internet đã khiến cuộc sống và công việc nghiên cứu trở nên dễ dàng đối với hàng triệu người như thế nào, và dù ban đầu khá dè dặt, nhưng tôi phải thừa nhận rằng mình cần dùng đến nó nhiều hơn. Tuy nhiên, ý tưởng nghiên cứu thị trường của tôi lại cơ bản hơn: hỏi một người hiểu biết về nó. Tôi nhấc điện thoại gọi cho một người làm ở Bộ Giáo dục và cẩn thận ghi lại con số.

Tôi đã nghĩ rằng kế hoạch kinh doanh của mình rất khoa học và hợp lý – một cách tiếp cận có thể khiến tất cả những người gièm pha tôi phải ngạc nhiên, nhất là giáo viên toán và khoa học của tôi ở trường! Tôi đã tính toán cẩn thận chi phí cho giấy báo và in ấn. Sau đó, tôi tính số tiền thu được từ việc bán báo và quảng cáo. Tôi cho rằng cộng tác viên sẽ vui vẻ giúp đỡ mà không cần thù lao.

Khi tôi bàn bạc các kế hoạch của mình với mẹ, như thường lệ, bà nghiêm túc xem xét ý định của tôi. Bà hỏi: “Con cần những gì để bắt đầu, Ricky?”

Câu trả lời ngay lập tức của tôi là, “Đủ tiền cho các cuộc điện thoại và thư từ mẹ ạ.”

Mẹ tôi luôn nói rằng phải đầu tư mới kiếm ra tiền. Bà giúp đỡ bằng cách cho tôi 4 bảng tiền tạm ứng. Vào năm 1966, số tiền này đủ để trả cho 320 chiếc tem hoặc cuộc điện thoại giá 3 penni (tương đương 1,5 bảng hiện nay). Ngày nay, với 4 bảng, bạn chỉ mua được chưa đầy 14 chiếc tem hạng nhất. Bố của Jonny đặt mua giấy viết thư với dòng chữ STUDENT – TẠP CHÍ DÀNH CHO GIỚI TRẺ ANH được in trên đầu mỗi tờ, cùng biểu tượng mặt trời mọc đầy năng lượng.

Đề nghị lắp một chiếc điện thoại trong phòng học của tôi ở trường bị thầy hiệu trưởng từ chối, nhưng tôi cho rằng thực ra ông ấy cảm thấy khá thích thú. Dù chiếc bàn “văn phòng” của tôi được dành hoàn toàn cho tờ tạp chí nhưng tôi vẫn phải chấp nhận dùng buồng điện thoại công cộng. Tôi đã vỡ giọng, vì vậy, giọng tôi nghe già dặn hơn tuổi thật, nhưng có một trở ngại là tôi không thể nhận điện thoại. Tuy nhiên ở một chừng mực nào đó, tôi cũng được bù đắp khi phát hiện ra rằng tôi có thể gọi miễn phí bằng một cách đơn giản: nói với người trực tổng đài rằng máy điện thoại đã nuốt tiền của tôi và tôi bị ngắt cuộc gọi. Thật may mắn là những cuộc gọi được người trực tổng đài kết nối không có những tiếng “bíp bíp bíp” buồn cười khi những đồng xu được nhét vào máy, hoặc khi cuộc gọi sắp kết thúc. Thêm nữa là, lời của người trực tổng đài nghe như một thư ký: “Ngài Branson đang chờ ngài ở đầu dây bên kia.”

Tôi không phải người duy nhất sử dụng buồng điện thoại công cộng để gây dựng một đế chế – 40 năm trước, một nửa số nhà doanh nghiệp mới nổi tại London đã làm vậy. Bạn phải nhớ rằng đây là những năm 1960, mọi thứ thay đổi nhanh đến chóng mặt. The Beatles, The Rolling Stones , Carnaby Street, King’s Road – đó là một thế giới trẻ trung, sôi nổi, và đầy tính thương mại. Tôi rất ngạc nhiên khi họ xem xét ý định của tôi một cách nghiêm túc.

Phương thức của tôi là viết tay các lá thư, sau đó gửi về nhà cho mẹ tôi. Bà sẽ nhờ Elizabeth, một người bạn trong làng, đánh máy và gửi lại cho tôi theo đợt để ký tên và gửi đi. Jonny và tôi dành gần hai năm trời để viết hàng trăm lá thư kêu gọi quảng cáo cho tới khi tôi đột nhiên nghĩ ra cách làm hiệu quả hơn. Tôi nói với các giám đốc quảng cáo tại Ngân hàng Lloyds rằng Barclay đặt quảng cáo ở bìa bốn của tạp chí – liệu họ có muốn bìa bốn đầy uy tín đó hay để tôi trao nó cho NatWest ? Tôi để Coca-Cola cạnh tranh với Pepsi. Tôi trau dồi kỹ năng thuyết trình, chào hàng và không bao giờ để lộ ra rằng mình chỉ là một cậu học sinh 16 tuổi đang đứng trong buồng điện thoại công cộng lạnh lẽo với một túi đầy những đồng penni. Không tưởng tượng nổi, tôi đã thành công.

Việc gọi điện thoại, viết thư và chờ trả lời thú vị hơn những giờ học tiếng Latinh. Tôi sung sướng đến phát điên khi cuối cùng chúng tôi cũng nhận được một tấm séc đặt quảng cáo từ ngân hàng. Tấm séc trị giá 250 bảng, một số tiền rất lớn. Jonny và tôi sung sướng cả tuần liền, những nụ cười ngoác miệng làm sáng bừng cả khuôn mặt, sáng như mặt trời trên tờ giấy viết thư của chúng tôi. Tổng số tiền bán quảng cáo trên số báo đầu tiên là 2.500 bảng – đủ cho chúng tôi trả tiền in 30.000 bản. Đây là một thành quả không thể tin được của hai cậu học sinh 16 tuổi, vào thời điểm mà giá của một căn nhà trung bình là 3.660 bảng và một chiếc Jaguar E-type là 1.867 bảng.

