Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

6. Sống trong hiện tại



• Yêu cuộc sống và sống hết mình

• Tận hưởng hiện tại

• Suy ngẫm về cuộc đời mình

• Làm cho mọi giây phút đều có ý nghĩa

• Đừng hối tiếc

Năm 1997, tôi lại thực hiện chuyến du hành bằng khinh khí cầu vòng quanh thế giới với Per và Alex Ritchie, kỹ sư thiên tài đã thiết kế chiếc khí cầu sẽ đưa chúng tôi đi 38.600 ki-lô-mét. Trước khi xuất phát vào sáng hôm đó, trong căn phòng khách sạn yên tĩnh ở Marrakech, tôi dậy sớm viết một lá thư dài cho các con, phòng trường hợp tôi không trở lại. Lá thư của tôi bắt đầu bằng:

“Holly và Sam yêu quý,

Đôi khi cuộc đời thật khó lường. Hôm nay còn sống, khỏe mạnh và yêu thương. Ngày mai đã không còn trên cõi đời này nữa. Như các con đều biết, bố luôn có ham muốn mạnh mẽ được sống hết mình…”

Tôi gấp gọn lá thư thành một hình vuông nhỏ rồi nhét vào túi áo.

Chúng tôi đã kiểm tra xong tất cả và sẵn sàng lên đường. Mười, chín, tám, bảy, sáu, năm… Per đếm ngược, còn tôi tập trung điều khiển các máy quay. Tay tôi liên tục mò xuống kiểm tra khóa dù. Tôi cố không nghĩ đến quả bóng khổng lồ phía trên sáu thùng nhiên liệu khổng lồ gắn quanh khí cầu. Bốn, ba, hai, một… Per bật đòn bẩy làm nóng khiến dây cáp neo đứt lìa, chúng tôi lao lên trời lặng lẽ và mau lẹ. Không có tiếng ầm của bộ đốt, chúng tôi bay lên không như bóng bay của trẻ con vậy. Chúng tôi cứ dần bay cao và xa hơn, rồi khi gặp cơn gió buổi sáng, chúng tôi hướng tới Marrakech.

Cửa thoát hiểm vẫn mở khi chúng tôi bay lên, và chúng tôi vẫy tay với những người khi đó chỉ còn bé xíu ở dưới. Tất cả những chi tiết của Marrakech, những bức tường vuông màu hồng, quảng trường thành phố rộng lớn, những chiếc sân xanh lá và những đài phun nước lấp ló phía sau những bức tường cao đang trải ra trước mắt chúng tôi. Ở độ cao 3.050 mét, không khí bắt đầu lạnh và loãng dần. Chúng tôi đóng cửa sập. Từ lúc này, chúng tôi sẽ phải tự xoay xở. Chúng tôi đang được điều áp, và áp lực sẽ tăng dần.

Chúng tôi bay nhẹ nhàng cho đến hết ngày. Phong cảnh trên dãy Atlas tuyệt đẹp, những đỉnh núi lởm chởm phủ đầy tuyết phản chiếu ánh sáng lên chúng tôi dưới ánh nắng rực rỡ.

Khi đến gần biên giới An-giê-ri, chúng tôi vô cùng sửng sốt khi người dân ở đây thông báo rằng chúng tôi đang tiến thẳng đến Béchar, căn cứ quân sự tối cao của họ. Họ nói: “Các anh không được phép, nhắc lại là không được phép, đi vào khu vực này,” họ viết trong bản fax.

Chúng tôi không có lựa chọn nào khác.

Tôi nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với Mike Kendrick, người điều khiển chuyến bay, trong hai giờ và thử nhờ các công sứ Đại sứ quán Anh. Cuối cùng thì André Azoulay, vị công sứ người Ma-rốc đã giúp đỡ chúng tôi. Ông giải thích với người An-giê-ri rằng chúng tôi không thể chuyển hướng và không có máy quay phim đủ tốt trên khí cầu. Họ chấp nhận và cho chúng tôi đi qua.

Đến 5 giờ chiều, chúng tôi đã bay ở độ cao 9.150 mét. Per bắt đầu châm lửa bộ đốt để làm nóng không khí trong vỏ khí cầu. Mặc dù chúng tôi đã đốt trong một giờ nhưng chỉ sau 6 giờ chiều, khí cầu bắt đầu hạ dần độ cao.

“Có điều gì đó không đúng với lý thuyết,” Per nói.

“Sao vậy?” tôi hỏi.

“Tôi không biết.”

