Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi

Chương 3



3.10.1971

(Suốt đêm qua không ngủ được. Cứ thức hoài vì những cảm giác nôn nao, rạo rực. 1 giờ sáng, khuya quá rồi. Phải vào màn ngủ. Ừ, cuộc sống bên trong của con người thật kì lạ, cứ nhớ, cứ nhớ… Nhớ ai, nào biết… mà sao không ngủ được).

Rừng chẳng nên thơ như ta tưởng tượng. Cây cao, xù xì nom rờn rợn. Vực sâu, dây leo chằng chịt, chứa đựng biết bao điều bí ẩn. Cuộc sống của ta sẽ kéo dài ở đó.

Dân tộc ở đây là gì? Mán hay Thổ? Ta chỉ mong nhìn thấy một cô gái Sán Dìu, quần đỏ, giữa mênh mông đồi cây. Bỗng nhớ một câu thơ có vần: Gà đánh trống…/ Khỉ leo thang/ Có những cô nàng/ Váy đỏ yếm trắng… ” Sao lại nhớ đến câu ấy? Bạn hỏi vậy. Mình chẳng biết nữa. Hình như màu sắc, âm thanh, hình khối hoà trộn trong đó phù hợp phần nào với những cảnh mà mình đang chứng kiến.

Ai đã xây nên những đường hầm xuyên núi, bàn tay của ai đã lần lữa trên những mặt đá này. Ngồi bên cửa tàu chạy nhanh, gió thốc vào lành lạnh, cả hơi đất, hơi đá ẩm ướt, âm u. Toa tàu tối om. Không ai hé răng. Vì sợ hay vì lạ. Còn mình thì lạ, cứ thò đầu qua cửa, nhìn về phía cửa hầm. Bụi than bám đen cả mặt. Con tàu phóng thanh rung lên bần bật. Ánh nắng đây rồi, hối hả trên từng khuôn mặt. Ngoảnh lại phía sau, là ngọn đồi con tàu vừa chui qua. Vẫn cây lá ấy, bình thản vô tư lự… “Chuồn chuồn kim thân dài, cánh đỏ/ Em khâu gì trong áo xám của đồi cây… “

Có lẽ là như vậy. Yên lặng, bình thản trên đó, để dưới đáy sâu của nó, có con tàu băng băng chở đi một nguồn sinh lực mới…

Tàu ơi, cứ chạy đi, chạy nhanh đến những vùng đất nước xa xăm. Kìa là cây vào, cây bương, khác với lùm tre quen thuộc. Cái cây gì mà cao lạ lùng, trong suốt cả cuộc đời nó đã tiễn mấy chuyến tàu qua…

Bạn thì thào bên tai: Suối đấy, trong lắm. Nhưng đừng vội tắm… Ờ, dòng suối trong vắt, róc rách chảy dưới chân đồi. Những viên sỏi xanh đỏ tím vàng óng ánh đâu rồi? Mà chỉ thấy những chiếc lá úa vàng xoáy tròn và chìm nghỉm… Đám mây ơi, mây trôi về đâu? Nhắn giùm ta tới người bạn ấy, rằng: ta nhớ lắm, nhớ bồi hồi. Ta gục đầu xuống bàn… Rồi sau đó thì sao, P. không biết nữa, P. không muốn biết nữa, vì khi đó, T. gần quá, đến nỗi không thể chấp nhận được câu trả lời ấy…

Anh câu gì bên dòng suối ấy? Tôi nhìn rõ lắm sợi cước trong trong như một tia nắng cong queo trên mặt nước. Cuộc sống thanh bình biết mấy, trong một dáng văng cần, trong một bóng mát của vành mũ lá…