Chúng tôi cố gắng điều chỉnh nội dung cho phù hợp với tham vọng của mình. Mẹ tôi nhiệt tình tham gia viết bài, hỏi bạn bè về các mối quan hệ. Tôi vẫn nhớ chúng tôi đã hứng khởi thế nào khi Gerald Scarfe , cộng tác viên đầu tiên của tạp chí – nói rằng ông sẽ vẽ một bức tranh biếm họa cho chúng tôi và trả lời phỏng vấn. Tôi cũng cố phỏng vấn những người nổi tiếng bằng cách trốn học và bắt tàu tới London, bằng cách nào đó đã dung hòa được những hoạt động ngoài giờ học này với cuộc sống ở trường.

Khi đó, tôi đã biết rằng mình sinh ra không phải để học đại học hay theo đuổi một cuộc đời học thuật: tôi biết tôi sẽ tự thân vận động tốt hơn ngoài xã hội, và đã vạch ra hướng đi cho mình là trở thành một doanh nhân. Bố mẹ tôi để cho tôi tự lựa chọn. Dù bố tôi có vẻ nghi ngại về kế hoạch rút ngắn cuộc đời học sinh và không học lên đại học – mà ông cho rằng sẽ giúp tôi chuẩn bị cho cuộc sống sau này – nhưng họ vẫn luôn ủng hộ tôi trong mọi việc. Tôi vẫn giữ lá thư đã viết để giải thích cho bố mẹ về suy nghĩ của mình:

Dù làm gì, thì con cũng muốn làm tốt chứ không nửa vời. Con nghĩ rằng trong thời gian cho phép, con đang làm tốt nhất khả năng của mình với tờ Student. Con đã từng chứng kiến mối nguy hiểm khi lưỡng lự giữa hai con đường sẽ làm hỏng mọi việc. Nguy cơ trở thành kẻ thất bại trong mọi việc khiến con phải xác định những ưu tiên nếu con muốn đạt được bất kỳ điều gì. Con cũng mới chỉ 16 tuổi mà thôi.

Rồi tôi viết tiếp, giải thích về những gì mình làm, so sánh với những cậu bạn cùng tuổi, và kết luận:

Bố mẹ không nhìn nhận thế giới ngày nay như khi 16 tuổi. Sự nghiệp của bố mẹ đã được vạch ra rõ ràng. Ngày nay, nó là một cuộc đấu tranh dai dẳng… Student cũng là một sự nghiệp… Nó là khởi đầu của cuộc đời con, cũng như trường đại học hay các bài kiểm tra cuối kỳ là khởi đầu của cuộc đời bố mẹ.

Bố mẹ và tôi nói chuyện rất hợp nhau – và cho tới nay, tôi vẫn nghĩ rằng giao tiếp là bí quyết của thành công trong kinh doanh cũng như các mối quan hệ. Bố mẹ đã ủng hộ tôi sau khi đọc lá thư đó và bố tôi chấp nhận việc tôi muốn đi một con đường khác với ông. Họ đồng ý cho tôi bỏ tất cả các môn học trừ môn lịch sử cổ đại mà tôi thích. Vì vậy, trong kỳ thi cuối kỳ, tôi thực sự không cảm thấy mình đang gian lận khi chép phao ra những tờ giấy nhỏ xíu rồi giấu chúng khắp người, trong túi quần, cổ tay và thậm chí là dưới dây đeo đồng hồ.

Thi xong, tôi đã sẵn sàng bước ra thế giới, trang bị niềm tin tuyệt đối vào bản thân và biết rằng tôi sẽ làm được nếu muốn đạt được điều gì. Tôi mới chỉ 16 tuổi khi bỏ học và bắt đầu dành toàn bộ thời gian cho tờ Student. Tôi chưa bao giờ kinh doanh thực sự – trừ những phi vụ làm ăn thông thường của mấy cậu học sinh – nhưng tôi đủ hiểu biết để nhận thức được rằng không ai có thể sống đơn độc. Mỗi chúng ta đều cần có một người đóng vai trò đối trọng với điểm yếu và khai thác điểm mạnh của chúng ta. Có khi chỉ là một người, có khi là cả một nhóm cùng đóng góp năng lực và khả năng đặc biệt của mình. Thường thì, gia đình chính là mạng lưới ủng hộ của chúng ta – và lời khuyên của tôi dành cho những người khởi nghiệp luôn là: hãy lắng nghe ý kiến từ gia đình bạn, nhận sự giúp đỡ của họ chứ đừng ngay lập tức bỏ ngoài tai.

Jonny và tôi ở tạm tầng trệt trong ngôi nhà của bố mẹ cậu ấy ở London. Thật tuyệt vời khi người ta trẻ trung, tự do và được ở ngay trung tâm thành phố. Chúng tôi uống bia, có bạn gái và bật nhạc ầm ĩ, chẳng khác gì học sinh – nhưng là học sinh không phải đi học. Nhưng, chúng tôi làm việc cũng vất vả chẳng kém gì. Tôi có những buổi phỏng vấn tuyệt vời với những người như James Baldwin , Jean-Paul Sartre , John Lennon , Mick Jagger , Vanessa Redgrave và Dudley Moore . Tôi tự tin đến nỗi không bao giờ tự hỏi tại sao họ sẵn lòng để tôi bước vào nhà họ và nói chuyện trực tiếp với tôi. Sự tự tin của tôi hẳn rất có sức ảnh hưởng bởi chẳng mấy ai từ chối tôi cả. Thật may là vào năm 1966, không có nhiều rào cản trong việc gặp gỡ người nổi tiếng. Vào thời đó, họ không có thư ký, trợ lý hay văn phòng đại diện để ngăn chặn những nhà báo trẻ tuổi háo hức như tôi. Tuy nhiên, tôi thành công phần lớn là vì tôi chỉ gọi điện thoại và viết thư. Chúng tôi có nhiều “tên tuổi” trên các trang báo của mình hơn cả một số tạp chí hạng nhất, khiến các nhà báo, ngôi sao lớn và những nhà trí thức nổi tiếng tò mò về những gì chúng tôi đang đạt được và bắt đầu ghé thăm. Cuộc sống dưới tầng hầm là cả một sự hỗn loạn huy hoàng, một bữa tiệc không bao giờ tàn.

