Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi
Chương 26
6.25.272
Thấy hoa nhãn nở, nhớ câu thơ Chế Lan Viên:
“Tháng ba vườn nở hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương
Vắng em anh chẳng ra vườn
Sợ mùi hương, sợ mùi hương nhắc mình… ”
Tập 7
4.1.3.72
Tháng 3 của em… Thế là đã 1 năm trôi qua – ở nơi xa xôi ấy em nghĩ gì?
7.4.3.72
12giờ 15
Rất lâu lạ; không viết Nhật ký – Không buồn viết – và cũng chẳng có mực mà viết – Đem đi thì sợ đổ, đến nơi ở thì chẳng có lấy chút mực gì – Thật chán quá đi thôi!
Cứ mỗi lần bỏ cái mũ ra, người ta lại oà lên kinh ngạc vì mái đầu bạc của tôi ! Sao người ta tàn nhẫn thế hở những người xung quanh? Thử giật một sợi tóc vô tình, phần lớn là tóc bạc, những sợi tóc trong trẻo, trắng muốt thế, mà lại là nỗi buồn êm dịu, nỗi buồn dai dẳng, đau đớn và dữ dội của lòng tôi? Chẳng lẽ tôi đã già đi như vậy? Già trước tuổi già trước tất cả những gì tôi đã trải qua và chưa hề trải qua?
Tôi lo lắng chút gì về bản thân, lo nhiều vì tôi chưa làm việc ra hồn, lo nhiều vì thời gian trôi đi nhanh và mất hút sau lỗ rách của mái lều – Tôi lo vì sự đói rét của gia đình, vì sự bất an của bố mẹ tôi – Tôi lo tất cả, vì từng người trong gia đình. Những người thân thích của tôi không yên ổn sống trong cuộc đời này… Thế mà những sợi tóc tưởng chừng như vô tư lự ấy, cả nó nữa cũng đem đến cho trái tim tôi một vết thương. Hôm nay mới 20 tuổi đầu đã trắng xoá cả mái tóc lẽ ra còn xanh – Vài năm nữa – Rồi sẽ ra sao? Rồi người ta sẽ nhìn tôi ra sao?
Chẳng bao giờ tôi chán nản với những ước vọng của mình – Tôi không còn muốn trở lại gặp ai nữa – Cả bố mẹ, anh chị em, cháu Hằng và cháu Phương mà tôi nhìn mặt cháu 1 loáng trong ánh sáng mờ khói – Tôi không muốn gặp lại cả Như Anh, người mà tôi hết lòng yêu quí và kính trọng, người mà tôi mang nặng trong tim suốt cuộc đời này. Tôi không muốn nói về tôi điều gì nữa cả. Tất cả cuộc sống của tôi dường như đã trở thành vô vị – Phần lớn những người bạn thân, tôi không muốn trao đổi điều gì với họ, tôi đi, im lặng… và sẽ im lặng mãi. Bây giờ tôi chỉ muốn đi chiến trường ngay – ở đó cuộc sống quí giá hơn ở đây chăng.
Không ai có thề hiểu được nỗi buồn xa xôi đang bóp nghẹt trái tim tôi. Thật quả tôi cũng không thể khẳng định được rằng tôi có đủ nghị lực để sống cô độc từ nay – Tôi biết rằng không lâu nữa, tất cả những gì mà tôi hằng ôm ấp và mơ ước tới sẽ vụt khỏi giấc mơ tôi. Bởi hai bàn tay tôi không tài nào giữ được… Sẽ mất, sẽ mất hết cả. Vậy thì giữ làm gì nữa, hở tôi?