Per liên tục châm lửa cho bộ đốt, nhưng chiếc khí cầu vẫn bay thấp dần xuống. Chúng tôi hạ xuống 305 mét, rồi 150 mét. Trời càng lúc càng lạnh vì mặt trời đang lặn. Rõ ràng là khí heli đang nhanh chóng co lại, trở thành một khối trên đầu chúng tôi.

“Phải bỏ chì thôi,” Per nói. Anh rất sợ hãi. Chúng tôi đều sợ hãi.

Chúng tôi kéo đòn bẩy để thả rơi khối chì dưới đáy khí cầu. Đáng lẽ phải giữ lại chúng để dự trữ trong khoảng hai tuần. Chúng rơi khỏi khí cầu, và trên màn hình video tôi thấy chúng rơi xuống như những quả bom. Tôi có một linh cảm khủng khiếp rằng đây mới chỉ là khởi đầu của một thảm họa.

Trời tối dần. Không còn khối chì, chúng tôi duy trì độ cao được một lúc, nhưng rồi chiếc khí cầu lại rơi xuống. Lần này nó lao xuống nhanh hơn. Chúng tôi hạ 610 mét trong một phút; 610 mét trong phút tiếp theo. Tai tôi tê cóng, rồi đột ngột tôi thấy bụng mình căng lên ép vào lồng ngực. Chúng tôi chỉ còn bay ở độ cao 4.570 mét. Tôi cố giữ bình tĩnh, hết sức tập trung vào những chiếc máy quay và dụng cụ đo độ cao, nhanh chóng xem xét các lựa chọn. Chúng tôi cần vứt các thùng nhiên liệu khỏi khí cầu. Nhưng khi chúng tôi vừa làm xong thì chuyến đi cũng kết thúc. Tôi cắn môi. Chúng tôi đang ở đâu đó trên dãy Atlas trong bóng tối, và đang chuẩn bị chịu một cú va chạm khủng khiếp khi tiếp đất. Không ai nói gì. Tôi nhẩm nhanh một vài phép tính.

“Với tốc độ rơi này, chúng ta còn bảy phút,” tôi nói.

“Được,” Per nói. “Mở cửa sập. Giảm áp suất.”

Chúng tôi mở cửa sập ở độ cao 3.670 mét, rơi xuống độ cao 3.350 mét, và với một luồng gió buốt giá, khí cầu giảm áp suất. Alex và tôi bắt đầu ném mọi thứ ra khỏi khí cầu: thức ăn, nước uống, các bình dầu, tất cả những gì không gắn liền vào khí cầu. Tất cả mọi thứ. Thậm chí cả một số tiền lớn. Trong năm phút, điều này giúp làm chậm quá trình rơi của chúng tôi. Chúng tôi phải tự cứu lấy mình.

“Vẫn chưa đủ,” tôi nói khi thấy kim đo độ cao chỉ 2.740 mét. “Chúng ta vẫn đang rơi.”

“Được, tôi sẽ leo lên nóc,” Alex nói. “Phải bỏ mấy thùng nhiên liệu thôi.”

Chính Alex đã tạo ra chiếc khí cầu này, vì vậy anh biết chính xác phải mở khóa như thế nào. Bộ đốt kêu ầm ĩ trên đầu, phủ lớp ánh sáng màu cam chói lòa lên chúng tôi.

“Anh đã nhảy dù bao giờ chưa?” tôi hét lên hỏi Alex.

“Chưa bao giờ,” anh trả lời.

“Dây dù của anh đấy,” tôi nói và kéo tay anh tới chỗ nó.

“Độ cao 2.133 mét và vẫn đang rơi,” Per nói to. “Bây giờ là 2.010 mét.”

Alex trèo qua cửa sập lên nóc thân khí cầu. Khó có thể cảm nhận được chúng tôi đang rơi nhanh thế nào. Tai tôi ù cả đi. Nếu đống khóa đã bị đóng băng và Alex không thể thả các bình nhiên liệu ra thì chúng tôi sẽ phải nhảy dù xuống. Chúng tôi chỉ còn vài phút. Tôi nhìn lên cửa sập và nhẩm lại những gì phải làm: một tay đặt lên mép cửa, bước ra, rồi nhảy vào bóng tối. Theo bản năng, tay tôi lần đến chiếc dù. Tôi kiểm tra và thấy Per đang đeo dù. Per đang nhìn kim đo độ cao. Con số đang giảm rất nhanh.

Chúng tôi chỉ còn cách mặt đất 1.830 mét, mà trời thì rất tối – không, 1.670 mét. Nếu Alex còn ở trên đó thêm một phút nữa, chúng tôi sẽ chỉ còn 1.065 mét. Tôi thò đầu ra ngoài cửa sập, tháo đai dù và nhìn Alex đang loay hoay trên đỉnh thân khí cầu. Phía dưới tối đen như mực và lạnh cóng. Chúng tôi không nhìn thấy mặt đất. Điện thoại và máy fax kêu không ngớt. Bộ phận điều khiển dưới mặt đất hẳn không hiểu nổi chúng tôi đang làm cái quái gì.