Nhưng chúng tôi cũng rất nghiêm túc. Chúng tôi muốn cử các phóng viên đi lấy tin về những vấn đề lớn của thời đại, như chiến tranh Việt Nam hoặc nạn đói ở Biafra, nhưng chúng tôi không có tiền. Thay vào đó, chúng tôi nghĩ cách khác. Nếu nói với tổng biên tập của các tờ báo khác rằng chúng tôi sẽ cử một phóng viên 16 tuổi đến một điểm nóng để đưa tin theo cách nhìn của người trẻ, có lẽ họ sẽ cảm thấy hứng thú. Tôi gọi cho tờ Daily Mirror và đưa ra đề nghị. Họ đồng ý đặt bài viết này và trả tiền cho Julian Manyon, người đang làm việc cho chúng tôi ở tờ Student, đến Việt Nam. Giờ đây, Julian là một phóng viên 55 tuổi từng nhận giải thưởng báo chí và làm việc cho ITN . Tương tự, chúng tôi cũng thu xếp để anh đi lấy tin về Biafra cho tạp chí. Đó là một bài học giá trị cho thấy rằng với việc đòi hỏi ý tưởng trong hoàn cảnh bắt buộc, trên thực tế, chúng tôi đã đi đến một kế hoạch mới mẻ và có giá trị, và chính nó đã mang đến cho chúng tôi sự nổi tiếng.

Chúng tôi thực sự tin rằng mình đang thay đổi mọi thứ, đưa ra những tuyên bố quan trọng và thu hút sự chú ý của dư luận đối với những sự kiện quan trọng mà đáng lẽ đã bị phớt lờ. Nhưng không phải chỉ có tin bài về chiến tranh và nạn đói – chúng tôi cố gắng cân bằng tờ tạp chí bằng cách kết hợp chính trị với nhạc rock ‘n’ roll và sử dụng quyền lực học sinh để ghi dấu ấn. Chúng tôi còn nhận ra rằng nhờ những bài phỏng vấn John Lennon, Mick Jagger và những người khác, chúng tôi đã mở rộng hơn đối tượng độc giả của mình – dù tên tuổi của họ không đảm bảo thành công dễ dàng. Trở nên nổi tiếng không hề đơn giản. Chúng tôi không đủ tiền để quảng cáo cho tạp chí của mình, vì vậy phải nhờ đến quảng cáo truyền miệng và bán hàng trực tiếp.

Tôi cố gắng thu hút sự chú ý của giới truyền thông, từ đó tăng doanh thu tạp chí. Tôi làm tốt công việc thuyết phục các ký giả của những tờ báo lớn về mức độ ăn khách của tờ Student đến nỗi tờ Sunday Telegraph đã viết: “Các nhiếp ảnh gia, phóng viên và nhà báo của các báo trên khắp thế giới dường như đều tự nguyện cộng tác với tờ Student, và một tổ chức phân phối rộng lớn phát triển tại khắp các trường trung học và đại học, và có lẽ hơn nửa triệu học sinh sinh viên đọc tạp chí này.” Tờ Daily Telegraph viết thêm: “Có thể tờ Student − một tạp chí hào nhoáng, thu hút rất nhiều nhà báo nổi tiếng, sẽ trở thành một trong những tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất cả nước.”

Đây là một lời quảng cáo tuyệt vời, và cũng là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy hạnh phúc trong phần lớn cuộc đời vì đã quảng cáo được về bản thân và Virgin. Quảng cáo thực sự rất hiệu quả. Ngay cả tự nhiên cũng phô trương – hoa lá, chim chóc, và thậm chí cả loài bọ cũng thể hiện mình. Trên thế giới tồn tại nhiều cạnh tranh đến nỗi, nếu muốn bán bất kỳ thứ gì, bạn cũng phải khiến nó được chú ý đến.

Những ngày đầu đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi học được rằng mỗi chúng ta đều có một thứ gì đó muốn bán, có thể là những hộp đậu bày bán ở khắp nơi hoặc chính tài năng của mỗi người. Sản xuất hàng hóa hay sở hữu những ý tưởng tuyệt vời nhất cũng chẳng để làm gì nếu chúng chỉ mãi mãi ở trong đầu bạn hay chất đống ở góc phòng. Khi 30.000 bản đầu tiên được in ra, xếp thành từng chồng, buộc dây cẩn thận và vẫn còn thơm mùi mực mới, cùng với sự hứng khởi, chúng tôi đối mặt với thực tế là hóa đơn tiền in phải trả bằng tiền mặt.

Tôi phát tờ rơi, kêu gọi các học sinh kiếm tiền bằng cách bán tạp chí của chúng tôi. Họ tới nhà chúng tôi, nhặt lấy một chồng tạp chí và đem bán ngoài đường hay ở trường đại học. Rất nhiều người đã trở thành bạn của chúng tôi, sẵn sàng làm mọi điều có thể. Ý tưởng của chúng tôi là bán cho họ từng chồng tạp chí chỉ với nửa giá rồi họ sẽ bỏ túi tiền lãi, nhưng phần lớn học sinh đều rỗng túi nên không thể trả tiền trước, và thường thì họ không bao giờ quay lại trả tiền. Nhưng không thành vấn đề – tin tức đang lan rộng và chúng tôi đang dần được biết đến.