Đừng ai xem những dòng này. Vả lại cuốn Nhật ký này chắc cũng chẳng bao giờ có ai xem được – Tôi sẽ chỉ giữ những cảm xúc này cho tới lúc tạm biệt miền Bắc thân yêu đi chiến đấu – và sẽ biến những trang giấy này thành ngọn lửa hun cay sè mắt tiễn biệt tôi – Vì chắc chắn chẳng có ai tiễn đưa tôi cả – Tôi đi và gửi tấm thân này ở một miền đất nước nào đấy mà tôi biết hoặc chưa thể biết tên.
Tôi muốn nói với Như Anh những lời da diết và êm dịu nhất. Song, em sẽ chỉ gặp tôi trong những giấc mơ thoảng qua và trong những trang thư tôi đã gần cho em. Em hay
ở xa mà mơ ước về tôi, mơ ước về một trang thanh niên khoẻ mạnh, giàu xúc cảm, giàu lòng nhân đạo và mơ ước cao xa – Em hãy làm việc say mê – Cứ như thế, em hãy nghĩ những điều tốt đẹp về tôi – người yêu em tha thiết và mãnh liệt… Tôi không muốn để lại trong đáy sâu của trái tim em hình ảnh kiệt quệ của tôi, mái tóc còn non trẻ đã lốm đốm màu sắc của già cỗi, của khô héo và của những suy tưởng ngông cuồng.
Không ai có thể khổ như tôi – Bởi những điều hằng đay nghiến và dằn vặt tôi, tôi không thể nào nói ra thành lời, không thể nào viết lên trang giấy được, dẫu những điều tôi nói, tôi viết chỉ có 1 mình tôi nghe, 1 mình tôi đọc Tôi xấu hổ với các bạn bè của tôi, tôi buồn rầu vì sự xấu hổ của bố mẹ tôi với những người xung quanh, với những người hàng xóm soi mói và lắm điều… Trời ơi, sao tôi khổ sở thế này. Sao tôi điên dại thế này. Tôi muốn nằm phục xuống đây mà khóc, nhưng cái nền đất này lại không có một chút màu gì – thành thử cái thằng người tôi cứ nguềnh ngoằng ra đấy, thật vô duyên và thô lỗ chứ!
20-3-1772
Tôi lại viết tiếp những dòng nhật ký này sau hơn nửa tháng bận rộn mệt mỏi, lo nghĩ, buồn bực và hơn hết là diết nhớ người mà tôi hằng yêu quí – Tôi cũng khôn còn nhớ rõ có phút nào tôi thanh thản, có phút nào tôi giật mình thức dậy, tôi lại đọc hàng trang những dòng thư tôi sẽ viết cho Như Anh – Tôi đã khóc trên những dòng thì thầm nóng hổi và âu yếm ấy, tôi đã khóc trên vai em, trên đôi môi cháy bỏng của em… Tôi đã đọc cho Như Anh những lời đẹp đẽ và chân thực mà lẽ ra tôi đã nói khi hai đứa cầm tay nhau đi trên đường Hà Nội, những giờ phút cuối cùng của mối tình gần gũi – Và chính những giờ phút ấy tôi lại đau đớn nghĩ rằng: Đó là đỉnh cao, đó là tận cùng hạnh phúc của đởi sống riêng tư của tôi… Chao ôi, làm sao ngày về, tôi lại được đón Như Anh, tôi lại vượt qua được biết bao ràng buộc ngăn cản tôi, để tôi đến gần, rất gần, gần hơn cả những giây phút bịn rịn trên đường Nguyễn Ái Quốc… Tôi lại mơ tiếp với em giấc mơ đẹp và giản dị mà tôi chưa bao giờ được hưởng.
Không, cuộc sống chẳng bao giờ chiều tôi cả – Tôi sẽ vĩnh viễn xa em, xa người yêu duy nhất của đởi tôi – Biết làm sao được.