“Một thùng rơi xuống rồi,” Alex hét qua cửa sập.

“1.125 mét,” Per nói.

“Một thùng nữa,” Alex nói.

“1.035 mét.”

“Một thùng nữa.”

“885 mét, 730 mét.”

Đã quá muộn để nhảy dù. Nếu nhảy, chúng tôi sẽ va phải rặng núi đang đón đầu ở phía dưới.

“Vào trong đi,” Per thét lên. “Ngay lập tức.”

Alex rút về qua cửa sập.

Chúng tôi gắng hết sức mình. Per thả cần gạt để tháo rời một thùng nhiên liệu. Nếu thất bại, chúng tôi sẽ chết trong khoảng 60 giây nữa. Chiếc thùng rơi xuống, và khí cầu giật mạnh rồi đột ngột dừng lại. Cảm giác giống như một chiếc thang máy chạm đất vậy. Chúng tôi ngã vào ghế, đầu tôi nhún sâu vào giữa hai vai. Rồi khí cầu lại bắt đầu bay lên. Chúng tôi nhìn kim chỉ độ cao: 790 mét, 820 mét, 850 mét. Chúng tôi đã an toàn. Sau 10 phút, chúng tôi đã đạt 910 mét và khí cầu lại hướng lên bầu trời đêm.

Tôi quỳ xuống sàn bên cạnh Alex và ôm lấy anh.

“Cảm ơn Chúa vì có anh đi cùng chúng tôi,” tôi nói. “Chúng tôi đáng lẽ đã chết nếu không có anh.”

Người ta nói rằng người đang hấp hối thường nhìn lại cuộc đời mình trong những giây cuối cùng trước khi chết. Điều này không đúng trong trường hợp của tôi. Khi chúng tôi lao xuống và chuẩn bị biến thành một quả cầu lửa trên dãy Atlas và tôi nghĩ rằng mình sắp chết, tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là nếu thoát chết, tôi sẽ không bao giờ làm việc này nữa.

Trong suốt đêm đầu tiên đó, chúng tôi cố gắng điều khiển khí cầu. Khi bình minh ló rạng, chúng tôi chuẩn bị hạ cánh. Phía dưới là sa mạc An-giê-ri, nơi không thể trú ngụ được lâu, nhất là tại một đất nước đang trong thời kỳ nội chiến.

Sa mạc này không có những cồn cát vàng uốn cong mềm mại như những gì bạn thấy trong bộ phim nổi tiếng Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập). Đây là vùng đất trơ trọi, đỏ quạch và lổn nhổn đầy đá, cằn cỗi như bề mặt sao Hỏa, những tảng đá dựng đứng như những tổ mối khổng lồ. Alex và tôi đứng trên đỉnh khí cầu, kinh ngạc ngắm nhìn bình mình trên sa mạc. Chúng tôi nhận thức được rằng đó là một ngày mà đáng lẽ chúng tôi đã không còn sống sót để ngắm nhìn. Mặt trời mọc và hơi ấm của ban ngày thật vô giá. Ngắm nhìn bóng của chiếc khí cầu trải trên nền sa mạc, thật khó có thể tin rằng nó chính là chiếc máy kỳ cục đã lao xuống dãy Atlas giữa đêm hôm trước.

Những thùng nhiên liệu chưa được tháo ra chắn tầm nhìn của Per, vì vậy, Alex bảo anh hạ cánh. Khi chúng tôi sắp chạm đất, Alex la lớn:

“Có dây điện ở phía trước!”

Per hét lại rằng chúng tôi đang ở giữa sa mạc Sahara, vì vậy không thể có dây điện ở đó được. “Chắc anh đang bị ảo giác,” Per nói lớn.

Alex muốn tận mắt nhìn thấy và chúng tôi đã tìm ra đường dây điện duy nhất ở sa mạc Sahara.

Dù xung quanh là đất đai cằn cỗi bao la, chỉ vài phút sau khi hạ cánh, chúng tôi đã thấy dấu hiệu của sự sống. Một nhóm các thành viên của bộ lạc Berber hiện ra sau những tảng đá. Ban đầu họ vẫn giữ khoảng cách. Chúng tôi đang định cho họ chút nước và đồ dự trữ còn lại thì nghe thấy tiếng gầm rú của trực thăng chiến đấu. Hẳn là họ đã lần ra chúng tôi bằng ra-đa. Những người Berber biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện vậy. Hai chiếc trực thăng đáp xuống gần đó, làm bụi tung mù mịt, và rất nhanh chóng, chúng tôi bị những người lính dửng dưng cầm súng máy bao vây, có vẻ như họ không biết chĩa chúng vào đâu.

