Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi

Chương 32



19/4/72

Thạch Hương – Thạch Hà – Hà Tĩnh

Đi qua đây với một ước mong

Gặp em, cô TNXP bao bài thơ ca ngợi

Chẳng phai ban đêm khi nào cũng tối

Đêm Thạch Hà thao thức một vành trăng.

Ở đâu rồi em, cô TNXP Thạch Kim – Thạch Nhọn Trời Hà Tĩnh là một trời đưa đón O gái nào anh cũng ngỡ là em. Có phải em là o giao liên

Đi vội vã giữa ồn ào lính trẻ

Đêm chẳng bình yên mà yên lành là thế Quả bom lạnh lùng chúi theo dấu chân. Đường rất thơ là đường hành quân Bởi có em, đường thành trẻ lại

Đường đánh giặc chẳng bao giờ dừng lại

Đến nơi nào anh cũng thấy em.

Những con đường em mở trong đêm

Bỗng thành sáng rực

Đường em mở nơi đâu?

Cho anh biết với

Anh đi với em chẳng bao giờ biết mỏi

Cô gái đất này – Thạch Nhọn – Thạch Kim

Cô gái đất này, ơi em…

Ở đây đặc biệt có nhiều cô gái trẻ – nhiều một cách đáng ngại. Đất Thạch Hà, và Thạch Kim, Thạch Nhọn trong thơ của P.T.D còn cách đây không xa lắm! Đi đến Thạch Hà vào chập tối – làng xóm ở đây thật đẹp, nhất là vào đêm trăng sáng như đêm nay. Em nhỏ nhắc vó tôm ngoài con mương lừ đừ dọc đường đất rộng – Và khi vừa chớm đặt chân vào xóm, từ sau luỹ tre ướt át ánh trăng bỗng thon thả tiếng hát của người con gái. Tiếng hát bỗng trở nên gần gũi và quen thuộc khi ngó vào một ngôi nhà ngỏ cửa, vẫn thắp ngọn đèn con với trang vở học trò… Lại sắp thi rồi, tháng 4, mùa thi về đậu trên ngón tay em.

Đường đi trong xã thì đẹp, hàng phi lao cao, thẳng, mỗi cây treo một ngọn đèn trăng – Nhưng nhà cửa thì không gọn và đẹp lắm – Đất cát và nhiều nước, đào hầm một lát là nước ùa vào ngay thôi. Nhưng đó là mạch ngang. Bởi vậy, rất ít giếng và hồ – Gia đình mình có một con đi bộ đội – Trung sĩ Dương Nhung, vợ anh từ Bên Thuỷ sơ tán về đây, cháu còn rất nhỏ, nó nằm trên nôi tre cùng một gian với các chú bộ đội. Mỗi người qua đây trú quân ở đây đều thương và yêu nó, những bàn tay chưa hề làm bố cũng nhè nhẹ đưa nôi và ru cho cháu ngủ. Tự dưng, mình cảm thấy tha thiết muốn được như đứa bé, là cơn của người chiến sĩ, và cứ sau mỗi lần quân đi, cháu lại được lớn lên…

Ở đây có tục lệ báo động rất hay. Từ rất xa, ở những vùng gần biên giới, khi thấy có máy bay vào họ đánh trống luân phiên, xã ở trong nghe xã ngoài và cứ như thế, tinh thân đoàn kết hiệp đồng của nhân dân đã thắng cả động cơ phản lực của quân thù.