Cả những trang nhật ký bây giờ cũng vá víu bằng chục, trăm, nghìn mụn vá – Mà nào những mụn vá ấy có sạch sẽ, có đẹp đẽ và đáng nhìn đâu – Tất cả đều mơ hồ, tất cả đều mòn cũ và chán ngán – Tôi không thể viết thêm được nữa – Cái chán ngán này đến bao giờ mới chấm dứt đây ôi chao, lười, lười, dốt nát, dốt nát cùng cực – Thôi lại giở thư Như Anh, dòng mùa thu ẩm ướt của đời tôi đấy – Như Anh về đây với anh nào, về đây, gần đây nữa, đừng đi nữa. nhé, em yêu của anh… Trời ơi, điên lên mất, điên lên mất thôi! Sao tôi lại trở nên dở người thế nhỉ? Tôi nhớ V.T.P nhà văn của thuốc phiện và bàn đèn… Đốt hết cả đi. Đốt đi ngay.
21/3/72
Vào rừng lấy nứa. Vào rất sâu. Qua không biết mấy đỉnh đồi um tùm và rậm rạp – Cỏ lau, những cây lạ, song, mây, cây tư me (hay chua me?) quả nhỏ, tròn, mọng – Nhấm vào thấy chát lè lưỡi, nhưng lát sau, lâu. sau thì ngọt từ trong cuống họng…
Đỉnh đồi cao, con đường mòn như thói quen, nhẵn bóng, và nhất định có nhiều người đi – Thế mà mãi tận bây giờ mình mới biết, mãi bây giờ mình mới đi.
Cả những chiếc lá rừng mình không biết tên nữa – Có chiếc lá nằm trong rừng sâu, dưới lớp đất ẩm, tối suốt, nên đen nhánh – Thời gian thật là lạ, ở cây xoan tây trên thành phố nó bước qua bằng dấu chân hoa đỏ chói – Còn ở đây, là màu đen, màu xám và mốc meo.
Mình nhìn cây mua xanh nhung mà thật cảm động. Ở rừng rú, chỉ tiếng chim lạc lõng trong cái nền âm u, rì rào như một cơn giông lớn đang ào tới, mà hoa mua nở tím cả thung lũng – Hoa mua cánh mềm, cánh mỏng như nếp áo cô gái Việt Nam chung thuỷ đợi chờ – ù, hoa mua, ở rừng thế, làm gì có hò hẹn mà cũng nở ra hoa tím, mà cũng chờ đợi và chung thuỷ
“Đất nước của tôi, mà tôi là khách lạ
Hoa tím rừng, khiến mắt rưng rưng…”
Mỗi người vác một bó lớn ra cửa rừng – Thư tỏ ra tháo vát có nhiều kinh nghiệm – chọn nứa, chặt nứa và vác nứa trong rừng – Nhưng còn ấu trĩ, khi nó chưa biết con vắt là gì Lúc xuống suối lấy nước, 3 con vắt bấu vào chân, nó cười ngặt nghẽo và thú vị nhìn cho đến khi máu tứa ra ở bàn chân, ở kẽ ngón chân. Vắt cắn rất êm. cắn rất êm…
Xếp nứa theo hình chữ A mà vác là tốt nhất, cho đầu nặng hơn, chúc xuống dưới, tránh được dây rợ lằng nhằng và nếu có ngã thì chống được ngay – Mình nhìn những chữ A lừ đừ trôi trong rừng, vừa thú vị, vừa vui, vừa khổ và nhất là rất nhớ Như Anh
– Lúc ấy chắc Như Anh không hiểu điều gì đang sống với mình đây. Nhớ Như Anh hơn cả gia đình! Không thể giấu được điều ấy.
22/3/72
Về Hà Nội, từ 6 giờ sáng – Ngồi chờ giấy công tác. Sốt ruột nhiều và cũng thú vị.
25/3/72
Chuyến đi qua Hà Nội thật thú vị. Đi ô tô Sao Đỏ – Hải Dương – Hà Nội. gần 100km. Mệt bã người, nhưng vẫn mong về nhà. ở trên cầu Long Biên, ô tô đi cùng diều với tàu hoả – Thấy Y ngồi ngặt mặt ở cái cửa sổ toa tàu – Nom nó trẻ con lạ – Không hiểu “con giời” đang nghĩ gì mà trầm tư thế.