“Allah,” tôi nói một cách khích lệ.

Họ đứng im một lúc, nhưng rồi sự tò mò thắng thế và họ tiến đến gần. Chúng tôi đưa chỉ huy của họ đi xem chiếc khí cầu, và ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên trước những thùng nhiên liệu còn lại.

Nhìn chiếc khí cầu trên bãi cát đỏ và hồi tưởng lại cú rơi khủng khiếp xuống dãy Atlas, tôi nhắc lại lời thề sẽ không bao giờ làm chuyện này nữa. Trái ngược hoàn toàn với nó, ở sâu trong tâm trí, tôi cũng biết rằng ngay khi tôi về nhà và nói chuyện với những người đi khinh khí cầu khác đang cố gắng bay vòng quanh thế giới, tôi sẽ lại đồng ý bay. Đó là một thử thách không thể cưỡng lại, và nó đã ăn sâu vào tôi đến nỗi không thể từ bỏ được.

Nỗ lực đi vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu tiếp theo của tôi bắt đầu tại Marrakech vào ngày 18/12/1998. Lần này, chúng tôi bay êm ả qua dãy Atlas và đi tiếp cho đến khi nghe trên radio rằng Đại tá Qaddafi đang cản trở chuyến đi bằng việc cấm chúng tôi bay qua Libya. Tôi gửi cho ông một lá thư mùi mẫn và cuối cùng cũng được ông châm chước. Nhưng đó chỉ là khởi đầu của rất nhiều khó khăn. Liên tục trong những ngày tiếp theo, nhật ký của tôi miêu tả sự phấn chấn khi bay qua đỉnh Ararat nơi chiếc thuyền của Noah cập bến, theo dấu chân của Alexander Đại đế tới Afghanistan, vượt từ đỉnh Everest tới K2 an toàn – sau đó là nỗi chán nản khi không được phép bay qua một phần của Trung Quốc mà trước đó chúng tôi đã bị cấm tuyệt đối. Ngay cả Thủ tướng Tony Blair cũng tham gia vào cuộc đấu tranh xin giấy phép, và cuối cùng người Trung Quốc cũng chấp nhận. Vì không thể điều khiển hướng gió nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác mà phải giữ nguyên hướng bay. Sau khi bay qua đỉnh Fiji lúc hoàng hôn, chúng tôi bay theo đúng hướng của chuyến vượt Thái Bình Dương thành công và sẵn sàng bay qua Mỹ cùng ông già Noel và đám tuần lộc vào đêm Giáng sinh.

Lúc thiếp đi ngay trước khi đến Mỹ, tôi nghĩ rằng thế này là quá đủ cho một người trong cuộc đời, khi có được những trải nghiệm thật tuyệt vời và may mắn đến vậy. Nhưng thời tiết không ủng hộ chúng tôi. Khi tỉnh dậy, chúng tôi đã va vào một bức tường vô hình dường như trải khắp bờ biển nước Mỹ. Không thể vượt qua nó, mà vùng đất liền gần nhất là Hawaii, tôi nghĩ rằng tất cả có thể sẽ chết, vì vậy tôi viết di chúc với tâm nguyện được chôn cất ở một nơi nhất định nếu thi thể tôi được tìm thấy. Còn khoảng 96 ki-lô-mét trước khi đến Hawaii, chúng tôi rơi xuống biển và một lần nữa tôi lại được máy bay trực thăng cứu sống.

Vào Ngày lễ Tặng quà , tôi bay đến Necker gặp gia đình và bạn bè thân thiết. Nhưng khi tôi bước vào nhà thì không thấy ai. Cảm giác thật kỳ lạ khi căn nhà hoàn toàn trống vắng. Sau đó, tôi tìm được tất cả mọi người ở phía rất xa của đảo – chính là nơi tôi đã chọn trong di chúc. Ngày hôm trước, khi nghĩ rằng mình sẽ chết, tôi đã đề nghị được chôn cất ở chính nơi đặc biệt này, xung quanh là những người tôi yêu thương nhất trên đời. Thật kỳ lạ khi có mặt ở đây với những con người đó, nhìn quanh và nghĩ, lạy Chúa, đây là bữa tiệc kiểu gì thế này.