Mình cũng không ngờ rằng đến đây lại được đọc tập 1 của “Con đường đau khổ”. Tác phẩm mà Như Anh yêu và quen thuộc nhất. Song, để được đọc non nửa, mình đã phải trả một cái giá “khá đắt” – Ban ngày trời nóng như nung, đến chiều dịu dần, cua bò mát; bọn trong A hò nhau đi bắt cua và hái rau khoai về nấu canh – Chúng nó cứ tị với mình và lúc thì sai giã cua, lúc thì sai đun bếp – Mà mình chỉ mượn được cuốn sách đến tối thôi – Vậy là cáu tiết mình bảo không ăn đâu, đừng tị nạnh nữa. Và quả thực, đến bữa ăn mình chẳng thèm ăn gì đến canh cả, chúng nó mời cũng mặc, tự ái mà! Vả lại cũng vì ghét cái tị nạnh xấu xa của bọn nó – Trẻ con thật. Khổ một điều hôm ấy cơm khô khan quá, chẳng có tí tẹo canh nào. Nhưng rồi cũng chẳng chết ai, mà mình lại biết thêm được nhiều điều mới mẻ.

À, giờ đây mình mới biết Bétxônốp và Êlidavêta là ai đấy. Êlidavêta ở đây chứ không phải Êlidavêta trong “Một ổ quí tộc” của Tuốcghênhép – Êlidavêta trong Tuốc là người con gái được yêu mà không cảm thấy niềm vui – Và như vậy là đáng thương – Còn Êlidavêta trong A. T thì cũng đáng thương không kém.

Mình cảm thấy rùng mình khi nhớ lại rừng 1 lá thư của Như Anh đã nhắc đến Bétxônốp và Êlidavêta – Chẳng lẽ mình là một Bétxônốp chăng?

27/4/72

Phải hết sức trấn tĩnh, tới mới không xé hoặc không đốt đi cuốn Nhật ký này. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi sáng nay, như ngày hôm nay cả. Tôi không giải thích ra sao nữa. Người ta giải thích được cần phải trấn tĩnh mới hiểu lý do và lung tưng. Còn tôi rời rã tôi chán nản với hết thảy mọi điều, mọi thứ trên trái đất này. Phải, tôi hiểu rằng, với một người con trai đang khoẻ mạnh, đang sung sức, đang ở giữa mùa xuân của đời mình thì buồn nản, thì chán đởi là một điều xấu xa và không thể nào tưởng tượng được – Người ta đã chỉn rủa biết bao lần những thanh niên như thế – Nhưng tôi biết làm sao khi chính bản thân tôi đang buồn nản đến tận cùng này. Tôi lê gót suốt con đường mòn – Con đường mòn như chính cuộc đời tôi đang mòn mỏi đi đây – Tôi ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đang rút nước. Tôi vốc bùn và cát ở dưới lòng sông, và qua kẽ ngón tay tôi nó rớt xuống, rớt xuống. Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông.Không, chẳng có ai có thể đem lại cho tôi được chút gì niềm an ủi hay vui sướng cả. Mọi người không hiểu được tôi, mọi người gắt gỏng với tôi. Trời ơi, giá lúc này tôi có thể chết ngay đi được. Có thể quên hết nỗi phiền muộn và sầu não ngập tràn cả hồn tôi thì sung sướng biết bao. Thì sung sướng biết bao…

29.4.72

Tạm biệt! À quên, vĩnh biệt Cẩm Lạc – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh – Chắc chẳng bao giờ mình quay lại đây nữa. Tuy thế. mình đã bỏ lại đây nhiều sách vở, 16 tập thơ chứ ít ỏi gì Toàn những tập thơ đáng giữ gìn cả. Nhưng không thể đem đi được. nặng quá. Vả lại, vào gần chiến trường rồi, sắp vượt Trường Sơn, mang đi nhiều ắt cũng phải vứt đi thôi

Ở Cẩm Lạc chưa được trọn 1 tuần – Vì đến đây có hơn 3 tuần. nhưng rồi đi diễn tập và công tác ở C18 nên không ở đây nhiều Hôm qua lên C18 định học tiếp tín, nhưng rồi chẳng học gì cả. Ngủ 1 ngày trên ấy rồi về. Đeo nặng. Tạm biệt dòng sông.

30/4/72

Kỳ Tây – Kỳ Anh – đội 8. Đến lúc 2h30 sáng. Ngủ ngoài rừng, con suối nhỏ, nước đen. Con đường rải đá trắng. Dân cư thưa thớt. Rừng rậm. Cành khô, mưa buổi sáng.