Mình về nhà, nói chung là vui – Các em đi làm hết cả. Nên kinh tế đỡ khó khăn – chỉ buồn buồn là các em không được đi học – Thôi chẳng cần nữa vậy – Sau này, cố gắng học chứ biết làm sao – Các bạn cùng lứa tuổi mình đi bộ đội hết cả rồi – Người đi B, người đi C – và có người đã là liệt sĩ – Đất nước, có bao giờ như lúc này, lúc mà mỗi gia đình là một gia đình quân nhân = Lúc mà mỗi thanh niên đã trở thành một chiến sĩ.
Thế hệ mình, lứa tuổi mình – Các bạn ơi, đi nhé, chúng ta đi và chẳng cần chần chừ, suy tính – Ta gửi lại phía sau lưng mình tuổi thơ và cả những người thân yêu nhất…
Mình đến chơi với các bạn, và không gặp bất kỳ ai hết cả Cả Tr. nữa – định đến lấy ảnh của Như Anh – nhưng mình gặp Tr. trong hiệu sách nhân dân – Mình sững lại, rồi quay phắt đi.
Không, mình không muốn gặp Tr., không muốn gặp Tr. đâu – Mình không muốn gặp Tr. vì nó nhắc nhở hoài tới Như Anh – Tr. mặc áo trắng rất lộng lẫy – Và anh bộ đội quay đi – Gặp nó làm gì nhỉ, lấy ảnh thôi ư? Không, mình chẳng liên quan gì tới Tr. cả, chẳng liên quan gì – Nhờ Tr., thì cảm ơn Tr., có vậy thôi.
Cái gì Tr. cũng đơn giản, cũng thẳng băng – Cầm cái thư nhỏ Tr. “viết vội” (chẳng bao giờ Tr. có thời gian mà viết thư cả Tr. còn bận tiếp bạn, Tr. còn bận học ) – ừ, cầm cái thư luễnh loãng trên 1 trang giấy nhỏ mà bực mình hết sức. Đầu thư “Văn Thạc!” – Rồi sau đấy vài dòng chẳng lẽ Thạc không biết sao?”
Mình không biết nói gì, mình không biết nói gì khi linh cảm thấy rằng Tr. đang “sinh viên” với mình – ừ, đây, cái cảm giác đầu tiên mà mình lo lắng từ khi đi bộ đội đã trở thành hiện thực. Tr. mà thế, Tr., người bạn thân lắm của Như Anh. Lúc ấy mình muốn nói tha thiết với Tr.: Tr. ơi Tr. đừng như thế Tr. ạ – Tr. sung sướng được đi học, được đi học trong khi các bạn Tr. vất vả, gian khổ và để tất cả những năm tháng trẻ khỏe và đẹp nhất của mình cho cuộc chiến đấu của dân tộc – Tr. phải biết ơn – Mình không muốn và chẳng hề nói Tr. phải biết ơn mình – Mình cũng chỉ làm nhiệm vụ của lính thôi. Nhưng Tr. phải nhớ một điều: Nếu như không có chiến tranh, nếu như không đi bộ đội thì có lẽ những anh bộ đội lù lì, cục mịch, xô bồ này cũng chẳng chịu kém cỏi gì Tr. đâu, cũng chẳng chịu kém những người bạn giỏi nhất của Tr. đâu.
Nhưng thôi, chẳng nói Tr. làm gì, chẳng nói Tr. Khi mình biết rằng đang cao hơn, cao thượng và rộng lớn hơn Tr. khá nhiều – Mình chẳng cần chấp nhặt những điều nhỏ mọn ấy.