Trải nghiệm đó không làm vơi đi khát khao phiêu lưu mạo hiểm của tôi. Tôi thích khinh khí cầu và đã sở hữu một chiếc. Nó nhỏ và có giỏ đan bằng liễu gai, giống như chiếc khí cầu trong truyện 80 ngày vòng quanh thế giới , với kích thước vừa đủ cho gia đình và bạn bè tôi. Bầu trời là một trong những nơi yên bình nhất mà tôi biết. Lặng yên trôi đi, thoát khỏi thế giới, tôi cảm giác mình đang hòa làm một với thiên nhiên. Không ai có thể gọi điện thoại cho bạn, không ai có thể ngăn bạn lại. Bạn hoàn toàn tự do. Bạn nhìn xuống những thành phố, những cánh đồng và những con người mà họ không hề biết là bạn đang ở trên đó. Bạn có thể bay bên cạnh một con thiên nga và nghe tiếng nó vỗ cánh. Bạn còn có thể nhìn vào mắt một con đại bàng.

Hành trình với khinh khí cầu đã khiến tôi suy ngẫm nhiều hơn. Trên mặt đất, cuộc sống của tôi diễn ra đầy bận rộn và sôi nổi, mỗi giây phút đều được lấp đầy. Tôi có thể rất bận rộn. Nhưng tất cả chúng ta đều cần có khoảng không gian cho riêng mình, dừng lại và không làm gì cả. Nó cho chúng ta thời gian để suy ngẫm. Nó nạp năng lượng cho cơ thể cũng như tâm trí của chúng ta. Tôi thường nghĩ tới những người đánh cá mà tôi ngắm nhìn vào dịp Noel năm đó ở Nhật Bản. Sự phấn đấu chính là bản tính của chúng ta – vì vậy, tôi tự hỏi rằng họ tìm kiếm điều gì trong đời? Họ có vẻ bằng lòng với việc đánh cá và nuôi gia đình mình. Dường như họ không thấy cần phải gây dựng nên những đế chế sản xuất cá đóng hộp, và theo tôi biết thì họ cũng không muốn vượt Thái Bình Dương bằng khinh khí cầu hay chinh phục đỉnh Everest. Họ sống rất yên bình. Họ sống trong hiện tại, và có lẽ chính điều đó đã giúp họ luôn thanh thản.

Bà tôi, Dorothy Huntley-Flindt, là người luôn sống hết mình. Ở tuổi 89, bà trở thành người Anh già nhất chiến thắng trong cuộc thi khiêu vũ Mỹ Latinh nâng cao. Năm 90 tuổi, bà trở thành người già nhất đánh golf trúng lỗ chỉ với một lần đánh. Bà không bao giờ ngừng học hỏi. Năm 90 tuổi, bà đọc cuốn sách của Stephen Hawking, Lược sử thời gian (A Brief History of Time), và điều này có thể khiến bà trở thành một trong số ít những người đã đọc toàn bộ cuốn sách đó! Không bao lâu trước khi mất vào năm 99 tuổi, bà đã đi tàu thủy vòng quanh thế giới. Bà chỉ cười khi bị bỏ lại ở Jamaica mà trên người chỉ có bộ đồ tắm. Quan điểm của bà là, chúng ta chỉ có một cuộc đời, vì vậy phải tận hưởng nó thật trọn vẹn.

Bố mẹ tôi đã bước sang tuổi 80. Giống như bà tôi, họ vẫn đều đặn lên xuống máy bay và đi du lịch vòng quanh thế giới. Họ luôn có mặt lúc khởi đầu và kết thúc mỗi chuyến phiêu lưu của tôi, cổ vũ tôi. Thậm chí họ còn đi tìm tôi khi Per và tôi bị lạc ở vùng Bắc Cực hoang vu giá lạnh, khi mà khinh khí cầu bị rơi trong một trận bão tuyết ở Canada. Tấm gương của họ nhắc nhở tôi phải luôn tận hưởng cuộc sống.

Năm 1999, cùng với bố mẹ, tôi mua Ulusaba, một khu bảo tồn thú săn tư nhân ở Nam Phi, gồm 4.000 hecta đất hoang ở trung tâm Khu Bảo tồn Thú săn Sabi Sands, bao quanh Vườn Quốc gia Kruger rộng lớn. Ở đây, chúng tôi xây dựng một ngôi nhà xinh xắn để cả gia đình quây quần bên nhau. Trên thực tế, tôi hiểu rõ ràng rằng thời gian ở bên họ quý giá đến nỗi tôi giảm thời gian làm việc mỗi ngày chỉ còn 15 phút khi ở bên họ. Tôi hiếm khi sử dụng những thiết bị hiện đại như email hay điện thoại di động, nhưng ở châu Phi tôi đã học cách dùng điện thoại vệ tinh để giữ liên lạc với văn phòng. Khi chúng tôi cắm trại bên một dòng sông ở Serengeti, hoặc uống rượu vào buổi tối, tôi sẽ lặng lẽ gọi điện thoại rồi lại quay lại với gia đình. Hai thế giới này tách biệt nhau đến nỗi công việc trở thành kẻ phá đám. Nhiều ông chủ ngồi cả ngày trong văn phòng lại thường thất bại. Họ hỏi tôi, “Làm thế nào mà anh có thể giải quyết tất cả chỉ trong 15 phút?”