Chúng tôi là một nhóm rất gắn bó; tất cả đều nỗ lực hết mình. Ngay cả gia đình tôi cũng có mặt vào những ngày phát hành, sẵn lòng giúp bán tạp chí. Sự nhiệt tình của họ lôi cuốn chúng tôi và khiến cho công việc trở nên vui vẻ. Mẹ tôi mang một chồng tạp chí lớn tới bán tại khu vực diễn thuyết ở công viên Hyde Park. Em gái tôi là Lindi và tôi dạo trên đường Oxford theo cách truyền thống của những người bán hàng rong và thương nhân – ngay cả Daniel Defoe cũng từng rao bán sách của mình trên đường – và rao lớn: “Tất cả mọi thông tin! Chỉ nửa đồng curon !”

Tôi tràn đầy năng lượng vì là một phần của thủ đô lịch sử và sinh động đó, với truyền thống lâu đời về lòng nhân hậu cũng như kinh doanh thương mại, đến nỗi tôi cảm thấy mình có thể đạt được bất cứ điều gì. Tôi muốn nắm lấy mọi trải nghiệm và giúp thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp, an lành hơn.

Trong những ngày đầu với hóa đơn tiền in khổng lồ, doanh thu thấp và phải đấu tranh từng bước để có quảng cáo, chúng tôi luôn thiếu tiền, phải nhịn đói và lo tìm cách chi trả hóa đơn điện thoại, nhưng dường như đó không phải là vấn đề. Mẹ tôi luôn đến thăm với một giỏ thức ăn và hét vang khi đi xuống tầng hầm: “Đội Chữ thập Đỏ đến đây!” Jonny và tôi cùng những người đến giúp sẽ lao vào đó. Một lần khác, mẹ tôi nhặt được một chiếc vòng cổ trên đường và mang nó tới đồn cảnh sát. Nhưng vì không có ai đến nhận lại chiếc vòng, bà được giữ nó. Biết chúng tôi đang thiếu tiền trầm trọng, bà đem bán chiếc vòng được 100 bảng và đưa tiền cho chúng tôi. Đó là cả một gia tài đã cứu chúng tôi khỏi những món nợ cấp bách.

Mỗi khi một cơ hội mới xuất hiện, tôi đều nắm bắt nó. Khi tạp chí của chúng tôi đang đạt tới điểm bão hòa, thay vì chấp nhận, chúng tôi tìm thêm nhiều cách để kiếm tiền. Chúng tôi mở rộng bằng cách trở thành những người đầu tiên bán đĩa nhạc giảm giá qua thư đặt hàng – quảng cáo đầu tiên xuất hiện trên số cuối cùng của tờ Student. Khi một cuộc bãi công của ngành bưu điện gây cản trở, chúng tôi lại tìm cách khác. Mục tiêu của chúng tôi là mở các cửa hàng bán đĩa, nhưng lại không có đủ tiền. Vì vậy, chúng tôi gặp gỡ chủ cửa hàng bán giày tại một vị trí đắc địa trên đường Oxford và thuyết phục ông ta cho phép sử dụng khoảng không gian còn thừa trong cửa hàng. Chúng tôi cần một cái tên, và Virgin ra đời. Khi đưa ra các ý tưởng đặt tên, một người nói: “Chúng ta là những kẻ chân ướt chân ráo trong kinh doanh. Thế cái tên Virgin thì sao?”

Tôi vận dụng những bài học mà tôi học được từ tờ Student và cố gắng quảng bá cho sự ra đời của cửa hàng đĩa nhạc Virgin đầu tiên trên đường Oxford. Chúng tôi biến nó thành một nơi hợp thời dành cho học sinh bằng cách sắp xếp những chiếc đệm lớn và mềm mại và chia thành những khoang riêng để họ có thể ngồi nghe thử đĩa trước khi mua. Họ muốn đến đó chơi và tán chuyện với bạn bè mình. Một cửa hàng dẫn đến cửa hàng thứ hai rồi thứ ba. Phương thức rất đơn giản: chúng tôi đi tìm cửa hàng trên một con phố đông đúc nhiều người qua lại rồi khăng khăng đòi thuê trong ba tháng nghỉ. Nếu không nhờ ba tháng thuê cửa hàng “miễn phí” đó, chúng tôi hẳn đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã có những cửa hàng đĩa nhạc Virgin tại hầu hết các thành phố lớn – và khi đó tôi chưa đầy 20 tuổi. Tiền đổ vào rất nhanh, nhưng hóa đơn đổ vào còn nhanh hơn! Chúng tôi đã đạt được mục tiêu này nhưng tôi còn có nhiều mục tiêu khác nữa – và dần dần sau nhiều năm, tôi đều đã đạt được.

Tôi cho rằng nên sống hết mình. Năm 1984, khi người đóng tàu Ted Toleman đề nghị tôi tài trợ cho một chiếc tàu để tranh giải Blue Riband cho nước Anh, tôi đồng ý ngay lập tức. Giải Blue Riband (bao gồm cúp Hales) là giải thưởng cho chiếc tàu vượt đại dương nhanh nhất từ Mỹ tới Ai-len. Trước đó, một số tàu chở khách tráng lệ đã giành được giải này, ví dụ như chiếc RMS Lusitania của hãng Cunard (bị chiếc U-Boat của Đức đánh chìm vào năm 1915); chiếc tàu chở khách thanh lịch của Pháp là SS Normandie; và cuối cùng, vào năm 1952 là chiếc SS United States, đã vượt biển trong ba ngày, mười giờ bốn mươi phút. Sau đó, máy bay lên ngôi, thời đại của tàu thủy chở khách suy tàn. Giải thưởng Blue Riband bị lãng quên, và rõ ràng là nó sẽ mãi mãi thuộc về người Mỹ – cho đến khi nước Anh quyết định thách thức.