Và đây thì là Như Anh, là Như Anh mà mình nhớ đến trong từng nếp trở của mình – Như Anh mà mình cảm tình ghê gớm. Như Anh mình yêu, thương và buồn khổ.
Đọc hết 6 lá thư, mà mình muốn ngay trong đêm viết thư cho Như Anh hiểu – Ừ, 6 cái thư làm mình xúc động – Xúc động vì sung sướng, biết ơn, vì buồn và đau khổ – Không, đau khổ là nhiều thôi.
Bây giờ, nỗi nhớ đi vào chiều sâu – Và vị ngọt hút từ màu tím thuỷ chung: Ta xa nhau lắm rồi – Cả không gian lẫn thời gian và biết bao giờ mới trở lại bên nhau.
Nói chuyện với Như Anh như vậy.
Thạc giở lại tất cả thư còn giữ lại được, vừa nhận được của mọi người mà buồn hết sức – Chẳng ai hiểu mình cả.
Như Anh thương mình thật, mãnh liệt – Nhưng rồi thời gian? Không, mình không viết dòng trên đâu – Vì thế là nghi ngờ Như Anh rồi.
Đang ngủ trưa, mà những cơn gió mùa Đông Bắc còn róc lại từ mùa trước đánh thức mình dậy. Trời rất trong và sáng. Lán vặn vẹo và từ hai bên hiện ra hai khoảng trời hình tam giác, ở đó có rối loạn những cây bạch đàn xơ xác và tơi tả Bỗng nghẹn ngào nhớ đến Như Anh – Dường như Như Anh đấy với mái tóc tẽ đôi bay ngược chiều gió thổi như đang nức nở – Như Anh khóc à? Khóc thật ư, Như Anh?…
Chao ôi, từ bao giờ vậy, mình hiện ra tính ghen tuông tồi tệ Mình ghen với Liêm, Dũng, Phú và bây giờ với Lương, người mà mình hình như có biết trong trường Tổng hợp – Ừ, thì ta tưởng tượng rằng: Lương chính là người ấy Là người thâm thấp, lầm lùi và một lần mình gặp dưới cầu thang… Phải, người ấy đấy – Thật sung sướng khi Lương cũng được hưởng hạnh phúc gần gũi người mà mình hay gặp trong những giấc mơ, hay gặp trong suy nghĩ…
Thôi nhất định sẽ không viết thư cho Như Anh nữa – Dù lá thư vừa nhận được khiến mình hơi bàng hoàng – Khiến mình cảm thấy Như Anh hơi xa lạ với mình.
Thạc đừng kéo Như Anh lại nữa. Thạc để Như Anh đi đi Thạc sống một mình như vậy nhé – Hạnh phúc của đời chỉ dành cho Thạc thế mà thôi…
… Bất chợt nhìn lên vách lán. Những cây nứa tươi xanh hôm qua đan thành phên chắn gió. giờ teo, tóp lại, đe lộ từng khung vườn nhỏ, dài dài – Kia là bạch đàn, Như Anh đấy Không, phải mình không hiểu Như Anh khổ – Nhưng sao giờ đây khi đọc những dòng trách móc của Như Anh về món tiền cấp hàng tháng và món canh cà chua, với hành và mì luộc. Bỗng nhói lên, và trái tim mình như giập ứa. Đừng nói nữa Như Anh và đi đi, kẻo muộn…
Như Anh nhắc đến Hồ Tú Bảo, đến Bùi Khởi Đàm… để an ủi mình ư?
Chẳng cần đến điều ấy làm gì đâu!
Phải, giờ đây tôi ân hận rất nhiều. Tôi tự trách mình sao đã tìm đến Như Anh. Sao tôi không nghĩ rằng, đó chỉ có thể là ảo tưởng? Sao tôi đã níu chặt Như Anh khi ngày mà Như Anh đã đi xa, đi xa?