Tôi trả lời, “Dễ thôi. Hãy làm cho mọi giây phút đều có ý nghĩa.” Điều này đúng trong cả công việc kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân của tôi.

Tôi có thể nói rằng giờ đây tôi già hơn và có lẽ thông thái hơn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Cô vợ đầu tiên của tôi, Kristen, đã rất tức giận vì tôi lúc nào cũng nói chuyện điện thoại. Cô ấy nói rằng tôi dành cả đời chỉ để làm việc và không thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Kristen nói đúng. Một phần của vấn đề là, tôi làm việc tại nhà và không thể cưỡng lại được việc nhấc máy khi điện thoại đổ chuông, mà nó thì thì reo không ngớt. Giá mà tôi có thể cứ mặc kệ nó – nhưng biết đâu nó lại mang tới một hợp đồng béo bở thì sao.

Ngay cả bây giờ, khi đang nghỉ ngơi, tôi cũng không ngừng suy nghĩ. Não tôi hoạt động liên tục khi tôi tỉnh táo, và nghĩ ra những ý tưởng. Vì Virgin là một tập đoàn toàn cầu nên tôi thấy mình cần phải tỉnh táo trong phần lớn thời gian, do vậy thật may mắn là tôi rất dễ chợp mắt, mỗi lần tôi ngủ khoảng một đến hai tiếng. Trong số tất cả những kỹ năng tôi đã học, đó là kỹ năng sống còn. Ví dụ như trên một chuyến xe buýt từ Hồng Kông sang Trung Quốc, nếu không có vấn đề gì thì tôi sẽ ngủ. Tôi thức giấc hoàn toàn khỏe khoắn và sẵn sàng làm việc trong nhiều giờ liền. Đây cũng là một cách nghỉ ngơi rất tốt. Churchill và Maggie Thatcher là những bậc thầy ngủ ngắn và tôi đã học theo họ để áp dụng trong cuộc sống của mình.

Dali, họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha, có một cách đặc biệt để tận hưởng từng giây phút. Khi chán đời, ông sẽ đi bộ trong khu vườn của mình phía trên bờ biển. Ông sẽ hái một quả đào chín mọng vẫn còn hơi ấm của mặt trời, cầm nó trong tay để chiêm ngưỡng lớp vỏ vàng óng. Rồi ông sẽ nhắm mắt lại và ngửi nó, hít vào thật sâu khi mùi hương ấm áp của nó đong đầy các giác quan của ông. Ông sẽ cắn một miếng. Miệng ông sẽ tràn đầy thứ nước quả ngọt ngào. Ông sẽ chậm rãi thưởng thức nó. Sau đó, ông sẽ nhổ hết ra và ném quả đào xuống biển. Ông nói rằng đó là một giây phút hoàn hảo, và ông có được nhiều thứ từ miếng cắn ấy, hơn là nhồi nhét vào bụng cả một rổ đào.

Theo cách nào đó, nuối tiếc cũng giống như muốn lấy lại quả đào bạn đã ném đi. Nó không còn nữa, và trong bạn tràn đầy sự tiếc nuối. Bạn ước gì mình đã không ném nó đi. Bạn muốn lấy lại nó. Tôi tin rằng điều giúp bạn nắm bắt được hiện tại là không hối tiếc. Tiếc nuối khiến bạn cảm thấy nặng nề và giữ chân bạn lại quá khứ trong khi bạn nên đi tiếp.

Thật tiếc nuối khi đánh mất một hợp đồng kinh doanh, nhưng còn khó khăn hơn khi phải chịu đựng cảm giác tội lỗi. Tất cả chúng ta đều từng làm những việc mà chúng ta ước mình đã không làm. Đôi khi – thường là vào giữa đêm, khi không ngủ được – chúng hiện lên như những sai lầm lớn, nhưng sau này khi bạn nhìn lại, chúng hóa ra lại rất nhỏ bé. Nuối tiếc dẫn tới cảm giác tội lỗi, và nó khiến bạn mất ngủ. Nhưng tôi tin rằng quá khứ là quá khứ. Bạn không thể thay đổi được nó. Vì vậy, nếu bạn đã mắc sai lầm thì tiếc nuối cũng chẳng ích gì, thay vào đó, bạn nên bước tiếp.