Tuy nhiên, Virgin Atlantic Challenger không phải là chiếc tàu chở khách nặng 52.000 tấn với 240.000 mã lực như chiếc SS United States. Chúng tôi chỉ có một chiếc tàu gỗ nhẹ cân dài 20 mét với hai động cơ 2.000 mã lực, nhưng luật thi đấu không nói rằng chúng tôi không thể chiến thắng với một chiếc tàu nhỏ. Yêu cầu duy nhất là nó phải chở khách. Tôi rất vui khi được đề nghị trở thành một thành viên trong đội thủy thủ bốn người và trải qua khóa huấn luyện cực kỳ gian khổ để có đủ sức khỏe cho chuyến vượt biển gian nan. Chỉ có một vướng mắc nho nhỏ: vợ sắp cưới của tôi, Joan, đang mang bầu tám tháng đứa con thứ hai của chúng tôi và tôi đã hứa sẽ ở bên cô ấy khi sinh. Chúng tôi đã xếp lịch.

Có lẽ tôi sẽ cố gắng đạt kỷ lục và quay về nhà kịp ngày vợ sinh. Tuy nhiên, những cơn bão đã giữ chúng tôi ở lại

New York trong ba tuần, và tin thời tiết cho biết điều kiện đang rất thuận lợi để lập kỷ lục, tôi sẽ khiến cả đội thất vọng nếu không đi.

Tôi đã có mặt khi Holly, đứa con đầu lòng của tôi ra đời. Đó là điều tôi sẽ không bao giờ quên và tôi biết rằng ở bên vợ khi đứa thứ hai ra đời cũng rất quan trọng. Tôi hỏi Joan: “Anh nên làm thế nào?”

Không chút do dự, cô ấy nói: “Anh cứ đi đi. Hai tuần nữa đứa bé mới ra đời. Chắc là anh sẽ về kịp thôi.” Nhưng vì Holly đã bị sinh non sáu tuần, nên tôi hy vọng rằng Joan không quá lạc quan.

Chúng tôi khởi hành từ Mỹ, cưỡi sóng trên con tàu Virgin Atlantic Challenger. Cuối ngày đầu tiên, tôi nghe được tin trên radio là con trai tôi, Sam, đã chào đời. Tôi đã không giữ được lời hứa, nhưng quan trọng nhất là chúng tôi có một đứa con khỏe mạnh. Tất cả đều reo hò sung sướng và Steve Ridgway, một thành viên trong thủy thủ đoàn, khui một chai sâm-banh chúc mừng Joan và con trai mới chào đời của tôi. Không cần tôi phải lắc mạnh thêm, chai rượu nổ vang và bắn bọt khắp nơi. Nhưng chúng tôi không uống nổi rượu. Tôi bám vào dây cứu đắm, loạng choạng đi tới mép tàu và ném chai rượu xuống biển, và nó nhấp nhô trên lằn tàu. Giờ đây tôi phải cố gắng để được gặp Joan, Holly và cậu con trai bé bỏng của mình.

Đáng lẽ chuyến vượt biển của chúng tôi đã có thể dễ dàng đạt kỷ lục. Nhưng khi chỉ còn vài trăm dặm là đến Ai-len, chúng tôi gặp phải một cơn bão dữ dội. Chúng tôi bị quăng quật liên tục suốt ba ngày liền, nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Chiếc tàu vỡ tan ra từng mảnh. Chúng tôi bám chặt ghế ngồi và chẳng nhìn thấy gì. Khi tiến gần tới quần đảo Scilly, chỉ còn 60 dặm và chuẩn bị chạm tay vào chiếc cúp Hales, chúng tôi gặp phải một con sóng khổng lồ. Một giây sau, có tiếng thét của Pete Downie, kỹ sư trong đoàn.

“Chúng ta đang chìm. Thân tàu bị tách ra rồi. Ra khỏi tàu ngay.”

“Cấp cứu! Cấp cứu! Cấp cứu!” Chay Blyth, một thành viên khác của thủy thủ đoàn lao ngay tới chiếc radio. “Virgin Challenger đang chìm. Chúng tôi đang nhảy ra khỏi tàu. Nhắc lại: Chúng tôi đang nhảy ra khỏi tàu.”

Vài giây sau, chiếc tàu bắt đầu chìm xuống. Chiếc phao cứu hộ đầu tiên mà chúng tôi bơm bị vướng vào thứ gì đó và rách toạc. Còn một chiếc phao dự bị, chúng tôi ném xuống biển và kéo dây dù để bơm.

Chiếc phao cứu hộ giống như một chiếc thuyền bơm hơi tí hon, trên đó là một chiếc lều có mái. Chúng tôi túm tụm một chỗ, dập dềnh trên biển như một trò chơi điên cuồng ở công viên. Tôi ngồi cạnh chiếc radio và nhấc micro lên. Một chiếc Nimrod của Không quân Hoàng gia Anh – cất cánh theo lệnh của Maggie Thatcher – đã nhận được tín hiệu cấp cứu của chúng tôi. Tôi báo cho viên phi công vị trí của chúng tôi, và anh ta nhanh chóng thông tin qua radio cho tất cả các tàu trong khu vực đó.

“Đây rồi, có ba chiếc tàu trong khu vực đang tiến về phía các anh,” viên phi công quay lại nói với tôi. “Không theo thứ tự, có chiếc QE2 đang đi New York; một chiếc trực thăng của Không quân Hoàng gia Anh từ quần đảo Scilly đang được huy động, và một tàu Geest đi Jamaica cũng đang trên đường. Hãy lên chiếc nào đến nơi đầu tiên.”

Cuối cùng, chúng tôi được chiếc tàu Geest trên đường tới Caribe cứu. Chúng tôi lần lượt được kéo lên và bỏ lại chiếc phao cứu hộ đang xoay vòng.