Sao đêm hôm ấy, tôi lại hôn Như Anh, cái hôn đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời tôi. Ừ, lúc ấy, thật ngượng ngùng. Có biết thế nào đâu chỉ vì yêu thương Như Anh quá chỉ vì nghĩ đến cái xa cách đáng sợ mà tôi đang chịu đựng đây…
Phải, bao nhiêu lần tôi nhủ Như Anh đừng chờ tôi làm gì nữa. Nhưng chính lúc tôi nói những điều ấy trong thư, thì tâm hồn và trái tim tôi bàng bạc một dòng tha thiết: chờ Thạc, Như Anh nhé. Chờ Thạc như cô gái Việt Nam chung thuỷ trọn đời với người yêu đi chiến đấu – chờ Thạc, như cô gái trong bài thơ của Tế Hanh: “Em chờ anh không biết có thời gian…”
Phải, lúc này tôi buồn bã vì những giây phút xúc động đã qua, tôi đã đi quá xa những ước muốn của tuổi nhỏ – Tôi đã buột ra, gọi Như Anh, gọi người tôi yêu quí bằng cái tên chung của mọi người con gái: – Em…
Và thế là hết, tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch, nhí nhảnh và đẹp lạ. Cái tuổi thơ chỉ nhiều mắng mỏ, nhiều giấc mơ quái đản, kỳ dị làm tôi giật mình – Hết tất cả rồi, khi tôi đã lớn khi tôi đã ghì chặt đôi vai tròn, thon thả và nói với người tôi yêu quí những âm điệu ngọt ngào nhất của trái tim tôi.
Như Anh bảo: Như Anh an, Như Anh không đòi hỏi điều gì khi Như Anh thực sự là của Thạc. Thế mà chỉ thiếu thư một chút, viết ngắn một chút đã dỗi… Ai sẽ dỗ Như Anh, ai sẽ viết những bức thư ngọt ngào cho Như Anh đọc khi Thạc đi vào chiến trường xa xôi?
Đòi hỏi ở bạn làm gì, khi mình đã thực sự tin yêu bạn- Khi mình thực sự muốn cho bạn sống và làm việc được nhiều.
…”Đêm trăng sáng. đêm mùa hè, trên dòng nước mênh mông long lanh mà lặng lẽ, trong tiếng hò Nghệ An mà ấm lòng:
“Anh đến với hoa thì hoa đã nở
Anh đến bến thì thuyền đã sang sông
Anh đến với em thì em đã đi lấy chồng”
Tiếng than thở của người con trai ấy nghe mênh mông làm sao, và câu hỏi buông cuối giọng hò nghe sao mà xao xuyến…và xa xa, người con gái trả lời, tiếng hò ấm mà cao, bay đến nơi đây, quấn quít:
“Hoa đến thì, thì hoa phải nở
Bến có đông thì thuyền mới sang sông
Mà em đến duyên, em phải đi lấy chồng.
Trách em sao nỡ, hỡi bạn lòng ơi..”
Mênh mông, mênh mông… ơi dòng sông quê vừa quen, vừa lạ. và làng xóm ven sông chưa đến một lần, song đó là quê đấy…
Chao ôi, đấy chính là Như Anh, dòng chữ Như Anh sắp xếp và viết trên trang giấy thân yêu – Ta như thấy sông Lam, thấy mặt sóng nghiêng mênh mông, nước trong văn vắt có con đò độc mộc và cô gái thân yêu đang cất giọng.
Bông hoa của lòng ơi, nở đi hoa… Cho con thuyền sang sông chở khách – Người khách nào ngồi đợi trên bến của sông? Và tiếng sóng cứ mênh mông lạ – Dẫu trong đáy sâu của hồn ta đang nghẹn ngào. nức nở, gọi ánh nắng mặt trời… Con thuyền dưới dáng chèo uyển chuyển của người con gái trôi êm như ru, như tiếng hát trong trẻo mà làm ta xao xuyến, làm bổi hổi cả trái tim ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.