Một ví dụ là lần Kristen và tôi đi hưởng tuần trăng mật ở Mexico. Cô ấy cố tình chọn hòn đảo ở Cozumel, nơi không có điện thoại và không ai có thể liên lạc với tôi. Ban đầu, tôi thấy bí bách khi bị cô lập như vậy, nhưng có quá nhiều thứ để làm đến nỗi dần dần tôi cũng thoải mái hơn. Sau hai tuần, chúng tôi tới bán đảo Yucatan, nơi có thể thám hiểm tàn tích của người Maya trên xe jeep hoặc trên yên ngựa. Một đêm, trong một quán bar trên cảng ở đó, tôi nói chuyện với một cặp khách du lịch, và họ nói rằng phía cuối Yucatan là nơi tuyệt nhất để câu cá maclin và cá cờ. Tôi chưa bao giờ câu cá ngoài khơi nên ngay lập tức thích thú với ý tưởng này. Tôi hỏi thăm và thỏa thuận với vài người đánh cá để ngày hôm sau đưa chúng tôi ra khơi bằng thuyền của họ. Chúng tôi ra bến cảng từ sớm. Mặc dù trời có vẻ sáng sủa và có nắng, nhưng người hoa tiêu từ chối đi và nói rằng có vẻ như sắp có bão.

Tôi cho rằng ông ta đang muốn vòi thêm tiền. Chúng tôi sẽ về nhà vào ngày hôm sau, vì vậy đây là cơ hội duy nhất của tôi. Rất háo hức muốn đi, tôi nói sẽ trả ông ta gấp đôi. Những người ở quán bar đã thu xếp đi cùng chúng tôi cũng nói rằng họ sẽ trả gấp đôi, và người hoa tiêu đã đổi ý. Cặp du khách đó nói đúng – chuyến câu cá thật tuyệt vời. Cá maclin và cá cờ như thể nhảy lên khỏi mặt nước đớp lấy móc câu dính mồi của chúng tôi, dù bắt được chúng khá khó khăn. Chúng tôi đã có một ngày vui chơi đầy hứng khởi. Tôi đang đùa giỡn với một chú cá maclin thì bỗng nhận thấy trời tối sầm lại. Đột nhiên, một người đánh cá dùng dao cắt dây câu của tôi và con cá maclin biến mất dưới biển sâu. Tôi hơi sốc. Chúng tôi lại thả một mẻ câu khác, nhưng tôi không thích thú gì ý nghĩ có một con cá lớn đang bơi với hàng mét dây câu. Nhưng tránh khỏi cơn bão đang đến gần là rất cấp bách nên tôi không muốn tranh cãi. Khi một cơn gió lạnh nổi lên, những người lái thuyền nổ máy để trở về. Nhưng bánh lái bị kẹt khiến chiếc thuyền không lái được và chúng tôi cứ thế quay mòng mòng. Cơn bão ngày càng mạnh, mặt biển dữ dội hơn, những cuộn sóng dữ tợn chồm lên chúng tôi. Đó là cơn bão kinh khủng nhất tôi từng trải qua. Mọi người đều nôn nao, Kristen run rẩy vì lạnh và sợ hãi, còn con thuyền chao đảo dữ dội. Tôi nghĩ rằng nó sẽ vỡ tan và chìm nghỉm.

Một giờ sau, sự dữ dội của cơn bão có vẻ đã dịu đi. Mọi thứ trở lại êm đềm, bầu trời phủ đầy thứ ánh sáng kỳ lạ đáng ngại. Thực tế, chúng tôi đang ở mắt bão và một mối đe dọa lớn hơn đang đến. Tôi nhìn chằm chằm vào đường chân trời và hoảng sợ khi thấy một đường đen kịt đang tiến lại gần trên những con sóng. Đó là bức tường phía xa của cơn bão và trông rất đáng sợ. Tôi chắc chắn rằng tất cả sẽ chết khi nó chạm đến chỗ chúng tôi.