Chúng tôi đã thất bại trong lần thử sức đầu tiên để giành giải Blue Riband, nhưng chúng tôi không chịu thua. Một năm sau, tôi quay lại với chiếc Virgin Atlantic Challenger II. Chiếc tàu dài khoảng 23 mét, chỉ có một thân. Chúng tôi tự tin rằng nó có thể chống chịu mặt biển dữ tợn tốt hơn hẳn kẻ tiền nhiệm. Chúng tôi rời Bến cảng New York vào một buổi sáng tháng Sáu rực rỡ và tiến tới Nova Scotia. Chuyến đi lên vùng ven biển phía đông nước Mỹ chóng vánh hơn chúng tôi nghĩ.

Tới ngày thứ hai, nguồn adrenaline giúp chúng tôi tự tin đã cạn kiệt. Giờ chỉ còn những cú va đập kinh hoàng không ngừng nghỉ. Những con sóng va vào khiến tàu ngoi lên ngụp xuống và chúng tôi chỉ biết nghiến răng chịu đựng.

Khi chúng tôi cố rời chiếc tàu tiếp nhiên liệu thứ hai, các động cơ của tàu bỗng kêu khục khặc rồi chết máy. Kỹ sư mới của chúng tôi là Eckie Rastig xuống dưới boong tàu để kiểm tra. Anh quay lên đầy kinh hãi và thông báo rằng bộ lọc chất đốt bị nước tràn vào. Đó là một thảm họa. Không thể hiểu nổi bằng cách nào nước tràn vào cùng với chất đốt, nhưng chúng tôi không có thời gian để lo lắng về điều đó. Dầu diesel và nước đã hòa lẫn với nhau, nghĩa là không thể tách nước ra khỏi dầu diesel được nữa, nên chúng tôi phải tháo toàn bộ bốn thùng chất đốt và khởi động lại.

Động cơ đã được khởi động lại nhưng chúng vẫn chết máy. Chúng tôi đã trôi nổi cạnh chiếc tàu tiếp nhiên liệu giữa đại dương băng giá suốt bảy tiếng đồng hồ. Cuộc đua đang dần trôi qua. Sóng biển ngày càng dữ dội.

“Cơn bão sắp theo kịp chúng ta rồi,” Chay nói. “Thật chẳng ra sao cả.”

Cơn bão theo sau thời tiết tuyệt vời mà chúng tôi được tận hưởng trong ngày đầu tiên không phải là một cơn bão bất chợt và dữ dội, nhưng là khởi đầu của một đợt dài thời tiết khắc nghiệt, cơn ác mộng kinh khủng nhất của chúng tôi. Chẳng bao lâu, chiếc tàu cưỡi trên những con sóng cao tới 15 mét. Khi đó, khói xăng ngạt thở đã khiến chúng tôi phát ốm. Tất cả đều nôn ọe, gập đôi người lại trong đau đớn.

Chay hét vào tai tôi: “Đừng đi tiếp nữa. Chúng ta đều đã cố gắng và phải chịu đựng thế này đây. Giờ thì hết rồi. Tôi không muốn đi nữa, Richard ạ.”

Tôi hiểu rằng nếu lần này chúng tôi thất bại, sẽ không có lần thứ ba. Chúng tôi phải cố gắng. Tôi phải thuyết phục họ.

“Hãy thử làm cho động cơ hoạt động xem chúng ta có thể đi xa bao nhiêu,” tôi động viên. “Cố lên nào. Chúng ta phải thử xem.”

Tất cả chúng tôi dồn hết sức lực và bắt tay vào hành động. Chúng tôi quăng dây từ chiếc tàu tiếp nhiên liệu, và với một chút điều chỉnh, động cơ gầm rú trở lại. Chúng vẫn khục khặc và có thể sẽ lại chết máy, nhưng ít nhất là chúng đã hoạt động trở lại và chúng tôi không phải dùng đến mái chèo.

Chúng tôi tiến tới chiếc thuyền nạp nhiên liệu thứ ba và, với một loạt thùng đầy dầu cùng một chút món hầm Ai-len, bữa ăn nóng sốt đầu tiên trong hai ngày, chúng tôi tiến gần tới chặng cuối của chuyến vượt biển với quyết tâm ngày càng cao.

Khi vượt qua vị trí chìm tàu lần trước, tất cả chúng tôi đều hò reo và đột nhiên hiểu rằng mình có thể thành công. Tiến thêm năm dặm từ quần đảo Scilly, chúng tôi gặp một đội trực thăng và sau đó là hàng trăm tàu thuyền đủ loại chào đón chúng tôi trở về. Chúng tôi đã thành công. Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 3 ngày 8 giờ và 31 phút: trên một chuyến hải trình dài hơn 3.000 dặm, chúng tôi đã phá kỷ lục Blue Riband với chênh lệch chỉ 2 tiếng 9 phút. Chúng tôi đã làm được. Bài học tôi rút ra từ chuyến đi này, và kiếm sống nhờ nó, là hãy luôn cố gắng và không bao giờ từ bỏ.

Ngay sau ngày chúng tôi giành được giải Blue Riband, một người Thụy Điển tên là Per Lindstrand gọi điện thoại cho tôi. “Nếu anh nghĩ rằng vượt Đại Tây Dương bằng tàu là rất ấn tượng thì hãy nghĩ lại. Tôi đang dự định làm chiếc khinh khí cầu lớn nhất thế giới, và tôi sẽ cho nó bay trong gió xoáy ở độ cao 9.144 mét. Tôi tin rằng nó có thể bay qua Đại Tây Dương. Anh có muốn tham gia không?”

Tôi nghĩ tới người hùng trước đây của mình, Đại úy Scott, nhớ lại những câu chuyện về chuyến bay bằng khinh khí cầu của ông qua Nam Cực. Chưa từng có ai vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu. Tôi cũng chưa bao giờ bay trên khinh khí cầu. Thật điên rồ và liều lĩnh. Khi đó, các công ty của tôi đang thu vào hàng trăm triệu bảng. Nếu tôi chết thì sao? Tất cả những suy nghĩ đó lởn vởn quanh đầu khi tôi nghe Per trình bày kế hoạch và vì sao anh ta cho rằng nó sẽ thành công.