Lính ào qua cửa sổ, sỏi dưới chân cũng mang màu đỏ quạch của núi đồi. Nắng gắt, choang choáng. Ga này cũng không biết tên nữa. Chỉ có bưởi, quả bưởi trên rừng nhỏ như nắm tay và khô. Dùng tạm vậy. Tất nhiên là phải có tiền. Mệt, nhưng mọi người đều hồ hởi và hể hả. Khoan khoái ngồi trong bóng của ngôi nhà lợp nứa. Chẳng có nước. Trời nắng – giở bánh mì ra ăn, nghẹn lại nơi cổ họng… Tạm biệt, con tàu màu xanh, đi đi… Xa hơn nữa là Bố Hạ, cam Bố Hạ… là sông Thương… Còn ở đây, khét cháy…

Được lệnh hành quân vào rừng. Chỉ 7km thôi.

Con đường rừng đầu tiên ta đi, vai nặng ba lô mồ hôi ướt đẫm ngực, vai và sau lưng áo. Con đường dài và mất hút”.. Quay lại phía sau, cũng con đường… Con đường xa lạ và gập ghềnh…

Khiếp, ba lô chứa gì mà nặng thế, oằn cả lưng anh bộ đội. Mảnh đồi ơi, ta chưa từng quen biết, nhưng hôm nay mồ hôi ta đã nhỏ xuống đất này.

Nắng cứ chang chang, con chim gì cứ kêu làm rối lòng người. Đường dốc ngược lên trời.

Những ngọn đồi này đây, gần một thế kỷ nay, là nghĩa quân của Hùm thiêng Yên Thế.

Bà mế ơi, cây súng kíp này có phải của bố ngày xưa đóng khố theo cụ Đề đánh Pháp.

Gian nhà trống trải trơ trọi trên đồi. Nước ở đây ít lắm. Nhòm xuống giếng cứ hun hút. Em có soi gương thì đi ra suối. Cái gương giếng nhà làm chóng mặt em…

Cụ chủ già lắm rồi, mái tóc bạc trắng, da mặt hằn nếp thời gian. Cụ cởi trần trùng trục, quấn quanh mình một mảnh vải thô, hai bàn chân khoằm khoằm, đi vòng kiềng mà thật vững.

Em gái học lớp 9 trên huyện, vắng nhà… Anh biết vậy vì áo hoa xanh của em không phơi trước cửa, mà gấp ở đầu giường. Núi rừng ơi, Yên Thế… Ta yêu người vì cây chò chỉ, cây lát, cây lim sừng sững, như bộ ngực của nghĩa quân…

Ta nằm ngửa mặt cho những giọt nắng đỏ lanh tanh chạy từ kẽ lá. Gốc đa rừng, cái dốc của rừng, bàn chân nào đặt bước đầu tiên trên con đường hỏm hẻm luồn sâu trong lá để bây giờ đến lượt ta đi…

Đường dài đến thế, ta đi mãi, mải miết trèo… Chỉ thấy ba lô nặng trên vai, chỉ thấy mây trắng cuốn về phương Bắc, thấy trời xanh ngút ngàn, và rậm rì là cây, là cỏ…

Đã cuối mùa sim. Quả sim tím sẫm, ngòn ngọt. Có phải rừng chiều ta nên kéo dài mùa sim tím cho lính. Miệng cậu nào cũng lép nhép những sim. Xóm làng đây thưa thớt, mái nhà như một đốm nhỏ chìm giữa lá cây…

Rải chiếu giữa trời là cây giàng giàng. Đừng bước vội hái hoa rừng mà gai đùm đũm doạ đấy. Ta đút vội vào ngực áo những chiếc lá rừng mà ta chưa biết gọi tên. Lá héo, mà thơm, phảng phất từ đâu đấy. Bạn có biết ta yêu rừng không vậy… Ôi, cái nắng trong rừng, rưng rưng nhựa. Ai đã viết những câu thơ để bây giờ ta đọc:

“Da bàn tay thường chạm với da cây,

Khuôn mặt người chạm vào mặt lá

Rừng già ơi, rừng già kỳ lạ quá.

Không có những ngày này hồ dễ đã quen nhau…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.