Nhắc nhớ đến 29.4. Ngày ấy 1 năm trước đây đang nằm trên gác 4 trường Tổng hợp. Thế mà năm nay lại ở đây rồi. Hôm qua thứ 71 hôm nay là chủ nhật, nếu như ở nhà đi học thì đã có bao nhiêu niềm vui và nói chung là thoải mái và có thể đi dạo trên những con đường rải đá trắng; hoặc mịn cát, hay là con đường nhựa dẫn ra ngoại vi thành phố – Hoa sữa ban đêm sẽ dắt tay ta sẽ dắt lòng ta đi trên hè phố – Và chắc sẽ nghĩ một chút gì tới bài học, nóng ruột mà – Còn thì lại nhớ cô gái phố Nguyễn Du cho mà xem.

29.4.71. Cũng không thể hình dung được một năm sau đó lại thay đổi ghê gớm như vậy! “Năm nay anh đã ở gần tiền phương” quả thật kỳ lạ hết sức.

Hành quân! Hành quân!… Những đoàn quân cứ đi thoải mái và không biết bao giờ mới dừng lại, quay ra ở đội quân chủ lực, cơ động trực thuộc Bộ, không ở đâu được lâu quá 2 tháng. Cứ đi, cứ đi…

Phải cái hành quân nặng! Lần nào cũng 30kg trên vai là ít. Đất nước rộng thì đẹp và cảm thấy tự hào – Nhưng lắm lúc nguyền rủa con đường vì nó quá dài đi. Đi mãi mà không tới. Chỉ có 20km thôi mà lời động viên phải dài hơn cả 30km nữa! Phút thú vị nhất là 10 phút nghỉ giữa đường hành quân – Nằm trên đồng cỏ rộng mênh mông, có ánh sao xanh biếc, những ngôi sao biết nói – Gió từ biển xa thổi vào, qua những rặng núi xanh đã phai hết vị mặn – Mát gió đến miên man, mình cứ ao ước phút này kéo dài đi mãi, đấy là phần thưởng đối với mỗi người sau một đợt hành quân dài – Mình hay nhớ đến Như Anh nhớ đến Như Anh vào phút sung sướng ấy Anh vắng em ở chặng đường này…

Điếu thuốc hay đỏ ở phút này. Một điếu thuốc ở đây mới quí giá làm sao. Lính ngồi vòng quanh, để điếu thuốc đi vòng mấy lượt – Đầm ấm và da diết biết bao. ở đây, trên núi rừng Hà Tĩnh, người ta kề về câu chuyện tình đầy hấp dẫn của Gơrigôri và Ắcxinhia trong “Sông Đông êm đềm”. Hôm ấy ăcxinhia mặc áo và váy mới, chiếc váy hoa dành cho ngày hội, hôm nay lướt trên bờ sông Đông êm ả. Cô nhìn Gôrigôri cưỡi ngựa và cặp mắt của họ nói hết với nhau những điều thật là khó nói… Gorigôri chạy như bay xuống bờ sông, trong gió thoảng tiếng cô gái xinh đẹp cuống quít – Anh Gơrigôri, em đi được mà, em đi được mà…

Còn ở đây, lính bảo chẳng hề được gặp cô gái nào giữa những người lính đi chiến trường – Toàn lính đực! Biết làm thế nào cơ chứ! Các cô gái làm sao mà chịu đựng nổi cảnh này.

Tìm phương Bắc qua ngôi sao Bắc đẩu mờ. Và nhớ những người thân ở phương Bắc – Ngày càng đi xa. 5 thằng lính đã đảo ngũ rồi – Hèn thật!

1/5/72

1/5/70. Hai năm rồi, kể từ ngày ấy.

Đừng có nhớ vớ vẩn.

Đóng quân ở Kỳ Lâm, bên cạnh dòng suối lừ đừ. Bên cạnh ngôi trường cấp 1.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.