Có rất nhiều lý do chính đáng cho việc tôi không nên tham gia. Trên thực tế, chỉ có một lý do khiến tôi quyết định lên đường – đó là, tôi không thể cưỡng lại những thử thách. Nhưng tôi đã nghe nói về Per Lindstrand và mơ hồ biết rằng ông ta giữ những kỷ lục về khinh khí cầu, trong đó có kỷ lục đạt mức cao nhất so với mặt nước biển. Người này có vẻ hiểu rõ những gì mình đang nói.

Tôi đáp: “Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi lý thuyết và khoa học. Nhưng tôi sẽ đi với anh nếu anh trả lời tôi một câu hỏi.”

“Được thôi,” Per nói, thẳng lưng lên để sẵn sàng cho một câu hỏi đầy thử thách.

“Anh có con không?”

“Có, tôi có hai con.”

Tôi thấy vậy là đủ – nếu anh ta chấp nhận thử thách thì tôi cũng vậy. Tôi bắt tay anh và nói rằng tôi sẽ tham gia.

Tôi luôn nói với mọi người rằng nếu muốn làm tốt bất kỳ việc gì, họ phải lên kế hoạch và chuẩn bị. Tôi đã luyện tập chăm chỉ cho lần phá kỷ lục Blue Riband và tôi cũng sẽ phải chuẩn bị kỹ càng như vậy cho dự định du hành bằng khinh khí cầu. Đây là một dự định liều lĩnh. Nếu tàu chìm giữa biển, may mắn thì bạn sẽ được cứu – nhưng với một chiếc khinh khí cầu, bạn không thể đoán trước được điều gì. Không thể nói trước được rằng ở đâu những cơn gió lạ và gió xoáy sẽ thổi bay nó, hay nó sẽ lao xuống vùng nào và nhanh đến mức nào. Chúng tôi sẽ bay xa hơn năm lần và giữ khinh khí cầu trên đó lâu hơn ba lần ở một độ cao lớn hơn bất kỳ ai (kể cả Per) từng đạt được trước đây. Bước đầu tiên là học cách lái khinh khí cầu và lái tốt đến mức tôi sẽ loại bỏ được càng nhiều rủi ro càng tốt. Vì vậy, tôi đến Tây Ban Nha cùng Per và huấn luyện viên của tôi là Robin Batchelor (trông như anh em sinh đôi của tôi), và học cách lái khinh khí cầu. Những buổi học đó đã cứu mạng tôi.

Nếu không được ngồi trên một chiếc khinh khí cầu lên tầng bình lưu, bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi kích thước của nó so với những chiếc khinh khí cầu thường thấy trên các quảng cáo hay những chuyến bay nửa giờ đồng hồ thường gặp ở vùng quê. Chẳng khác gì so sánh một chiếc xe đạp với một chiếc xe buýt – và thật không thể tin nổi rằng tôi đang dự định làm một việc chưa ai từng làm, tạo ra một điều hoàn toàn mới mẻ.

Một khinh khí cầu chứa đầy khí heli, như những chiếc khí cầu zeppelin cũ, có thể bay trong vài ngày. Khinh khí cầu phải dựa vào khí nóng trong bầu khí, bốc lên trên không khí lạnh xung quanh và mang theo khí cầu. Nhưng nhiệt tỏa ra từ bầu khí của khí cầu rất nhanh, và để làm nóng không khí, người điều khiển phải đốt khí propane . Cho đến trước chuyến bay dự định của Per, các khinh khí cầu vẫn bị ngăn trở bởi khối lượng nhiên liệu không đủ để giữ nó trên không.

Chúng tôi sẽ tiết kiệm nhiên liệu bằng cách bay với tốc độ 320 km/h và làm nóng không khí trong bầu khí bằng năng lượng mặt trời vào ban ngày; chúng tôi sẽ có một chiếc máy điều áp thay vì một chiếc giỏ đan bằng liễu gai – những phương pháp hoàn toàn mới.

Tôi hỏi: “Nếu những cơn gió ở tầng bình lưu xé toạc khí cầu ra từng mảnh thì sao?”

Per đáp: “Tôi đã thiết kế một lớp vỏ kép.”

Những câu trả lời của Per đều rất khoa học và đáng tin cậy, và tôi ngày càng tự tin hơn rằng nếu ai có thể thành công thì đó sẽ là chúng tôi. Do các luồng gió và gió xoáy thổi từ Mỹ đến châu Âu, chúng tôi rời Mỹ rất sớm vào một buổi sáng. 29 giờ sau, chúng tôi đã bay trên Ai-len, và là những người đầu tiên vượt Đại Tây Dương trên khinh khí cầu.

Tốc độ đáng kinh ngạc của chuyến bay dẫn tới một vấn đề chúng tôi không lường trước được: chúng tôi vẫn còn ba thùng đầy nhiên liệu gắn vào khí cầu, chúng rất dễ phát nổ khi tiếp đất. Chúng tôi quyết định hạ xuống thật chậm, thả các thùng nhiên liệu xuống một cánh đồng hoang, sau đó dần hạ xuống để tiếp đất an toàn. Per ngừng đốt propane và kéo khí cầu xuống thấp để chúng tôi xem có thể bỏ những thùng nhiên liệu thừa ở đâu một cách an toàn. Khi hạ xuống, đột nhiên gió xoáy xung quanh chúng tôi, mạnh hơn nhiều so với dự đoán. Khinh khí cầu lao xuống rất nhanh, với tốc độ gần 30 hải lý, 55 km/h, tốc độ hạ cánh không phải là vấn đề nghiêm trọng như việc chiếc khinh khí cầu đột ngột lao xuống. Chúng tôi đập xuống đất và nảy trên cánh đồng. Các thùng nhiên liệu bị tung ra do cú va chạm, cùng với dây ăng-ten radio. Không còn sức nặng của các thùng nhiên liệu, chúng tôi lại bay lên. Tôi không nhìn thấy gì, nhưng chúng tôi suýt nữa đã đâm phải một ngôi nhà và một cột điện cao thế.