Kristen là người Mỹ và hiểu biết về biển, nên cô ấy đã nhanh chóng tính toán xem nên ở lại trên thuyền và có thể sẽ chìm cùng nó, hay bơi về phía đất liền và may ra sẽ thoát được cơn bão. Cô ấy bơi rất giỏi, và bảo chúng tôi nên bơi về phía bờ cách đó khoảng ba cây số. Mọi người nói rằng chúng tôi thật điên rồ, nhưng chúng tôi nhất định sẽ làm như thế. Những người đánh cá bèn đưa cho chúng tôi một khúc gỗ để bám vào, rồi chúng tôi nhảy xuống biển. Đó có vẻ là một việc làm điên rồ. Từ nỗi lo bị chìm, tôi chuyển sang nỗi sợ bị cá mập ăn thịt. Chúng tôi bị cuốn xa bờ biển nhưng vẫn tiếp tục bơi, và được những con sóng khổng lồ tràn vào trước cơn bão trợ giúp.

Hai giờ sau, gần như đông cứng vì lạnh, chúng tôi nhờ sóng mà lết được lên bãi biển, rồi gục xuống ở đó vì kiệt sức. Ngay khi có thể cử động trở lại, chúng tôi loạng choạng đi qua những đầm lầy đen kịt hôi hám đến một ngôi làng để xin giúp đỡ. Chúng tôi tìm được một con thuyền lớn và quay lại biển để cứu những người còn lại, nhưng lại gặp phải một cơn bão còn lớn hơn và bị đẩy lại vào bờ. Khi bão tan, họ tìm kiếm trong hai ngày liền nhưng không tìm được gì, không một mảnh vụn hay thi thể nào. Thật kinh khủng. Chúng tôi bay về nhà, lặng im và buồn bã, còn tôi thì vật lộn với cảm giác tội lỗi.

Tôi đã có thể phải sống với cảm giác tội lỗi ấy mãi mãi. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng mình phải áp dụng logic vào vấn đề này, để có thể tiếp tục sống thoải mái, cả về tinh thần lẫn cảm xúc. Tôi tự nhủ rằng những người đánh cá đã vì tiền mà lờ đi nhận định đúng đắn của họ, dù họ không nên làm vậy. Và vấn đề chính là tình trạng của chiếc thuyền, đó không phải là lỗi của tôi. Nếu nó bị chìm gây chết người thì hành khách không có lỗi, mà là người lái hoặc người chủ của nó.

Câu chuyện về chiếc thuyền mất tích được biết đến khi cuốn tự truyện của tôi, Đường ra biển lớn , xuất bản vài năm sau. Tờ Daily Mirror đã cử một phóng viên đến Mexico tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Tôi thấy nhẹ cả người khi họ đã tìm ra chiếc thuyền và tất cả mọi người đều còn sống và khỏe mạnh. Thủy triều và gió đã kéo họ ra phía xa bờ biển, giống hệt như Kristen và tôi, nhưng họ còn đi xa hơn. Sửa thuyền mất rất nhiều thời gian, mà lại không có radio hay điện thoại để liên lạc. Sau khi chúng tôi về nhà, họ đi thuyền về cảng an toàn. Tôi không hề biết gì, và có thể đã sống trong nỗi ân hận hàng năm trời mà chẳng để làm gì.

Một bài học tôi đã học được từ trải nghiệm đó và luôn cố gắng làm theo là phải đối xử tốt với mọi người. Vào thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ, tôi nghe được một cha xứ nói chuyện trên Radio 4. Ông nói rằng nếu mọi người kết bạn với kẻ thù của mình thì thế giới này sẽ trở thành một nơi dễ chịu và yên bình. Vậy là ngày hôm sau, tôi gọi điện cho Colin Marshall, đối thủ cũ của tôi ở British Airways, và mời ông ta đi ăn trưa. Tôi không nghĩ là Colin hiểu ý định của tôi, nhưng ông ấy vẫn đến. Tôi mời ông làm chủ thầu – và đến cuối bữa ăn, chúng tôi đã trở thành bạn tốt của nhau.

Trong cuộc đời, chúng ta nên hàn gắn mối quan hệ với tất cả những người từng có hiềm khích, dù là kẻ thù không đội trời chung, và cố gắng làm bạn với họ.

Luôn sống ở tương lai có thể cản trở chúng ta y như lúc nào cũng chìm đắm trong quá khứ. Nhiều người luôn nhìn về phía trước, và dường như họ chẳng bao giờ hài lòng. Họ kiếm tìm những con đường tắt, ví dụ như trúng số. Tôi hiểu rằng mục tiêu là rất quan trọng. Tiền cũng quan trọng. Nhưng mấu chốt là tiền cũng chỉ là một phương tiện để đạt kết quả, chứ không phải là kết quả; những gì đang diễn ra ngay bây giờ cũng quan trọng không kém những gì bạn đang dự định cho tương lai. Vì vậy, dù kế hoạch những tháng tới trong cuốn sổ ghi nhớ của tôi đã kín đặc, nhưng tôi đã học được cách sống cho hiện tại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.