Không có các thùng nhiên liệu, chúng tôi hoàn toàn mất kiểm soát. Chiếc khí cầu bay lên như tên lửa. Chúng tôi thấy bờ biển và Per mở lỗ thông khí nóng qua đỉnh khí cầu để giảm độ cao. Nhưng một lần nữa, gió dưới mặt đất lại mạnh hơn rất nhiều so với dự đoán và cuốn chúng tôi ra biển. Chúng tôi đang tiến về hướng đông bắc, và khi trên khí cầu không có điện hay radio, hơn bao giờ hết, chúng tôi hoàn toàn phó mặc cho cơn gió.

“Bám chắc vào,” Per nhắc.

Per cho thoát thêm không khí, thay bằng khí propane nóng để giảm tốc độ bay xuống quá lớp mây xám dày. Cuối cùng, chúng tôi cũng ra khỏi lớp sương mù, tôi thấy mình đang lao xuống mặt biển sủi bọt. Chúng tôi đã lao qua bãi biển. Chúng tôi đang bay quá nhanh.

Chúng tôi lao xuống biển. Tôi va vào Per. Chúng tôi bị lật nghiêng ở một góc điên rồ, và không thể đứng thẳng lên được. Khí cầu bắt đầu kéo chúng tôi trên mặt biển. Chúng tôi nảy từ con sóng này sang con sóng khác.

“Nhảy ra!” Per hét lên. “Richard, chúng ta phải nhảy ra.”

Per vật lộn với chiếc cửa, phá các đòn bẩy và đẩy cửa ra. Khí cầu đi chậm lại một chút khi đâm xuống nước, Per bèn lao lên và trèo qua cửa.

“Áo khoác cứu hộ của anh đâu?” Tôi hét lên.

Per có vẻ như không nghe thấy tôi nói. Anh nhảy từ đỉnh khí cầu xuống vùng nước lạnh đen tối. Khoảng cách đó ít nhất là 30 mét. Tôi nghĩ rằng anh ấy đã tự giết mình. Không còn sức nặng của anh, chiếc khí cầu lao lên rất nhanh, quá cao khiến tôi không thể nhảy được. Tôi chỉ còn một mình.

Tôi bay lơ lửng càng lúc càng cao lên những đám mây, các cơn gió đẩy tôi tới hướng bắc, về phía Scotland. Một mình tôi bay trên chiếc khinh khí cầu lớn nhất từ trước đến nay, và chỉ còn đủ nhiên liệu cho khoảng một giờ bay. Khi hết nhiên liệu, chiếc khinh khí cầu nặng nề, cùng với tôi, sẽ lao xuống biển. Tôi thử dùng radio. Nó đã hỏng. Tôi có hai lựa chọn nguy hiểm ngang nhau và không biết nên chọn cái nào: nhảy khỏi khinh khí cầu hoặc ở yên đó. Tôi thực sự có thể sẽ chết. Khi cận kề cái chết, tôi lấy cuốn sổ luôn mang theo bên mình và viết: “Joan, Holly, Sam, anh yêu cả nhà.”

Đột nhiên, niềm lạc quan và quyết tâm trước đây của tôi trỗi dậy. Tôi đang nghĩ cái quái gì chứ, từ bỏ mà không hề cố gắng? Tôi tự nhủ: “Còn sống tức là còn làm được điều gì đó. Rồi nó sẽ xuất hiện.”

Nhiên liệu gần hết, khinh khí cầu dạt xuống những đám mây dày. Tôi trôi lơ lửng qua lớp dưới cùng, hướng về phía mặt biển xám xịt và nhìn thấy một chiếc máy bay trực thăng bay là là trên những con sóng. Nó đang tìm tôi! Khi họ thấy tôi, tôi biết mình sẽ được cứu.

Đến gần những con sóng, tôi nhảy khỏi chiếc khinh khí cầu xuống biển. Không còn sức nặng của tôi, nó bay lên khỏi tầm mắt – nhưng ít nhất tôi không phải lo rằng nó sẽ rơi xuống đè lên mình. Chiếc trực thăng kéo tôi lên khỏi nước biển lạnh giá và ngay khi được an toàn, tôi hỏi họ về Per. Họ rất bối rối. “Chúng tôi tưởng anh ấy vẫn đi cùng anh,” họ nói. Suốt thời gian bay về phía bắc cùng một chiếc radio hỏng, tôi vô cùng lo lắng cho Per. Anh ấy đã ở dưới biển hàng giờ liền, và chúng tôi phải nhanh chóng tìm ra anh. Tôi nói cho họ vị trí cuối cùng của anh, và anh đã được cứu trước khi bị chết cóng.

Cả chuyến đi là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã rút ra được rất nhiều bài học: không phải cứ muốn làm là làm luôn, mà phải chuẩn bị kỹ càng, tin tưởng vào bản thân, giúp đỡ lẫn nhau và quan trọng nhất là không bao giờ từ bỏ.

Tất cả những bài học này đều có thể sử dụng trong cuộc sống. Bạn không cần phải điều hành một doanh nghiệp khổng lồ, bay trên khinh khí cầu hay phá kỷ lục vượt đại dương thì mới áp dụng được những bài học đó. Mục tiêu của bạn có thể rất nhỏ. Tạp chí Student ban đầu cũng rất nhỏ. Tôi bán được quảng cáo trên tạp chí đó qua điện thoại công cộng ở trường vì tôi tin rằng mình có thể và sẽ làm được. Nếu bạn thực sự muốn làm gì đó thì cứ làm đi. Dù mục tiêu của bạn là gì, bạn sẽ không bao giờ thành công nếu không vượt qua được nỗi sợ hãi và bắt tay vào làm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.